BÍ ẨN VỀ CON CHÓ LÚC NỬA ĐÊM

Tên sách:

BÍ ẨN VỀ CON CHÓ LÚC NỬA ĐÊM

Tác giả:

Mark Haddon

Dịch giả: Phạm Văn

Dịch từ nguyên bản tiếng Anh:

The curious incident of the dog in the night-time

Nhà xuất bản: Nhã Nam & Văn học

Nguồn:

http://www.e-thuvien.com/forums/

Nếu bạn thuộc tất cả những số nguyên tố cho tới 7057, biết tên tất cả các nước cùng thủ đô của chúng và giết thời giờ bằng cách giải phương trình bậc hai không cần giấy bút, rất có thể người ta sẽ gọi bạn là thần đồng. Nhưng nếu bạn không hiểu nổi cảm xúc của người khác mà chỉ thân thiết với động vật, chỉ thấy an toàn khi đi trên một đường nhất định, và hễ bối rối thì chúi đầu xuống đất mà rên rỉ hay đập phá đồ đạc, như Christopher John Francis Boone, thì chắc chắn người ta sẽ nhìn bạn bằng con mắt khác biệt. Nhất là khi người ta bắt gặp bạn, lúc nửa đêm, ôm con chó bị giết chết trong sân nhà hàng xóm…

Câu chuyện khó tin về cuộc điều tra của Christopher về cái chết bí ẩn của con chó hàng xóm đã trở thành một trong những cuốn tiểu thuyết lôi cuốn, khác thường và được biết đến nhiều nhất trong những năm gần đây.

“Thông thái… thú vị… Rất cảm động, rất đáng khen – và rất khôi hài.”

- Oliver Sacks

“Một truyện trinh thám khác biệt… Haddon đã trao cho nhân vật không giống ai của mình một giọng nói thuyết phục và cho cuốn truyện trinh thám một bước ngoặt hấp dẫn.”

- The Economist

“Hãy nhớ đến

Huck Finn

,

Bắt trẻ Đồng xanh

, hay những chương đầu của

David Copperfield

.”

- Houston Chronicle

“Hơn cả những tiền bối như

Âm thanh và Cuồng nộ

hay

Hoa tặng Algernon

,

Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm

là một thử nghiệm triệt để về sự thấu cảm.”

- The Village Voice

“Một câu chuyện đầy những bất ngờ táo tợn và hài hước nhẹ nhàng…”

- Milwaukee Journal Sentinel.

“Tôi chưa bao giờ đọc được cái gì từa tựa như cuốn sách thú vị và trung thực đến đau đớn của Mark Maddon, chưa bao giờ gặp một người kể chuyện sinh động và đáng nhớ đến vậy. Tôi khuyên bạn nên mua hai cuốn: bạn sẽ không muốn cho mượn cuốn của bạn đâu.”

- Arthur Golden,

tác giả

Hồi ức của một Geisha

“Rất đáng yêu…

[Haddon]

đã rọi sáng cốt tủy của sự đau đớn thông qua cái nhìn thấu triệt, tập trung mà bó hẹp của một cậu bé chẳng biết dùng từ ngữ để diễn tả những đau đớn về tình cảm.”

- Daily News

“Đánh lạc hướng độc giả rồi dắt dẫn trở lại để tạo ra hiệu quả không ngờ...

[Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm]

vừa hồi hộp vừa đau đớn đúng chết của Conan Doyle.”

- Jay Mclnerney, The New York Times Book Review.

“Lay động lòng người… hãy tưởng tượng

Âm thanh và Cuồng nộ

kết hợp với

Bắt trẻ đồng xanh

cùng một trong những câu chuyện đời thực của Oliver Sacks.”

- Michiko Kakutami,

The New York Times

“Một thành tựu tuyệt vời. anh quả là một nhà văn uyên thâm và dí dỏm kinh khủng với thiên bẩm hiếm có về thấu cẩm.”

- Ian McEwan

, tác giả

Atonement

“Khôi hài, buồn và hoàn toàn thuyết phục.”

– Time

Mark Haddon sinh năm 1962 tại

Northampton, Anh. Ông là nhà văn, minh họa cho nhiều sách thiếu nhi và kịch truyền hình. Hồi còn trẻ ông đã từng làm việc với những người bị chứng tự kỷ. Ông dạy viết văn cho Arvon Foundation và hiện sống ở

Oxford, Anh.

Tác phẩm Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm (The Curious Incident of the Dog in the night-time) đoạt giải Whitbread Book năm 2003 và giải thưởng cho tác phẩm đầu tay của Commowealth Writers.

2.

7 phút sau nửa đêm. Con chó nằm giữa bãi cỏ trước nhà bà Shears. Mắt nó nhắm. Trông như nó đang chạy nghiêng nghiêng một bên, kiểu như mấy con chó chạy khi chúng tưởng mình đang đuổi theo một con mèo lúc nằm mơ. Nhưng con chó không chạy hay đang ngủ. Con chó đã chết. Một cái bồ cào cắm vào mình nó. Răng cái bồ cào chắc phải đâm xuyên qua con chó và ghim vào đất, vì cái chĩa không đổ xuống. Tôi chắc rằng con chó có thể đã chết vì cái bồ cào vì tôi không thấy vết thương nào khác trên mình con chó, và tôi không nghĩ có ai lại đâm cái bồ cào làm vườn vào một con chó sau khi nó đã chết vì một lý do nào đó, như ung thư chẳng hạn, hay vì tai nạn xe cộ. Nhưng tôi không dám chắc về việc này.

Tôi đi qua cổng nhà bà Shears, đóng cổng lại sau lưng. Tôi bước trên bãi cỏ của bà và quỳ bên cạnh con chó. Tôi đặt tay lên mõm con chó. Nó vẫn còn ấm.

Con chó tên là

Wellington. Nó là con chó của bà Shears, bà là bạn của chúng tôi. Bà sống đối diện bên kia đường, chệch về phía trái hai căn.

Wellington

là một con chó xù. Không phải là loại chó xù nhỏ tỉa lông kiểu cách mà là chó xù lớn. Lông nó quăn màu đen, nhưng khi đến gần ta có thể thấy bên dưới bộ lông có làn da màu vàng rất nhạt, như da gà.

Tôi vừa vuốt ve

Wellington

vừa tự hỏi ai đã giết nó, và tại sao.

3.

Tên tôi là Christopher John Francis Boone. Tôi biết tất cả các nước trên thế giới và tên các thủ đô và tất cả các số nguyên tố đến 7057.

Tám năm trước, khi tôi gặp Siobhan lần đầu, cô cho tôi xem hình vẽ này

Và tôi biết nó có nghĩa là “buồn”, như tôi đang cảm thấy khi tôi tìm thấy con chó chết.

Rồi cô cho tôi xem hình vẽ này

Và tôi biết nó có nghĩa là “vui”, như khi tôi đọc về những chuyến du hành không gian trên tàu Apollo, hay khi tôi còn thức lúc 3 giờ sáng hay 4 giờ sáng và có thể đi loanh quanh trong phố và giả vờ rằng tôi là người duy nhất trên toàn thế giới.

Rồi cô vẽ một số hình khác

Nhưng tôi không thể nói những cái này có nghĩa là gì.

Tôi nhờ Siobhan vẽ rất nhiều những khuôn mặt này rồi viết bên cạnh chính xác chúng biểu đạt gì. Tôi giữ tờ giấy trong túi và khi ai đó nói điều gì mà tôi không hiểu thì tôi lại lấy ra. Nhưng rất khó quyết định hình vẽ nào giống khuôn mặt họ đang biểu lộ vì mặt người thay đổi rất nhanh.

Khi tôi nói với Siobhan rằng tôi đang làm như thế, cô lấy một cây bút chì và một tờ giấy khác ra rồi nói có lẽ nó làm cho người ta cảm thấy rất

Rồi cô cười. Vì thế tôi xé mảnh giấy ban đầu vứt đi. Và Siobhan xin lỗi. Bây giờ thì mỗi khi tôi không biết người ta đang nói gì, tôi hỏi họ muốn nói gì hoặc tôi bỏ đi.

5.

Tôi rút bỏ cái bồ cào ra khỏi con chó, nâng nó lên và ôm nó. Máu chảy ra từ các lỗ bị cái bồ cào đâm.

Tôi thích chó. Ta luôn luôn biết một con chó đang nghĩ gì. Nó có bốn trạng thái. Vui, buồn, cáu kỉnh và tập trung. Chó còn trung thành nữa, và chúng không nói dối vì chúng không biết nói.

Tôi ôm con chó được 4 phút thì nghe có tiếng hét. Tôi nhìn lên và thấy bà Shears đang từ hiên nhà chạy đến tôi. Bà mặc bộ áo ngủ và áo khoác trong nhà. Móng chân bà sơn màu hồng tươi và bà không đi giày.

Bà hét: “Mày làm cái chó gì với con chó của tao đấy?”

Tôi không thích người ta quát tôi. Điều đó làm tôi cứ sợ là họ sắp đánh tôi hay đụng vào tôi và tôi không biết việc gì sắp xảy ra.

“Buông con chó ra,” bà quát. “Vì Chúa, buông con chó khốn kiếp ra.”

Tôi đặt con chó xuống bãi cỏ và lùi lại 2 mét.

Bà cúi xuống. Tôi nghĩ bà sắp tự mình bế con chó lên, nhưng không. Có lẽ bà nhận thấy máu chảy nhiều nên không muốn bị dính bẩm. Thay vào đó, bà lại bắt đầu la hét.

Tôi lấy hai tay bịt tai và nhắm mắt và khom tới trước đến khi gập cong người, trán gí vào cỏ. Cỏ ướt và lạnh. Thật dễ chịu.

7.

Đây là một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Siobhan bảo tôi nên viết ra những gì mà chính tôi cũng muốn đọc. Tôi thường đọc sách về khoa học và toán. Tôi không thích tiểu thuyết thông thường. Trong tiểu thuyết thông thường người ta nói những chuyện như: “Tôi hằn lên những đường gân với sắt, với bạc và với những vệt bùn tầm thường. Tôi không thể co tay thành quả đấm rắn chắc mà những người không cần tác nhân kích thích sẽ làm được

[1]

.” Như thế nghĩa là gì? Tôi không biết. Cha cũng không biết. Siobhan hay thầy Jeavons cũng không. Tôi đã hỏi họ rồi.

Siobhan có mái tóc dài màu vàng và đeo kính làm bằng nhựa màu xanh lá cây. Và thầy Jeavons có mùi xà phòng và đi đôi giày nâu có khoảng 60 lỗ tròn bé tí trên mỗi chiếc.

Nhưng tôi thích tiểu thuyết trinh thám. Vì thế tôi viết một quyển tiểu thuyết trinh thám.

Trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám có người phải tìm ra kẻ sát nhân là ai và bắt họ. Đó là một câu đố. Nếu nó là một câu đố hay, đôi khi ta có thể tìm ra câu trả lời dù chưa đọc đến cuối cuốn sách.

Siobhan bảo cuốn sách nên bắt đầu bằng cái gì đó gây sự chú ý của người ta. Vì thế tôi mở đầu bằng con chó. Tôi cũng mở đầu bằng con chó vì chuyện đó đã xảy ra với tôi còn những việc không xảy ra với tôi thì tôi thấy khó tưởng tượng được.

Siobhan đọc trang đầu tiên và nói rằng nó thuộc một loại khác. Cô để mấy chữ này trong hai ngoặc kép bằng cách làm dấu nháy nháy với ngón trỏ và ngón giữa. Cô nói trong các cuốn tiểu thuyết trinh thám án mạng luôn luôn có người chết. Tôi nói rằng có hai con chó bị chết trong cuốn

Con chó săn của dòng họ Baskerville

[2]

, con chó săn và con chó tai cụp của James Mortimer, nhưng Siobhan bảo chúng không phải là nạn nhân của vụ án mạng, mà là ngài Chales Baskerville. Cô nói đó là vì độc giả chú ý đến người hơn là chó, vì thế nếu trong cuốn sách có một người bị giết thì độc giả sẽ muốn đọc tiếp.

Tôi nói tôi muốn viết về cái gì đó có thật và tôi có biết một số người đã chết nhưng tôi không biết một người nào bị giết, ngoại trừông Paulson, cha của Edward ở trường, nhưng thật ra ông ấy chết vì trượt chân chứ không phải bị giết trong một vụ án mạng, và tôi không biết ông ấy rõ lắm. Tôi cũng nói rằng tôi lưu tâm đến các con chó vì chúng thông minh và lý thú hơn một số người. Steve chẳng hạn, nó đến trường mỗi thứ Năm, nó cần người giúp cho ăn và thậm chí không tìm được một cây gậy. Siobhan yêu cầu tôi đừng nói điều này với mẹ của Steve.

11.

Rồi cảnh sát đến, tôi thích cảnh sát. Họ mặc đồng phục có số hiệu và ta biết họ đang định làm gì. Có một bà cảnh sát và một ông cảnh sát. Bà cảnh sát có một cái lỗ nhỏ trên chiếc quần bó ở chỗ mắt cá chân trái, ở giữa cái lỗ có một vết xước màu đỏ. Ông cảnh sát có một lá cây lớn màu cam dính vào đế giày thò ra bên cạnh.

Bà cảnh sát quàng tay quanh người bà Shears và dìu bà về nhà.

Tôi ngẩng đầu lên khỏi đám cỏ.

Ông cảnh sát ngồi xổm xuống bên cạnh tôi và nói: “Anh bạn trẻ, làm ơn nói cho tôi nghe chuyện gì đây?”

Tôi ngồi dậy và nói: “Con chó chết rồi.”

“Tôi thấy rồi,” ông ta nói.

Tôi nói: “Tôi nghĩ có người giết con chó.”

“Cậu bao nhiêu tuổi?” ông ta hỏi.

Tôi đáp: “Tôi 15 tuổi 3 tháng và 2 ngày.”

“Và chính xác thì cậu đang làm gì trong vườn?” ông ta hỏi.

“Tôi đang ôm con chó,” tôi đáp.

“Tại sao cậu ôm con chó?” ông ta hỏi.

Đây là một câu hỏi khó. Tôi thích làm điều đó. Tôi thích chó, tôi buồn khi thấy con chó chết.

Tôi cũng thích cảnh sát, và tôi muốn trả lời câu hỏi một cách đích đáng, nhưng ông cảnh sát không cho tôi đủ thời gian để tìm ra câu trả lời đúng.

“Tại sao cậu ôm con chó?” ông ta lại hỏi.

“Tôi thích chó,” tôi nói.

“Có phải cậu giết con chó không?” ông ta hỏi.

Tôi nói: “Tôi không giết con chó.”

“Có phải đây là cái bồ cào của cậu không?” ông ta hỏi.

Tôi nói: “Không.”

“Cậu có vẻ rất buồn vì chuyện này,” ông ta nói.

Ông ta hỏi quá nhiều câu và ông ta hỏi quá nhanh. Các câu hỏi chất đống trong đầu tôi như mấy ổ bánh mì trong xưởng chú Terry làm việc. Xưởng là lò bánh mì chú chạy máy cắt lát. Và đôi khi một máy cắt làm việc không đủ nhanh nhưng bánh mì cứ đến và xảy ra tắc nghẽn. Đôi khi tôi nghĩ trí óc mình như một cái máy, nhưng không phải lúc nào cũng như một cái máy cắt lát bánh mì. Như thế thì dễ giải thích với người khác xem điều gì đang xảy ra bên trong nó.

Ông cảnh sát nói: “Tôi sẽ hỏi cậu một lần nữa…”

Tôi lăn xuống bãi cỏ và lại gí trán lên mặt đất và làm tiếng động mà Cha gọi là rên rỉ. Tôi làm tiếng động này khi có quá nhiều thông tin từ thế giới bên ngoài xâm nhập vào đầu tôi. Giống như khi ta bực tức, ta giữ chặt chiếc radio vào tai và vặn giữa hai dải tần sóng để chỉ nghe thấy tiềng đó mà thôi và khi ấy ta biết mình an toàn vì ta không thể nghe thấy điều gì khác nữa.

Ông cảnh sát nắm lấy cánh tay tôi và kéo tôi đứng lên.

Tôi không thích ông ta đụng vào tôi như thế.

Thế nên tôi đánh ông ta.

13.

Đây không phải là một cuốn sách khôi hài. Tôi không biết nói đùa vì tôi không hiểu chúng. Chẳng hạn đây là một câu đùa. Nó là một trong những câu nói đùa của Cha

Mặt nó được vẽ nhưng tấm màn là thật[3]

.

Tôi biết tại sao nó có nghĩa khôi hài. Tôi đã hỏi. Nó khôi hài vì chữ

drawn

có ba nghĩa, đó là (1) vẽ bằng bút chì, (2) mệt mỏi, và (3) kéo qua cửa sổ, và nghĩa 1 dùng được cho cả khuôn mặt và tấm màn, nghĩa 2 chỉ nói tới khuôn mặt, và nghĩa 3 chỉ nói tới tấm màn.

Nếu tôi thử nói đùa với chính mình, làm một chữ mang ba nghĩa khác nhau cùng một lúc, thì thật là không thoải mái, khó hiểu và không thú vị giống như tiếng rè rè. Nó giống như ba người cố nói với bạn cùng một lúc về những thứ khác nhau.

Và đó là tại sao không có câu nói đùa nào trong cuốn sách này.

17.

Ông cảnh sát nhìn tôi một lúc mà không nói gì. Rồi ông nói: “Tao sẽ bắt mày vì tội tấn công cảnh sát.”

Việc này khiến tôi bình tĩnh hơn rất nhiều vì cảnh sát thường nói như vậy trên truyền hình và trong phim ảnh.

Rồi ông ta nói: “Tao thành thật khuyên chú mày nên chui vào sau xe cảnh sát, vì nếu mày định làm trò khỉ đó nữa, đồ cứt đái, tao sẽ nổi nóng thật sự. Hiểu chưa?”

Tôi bước đến chiếc xe cảnh sát đậu ngay ngoài cổng. Ông ta mở cửa sau và tôi chui vào. Ông ta leo lên ghế tài xế và gọi radio cho bà cảnh sát vẫn còn đang ở trong nhà. Ông ta nói: “Thằng nhóc khốn kiếp mới bợp tôi, Kate à. Bà ở lại với bà S. trong khi tôi thả nó ở đồn được không? Tôi sẽ bảo Tony ghé ngang đón bà.”

Và bà ta nói: “Ừ. Tôi sẽ gặp anh sau.”

Ông cảnh sát nói: “OK,” và chúng tôi lái đi.

Chiếc xe cảnh sát có mùi nhựa nóng mùi nước hoa bôi sau khi cạo râu và mùi khoai tây rán ở cửa hàng bán thức ăn mang về.

Tôi nhìn bầu trời trong khi chúng tôi lái tới trung tâm thị trấn. Đêm hôm đó trời trong và ta có thể thấy Dải ngân hà.

Một số người nghĩ Dải ngân hà là một đường dài các ngôi sao, nhưng không phải. Ngân hà của chúng ta là một cái đĩa khổng lồ gồm các vì sao cách nhau hàng triệu năm ánh sáng, và thái dương hệ nằm đâu đó gần mép bên ngoài đĩa.

Khi ta nhìn hướng A, thẳng góc 90o

với cái đĩa, ta không thấy nhiều ngôi sao. Nhưng khi nhìn hướng B, ta thấy nhiều ngôi sao hơn vì ta đang nhìn vào phần chính của ngân hà, và do ngân hà là một cái đĩa nên ta thấy một lằn các ngôi sao.

Rồi tôi nghĩ về chuyện đã từ lâu các khoa học gia lúng túng vì sự kiện bầu trời ban đêm lại tối cho dù có hàng tỉ ngôi sao trong vũ trụ và hướng nào ta nhìn cũng có các ngôi sao, do đó bầu trời đáng lẽ phải đầy ánh sao vì có rất ít thứ cản đường ánh sáng đến quả đất.

Rồi họ phát hiện ra rằng vũ trụ đang nở ra, tất cả các ngôi sao đều chạy xa nhau ra sau vụ Big Bang, và các ngôi sao càng xa chúng ta thì càng di chuyển nhanh gần bằng tốc độ ánh sáng, vì thế ánh sáng của chúng không bao giờ đến chúng ta.

Tôi thích sự kiện này. Nó là thứ mà ta có thể tự luận ra trong trí óc chính mình bằng cách chỉ cần nhìn lên bầu trời trên đầu vào ban đêm và suy nghĩ mà không cần phải hỏi ai.

Và khi vũ trụ đã ngừng giãn nở, tất cả các ngôi sao sẽ di chuyển chậm dần lại, như một quả bóng ném lên không trung, chúng sẽ ngừng hẳn lại và sẽ bắt đầu rơi xuống lại trung tâm của vũ trụ. Và khi đó sẽ không có gì ngăn cản ta thấy tất cả các ngôi sao trên thế giới vì chúng hết thảy đều di chuyển về hướng chúng ta, càng lúc càng nhanh hơn, và chúng ta sẽ biết rằng chẳng bao lâu thế giới sẽ chấm dứt vì khi ta nhìn lên bầu trời vào ban đêm sẽ không có bóng tối mà toàn là ánh sáng chói lòa của hàng tỉ tỉ ngôi sao đang rơi.

Ngoại trừ một điều là sẽ không có ai nhìn thấy việc ấy vì sẽ không còn ai trên quả đất để nhìn nó cả. Lúc ấy người ta có thể đã tuyệt chủng. Và ngay cả nếu có còn sống, họ sẽ không thấy nó vì ánh sáng quá chòi lòa, và nóng đến nỗi mọi người đều bị thiêu đốt tới chết, cho dù họ sống trong các đường hầm đi nữa.

19.

Người ta thường dùng số đếm

1, 2, 3, 4, 5, 6

vân vân cho các chương sách. Nhưng tôi quyết định đánh số các chương sách của tôi bằng các số nguyên tố

2, 3, 5, 7, 11, 13

vân vân vì tôi thích số nguyên tố.

Đây là cách tính số nguyên tố.

Trước tiên ta viết ra tất cả các số nguyên dương trên thế giới.

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

v.v.

Rồi ta lấy đi tất cả các số là bội số của 2. Rồi ta lấy đi tất cả các số là bội số của 3. Rồi ta lấy đi tất cả con số là bội số của 4 và 5 và 6 và 7 vân vân. Các con số còn lại là số nguyên tố.

2

3

5

7

11

13

17

19

23

29

30

31

37

41

43

47

Quy tắc để tìm số nguyên tố thật đơn giản, nhưng chưa có ai tìm ra một công thức đơn giản để cho ta biết một con số rất lớn nào đó có phải là số nguyên tố không hay số nguyên tố kế tiếp là số nào. Nếu một số thật thật là lớn, nó có thể bắt máy điện toán giải nhiều năm mới biết nó là số nguyên tố hay không.

Số nguyên tố có ích trong việc viết mật mã và ở Mỹ chúng được xếp vào loại Tài liệu Quân sự và nếu ta tìm thấy một số nguyên tố nhiều hơn 100 chữ số ta có thể nói cho CIA biết và họ sẽ mua nó với giá 10.000 đô la. Nhưng đó không phải là cách kiếm sống hay cho lắm.

Số nguyên tố là cái còn lại sau khi ta đã lấy hết những ô rải rác đó đi. Tôi nghĩ các số nguyên tố giống như đời sống. Chúng rất logic nhưng ta có thể không bao giờ tìm ra được các quy luật, cho dù ta dùng toàn bộ thời gian của mình để nghĩ về chúng đi nữa.

23.

Khi tôi đến sở cảnh sát, họ bắt tôi cởi dây giày ra và trút hết đồ trong túi lên bàn làm việc phía trước phòng trường hợp trong đó có cái gì mà tôi có thể dùng để tự tử hay trốn hay tấn công một viên cảnh sát. Ông trung sĩ ngồi sau bàn làm việc có bàn tay rất lông lá và ông ấy cắn móng tay đến chảy máu.

Đây là những thứ tôi có trong túi của tôi.

1.

Một con dao Quân đội Thụy Sĩ có 13 phụ tùng kể cả một cái kìm tước dây điện và một cái cưa và một cây tăm và một cái nhíp.

2.

Một mẩu dây

3.

Một mẩu gỗ lắp hình trông như thế này.

4.

Ba viên thức ăn cho con chuột Toby của tôi.

5.

1,47 £

[4]

(gồm có một đồng 1£, một đồng 20 xu, hai đồng 10 xu, một đồng 5 xu và một đồng 2 xu)

6.

Một cái kẹp giấy màu đỏ.

7.

Một chìa khóa cửa trước.

Tôi cũng có đeo đồng hồ và họ cũng muốn tôi để nó ở bàn giấy nhưng tôi nói tôi cần đeo đồng hồ vì tôi cần biết chính xác giờ giấc. Và khi họ định gỡ nó, tôi hét lên, vì thế họ để tôi giữ nó.

Họ hỏi tôi có người thân hay không. Tôi nói có. Họ hỏi tôi người thân của tôi là ai. Tôi nói đó là Cha, nhưng Mẹ đã chết. Và tôi nói có cả chú Terry, nhưng chú ở

Sunderland

và chú là em của Cha, và ông bà nội ngoại của tôi nữa, nhưng ba người đã chết. Bà nội

Burton

thì cứ ở trong nhà an dưỡng vì bà bị chứng lão suy mất trí và cứ nghĩ tôi là người nào đó trên truyền hình.

Rồi họ hỏi tôi số điện thoại của Cha.

Tôi bảo họ rằng ông có hai số, một số ở nhà và một số điện thoại di động, và tôi nói cả hai số.

Trong xà lim cảnh sát thật thích. Nó gần như một hình lập phương hoàn hảo, 2 mét dài, 2 mét rộng, 2 mét cao. Nó chứa khoảng chừng 8 mét khối không khí. Nó có một cái cửa sổ nhỏ có chấn song, và đối diện bên kia là một cánh cửa sắt có cái cửa sập cao và hẹp gần sàn nhà để đẩy khay thức ăn vào xà lim và có một cái cửa kéo trên cao để cảnh sát có thể nhìn vào để kiểm soát sao cho tù nhân không trốn hay tự tử. Cũng có một băng ghế nệm.

Tôi tự hỏi làm sao trốn thoát nếu tôi đang ở trong một câu chuyện. Khó lắm vì tôi chỉ có áo quần và đôi giày không dây.

Tôi quyết định rằng kế hoạch tốt nhất của mình là đợi đến một ngày thật nắng khi ấy tôi sẽ dùng kính đeo mắt để hội tụ ánh nắng lên một mảnh áo quần của mình rồi đốt. Rồi tôi sẽ trốn khi họ thấy có khói và đem tôi ra khỏi xà lim. Và nếu họ không chú ý, tôi sẽ có thể đái lên áo quần để dập lửa.

Tôi tự hỏi liệu bà Shears có nói với cảnh sát rằng tôi giết con

Wellington

không, và khi cảnh sát phát hiện là bà nói dối, liệu bà có đi tù không. Vì nói dối về người khác là

vu khống.

29.

Tôi thấy người ta khó hiểu.

Đây là hai lý do chính.

Lý do thứ nhất là người ta nói rất nhiều mà không dùng một lời nào. Siobhan nói nếu ta nhướng mày thì có thể có rất nhiều nghĩa khác nhau. Nó có thể có nghĩa là “tôi muốn quan hệ tình dục với bạn” mà cũng có thể có nghĩa là “tôi nghĩ điều bạn vừa nói là rất ngu xuẩn.”

Siobhan cũng bảo nếu ta ngậm miệng và thở mạnh ra đằng mũi, đó có thể có nghĩa là ta đang thư giãn hay ta chán, hay ta tức giận, và tất cả tùy theo khi ta thở thì có bao nhiêu không khí thoát ra đằng mũi và ta thở nhanh cỡ nào và lúc đó miệng ta có hình gì và ta đang ngồi ra sao và ngay trước đó ta nói cái gì và hàng trăm thứ khác rất phức tạp không thể giải đáp trong vài giây được.

Lý do chính thứ hai là người ta thường dùng các ẩn dụ. Đây là nhũng thí dụ về ẩn dụ.

Tôi cười tuột cả vớ.

Hắn là quả táo trong mắt cô ấy

[5]

.

Họ có một bộ xương trong tủ

[6]

.

Chúng tôi có một ngày như lợn.

Con chó chết như đá.

Từ

ẩn dụ

có nghĩa là mang một cái gì từ một nơi sang một nơi khác, nó có gốc từ tiếng Hy Lạp

µετα

(nghĩa là

từ một nơi đến một nơi khác

) và

φερειν

(nghĩa là

mang

), và ấy là khi ta diễn tả một sự vật nào đó bằng cách dùng từ chỉ một vật khác. Điều này có nghĩa là từ

ẩn dụ

là một ẩn dụ.

Tôi nghĩ nên gọi đó là nói dối vì một con lợn không giống như một ngày và người ta không có bộ xương trong tủ. Và khi tôi thử hình dung cụm từ trong đầu thì nó chỉ làm tôi bối rối vì việc tưởng tượng một quả táo trong mắt một người nào đó chẳng dính dáng gì tới việc rất thích người ấy và nó khiến ta quên mất người ta đang nói về cái gì.

Tên tôi là một ẩn dụ. Nó có nghĩa là

mang chúa

và nó lấy từ tiếng hy lạp

χριστος

(nghĩa là

Chúa Giêsu

) và

φεριν

và đó vốn là tên đặt cho Thánh Christopher vì ông đã mang Chúa Giêsu qua sông.

Điều này khiến ta tự hỏi người ta gọi ông ấy là gì trước khi ông ấy mang Chúa qua sông. Nhưng ông ấy chẳng được gọi là gì cả vì đây là một câu chuyện ngụy tác

[7]

, nghĩa là nó cũng là một chuyện dối trá.

Mẹ thường bảo câu chuyện có nghĩa rằng Christopher là một cái tên đẹp vì nó là một câu chuyện về lòng tử tế hay giúp người, nhưng tôi không muốn tên mình có nghĩa là một câu chuyện về lòng tử tế hay giúp người. Tôi muốn tên tôi có nghĩa là tôi.

31.

Khi Cha đến sở cảnh sát là 1 giờ 12 phút sáng. Tôi không gặp ông cho đến mãi 1 giờ 28 phút, nhưng tôi biết ông ở đấy vì tôi nghe thấy tiếng ông.

Ông quát: “Tôi muốn gặp con tôi,” và “Lý do quái nào mà nó lại bị nhốt cơ chứ?” và “Dĩ nhiên là tôi giận sôi máu.”

Rồi tôi nghe một ông cảnh sát bảo ông bình tĩnh lại. Rồi tôi không nghe thấy gì một lúc lâu.

Lúc 1 giờ 28 phút một ông cảnh sát mở cửa xà lim và bảo tôi rằng có người gặp tôi.

Tôi bước ra. Cha đang đứng trong hành lang. Ông giơ tay phải của ông lên xòe các ngón tay thành cái quạt. Tôi giơ tay trái của tôi lên và xòe các ngón tay thành cái quạt rồi chúng tôi chạm các ngón tay của chúng tôi vào nhau. Chúng tôi làm thế là vì đôi khi Cha muốn ôm tôi, nhưng tôi không thích ôm người khác vì thế chúng tôi làm vậy để thay vào, và thế có nghĩa là ông yêu tôi.

Rồi ông cảnh sát bảo chúng tôi theo ông ấy xuống cuối hành lang sang một phòng khác. Trong phòng có một cái bàn và ba cái ghế. Ông ta bảo chúng tôi ngồi xuống bên kia còn ông ngồi xuống bên này. Trên bàn có bộ máy ghi âm dùng băng từ và tôi hỏi có phải tôi sắp bị thẩm vấn và ông ta sẽ ghi âm buổi thẩm vấn không.

Ông ta nói: “Tôi không nghĩ là cần thiết.”

Ông ta là một thanh tra. Tôi biết vì ông ta không mặc đồng phục. ông cũng có một cái mũi rất lắm lông. Nó trông như thể có hai con chuột rất bé nấp trong lỗ mũi ông ta

[8]

.

Ông ta nói: “Tôi đã nói chuyện với cha cậu và ông ấy nói cậu không có ý đánh viên cảnh sát.”

Tôi không nói gì vì đây không phải là câu hỏi.

Ông ta nói: “Cậu có ý đánh ông cảnh sát không?”

Tôi nói: “Có.”

Ông ta nhăn mặt nói: “Nhưng cậu không có ý làm ông cảnh sát đau phải không?”

Tôi suy nghĩ về điều này rồi nói: “Không. Tôi không có ý làm ông cảnh sát đau. Tôi chỉ muốn ông ấy đừng đụng vào tôi nữa.”

Rồi ông ta nói: “Cậu biết đánh cảnh sát là sai, đúng không?”

Tôi nói: “Tôi biết.”

Ông ta im lặng vài giây, rồi ông ta hỏi: “Có phải cậu giết con chó không, Christopher?”

Tôi nói: “Tôi không giết con chó.”

Ông ta nói: “Cậu biết nói dối cảnh sát là sai và nếu nói dối thì cậu có thể bị rắc rối lắm không?”

Tôi nói: “Có.”

Ông ta nói: “Vậy thì cậu có biết ai giết con chó không?”

Tôi nói: “Không.”

Ông ta nói: “Cậu nói thật đấy chứ?”

Tôi nói: “Vâng. Tôi luôn luôn nói sự thật.”

Và ông ta nói: “Được. Tôi sẽ cho cậu một tờ cảnh cáo.”

Tôi hỏi: “Có phải mảnh giấy như giấy chứng nhận tôi có thể giữ hay không?”

Ông ta đáp: “Không, tờ cảnh cáo có nghĩa là chúng tôi sẽ ghi nhận trong hồ sơ về việc cậu đã làm là đánh một viên cảnh sát, nhưng chuyện đó chỉ là vô ý và cậu không có ý định làm đau ông cảnh sát.”

Tôi nói: “Nhưng đó không phải là vô ý.”

Và Cha nói: “Christopher, thôi.”

Viên cảnh sát ngậm miệng lại và thở hắt ra qua mũi và nói: “Nếu cậu dính vào chuyện rắc rối nào nữa, chúng tôi sẽ lấy hồ sơ này ra và nếu cậu đã từng bị cảnh cáo thì chúng tôi sẽ xử nặng hơn rất nhiều đó. Cậu có hiểu tôi nói gì không?”

Tôi nói: “Tôi hiểu.”

Rồi ông ta nói chúng tôi có thể đi và đứng lên mở cửa và chúng tôi bước ra hành lang và quay lại bàn làm việc phía trước, ở đó tôi lấy con dao Quân đội Thụy Sĩ và mẩu dây của tôi và mẩu gỗ lắp hình và 3 viên thức ăn cho Toby và 1.47 £ của tôi và cái kẹp giấy và chìa khóa cửa trước của tôi, tất cả nằm trong mộttúi ny lông nhỏ, và chúng tôi ra xe của Cha đậu bên ngoài, và chúng tôi lái về nhà.

37.

Tôi không nói dối. Mẹ thường bảo đó là vì tôi là người tốt. Nhưng không phải vì tôi là người tốt. Mà đó là vì tôi không thể nói dối.

Mẹ là một người nhỏ nhắn có mùi dễ chịu . Và đôi khi bà mặc bộ áo vải bông màu hồng có dây kéo phía trước và có cái nhãn hiệu nhỏ ghi chữ

Berghaus

trên ngực trái.

Nói dối là khi ta bảo điều gì đó đã xảy ra nhưng nó đã không xảy ra. Nhưng ở một thời điểm nhất định và một địa điểm nhất định thì chỉ có một điều xảy ra thôi. Và có vô số điều không xảy ra ở thời điểm đó và nơi đó. Và nếu tôi đã nghĩ về một điều đã không xảy ra thì tôi bắt đầu nghĩ về tất cả những điều khác đã không xảy ra.

Thí dụ, sáng nay trong buổi điểm tâm tôi ăn yến mạch Ready Brek và uống một ít sữa bọt nóng vị dâu. Nhưng nếu tôi nói thật ra tôi ăn món ngũ cốc Shreddies và uống một tách trà

[9]

thì tôi bắt đầu nghĩ tới món ngũ cốc Coco Pops và nước chanh và cháo và nước soda Dr Pepper và rằng tôi không ăn điểm tâm ở Ai Cập và không có con tê giác trong phòng và Cha không mặc áo lặn và vân vân, và thậm chí viết điều này cũng làm tôi cảm thấy run và hoảng sợ, như khi tôi đứng trên nóc một tòa nhà rất cao và có hàng nghìn ngôi nhà và xe cộ và người ở bên dưới và đầu tôi đầy ắp những thứ này đến nỗi tôi sợ mình sẽ quên đứng thật thẳng và bám lấy chấn song và tôi sẽ rơi xuống chết.

Đây là một lý do nữa vì sao tôi không thích tiểu thuyết thông thường, vì chúng nói dối về những thứ không xảy ra và chúng làm tôi cảm thấy run và hoảng sợ.

Và đó là tại sao mọi thứ tôi đã viết ở đây là có thật.

41.

Bầu trời có mây trên đường về nhà, vì thế tôi không thấy Dải ngân hà.

Tôi nói: “Con xin lỗi,” vì Cha đã phải đến sở cảnh sát là một việc không hay.

Ông nói: “Không sao.”

Tôi nói: “Con không giết con chó.”

Và ông nói: “Cha biết.”

Rồi ông nói: “Christopher, con phải tránh xa chuyện rắc rối, nghe chưa?”

Tôi nói: “Con không biết con sẽ bị dính vào chuyện rắc rối. Con thích

Wellington

và con đến chào nó, nhưng con không biết có người đã giết nó.”

Cha nói: “Con cố đừng chõ mũi vào việc của người khác.”

Tôi suy nghĩ một lúc rồi nói: “Con sẽ tìm ra ai giết

Wellington.”

Và Cha nói: “Con có nghe cha nói không, Christopher?”

Tôi nói: “Vâng, con đang nghe cha nói, nhưng khi có người bị giết chết thì mình phải tìm ra ai giết để chúng có thể bị trừng phạt.”

Và ông nói: “Đó là một con chó chết tiệt, Christopher, một con chó chết tiệt.”

Tôi đáp: “Con nghĩ chó cũng quan trọng.”

Ông nói: “Thôi.”

Và tôi nói: “Con tự hỏi cảnh sát có tìm ra ai giết nó và trừng phạt người đó không?”

Khi ấy Cha lấy nắm tay nện lên tay lái làm chiếc xe hơi lạng qua vạch chấm giữa đường và ông quát: “Cha bảo thôi đi mà, vì Chúa.”

Tôi có thể nói ông đang giận vì ông quát tháo, và tôi không muốn làm ông nổi giận vì thế tôi không nói thêm gì nữa đến khi chúng tôi về tới nhà.

Khi chúng tôi bước qua cửa trước, tôi đi vào bếp và lấy một củ cà rốt cho Toby và tôi lên lầu và tôi đóng cửa phòng và tôi thả Toby ra và cho nó củ cà rốt. Rồi tôi mở máy vi tính lên và chơi 76 ván

Dò mìn

và phá đảo bàn Chuyên nghiệp trong 102 giây, chỉ nhiều hơn 3 giây so với kỷ lục của tôi là 99 giây.

Lúc 2 giờ 07 phút tôi nghĩ rằng mình muốn uống nước cam vắt trước khi đánh răng và đi ngủ, vì thế tôi xuống nhà dưới đi vào bếp. Cha đang ngồi trên ghế sofa xem đánh bia trên tivi và uống rượu mạnh. Ông chảy nước mắt.

Tôi hỏi: “Cha buồn vì

Wellington

à?”

Ông nhìn tôi một lúc lâu và hít hơi vào mũi. Rồi ông nói: “Ừ, Christopher ạ, con nói thế cũng được. Con nói thế cũng được.”

Tôi quyết định để ông ngồi một mình vì khi tôi buồn tôi muốn được để yên một mình. Vì thế tôi không nói gì nữa. Tôi đi vào bếp và vắt nước cam và mang lên lầu vào phòng mình.

43.

Mẹ đã chết 2 năm trước.

Một hôm tôi từ trường về nhà và không ai mở cửa, vì thế tôi đi tìm chiếc chìa khóa bí mật chúng tôi cất dưới chậu hoa phía sau cửa bếp. Tôi tự vào nhà và tiếp tục làm chiếc xe tăng airfix

sherman

tôi đang lắp.

Một giờ rưỡi sau Cha từ nơi làm việc về nhà. Ông trông nom một cửa hiệu và ông bảo trì hệ thống sưởi và sửa chữa thùng nước nóng cùng với một người làm công tên Rhodri. Ông gõ cửa phòng tôi và mở ra và hỏi tôi có thấy Mẹ không.

Tôi nói tôi không gặp mẹ và ông xuống lầu và bắt đầu gọi vài cú điện thoại. Tôi không nghe ông nói gì.

Rồi ông lên phòng tôi và bảo ông phải đi ra ngoài một lát và không chắc là bao lâu. Ông nói nếu tôi cần gì thì gọi cho ông qua điện thoại di động của ông.

Ông đi trong 2½ tiếng. Khi ông trở lại, tôi xuống lầu. Ông ngồi trong bếp nhìn đăm đăm ra cửa sổ sau nhà trong xuống vườn tới hồ nước và hàng rào tôn múi và nóc tháp nhà thờ trên Đường Manstead trông như một tòa lâu đài vì nó xây theo kiểu Norman.

Cha nói: “Cha e là con sẽ không gặp mẹ con một thời gian.”

Ông không nhìn tôi lúc ông nói. Ông cứ nhìn ra cửa sổ.

Thông thường người ta nhìn ta khi họ nói với ta. Tôi biết rằng họ đang tìm xem tôi đang nghĩ gì, nhưng tôi không nói được họ đang nghĩ gì. Giống như đang ở trong một căn phòng có tấm gương một chiều trong phim gián điệp. Nhưng thế này lại hay, Cha nói với tôi mà không nhìn tôi.

Tôi nói: “Tại sao không?”

Ông chờ một lúc rất lâu, rồi ông nói: “Mẹ con phải vào bệnh viện.”

“Mình đến thăm mẹ được không?” Tôi hỏi, vì tôi thích bệnh viện. Tôi thích các bộ đồng phục và máy móc.

Cha nói: “Không.”

Và ông nói: “Mẹ cần nghỉ ngơi. Mẹ cần ở một mình.”

Tôi hỏi: “Có phải đó là bệnh viện tâm thần không?”

Và Cha nói: “Không. Bệnh viện thường, mẹ có vấn đề… vấn đề với tim của mẹ.”

Tôi nói: “Mình cần mang thức ăn đến cho mẹ,” vì tôi biết thức ăn có trong bệnh viện không ngon lắm. David ở trường, có lần nó vào bệnh viện mổ chân làm bắp chân dài hơn để nó có thể bước đi tốt hơn. Và nó ghét thức ăn, vì thế ngày nào mẹ nó cũng mang thức ăn vào.

Cha lại chờ một lúc lâu và nói: “Ban ngày cha sẽ mang vào cho mẹ lúc con ở trường và cha sẽ đưa cho các bác sĩ và họ có thể đưa nó cho mẹ con, OK?”

Tôi nói: “Nhưng cha không biết nấu ăn.”

Cha úp hai tay lên mặt và nói: “Christopher ơi. Nào. Cha sẽ mua thứ bán sẵn ở Marks & Spencer’s đem vào. Mẹ thích mấy thứ đó.”

Tôi nói tôi sẽ làm cho bà một tấm thiệp Chúc Khỏi Bệnh, vì đó là điều ta vẫn làm cho người khác khi họ nằm bệnh viện.

Cha nói ngày mai ông sẽ mang nó đi.

47.

Trên xe buýt đến trường sáng hôm sau chúng tôi vuợt qua 4 chiếc xe đỏ liên tiếp, có nghĩa hôm nay là Ngày Tốt, vì thế tôi quyết định sẽ không buồn vì Wellington.

Thầy Jeavons, chuyên gia tâm lý ở trường, có lần hỏi tôi tại sao có 4 chiếc xe đỏ liên tiếp làm cho hôm đó là

Ngày Tốt

, 3 chiếc xe đỏ liên tiếp là một

Ngày Khá Tốt

còn 5 chiếc xe đỏ liên tiếp là một

Ngày Siêu Tốt

, và tại sao 4 chiếc vàng liên tiếp là

Ngày Xấu

, là ngày tôi không nói chuyện với ai và ngồi lì với mấy quyển sách và không ăn trưa và

Không Mạo Hiểm

. Ông nói tôi rõ ràng là người rất logic, vì thế ông ngạc nhiên khi tôi nghĩ như thế vì nó không logic chút nào.

Tôi nói tôi thích mọi việc có thứ tự rõ ràng. Và cách để mọi việc có thứ tự rõ ràng là logic. Nhất là nếu những sự việc đó là các con số hay một lập luận. Nhưng có nhiều cách đặt mọi việc theo thứ tự rõ ràng. Và đó là tại sao tôi có

Ngày Tốt

Ngày Xấu

. Và tôi nói một số người làm việc văn phòng bước ra khỏi nhà vào buổi sáng và thấy mặt trời đang chiếu sáng và việc đó khiến cho họ cảm thấy vui, hay họ thấy trời đang mưa và việc đó làm họ cảm thấy buồn, nhưng sự khác biệt duy nhất là thời tiết và nếu họ làm việc trong văn phòng thì thời tiết chẳng dính dáng gì tới việc họ có một ngày tốt hay một ngày xấu.

Tôi nói buổi sáng khi Cha thức dậy ông luôn luôn mặc quần trước khi đi vớ và điều đó là không logic nhưng ông luôn luôn làm thế, vì ông cũng thích mọi việc có thứ tự rõ ràng. Cũng như mỗi khi lên lầu ông bước mỗi lần hai bậc, luôn luôn bắt đầu bằng chân phải.

Thầy Jeavons nói tôi là một cậu bé rất thông minh.

Tôi nói tôi không thông minh. Tôi chỉ để ý mọi việc như thế nào, và đó không phải là thông minh. Đó chỉ là có óc quan sát. Thông minh là khi ta nhìn vào sự việc và dùng cái mình nhìn thấy để tìm ra cái mới. Như vũ trụ đang nở ra, hay ai đã gây án mạng, hay nếu ta thấy tên một người và ta cho mỗi mẫu tự một số từ 1 đến 26 (

a = 1, b = 2

, vân vân) rồi cộng các con số lại trong đầu và thấy nó là số nguyên tố, chẳng hạn như

Jesus Christ

(151), hay

Scooby-Doo

(113), hay

Sherlock Holmes

(163), hay

Doctor Watson

(167).

Thầy Jeavons hỏi tôi có phải khi các sự việc luôn luôn trong thứ tự rõ ràng thì tôi cảm thấy yên tâm không, và tôi nói đúng vậy.

Rồi ông hỏi tôi có phải tôi không thích sự việc cứ thay đổi không. Và tôi nói tôi không màng sự việc thay đổi hay không nếu tôi trở thành phi hành gia chẳng hạn, đó là một trong những thay đổi lớn nhất mà ta có thể tương tượng ra, ngoài việc trở thành con gái hay là chết.

Ông hỏi tôi có muốn trở thành phi hành gia và tôi nói tôi muốn.

Ông nói trở thành phi hành gia rất khó. Tôi nói tôi biết. Ta phải trở thành sĩ quan trong lực lượng không quân và ta phải nhận rất nhiều chỉ thị và sẵn sàng giết người khác, mà tôi thì không thể nhận chỉ thị. Tôi cũng không có thị lực 20/20 mà ta cần để làm phi công. Nhưng tôi nói rằng ta vẫn có thể muốn một điều gì rất khó xảy ra.

Terry, anh của Francis ở trường, bảo tôi chỉ tìm được việc gom xe đẩy ở siêu thị hay dọn cứt lừa trong khu bảo tồn động vật mà thôi, và người ta không để mấy đứa đần lái những chiếc hỏa tiễn trị giá hàng tỉ bảng Anh. Khi tôi nói điều này với Cha, ông nói Terry ganh tị vì tôi thông minh hơn nó. Nghĩ như thế là ngu xuẩn vì chúng tôi không tranh đua với nhau. Nhưng Terry ngu,

quod erat demonstrandum

, tiếng Latin có nghĩ là

đó là điều chúng ta cần phải chứng minh

, nghĩa là

vì vậy nó đã được chứng minh

.

Tôi không phải một đứa đần, nghĩa là

người bị chứng ngu

, không như Francis là một đứa đần, và dù cho nếu tôi có thể không trở thành phi hành gia, tôi sẽ vào đại học và học toán, hay vật lý, hay vật lý và toán (là Trường Chuyên Tổng hợp), vì tôi thích toán và lý và tôi rất giỏi hai môn đó. Nhưng Terry sẽ không vào đại học. Cha nói Terry có vẻ rốt cuộc sẽ vào tù.

Terry có một hình xăm có hình trái tim với một con dao đâm qua chính giữa tim trên cánh tay.

Nhưng đây gọi là lạc đề, và bây giờ tôi sẽ quay trở lại sự kiện hôm nay là Ngày Tốt.

Vì nó là Ngày Tốt, tôi quyết định tôi sẽ thử tìm ra ai đã giết

Wellington

vì Ngày Tốt là ngày để vạch dự kiến và lập kế họach.

Khi tôi nói điều này với Siobhan, cô bảo: “Ừ, hôm nay mình định viết truyện, vậy sao em không viết về việc tìm thấy

Wellington

và đi tới sở cảnh sát đi?”

Và thế là tôi bắt đầu viết truyện này.

Và Siobhan nói cô sẽ giúp về chính tả và văn phạm và các chú thích.

53.

Hai tuần sau Mẹ chết.

Tôi không vào bệnh viện gặp bà nhưng Cha đã mang rất nhiều thức ăn mua ở Marks & Spencer’s. Ông nói bà trông tàm tạm, hình như có khá hơn. Bà nhắn bà rất yêu tôi và để tấm thiệp Chúc Khỏi Bệnh trên bàn cạnh giường bà. Cha nói bà thích nó lắm.

Tấm thiệp có hình những chiếc xe ở mặt trước. Nó trông giống thế này

Tôi làm tấm thiệp ở trường với cô Peters dạy mỹ thuật, nó cắt từ một miếng nhựa lót sàn nhà, làm bằng cách đầu tiên ta vẽ hình lên miếng nhựa sau đó cô Peters dùng con dao Stanley nhọn cắt chung quanh hình vẽ rồi ta bôi mực lên miếng nhựa và ấn nó lên tờ giấy, đó là lý do chiếc xe nào trông cũng giống nhau, vì tôi làm một chiếc và ấn nó lên giấy 9 lần. Và ý tưởng của cô Peters là làm thật nhiều xe, mà tôi cũng thích ý tưởng đó. Và tôi tô màu đỏ cho tất cả các chiếc xe để làm nó là một

Ngày Siêu Siêu Tốt

cho Mẹ.

Cha nói mẹ chết vì đau tim và việc này thật bất ngờ.

Tôi nói: “Đau tim loại nào?” vì tôi ngạc nhiên.

Mẹ chỉ mới 38 tuổi mà bệnh đau tim thường xảy ra cho người già hơn, Mẹ thì rất họat động và đi xe đạp và chỉ ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe và nhiều chất xơ và ít chất mỡ khó tiêu như thịt gà và rau và yến mạch.

Cha nói ông không biết mẹ bị loại đau tim nào và bây giờ không phải lúc hỏi những câu hỏi như thế.

Tôi nói có thể là chứng phình mạch máu.

Đau tim là khi một số cơ tim ngưng nhận máu và chết. Có hai loại đau tim chính. Loại thứ nhất là tắc mạch máu. Đó là khi một cục máu làm nghẽn một trong các mạch máu đưa máu tới các cơ tim. Và ta có thể ngăn ngừa bằng cách uống aspirin và ăn cá. Đó là tại sao người Eskimo không bị loại đau tim này, vì họ ăn cá và cá ngăn không cho máu của họ đóng cục, nhưng nếu bị cắt sâu vào da thịt thì họ có thể chảy máu đến chết.

Nhưng chứng phình mạch máu là khi một mạch máu bị vỡ và máu không đưa được tới cơ tim vì chỗ thủng. Và một số người bị phình mạch máu chỉ vì trong các mạch máu của họ có chỗ yếu, như bà Hardisty sống ở số 72 trong phố chúng tôi, bà chỉ có một đoạn yếu trong mạch máu ở cổ của bà và chết chỉ vì bà quay đầu để lùi xe vào một chỗ đậu.

Mặt khác, nó có thể là tắc mạch, vì máu của ta rất dễ đóng cục nếu ta nằm lâu một chỗ, chẳng hạn như lúc ta nằm bệnh viện.

Cha nói: “Cha xin lỗi, Christopher ạ, cha thật sự xin lỗi.”

Nhưng đó không phải là lỗi của ông.

Rồi bà Shears sang nấu bữa ăn tối cho chúng tôi. Và bà đi xăng đan và mặc quần jeans và áo thun trên áo có chữ

WINDSURF

CORFU

[10]

và hình một người lướt ván buồm.

Và Cha ngồi xuống và bà đứng cạnh ông và giữ đầu ông tì vào ngực bà mà nói: “Thôi, Ed ạ. Chúng mình sẽ giúp anh qua khỏi cảnh này.”

Rồi bà làm món mì Ý với xốt cà chua cho chúng tôi.

Và sau bữa ăn tối, bà chơi sắp chữ với tôi và tôi thắng bà 247 điểm trên 134.

59.

Tôi quyết định tôi sẽ tìm ra ai giết

Wellington

mặc dù Cha đã nói tôi đừng xen vào việc của người khác.

Đó là vì không phải lúc nào tôi cũng làm điều người khác bảo tôi.

Và đó là vì khi người khác bảo ta làm gì thì câu nói thường khó hiểu và không có ý nghĩa gì cả.

Thí dụ, người ta thường nói “Im lặng”, nhưng họ không nói ta im lặng trong bao lâu. Hay ta thấy tấm bảng ghi

ĐỪNG ĐI TRÊN CỎ

nhưng lẽ ra nó nên ghi là

ĐỪNG ĐI TRÊN CỎ CHUNG QUANH TẤM BẢNG NÀY

hay

ĐỪNG ĐI TRÊN CỎ TRONG CÔNG VIÊN NÀY

mới phải vì có nhiều chỗ ta được phép đi lên cỏ.

Hơn nữa, mọi người vi phạm luật lệ suốt. Thí dụ, Cha thường lái xe trên 30 dặm một giờ trong khu vực giới hạn 30 dặm một giờ và đôi khi ông vừa lái xe vừa uống rượu và ông thường không đeo dây an toàn trong khi lái chiếc xe tải của ông. Và trong Thánh kinh nói

Ngươi không được giết người

nhưng đã có những vụ Thập tự chinh lại còn hai trận thế chiến và Chiến tranh Vùng Vịnh và có những người Kitô giết người trong tất cả các vụ ấy.

Tôi cũng không biết Cha muốn nói gì khi ông nói “Đừng xen vào việc của người khác” vì tôi không biết ông muốn nói gì bằng mấy chữ “việc của người khác” vì tôi làm rất nhiều việc với người khác, ở trường và trong cửa hàng và trên xe buýt, và việc của ông là đến nhà người khác và sửa thùng nước nóng và máy sưởi của họ. Và tất cả những thứ này là việc của người khác.

Siobhan hiểu. Mỗi khi cô bảo tôi đừng làm điều gì, cô nói chính xác là cái gì tôi không được phép làm. Và tôi thích như thế.

Thí dụ, một bận cô nói: “Em không bao giờ được đấm Sarah hay đánh nó bằng bất cứ cách nào, Christopher. Dù nó đánh em trước thì cũng vậy. Nếu nó đánh em nữa, hãy tránh xa nó ra và đứng yên và đếm từ 1 tới 50, rồi đến nói cho cô biết là nó đã làm gì, hoặc nói cho một giáo viên trong hội đồng giáo viên biết là nó đã làm gì.”

Hay, thí dụ, một lần cô nói: “Nếu em muốn lên xích đu mà đã có người ở trên xích đu, em không bao giờ được đẩy họ xuống. Em phải hỏi họ là em có thể chơi không. Rồi em phải đợi đến khi họ chơi xong.”

Nhưng khi những người khác bảo ta không được làm cái gì, họ không nói như thế. Vì vậy tôi tự quyết định điều gì tôi sẽ làm và điều gì tôi sẽ không làm.

Tối hôm đó tôi đi vòng quanh nhà bà Shears và gõ cửa và đợi bà ra.

Khi bà mở cửa bà đang cầm tách trà và bà đi đôi dép da cừu và bà đang xem chương trình đố vui trên truyền hình vì tivi đang bật và tôi nghe tiếng người nói: “Thủ đô của Venezuela là…(a) Maracas (b) Caracas, (c) Bogotá hay (d) Georgetown,” và tôi biết là Caracas.

Bà nói: “Christopher ạ, bác thành thật không nghĩ là bác muốn gặp cháu ngay lúc này đâu.”

Tôi nói: “Cháu không giết

Wellington.”

Và bà đáp: “Cháu đến đây làm gì?”

Tôi nói: “Cháu muốn đến và nói với bà là cháu không giết Welllington. Và cháu cũng muốn tìm ra ai đã giết nó.”

Trà của bà sóng một ít ra thảm.

Tôi nói: “Bà có biết ai giết

Wellington

không?”

Bà không trả lời câu hỏi của tôi. Bà chỉ nói: “Chào Christoper,” rồi đóng cửa.

Khi ấy tôi quyết định làm một số việc điều tra.

Tôi biết bà đang nhìn tôi và đợi tôi đi khỏi vì tôi thấy bà đứng trong hành lang bên kia lớp kính mờ trên cánh cửa trước. Vì thế tôi bước xuống lối đi và ra khỏi vườn. Rồi tôi quay lại và thấy bà không còn đứng trong hành lang nữa. Khi chắc chắn không còn ai nhìn, tôi leo qua tường và bước dọc theo hông nhà vào vườn sau của bà tới chỗ nhà kho nơi bà cất tất cả dụng cụ làm vườn.

Nhà kho có khóa móc và tôi không vào trong được vì thế tôi đi vòng tới cửa sổ bên hông. Rồi tôi gặp may. Khi nhìn qua cửa sổ tôi thấy một cái bồ cào giống y như cái bồ cào đã đâm

Wellington. Nó nằm trên băng ghế bên cạnh cửa sổ và đã được lau sạch vì không có máu trên đầu mũi. Tôi cũng thấy một số dụng cụ khác, một cái thuổng và một cái cào và một cái kéo xén dài người ta dùng để cắt cành tít trên cao. Và chúng đều có cán nhựa màu xanh lục giống như cái bồ cào. Điều này có nghĩa cái bồ cào là của bà Shears. Hoặc là như thế, hoặc nó là

Vật đánh lạc hướng

, nghĩa là một manh mối đưa ta đến một kết luận sai hay một thứ gì đó giống như manh mối nhưng thật ra không phải.

Tôi tự hỏi liệu có phải chính bà Shears đã giết

Wellington

không. Nhưng nếu chính bà đã giết

Wellington, tại sao bà ra khỏi nhà la hét: “Mày làm cái chó gì với con chó của tao đấy?”

Tôi nghĩ bà Shears có thể không giết

Wellington. Nhưng người giết nó có thể đã giết nó bằng cái bồ cào của bà Shears. Và cửa kho khóa. Điều này có nghĩa đó là một người có chìa khóa nhà kho của bà Shears, hoặc bà đã không khóa nó, hoặc bà đã để cái bồ cào nằm đâu đó trong vườn.

Tôi nghe một tiếng động và quay lại thấy bà Shears đang đứng trên bãi cỏ nhìn tôi.

Tôi nói: “Cháu đến để xem cái bồ cào có trong kho không.”

Và bà nói: “Nếu cháu không đi ngay bác sẽ gọi cảnh sát.”

Thế là tôi về nhà.

Khi về đền nhà tôi chào Cha và lên lầu rồi cho con chuột Toby của tôi ăn, và cảm thấy vui vì tôi là thám tử và đang điều tra.

61.

Cô Forbes ở trường bảo khi Mẹ chết thì Mẹ lên thiên đường. Lý do là cô Forbes già lắm và cô tin ở thiên đường. Và cô mặc quần thể thao vì cô bảo nó thoải mái hơn quần thường. Và một chân cô hơi ngắn hơn chân kia vì một tai nạn xe mô tô.

Nhưng khi Mẹ chết bà không lên thiên đường vì thiên đường không có thật.

Chồng cô Peters là một cha sở, Mục sư Peters, và thỉnh thoảng ông đến trường nói chuyện với chúng tôi, và tôi hỏi ông thiên đường ở đâu thì ông nói: “Nó không ở trong vũ trụ của chúng ta. Nó là một loại chỗ hoàn toàn khác.”

Mục sư Peters đôi khi tắc lưỡi một cách buồn cười khi ông suy nghĩ. Và ông hút thuốc lá và ta có thể ngửi thấy qua hơi thở của ông và tôi không thích thế.

Tôi nói không có cái gì bên ngoài vũ trụ cả và không có một loại chỗ hoàn toàn khác nào cả. Trừ phi có thể có nếu ta đi xuyên qua lỗ đen, nhưng lỗ đen là thứ được gọi là

điểm kỳ dị

, nghĩa là không thể nào tìm ra điều gì ở bên kia lỗ đen vì trọng lực của lỗ đen lớn đến nỗi ngay cả các sóng điện từ như ánh sang cũng không thể thoát ra ngoài nó, và song điện từ là cách ta thu thập tin tức về những sự vật ở rất xa. Và nếu thiên đường ở bên kia lỗ đen, người chết phải được hỏa tiễn phóng lên không gian thì mới tới đó được, nhưng người chết không được phóng đi, nếu có thì người ta đã thấy rồi.

Tôi nghĩ người ta tin vào thiên đường vì họ không thích chuyện chết, vì họ muốn tiếp tục sống và họ không thích cái ý nghĩ sẽ có người khác dọn vào nhà của họ và vứt đồ đạc của họ vào đống rác.

Mục sư Peters nói: “Ôi dào, khi ta nói thiên đường ở ngoài vũ trụ, thật ra đó chỉ là một cách nói thôi. Ý ta muốn nói là họ ở với Chúa.”

Và tôi nói: “Nhưng Chúa ở đâu?”

Và Mục sư Peters nói chúng ta sẽ nói về chuyện đó hôm khác khi nào ông có nhiều thời giờ hơn.

Điều thực sự xảy ra khi ta chết là óc ta ngừng làm việc và cơ thể ta thối rữa, như Thỏ khi nó chết và chúng tôi chôn nó dưới đất ở cuối vườn. Và tất cả phân tử của nó biến thành các phân tử khác và chúng đi vào đất và bị sâu ăn và đi vào trong cây cối và nếu chúng ta đào đúng chỗ đó 10 năm sau thì sẽ không còn lại gì ngoại trừ bộ xương của nó. Và 1.000 năm nữa thì ngay cả bộ xương của nó cũng tiêu tan. Nhưng như thế cũng được vì bây giờ nó là một phần của bông hoa và cây táo và bụi táo gai.

Khi người ta chết đôi khi họ được đặt vào quan tài, nghĩa là họ sẽ không trộn lẫn với đất trong một thời gian rất dài đến khi gỗ quan tài mục ruỗng.

Nhưng Mẹ được thiêu. Điều này có nghĩa là bà được đặt trong một cỗ quan tài và thiêu và nghiền và biến thành tro và khói. Tôi không biết tro thì làm gì và tôi không thể hỏi ở nơi hỏa táng vì tôi không đi dự đám tang. Nhưng khói bay ra khỏi ống khói vào không khí và đôi khi nhìn lên bầu trời và tôi nghĩ có những phân tử của Mẹ trên đó, hay trong những đám mây ở châu Phi hay Nam cực, hay rơi xuống theo mưa trong những khu rừng mưa nhiệt đới ở Brazil, hay trong tuyết ở nơi nào đó.

67.

Hôm sau là thứ Bảy và không có nhiều việc để làm vào ngày thứ Bảy trừ phi Cha đưa tôi ra ngoài tới chơi hồ chèo thuyền hay tới vườn cây, nhưng thứ Bảy này Anh đá với Romania, nghĩa là chúng tôi sẽ không đi ra ngoài chơi vì Cha muốn xem trận đấu trên truyền hình. Vì thế tôi quyết định tự mình điều tra thêm.

Tôi quyết định sẽ đi hỏi một số người sống trên con đường của chúng tôi xem họ có thấy ai giết

Wellington

hay họ có thấy điều gì lạ xảy ra trong phố vào tối thứ Năm không.

Nói chuyện với người lạ không phải là điều tôi hay làm. Tôi không thích nói chuyện với người lạ. Đây không phải là vì

Ông Ba Bị

, như họ kể với chúng tôi ở trường, là khi một ông lạ mặt cho ta cây kẹo hay đi nhờ xe ô tô vì ông ấy muốn quan hệ tình dục với ta. Tôi không lo việc đó. Nếu một ông lạ mặt đụng vào tôi thì tôi sẽ đánh ông ta, và tôi có thể đánh rất mạnh. Thí dụ khi Sarah giật tóc tôi, tôi đánh nó đến bất tỉnh và nó bị chấn động và người ta phải đưa nó vào Phòng Tai nạn Cấp cứu ở bệnh viện. Và tôi cũng luôn mang theo con dao Quân đội Thụy Sĩ trong túi và nó có một lưỡi cưa có thể cắt đứt ngón tay người ta.

Tôi không thích người lạ vì tôi không thích người tôi chưa bao giờ gặp. Họ khó hiểu. Giống như ở Pháp, nơi thỉnh thoảng chúng tôi đi cắm trại vào dịp nghỉ hồi Mẹ còn sống. Và tôi ghét Pháp vì nếu ta vào cửa hiệu hay quán ăn hay ra bãi biển ta không thể hiểu người ta nói gì, thật đáng sợ.

Tôi phải mất một thời gian rất lâu mới quen được với những người tôi không biết. Thí dụ, khi ở trường có một giáo viên mới trong hội đồng giáo viên, suốt tuần này sang tuần khác tôi không nói gì với họ. Tôi chỉ nhìn họ cho đến khi tôi biết rằng có thể tin cậy họ. Rồi tôi hỏi họ những câu hỏi về bản thân họ, như họ có nuôi thú cưng không và họ thích màu gì và họ biết gì về các phi thuyền không gian Apollo, tôi bảo họ vẽ sơ đồ nhà họ và tôi hỏi họ lái xe loại nào, thế là tôi biết họ. Khi ấy nếu tôi ở trong cùng một phòng với họ và tôi không cảm thấy khó chịu và cũng không phải coi chừng họ mãi.

Vì thế nói chuyện với người khác trong phố của chúng tôi là can đảm lắm. Nhưng nếu ta sắp đi điều tra thì ta phải can đảm, vì thế tôi không còn lựa chọn nào khác.

Trước tiên tôi vẽ sơ đồ chỗ khu phố chúng tôi, Đường

Randolph, như thế này.

Rồi tôi kiểm xem tôi có con dao Quân đội Thụy Sĩ trong túi không và sau đó tôi đi ra và gõ cửa nhà số 40, đối diện với nhà bà Shears, nghĩa là rất có thể họ có thấy điều gì. Người sống ở số 40 là Thompson.

Ông Thompson mở cửa. Ông mặc áo thun ghi chữ

BIA

2000 năm giúp người xấu xí

có quan hệ tình dục

Ông Thompson nói: “Cậu cần gì?”

Tôi nói: “Ông có biết ai giết

Wellington

không?”

Tôi không nhìn vào mặt ông. Tôi không thích nhìn vào mặt người khác, nhất là người lạ. Ông không nói gì trong vài giây.

Rồi ông hỏi: “Cậu là ai?”

Tôi nói: “Tôi là Christopher Boone ở số 36 và tôi biết ông. Ông là ông Thompson.”

Ông ta nói: “Tôi là em của ông Thompson.”

Tôi nói: “Ông có biết ai giết

Wellington

không?”

Ông ta nói: “Wellington

là đứa khốn kiếp nào?”

Tôi nói: “Là con chó của bà Shears. Bà Shears ở số 41.”

Ông ta nói: “Có người giết con chó của bà ấy à?”

Tôi nói: “Bằng cái bồ cào.”

Ông ta nói: “Chúa ơi.”

Tôi nói: “Cây bồ cào làm vườn,” phòng trường hợp ông ta nghĩ tôi nói cái nĩa

[11]

dùng để ăn. Rồi tôi nói: “Ông có biết ai giết nó không?”

Ông ta nói: “Tôi chả có manh mối khỉ khô gì hết.”

Tôi nói: “Ông có thấy điều gì khả nghi tối thứ Năm không?”

Ông ta nói: “Này, cậu bé, thật tình cậu nghĩ cậu nên đi lòng vòng hỏi mấy cây hỏi như vậy hả?”

Và tôi nói: “Vâng, vì tôi muốn tìm ra ai giết

Wellington, và tôi đang viết một cuốn sách về nó.”

Và ông ta nói: “Được rồi, thứ Năm tôi ở

Colchester, vì vậy cậu hỏi sai người rồi.”

Tôi nói: “Cám ơn ông,” rồi đi.

Nhà số 42 không ai trả lời.

Tôi đã gặp những người sống ở số 44, nhưng tôi không biết tên của họ. Họ là người da đen là một ông và một bà với hai đứa trẻ, một trai và một gái. Người đàn bà mở cửa. Bà mang đôi bốt như giày ủng quân đội và đeo 5 cái vòng kim loại màu bạc trên cổ tay và chúng kêu chói tai. Bà nói: “Christopher đấy phải không?”

Tôi nói phải, và tôi hỏi bà có biết ai giết

Wellington

không. Bà biết

Wellington

là ai và vì thế tôi không phải giải thích, và bà đã nghe chuyện nó bị giết chết.

Tôi hỏi bà có thấy điều gì đáng nghi hôm tối thứ Năm mà có thể là manh mối không.

Bà nói: “Chẳng hạn như cái gì?”

Và tôi nói: “Như những người lạ. hay như tiếng người cãi nhau.”

Nhưng bà nói bà không thấy.

Khi ấy tôi quyết định làm điều gọi là

Thử hướng khác

, và tôi hỏi bà có biết ai muốn làm bà Shears buồn không.

Và bà nói: “Có lẽ cháu nên nói chuyện với cha cháu về việc này.”

Và tôi giải thích rằng tôi không thể hỏi cha tôi vì cuộc điều tra này là bí mật vì ông đã bảo tôi đừng xen vào việc của người khác.

Bà nói: “Vậy thì có lẽ ông ấy có lý, Christopher à.”

Và tôi nói: “Thế bà không có chút manh mối nào.”

Và bà nói: “Không,” rồi bà nói: “Cẩn thận đấy nhé, chú bé.”

Tôi nói tôi sẽ cẩn thận rồi tôi nói cảm ơn bà đã giúp trả lời các câu hỏi của tôi và đi đến số 43, nhà kế bên nhà bà Shears.

Những người sống ở số 43 là ông Wise và mẹ đẻ ông Wise, bà ngồi xe lăn, đó là lý do ông sống với bà, để ông có thể đưa bà đi mua sắm và lái xe đưa bà đi chơi.

Ông Wise là người ra mở cửa. Ông có mùi mồ hôi và mùi bánh thiu và mùi ngô rang, những mùi bám trên người ta nếu ta lâu ngày không tắm rửa, như mùi của Jason ở trường vì gia đình nó nghèo.

Tôi hỏi ông Wise ông có biết ai đã giết

Wellington

hôm tối thứ Năm không.

Ông nói: “Quỷ thần ơi, cảnh sát thiệt tình càng ngày càng trẻ đi á.”

Rồi ông cười. Tôi không thích người ta cười tôi, vì thế tôi quay lưng bước đi.

Tôi không gõ cửa số 38, căn nhà cạnh nhà chúng tôi, vì những người ở đó dùng ma túy và Cha bảo tôi đừng bao giờ nói chuyện với họ, vì thế tôi không đến. Và ban đêm họ để nhạc lớn tiếng và thỉnh thoảng họ làm tôi hoảng sợ khi tôi gặp họ trên đường. Và đó không hẳn là nhà của họ.

Rồi tôi thấy bà cụ sống ở số 39, sát phía bên kia nhà bà Shears bà đang cắt bờ giậu vườn trước bằng một cái máy xén chạy điện. Tên bà là bà Alexander. Bà có một con chó. Nó thuộc giống chó chồn

[12]

, vì thế có thể bà là người tốt vì bà thích chó. Nhưng con chó không ở trong vườn với bà. Nó đang ở trong nhà.

Bà Alexander mặc quần jeans và đi giày thể thao mà người già thường ít khi dùng. Và có bùn dính trên quần. Và đôi giày thể thao hiệu New Balance. Và dây giày màu đỏ.

Tôi tiến về phía bà Alexander và nói: “Bà có biết gì về việc

Wellington

bị giết không?”

Khi ấy bà tắt cái máy xén chạy điện và nói: “Cháu phải nói lại cho bà nghe. Bà hơi lãng tai.”

Vì thế tôi nói: “Bà có biết gì về việc

Wellington

bị giết không?”

Và bà nói: “Hôm qua bà có nghe thấy. Dễ sợ. Dễ sợ quá.”

Tôi nói: “Bà có biết ai giết nó không?”

Và bà nói: “Không, bà không biết.”

Tôi đáp: “Phải có người biết vì người giết Wellingotn biết là họ giết

Wellington. Trừ phi họ là người điên và không biết mình làm gì. Hay trừ phi họ bị chứng quên.”

Và bà nói: “Ừ, bà nghĩ cháu có thể đúng.”

Tôi nói: “Cảm ơn bà đã giúp cho việc điều tra của cháu.”

Và bà nói: “Cháu tên Christopher nhỉ.”

Tôi nói: “Vâng. Cháu sống ở số 36.”

Và bà nói: “Trước kia mình chưa nói chuyện với nhau bao giờ nhỉ.”

Tôi nói: “Vâng. Cháu không thích nói chuyện với người lạ. Nhưng bây giờ cháu đang làm việc điều tra.”

Và bà nói: “Bà thấy cháu mỗi ngày, khi cháu đi đến trường.”

Tôi không trả lời câu này.

Và bà nói: “Cháu đến chào bà là ngoan lắm.”

Tôi cũng không trả lời câu này vì bà Alexander đang làm cái gọi là tán gẫu, khi người ta nói với nhau những câu không phải là câu hỏi và câu trả lời và không dính dáng với nhau.

Rồi bà nói: “Dù cho là chỉ vì cháu đang làm việc điều tra.”

Và tôi nói: “Cảm ơn bà” một lần nữa.

Và tôi sắp quay bước đi thì bà nói: “Bà có một đứa cháu trai bằng tuổi cháu.”

Tôi cố tán gẫu bằng cách nói: “Cháu 15 tuổi 3 tháng và 3 ngày.”

Và bà nói: “À, gần bằng tuổi cháu.”

Rồi chúng tôi không nói gì một lúc đến khi bà nói: “Cháu không nuôi chó phải không?”

Và tôi nói: “Không.”

Bà nói: “Chắc cháu cũng muốn có một con chó nhỉ.”

Và tôi nói: “Cháu có một con chuột.”

Và bà nói: “Một con chuột à?”

Và tôi nói: “Nó là con Toby.”

Và bà nói: “Ồ.”

Và tôi nói: “Phần lớn mọi người không thích chuột vì họ nghĩ chúng mang bệnh như bệnh dịch hạch. Nhưng đó là vì chúng sống trong cống rãnh và đi theo tàu thủy từ nước ngoài đến mà ở mấy xứ đó có những chứng bệnh lạ. Nhưng chuột rất sạch. Toby luôn luôn tự tắm rửa. Và mình không phải dắt nó ra ngoài đi bộ. Cháu chỉ việc cho nó chạy quanh phòng cháu để nó tập thể dục. Và thỉnh thoảng nó ngồi trên vai cháu hay nấp trong tay áo cháu như nấp trong hang. Nhưng loài chuột vốn bản chất không sống trong hang.”

Bà Alexander nói: “Cháu muốn vào uống trà không?”

Và tôi nói: “Cháu không vào nhà người khác.”

Và bà nói: “Được rồi, bà mang vài thứ ra đây vậy. Cháu có thích nước chanh vắt không?”

Tôi đáp: “Cháu chỉ thích nước cam vắt.”

Và bà nói: “Thật may bà cũng có một ít. Battenberg nữa nhé?”

Và tôi nói: “Cháu không biết vì cháu không biết Battenberg là gì.”

Bà nói: “Một loại bánh. Nó có bốn ô màu hồng và màu vàng ở giữa và xung quanh bốn cạnh thì có kem hạnh nhân.”

Và tôi nói: “Có phải là cái bánh dài cắt ngang từng miếng chia thành bốn hình vuông bằng nhau có màu khác nhau?”

Và bà nói: “Đúng, bà nghĩ cháu tả như thế cũng được.”

Tôi nói: “Cháu nghĩ cháu thích các ô màu hồng nhưng không thích các ô màu vàng vì cháu không thích màu vàng. Và cháu không biết hạnh nhân là gì, vì thế cháu không biết liệu cháu có thích nó không.”

Và bà nói: “Bà e là hạnh nhân cũng màu vàng. Có lẽ bà mang ra vài cái bánh quy vậy. cháu thích bánh quy chứ?”

Và tôi nói: “Vâng. Một số loại bánh quy.”

Và bà nói: “Bà sẽ mang nhiều loại.”

Rồi bà quay vào nhà. Bà di chuyển rất chậm vì bà là một bà cụ già và bà vào nhà mất hơn 6 phút và tôi bắt đầu lo vì tôi không biết bà đang làm gì trong nhà. Tôi không biết bà đủ rõ để biết liệu bà có nói thật về nước cam vắt và bánh Battenberg hay không. Và tôi nghĩ có thể bà đang gọi điện cho cảnh sát nếu vậy thì tôi sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng hơn rất nhiều vì đã có tờ cảnh cáo rồi.

Vì thế tôi bỏ đi.

Và khi tôi đang băng qua đường tôi bất chợt nghĩ ra ai có thể đã giết

Wellington. Tôi đang tưởng tượng một Chuỗi Lập Luận trong đầu như thế này

1.

Tại sao bạn giết một con chó?

a)

Vì bạn ghét chó.

b)

Vì bạn điên

c)

Vì bạn muốn làm bà Shears đau khổ

2.

Tôi không biết ai ghét

Wellington, vì thế nếu là

(a)

thì có thể là một người lạ.

3.

Tôi không biết ai điên, vì thế nếu là

(b)

thì cũng có thể là một người lạ.

4.

Hầu hết các vụ án mạng đều do một kẻ có biết nạn nhân gây ra. Thật vậy, rất có thể bạn bị giết chết vì một nguời trong chính gia đình của bạn vào ngày Giáng Sinh. Đây là thực tế. Do đó

Wellington

rất có thể bị giết chết vì một người biết nó.

5.

Nếu là

(c)

tôi chỉ biết một người không thích bà Shears, và đó là ông Shears, người biết

Wellington

rất rõ.

Điều này nghĩa là ông Shears là

Nghi Phạm Chính

của tôi.

Ông Shears đã từng kết hôn với bà Shears và họ sống chung với nhau cho đến hai năm trước đây. Rồi ông Shears bỏ đi và không quay về. Đó là lý do bà Shears qua nấu nướng rất nhiều lần cho chúng tôi sau khi Mẹ chết, vì bà không phải nấu ăn cho ông Shears nữa và bà không phải ở nhà làm vợ ông ấy. Và Cha cũng nói bà cần bạn và không muốn ở một mình.

Và thỉnh thoảng bà Shears ở lại qua đêm trong nhà chúng tôi và mỗi khi bà ở lại thì tôi thích vì bà khiến mọi thứ đều gọn ghẽ và bà sắp xếp nồi niêu xoong chảo và chai lọ theo thứ tự cao thấp trên các ngăn kệ trong bếp và bà luôn luôn để nhãn của chúng quay ra ngoài và bà cất dao và nĩa và thìa vào đúng các ngăn trong ngăn để dao kéo. Nhưng bà hay hút thuốc lá và bà nói nhiều thứ tôi không hiểu, thí dụ như: “Tôi đi chui vào ổ rơm,” và “Bọn khỉ trơ tráo ngoài ấy,” và “Mình quấy quá mấy thứ bỏ bụng đi nào.” Và khi bà nói những câu như vậy thì tôi không thích vì tôi không biết bà nói gì.

Và tôi không biết tại sao ông Shears bỏ bà Shears vì không ai nói cho tôi. Nhưng ta lập gia đình và vì ta muốn sống chung với nhau và có con, và nếu kết hôn trong nhà thờ thì ta phải hứa là sẽ ở với nhau đến khi chết. Và nếu không muốn sống chung với nhau ta phải ly dị vì đó là vì một trong hai người có quan hệ tình dục với người khác hay vì ta cãi nhau và ta ghét nhau và ta không muốn sống chung một nhà và có con nữa. Và ông Shears không muốn sống trong một nhà với bà Shears nữa do đó ông ấy có thể ghét bà và có thể ông ấy đã quay lại và giết con chó của bà để làm bà buồn.

Tôi quyết định thử tìm hiểu thêm về ông Shears.

71.

Tất cả những đứa trẻ con khác ở trường tôi đều ngu đần. Nhưng tôi không có ý gọi tụi nó là ngu đần, mặc dù chúng quả là như vậy. Tôi có ý nói tụi nó học hành khó khăn hay tụi nó có những nhu cầu đặc biệt. Nhưng nói như thế làngu, vì ai chẳng gặp khó khăn trong việc học hành vì học nói tiếng Pháp hay thông hiểu thuyết tương đối là khó và ai cũng có nhu cầu đặc biệt, chẳng hạn như Cha phải mang theo bên mình một gói nhỏ các viên thuốc ngọt nhân tạo để pha vào cà phê vì ông không muốn bị béo, hay cô Peters đeo cái máy trợ thính màu vàng nhạt, hay Siobhan có cặp kính dày đến nỗi nếu mượn đeo thử thì nó làm mình thấy nhức đầu, và không ai trong số họ là Người Có Nhu Cầu Đặc Biệt

[13]

, cho dù họ có nhu cầu đặc biệt.

Nhưng Siobhan bảo chúng ta phải dùng những từ này vì hồi xưa người ta thường gọi trẻ con như bọn trẻ ở trường là

đần

tàn tật

đao

, là những từ xấu. Nhưng nói như thế cũng ngu, vì đôi khi tụi trẻ con trong trường ở cuối phố gặp chúng tôi trên đường lúc chúng tôi xuống xe buýt thì chúng hét lên: “Nhu Cầu Đặc Biệt! Nhu Cầu Đặc Biệt!” Nhưng tôi không để ý vì tôi không nghe điều người khác nói và chỉ có gậy với đá mới có thể làm gãy xương tôi và tôi lại có con dao Quân đội Thụy Sĩ nếu người ta đánh tôi và nếu tôi giết họ thì đó là tự vệ và tôi sẽ không vào tù.

Tôi sẽ chứng minh là tôi không ngu đần. Tháng sau tôi sẽ thi toán trình độ A

[14]

và tôi sẽ lấy điểm A. Trước kia chưa ai trong trường tôi thi trình độ A, và bà hiệu trưởng Gascoyne lúc đầu không muốn tôi thi. Bà nói họ không có điều kiện cho chúng tôi thi trình độ A. Nhưng Cha cãi nhau với bà Gascoyne và ông cáu lắm. Bà Gascoyne nói họ không muốn đối xử với tôi khác mọi người trong trường vì khi đó ai cũng sẽ muốn được đối xử khác và nó sẽ thành một tiền lệ. Và tôi vẫn có thể thi trình độ A sau này, lúc 18 tuổi.

Tôi ngồi trong văn phòng bà Gascoyne với Cha khi bà nói những lời này. Và Cha nói: “Christopher đã bị đủ chuyện vớ vẩn rồi, bà biết không, không cần bà đứng tuốt trên cao ị xuống nó nữa. Chúa ơi, đây là một môn nó thực sự giỏi mà.”

Khi ấy bà Gascoyne bảo bà và Cha nên nói chuyện này riêng với nhau vào một lúc khác. Nhưng Cha hỏi bà có phải bà muốn nói điều gì mà nếu nói trước mặt tôi thì bà sẽ ngượng không, và bà nói không, vì thế ông nói: “Vậy thì nói ra bây giờ đi.”

Và bà nói nếu thi trình độ A thì sẽ phải có một giáo viên trong hội đồng trông thi cho một mình tôi trong phòng riêng. Và Cha nói ông sẽ trả 50£ cho người nào làm việc đó sau giờ học và ông không muốn nghe câu trả lời không. Và bà bảo bà sẽ suy nghĩ về việc đó. Và tuần sau bà gọi điện đến nhà cho Cha và bảo ông rằng tôi có thể đi trình độ A và Mục sư Peters sẽ là cái được gọi là giám thị phòng thi.

Và sau khi tôi thi toán trình độ A tôi sẽ thi toán cao cấp và vật lý trình độ A và khi ấy tôi có thể đi học đại học. Thị trấn

Swindon

của chúng tôi không có trường đại học vì nó là một nơi nhỏ. Vì thế chúng tôi sẽ phải chuyển đến một thị trấn khác có trường đại học vì tôi không muốn sống một mình hay trong cùng một nhà với các sinh viên khác. Nhưng sẽ ổn thôi vì Cha cũng muốn chuyển đến một thị trấn khác. Đôi khi ông nói những điều như: “Mình phải biến khỏi thị trấn này, nhóc ạ.” Và đôi khi ông nói: “Swindon

là nơi tồi tệ nhất của thế giới.”

Rồi khi tôi có bằng toán, hay vậy lý, hay toán và vật lý, tôi sẽ có thể có việc làm và kiếm được nhiều tiền và tôi sẽ có thể trả tiền cho người trông nom tôi và nấu ăn cho tôi và giặt áo quần của tôi, hay tôi sẽ tìm một phụ nữ cưới tôi và làm vợ tôi và cô ấy có thể trông nom tôi để tôi có bạn và không phải ở một mình.

73.

Tôi thường nghĩ rằng Mẹ và Cha có thể ly dị. Đó là vì họ rất hay cãi nhau và đôi khi họ căm ghét lẫn nhau. Đấy là do căng thẳng vì phải trông nom một người bị Khủng hoảng Hành vi như tôi. Tôi thường có nhiều chứng Khủng hoảng Hành vi, nhưng bây giờ thì không nhiều lắm nữa vì tôi đã lớn hơn và tôi có thể tự quyết định và tự làm được nhiều việc như ra khỏi nhà đi mua hàng ở cửa hiệu cuối phố.

Đây là một số chứng Khủng hoàng Hành vi của tôi

A. Không nói chuyện với người khác trong một thời gian dài

[15]

B.Không ăn hoặc không uống bất cứ cái gì trong một thời gian dài

[16]

C.Không thích bị người khác chạm vào người

D.La hét khi tôi tức giận hay bối rối

E.Không thích ở trong một nơi quá chật cùng với người khác

F.Đập vỡ đồ đạc khi tôi tức giận hay bối rối

G. Rên rỉ

H.Không thích những thứ màu vàng hay những thứ màu nâu và không chịu đụng vào những thứ màu vàng hay những thứ màu nâu

I. Không chịu dùng bàn chải răng của tôi nếu người khác đã đụng vào rồi

J. Không ăn thức ăn nếu các món ăn khác nhau chạm vào nhau

K. Không nhận thấy người ta đang tức giận tôi

L. Không mỉm cười

M. Nói những lời mà người khác cho là khiếm nhã

[17]

N. Làm những việc ngu đần

[18]

O. Đánh người khác

P. Ghét nước Pháp

Q. Lái ôtô của Mẹ

[19]

R.Bực tức khi có người di chuyển bàn ghế

[20]

Đôi khi những thứ này làm Mẹ và Cha rất tức giận và họ sẽ quát tháo tôi hay quát tháo lẫn nhau. Đôi khi Cha nói: “Christopher à, nếu con không ngoan cha thề là cha sẽ đánh cho con tối tăm mặt mũi,” hay Mẹ nói: “Chúa ơi, Christopher, mẹ rất muốn bỏ con vào nhà thương điên,” hay Mẹ nói: “Con đang đưa mẹ xuống mồ sớm đấy.”

79.

Khi tôi về nhà Cha đang ngồi ở bàn trong bếp và ông đã nấu món ăn tối cho tôi. Ông mặc chiếc áo nỉ kẻ ô. Bữa tối gồm món đậu trắng xốt cà chua đóng hộp và bông cải xanh và hai lát giăm bông và chúng được để không đụng nhau trên đĩa.

Ông nói: “Con đi đâu thế?”

Và tôi nói: “Con ra ngoài.” Đây gọi là lời nói dối vô hại. Nói dối vô hại hoàn toàn không phải là nói dối. Đó là khi ta nói sự thật nhưng ta không nói hết sự thật. Điều này có nghĩa là mọi thứ ta nói đều là nói dối vô hại vì khi một người nói, thí dụ: “Cậu muốn làm gì hôm nay?” ta nói: “Tôi muốn vẽ với cô Peters,” nhưng ta không nói: “Tôi muốn ăn trưa và tôi muốn vào phòng vệ sinh và tôi muốn về nhà sau khi tan học và tôi muốn chơi với Toby và tôi muốn ăn tối và tôi muốn chơi máy vi tính và tôi muốn đi ngủ.” Và tôi nói lời nói dối vô hại vì tôi biết Cha không muốn tôi làm thám tử.

Cha nói: “Cha mới nhận một cú điện thoại của bà Shears.”

Tôi bắt đầu ăn đậu trắng xốt cà chua và bông cải xanh và hai lát giăm bông.

Rồi Cha hỏi: “Con đang làm cái quái quỉ gì mà cứ soi soi mói mói quanh vườn bà ấy?”

Tôi nói: “Con đang thử điều tra xem ai đã giết

Wellington.”

Cha đáp: “Cha phải nói với con bao nhiêu lần hả Christopher?”

Đậu trắng xốt cà chua và bông cải xanh và giăm bông đã nguội nhưng tôi không màng. Tôi ăn rất chậm vì thế thức ăn của tôi thường hay nguội lạnh.

Cha nói: “ Cha đã bảo con đường chõ mũi vào việc của người khác.”

Tôi nói: “Con nghĩ ông Shears có thể đã giết

Wellington.”

Cha không nói gì.

Tôi nói: “Ông ấy là Nghi Phạm Chính của con.Vì con nghĩ có thể người ta giết

Wellington

để làm bà Shears buồn. Và án mạng thường là do một kẻ biết…”

Cha nện nắm tay lên bàn thật mạnh đến nỗi mấy cái đĩa và dao nĩa của ông nhảy tưng lên và miếng giăm bông của tôi bật ngang và đụng vào món bông cải xanh, vì thế tôi không thể ăn giăm bông và bông cải xanh nữa.

Rồi ông hét lên: “Cha không muốn nghe nhắc tới tên thằng đó trong nhà mình.”

Tôi hỏi: “Tại sao không?”

Và ông nói: “Thằng đó xấu xa.”

Và tôi nói: “Thế có nghĩa là ông ấy có thể đã giết

Wellington?”

Cha úp

đầu vào hai bàn tay và nói: “Trời ơi là trời.”

Tôi có thể thấy Cha đang giận tôi, vì thế tôi nói: “Con biết cha đã bảo con đừng dính dáng vào việc của người khác, nhưng bà Shears là bạn của mình.”

Và Cha nói: “Bà ấy không là bạn nữa.”

Và tôi nói: “Tại sao không?”

Và Cha nói: “Thôi được, Christopher. Cha sẽ nói điều này lần cuối cùng. Cha sẽ không bảo con lần nữa. Nhìn cha lúc cha đang nói với con, vì Chúa. Nhìn cha đây này. Con không được đi hỏi bà Shears về việc ai giết con chó khốn khiếp đó nữa. Con không được đi hỏi bất cứ ai về việc giết con chó khốn kiếp đó. Con không được xâm phạm vào vườn của người khác. Con phải ngưng cái trò điều tra khốn kiếp lố bịch này ngay lập tức.”

Tôi không nói gì.

Cha nói: “Cha sẽ bắt con hứa, Christopher. Và con biết khi cha bắt con hứa thì có nghĩa là gì.”

Tôi biết khi ta nói ta hứa thì nghĩa là gì. Ta phải nói rằng ta sẽ không bao giờ làm nữa vì nếu không thì lời hứa sẽ thành lời nói dối. Tôi nói: “Con biết.”

Cha nói: “Hứa với cha là con sẽ ngưng làm những điều này. Hứa là con sẽ bỏ cái trò lố bịch này ngay lập tức, nghe chưa?”

Tôi nói: “Con hứa.”

83.

Tôi nghĩ tôi sẽ là một phi hành gia rất giỏi.

Là phi hành gia giỏi thì bạn phải thông minh mà tôi thì thông minh. Ta cũng phải hiểu máy móc vận hành ra sao mà tôi thì cũng khá trong việc hiểu máy móc vận hành ra sao. Ta cũng phải là người chịu đựng được khi ở một mình trong một chiếc phi thuyền nhỏ xíu cách xa bề mặt trái đất hàng nghìn dặm mà không hốt hoảng hay mắc chứng sợ bị tù túng hay nhớ nhà hay mất trí. Và tôi thích những chỗ rất nhỏ, miễn là đừng có ai khác ở trong đó với tôi. Thỉnh thoảng những khi muốn ở một mình tôi chui vào tủ quần áo rộng rãi bên ngoài phòng tắm và len vào bên cạnh thùng nước nóng và kéo cửa đóng lại ngồi đó suy nghĩ hàng giờ và việc đó khiến cảm thấy rất yên tâm.

Vì thế tôi phải là phi hành gia bay một mình, hoặc có chỗ riêng của tôi trên phi thuyền nơi không ai khác được vào.

Và cũng không có thứ gì màu vàng hay thứ gì màu mâu trong phi thuyền, nên chuyện đó nữa cũng ổn.

Và tôi sẽ phải nói chuyện với người khác từ Trạm điều khiển nhưng chúng tôi sẽ liên lạc qua radio và màn hình tivi, vì thế họ sẽ không giống người thật như những người lạ, mà giống như trong trò chơi vi tính.

Tôi cũng không nhớ nhà chút nào vì chung quanh tôi là nhiều thứ tôi thích, như máy móc và máy vi tính và không gian vũ trụ nữa. Và tôi có thể nhìn ra cửa sổ nhỏ trên phi thuyền và biết không có ai khác gần tôi trong vòng hàng nghìn dặm, như tôi thỉnh thoảng giả vờ lúc đêm hè khi tôi đi ra ngoài và nằm xuống bãi cỏ nhìn lên bầu trời và lấy tay che hai bên mặt để không nhìn thấy hàng rào và ống khói lò sưởi và dây phơi quần áo và tôi có thể vờ như tôi đang ở trên không gian.

Và tôi chỉ thấy các ngôi sao. Và ngôi sao là nơi các phân tử cấu tạo nên sự sống được hình thành hàng tỉ năm về trước. Thí dụ, tất cả chất sắt trong máu vẫn giúp ta khỏi bị xanh xao thiếu máu được tạo thành trong một ngôi sao.

Và nếu mang được Toby với tôi lên không gian thì thật thích, và điều đó có thể được phép vì đôi khi người ta mang súc vật lên không gian để thí nghiệm, vì thế nếu tôi có thể nghĩ ra một thí nghiệm hay có thể tiến hành với một con chuột mà không làm hại con chuột, tôi có thể bảo họ cho tôi mang Toby theo.

Nhưng nếu họ không cho, tôi vẫn đi vì đó sẽ là Giấc Mơ Thành Sự Thật.

89.

Ngày hôm sau ở trường tôi kể với Siobhan rằng Cha đã bảo tôi không được điều tra nữa, nghĩa là cuốn sách chấm dứt. Tôi đưa cô xem những trangtôi đã viết đến nay, với biểu đồ vũ trụ và bản đồ của khu phố và các số nguyên tố. Và cô nói không sao. Cô bảo cuốn sách cứ để nguyên như thế cũng rất hay rồi và tôi nên hãnh diện vì đã viết một cuốn sách, dù cho nó khá ngắn và có một số cuốn sách rất hay mà cũng rất ngắn chẳng hạn như

Trung tâm của bóng tối

[21]

của Conrad.

Nhưng tôi nói nó chưa hẳn là một cuốn sách đúng kiểu vì nó không có một kết thúc đúng kiểu vì tôi chưa tìm ra ai giết Wellington do đó kẻ sát nhân Đang Còn Lẩn Trốn.

Và cô nói như thế mới giống đời thật, vì không phải vụ án mạng nào cũng được giải quyết và không phải kẻ sát nhân nào cũng bị bắt. Như Jack the Ripper

[22]

chẳng hạn.

Tôi nói tôi không thích cái ý rằng kẻ sát nhân Đang Còn Lẩn Trốn. Tôi nói tôi không thích nghĩ là người đã giết Wellington có thể sống đâu đó gần đây và tôi có thể gặp hắn khi ra ngoài đi bộ vào ban đêm. Và điều này thì có thể xảy ra vì nạn nhân của một vụ án mạng thường biết kẻ giết mình.

Rồi tôi nó: “Cha nói em không bao giờ được nhắc đến tên ông Shears trong nhà mình nữa và ông ấy là người xấu và vậy có thể có nghĩa là ông ấy là người đã giết

Wellington.”

Và cô nói: “Có lẽ cha em chỉ không thích ông Shears lắm thôi.”

Và tôi hỏi: “Tại sao?”

Và cô nói: “Cô không biết, Christopher ạ. Cô không biết vì cô không biết gì về ông Shears.”

Tôi nói: “Ông Shears lúc trước cưới bà Shears nhưng ông ấy đã bỏ bà ấy, giống như trong một vụ ly dị. Nhưng em không biết họ có thực sự ly dị chưa.”

Và Siobhan nói: “Ôi dào, bà Shears là bạn của em phải không. Bạn của em và cha em. Vì thế có lẽ cha em không thích ông Shears vì ông ấy bỏ bà Shears. Vì ông ấy đã làm điều tệ bạc với một người là bạn của mình.”

Và tôi nói: “Nhưng Cha nói bà Shears không còn là bạn nữa.”

Và Siobhan nói: “Cô rất tiếc, Christopher ạ. Cô ước gì cô có thể trả lời tất cả các câu hỏi này, nhưng cô không biết.”

Khi ấy chuông reo tan trường.

Ngày hôm sau tôi thấy 4 chiếc xe màu vàng liên tiếp trên đường tới trường, thế là

Ngày Xấu

, vì vậy buổi trưa tôi không ăn gì cả và cả ngày tôi ngồi trong góc phòng đọc sách toán trình độ A. Và ngày hôm sau tôi cũng thấy 4 chiếc xe vàng liên tiếp trên đường tới trường, khiến cho cũng lại là

Ngày Xấu

, vì vậy tôi không nói chuyện với ai và cả buổi chiều tôi ngồi trong góc thư viện rên rỉ và ấn đầu vào chỗ nối giữa hai bức tường và việc này làm tôi cảm thấy bình tĩnh và an tâm. Nhưng ngày thứ ba tôi nhắm mắt suốt con đường tới trường cho đến khi xuống xe buýt vì sau khi có hai

Ngày Xấu

liên tiếp thì tôi được phép làm như vậy.

97.

Nhưng cuốn sách chưa kết thúc vì năm ngày sau tôi thấy 5 chiếc xe đỏ liên tiếp, thế là

Ngày Siêu Tốt

, và tôi biết sẽ có chuyện đặc biệt xảy ra. Không có gì đặc biệt xảy ra ở trường vì thế tôi biết sẽ có chuyện đặc biệt xảy ra sau khi tan học. Và khi tôi về nhà tôi đi xuống cửa hiệu ở cuối khu phố của chúng tôi để mua mấy miếng cam thảo và một thỏi Milky Bar bằng tiền tiêu vặt của mình.

Và khi mua xong mấy miếng cam thảo và một thỏi Milky Bar tôi quay lại và gặp bà Alexander, bà cụ ở số 39, bà cũng ở trong cửa hiệu. Lúc này bà không mặc quần jeans. Bà mặc bộ váy như một bà cụ bình thường. Và bà có mùi nấu nướng.

Bà nói: “Chuyện gì xảy ra với cháu hôm nọ thế.”

Tôi hỏi: “Hôm nào?”

Và bà nói: “Bà quay ra thì cháu đã đi mất. Bà phải ăn hết bánh quy một mình.”

Tôi nói: “Cháu đi nơi khác.”

Và bà nói: “Bà cũng đoán thế.”

Tôi nói: “Cháu nghĩ bà có thể gọi cảnh sát.”

Và bà nói: “Bà làm thế để làm cái quái gì?”

Và tôi nói: “Vì cháu chõ mũi vào việc của người khác và Cha nói cháu không nên điều tra ai đã giết

Wellington. Và một ông cảnh sát cho cháu một tờ cảnh cáo và bảo nếu cháu gặp rắc rối nữa thì sẽ tệ hơn nhiều vì đã có tờ cảnh cáo rồi.”

Khi ấy bà Ấn Độ đứng sau quầy nói với bà Alexander: “Bà cần gì?”, và bà Alexander nói bà cần nửa lít sữa và một gói bánh

Jaffa

còn tôi đi ra khỏi cửa hiệu.

Khi ra khỏi cửa hiệu tôi thấy con chó của bà Alexander đang ngồi trên vỉa hè. Nó mặc một cái áo khoác nhỏ làm bằng vải len kẻ ô vuông của ngườiScotland. Bà đã buộc nó vào ống thoát nước bên cạnh cửa. Tôi thích chó, vì thế tôi cúi xuống và chào con chó của bà và nó liếm tay tôi. Lưỡi nó nhám và ướt và nó thích mùi cái quần của tôi nên ngửi ngửi.

Rồi bà Alexander đi ra và nói: “Tên nó là Ivor.”

Tôi không nói gì.

Và bà Alexander nói: “Cháu nhút nhát lắm phải không, Christopher?”

Và tôi nói: “Cháu không được phép nói chuyện với bà.”

Và bà nói: “Đừng lo. Bà không nói với cảnh sát đâu, và bà không kể với cha cháu đâu, vì tán gẫu chẳng có gì sai cả. Tán gẫu chỉ là tỏ ra thân thiện thôi đúng không, đúng không nào?”

Tôi nói: “Cháu không biết tán gẫu.”

Và bà nói: “Cháu thích máy vi tính không?”

Và tôi nói: “Vâng. Cháu thích máy vi tính. Cháu có một cái máy vi tính ở nhà trong phòng ngủ của cháu.”

Và bà nói: “Bà biết. Thỉnh thoảng khi nhìn sang bên đường bà vẫn thấy cháu ngồi trước máy vi tính trong phòng cháu.”

Rồi bà tháo dây buộc Ivor ra khỏi ống thoát nước.

Tôi sẽ không nói gì vì tôi không muốn gặp rắc rối.

Rồi tôi nghĩ hôm nay là Ngày Siêu Tốt và chuyện đặc biệt chưa xảy ra, vì thế chuyện đặc biệt sắp xảy ra có thể là nói chuyện với bà Alexander. Và tôi nghĩ bà có thể nói cho tôi một vài điều về

Wellington

hay về ông Shears mà tôi không phải hỏi bà, để khỏi trái lời đã hứa.

Vì thế tôi nói: “Và cháu còn thích toán và săn sóc Toby nữa. Và cháu cũng thích không gian vũ trụ và cháu thích ở một mình.”

Và bà nói: “Bà chắc là cháu rất giỏi toán đúng không.”

Và tôi nói: “Đúng. Tháng sau cháu sẽ thi toán trình độ A. Và cháu sẽ lấy điểm A.”

Và bà Alexander nói: “Thật sao? Toán trình độ A?”

Tôi đáp: “Vâng. Cháu không nói dối.”

Và bà nói: “Bà xin lỗi. Bà không có ý nói là cháu nói dối. Bà chỉ tự hỏi là bà nghe cháu có đúng không. Đôi khi bà hơi lãng tai.”

Và tôi nói: “Cháu nhớ. Bà đã nói với cháu.” Rồi tôi nói: “Cháu là đứa đầu tiên ở trường thi trình độ A vì là trường đặc biệt.”

Và bà nói: “Bà phục cháu lắm đấy. Bà hy vọng cháu lấy được điểm A.”

Và tôi nói: “Cháu sẽ lấy được.”

Rồi bà nói: “Và bà còn biết một điều nữa về cháu là màu cháu thích không phải là màu vàng.”

Và tôi nói: “Vâng. Và cũng không phải màu nâu. Màu cháu ưu thích là màu đỏ. Và màu kim loại.”

Rồi Ivor ị và bà Alexander dùng bàn tay xỏ cái túi nhựa nhỏ nhặt mìn lên rồi lộn ngược túi và buộc miệng túi để gói kín mìn lại mà hai tay bà không đụng vào mìn.

Và khi ấy tôi lập luận. Tôi lập luận rằng Cha chỉ bắt tôi hứa năm điều, là

1.

Không nhắc đến tên ông Shears trong nhà mình

2.

Không đi hỏi bà Shears về việc ai giết con chó khốn kiếp đó

3.

Không đi hỏi ai về việc ai giết con chó khốn kiếp đó

4.

Không xâm phạm vào vườn của người khác

5.

Ngưng trò điều tra khốn kiếp lố bịch này

Và hỏi về ông Shears thì không thuộc các điều này. Và nếu là thám tử thì phải

Mạo Hiểm

, và hôm nay là

Ngày Siêu Tốt

, nghĩa là nó là một ngày tốt để

Mạo Hiểm

, vì thế tôi nói: “Bà có biết ông Shears không?” giống như tán gẫu.

Và bà Alexander nói: “Không rõ lắm, không. Bà muốn nói là bà biết ông ấy đủ để chào hỏi và nói vài câu ngoài đường, nhưng bà không biết nhiều về ông ấy. Bà nghĩ ông ấy làm việc ở ngân hàng. Ngân hàng Westminster Quốc gia. Trong phố.”

Và tôi nói: “Cha nói ông ấy là người xấu. Bà có biết tại sao cha nói thế không? Ông Shears có là người xấu không?”

Và bà Alexander nói: “Tại sao cháu hỏi bà về ông Shears hở Christopher?”

Tôi không nói gì vì tôi không muốn đây là mình đang điều tra vụ giết

Wellington

và đó chính là lý do tôi hỏi về ông Shears.

Nhưng bà Alexander nói: “Có phải vì

Wellington

không?”

Và tôi gật đầu vì điều ấy không tính là đang điều tra.

Bà Alexander không nói gì. Bà đi tới cái thùng nhỏ màu đỏ trên cây cột bên cạnh cổng vào công viên và bà bỏ mìn của Ivor vào thùng, ấy là một thứ màu nâu bên trong một thứ màu đỏ, việc này làm đầu tôi cảm thấy choáng váng vì thế tôi không nhìn. Rồi bà quay bước lại tôi.

Bà hít một hơi dài dài và nói: “Có lẽ tốt nhất là không nói về những việc này, Christopher ạ.”

Và tôi hỏi: “Tại sao không?”

Và bà nói: “Tại vì thế.” Rồi bà ngưng và quyết định bắt đầu nói một câu khác. “Vì có lẽ cha cháu đúng, và cháu không nên đi loanh quanh mà hỏi những câu về việc này.”

Và tôi hỏi: “Tại sao?”

Và bà nói: “Vì rõ ràng cha cháu sẽ bực lắm.”

Và tôi nói: “Vì sao cha cháu sẽ bực lắm?”

Khi ấy bà hít một hơi dài nữa và nói: “Vì… vì bà nghĩ cháu biết vì sao cha cháu không thích ông Shears lắm.”

Khi ấy tôi hỏi: “Ông Shears giết Mẹ à?”

Và bà Alexander nói: “Giết mẹ á?”

Và tôi nói: “Vâng. Ông ấy có giết Mẹ không?”

Và bà Alexander nói: “Không. Không. Tất nhiên ông ấy không giết mẹ cháu.”

Và tôi nói: “Nhưng ông ấy có làm mẹ cháu căng thẳng đến nỗi mẹ chết vì đau tim không?”

Và bà Alexander nói: “Bà thành thật không biết cháu đang nói chuyện gì, Christopher ạ.”

Và tôi nói: “Hay là ông ấy làm đau đến nỗi mẹ phải vào bệnh viện?”

Và bà Alexander nói: “Mẹ phải đi bệnh viện à?”

Và tôi nói: “Vâng. Và lúc đầu không nặng lắm, nhưng mẹ bị lên cơn đau tim lúc đang ở trong bệnh viện.”

Và bà Alexander nói: “Ô, Chúa ơi.”

Tôi nói: “Và mẹ chết.”

Và bà Alexander lại nói: “Ô, Chúa ơi,” rồi bà nói: “Ồ, Christopher, bà rất, rất tiếc. Bà không biết.”

Rồi tôi hỏi bà: “Tại sao bà nói ‘Bà nghĩ cháu biết vì sao cha cháu không thích ông Shears lắm’?”

Bà Alexander lấy tay che miệng và nói: “Ô, ô, ô.” Nhưng bà không trả lời câu hỏi của tôi.

Vì thế tôi hỏi bà cùng câu hỏi lần nữa, vì trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám, khi một người không muốn trả lời một câu hỏi ấy là vì họ đang cố giữ bí mật hoặc cố ngăn người khác khỏi gặp rắc rối, vậy có nghĩa câu trả lời cho các câu hỏi đó là những câu trả lời quan trọng nhất, và đó là tại sao viên thám tử phải gây áp lực với người đó.

Nhưng bà Alexander vẫn không trả lời. Thay vào đó bà hỏi tôi một câu. Bà nói: “Vậy cháu không biết?”

Và tôi nói: “Không biết cái gì?”

Bà đáp: “Christopher này, bà có lẽ không nên nói cho cháu điều này.” Rồi bà nói: “Có lẽ mình nên cùng nhau đi bộ một quãng trong công viên. Đây không phải là chỗ để nói tới loại chuyện này.”

Tôi hoảng. Tôi không biết bà Alexander. Tôi biết bà là một bà cụ và bà thích chó. Nhưng bà là một người lạ. Và tôi chưa bao giờ vào công viên một mình vì việc đó nguy hiểm với lại người ta chích ma túy phía sau nhà vệ sinh công cộng trong góc. Tôi muốn về nhà và lên phòng tôi và cho Toby ăn và tập làm toán.

Nhưng tôi cũng thấy hứng thú. Vì tôi nghĩ bà có thể kể cho tôi một bí mật. Và bí mật đó có thể là về việc ai giết

Wellington. Hay về ông Shears. Và nếu bà nói thì tôi có thể có thêm chứng cớ buộc tội ông, hay có thể

Loại Ông Ra Khỏi Cuộc Điều Tra.

Do đó vì là

Ngày Siêu Tốt

tôi quyết định đi bộ vào công viên với bà Alexander, dù cho tôi sợ.

Khi chúng tôi vào trong công viên bà Alexander ngừng bước và nói: “Bà sẽ nói cho cháu một số điều và cháu phải hứa không kể cho cha cháu là bà đã nói cho cháu.”

Tôi hỏi: “Tại sao?”

Và bà nói: “Bà đáng lẽ không nên nói điều bà đã nói. Và nếu bà không giải thích, cháu sẽ tiếp tục tự hỏi là bà muốn nói gì. Và cháu có thể hỏi cha cháu. Mà bà không muốn cháu làm thế vì bà không muốn cháu làm cha bực tức. Vì vậy bà sẽ giải thích tại sao bà đã nói những gì bà nói. Nhưng trước khi bà nói thì cháu phải hứa không kể cho bất cứ ai là bà đã nói điều này cho cháu.”

Tôi hỏi: “Tại sao?”

Và bà nói: “Christopher, làm ơn cứ tin bà.”

Và tôi nói: “Cháu hứa.” Vì nếu bà Alexander kể cho tôi ai đã giết Wellington, hay bà kể cho tôi rằng ông Shears quả thật đã giết Mẹ, tôi vẫn có thể đến cảnh sát và nói cho họ biết vì ta được phép thất hứa nếu có ai đó phạm tội ác mà ta biết.

Và bà Alexander nói: “Mẹ cháu, trước khi chết, là bạn rất thân với ông Shears.”

Và tôi nói: “Cháu biết.”

Và bà nói: “Không, Christopher à. Bà không chắc là cháu biết. Bà muốn nói họ là bạn rất thân. Thân, thân lắm.”

Tôi suy nghĩ một lúc và nói: “Bà muốn nói họ có quan hệ tình dục?”

Và bà Alexander nói: “Ừ, Christopher. Bà muốn nói thế.”

Rồi bà không nói gì trong khoảng 30 giây.

Rồi bà nói: “Bà rất tiếc, Christopher. Bà thật không muốn nói điều gì làm cháu buồn. Nhưng bà muốn giải thích. Tại sao bà nói điều bà nói. Cháu thấy chưa, bà nghĩ cháu biết. Rằng tại sao cha cháu nghĩ ông Shears là người xấu. Và đó là lý do tại sao ông không muốn cháu đi loanh quanh nói chuyện với người ta về ông Shears. Vì điều đó sẽ gợi nhớ lại chuyện buồn.”

Và tôi nói: “Có phải đó là lý do ông Shears bỏ bà Shears, vì ông ấy có quan hệ tình dục với người khác khi ông ấy đã kết hôn với bà Shears?”

Và bà Alexander nói: “Ừ bà đoán thế.”

Rồi bà nói: “Bà rất tiếc, Christopher ạ. Bà thật rất tiếc.”

Và tôi nói: “Cháu nghĩ bây giờ cháu nên về.”

Và bà nói: “Cháu có sao không hở Christopher?”

Và tôi nói: “Cháu sợ ở trong công viên với bà vì bà là người lạ.”

Và bà nói: “Bà không phải là người lạ, Christopher. Bà là bạn mà.”

Và tôi nói: “Bây giờ cháu sẽ về nhà.”

Và bà nói: “Nếu cháu muốn trò chuyện về việc này cháu có thể đến gặp bà bất cứ lúc nào cháu muốn. Cháu chỉ cần gõ cửa nhà bà.”

Và tôi nói: “Vâng.”

Và bà nói: “Christopher à?”

Và tôi nói: “Dạ?”

Và bà nói: “Cháu sẽ không kể với cha cháu về buổi nói chuyện này nhé?”

Và tôi nói: “Vâng. Cháu hứa.”

Và bà nói: “Cháu cứ về. Và nhớ điều bà nói. Bất cứ lúc nào.”

Rồi tôi về nhà.

101.

Thầy Jeavons nói rằng tôi thích toán vì nó an toàn. Thầy nói tôi thích toán vì nó nhằm giải đáp các vấn đề, và những vấn đề này khó và lý thú nhưng cuối cùng luôn luôn có một câu trả lời rõ ràng. Và điều thầy muốn nói là toán không giống như đời sống vì trong cuộc sống cuối cùng không có câu trả lời rõ ràng. Tôi biết thầy thực lòng muốn nói như thế vì đó là điều thấy đã nói.

Đó là vì thầy Jeavons không hiểu các con số.

Đây là một câu chuyện nổi tiếng gọi là

Bài toán Monty Hall

, tôi cho vào cuốn sách này vì nó mình họa điều tôi muốn nói.

Hồi trước trong một tạp chí tên là

Parade

ở Mỹ có một mục tên là

Hỏi Marilyn

. Và mục này do Marilyn vos Savant phụ trách và tờ tạp chí nói rằng bà có chỉ số thông minh cao nhất thế giới có ghi trong

Sách

Guiness về Kỷ lục Thế giới - Nhóm Danh nhân

. Và trên mục này bà trả lời các câu hỏi về toán do người đọc gửi tới. Và vào tháng Chín năm 1990, Craig F.Whitaker ở

Columbia, tiểu bang

Maryland

gửi tới câu hỏi này (nhưng đây không phải là một lời dẫn trực tiếp vì tôi đã làm nó đơn giản và dễ hiểu hơn)

Bạn tham dự một chương trình đố vui trên truyền hình. Chương trình đố vui này mục đích là thắng giải một chiếc ô tô. Người dẫn chương trình đố vui cho bạn xem ba cánh cửa. Ông ta nói có một chiếc ô tô đằng sau một trong ba cánh cửa còn đằng sau hai cánh cửa kia thì có con dê. Ông ta yêu cầu bạn chọn một cánh cửa. Bạn chọn một cánh cửa nhưng cửa không mở. Khi ấy người dẫn chương trình đố vui mở một trong hai cánh cửa bạn không chọn thì ta thấy có con dê (vì ông ta biết có cái gì sau cánh cửa). Rồi ông ta nói bạn có một cơ hội cuối cùng để đổi ý trước khi cánh cửa mở ra và bạn lấy được một chiếc xe hay một con dê. Vì thế ông ta hỏi bạn có muốn đổi ý và chọn cánh cửa chưa mở còn lại không. Bạn nên làm gì?

Marilyn vos Savant nói rằng bạn luôn luôn nên đổi ý và chọn cánh cửa cuối cùng vì có 2 trên 3 cơ may là chiếc ô tô sẽ ở phía sau cánh cửa đó.

Nhưng nếu dùng trực giác bạn sẽ nghĩ rằng cơ hội là 50-50 vì bạn cho cơ hội có chiếc xe là ngang nhau phía sau bất cứ cánh cửa nào.

Rất nhiều người viết thư cho tờ tạp chí bảo rằng Marilyn vos Savant đã sai, ngay cả khi bà giải thích rất kỹ tại sao bà đúng. Trong số những lá thư bà nhận được về vấn đề này, 92% nói bà sai và rất nhiều thư trong đó của các nhà toán học và khoa học. Đây là một số điều họ nói

Tôi rất lo lắng về sự thiếu khả năng toán của quần chúng. Làm ơn giúp bằng cách nhận sai lầm của bà.

Robert Sachs, Tiến sĩ, Đại học George Mason

Đất nước này đã đủ dốt toán rồi, và chúng ta không cần hệ số thông minh cao nhất thế giới truyền bá cái dốt thêm nữa. Xấu hổ quá!

Scott Smith, Tiến sĩ, Đại học Florida

Tôi sốc vì sau khi được ít nhất ba nhà toán học sửa sai, bà vẫn không thấy chỗ sai của mình.

Kent Ford, Đại học Dickinson State

Tôi chắc chắn bà sẽ nhận được nhiều thư của học sinh và sinh viên. Có lẽ bà nên giữ lại một vài địa chỉ để nhờ giúp đỡ trong các bài viết sau này.

W.Robert Smith, Tiến sĩ, Đại học Georgia State

Dứt khoát là bà sai... Cần bao nhiêu nhà toán học nổi đoá lên thì bà mới đổi ý đây?

E. Ray BoBo, Tiến sĩ, Đại học

Georgetown

Nếu tất cả các vị tiến sĩ đó mà sai thì cái xứ này đang gặp rắc rối to rồi.

Everett Harman, Tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Quân đội Hoa Kỳ

Nhưng Marilyn vos Savant đúng. Và đây là 2 cách bạn có thể chứng minh được việc này.

Trước tiên bạn có thể giải bằng toán như sau

Cách thứ hai là bạn có thể giải đáp bằng cách vẽ một hình gồm tất cả các khả năng có thể xảy ra như thế này

Gọi các cánh cửa là X, Y và Z.

Cx

là sự kiện chiếc xe phía sau cửa X, vân vân

Hx

là sự kiện người dẫn chương trình mở cửa X và vân vân.

Giả sử ta chọn cửa X, xác suất ta thắng chiếc xe nếu ta đổi ý được tính bằng công thức sau

P(Hz

^ Cy

) + P(Hy

+ Cz)

= P(Cy)

Ÿ

P(Hz

| Cy) + P(Cz)

Ÿ

P(Hy

| Cz)

= (1/3

Ÿ

1) + (1/3

Ÿ

1) =

2/3

Bạn chọn một cửa

Bạn chọn cửa có con dê

Bạn chọn cửa có con dê

Bạn chọn cửa có chiếc xe

Bạn giữ ý cũ

Bạn đổi ý

Bạn giữ ý cũ

Bạn đổi ý

Bạn giữ ý cũ

Bạn đổi ý

Bạn có con dê

Bạn có chiếc xe

Bạn có con dê

Bạn có chiếc xe

Bạn có chiếc xe

Bạn có con dê

Vì thế nếu bạn đổi ý thì 2 trong 3 trường hợp bạn có thể thắng được chiếc xe. Và nếu giữ nguyên ý cũ, bạn chỉ thắng 1 trong 3 trường hợp.

Và điều này cho thấy trực giác đôi khi có thể nhận thức sai sự việc. Và trực giác là cái người ta dùng trong đời sống để đi đến quyết định. Nhưng logic có thể giúp bạn tìm ra câu trả lời đúng.

Nó cũng cho thấy là thầy Jeavons đã sai và các con số đôi khi rất phức tạp và không rõ ràng chút nào. Và đó là lý do tại sao tôi thích

Bài toán Monty Hall

.

103.

Khi tôi về đến nhà thì Rhodri đang ở đó. Rhodri là người làm việc cho Cha, giúp ông bảo trì hệ thống sưởi và sửa chữa thùng nước nóng. Đôi khi ông ta cũng ghé nhà vào buổi tối để uống bia với Cha và xem truyền hình và tán chuyện.

Rhodri mặc bộ áo vải trúc bâu trắng lem luốc những vết bẩn và đeo nhẫn vàng trên ngón giữa tay trái, ông có mùi gì tôi không biết tên mà Cha thường có khi ông từ chỗ làm về nhà.

Tôi cất mấy miếng cam thảo và thỏi Milky Bar vào hộp thức ăn đặc biệt của tôi trên kệ, Cha không được phép đụng vào vì nó là của tôi.

Khi đó Cha nói: “Con vừa làm gì đó, hở nhóc?”

Và tôi nói: “Con đi tới cửa hiệu mua mấy miếng cam thảo và một thỏi Milky Bar.”

Và ông nói: “Con đi lâu quá.”

Và tôi nói: “Con nói chuyện với con chó của bà Alexander bên ngoài cửa hiệu. Con gãi nó và nó ngửi quần con.” Lại một lời nói dối vô hại nữa.

Khi ấy Rhodri bảo tôi: “Trời ơi, cháu thực sự lên cấp thứ ba rồi đấy.”

Nhưng tôi không biết

cấp thứ ba

là gì

[23]

.

Ông ấy nói: “Vậy dạo này thế nào, đội trưởng?”

Và tôi nói: “Cháu rất khoẻ, cảm ơn chú,” xã giao là phải nói như thế.

Và ông ấy nói: “251 nhân 864 là mấy?”

Tôi suy nghĩ rồi nói: “216.864.” Vì nó là bài toán cộng thật dễ vì chỉ cần nhân

864 x 1000

. là

864.000

. Rồi ta chia cho

4

, là

216

, và đó là

250 x 864

. Rồi ta chỉ cộng thêm

864

vào để có

251 x 864

. Và đó là

216.864

.

Tôi nói: “Đúng không?”

Và Rhodri nói: “Chú đâu có biết quái quỷ gì,” và ông cười.

Tôi không thích khi Rhodri cười tôi. Rhodri cười tôi rất nhiều. Cha nói đó là thân thiện.

Rồi Cha nói: “Cha bỏ món Gobi Aloo Sag

[24]

vào lò cho con nhé?”

Đấy là vì tôi thích món ăn Ấn Độ vì nó có vị đậm đà. Nhưng Gobi Aloo Sag có màu vàng, vì thế tôi cho phẩm đỏ vào rồi mới ăn. Và tôi cất một chai phẩm nhỏ bằng nhựa trong hộp thức ăn đặc biệt của tôi.

Tôi nói: “OK.”

Và Rhodri nói: “À, có vẻ Parky buộc nó lại hả?” Nhưng cái này là nói với Cha, không phải với tôi.

Và Cha nói: “Ôi dào, mấy cái mạch điện đó có vẻ như từ trên trời rơi xuống ấy.”

Và Rhodri nói: “Anh nói với họ chứ?”

Và Cha nói: “Để làm gì? Họ khó lòng đưa nó ra tòa đúng không?”

Và Rhodri nói: “Điều đó không chắc xảy ra.”

Và Cha nói: “Tôi nghĩ tốt nhất là chó đang ngủ thì cứ để yên.”

Khi đó tôi ra vườn.

Siobhan bảo khi viết một cuốn sách ta phải đưa vào một số mô tả sự vật. Tôi bảo tôi có thể chụp ảnh và cho vào sách. Nhưng cô nói ý đồ của một cuốn sách là mô tả sự việc bằng chữ để người ta có thể đọc mà hình dung ra trong đầu họ.

Và cô nói tốt nhất là tả những việc lý thú và khác lạ.

Cô cũng nói tôi nên tả người trong truyện bằng cách nhắc đến một hai chi tiết về họ để người ta có thể tưởng tượng ra hình ảnh của họ trong đầu của mình. Đó là lý do tôi viết về đôi giày của thầy Jeavons với tất cả các lỗ thủng trên đó và viên cảnh sát trông như có hai con chuột trong mũi và cái mùi của Rhodri mà tôi không biết tên.

Vì thế tôi quyết định tả cái vườn. Nhưng cái vườn không có gì lý thú và khác lạ. Nó chỉ là một cái vườn, có cỏ và một cái chái và sợi dây phơi áo quần. Nhưng bầu trời thì lý thú và khác lạ vì thông thường bầu trời nom chán vì toàn màu xanh hay toàn màu xám hay bị một kiểu mây mù phủ kín và không có vẻ cao hàng trăm dặm trên đầu ta. Trông như có ai sơn chúng lên một cái mái khổng lồ. Nhưng bầu trời này có nhiều loại mây khác nhau ở các độ cao khác nhau, vì thế ta có thể thấy nó lớn ra sao và làm cho nó trông bao la.

Xa nhất trên bầu trời là rất nhiều cụm mây trắng nhỏ trông như vẩy cá hay đụn cát có hình dáng rất bình thường.

Rồi gần hơn và ở hướng tây là vài đám mây lớn màu cam nhạt vì trời đã gần tối và mặt trời đang lặn.

Rồi gần mặt đất nhất là một cụm mây khổng lồ màu xám vì nó là cụm mây làm mưa. Và nó có dáng nhọn lớn và trông như thế này

Và khi nhìn một lúc lâu tôi có thể thấy nó di chuyển rất chậm và nó như một chiếc phi thuyền ngoài hành tinh dài hàng trăm cây số, như trong

Cồn cát

[25]

hay

Nhóm bảy của Blake

hay

Đụng độ với loài thứ ba

, chỉ có điều nó không làm bằng chất rắn, nó được làm bằng những hạt hơi nước tụ lại thành những đám mây.

Và nó có thể là một chiếc phi thuyền ngoài hành tinh lắm.

Người ta nghĩ phi thuyền ngoài hành tinh là chất rắn và làm bằng kim loại và gắn đèn khắp chung quanh và di chuyển chậm chạp qua bầu trời vì nếu chúng ta có thể chế tạo một chiếc phi thuyền lớn cỡ đó thì chúng ta sẽ làm như thế. Nhưng người ngoài hành tinh, nếu họ có tồn tại, có thể rất khác với chúng ta. Họ có thể giống như những con sên lớn, hay phẳng lì như ảnh phản chiếu. Hay họ có thể lớn hơn các hành tinh. Hay họ có thể không có thân hình gì cả. Họ có thể chỉ là tín hiệu, như trong một cái máy vi tính. Và phi thuyền của họ có thể trông giống như những cụm mây, hay được làm bằng những vật không gắn liền với nhau như bụi bặm hay lá cây.

Rồi tôi lắng nghe những tiếng động trong vườn và tôi nghe thấy một con chim đang hót và tôi nghe tiếng xe cộ như tiếng sóng vỗ trên bãi biển và tôi nghe có người đang chơi nhạc đâu đó và tiếng trẻ con đang la hét. Và giữa những tiếng động này, nếu lắng nghe rất kỹ và đứng yên hoàn toàn, tôi có thể nghe một tiếng o o rất nhỏ trong tai mình và không khí ra vào mũi mình.

Rồi tôi ngửi không khí để thấy mình có thể biết không khí trong vườn có mùi như thế nào. Nhưng tôi không ngửi thấy gì. Nó không có mùi gì. Và điều này cũng lý thú.

Rồi tôi vào nhà và cho Toby ăn.

107.

Con chó săn của dòng họ Baskerville

là cuốn sách tôi thích.

Trong

Con chó săn của dòng họ Baskerville

, Sherlock Holmes và bác sĩ Watson có khách đến thăm là ông James Mortimer, ông ta là bác sĩ ở vùng truông cỏ

Devon. Bạn của James Mortimer là Ngài Charles Baskerville vừa mới chết vì đau tim và James Mortimer nghĩ rằng ông ta có thể chết vì sợ. James Mortimer cũng có một cuộn giấy cổ mô tả lời nguyện của dòng họ Baskerville.

Cuộn giấy này nói rằng Ngài Charles Baskerville có một ông tổ tên là Ngài Hugo Baskerville, một ông man rợ, tục tĩu và vô thần. Và ông ta cố quan hệ tình dục với con gái của một tiểu điền chủ, nhưng cô ấy trốn thoát và ông ta đuổi theo cô băng qua truông cỏ. Và bạn bè ông là những kẻ ăn chơi táo tợn, họ đuổi theo sau ông ta.

Và khi họ tìm thấy ông, người con gái của ông tiểu điền chủ đã chết vì kiệt sức. Và họ thấy một con thú đen lớn hình dáng giống như chó săn nhưng lớn hơn bất cứ con chó săn nào người ta từng thấy, và con chó săn này đang xé cổ Ngài Hugo Baskerville. Và một trong các người bạn chết vì sợ ngay tối hôm đó và hai người khác bị khủng hoảng suốt đời.

James Mortimer nghĩ rằng con chó săn của dòng họ Baskerville có thể đã làm Ngài Charles chết vì sợ và ông ta lo rằng người con trai thừa kế của ông ta, Ngài Henry Baskerville, sẽ gặp nạn khi đến lâu đài ở

Devon.

Vì thế Sherlock Holmes cử bác sĩ Watson tới

Devon

với Ngài Henry Baskerville và James Mortimer. Và bác sĩ Watson cố tìm xem ai đã giết Ngài Charles Baskerville. Và Sherlock Holmes nói ông sẽ ở lại

London, nhưng ông bí mật đến

Devon

và điều tra một mình.

Và Sherlock Holmes tìm ra rằng Ngài Charles bị người láng giềng là Stapleton giết chết, ông ta là người sưu tầm bướm và có họ hàng xa với dòng họ Baskerville. Và Stapleton nghèo, vì thế ông ta định giết Ngài Henry Baskerville để thừa hưởng tòa lâu đài.

Để làm việc này ông ta mang một con chó khổng lồ từ London đến và bôi chất lân quang lên khắp người nó để nó phát sáng trong bóng tối, và nó chính là con chó làm Ngài Charles Baskerville chết vì sợ. Và Sherlock Holmes và Watson và Lestrade của Sở mật thám Scotland Yard bắt nó. Và Sherlock Holmes và Watson bắn con chó, đó là một trong những con chó bị giết chết trong truyện, điều này không hay vì con chó không có lỗi gì. Và Stapleton trốn vào khu đầm lầy Grimpen trong truông cỏ, và chết vì bị sa vào một bãi lầy.

Có một vài điểm trong câu truyện tôi không thích. Một điểm là cuộn giấy cổ vì nó được viết bằng ngôn ngữ cổ khó hiểu như thế này

Hãy học từ câu chuyện này không phải để sợ hệ quả của quá khứ, mà để thận trọng trong tương lai, để những đam mê xấu xa đã khiến gia đình ta chịu bao đau khổ không còn được khơi lên mà khiến chúng ta sụp đổ.

Và đôi khi Ngài Arthur Conan Doyle (tác giả) mô tả con người như thế này

Khuôn mặt có điều gì không ổn một cách khó tả, một nét biểu hiện thô lỗ, một vẻ khắc nghiệt, có lẽ ở cách nhìn, một cái môi trề làm hỏng vẻ đẹp hoàn hảo của nó.

Tôi không biết

một vẻ

khắc nghiệt,

có lẽ ở cách nhìn

nghĩa là gì, và tôi không thích để ý đến các khuôn mặt.

Nhưng đôi khi nếu có những chữ không hiểu nghĩa thì cũng hay vì ta có thể tra trong từ điển, như

goyal

(là chỗ lún sâu) hay

tors

(là những ngọn đồi hay mỏm đá).

Tôi thích

Con chó săn của dòng họ Baskerville

vì nó là một truyện trinh thám, nghĩa là có những manh mối và những thứ Đánh Lạc Hướng.

Đây là một vài manh mối

1. Hai chiếc giày ủng của Ngài Henry Baskerville bị mất lúc ông ở khách sạn ở London

. Điều này nghĩa là có người muốn đưa nó cho con chó của dòng họ Baskerville để ngửi, như chó săn, để nó đuổi theo ông ta. Điều này có nghĩa Con chó săn của dòng họ Baskerville không phải là một con vật siêu nhiên mà là chó thật.

2. Stapleton là người duy nhất biết cách đi băng ngang khu đầm lầy Grimpen và ông ta bảo Watson đừng dây vào vì sự an toàn cho bản thân ông

. Điều này nghĩa là ông ta đang giấu một vật ở giữa khu đầm lầy Grimpen và không muốn ai thấy nó.

3. Bà Stapleton bảo bác sĩ Watson “đi thẳng về

London

lập tức”

. Đấy là vì bà nghĩ bác sĩ Watson là Ngài Henry Baskerville và bà biết chồng bà muốn giết ông.

Và đây là một vài thứ Đánh Lạc Hướng

1. Sherlock Holmes và Watson bị theo dõi khi họ ở

London

bởi một ông có bộ râu quai nón màu đen ngồi trong xe ngựa

. Điều này làm bạn nghĩ rằng người đàn ông là Barrymore, người quản gia ở Lâu đài Baskerville, vì ông là người duy nhất có bộ râu quai nón màu đen. Nhưng người đàn ông thật ra là Stapleton đeo râu giả.

2.

Selden

, kẻ sát nhân ở Notting Hill

. Đây là một người vừa trốn khỏi nhà tù gần đấy và đang bị săn lùng trong truông cỏ, điều này làm bạn nghĩ rằng hắn phải dính líu gì đó vào câu chuyện, vì hắn là kẻ tội phạm, nhưng hắn chẳng liên can gì đến câu chuyện cả.

3. Người đàn ông trên mỏm đá

. Đây là bóng một người đàn ông mà bác sĩ Watson thấy trên truông cỏ vào ban đêm và không nhận ra là ai, điều này làm bạn nghĩ đó là kẻ sát nhân. Nhưng đó là Sherlock Holmes đã bí mật đến

Devon.

Tôi cũng thích

Con chó săn của dòng họ Baskerville

vì tôi thích Sherlock Holmes và tôi nghĩ nếu tôi là một thám tử đúng nghĩa thì ông là loại thám tử tôi muốn làm. Ông rất thông minh và ông giải quyết các bí ẩn và ông nói

Thế giới đầy những điều hiển nhiên mà không ai chịu để mắt quan sát.

Nhưng ông thì ông chú ý đến chúng, giống như tôi. Trong sách cũng nói

Sherlock Holmes, ở một mức độ rất đáng kể, có khả năng cô lập suy nghĩ của ông theo ý muốn.

Và điều này cũng giống tôi, vì tôi rất thích một số thứ, như làm toán, hay đọc sách về các phi đoàn Apollo hay cá mập trắng khổng lồ, tôi không để ý đến bất cứ thứ gì khác, và Cha có thể gọi tôi xuống ăn tối và tôi không nghe thấy ông. Và đây là lý do tôi rất giỏi chơi cờ tướng, vì tôi cô lập suy nghĩ của mình theo ý muốn và tập trung vào bàn cờ và một lúc sau đối thủ của tôi sẽ ngưng tập trung và bắt đầu gãi mũi, hay nhìn ra cửa sổ, và họ sẽ phạm sai lầm và tôi sẽ thắng.

Bác sĩ Watson cũng nói về Sherlock Holmes

Trí óc anh... bận cố gắng sắp xếp một hệ thống trong đó tất cả những tình tiết lạ lùng và dường như rời rạc đều có chỗ của mình.

Và đó là điều tôi đang cố gắng làm khi viết cuốn sách này.

Sherlock Holmes cũng không tin vào siêu nhiên, nghĩa là Thượng đế và chuyện thần tiên, và Chó Địa ngục và lời nguyền, là những thứ ngu đần.

Và tôi sẽ kết thúc chương này bằng hai sự kiện lý thú về Sherlock Holmes

1

.

Trong bản gốc truyện Sherlock Holmes, Sherlock Holmes không bao giờ được tả là đội mũ săn như ông luôn đội trong phim ảnh và truyện tranh. Cái mũ săn do một ông tên Sidney Paget chế ra, ông là người minh hoạ cho các cuốn truyện ban đầu.

2

. Trong bản gốc truyện Sherlock Holmes, Sherlock Holmes không bao giờ nói “Sơ đẳng thôi, Watson thân mến.” Ông chỉ nói câu này trong phim ảnh và trên truyền hình.

109.

Tối hôm đó tôi viết thêm cho cuốn sách của tôi, và sáng hôm sau tôi mang vào trường để Siobhan đọc và chỉ cho tôi xem tôi có mắc lỗi chính tả và văn phạm nào không.

Siobhan đọc quyển sách trong giờ nghỉ buổi sáng, vừa đọc vừa uống cà phê và ngồi ở rìa sân chơi với các giáo viên khác. Và sau giờ nghỉ buổi sáng cô đến ngồi xuống cạnh tôi và rồi nói cô đã đọc qua đoạn đối thoại của tôi với bà Alexander, và cô nói: “Em đã kể chuyện này với cha em chưa?”

Và tôi đáp: “Chưa.”

Cô liền nói: “Em có định kể cho cha em về chuyện này không?”

Và tôi đáp: “Không.”

Và cô nói: “Tốt. Cô nghĩ như thế phải đấy, Christopher.” Rồi cô nói: “Em có buồn khi phát hiện ra việc này không?”

Tôi liền hỏi: “Phát hiện ra việc gì?”

Và cô nói: “Em có bực tức khi biết mẹ em và ông Shears yêu đương nhau không?”

Và tôi nói: “Không.”

Cô liền nói: “Em có nói thật không Christopher?”

Và tôi nói: “Em luôn luôn nói sự thật.”

Và cô nói: “Cô biết, Christopher ạ. Nhưng đôi khi mình buồn một chuyện gì, mình không thích kể cho người khác là mình buồn về việc đó. Mình thích giữ nó như một bí mật. Hay đôi khi mình buồn nhưng mình không thực sự biết là mình buồn. Vì vậy mình nói là mình không buồn. Nhưng thật ra mình buồn.”

Và tôi nói: “Em không buồn.”

Và cô nói: “Nếu khi nào em bắt đầu cảm thấy buồn về việc này, cô muốn em biết là em có thể đến nói chuyện đó với cô. Vì cô nghĩ nói với cô thì em sẽ thấy bớt buồn. Và nếu em không cảm thấy buồn mà chỉ muốn nói chuyện với cô về việc này cũng được. Em hiểu không?”

Và tôi nói: “Em hiểu.”

Và cô nói: “Tốt.”

Và tôi đáp: “Nhưng em không cảm thấy buồn về việc này. Vì Mẹ chết. Và vì ông Shears không còn quanh đây nữa. Vì vậy em sẽ cảm thấy buồn về một điều không có thật và không hiện hữu. Và như thế là ngu đần.”

Rồi tôi tập làm toán hết buổi sáng, và bữa trưa tôi ăn không khoái khẩu vì nó có màu vàng, nhưng tôi ăn cà rốt và đậu Hà Lan và rất nhiều xốt cà chua. Và món tráng miệng, tôi ăn vài quả dâu đen và bánh táo nướng, nhưng không ăn vỏ bánh vì nó cũng màu vàng, và tôi nhờ cô Davis lấy vỏ bánh ra trước khi bà để nó lên đĩa của tôi vì nếu các loại thức ăn khác nhau đụng vào nhau khi chưa thực sự nằm trên đĩa của tôi thì cũng không sao cả.

Rồi sau bữa ăn trưa, tôi dành suốt buổi chiều để vẽ với cô Peters và tôi tô màu vài bức tranh người ngoài hành tinh trông giống thế này

113.

Trí nhớ của tôi như một cuốn phim. Đó là lý do tôi rất giỏi nhớ các sự việc, như những cuộc đối thoại tôi đã viết ra trong sách này, và y phục người ta mặc, và họ có mùi thế nào, và vì trí nhớ của tôi có rãnh ghi mùi giống như rãnh ghi âm.

Và khi người ta yêu cầu tôi nhớ lại một điều gì, tôi có thể đơn giản chỉ nhấn nút

Tua Lại

và nút

Tua Tới

và nút

Ngưng

như trên đầu máy video, nhưng giống đầu máy DVD hơn vì tôi không phải Tua Lại qua mọi thứ ở giữa mới tới được một chỗ đã lâu trong ký ức. Và cũng không có nút, vì nó xảy ra trong đầu tôi.

Nếu có ai nói với tôi: “Christopher, kể cho tôi nghe mẹ của bạn như thế nào,” tôi có thể Tua Lại tới nhiều cảnh khác nhau và nói bà như thế nào trong những cảnh ấy.

Thí dụ, tôi có thể Tua Lại tới ngày 4 tháng Bảy năm 1992 khi tôi 9 tuổi, hôm đó là thứ Bảy, và chúng tôi đi nghỉ ở Cornwall và buổi chiều chúng tôi đến bãi biển tại một nơi tên là Polperro. Và Mẹ mặc quần short bằng vải bông chéo và mảnh bikini bên trên màu xanh nhạt và bà hút thuốc lá Consulate có mùi bạc hà. Và bà không bơi. Mẹ vừa tắm nắng trên một tấm khăn có những vạch đỏ và tím vừa đọc một cuốn sách của

Georgette Heyer tên là

Những kẻ giả trang

[26]

.

Và khi bà tắm nắng xong và đi xuống nước để bơi bà nói: “Quỷ thần thiên địa ơi, lạnh.” Và

bà nói tôi nên tới bơi luôn, nhưng tôi không thích bơi vì tôi không thích cởi quần áo ra. Và bà nói tôi cứ xắn quần lên và bước xuống nước một chút, thế nên tôi làm vậy. Và tôi đứng trong nước. Và mẹ nói: “Nhìn này. Thích quá.” Và bà nhảy ngược ra sau và biến mất dưới nước và tôi hét lên nhưng bà lại đứng lên khỏi nước và đến chỗ tôi đứng, giơ tay phải lên, và xòe các ngón tay thành cái quạt mà nói: “Nào, Christopher, chạm tay mẹ. Nào. Đừng hét. Chạm tay mẹ. Nghe mẹ đây, Christopher. Con làm được mà.” Và một lúc sau tôi ngừng hét và tôi giơ tay trái lên và xòe các ngón tay ra thành cái quạt và chúng tôi chạm các ngón tay vào nhau và Mẹ nói: “Không sao, Christopher. Không sao. Ở

Cornwall

không có cá mập,” và khi đó tôi cảm thấy dễ chịu hơn.

Nhưng tôi không nhớ chuyện gì trước khi tôi khoảng 4 tuổi vì trước đó tôi không nhìn sự vật đúng cách, vì thế chúng không được ghi lại một cách đúng đắn.

Và đây là cách tôi nhận ra ai nếu tôi không biết họ là ai. Tôi xem họ mặc gì, hay họ có cây gậy chống hay mái tóc là lạ, hay một loại đeo kính mắt nào đó không, liệu họ có cử động cánh tay một cách đặc biệt không, và tôi làm một thao tác

Tìm

qua trí nhớ của mình để xem trước kia tôi đã gặp họ chưa.

Và đây cũng là cách tôi biết hành động ra sao trong những tình huống khó khăn khi tôi không biết phải làm gì.

Thí dụ, nếu người ta nói những điều không có nghĩa như: “Hẹn gặp, con cá mập,” hay “Mày sẽ chết chẹt ở trong kẹt,” tôi làm một thao tác Tìm để xem trước kia tôi có bao giờ nghe ai nói như thế chưa.

Và nếu ở trường có ai đó nằm trên sàn nhà, tôi làm một thao tác

Tìm

qua trí nhớ của tôi để tìm hình ảnh một người đang lên cơn động kinh rồi tôi so sánh hình ảnh đó với điều đang xảy ra trước mắt tôi để tôi có thể kết luận ấy là họ đang nằm để chơi trò chơi, hay đang ngủ hay đang lên cơn động kinh. Và nếu họ đang lên cơn động kinh, tôi dời hết bàn ghế ra xa để họ khỏi va đầu vào và cởi áo len của mình ra và kê dưới đầu họ và tôi đi tìm giáo viên.

Người khác cũng có hình ảnh trong đầu họ. Nhưng những hình ảnh đó thì khác vì hình ảnh trong đầu tôi là tất cả hình ảnh của các sự việc đã thực sự xảy ra. Còn người khác thì có trong đầu họ hình ảnh về những việc không có thực và đã không xảy ra.

Thí dụ, đôi khi Mẹ hay nói: “Nếu hồi xưa mẹ không cưới cha con thì giờ chắc mẹ đang sống ở một nông trại nhỏ ở miền

Nam

nước Pháp với một người tên Jean. Và ông ta là, ồ, một người khéo tay ở trong vùng. Nào là sơn phết và trang hoàng nhà cửa người ta này, làm vườn này, dựng hàng rào này. Và mẹ sẽ có một mái hiên cho cây vả leo lên và khoảnh hoa hướng dương ở cuối vườn và một phố nhỏ xa xa trên đồi, và lúc chiều tối mẹ sẽ ngồi ngoài trời vừa uống rượu vang đỏ và hút thuốc là Gauloise vừa ngắm mặt trời lặn.”

Và Siobhan có lần nói mỗi khi cô cảm thấy chán nản hay buồn cô sẽ nhắm mắt lại mà tưởng tượng rằng cô đang ở trong một căn nhà ở Cape Cod với bạn là Elly, và họ sẽ đi một chuyến tàu từ Provincetown và ra ngoài vịnh để xem cá voi lưng gù, và điều đó làm cô yên tâm và an bình và hạnh phúc.

Và đôi khi có ai chết, như Mẹ chết, người ta nói: “Cháu muốn nói gì với mẹ cháu nếu lúc này mẹ đang ở đây?” hay “Mẹ cháu sẽ nghĩ gì về việc đó?” nói như vậy là ngu đần vì Mẹ đã chết và ta không thể nói gì với người đã chết và người đã chết thì không thể suy nghĩ.

Và Bà nội cũng có hình ảnh trong đầu bà, nhưng các hình ảnh của bà lộn xộn hoàn toàn, như có người làm rối cuộn phim và bà không thể nói điều gì xảy ra một cách thứ tự, vì thế bà cứ nghĩ người chết vẫn còn sống và bà không biết một sự việc nào đó đã xảy ra trong đời thực hay chỉ xảy ra trên truyền hình thôi.

127.

Khi tôi từ trường về đến nhà, Cha vẫn còn ở chỗ làm, vì thế tôi mở khoá cửa trước và đi vào rồi cởi áo khoác. Tôi đi vào bếp và đặt các thứ của tôi lên bàn. Và một trong những thứ đó là cuốn sách này mà tôi đã mang vào trường để đưa Siobhan xem. Tôi tự làm món sữa đánh vị dâu và đun nóng trong lò vi sóng rồi đi qua phòng khách để xem một trong những video

Hành tinh Xanh

về đời sống ở những nơi sâu nhất dưới đại dương.

Cuốn video nói về các hải sinh vật sống quanh những miệng phun lưu huỳnh, là những núi lửa dưới nước nơi có hơi ga từ vỏ trái đất phun lên vào nước biển. Các nhà khoa học chưa bao giờ nghĩ có bất cứ sinh vật nào sống ở đó vì nó rất nóng và rất độc, nhưng nơi ấy có cả một hệ sinh thái.

Tôi thích sự kiện này vì nó cho ta thấy khoa học luôn luôn có thể khám phá những điều mới mẻ, và tất cả những sự kiện bạn vẫn cho là đương nhiên có thể sai hoàn toàn. Và tôi cũng thích việc họ chọn quay phim trong một chỗ khó tiếp cận hơn cả đỉnh núi Everest nhưng chỉ cách mặt biển vài dặm. Và nó là một trong những nơi im lặng nhất và tối nhất và hẻo lánh nhất trên bề mặt quả đất. Và tôi thích tưởng tượng có lúc mình sẽ ở đó, trong một chiếc tàu lặn bằng kim loại hình cầu với cửa sổ dày 30 cm để khỏi bị áp suất ép nổ tung. Và tôi tưởng tượng mình là người duy nhất bên trong nó, và nó không nối với một chiếc tàu nào nhưng có thể vận hành bằng năng lượng của chính nó và tôi có thể điều khiển động cơ và di chuyển bất cứ nơi nào tôi muốn dưới đáy biển và người ta không bao giờ tìm thấy tôi được.

Cha về nhà lúc 5 giờ 48 chiều. Tôi nghe ông đi qua cửa trước. Rồi ông vào phòng khách. Ông mặc sơ mi kẻ ô màu vàng chanh và xanh lam và một chiếc giày của ông buộc nút đôi nhưng chiếc kia thì không. Ông khiêng một tấm bảng quảng cáo Sữa bột Fussel cũ bằng kim loại sơn men xanh và trắng đầy những đốm gỉ sét nhỏ giống như lỗ đạn, nhưng ông không giải thích tại sao ông mang nó.

Ông nói: “Ê, anh bạn,” một câu nói đùa của ông.

Và tôi nói: “Xin chào.”

Tôi tiếp tục xem video và Cha đi vào bếp.

Tôi quên rằng tôi đã để cuốn sách của mình nằm trên bàn bếp vì tôi quá chăm chú vào cuốn video

Hành tinh Xanh

.

Điều này gọi là

Buông lỏng Cảnh giác

, và nó là điều không bao giờ được làm nếu ta là thám tử.

Lúc 5 giờ 54 chiều Cha trở lại phòng khách. Ông nói: “Cái gì đây?” nhưng ông nói rất nhỏ và tôi không nhận ra rằng ông đang giận vì ông không quát tháo.

Ông cầm cuốn sách trên tay phải.

Tôi nói: “Cuốn sách con đang viết.”

Và ông nói: “Có thật không? Có phải con nói chuyện với bà Alexander không?” Ông nói câu này cũng rất nhỏ, vì thế tôi vẫn không nhận ra rằng ông tức giận.

Và tôi nói: “Vâng.”

Khi ấy ông nói: “Trời đất quỷ thần ơi, Christopher. Sao mà con ngu đần quá?”

Đây là điều mà Siobhan gọi là một câu hỏi tu từ. Nó có dấu chấm hỏi ở cuối câu, nhưng không cần trả lời vì người hỏi đã biết câu trả lời. Bạn khó nhận ra một câu hỏi tu từ.

Rồi Cha nói: “Cha đã nói với con cái quái gì, Christopher?” Câu này thì to hơn rất nhiều.

Và tôi đáp: “Không nhắc tới tên ông Shears trong nhà mình. Và không đi hỏi bà Shears, hay bất cứ ai, về việc ai giết con chó khốn khiếp đó. Và không xâm phạm và vườn của người khác. Và ngưng cái trò điều tra khốn khiếp lố bịch này. Nhưng con không làm bất cứ điều nào kể trên. Con chỉ hỏi bà Alexander về ông Shears vì...”

Nhưng Cha ngắt lời tôi mà nói: “Đừng nói với cha chuyện vớ vẩn đó, đồ oắt con. Con biết rõ là con đang làm chuyện khốn khiếp gì. Cha đã đọc cuốn sách, con nên nhớ.” Và khi nói vậy ông giơ cuốn sách ra và dứ dứ. “Cha còn nói gì nữa, Christopher?”

Tôi nghĩ đây có thể là một câu hỏi tu từ khác, nhưng tôi không chắc. Tôi thấy khó tìm ra điều gì để nói vì tôi bắt đầu sợ và lúng túng.

Khi ấy Cha lặp lại câu hỏi: “Cha còn nói gì nữa, hở Christopher?”

Tôi nói: “Con không biết.”

Và ông nói: “Này. Con là đứa nhớ giỏi như ranh mà.”

Nhưng tôi không thể suy nghĩ.

Và Cha nói: “Không được đi lung tung dí cái mũi quỷ quái của con vào việc của người khác. Vậy mà con làm gì nào? Con đi lung tung dí mũi vào việc của người khác. Con đi lung tung lục bới chuyện cũ và kể với bất cứ thằng cha căng chú kiết nào con tình cờ gặp. Cha phải làm gì với con hả, Christopher? Cha phải làm cái khốn khiếp gì với con đây?”

Tôi nói: “Con chỉ tán gẫu với bà Alexander. Con không làm việc điều tra.”

Vậy ông nói: “Cha yêu cầu con làm một điều cho cha, Christopher. Một điều thôi.”

Vậy tôi nói: “Con không muốn nói chuyện với bà Alexander. Chính bà Alexander là người...”

Nhưng Cha ngắt lời tôi và nắm cánh tay tôi thật chặt.

Trước kia Cha chưa bao giờ nắm chặt tôi như thế. Mẹ đã thỉnh thoảng đánh tôi vì bà là người rất nóng tính, nghĩa là bà dễ nổi giận hơn người khác và bà hay quát tháo hơn. Nhưng Cha là người bình tĩnh hơn, nghĩa là ông không mau nổi giận và không hay la hét. Vì thế tôi rất ngạc nhiên khi ông nắm chặt tôi.

Tôi không thích khi người ta nắm chặt tôi. Và tôi cũng không thích bị ngạc nhiên. Vì thế tôi đánh ông, như tôi đánh viên cảnh sát khi ông ta nắm hai cánh tay tôi và kéo tôi lên. Nhưng Cha không buông, và ông la hét. Và tôi lại đánh ông. Và khi ấy tôi không biết mình làm điều gì nữa.

Tôi không nhớ gì trong một lát. Tôi biết là ngắn vì sau đó tôi xem đồng hồ. Giống như có ai tắt tôi rồi bật tôi trở lại. Và khi họ bật tôi trở lại thì tôi đang ngồi trên thảm dựa lưng vào tường và bàn tay phải của tôi có máu và một bên đầu của tôi đau. Và Cha vừa đứng trên thảm cách một mét trước mặt tôi vừa nhìn xuống tôi, và ông vẫn còn cầm cuốn sách của tôi trên tay phải, nhưng nó bị gấp đôi lại và quăn góc, và có một vết xước trên cổ ông và một vết rách lớn trên cánh tay áo sơ mi kẻ ô màu vàng chanh và xanh lam của ông, ông đang thở hổn hển.

Khoảng một phút sau ông quay lưng lại và bước qua bếp. Rồi ông mở khoá cửa vào vườn và đi ra ngoài. Tôi nghe ông nâng nắp thùng rác và bỏ một vật vào đó và đậy nắp thùng rác lại. Rồi ông lại vào bếp, nhưng ông không còn cầm cuốn sách nữa. Rồi ông lại khóa cửa sau và cất chìa khoá vào cái lọ sứ nhỏ có dáng như một bà xơ mập, và ông đứng giữa bếp và nhắm mắt.

Rồi ông mở mắt và ông nói: “Cha cần uống bia.”

Và ông lấy cho mình một lon bia.

131.

Có một số lý do tại sao tôi ghét màu vàng và màu nâu

MÀU VÀNG

1. Món sữa trứng

2. Chuối

(chuối cũng đổi sang màu nâu)

3. Vạch vàng phân cách làn xe

4. Bệnh sốt vàng

(là bệnh từ miền xích đạo Châu Mỹ và Tây Phi, gây sốt cao, viêm thận cấp tính, vàng da và xuất huyết, và do virus truyền từ muỗi đốt tên là

Aedes aegypti

gây ra, thường được gọi là

Stegomyia fasciata

; và viêm thận là hai quả thận bị sưng lên)

5. Hoa vàng

(vì tôi bị dị ứng với phấn hoa, là một trong ba loại dị ứng, và hai loại kia là do phấn cỏ và phấn nấm, và nó làm tôi cảm thấy khó ở)

6. Ngô ngọt

(ví nó theo mìn của ta đi ra vì ta không tiêu hoá được do đó ta thật sự không nên ăn ngô ngọt, cũng như cỏ và lá cây)

MÀU NÂU

1. Đất

2. Nước xốt

3. Mìn

4. Gỗ

(vì ngày trước người ta làm máy móc và xe cộ bằng gỗ, nhưng họ không làm nữa vì gỗ bị gãy mục và đôi khi có mọt, bây giờ người ta làm máy móc và xe cộ bằng kim loại và nhựa, tốt hơn và hiện đại hơn)

5. Melisa Brown

(là một con bé trong trường, nó không thật nâu như Anil hay Mohammed, đó chỉ là tên của nó thôi, nhưng nó xé bức tranh lớn vẽ phi hành gia của tôi làm đôi và tôi đã vứt nó đi dù cô Peters đã lấy băng kéo trong dán lại vì nó trông rách quá)

Cô Forbes nói rằng ghét màu vàng và màu nâu thật là ngớ ngẩn. Và Siobhan bảo cô không nên nói những điều như thế và mỗi người có ý thức riêng về màu sắc. Và Siobhan nói đúng. Nhưng cô Forbes cũng hơi đúng. Vì chuyện đó cũng hơi ngớ ngẩn. Nhưng trong cuộc sống ta phải quyết định rất nhiều thứ và nếu ta không quyết định gì thì ta sẽ không bao giờ làm gì cả vì ta sẽ dùng tất cả thời giờ của mình vào việc chọn lựa xem mình có thể làm gì. Vì thế nếu có một lý do tại sao ta ghét một số thứ và thích một số thứ khác thì cũng tốt. Giống như trong một quán ăn như thỉnh thoảng Cha đưa tôi tới Berni Inn và ta xem thực đơn và phải chọn món mình muốn ăn. Nhưng ta không biết liệu mình có thích một món nào đó hay không vì ta chưa nếm nó bao giờ, vì thế ta có những món ưa thích và ta chọn những món đó, và có những món ta không thích và ta không chọn những món đó, và khi đó thì thật là đơn giản.

137.

Hôm sau Cha nói ông xin lỗi đã đánh tôi và thật ra ông không có ý đó. Ông giúp tôi lau vết xước trên má bằng Dettol để nó khỏi bị nhiễm trùng, rồi ông dán thuốc cao lên để nó khỏi chảy máu.

Rồi vì hôm nay là thứ Bảy, ông nói sẽ đưa tôi đi du ngoạn để cho tôi thấy là ông thành thật xin lỗi, và chúng tôi sẽ đi sở thú Twycorss. Vì thế ông làm sandwich cho tôi với bánh mình trắng và cà chua và rau diếp và giăm bông và mứt dâu cho tôi ăn vì tôi không thích ăn thức ăn ở những nơi mà tôi không biết. Và ông nói sẽ ổn thôi vì dự báo thời tiết bảo hôm nay có mưa nên sẽ không có quá nhiều người ở sở thú, và tôi mừng vì tôi không thích đông người và tôi thích trời mưa. Vì thế tôi đi lấy áo đi mưa của mình, nó màu cam.

Rồi chúng tôi lái đến sở thú Twycross.

Trước kia tôi chưa bao giờ đến sở thú Twycross vì vậy tôi không có lộ trình làm sẵn trong đầu trước khi chúng tôi đến đó, thế nên chúng tôi mua một cuốn sách hướng dẫn ở phòng thông tin rồi chúng tôi đi bộ loanh quanh khắp sở thú và tôi chọn những con thú ưa thích của mình.

Những con thú ưa thích của tôi là

1. RANDYMAN

, là tên con

Khỉ Nhện Đen Mặt Đỏ

(

Ateles paniscus paniscus

) già nhất được nuôi trong chuồng từ xưa đến nay. Randyman 44 tuổi, bằng tuổi Cha. Nó vốn là thú nuôi trên một chiếc tàu và có một cái đai kim khí quanh bụng, như trong truyện hải tặc.

2. ĐÔI HẢI CẨU PATAGONIA

, tên

Miracle

Star

.

3. MALIKU

, là một con

Oranguta

. Tôi đặc biệt thích nó là vì nó nằm trên một cái giống như võng làm bằng một chiếc quần ngủ sọc xanh lá cây và tấm bảng nhựa xanh cạnh chuồng bảo là cái võng ấy nó tự làm lấy.

Rồi chúng tôi đi tới quán ăn và Cha gọi món cá bơn sao và khoai rán và bánh táo và kem với một ấm trà Earl Grey còn tôi ăn cái sandwich của mình và đọc cuốn sách hướng dẫn về sở thú.

Và Cha nói: “Cha yêu con lắm, Christopher. Đừng bao giờ quên nhé. Và cha biết thỉnh thoảng cha có mắng mỏ con. Cha biết cha tức giận. Cha biết cha la hét. Và Cha biết mình không nên làm như vậy. Nhưng Cha làm thế chỉ vì Cha lo lắng cho con, vì Cha không muốn thấy con gặp rắc rối, vì Cha không muốn con buồn khổ. Con hiểu không?”

Tôi không biết mình có hiểu hay không. Vì thế tôi nói: “Con không biết.”

Và Cha nói: “Christopher này, con có hiểu là Cha yêu con không?”

Và tôi nói: “Có,” vì yêu ai đó nghĩa là giúp họ khi học gặp rắc rối, săn sóc họ và nói sự thật cho họ, và Cha thì săn sóc tôi khi tôi gặp rắc rối, tỉ như tới sở cảnh sát, và ông săn sóc tôi bằng cách nấu ăn cho tôi, và ông luôn luôn nói với tôi sự thật, vậy nghĩa là ông yêu tôi.

Và khi ấy ông giơ tay phải lên và xòe các ngón tay ra thành cái quạt, và tôi cũng giơ tay trái lên và xòe các ngón tay ra thành cái quạt và chúng tôi chạm các ngón tay và ngón cái vào nhau.

Rồi tôi lấy một tờ giấy trong túi ra vẽ bản đồ sở thú từ trí nhớ như để kiểm tra. Tấm bản đồ như thế này

Rồi chúng tôi đi xem hươu cao cổ. Và mùi mìn của chúng giống như mùi bên trong chuồng chuột nhảy ở trường hồi chúng tôi có chuột nhảy, và khi chúng chạy chân của chúng dài đến nỗi trông như chúng đang chạy dưới ống kính quay chậm.

Rồi Cha nói chúng tôi phải ra về trước khi đường đông.

139.

Tôi thích Sherlock Holmes, nhưng tôi không thích Ngài Arthur Conan Doyle, tác giả của truyện Sherlock Holmes. Đó là vì ông không giống Sherlock Holmes và ông tin vào siêu nhiên. Và đến già ông gia nhập Hội Duy linh, nghĩa là ông tin rằng người ta có thể giao tiếp với người chết. Đó là vì con trai ông chết vì bệnh cúm hồi Thế chiến thứ nhất và ông vẫn muốn nói chuyện với con.

Và năm 1917 một việc nổi tiếng xảy ra gọi là vụ

Các tiên nữ ở Cottingley

. Hai người chị em họ là France Griffiths 9 tuổi và Elsie Wright 16 tuổi bảo họ thường chơi với tiên bên cạnh dòng suối Cottingley Beck và họ dùng máy ảnh của cha của Frances để chụp 5 tấm ảnh các tiên nữ như thế này

Nhưng đấy không phải là tiên thật. Đấy là hình vẽ trên giáy mà họ cắt ra và dùng đinh ghim dựng đứng lên, vì Elsie là một nghệ sĩ rất giỏi.

Harold Snelling, một chuyên gia về ảnh giả, nói

Các hình ảnh nhảy múa này không làm bằng giấy hay vải; chúng cũng không phải được vẽ lên nền tấm ảnh - nhưng điều ấn tượng nhất với tôi là tất cả các hình này đã cử động trong khi phơi sáng

.

Nhưng ông ta ngu ngốc vì giấy cũng chuyển động trong khi phơi sáng, mà thời gian phơi sáng của tấm ảnh này thì rất lâu vì trong đó ta có thể thấy một thác nước nhỏ phía sau và nó không rõ nét.

Rồi Ngài Arthur Conan Doyle nghe nói về các tấm ảnh và trong một bài viết trên tờ tạp chí

The Strand

ông bảo ông tin chúng là thật. Nhưng ông ta cũng ngu ngốc nốt, vì nếu nhìn các tấm ảnh ta có thể thấy các cô tiên trông giống y như các cô tiên trong sách xưa và họ có cánh và mặc váy và áo nịt và đi giày, giống như người ngoài hành tinh đáp xuống mặt đất và giống như Daleks trong

Bác sĩ Who

hay Imperial Stormtroopers ở Death Star trong

Chiến tranh giữa các vì sao

hay mấy người nhỏ tí màu xanh lục trong truyện tranh về người ngoài hành tinh.

Và năm 1981 một ông tên Joe Cooper phỏng vấn Elsie Wright và Frances Griffiths để viết một bài trên tạp chí

Những bí ẩn chưa có lời giải đáp

và Elsie Wright nói tất cả 5 tấm ảnh là giả mạo và Frances Griffiths nói 4 tấm là giả mạo nhưng một tấm là thật. Và họ nói Elsie đã vẽ các cô tiên theo một cuốn sách tên

Quà tặng của công chúa Mary

của Arthur Shepperson.

Và điều này cho thấy đôi khi người ta muốn ngu xuẩn và họ không muốn biết sự thật.

Và nó cho thấy cái gọi là lưỡi dao cạo của Occam là thật. Và lưỡi dao cạo của Occam không phải là lưỡi dao cạo mà đàn ông dùng để cạo râu mà là một Định luật, và nó là

Entia non sunt multiplicanda praeter necessitatem.

Đấy là tiếng Latin và có nghĩa là

Không nên giả định thêm sự hiện hữu của điều gì nếu không tuyệt đối cần thiết.

Nghĩa là nạn nhân của một vụ án mạng thường bị giết bởi một kẻ quen biết họ và các cô tiên là làm bằng giấy và ta không thể nói chuyện với người đã chết.

149.

Khi tôi đến trường hôm thứ Hai, Siobhan hỏi tôi tại sao tôi bị bầm một bên mặt. Tôi nói Cha tức giận và nắm lấy tôi vì thế tôi đánh ông rồi chúng tôi đánh nhau. Siobhan hỏi Cha có đánh tôi không và tôi nói tôi không biết vì tôi rất cáu và điều đó làm cho trí nhớ của tôi choáng váng. Và khi ấy cô hỏi có phải Cha đã đánh tôi vì ông tức giận không. Và tôi nói ông không đánh tôi, ông nắm lấy tôi, nhưng ông tức giận. Và Siobhan hỏi ông nắm tôi có chặt không, và tôi nói ông nắm tôi chặt. Và Siobhan hỏi tôi có sợ về nhà không, và tôi nói không. Rồi cô hỏi tôi có muốn nói thêm gì về việc này không, và tôi nói không. Và khi ấy cô bèn nói: “Được,” và chúng tôi không nói gì về chuyện đó nữa, vì nếu là nắm cánh tay hay vai người ta khi mình tức giận thì được, nhưng nắm tóc hay mặt người ta thì không được. Nhưng đánh thì không được phép, trừ phi ta hiện đang đánh nhau với ai đó rồi, khi ấy thì đánh người ấy cũng không phải sai trái quá.

Và khi tôi từ trường về đến nhà Cha vẫn còn đang ở chỗ làm, vì thế tôi vào bếp và lấy chiếc chìa khoá trong cái lọ sứ nhỏ hình bà xơ và mở cửa sau và rồi đi ra nhìn vào thùng rác để tìm cuốn sách của tôi.

Tôi muốn lấy lại cuốn sách của mình vì tôi thích viết. Tôi thích có một việc để làm và tôi lại càng thích nếu đó là một việc khó tỉ như viết một quyển sách. Ngoài ra tôi vẫn chưa biết ai đã giết

Wellington

và cuốn sách của tôi là nơi tôi cất giữ tất cả các manh mối tôi đã khám phá và tôi không muốn chúng bị vứt đi.

Nhưng cuốn sách của tôi không có trong thùng rác.

Tôi đậy nắp thùng rác lại và bước xuống vườn để nhìn vào cái thùng Cha vứt rác trong vườn, chẳng hạn như cỏ và táo trên cây rơi xuống, nhưng cuốn sách của tôi cũng không có trong đó.

Tôi tự hỏi có phải Cha đã để nó trong chiếc xe tải của ông và lái tới chỗ đổ rác và bỏ nó và một trong những cái thùng lớn ở đó không, nhưng tôi không muốn đó là sự thật vì như thế tôi sẽ không bao giờ thấy lại nó nữa.

Một khả năng khác là Cha đã giấu cuốn sách của tôi đâu đó trong nhà. Vì thế tôi quyết định tìm xem tôi có thể tìm thấy nó không. Nhưng tôi phải luôn luôn lắng tai thật kỹ để có thể nghe tiếng xe của ông khi ông ngừng bên ngoài nhà để ông không bắt gặp tôi đang làm thám tử.

Tôi bắt đầu bằng cách tìm trong bếp. Cuốn sách của tôi khoảng

25 cm x 35 cm x 1 cm

vì thế không thế giấu nó trong một chỗ rất nhỏ được, nghĩa là tôi không phải tìm trong những nơi rất nhỏ nào. Tôi nhìn lên nóc tủ bát đĩa và nhìn xuống phía sau các ngăn kéo và dưới bếp lò và tôi dùng chiếc đèn pin Mag-Lite đặc biệt của mình và một miếng gương soi trong phòng để dụng cụ để có thể nhìn thấy trong những chỗ tối sau tủ bát đĩa nơi lũ chuột hay từ vườn đi vào đẻ con.

Rồi tôi thám thính trong phòng để dụng cụ.

Rồi tôi thám thính trong phòng ăn.

Rồi tôi thám thính trong phòng khách, tôi thấy cái bánh xe bị mất của chiếc Airfix Messerschmitt Bf 109 G6 dưới gầm ghế sofa.

Rồi tôi nghĩ tôi nghe Cha đang đi vào cửa trước và tôi giật mình và tôi cố đứng vội lên và va đầu gối vào góc bàn tiếp khách và rất đau, nhưng đó chỉ là một trong những người dùng ma tuý ở nhà bên cạnh làm rơi vật gì lên sàn nhà.

Rồi tôi lên lầu, nhưng tôi không thám thính gì trong phòng mình vì tôi lập luận rằng Cha sẽ không giấu tôi vật gì trong phòng tôi trừ phi ông rất thông minh và làm điều gọi là

Tháu cáy

như trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám án mạng thật, vì thế tôi quyết định chỉ tìm trong phòng mình nếu không tìm thấy cuốn sách ở bất cứ chỗ nào khác.

Tôi thám thính trong phòng tắm, nhưng chỗ duy nhất để tìm là cái tủ thoáng đãng và không có gì trong đó.

Nghĩa là căn phòng còn lại duy nhất để thám thính là trong phòng ngủ của Cha. Tôi không biết có nên tìm trong ấy không vì trước đó ông đã bảo tôi đừng làm lộn xộn bất cứ cái gì trong phòng ông. Nhưng nếu ông muốn giấu tôi vật gì, chỗ tốt nhất để giấu

là trong phòng ông.

Vì thế tôi tự nhủ mình sẽ không làm lộn xộn những thứ trong phòng ông. Tôi sẽ dời chúng rồi sẽ mang chúng trở lại chỗ cũ. Và ông sẽ không bao giờ biết tôi đã làm thế vì vậy ông sẽ không tức giận.

Tôi bắt đầu bằng cách nhìn dưới gầm giường. Có 7 chiếc giày và một cái lược dính đầy tóc và một mẩu ống đồng và một cái bánh sô cô la và một tạp chí khiêu dâm tên

Fiesta

và một con ong chết và một cái cà vạt hình Homer Simpson và một cái thìa gỗ, nhưng không có cuốn sách của tôi.

Rồi tôi tìm trong các ngăn kéo hai bên bàn trang điểm, nhưng chúng chỉ chứa thuốc aspirin và cái cắt móng tay và cục pin và chỉ chải răng và một miếng băng vệ sinh và giấy và một chiếc răng giả phòng trường hợp Cha mất chiếc răng giả để trám vào lỗ trống nơi ông bị gãy răng khi ông ngã xuống thang lúc đang treo chuồng chim trong vườn, nhưng cuốn sách của tôi cũng không có trong đó.

Rồi tôi tìm trong tủ áo của ông. Chỗ này đầy quần áo của ông treo trên mắc áo. Trên đầu tủ cũng có một cái kệ nhỏ mà nếu tôi đứng trên giường thì có thể thấy bên trong, nhưng tôi phải cời giày ra phòng trường hợp để lại dấu giày bẩn vốn sẽ là manh mối nếu Cha quyết định làm một cuộc điều tra. Nhưng những thứ trên kệ chỉ là lại mấy tờ tạp chí khiêu dâm nữa và một cái lò nướng bánh mì hỏng và 12 cái mắc áo bằng kẽm và một chiếc máy sấy tóc cũ ngày xưa của Mẹ.

Ở đáy tủ là một thùng nhựa lớn chứa đầy những dụng cụ tự làm, như cái khoan và cọ sơn và vài cây đinh vít và một cây búa, nhưng tôi có thể thấy những vật này mà không cần mở thùng vì nó làm bằng nhựa trong màu xám.

Rồi tôi thấy có một cái thùng khác bên dưới thùng đựng dụng cụ, vì thế tôi nhấc thùng dụng cụ ra khỏi tủ. Cái thùng kia là một hộp giấy cũ gọi là hộp đựng áo vì khi người ta mua áo thì áo thường được đựng trong đó. Và khi mở hộp đựng áo tôi thấy cuốn sách của tôi bên trong.

Khi ấy tôi không biết làm gì.

Tôi mừng vì Cha đã không vứt cuốn sách của tôi đi. Nhưng nếu tôi lấy cuốn sách ông sẽ biết tôi đã lục lọi đồ vật trong phòng ông và ông sẽ rất giận và tôi đã hứa không lục lọi đồ đạc trong phòng ông.

Rồi tôi nghe thấy tiếng xe tải của ông ngừng bên ngoài nhà và tôi biết tôi phải nghĩ thật nhanh và khôn ngoan. Vì thế tôi quyết định sẽ để yên cuốn sách tại chỗ vì tôi lập luận rằng nếu Cha đã cất nó trong hộp đựng áo thì ông sẽ không vứt nó đi và tôi có thể tiếp tục viết vào một cuốn sách khác mà tôi sẽ giữ thật kín, rồi có thể sau này ông đổi ý và cho tôi giữ lại cuốn sách đầu và tôi có thể chép cuốn sách mới vào đó. Và nếu ông không bao giờ trả lại nó cho tôi, tôi có thể nhớ hầu hết điều tôi đã viết, vì thế tôi sẽ ghi tất cả vào cuốn sách bí mật thứ nhì và nếu có những việc tôi muốn tôi kiểm tra cho chắc liệu tôi nhớ có đúng không tôi có thể vào phòng ông để kiểm tra lúc ông ra ngoài.

Rồi tôi nghe Cha đóng cửa xe tải.

Và đúng lúc đó tôi thấy bao thư.

Nó là một bao thư gửi cho tôi, và nó nằm dưới cuốn sách của tôi trong hộp đựng áo với một số bao thư khác. Tôi nhặt nó lên. Nó chưa được bóc. Nó ghi

Christopher Boone

36 Đường

Randolph

Swindon

Wiltshire

Rồi tôi nhận thấy nhiều bao thư khác và chúng đều gửi cho tôi. Và việc này đáng quan tâm và khó hiểu.

Và khi ấy tôi để ý cách viết những chữ Christopher và

Swindon. Chúng được viết như thế này

Tôi chỉ biết 3 người thường vẽ vòng tròn nhỏ thay vì dấu chấm trên chữ i. Và một trong số họ là Siobhan, và một là thấy Loxely ngày trước dạy ở trường, và một là Mẹ.

Và khi ấy tôi nghe Cha mở cửa trước, vì thế tôi lấy một bao thư dưới đáy hộp ra và đóng nắp hộp đựng áo lại và đặt thùng đựng dụng cụ lên trên và đóng cửa tủ thật cẩn thận.

Khi ấy Cha gọi: “Christopher?”

Tôi không nói gì vì ông có thể nghe tôi nói từ đâu. Tôi đứng dậy và bước quanh giường tới cánh cửa, vừa cầm bao thư vừa cố gây thật ít tiếng động.

Cha đang đứng ở cuối thang lầu và tôi nghĩ ông có thể thấy tôi, nhưng ông đang lật qua những lá thư đã đến sáng hôm đó vì thế đầu ông cúi xuống. Rồi ông bước khỏi chân cầu thang đi vào bếp và tôi đóng cửa phòng ông rất êm và đi vào phòng mình.

Tôi muốn xem bao thư nhưng tôi không muốn làm Cha giận, vì thế tôi giấu bao thư dưới nệm giường. Rồi tôi bước xuống lầu và chào Cha.

Và ông nói: “Sao, con làm gì hôm nay, anh bạn trẻ?”

Và tôi nói: “Hôm nay chúng con học

Kỹ năng Đời sống

với cô Gray. Đó là

Dùng Tiền

Phương Tiện Giao Thông Công Cộng

. Và con ăn trưa có món xúp cà chua và 3 quả táo. Và con tập làm toán vào buổi chiều và chúng con đi bộ trong công viên với cô Peters và thu thập lá cây để làm tranh dán.

Và Cha nói: “Tuyệt lắm, tuyệt lắm. Con khoái xực gì tối nay?”

Xực là ăn.

Tôi nói tôi muốn ăn đậu trắng xốt cà chua và bông cải xanh.

Và Cha nói: “Cha nghĩ dễ như bỡn.”

Rồi tôi ngồi xuống ghế sofa đọc thêm một ít cuốn sách tôi đang đọc ấy là cuốn

Hỗn độn

[27]

của James Gleick.

Rồi tôi vào bếp ăn món đậu trắng xốt cà chua và bông cải xanh trong khi Cha ăn xúc xích và trứng và bánh mì nướng và uống trà.

Rồi Cha nói: “Cha sẽ lắp mấy cái kệ đó lên trong phòng khách, được không? Cha sợ là cha sẽ làm hơi ồn, vì vậy nếu con muốn xem tivi mình sẽ chuyển nó lên lầu.”

Và tôi nói: “Con sẽ đi lên phòng một mình.”

Và ông nói: “Giỏi.”

Và tôi nói: “Cảm ơn cha về bữa tối,” vì đó là tỏ ra lịch sự.

Và ông nói: “Không có chi, nhóc tì.”

Và tôi đi lên phòng mình.

Và khi vào phòng tôi đóng cửa và lấy bao thư dưới nệm giường ra. Tôi giơ bao thư lên dưới ánh đèn để xem liệu có thể thấy bên trong bao thư có gì không, nhưng bao thư quá dày. Tôi tự hỏi có nên mở bao thư không vì nó là vật tôi đã lấy trong phòng Cha. Nhưng rồi tôi lập luận rằng nó gửi cho tôi vì thế nó thuộc về tôi vì thế mở nó được.

Thế là tôi mở bao thư.

Bên trong có một lá thư.

Và đây là nội dung viết trong thư

451c Đường Chapter

Willesden

London NW2 5NG

0208 887 8907

Christopher thương,

Mẹ xin lỗi lâu rồi mẹ không viết thư cho con từ sau lá thư trước. Mẹ rất bận. Mẹ mới có việc làm thư ký trong một xưởng làm đồ thép. Chắc con sẽ thích lắm. Xưởng đầy những máy móc không lồ làm thép và cắt và uốn thép thành bấc cứ hình dáng nào họ cầng. Tuần này họ đang làm cái mái cho một tiệm cà phê trong một trung tâm mua bán ở

Birmingham. Nó có hình dáng như một bông hoa khổng lồ và họ sẽ căng vải bố lên để làm nó giống như cái lều thậc to.

Rốt cuộc rồi mẹ cũng dọn vào một căn chung cư mới như con thấy trên địa chỉ. Nó không đẹp như cái cũ và mẹ không thích Willesden lắm, nhưng Roger đi làm sẽ thuận tiện hơn và ông ấy đã mua nó (căn chung cư kia thì ông ấy chỉ thuê), vì thế bọn mẹ có thể sắm bàn ghế riêng và sơn tường màu nào tùy ý.

Và đó là lý do đã lâu mẹ không viết thư cho con từ sau lá thư trước vì mẹ vất vả quá chừng, nào là phải đóng gói hết cả đồ đạc rồi lại mở ra rồi lại phải làm quen với công việc mới.

Bây giờ mẹ rất mệt và mẹ phải đi ngủ và mẹ muốn bỏ lá thư này vào thùng thư sáng ngày mai, vì vậy bây giờ mẹ ngưng đây, mẹ sẽ sớm viết cho con thư khác.

Con chưa viết cho mẹ, vì vậy mẹ biết con có thể vẫn còn giận me. Mẹ xin lỗi Christopher. Nhưng mẹ vẫn yêu con. Mẹ hy vọng con không giận mẹ mãi mãi. Và mẹ sẽ rất vui nếu con có thể viết cho mẹ một lá thư (nhưng nhớ gửi nó tới địa chỉ mới!).

Mẹ lúc nào cũng nghĩ tới con.

Yêu nhiều,

Mẹ của con

X X X X X X

Khi ấy tôi rất lúng túng vì Mẹ chưa bao giờ làm thư ký cho một hãng làm đồ dùng bằng thép. Mẹ có làm thư ký cho một ga ra lớn trong trung tâm thành phố. Và Mẹ chưa bao giờ sống ở

London. Mẹ luôn luôn sống với chúng tôi. Và trước kia Mẹ chưa bao giờ viết thư cho tôi.

Trên lá thư không ghi ngày vì thế tôi không tìm ra Mẹ viết lá thư lúc nào và tôi tự hỏi có phải ai đó khác đã viết lá thư và giả vờ là Mẹ.

Và khi ấy tôi xem mặt trước bao thư và tôi thấy có dấu bưu điện và trên con dấu bưu điện có ngày tháng và ngày tháng khá khó đọc, nhưng nó là

Nghĩa là lá thư gửi ngày 16 tháng Mười năm 1997, 18 tháng sau khi Mẹ chết.

Và khi ấy cửa phòng tôi mở ra và Cha nói: “Con đang làm gì đó?”

Tôi nói: “Con đang đọc thư.”

Và ông nói: “Cha đã khoan xong rồi. Chương trình thiên nhiên của David Attenborough đang chiếu trên tivi nếu con thích.”

Tôi nói: “Vâng.”

Rồi ông lại xuống lầu.

Tôi nhìn lá thư và suy nghĩ rất lung. Nó là một bí ẩn và tôi không thể tìm ra. Có lẽ lá thư nằm không đúng phong bì và đã được viết trước khi Mẹ chết. Nhưng tại sao bà viết ở

London? Lần bà đi xa lâu nhất là một tuần lúc ấy bà đến thăm người chị họ tên Ruth bị ung thư, nhưng Ruth thì sống ởManchester.

Rồi tôi nghĩ có lẽ lá thư không phải của Mẹ. Có lẽ đây là thư của mẹ một người khác tên là Christopher gửi cho Christopher.

Tôi rất hứng thú. Khi tôi bắt đầu viết cuốn sách của mình chỉ có một bí ẩn tôi phải giải quyết. Bây giờ thì có tới hai.

Tôi quyết định rằng tối hôm đó tôi sẽ không suy nghĩ về nó nữa vì tôi không có đủ thông tin và có thể dễ dàng

Nhảy tới Kết luận Sai lầm

như ông Athelney Jones ở Scotland Yard, đó là một điều nguy hiểm vì ta phải chắc chắn là mình đã có tất cả manh mối rồi thì hãy bắt đầu suy diễn sự việc. Như thế ta sẽ ít bị mắc sai lầm hơn rất nhiều.

Tôi quyết định rằng tôi sẽ đợi đến khi Cha ra khỏi nhà. Rồi tôi sẽ vào tủ áo trong phòng ngủ của ông để đọc những lá thư kia xem chúng từ ai gửi và chúng nói gì.

Tôi gấp lá thư và giấu dưới nệm giường mình phòng trường hợp Cha tìm thấy nó và nổi cáu. Rồi tôi xuống lầu và xem truyền hình.

151.

Có rất nhiều điều là chuyện bí ẩn. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có câu trả lời cho chúng. Đó chỉ là vì các nhà khoa học chưa tìm ra câu trả lời.

Thí dụ, một số người tin vào linh hồn của những người trở về từ cõi chết. Và chú Terry nói ông đã gặp một con ma ở một hiệu giày trong trung tâm buôn bán tại

Northampton

vì lúc đang xuống tầng hầm ông thấy một người mặc áo xám đi ngang qua dưới chân thang. Nhưng khi ông xuống tới chân thang, tầng hầm trống trơn, cửa thì không có.

Khi ông kể với bà thu tiền trên lầu, họ nói đó là Tuck và ông ấy là linh hồn của một tu sĩ dòng Francisco ngày xưa sống trong tu viện cũng ở chỗ đó hàng trăm năm trước, đó là tại sao trung tâm buôn bán gọi là

Trung tâm Thương mại Tu sĩ xám

, và họ đã quen với ông và họ chẳng sợ chút nào.

Rốt cuộc rồi các nhà khoa học cũng sẽ khám phá ra điều có thể giải thích chuyện ma quỷ, cũng như họ đã khám phá ra điện để giải thích về sấm sét, và đó có thể là cái gì đấy về bộ óc con người, hay từ trường của trái đất, hay có thể là một lực hoàn toàn mới. Và khi ấy ma quỷ sẽ không còn là bí ẩn. Chúng sẽ giống như điện và cầu vồng và chảo không dính mà thôi.

Nhưng đôi khi một bí ẩn không phải là một bí ẩn. Và đây là một thí dụ về một bí ẩn không phải là bí ẩn.

Ở trường chúng tôi có một cái hồ trong đó có ếch, để chúng tôi có thể học cách đối xử với thú vật một cách tử tế và tôn trọng, vì một số trẻ con trong trường đối xử rất tệ với thú vật và nghĩ rằng nghiến nát con sâu hay ném đá con mèo là thú lắm.

Và có năm trong hồ rất nhiều ếch, và có năm thì lại rất ít. Và nếu ta vẽ một biểu đồ về số ếch trong hồ, nó sẽ trông như thế này (nhưng biểu đồ này được coi như

giả thuyết

, nghĩa là các con số không là số thật, nó chỉ là

minh họa

)

Và nếu nhìn vào biểu đồ ta có thể nghĩ rằng vào những năm 1987 và 1988 và 1989 và 1997 mùa đông rất lạnh, hay có một con diệc đến ăn rất nhiều ếch (thỉnh thoảng có một con diệc đến và cố ăn thịt ếch, nhưng cái lưới thép mỏng che trên hồ đã ngăn không cho nó ăn).

Nhưng đôi khi chuyện không liên quan gì đến mùa đông lạnh giá hay con mèo hay con diệc cả. Đôi khi chỉ là toán học.

Đây là công thức về số thú vật

Nmới

= λ (Ncũ) (1 – Ncũ)

Và trong công thức này N là mật độ thú. Nếu

N = 1

số thú là lớn nhất có thể. Và khi

N = 0

thì thú bị diệt chủng.

Nmới

là số thú trong một năm bất kỳ, và

Ncũ

là số thú trong năm trước đó. Và

λ

là một hằng số.

Nếu

λ

nhỏ hơn 1, số thú sẽ ngày càng nhỏ và đi đến tuyệt chủng. Và nếu

λ

nhỏ hơn 1 và lớn hơn 3, số thú sẽ ngày càng lớn rồi sẽ ổn định như sau (và những biểu đồ này cũng là giả thuyết)

Và nếu

λ

nhỏ hơn 3 và lớn hơn 3,57 số thú sẽ đi theo một chu kỳ như sau

Nhưng nếu

λ

lớn hơn 3,57 số thú sẽ trở nên bất ổn như trong biểu đồ đầu tiên.

Đây là khám phá của Robert May và George Oster và Jim Yorke. Và nó có nghĩa là đôi khi sự vật phức tạp đến nỗi không thể tiên đoán điều gì sẽ xảy ra kế tiếp, nhưng thật ra chúng chỉ tuân theo những quy tắc rất đơn giản.

Và điều này có nghĩa là đôi khi toàn bộ số ếch, hay sâu, hay con người ta có thể chết chẳng vì lý do gì, đơn giản vì đó là cách các con số vận hành.

157.

Sáu ngày sau đó tôi mới có thể trở lại phòng Cha để tìm cái hộp đựng áo trong tủ.

Ngày đầu là thứ Tư, Joseph Fleming cởi quần ra và đi vệ sinh khắp sàn phòng thay quần áo và bắt đầu ăn mìn, nhưng thầy

Davis

ngăn nó lại.

Joseph ăn đủ thứ. Có lần nó ăn một cục băng phiến nhỏ màu xanh treo trong phòng vệ sinh. Và có lần nó ăn tờ 50 £ trong ví của mẹ nó. Và nó còn ăn dây, và dây thun, và khăn giấy và giấy viết và ăn sơn và cả dĩa nhựa nữa. Nó cũng đập cằm và la hét rất dữ.

Tyrone nói có một con ngựa và một con lợn ở trong mìn, vì thế tôi nói nó ngu đần, nhưng Siobhan nói nó không ngu. Chúng là những con thú nhỏ bằng nhựa trong thư viện mà ban giáo viên dùng để khiến người ta kể chuyện. Và Joseph đã ăn chúng.

Vì thế tôi nói tôi sẽ không đi vào phòng vệ sinh vì có mìn trên sàn và cứ hễ nghĩ đến là tôi thấy khó chịu mặc dù thấy Ennison đã vào dọn sạch sẽ. Và tôi đái dầm và phải mặc quần áo dự phòng trong tủ quần áo dự phòng ở phòng cô Gascoyne. Vì thế Siobhan nói tôi có thể dùng phòng vệ sinh của giáo viên trong hai ngày, nhưng chỉ hai ngày thôi, và khi ấy thì tôi sẽ lại phải dùng phòng vệ sinh của học sinh. Và chúng tôi thoả thuận như thế.

Ngày thứ nhì, thứ ba và thứ tư, là thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy, không có gì đáng chú ý xảy ra.

Ngày thứ năm là Chủ nhật, trời mưa rất to. Tôi thích trời mưa to. Nó nghe như tiếng rè rè khắp nơi, giống như sự im lặng nhưng không trống rỗng.

Tôi lên lầu ngồi trong phòng mình và xem mưa rơi trên đường phố. Nó rơi nhiều đến nỗi trông như những tia lóe trắng (và đây cũng là một so sánh, không phải ẩn dụ). Và không có ai xung quanh vì mọi người đang ở trong nhà. Và nó khiến tôi nghĩ rằng tất cả nước trên thế giới có liên hệ với nhau, và nước này đã bốc hơi từ những đại dương nào đó giữa Vịnh Mexico hay Vịnh Baffin, và giờ đây đang rơi trước nhà và sẽ trôi mất vào cống rãnh và chảy tới một trạm nước thải để được tẩy sạch rồi nó sẽ đổ vào một con sông và trở lại đại dương.

Và chiều tối thứ Hai Cha nhận được điện thoại của một bà có tầng hầm bị lụt kêu ông đến sửa khẩn cấp.

Nếu chỉ có một vụ khẩn cấp thì Rhodri sẽ đi sửa vì vợ ông và con cái ông đã đến sống ở Somerset, nghĩa là ông không có việc gì làm vào các buổi chiều tối ngoài chơi bi da và nhậu nhẹt và xem tivi, và ông cần làm thêm giờ để kiếm tiền gửi cho vợ ông giúp bà ấy trông nom con cái. Và Cha phải trông nom tôi. Nhưng tối nay có hai vụ khẩn cấp, vì thế Cha bảo tôi hãy ngoan và nếu có vấn đề gì thì gọi điện thoại di động cho ông, rồi ông lái xe tải đi.

Thế là tôi vào phòng ngủ của ông và mở tủ và nhấc thùng dụng cụ bên trên hộp đựng áo lên và mở cái hộp đựng áo.

Tôi đếm các lá thư. Có 43 lá thư. Chúng đều gửi cho tôi trong cùng một nét chữ viết tay.

Tôi lấy một lá thư rồi mở ra.

Bên trong là lá thư này

3 tháng Năm

451c Đường Chapter

London

NW2 5NG

0208 887 8907

Christopher thương,

Rốt cuộc Mẹ cũng có tủ lạnh mới và bếp mới! Roger và mẹ lái xe tới chỗ đổ rác vào cuối tuần để vứt những cái cũ đi. Đó là nơi người ta vứt mọi thứ đi. Có những cái thùng khổng lồ ba màu khác nhao để đựng chai lọ và giấy bìa và dầu máy và rác ngoài vườn và rác trong nhà và những món lớn hơn (mẹ vứt cái tủ lạnh cũ và bếp vào cái thùng đó).

Rồi bọn mẹ đi tới một cửa hiệu bán đồ cũ và mua một cái bếp mới và một cái tủ lạnh mới. Bây giờ căn nhà mới giống một tổ ấm hơn.

Tối qua mẹ xem lại những tấm ảnh cũ và mẹ buồn quá. Rồi mẹ thấy một tấm ảnh của con đang chơi với chiếc tàu hỏa cha mẹ mua hồi Giáng sinh hai năm trước. Và nó làm mẹ vui vì nó là một trong những lúc mình thật hạnh phúc với nhau.

Con có nhớ con chơi với nó cả ngày và đến tối con không chịu đi ngủ vì con vẫn còn chơi với nó không. Và con có nhớ cha mẹ kể cho con về lịch chình tàu và con làm một bảng lịch chình tàu và kiếm một cái đồng hồ và con bắt tàu chạy đúng giờ. Và có một nhà ga nhỏ bằng gỗ nữa, và con có nhớ cha mẹ đã chỉ cho con rằng muốn đi tàu thì người ta tới nhà ga mua vé rồi lên tàu không? Rồi cha mẹ lấy một cái bản đồ chỉ cho con thấy những đường kẻ nhỏ là đường tàu nối tất cả các ga. Và con chơi với nó hết tuần này sang tuần kia rồi tuần nọ và mẹ liền mua cho con thêm tàu thế là con biết tất tật chúng đi tới những đâu.

Mẹ vui lắm vì vẫn nhớ chuyện đó.

Bây giờ mẹ phải đi. Đã ba giờ rưỡi chiều rồi. Mẹ biết con luôn thích biết chính xác mấy giờ. Và mẹ phải đi tới Co-op và mua giăm bông để Roger ăn lúc uống trà. Mẹ sẽ bỏ lá thư này vào thùng thư trên đường tới cửa hiệu.

Thương,

Mẹ của con

X X X X X X

Rồi tôi mở một bao thư khác. Đây là lá thư bên trong

Phòng 1, 312 Đường

Lausanne

London

N8 5BV

0208 756 4321

Christopher thương,

Mẹ đã nói là khi nào có thời giờ để viết đâu ra đó mẹ sẽ giải thích cho con tại sao mẹ bỏ đi. Bây giờ mẹ có nhiều thời giờ. Vì vậy mẹ ngồi trên sofa ở đây mở radio rồi viết lá thư này và mẹ sẽ cố giải thích.

Mẹ không phải là một bà mẹ tốt lắm, Christopher ạ. Có lẽ nếu sự việc khác đi, có lẽ nếu con khác đi thì chắc mẹ đã tốt hơn. Nhưng sự việc hoá ra là như vậy.

Mẹ không giống như cha con. Cha con là người kiêng nhẫng hơn nhiều. Chuyện gì ông ấy cũng cho qua và nếu có gì làm ông ấy cáo giận ông ấy cũng không để lộ ra. Nhưng mẹ thì không như vậy và mẹ không làm gì để thay đổi được.

Con còn nhớ một lần khi mình đi mua sắm trong phố với nhau không? Và mình đi vào Bentalls và chỗ đó rất đông và mình phải mua quà Giáng sinh cho Bà? Và con sợ vì tất cả mọi người trong cửa hiệu. Lúc đó là đang giữa mùa mua sắm Giáng sinh nên ai nấy đều vào phố. Và mẹ đang nói chuyện với

ông

Land

bán hàng ở khu bếp núc và hồi xưa học cùng với mẹ. Và con thì cúi xuống sàn nhà úp tay che tai và con cản lối mọi người. Vì thế mẹ nổi cáu, vì mẹ cũng không thích mua sắm lúc Giáng sinh, và mẹ bảo con phải ngoan và mẹ cố nhấc con lên và đem con đi. Nhưng con la hét và đá mấy cái máy trộn văng khỏi kệ hàng đổ ầm xuống. Và mọi người quay lại xem chuyện gì xảy ra. Và ông Land thì rất tử tế nhưng có mấy cái thùng và mảnh bát vỡ trên sàn nhà và mọi người ngó đăm đăm, và mẹ lại thấy con đái ra quần và mẹ cáu lắm và mẹ muốn mang con ra khỏi cửa hiệu nhưng con không cho mẹ đụng vào con và con cứ nằm trên sàn nhà vừa la hét vừa đập tay chân lên sàn nhà và ông quản lý tới hỏi có chuyện gì vậy và mẹ thật chịu hết nổi và đã phải đền tiền hai cái máy trộn bị vỡ và cứ phải đợi tới khi con thôi la hét. Và rồi mẹ phải dắt con đi bộ suốt quãng đường về nhà mất mấy tiếng vì mẹ biết con sẽ không chịu lên xe buýt nữa.

Và mẹ nhớ tối hôm đó mẹ cứ khóc mãi khóc mãi và lúc đầu cha con rất tử tế và ông ấy nấu bữa tối cho con rồi ông ấy đưa con đi ngủ và ông ấy nói mấy chuyện này vẫn xảy ra mà, sẽ không sao cả đâu. Nhưng mẹ nói mẹ chịu hết nổi rồi nên cuối cùng ông ấy cáo hết sức và ông ấy nói mẹ ngu đần và bảo mẹ nên bình tĩnh lại thế là mẹ đánh ông ấy, như vậy là không phải, nhưng mẹ giận quá mà.

Cha mẹ có nhiều lần cãi nhao như vậy. Vì mẹ thường nghĩ mẹ không chịu nổi nữa. Và cha con rất kiêng nhẫng nhưng mẹ thì không, mẹ nối cáu, mặc dù mẹ cũng không muốn. Và cuối cùng cha mẹ không nói chuyện với nhau nhiều nữa vì cha mẹ biết luôn luôn sẽ dẫng tới cãi nhao và không đi tới đâu. Và mẹ cảm thấy rất cô đơng.

Và đó là khi mẹ bắt đầu gặp gỡ Roger thường xuyên. Thật ra thì dĩ nhiên là mẹ vẫn hay gặp Roger và Eileen luôn. Nhưng mẹ bắt đầu gặp riêng Roger vì mẹ có thể nói chuyện với ông ấy. Ông ấy là người duy nhất mẹ có thể nói chuyện. Và khi mẹ ở bên với ông ấy thì mẹ không còn cảm thấy cô đơng nữa.

Và mẹ biết con có thế không hiểu chút nào về chuyện này, nhưng mẹ muốn cố giải thích để cho con hiểu. Mà thậm chí nếu bây giờ con không hiểu, con có thể giữ lá thư này và sau này hãy đọc và có lẽ khi đó con sẽ hiểu.

Và Roger bảo mẹ rằng ông ấy và Eileen không yêu nhau nữa, và họ đã không yêu nhau từ lâu rồi. Nghĩa là ông ấy cũng đang cảm thấy cô đơng. Vì vậy mẹ và ông ấy giống nhau nhiều thứ. Và rồi mẹ và ông ấy nhận ra bọn mẹ đang yêu nhau. Và ông ấy đề nghị mẹ bỏ cha con mà dọn vào ở cùng một nhà với nhau. Nhưng mẹ nói mẹ không thể bỏ con, và vì vậy ông ấy buồn nhưng ông ấy hiểu rằng con là rấc quan trọng đối với mẹ.

Rồi con và mẹ có trận cãi nhao đó. Con nhớ không? Nó là về món ăn của con bữa tối đó. Mẹ nấu cho con và con không ăn. Và con đã không ăn ngày này qua ngày khác và con trông rất gầy. Và con bắt đầu la hét và mẹ nổi cáu và mẹ ném thức ăn khắp phòng. Mẹ biết là mẹ không nên làm như vậy. Và con cầm cái thớt mà ném và nó rơi trúng chân mẹ và làm gãy ngón chân mẹ. Rồi dĩ nhiên mình phải đi bệnh viện và mẹ phải bó bột bàn chân. Và sau đó ở nhà cha con và mẹ cãi nhao to. Ông ấy đổ lỗi cho mẹ đã nổi cáu với con. Và ông ấy nói mẹ nên cứ cho con ăn cái gì con muốn, dù chỉ một đĩa rau diếp hay một cốc sữa đánh với dâu. Và mẹ nói mẹ chỉ cố cho con ăn cái gì bổ dưỡng. Và ông ấy nói con đâu làm gì khác được. Và mẹ liền nói ôi dào mẹ cũng đâu làm gì khác được và mẹ chỉ bực mình. Và ông ấy liền nói nếu ông ấy có thể giữ được bình tĩnh thì mẹ cũng nên giữ cái bình tĩnh khốn khiếp của mẹ. Và cứ thể tiếp tục.

Và suốt một tháng mẹ không thể đi bình thường được, con nhớ không, và cha con phải trông nom con. Và mẹ nhớ đã nhìn hai cha con và thấy hai cha con gắn bó với nhau và nghĩ khi gần ông ấy thì con thật khác. Bình tĩnh hơn nhiều. Và hai cha con không la hét nhau. Và nó làm mẹ buồn lắm vì giống như con không cần đến mẹ chút nào. Và không rõ vì sao chuyện đó còn tệ hơn là con với mẹ cãi nhau suốt ngày vì cứ như là mẹ không có trên đời vậy.

Và mẹ nghĩ đó là lúc mẹ nhận ra con và cha con có thể sẽ thoải mái hơn nếu mẹ không sống trong nhà nữa. Khi ấy ông ấy chỉ có một người để trông nom thay vì hai.

Rồi Roger nói ông ấy đã hỏi ngân hàng để xin chuyển đi. Nghĩa là ông ấy hỏi họ là ông ấy có việc làm ở London hay không, và ông ấy sắp dọn đi. Ông ấy hỏi mẹ có muốn đi với ông ấy không. Mẹ suy nghĩ lâu lắm, Christopher ạ. Thật đấy. Và nó làm mẹ đau lòng, nhưng cuối cùng mẹ quyết định mẹ đi là tốt hơn cả cho mọi người. Vì vậy mẹ đồng ý.

Mẹ đã muốn nói lời tạm biệt. Mẹ sẽ quay lại lấy một số quần áo khi con từ trường về. Và lúc đó mẹ sẽ giải thích điều mẹ đang làm và nói là mẹ sẽ về gặp con thường xuyên và thỉnh thoảng con có thể xuống London ở với bọn mẹ. Nhưng khi mẹ gọi điện cho cha con, ông ấy nói mẹ không được quay lại. Ông ấy giận lắm. Ông ấy nói mẹ không được nói chuyện với con. Mẹ không biết làm gì. Ông ấy nói mẹ ích kỷ và mẹ không bao giờ được đặt chân vào nhà nữa. Vì vậy mẹ không về. Nhưng thay vào đó mẹ viết cho con những lá thư này.

Mẹ tự hỏi con có thể hiểu mấy chuyện này không. Mẹ biết rất khó cho con. Nhưng mẹ hy vọng con có thể hiểu chút nào đó.

Christopher ơi, mẹ không bao giờ có ý định làm con buồn. Mẹ nghĩ điều mẹ làm là tốt nhất cho tất cả chúng ta. Mẹ hy vọng như vậy. Và mẹ muốn con biết đó không phải là lỗi của con.

Mẹ hay nằm mơ là mọi thứ sẽ tốt hơn. Con có nhớ con hay nói là con muốn làm phi hành da không? Chao, mẹ thường mơ con là phi hành da và con lên tivi và mẹ nghĩ đó là con trai của mẹ. Mẹ tự hỏi bây giờ con muốn làm gì. Có thay đổi không? Con vẫn làm toán chứ? Mẹ hy vọng con vẫn làm.

Christoper à, làm ơn thỉnh thoảng viết cho mẹ, hay gọi điện thoại cho mẹ nhé. Số ở trên đầu thư.

Thương và hôn con,

Mẹ của con

x x x x x x

Rồi tôi mở lá thư thứ ba. Đây là lá thư bên trong

18 tháng Chín

Phòng 1

312 Đường

Lausanne

London

N8

0208 756 4321

Christopher thương,

Thế đấy, mẹ nói mẹ sẽ viết cho con mỗi tuần, và mẹ làm đúng vậy. Thật ra, đây là lá thư thứ hai trong tuần này, vì vậy mẹ làm còn giỏi hơn mẹ nói.

Mẹ có việc làm rồi! Mẹ đang làm trong Camden, cho Perkin & Rashid, Giám định viên chính thức. Nghĩa là họ đi xem nhà cửa và tính toán giá cả bao nhiêu và cần phải làm những việc gì và việc đó tốn bao nhiêu. Và họ cũng tính toán xem xây nhà cửa văn phòng và xưởng máy mới sẽ tốn bao nhiêu.

Văn phòng đẹp lắm. Người thư ký kia là Angie. Bàn giấy của bà ấy đầy kín những con gấu nhồi bông nhỏ và đồ chơi nhồi bông và ảnh mấy đứa con bà ấy (vì vậy mẹ để một khung ảnh của con trên bàn giấy của mẹ). Bà ấy rất tử tế và bọn mẹ luôn đi ăn trưa với nhau.

Dù vậy mẹ không biết mẹ sẽ ở đây bao lâu. Mẹ phải cộng rất nhiều con số khi gửi hóa đơn cho khách hàng mà việc này thì mẹ không giỏi lắm (con giỏi việc này hơn mẹ!)

Công ty do hai ông làm chủ tên là ông Perkin và ông Rashid. Ông Rashid người

Pakistan

và rất nghiêm khắc và luôn luôn muốn mọi người làm việc nhanh hơn. Và ông Perkin thì quái đản (Angie gọi ông ta là Perkin Mất Nết). Mỗi khi ông ấy đến và đứng bên cạnh mẹ để hỏi một câu hỏi ông ấy luôn luôn đặt tay lên vai mẹ và chồm xuống để mặt ông ấy rất gần mặt mẹ và mẹ ngửi thấy mùi kem đánh răng của ông ấy làm mẹ nổi da gà. Và lương cũng không khá lắm. Vì vậy mẹ sẽ tìm việc khác tốt hơn ngay khi mẹ có cơ hội.

Hôm nọ mẹ lên Alexandra Palace. Nó là cái công viên lớn ngay bên góc đường gần căn chung cư của mẹ, và công viên là một cái đồi mênh mông trên đỉnh có một trung tâm hội nghị lớn và nó làm mẹ nghĩ tới con vì nếu con tới đây mình có thể đến đó thả diều hay nhìn máy bay tới phi trường Heathrow và mẹ biết con sẽ thích.

Bây giờ mẹ phải đi, Christopher ạ. Mẹ đang viết thư này vào giờ ăn trưa (Angie nghỉ vì bị cúm, vì vậy bọn mẹ không ăn trưa với nhau). Làm ơnthỉnh thoảng viết cho mẹ và kể cho mẹ nghe con có khỏe không và con làm gì ở trường.

Mẹ hy vọng con nhận được quà mẹ gửi cho con. Con đã giải nó xong chưa. Roger và mẹ thấy nó trong một cửa hiệu ở chợ Camden và mẹ biết con luôn thích trò chơi đố. Roger đã thử tháo rời hai mảnh ra trước khi bọn mẹ gói nó lại và ông ấy không làm được. Ông ấy nói nếu con xoay xở được thì con là một thiên tài.

Thương nhiều thật nhiều,

Mẹ của con

x x x x

Và đây là lá thư thứ tư

23 Tháng Tám

Phòng 1

312 Đường

Lausanne

London

N8

Chritopher thương,

Mẹ xin lỗi tuần trước đã không viết thư cho con. Mẹ phải đi nha sĩ để nhổ hai cái răng hàm. Con có thể không nhớ hồi cha mẹ đưa con tới nha sĩ. Con không cho ai đút tay vào trong miệng con vì vậy phải cho con ngủ thì nha sĩ mới nhổ răng cho con được. Mẹ thì họ không cho mẹ ngủ, họ chỉ cho mẹ cái gọi là gây tê tại chỗ nghĩa là mình không cảm thấy gì trong miệng mình, như vậy cũng đủ vì họ phải cưa xương để lấy cái răng ra. Và nó cũng không đau lắm. Thật ra mẹ cười vì nha sĩ phải giật mạnh và kéo và kéo mãi kéo mãi và mẹ thấy tức cười quá. Nhưng khi về đến nhà thì mẹ lại thấy đau và mẹ phải nằm trên ghế sofa hai ngày và uống rất nhiều thuốc giảm đau…

Khi đó tôi từng đọc thư vì tôi cảm thấy khó chịu.

Mẹ đã không bị đau tim. Mẹ không chết. Mẹ còn sống từ hồi nào tới giờ. Và Cha đã nói dối về việc này.

Tôi cố nghĩ thật kỹ xem có lời giải thích nào khác nhưng tôi không nghĩ ra. Và khi ấy tôi không thể suy nghĩ được gì nữa vì óc tôi không làm việc đúng cách.

Tôi cảm thấy choáng váng. Nó giống như căn phòng đang lắc từ bên này sang bên kia, như thể tôi đang ở trên nóc một tòa nhà rất cao và tòa nhà đang lắc tới lắc lui trong gió mạnh (đây cũng là một so sánh). Nhưng tôi biết căn phòng không thể lắc tới lắc lui, vì thế đó phải là điều gì đang xảy ra trong đầu tôi.

Tôi lăn trên giường và cuộn tròn thành một quả bóng.

Dạ dày tôi đau.

Tôi không biết sau đó xảy ra điều gì vì trí nhớ của tôi bị ngắt quãng, như một đoạn băng từ bị xóa. Nhưng tôi biết thời gian trôi qua rất lâu, vì sau đó khi mở mắt lại thì tôi thấy ngoài cửa sổ trời đã tối. Và tôi đã nôn vì những thứ tôi nôn ra ở khắp trên giường trên bàn tay, cánh tay và mặt tôi.

Nhưng trước đó tôi nghe Cha đang vào nhà và gọi tên tôi, đó là một lý do nữa tại sao tôi biết thời gian đã trôi qua rất lâu.

Và lạ lùng vì ông gọi: “Christopher ơi? Christopher à?” và tôi có thể thấy tên tôi được viết ra trong khi ông gọi. Thường tôi có thể thấy lời một người đang nói được viết ra như thể nó hiện lên trên màn hình máy vi tính, nhất là nếu họ ở trong một căn phòng khác. Nhưng đây không phải là trên màn hình máy vi tính. Tôi có thể thấy nó được viết thật lớn, như trên tấm bảng quảng cáo lớn bên hông xe buýt. Và nó viết bằng chữ viết tay của mẹ, như thế này

Và khi ấy tôi nghe Cha lên lầu và bước vào phòng.

Ông nói: “Christopher, con làm cái quỷ gì vậy?”

Và tôi có thể biết ông đang ở trong phòng, nhưng giọng nói của ông nghe rất nhỏ và xa xôi, như giọng của người ta những lúc tôi đang rên rỉ và tôi không muốn có họ ở gần tôi.

Và ông nói: “Con làm cái khốn kiếp…? Tủ của cha mà, Christopher. Cái đó… Trời ơi… Trời, trời, trời, trời, trời.”

Rồi ông không nói gì một lúc lâu.

Rồi ông đặt tay lên vai tôi xoay ngang tôi ra và ông nói: “Ồ Chúa ơi.” Nhưng khi ông chạm vào tôi thì không thấy đau như mọi lần. Tôi có thể thấy ông chạm vào tôi, như tôi đang xem một cuốn phim những gì đang xảy ra trong phòng, nhưng tôi không cảm thấy bàn tay ông. Nó chỉ giống như gió thổi vào tôi.

Và khi ấy ông lại yên lặng một lúc lâu.

Rồi ông nói: “Cha xin lỗi, Christopher. Cha rất tiếc, rất tiếc.”

Rồi ông nói: “Con đã đọc thư.”

Rồi tôi có thể nghe thấy ông đang khóc vì hơi thở của ông nghe toàn bong bóng và ướt, giống như khi người ta bị cảm lạnh và có nhiều nước mũi.

Rồi ông nói: “Cha làm thế vì tốt cho con, Christopher. Thật đó. Cha không bao giờ có ý định nói dối. Cha chỉ nghĩ… Cha chỉ nghĩ tốt hơn là con không biết… là… là… Cha không định… Cha sẽ cho con xem khi con lớn.”

Rồi ông lại im lặng.

Rồi ông nói: “Đó là một việc ngoài ý muốn.”

Rồi ông lại im lặng.

Rồi ông nói: “Cha không biết nói gì… Cha thật rối trí… Mẹ để lại vài chữ và… Rồi mẹ gọi điện và… Cha nói mẹ ở bệnh viện vì… vì cha không biết giải thích làm sao. Phức tạp quá. Khó quá. Và cha… cha nói mẹ nằm bệnh viện. Và cha biết thế là không đúng. Nhưng một khi cha đã nói… cha không thể… cha không thể đổi lại. Con hiểu không… Christopher… ? Christopher à…? Chỉ là… Nó vượt ngoài tầm tay và cha ước gì…”

Rồi ông im lặng một lúc rất lâu.

Rồi ông lại chạm vào vai tôi mà nói: “Christopher này, cha lau chùi cho con nhé?”

Ông hơi lắc vai tôi nhưng tôi không cử động.

Và ông nói: “Christopher, cha sẽ vào phòng tắm mở nước nóng cho con. Rồi cha sẽ quay lại và cho con đi tắm nhé? Rồi cha sẽ cho ga trải giường vào máy giặt.”

Rồi tôi nghe ông đứng dậy và vào phòng tắm và mở vòi nước. Tôi lắng nghe nước chảy trong bồn. Ông không quay lại ngay. Rồi ông quay lại chạm vào vai tôi lần nữa và nói: “Mình sẽ làm thật nhẹ nhàng, Christopher. Mình sẽ cho con ngồi dậy và cởi quần áo con ra và cho con đi tắm nhé? Cha sẽ phải sờ vào người con, nhưng không sao đâu.”

Khi ấy ông nâng tôi lên và để tôi ngồi dậy bên mép giường. Ông cởi áo len của tôi và sơ mi của tôi để lên giường. Rồi ông dựng tôi đứng lên và dắt qua phòng tắm. Và tôi không la hét. Và tôi không cưỡng lại. Và tôi không đánh ông.

163.

Khi tôi còn nhỏ và mới đến trường lần đầu, cô giáo chính của tôi là Julie, vì Siobhan hồi đó chưa bắt đầu làm việc ở trường. Cô chỉ bắt đầu làm việc ở trường khi tôi mười hai tuổi.

Và một hôm Julie ngồi xuống bàn bên cạnh tôi và đặt một ống kẹo Smarties lên bàn, và cô nói: “Christopher, em nghĩ trong này là cái gì?”

Và tôi nói: “Smarties.”

Khi ấy cô mở nắp ống Smarties và dốc ngược nó xuống và một cây bút chì nhỏ màu đỏ rơi ra và cô cười và tôi nói: “Không phải Smarties, nó là cây bút chì.”

Rồi cô bỏ cây bút chì nhỏ màu đỏ vào lại ống Smarties và đậy nắp lại.

Rồi cô nói: “Nếu bây giờ má em đến và mình hỏi bà có cái gì trong ống Smarties, em nghĩ bà sẽ nói gì?” Vì hồi đó tôi gọi Mẹ là

Má,

không phải

Mẹ.

Và tôi nói: “Một cây bút chì.”

Đó là vì khi tôi còn nhỏ tôi không hiểu người khác có trí óc. Và Julie bảo Mẹ và Cha rằng tôi sẽ luôn thấy việc này rất khó. Nhưng bây giờ tôi không thấy việc này khó. Vì tôi nghĩ rằng đó là một loại câu đố, và nếu một sự việc là câu đố thì luôn luôn có cách giải.

Nó giống như máy vi tính. Người ta nghĩ máy vi tính khác với con người vì chúng không có trí óc, mặc dù trong thử nghiệm Turing máy vi tính có thể đối thoại với người ta về thời tiết và rượu vang và nước Ý như thế nào, và thậm chí chúng có thể nói đùa nữa.

Nhưng trí óc chỉ là một bộ máy phức tạp mà thôi.

Và mỗi khi nhìn sự vật chúng ta nghĩ mình chỉ nhìn ra ngoài con mắt của mình như khi ta nhìn ra ngoài khuôn cửa sổ nhỏ và có một người bên trong đầu chúng ta, nhưng không phải. Ấy là chúng ta đang nhìn vào một màn hình trong đầu chúng ta, như màn hình máy vi tính.

Và bạn có thể biết thế nhờ một thí nghiệm tôi đã xem trên TV trong loạt phim tên

Bộ óc hoạt động như thế nào.

Trong thí nghiệm này ta cho đầu mình vào một cái kẹp rồi nhìn vào một trang viết trên màn hình. Nó như một trang viết thường và không có gì thay đổi. Nhưng một lúc sau, khi mắt ta di chuyển khắp trang, ta nhận ra rằng có gì đó rất lạ lùng vì mỗi khi ta cố đọc một chỗ trong trang giấy mà ta đã đọc qua rồi thì nó lại khác đi.

Và đó là vì khi mắt ta chớp từ một điểm sang một điểm khác, ta không thấy gì cả và ta mù. Và cái chớp mắt đó được gọi là

sự di chuyển mắt đột ngột.

Vì nếu khi mắt ta chớp từ một điểm sang một điểm khác mà ta nhìn thấy mọi thứ thì ta sẽ cảm thấy chóng mặt. Và trong thí nghiệm có một dụng cụ cảm biến để ghi nhận khi mắt ta đang chớp từ một chỗ sang một chỗ khác, và khi mắt làm điều này nó làm thay đổi một số chữ trên trang giấy ở một chỗ ta đang không nhìn tới.

Nhưng ta không nhận ra mình đang bị mù trong những lúc di chuyển mắt đột ngột vì bộ óc của ta lấp đầy màn hình trong đầu ta để ta thấy có vẻ như mình đang nhìn ra từ hai khuôn cửa sổ nhỏ trong đầu. Và ta không nhận ra rằng những chữ đã thay đổi trên một chỗ khác của trang giấy vì trí óc ta đã lấp vào những hình ảnh sự vật mà ta không nhìn tới tại thời điểm lúc đó.

Và người ta khác con vật vì họ có thể mang trên các màn hình trong đầu mình những hình ảnh về những thứ mà họ đang không nhìn đến. Họ có thể có hình ảnh của một người trong một căn phòng khác. Hay họ có thể có hình ảnh của một điều sẽ xảy ra ngày mai. Hay họ có thể có hình ảnh chính họ là phi hành gia. Hay họ có thể có hình ảnh của những con số thật lớn. Hay họ có thể có hình ảnh của Chuỗi Lập Luận khi họ đang thử giải đáp điều gì.

Và đó là lý do tại sao một con chó có thể tới bác sĩ thú y để trải qua một cuộc đại phẫu và có mấy cây đinh kim loại thòi ra ngoài chân nó nhưng nếu nó thấy một con mèo nó sẽ quên khuấy rằng nó đang có mấy cây đinh thòi ra ngoài chân nó và cứ thế đuổi theo con mèo. Nhưng khi một người bị giải phẫu họ sẽ có một hình ảnh về sự đau đớn trong đầu suốt tháng này sang tháng khác. Và họ có hình ảnh những mũi khâu trên chân họ và cái xương bị gãy và mấy cây đinh và thậm chí nếu họ thấy chuyến xe buýt mà họ phải bắt để tới bệnh viện họ cũng sẽ không chạy vì họ đã có hình ảnh trong đầu về những khúc xương nghiến vào nhau và những mũi khâu bị đứt và chậm chí còn đau hơn nữa.

Và đó là lý do tại sao người ta nghĩ rằng máy vi tính không có trí óc, và tại sao người ta nghĩ rằng bộ óc của họ là đặc biệt và khác máy vi tính. Vì người ta có thể thấy màn hình trong đầu họ và họ nghĩ có ai đó ngồi trong đầu họ mà nhìn lên màn hình, như Trưởng đoàn Jean-Luc Picard trong

Star Trek: Thế hệ tiếp theo

ngồi trên ghế trưởng phi hành đoàn nhìn lên một màn hình lớn. Và họ nghĩ rằng người này là trí óc đặc biệt của riêng con người, gọi là homunculus, nghĩa là

người tí hon.

Và họ nghĩ máy vi tính thì không có người tí hon này.

Nhưng người tí hon này chỉ là một hình ảnh khác trên màn hình trong đầu họ thôi. Và khi người tí hon hiện trên màn hình trong đầu họ (vì người ta đang nghĩ về người tí hon) thì có một mẩu óc khác đang nhìn màn hình. Và khi người ta nghĩ về phần óc này (mẩu óc đang nhìn người tí hon trên màn hình) họ đặt mẩu óc này lên màn hình và lại có một mẩu óc khác nhìn màn hình. Nhưng bộ óc không thấy điều này xảy ra bởi vì nó giống như con mắt chớp từ chỗ này sang chỗ khác và khi người ta chuyển từ suy nghĩ về một vật này sang suy nghĩ về một vật khác thì họ bị mù trong đầu.

Và đó là lý do tại sao bộ óc con người giống như máy vi tính. Và không phải vì họ đặc biệt mà vì họ cứ phải tắt đi trong một tích tắc mỗi khi màn hình thay đổi. Và vì có thứ họ không thấy nên người ta nghĩ nó phải đặc biệt, vì người ta luôn nghĩ rằng điều gì họ không thấy thì đặc biệt, giống như phía bên kia của mặt trăng, hay phía bên kia của lỗ đen, hay trong bóng tối lúc họ thức dậy lúc ban đêm mà sợ hãi.

Người ta cũng nghĩ họ không phải là máy vi tính vì họ có cảm giác và máy vi tính không có cảm giác. Nhưng cảm giác chỉ là có một hình ảnh trên màn hình trong đầu ta về điều sẽ xảy ra ngày mai hay năm tới, hay điều đáng lẽ phải xảy ra thay vì điều đã xảy ra, và nếu nó là hình ảnh hạnh phúc họ mỉm cười và nếu nó là hình ảnh buồn thì họ khóc.

167.

Sau khi Cha tắm cho tôi và lau sạch vết nôn mửa trên người tôi và lau khô tôi bằng chiếc khăn tắm, ông đưa tôi vào phòng ngủ của tôi và mặc quần áo sạch vào.

Rồi ông nói: “Tối nay con đã ăn gì chưa?”

Nhưng tôi không nói gì.

Rồi ông nói: “Cha lấy gì cho con ăn nhé, Christopher?”

Nhưng tôi vẫn không nói gì.

Vì thế ông nói: “Được rồi. Nào. Cha sẽ đi cho quần áo của con và tấm vải trải giường vào máy giặt rồi cha sẽ quay lại nhé?”

Tôi ngồi trên giường và nhìn đầu gối mình.

Thế là Cha đi ra khỏi phòng và nhặt quần áo của tôi trên sàn phòng tắm và để chúng trên đầu cầu thang. Rồi ông đi lấy tấm ga trải giường và ông mang ra đầu cầu thang cùng với sơ mi và áo len của tôi. Rồi ông nhặt hết lên và mang xuống lầu. Rồi tôi nghe ông mở máy giặt và tôi nghe thùng nước nóng chạy và nước trong ống chảy vào máy giặt.

Tôi chỉ nghe thấy thế một lúc lâu.

Tôi làm tính nhân 2 trong đầu mình vì nó khiến tôi cảm thấy bình tĩnh hơn. Tôi làm tới

33554432

, là

2

25, vậy là không nhiều lắm vì trước kia tôi đã làm tới

2

45, nhưng bộ óc tôi không hoạt động tốt lắm.

Khi ấy Cha lại vào phòng và nói: “Con cảm thấy thế nào? Có muốn cha lấy cái gì không?”

Tôi không nói gì. Tôi tiếp tục nhìn đầu gối mình.

Và Cha cũng không nói gì. Ông chỉ ngồi xuống trên giường bên cạnh tôi và chống khuỷu tay lên đầu gối và nhìn xuống chỗ thảm giữa hai chân ông nơi có một miếng Lego nhỏ màu đỏ có tám cái mấu.

Rồi tôi nghe Toby thức dậy, vì nó sống về đêm, và tôi nghe nó sột soạt trong chuồng.

Và Cha im lặng thật là lâu.

Rồi ông nói: “Nào, có lẽ cha không nên nói điều này, nhưng… cha muốn con biết rằng con có thể tin cha. Và… ừ, có thể cha không phải lúc nào cũng nói sự thật. Có Chúa chứng giám, cha cố gắng lắm, Christopher ạ, có Chúa chứng giám là cha cố lắm, nhưng… Sống trên đời khó lắm, con biết đó. Lúc nào cũng phải nói sự thật thì khó vô vàn. Đôi khi không thể được. Và cha muốn con biết là cha đang cố, cha thật lòng đang cố. Và có lẽ đây không phải là lúc nói điều này, và cha biết con sẽ không thích, nhưng… Con phải biết là cha từ nay sẽ nói sự thật với con. Về mọi thứ. Vì… nếu bây giờ không nói thật, thì sau này… sau này sẽ còn đau khổ hơn nữa. Vì vậy…”

Cha dùng hai bàn tay xoa mặt và lấy ngón tay kéo cằm xuống và nhìn đăm đăm vào tường. Tôi có thể thấy ông qua khóe mắt mình.

Và ông nói: “Cha giết

Wellington, Christopher ạ.”

Tôi tự hỏi có phải đây là một lời nói đùa không, vì tôi không hiểu các câu nói đùa, và khi người ta nói đùa thật ra họ không định nói điều họ nói.

Nhưng khi ấy Cha nói: “Làm ơn. Christopher. Cứ… để cha giải thích.” Rồi ông hít hơi và nói: “Khi mẹ con bỏ đi… Eileen… bà Shears… bà ấy rất tốt với mình. Rất tốt với cha. Bà ấy giúp cha qua lúc rất khó khăn. Và cha không chắc cha có thể vượt qua nếu không có bà ấy. Con biết đó, hầu như ngày nào bà ấy cũng quanh quẩn ở đây. Giúp nấu ăn và thu dọn. Ló qua xem mình có ổn không, mình có cần gì… Cha nghĩ… A… Trời ơi, Christopher, cha đang cố nói cho đơn giản… Cha nghĩ bà ấy có thể cứ qua đây. Cha nghĩ… và có thể cha ngu ngốc… Cha nghĩ bà ấy có thể… cuối cùng… muốn dọn vào đây. Hay mình có thể dọn vào nhà bà ấy. Cha với bà ấy rất hòa thuận, hòa thuận lắm. Cha nghĩ chúng ta là bạn. Và chắc cha đã nghĩ sai. Chắc là… cuối cùng… nó hoá ra… Trời ơi… Bà ấy và cha cãi nhau, Christopher ạ, và… Bà ấy nói những điều cha sẽ không nói cho con vì nó không hay, nhưng nó đau lòng, nhưng… cha nghĩ bà ấy coi trọng con chó khốn kiếp đó hơn cha, hơn chúng ta. Và có thể điều đó không ngốc lắm, nếu bây giờ nghĩ lại. Có thể cha con mình rầy rà quá. Và có thể sống một mình mà chăm sóc một con chó ngu độn nào đó thì dễ hơn là sống chung với một con người thực sự nào khác. Cha muốn nói, khỉ thật, cha con mình đâu có phải cái loại nhu cầu thấp phải không…? Dù thế nào, cha và bà ấy cũng xảy ra lần cãi cọ này. Ồ, thật ra thì có khá nhiều lần cãi cọ. Nhưng sau vụ cãi cọ đặc biệt bực mình này, bà ấy tống cha ra khỏi nhà. Và con biết con chó khốn khiếp đó thành ra thế nào sau vụ giải phẫu. Tâm thần phân liệt khốn kiếp. Lúc thì tử tế ra điều, lăn lưng ra, gãi bụng. Khi thì lại phập răng vào chân mình. Ôi dào, cha và bà ấy quát tháo nhau và nó ra vườn đi tiểu tiện. Vì vậy khi bà ấy đóng sập cửa sau lưng cha thì đồ chó chết đó đang đợi cha. Và… cha biết, cha biết. Có lẽ nếu cha chỉ cho nó một cái đá thì có thể nó sẽ lùi lại. Nhưng, trời ạ, Christopher, khi mà mình mờ mắt mụ người thì… Chúa ơi, con biết là thế nào rồi đấy. Cha muốn nói là con và cha, mình không khác gì nhau. Và cha chỉ nghĩ được là bà ấy coi trọng con chó khốn khiếp này hơn con và cha. Và cứ như là mọi thứ cha đã dồn nén trong suốt hai năm trời…”

Rồi Cha im lặng một lát.

Rồi ông nói: “Cha xin lỗi, Christopher. Cha hứa với con. Cha không bao giờ có ý để chuyện xảy ra như thế này.”

Và khi ấy tôi biết rằng đó không phải là một lời nói đùa và tôi rất sợ.

Cha nói: “Ai cũng có lúc làm điều lầm lỗi, Christopher ạ. Con, cha, mẹ con, mọi người, ai cũng vậy. Và đôi khi là những lỗi rất nặng. Mình chỉ là con người.”

Rồi ông giơ bàn tay phải lên xòe các ngón tay ra thành cái quạt.

Nhưng tôi la hét và đẩy ngược ông vì thế ông ngã khỏi giường xuống sàn nhà.

Ông ngồi dậy và nói: “Được. Nào. Christopher. Cha xin lỗi. Tối nay thế là đủ rồi, OK? Cha sẽ xuống lầu và con ngủ một chút, đến sáng mình sẽ nói chuyện.” Rồi ông nói: “Mọi việc sẽ ổn thỏa. Thật mà. Tin cha đi.”

Rồi ông đứng lên hít một hơi sâu và ra khỏi phòng.

Tôi ngồi trên giường một lúc lâu nhìn sàn nhà. Rồi tôi nghe Toby đang sột soạt trong chuồng.

Tôi nhìn lên thấy nó nhìn tôi qua chấn song.

Tôi phải ra khỏi nhà. Cha đã giết Wellington. Nghĩa là ông có thể giết tôi, vì tôi không thể tin ông, dù cho ông đã nói: “Tin cha đi,” vì ông đã nói dối về một việc lớn.

Nhưng tôi không thể ra khỏi nhà ngay vì ông sẽ thấy tôi, do đó tôi phải đợi đến khi ông ngủ.

Lúc đó là 11 giờ 16 phút đêm.

Tôi lại thử nhân 2, nhưng tôi không thể qua khỏi

215

, là

32768

. Vì thế tôi rên rỉ để thời giờ qua nhanh hơn và khỏi suy nghĩ.

Rồi đã đến 1 giờ 20 phút sáng nhưng tôi không nghe Cha lên lầu đi ngủ. Tôi tự hỏi ông ngủ dưới lầu hay ông đang đợi để vào giết tôi. Vì thế tôi lấy con dao Quân đội Thụy Sĩ của mình và mở lưỡi cưa ra để tự vệ. Rồi tôi đi ra khỏi phòng ngủ thật khẽ khàng và lắng nghe. Tôi không nghe thấy gì, vì thế tôi bắt đầu xuống thang thật êm và thật chậm. Và khi tôi xuống dưới lầu tôi thấy chân của Cha qua cánh cửa phòng khách. Tôi đợi trong 4 phút để xem nó có nhúc nhích không, nhưng nó không nhúc nhích. Vì thế tôi tiếp tục bước đến khi tới hành lang. Rồi tôi nhìn qua cửa phòng khách.

Cha đang nằm nhắm mắt trên ghế sofa.

Tôi nhìn ông một lúc lâu.

Rồi ông ngáy và tôi giật mình và tôi nghe máu trong tai mình và tim mình chảy rất nhanh, và một con mắt đau như có người đập nổ một quả bong bóng thật lớn trong ngực tôi.

Tôi lo mình sẽ bị đau tim.

Mắt Cha vẫn nhắm. Tôi tự hỏi có phải ông đang giả vờ ngủ không. Vì thế tôi nắm thật chặt con dao bỏ túi và gõ lên khung cửa.

Cha quay đầu sang bên kia và chân ông co giật và ông nói “Gnnnn”, nhưng mắt ông vẫn nhắm. Và khi ấy ông lại ngáy.

Ông đang ngủ.

Nghĩa là tôi có thể ra khỏi nhà nếu tôi thật im lặng để không đánh thức ông dậy.

Tôi lấy cả hai áo khoác và khăn quàng của mình ra khỏi móc bên cạnh cửa trước và tôi mặc hết vào vì ban đêm bên ngoài lạnh. Rồi tôi lại lên lầu thật im lặng, nhưng thật khó vì chân tôi đang run. Tôi vào phòng mình và cầm cái chuồng của Toby lên. Nó gây tiếng sột soạt, vì thế tôi cởi một áo khoác và đậy lên cái chuồng để làm giảm tiếng ồn. Rồi tôi lại mang nó xuống lầu.

Cha vẫn đang ngủ.

Tôi đi vào bếp lấy hộp thức ăn đặc biệt của mình. Tôi mở khóa cửa sau và bước ra ngoài. Rồi tôi vừa đè tay cầm cánh cửa xuống vừa đóng nó lại để tiếng lách cách không lớn quá. Rồi tôi bước xuống cuối vườn.

Phía cuối vườn là một cái kho nhỏ. Trong đó có một cái máy cắt cỏ và kéo cắt bờ giậu, và rất nhiều dụng cụ làm vườn Mẹ hay dùng, như chậu và các túi phân trộn và gậy trẻ và dây và cái mai. Ở trong kho sẽ ấm hơn những tôi biết Cha có thể tìm tôi trong nhà kho, vì thế tôi đi vòng ra phía sau nhà kho và chen vào khoảng trống giữa bức tường nhà kho và hàng rào, phía sau cái bồn lớn bằng nhựa màu đen để hứng nước mưa. Rồi tôi ngồi xuống và cảm thấy an toàn hơn rất nhiều.

Tôi quyết định để cái áo khoác kia trên chuồng của Toby vì tôi không muốn nó bị lạnh và chết.

Tôi mở hộp thức ăn đặc biệt của mình. Bên trong là thỏi Milky Bar và hai sợi cam thảo và ba quả cam nhỏ và một cái bánh xốp màu hồng và phẩm thức ăn màu đỏ của tôi. Tôi không thấy đói nhưng tôi biết mình nên ăn vì nếu không ăn gì thì ta có thể bị lạnh, vì thế tôi ăn hai quả cam và thỏi Milky Bar.

Rồi tôi tự hỏi mình nên làm gì kế tiếp.

173.

Giữa mái nhà kho và cái cây lớn ở nhà bên cạnh mọc trùm qua hàng rào tôi có thể thấy chòm sao

Orion[28]

.

Người ta nói chòm

Orion

được gọi là Orion vì Orion là tên một người thợ săn và chòm sao trông giống như một thợ săn cầm cung và tên, như thế này

Nhưng chuyện đấy thật vớ vẩn vì nó chỉ là những ngôi sao, và ta có thể nối các chấm sao theo bất cứ cách nào ta muốn, và ta có thể làm nó trông giống như một mệnh phụ cầm dù đang vẫy tay, hay cái máy pha cà phê của bà Shears làm tại Ý, có tay cầm và hơi nước bay ra, hay như một con khủng long.

Và trong không gian thì không có đường kẻ nào cả, vì thế ta có thể nối các ngôi sao của chòm Orion với các ngôi sao của chòm

Lepus

hay

Taurus

hay

Gemini

và nói chúng là chòm có tên

Chùm Nho

hay

Jesus

hay

Xe đạp

(nhưng vào thời La Mã và Hy Lạp người ta chưa có xe đạp, hồi đó họ gọi chòm

Orion

là Orion).

Dù sao, chòm

Orion

không phải là ông thợ săn hay máy pha cà phê hay con khủng long. Nó chỉ là sao Betelgeuse và sao Bellatrix và sao Alnilam và sao Rigel và 17 ngôi sao khác tôi không biết tên. Và chúng là những vụ nổ nguyên tử cách hàng triệu trặm.

Và đó là sự thật.

179.

Tôi thức đến 3 giờ 47 phút. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn đồng hồ trước khi thiếp ngủ đi. Mặt đồng hồ có dạ quang nếu ấn một cái nút thì đèn sáng, vì vậy tôi có thể xem giờ trong bóng tối. Tôi lạnh và tôi sợ Cha có thể ra ngoài và tìm thấy tôi. Nhưng tôi cảm thấy an toàn hơn trong vườn vì tôi đã trốn.

Tôi nhìn bầu trời nhiều lần. Tôi thích nhìn lên bầu trời trong vườn lúc ban đêm. Mùa hè tôi thỉnh thoảng ra ngoài lúc ban đêm mang theo đèn pin và tấm bình đồ địa cầu, nó là hai vòng tròn bằng nhựa có chốt xuyên qua chính giữa. Và vòng bên dưới là tấm bản đồ bầu trời và vòng bên trên có một lỗ hổng hình bầu dục và ta quay nó để thấy bản đồ bầu trời mà ta có thể thấy ngày hôm đó từ vĩ độ 51,5o

phía Bắc, là vĩ độ của Swindon, vì phần lớn nhất của bầu trời luôn luôn nằm bên kia trái đất.

Và khi nhìn lên bầu trời ta biết ta đang nhìn các ngôi sao cách xa ta hàng trăm nghìn năm ánh sáng. Và một số ngôi sao thậm chí không còn nữa vì ánh sáng của chúng phải rất lâu mới tới được chúng ta đến nỗi trước đó chúng đã chết, hay đã nổ bùng và vỡ vụn ra thành các sao lùn đỏ. Và điều đó làm ta thấy mình rất nhỏ bé, và nếu gặp những khó khăn trong đời ta sẽ thấy được an ủi khi nghĩ rằng những khó khăn ấy là

không đáng kể

, nghĩa là chúng quá nhỏ nhoi và không đáng cho ta để ý đến khi ta tính toán điều gì.

Tôi ngủ không ngon giấc vì cái lạnh và vì mặt đất rất mấp mô và nhọn bên dưới và vì Toby cứ sột soạt trong chuồng mãi. Nhưng khi tôi thức dậy đúng lúc trời hửng sáng và bầu trời toàn một màu cam, xanh và tím và tôi nghe tiếng chim hót, gọi là

Bản hợp xướng Bình minh

. Và tôi ở yên chỗ thêm 2 giờ 32 phút nữa, rồi tôi nghe Cha vào vườn gọi lớn: “Christopher à? Christopher ơi?”

Vì thế tôi quay lại và thấy một cái bao nhựa cũ bám đầy bùn dùng để đựng phân bón và tôi len người cùng với cái chuồng của Toby và hộp thức ăn đặc biệt của tôi vào góc giữa bức tường nhà kho và hàng rào và bồn hứng nước mưa và tôi che mình lại bằng cái bao đựng phân bón. Và khi ấy tôi nghe Cha xuống vườn và tôi bèn lấy con dao Quân đội Thụy Sĩ khỏi túi và mở lưỡi cưa ra và cầm trong tay phòng trường hợp ông tìm thấy chúng tôi. Và tôi nghe ông mở cửa nhà kho nhìn vào. Rồi tôi nghe ông nói “Chết tiệt.” Rồi tôi nghe bước chân ông trong các bụi cây bên hông nhà kho và tim tôi đập thật nhanh và tôi lại cảm thấy như có một chiếc bong bóng bên trong ngực mình và tôi nghĩ ông có thể tìm vòng qua phía sau nhà kho, nhưng tôi không thể thấy vì tôi đang trốn, nhưng ông không thấy tôi vì tôi nghe tiếng ông bước lên vườn trở lại.

Rồi tôi ở thật yên và tôi nhìn đồng hồ và tôi ở yên một chỗ trong 27 phút. Và khi ấy tôi nghe Cha mở máy xe của ông. Tôi biết là xe của ông vì tôi nghe tiếng nổ thường xuyên và nó nằm bên cạnh và tôi biết nó không phải là xe của láng giêng vì những người dùng ma túy có chiếc xe đi cắm trại hiệu Volkswagen và ông Thompson, sống ở số 40, có chiếc Vauxhall Cavalier và người sống ở số 34 có chiếc Peugeot và chúng đều kêu khác nhau.

Và khi tôi nghe ông đã lái đi xa nhà tôi biết đã an toàn để ra khỏi chỗ ẩn nấp.

Và khi ấy tôi phải quyết định làm gì vì tôi không thể sống trong nhà với Cha nữa vì việc ấy nguy hiểm.

Vì vậy tôi quyết định.

Tôi quyết định tôi sẽ đi gõ cửa bà Shears và tôi sẽ đến sống với bà, vì tôi biết bà và bà không phải là người lạ và trước kia tôi từng ở nhà bà, khi bên đường của chúng tôi bị cắt điện. Và lần này bà sẽ không đuổi tôi đi vì tôi có thể kể cho bà rằng ai đã giết Wellington và như thế bà sẽ biết rằng tôi là bạn. Và bà cũng sẽ hiểu vì sao tôi không thể sống với Cha nữa.

Tôi lấy mấy sợi cam thảo và cái bánh xốp màu hồng và quả cam nhỏ cuối cùng ra khỏi hộp thức ăn đặc biệt của mình và cất vào túi và giấu hộp thức ăn đặc biệt dưới bao phân bón. Rồi tôi cầm cái chuồng của Toby lên cùng chiếc áo khoác thừa của tôi và leo ra phía sau nhà kho. Tôi bước lên vườn và xuống hông nhà. Tôi mở chốt cửa vườn và bước ra phía trước nhà.

Trên đường không có ai vì thế tôi băng qua và bước lên lối vào nhà bà Shears và gõ cửa và vừa đợi vừa nghĩ tôi sẽ nói gì khi bà mở cửa.

Nhưng bà không ra cửa. Vì vậy tôi gõ lần nữa.

Rồi tôi quay lại và thấy một số người đang xuống đường và tôi lại hoảng sợ vì đó là hai trong những người dùng ma tuý trong căn nhà bên cạnh. Vì vậy tôi túm lấy cái chuồng của Toby và đi vòng qua bên hông nhà bà Shears và ngồi xuống phía sau thùng rác để họ không thấy tôi.

Và khi ấy tôi phải suy tính là làm gì.

Và tôi làm thế bằng cách nghĩ về tất cả những việc tôi có thể làm và quyết định liệu chúng có là quyết định đúng hay không.

Tôi quyết định rằng tôi không thể về nhà nữa.

Và tôi quyết định rằng tôi không thể đến sống với Siobhan vì cô không thể trông nom tôi khi trường học đóng cửa vì cô là giáo viên và không phải là bạn hay một người trong gia đình.

Và tôi quyết định rằng tôi không thể đến sống với chú Terry vì ông sống ở Sunderland và tôi không biết làm sao tới được Sunderland và tôi không cũng thích chú Terry vì chú hút thuốc lá và hay xoa đầu tôi.

Và tôi quyết định tôi không thể đến sống với bà Alexander vì bà không phải là bạn hay một người trong gia đình dù cho bà có một con chó, vì tôi không thể ở qua đêm trong nhà bà hay dùng phòng vệ sinh của bà vì bà đã dùng nó và bà là người lạ.

Và khi ấy tôi nghĩ rằng tôi có thể đến sống với Mẹ vì bà là gia đình tôi và tôi biết bà ở đâu vì tôi nhớ địa chỉ trong các lá thư, là 451c Đường Chapter, London NW2 5NG. Nhưng bà sống ở London và trước kia tôi chưa bao giờ tới London. Tôi chỉ đến Dover để đi Pháp, và tới Sunderland để thăm chú Terry và tới Manchester để thăm dì Ruth, dì bị ung thư, nhưng lúc tôi ở đó thì dì không bị ung thư. Và tôi chưa bao giờ đi một mình đến bất cứ nơi nào xa hơn cửa hiệu ở cuối phố. Và ý nghĩ đi một mình tới nơi nào thật đáng sợ.

Nhưng rồi tôi nghĩ đến việc lại về nhà, hay cứ ở lại chỗ này, hay trốn trong vườn mỗi đêm và Cha tìm ra tôi, và điều đó làm tôi càng thấy sợ hơn. Và khi tôi nghĩ đến việc đó tôi cảm thấy như mình lại sắp nôn như đêm hôm trước.

Và rồi tôi nhận thức rằng không có gì tôi có thể làm mà cảm thấy an toàn. Và tôi làm một bức họa về chuyện đó trong đầu tôi như thế này

Và rồi tôi mường tượng mình gạch bỏ tất cả các tình huống không thể xảy ra, giống như trong bài thi toán khi ta xem tất cả các câu hỏi và quyết định xem câu hỏi nào ta sẽ làm và câu nào ta sẽ không làm và ta gạch bỏ tất cả những câu ta sẽ không làm vì khi đó quyết định của ta là cuối cùng và ta không thể đổi ý. Và nó thế này

Nghĩa là tôi phải đi London để sống với Mẹ. Và tôi có thể làm bằng cách đi tàu vì tôi biết mọi thứ về tàu nhờ bộ đồ chơi tàu, cách xem lịch trình xe chạy và đi tới ga và mua vé và xem bảng giờ khởi hành để thấy tàu của mình có đúng giờ không và khi ấy ta đi tới đúng sân ga và lên tàu hoả. Và tôi sẽ đi từ ga Swindon, nơi Sherlock Holmes và bác sĩ Watson ngừng lại để ăn trưa khi họ trên đường từ Paddington tới Ross trong truyện

Thung lũng khủng khiếp.

Và khi ấy tôi nhìn bức tường bên kia lối đi hẹp bên hông nhà bà Shears nơi tôi đang ngồi và ở đó có cái nắp tròn của một cái chảo kim loại rất cũ dựa vào tường. Và nó bám đầy gỉ sét. Và nó trông như bề mặt một hành tinh vì gỉ sét có hình dáng như các quốc gia và lục địa và quần đảo.

Và khi ấy tôi nghĩ tôi không bao giờ có thể là phi hành gia vì làm phi hành gia nghĩa là xa nhà hàng trăm nghìn dặm, và nhà tôi bây giờ ở London, cách khoảng 100 dặm, nghĩa là gần nhà tôi hơn 1000 lần nếu tôi ở trên không gian, và nghĩ về điều này làm tôi đau đớn. Giống như có một lần khi tôi ngã trên cỏ ở rìa sân chơi và xước đầu gối vì một mảnh chai vỡ có người đã ném qua tường và tôi đứt một miếng da bằng và thầy Davis phải lau sạch chỗ thịt dưới miếng da bằng thuốc khử trùng để lấy vi trùng và đất cát ra và đau đến nỗi tôi khóc. Nhưng cái đau này thì bên trong đầu tôi. Và khi nghĩ rằng tôi không bao giờ có thể trở thành phi hành gia thì tôi thấy buồn.

Và khi ấy tôi nghĩ rằng tôi phải giống như Sherlock Holmes, và tôi phải

cô lập suy nghĩ của tôi theo ý muốn tới một mức độ đáng kể

để tôi không nhận thấy trong đầu mình đang đau đớn đến thế nào.

Rồi tôi nghĩ nếu tôi định đi London thì tôi sẽ cần tiền. Và tôi sẽ cần thức ăn vì đó là một chuyến đi dài và tôi không biết tìm thức ăn ở đâu. Và khi ấy tôi nghĩ tôi cần có người trông nom Toby trong khi tôi đi London vì tôi không thể mang nó theo mình.

Và khi ấy tôi

Lập Kế Hoạch

. Và điều đó làm tôi cảm thấy dễ chịu hơn vì có một cái gì đó trong đầu tôi có thứ tự và khuôn mẫu và tôi chỉ phải theo sau từng lời chỉ dẫn.

Tôi đứng lên để xem có chắc là không có ai trên đường không. Rồi tôi đi tới nhà bà Alexander, bên cạnh nhà bà Shears, và tôi gõ cửa.

Rồi bà Alexander mở cửa, và bà nói: “Christopher, chuyện gì xảy ra cho cháu thế?”

Và tôi nói: “Bà có thể trông Toby cho cháu không?”

Và bà nói: “Toby là ai?”

Và tôi nói: “Toby là con chuột cháu nuôi.”

Khi ấy bà Alexander nói: “Ồ… Ồ đúng. Bây giờ bà nhớ rồi. Cháu đã nói với bà.”

Rồi tôi giơ cái chuồng của Toby lên và nói: “Nó đây.”

Bà Alexander lùi một bước vào hành lang.

Và tôi nói: “Nó ăn những viên thức ăn đặc biệt và bà có thể mua ở cửa hiệu thú nuôi. Nhưng nó cũng ăn bánh quy và cà rốt và bánh mì và xương gà. Nhưng bà không được cho nó sôcôla vì có chất cà phê và theobromine trong đó, là chất methylxanthine có hại cho chuột nếu dùng số lượng lớn. Và nó cũng cần thay nước trong chai mỗi ngày. Và nó không nề hà chuyện ở trong nhà người khác vì nó là thú vật. Và nó thích ra khỏi chuồng, nhưng nếu bà không cho nó ra thì cũng không sao.”

Khi ấy bà Alexander nói: “Tại sao cháu cần người trông nom Toby hả Christopher?”

Và tôi nói: “Cháu sẽ đi London.”

Và bà nói: “Cháu đi bao lâu?”

Và tôi nói: “Đến khi cháu vào đại học.”

Và bà nói: “Cháu không mang Toby theo được sao?”

Và tôi nói: “London xa lắm và cháu không muốn mang nó lên tàu vì cháu có thể làm mất nó.”

Và bà Alexander nói: “Đúng.” Và khi ấy bà nói: “Cháu và cha cháu dọn nhà à?”

Và tôi nói: “Không.”

Và bà nói: “Thế sao cháu đi London?”

Và tôi nói: “Cháu đến sống với Mẹ.”

Và bà nói: “Bà cứ tưởng cháu đã kể với bà là mẹ cháu đã chết kia chứ.”

Thì tôi nói: “Cháu cứ nghĩ mẹ chết, nhưng mẹ vẫn còn sống. Và Cha nói dối cháu. Và cha cũng nói cha giết Wellington.”

Và bà Alexander nói: “Ô, Chúa ơi.”

Và tôi nói: “Cháu sẽ sống với mẹ cháu vì Cha giết Wellington và ông nói dối và cháu sợ ở trong nhà với ông.”

Và bà Alexander nói: “Mẹ cháu có ở đây không?”

Và tôi nói: “Không. Mẹ ở London.”

Và bà nói: “Thế cháu đi London một mình?”

Và tôi nói: “Vâng.”

Và bà nói: “Nghe này, Christopher, sao cháu không vào nhà ngồi xuống rồi ta sẽ nói về việc này và suy tính nên làm việc gì nhất.”

Và tôi nói: “Không. Cháu không thể vào trong.

Bà có trông nom Toby cho cháu không?”

Và bà nói: “Bà thành thật nghĩ đó không phải là ý hay đâu, Christopher ạ.”

Tôi không nói gì.

Và bà nói: “Cha cháu hiện giờ ở đâu, Christopher?”

Và tôi nói: “Cháu không biết.”

Và bà nói: “Có lẽ mình thử gọi điện cho ông xem có gặp hay không. Bà chắc cha đang lo cho cháu. Và bà tin chắc đã có hiểu lầm ghê gớm lắm.”

Vì thế tôi quay lại và tôi chạy băng qua đường trở về nhà. Và tôi không nhìn trước khi qua đường và một chiếc xe Mini vàng phải ngừng lại và bánh xe rít trên mặt đường. Và tôi chạy xuống hông nhà và qua cổng vườn và tôi cài chốt lại.

Tôi cố mở cửa bếp nhưng nó khoá. Vì thế tôi nhặt một cục gạch nằm trên mặt đất và đập vào cửa sổ và kính vỡ tung toé. Khi ấy tôi thò cánh tay qua cửa kính vỡ và mở cửa từ bên trong.

Tôi đi vào nhà và đặt Toby xuống bàn trong bếp. Rồi tôi chạy lên lầu và vớ lấy chiếc túi đi học của mình và bỏ một số thức ăn cho Toby vào đó cùng vài cuốn sách toán của tôi và vài cái quần sạch và một cái áo gilê và một cái áo sơ mi sạch. Rồi tôi xuống lầu và tôi mở tủ lạnh và bỏ một hộp nước cam vào túi xách, và một chai sữa chua mở. Và tôi lấy thêm hai quả cam nhỏ và hai lon đậu trắng sốt cà chua và một gói kem trứng trong tủ thức ăn và cũng bỏ vào túi, vì tôi có thể mở bằng cái mở hộp hay con dao Quân đội Thuỵ Sĩ của tôi.

Rồi tôi nhìn trên mặt quầy cạnh bồn rửa bát và thấy chiếc điện thoại di động của Cha và ví của ông và cuốn sổ địa chỉ của ông và tôi cảm thấy da tôi… lạnh dưới áo như bác sĩ Watson trong

Dấu bộ tứ

khi ông thấy những bước chân tí hon của Tonga, người đảo Andaman, trên mái nhà của Bartholomew Sholto ở Norwood, vì tôi nghĩ Cha đã trở về và ông đang ở trong nhà, và cơn đau trong đầu tôi càng tệ hơn. Nhưng khi ấy tôi quay lại hình ảnh trong trí nhớ của mình và tôi thấy chiếc xe tải của ông không đậu bên ngoài nhà, vì thế chắc ông đã để quên chiếc điện thoại di động và cái ví và cuốn sổ địa chỉ của ông khi ông rời nhà. Và tôi nhặt ví của ông lên và rút thẻ ngân hàng của ông ra vì nhờ cách đó tôi có thể có tiền vì tấm thẻ có một số PIN ấy là số mật mã ta bấm vào máy ở ngân hàng để lấy tiền ra và Cha không viết nó ra một chỗ an toàn như đáng lẽ ta phải làm, nhưng ông đã nói cho tôi biết vì ông bảo tôi không bao giờ quên nó cả. Và nó là 3558. Và tôi cất tấm thẻ vào túi.

Rồi tôi lấy Toby ra khỏi chuồng và cho nó vào túi áo choàng vì cái chuồng rất nặng không thể mang đến tận

London. Và khi ấy tôi ra cửa bếp và xuống vườn một lần nữa.

Tôi đi qua cổng vườn và cẩn thận kiểm tra xem có ai thấy mình không, rồi tôi bắt đầu đi tới trường vì đó là hướng tôi biết, và khi đến trường tôi có thể hỏi Siobhan ga tàu ở đâu.

Thông thường nếu đi bộ tới trường thì tôi sẽ càng lúc càng sợ vì tôi chưa làm thế bao giờ. Nhưng tôi sợ theo hai kiểu khác nhau. Và một kiểu là sợ vì xa chỗ tôi quen thuộc, còn kiểu kia là sợ vì gần nơi Cha sống, và hai kiểu ấy tỉ lệ nghịch với nhau, vì thế khi tôi càng lúc càng xa nhà và xa Cha thì nỗi sợ hãi tổng cộng là một hằng số như sau

Sợ­­tổng cộng

≈ Sợchỗ mới

x Sợgần cha

≈ hằng số

Đi xe buýt từ nhà tôi đến trường mất 19 phút, nhưng tôi mất 47 phút để đi bộ cùng một khoảng cách, vì thế lúc đến nơi tôi rất mệt nên tôi hy vọng mình có thể ở lại trường một lúc và ăn vài chiếc bánh quy và uống một ít nước cam trước khi đi tới ga tàu. Nhưng tôi không thể, vì khi tôi tới trường tôi thấy chiếc xe tải của Cha đậu trong bãi đậu xe. Và tôi biết nó là chiếc xe của ông vì nó có dòng chữ

Ed Boone Bảo trì Hệ thống sưởi & Sửa chữa Thùng nước nóng

bên hông với dấu hiệu hai cờ lê chéo nhau như thế này

Và khi tôi thấy chiếc xe tải tôi lại buồn nôn. Nhưng tôi biết lần này tôi sẽ nôn vì thế tôi không nôn ra khắp người và tôi chỉ nôn lên tường và vỉa hè, và không nôn nhiều lắm vì tôi đã không ăn nhiều. Và khi tôi nôn tôi muốn cuộn tròn trên mặt đất và rên rỉ. Nhưng tôi biết nếu tôi cuộn tròn trên mặt đất và rên rỉ, thì khi Cha ra khỏi trường ông sẽ thấy tôi và sẽ bắt tôi và đưa tôi về nhà. Vì thế tôi hít thật sâu nhiều lần như Siobhan bảo tôi làm nếu có người đánh tôi ở trường, và tôi đếm 50 nhịp thở và tập trung rất kỹ vào các con số và vừa làm lũy thừa ba vừa đọc chúng ra. Và điều ấy làm cái đau đỡ đau hơn.

Rồi tôi lau vết nôn trên miệng và tôi quyết định rằng mình phải tìm cách đến ga tàu và tôi sẽ làm việc đó bằng cách hỏi thăm, và đó phải là một bà vì ở trường khi người ta kể cho tôi nghe về Ông Ba Bị họ nói rằng nếu một ông đến gần ta và nói chuyện với ta và ta cảm thấy sợ thì ta nên la lớn và tìm một bà để chạy tới vì các bà đáng tin hơn.

Vì thế tôi lấy con dao Quân đội Thụy Sĩ và mở lưỡi con dao ra và tôi cầm chặt trong túi áo không chứa Toby để tôi có thể đâm người ta nếu họ nắm lấy tôi, và khi ấy tôi thấy một cô ở bên kia đường với một chiếc xe đẩy bên trong có em bé và một bé trai cầm con voi đồ chơi, vì thế tôi quyết định hỏi cô. Và lần này tôi nhìn bên trái và nhìn bên phải rồi nhìn bên trái lần nữa để khỏi bị xe cán, và tôi băng qua đường.

Và tôi nói với cô: “Cháu có thể mua bản đồ ở đâu?”

Và cô nói: “Gì cơ?”

Và tôi nói: “Cháu có thể mua bản đồ ở đâu?” Và tôi cảm thấy bàn tay cầm dao của tôi đang run mặc dù tôi không lắc nó.

Và cô nói: “Patrick, bỏ cái đó xuống, bẩn. Bản đồ đi đâu?”

Và tôi nói: “Bản đồ chỗ này.”

Và cô nói: “Cô không biết.” Rồi cô nói: “Cháu muốn đi đâu?”

Và tôi nói: “Cháu đi tới ga tàu.”

Và cô cười và cô nói: “Cháu không cần bản đồ để đi tới ga tàu.”

Và tôi nói: “Cháu cần, vì cháu không biết ga tàu ở đâu.”

Và cô nói: “Ở chỗ này cháu có thể thấy ga mà.”

Và tôi nói: “Không, cháu không thấy. Và cháu cũng muốn biết ở đâu có máy rút tiền.”

Và cô vừa chỉ vừa nói: “Kia kìa. Tòa nhà đó. Có chữ

Signal Point

trên nóc. Phía góc bên kia có dấu hiệu Đường tàu Anh quốc. Ga tàu ở bên dưới đó. Patrick, mẹ đã nói với con một lần, mẹ đã nói với con nghìn lần rồi. Đừng nhặt cái gì ở vỉa hè lên cho vào miệng.”

Và cô nói: “Đúng nó đó.”

Và tôi nói: “Làm sao cháu tới được tòa nhà đó?”

Và cô nói: “Cha mẹ trời đất.” Rồi cô nói: “Theo sau chiếc xe buýt đó,” và cô chỉ

chiếc xe buýt đang chạy ngang.

Thế là tôi chạy. Nhưng xe buýt đi rất nhanh và tôi phải lo sao cho Toby không bị rơi ra khỏi túi áo. Nhưng tôi cứ cố chạy theo sau chiếc xe buýt một đoạn dài và tôi băng qua 6 ngã tư trước khi nó rẽ xuống một đường khác và tôi không thấy nó nữa.

Và khi ấy tôi ngừng chạy vì tôi thở dốc và chân tôi đau. Và tôi đang ở trên một con đường có rất nhiều cửa hiệu. Và tôi nhớ đã tới con đường này khi tôi đi mua sắm với Mẹ. Và có nhiều người đang mua sắm trên đường, nhưng tôi không muốn họ đụng vào tôi, vì thế tôi bước đi sát mép đường. Và tôi không thích tất cả những người gần tôi và tất cả tiếng ồn ào vì nó quá nhiều thông tin trong đầu tôi khiến tôi khó suy nghĩ, như có tiếng la hét trong đầu. Vì thế tôi lấy hai tay che tai và tôi rên nho nhỏ.

Và khi đó tôi nhận ra rằng tôi vẫn thấy dấu hiệu

mà cô kia đã chỉ, vì thế tôi tiếp tục bước về hướng đó.

Rồi tôi lại không thấy dấu

đâu nữa. Và tôi đã quên không nhớ nó ở đâu, và điều này thật đáng sợ vì tôi đã bị lạc và vì tôi không nhớ. Bình thường tôi sẽ làm một tấm bản đồ trong đầu và tô sẽ theo bản đồ và tôi sẽ làm một dấu chữ thập nhỏ trên bản đồ để chỉ tôi đang ở nơi nào, nhưng trong đầu tôi có quá nhiều nhiễu loạn và nó làm tôi rối trí. Vì thế tôi đứng dưới cái mái bằng vải bạt màu xanh lục và trắng bên ngoài một cửa hiệu rau quả có cà rốt và hành củ và cải vàng và bông cải xanh trong những chiếc thùng trải thảm nhựa màu lá cây bên dưới và tôi lập kế hoạch.

Tôi biết ga tàu đang ở gần đây. Và nếu nó ở gần, ta có thể tìm thấy nó bằng cách di chuyển vòng tròn theo chiều kim đồng hồ và cứ rẽ bên phải cho đến khi ta trở lại con đường ta đã đi, rồi rẽ trái chỗ kế tiếp, rồi cứ rẻ phải và vân vân, như thế này (nhưng đây cũng là một biểu đồ có tính giả thuyết, và không phải là bản đồ Swindon).

Và nhờ thế tôi tìm được ga tàu, và tôi cực kỳ tập trung để theo đúng quy luật và vừa đi vừa vẽ bản đồ trung tâm thị trấn trong đầu mình, và như thế thì cũng dễ phớt lờ tất cả mọi người và tất cả tiếng ồn ào chung quanh mình.

Và khi ấy tôi vào ga tàu.

181.

Tôi thấy mọi thứ.

Đó là lý do tôi không thích những chỗ mới. Nếu tôi ở một nơi tôi biết, như ở nhà, hay trường, hay xe buýt, hay cửa hiệu, hay đường phố, tôi đã thấy trước hầu hết mọi thứ ở đó và tôi chỉ cần phải nhìn những thứ đã thay đổi hay di chuyển mà thôi. Thí dụ, một tuần nọ tấm bích chương đoàn kịch

Shakespeare's Globe

đã rơi xuống trong lớp học ở trường và chuyện đó ta có thể biết vì nó được treo hơi nghiêng về bên phải và có ba đốm nhỏ của vết đinh bẹt Blu-Tack trên tường ở bên dưới phía trái tờ bích chương. Và hôm sau có người đã vẽ chữ

CROW APTOK

lên cột đèn 437 trong phố tôi, là cây cột bên ngoài số nhà 35.

Nhưng phần lớn mọi người lười biếng. Họ không bao giờ nhìn mọi thứ. Họ làm cái gọi là

sượt qua

, giống như va phải cái gì và cứ tiếp tục theo gần như hướng cũ, chẳng hạn như khi một quả bia sượt qua một quả bia khác. Và dữ kiện trong đầu họ rất đơn giản. Thí dụ, nếu họ ở nông thôn, dữ kiện có thể là

1.

Tôi đang đứng trong một cánh đồng đầy cỏ.

2.

Có một vài con bò trên cánh đồng.

3.

Trời nắng có vài đám mây.

4.

Trong cỏ có vài bông hoa.

5.

Có một ngôi làng ở đằng xa.

6.

Ở rìa cánh đồng có một hàng rào có cổng.

Và khi ấy họ sẽ thôi không để ý thêm bất cứ thứ gì nữa vì họ sẽ nghĩ về một điều khác như: “Ồ, nơi này rất đẹp.” hay “Không hiểu mình có quên tắt bếp ga hay không.” hay “Không hiểu Julie đã sinh chưa

[29]

.”

Nhưng nếu tôi đứng trên một cánh đồng ở nông thôn thì tôi chú ý đến mọi thứ. Thí dụ, tôi nhớ mình đứng trên một cánh đồng vào ngày thứ Tư, 15 tháng Sáu 1994, vì Cha Mẹ và tôi đi ô tô tới Dover để lên phà đi Pháp và chúng tôi làm điều Cha gọi là

Đi Một Vòng Ngoạn Cảnh

, nghĩa là đi theo những con đường nhỏ và ngừng lại ăn trưa trong một công viên, và tôi phải ngừng lại để đi tè, và tôi đi vào cánh đồng có mấy con bò và sau khi tè xong tôi dừng lại nhìn cánh đồng và tôi nhận thấy những thứ này.

1.

Có 19 con bò trên cánh đồng, 15 con

màu đen và trắng và 5 con

màu nâu và trắng.

2.

Có một ngôi làng xa xa có 31 căn nhà trong tầm mắt và một nhà thờ có tháp hình vuông và không có chóp nhọn.

3.

Trên cánh đồng có những cái luống, nghĩa là hồi thời trung cổ nó từng là thứ gọi là

ruộng đánh luống

và mỗi người sống trong làng đều có một luống để trồng trọt.

4.

Có một túi nhựa Asda cũ trong bờ giậu, và một lon Coca Cola bẹp có con ốc sên trên đó, và một sợi dây dài màu cam.

5.

Góc Đông Bắc cánh đồng cao nhất và góc Tây Nam thấp nhất (tôi có la bàn vì chúng tôi đang đi nghỉ và tôi muốn biết Swidon ở hướng nào khi chúng tôi đến Pháp) và cánh đồng hơi gập xuống dọc theo đường nối giữa hai góc này vì thế góc Tây Bắc và Đông Nam sẽ hơi thấp hơn so với nếu cánh đồng là một mặt phẳng nghiêng.

6.

Tôi có thể thấy ba loại cỏ khác nhau và hai màu hoa trong cỏ.

7.

Các con bò hầu như hướng cả về phía đồi dốc.

Và trong bảng liệt kê các thứ tôi nhận thấy còn 31 mục nữa, nhưng Siobhan nói tôi không cần viết cả ra. Và điều này có nghĩa là nếu tôi đến một chỗ mới thì sẽ rất mệt vì tôi thấy tất cả các thứ này, và nếu sau đó có người hỏi tôi các con bò trông ra sao, tôi có thể hỏi là con bò nào, và tôi có thể vẽ chúng ở nhà và nói là từng con con bò cụ thể có những vệt trên người nó như sau

Và tôi nhận rằng tôi đã nói dối trong

Chương 13

vì tôi nói “Tôi không biết nói đùa”, vì tôi có biết 3 câu chuyện đùa mà tôi có thể kể và hiểu, và một trong ba chuyện đó là về con bò, và Siobhan nói tôi không phải quay lại để thay đổi điều tôi viết trong

Chương 13

vì chuyện đó không sao cả bởi đấy không phải là nói dối, chỉ là đính chính thôi.

Và đây là câu chuyện đùa ấy.

Có ba người trên một chiếc tàu. Một người là nhà kinh tế học, và một người là nhà lôgic học và một người là nhà toán học. Và họ vừa băng qua biên giới vào Scotland (tôi không biết tại sao họ đi Scotland) và qua cửa sổ tàu họ thấy một con bò nâu đang đứng trên cánh đồng (và con bò đứng song song với tàu).

Và nhà kinh tế học nói: “Nhìn kìa, bò ở

Scotland

màu nâu.”

Và nhà lôgic học nói: “Không. Ở

Scotland

có bò, trong đó ít nhất có một con màu nâu.”

Và nhà toán học nói: “Không. Có ít nhất một con bò ở

Scotland, mà một bên của nó có vẻ màu nâu.”

Và câu chuyện buồn cười ở chỗ các nhà kinh tế học thật ra không hẳn là khoa học gia, và ở chỗ nhà lôgic học suy nghĩ rõ ràng hơn, nhưng nhà toán học là giỏi nhất.

Và khi tôi đến chỗ mới, vì tôi thấy mọi thứ, nó giống như khi máy vi tính làm quá nhiều thứ cùng một lúc và bộ xử lý trung tâm bị nghẽn và không còn chỗ để suy nghĩ về những thứ khác. Và khi tôi đến một chỗ mới và có nhiều người ở đó thì lại càng khó hơn vì con người ta không như các con bò và hoa và cỏ và họ có thể nói với ta và làm những điều ta không ngờ được, vì thế ta phải để ý đến mọi thứ ở đó, và ta cũng phải để tâm đến mọi thứ có thể xảy ra. Và đôi khi tôi đến một chỗ mới và có nhiều người ở đó, nó giống như máy vi tính bị treo cứng và tôi phải nhắm mắt và lấy tay che tai mà rên rỉ, giống như ấn

CTRL + ALT + DEL

và đóng hết chương trình và tắt máy vi tính rồi khởi động lại thì mới nhớ được mình đang làm gì và mình định đi đâu.

Và đó là tại sao tôi giỏi môn cờ tướng và toán và lôgic, vì đa số người ta hầu như mù vì họ không thấy phần lớn các thứ mà có nhiều chỗ trong đầu họ không dùng tới và chúng chứa đầy những thứ không liên can và vớ vẩn, tỉ như “Không hiểu mình có quên tắt bếp ga hay không.”

191.

Bộ đồ chơi tàu hỏa của tôi có một tòa nhà nhỏ với hai phòng có hành lang nối liền, và một là phòng vé nơi ta mua vé, và một là phòng đợi nơi ta đợi tàu. Nhưng ga tàu ở Swindon không giống như vậy. Nó là một đường hầm với một số cầu thang, và một cửa hiệu và một quán cà phê và một phòng đợi như thế này

Nhưng đây không phải là bản đồ thật chính xác của ga vì tôi sợ nên tôi không để ý kỹ mọi vật, đây chỉ là điều tôi nhớ vì thế nó là tương đối.

Và nó giống như ta đang đứng trên một bờ vực gió thổi rất mạnh vì nó làm tôi cảm thấy choáng váng và buồn nôn vì có rất nhiều người đi ra vào đường hầm và nó rất vang và chỉ có một lối đi duy nhất là phải xuống đường hầm, và nó lại có mùi phòng vệ sinh và thuốc lá. Vì thế tôi đứng dựa tường và giữ chặt mép tấm bảng ghi hàng chữ

Khách tìm lối ra bãi đậu xe xin dùng điện thoại trợ giúp ở phía đối diện, bên phải phòng vé

để khỏi bị ngã và ngồi dúi xuống trên sàn. Và tôi muốn về nhà nhưng tôi sợ về nhà và tôi cố suy tính mình nên làm gì trong đầu nhưng có quá nhiều thứ để nhìn và quá nhiều thứ để nghe.

Vì thế tôi lấy tay che tai để ngăn tiếng ồn và suy nghĩ. Và tôi nghĩ tôi phải ở trong ga để lên tàu và tôi phải ngồi xuống một chỗ và không có chỗ nào để ngồi gần cửa ga vì thế tôi phải đi xuống đường hầm. Vì thế tôi tự nhủ, trong đầu, chứ không nói lớn: “Mình sẽ đi xuống đường hầm và có thể sẽ có chỗ cho mình ngồi xuống và khi đó mình có thể nhắm mắt và có thể suy nghĩ,” và tôi vừa bước xuống đường hầm vừa cố tập trung vào tấm bảng ở cuối đường hầm ghi

CHÚ Ý Truyền hình an ninh nội bộ đang hoạt động

. Và nó giống như đi dây ra ngoài bờ vực.

Và cuối cùng tôi đến được cuối đường hầm và ở đó có cầu thang và tôi lên thang lầu và vẫn có rất đông người và tôi rên rỉ và có một cửa hiệu ở đầu cầu thang và một căn phòng có ghế nhưng có quá nhiều người trong căn phòng có ghế, vì thế tôi đi ngang qua nó. Và có những tấm bảng ghi

Miền Tây tuyệt diệu

và

bia lạnh

và

COI CHỪNG SÀN ƯỚT

và

50 xu của bạn sẽ giúp một em bé đẻ non sống 1,8 giây

và

du lịch biến đổi

và

Khác biệt Thú vị

và

NGON TUYỆT, ĐẦY KEM, CHỈ CÓ 1,30 ₤ - SÔCÔLA NÓNG TUYỆT HẢO

và

0870 777 7676

và

Cây Chanh

và

Cấm hút thuốc

và

TRÀ NGON

và có vài cái bàn nhỏ với ghế gần đó và có một bàn không có ai ngồi nằm trong góc và tôi ngồi xuống một chiếc ghế cạnh nó và nhắm mắt. Và tôi cho hai tay vào túi áo và Toby bò lên tay tôi và tôi cho nó hai viên thức ăn cho chuột trong túi xách và nắm chặt con dao Quân đội Thụy Sĩ trong tay kia, và tôi rên rỉ để che lấp tiếng ồn vì tôi phải lấy tay ra khỏi tai, nhưng không nên lớn quá để người khác khỏi nghe thấy và đến nói chuyện với tôi.

Và khi đó tôi cố suy nghĩ mình phải làm gì, nhưng tôi không thể nghĩ vì có quá nhiều thứ khác trong đầu tôi, vì thế tôi làm một bài toán để đầu tôi rõ ràng hơn.

Và bài toán tôi làm là

Binh lính của

Conway

. Và trong

Binh lính của

Conway

ta có một bàn cờ mở rộng ra đến vô hạn và mỗi ô vuông bên dưới một đường vạch ngang đều có một quân cờ màu như sau

Và ta chỉ có thể di chuyển một quân cờ màu nếu nó nhảy qua một quân cờ màu ngang hay dọc (nhưng không được nhảy chéo) vào một ô vuông trống cách đó 2 ô. Và khi di chuyển một quân cờ màu bằng cách này ta phải lấy đi quân cờ màu bị nó nhảy qua, như sau

Và ta phải xem ta có thể mang các quân cờ màu lên trên đường vạch ngang được bao xa, và ta bắt đầu chơi kiểu như thế này

Rồi ta đi tiếp kiểu như thế này

Và tôi biết câu trả lời là bất kể ta di chuyển các quân cờ màu thế nào ta sẽ không bao giờ đưa được một quân cờ màu lên quá 4 ô vuông trên đường vạch ngang, nhưng đó là một bài toán hay để làm trong đầu khi ta không muốn suy nghĩ về thứ gì khác, vì ta có thể làm nó phức tạp bao nhiêu cũng được sao cho nó choán đầu óc ta, bằng cách làm chiếc bàn cờ lớn như ta muốn và các di chuyển phức tạp như ta muốn.

Và tôi đã chơi đến

và khi ấy tôi nhìn lên và thấy có một ông cảnh sát đứng trước tôi và ông ta nói: “Có ai ở nhà không?” nhưng tôi không biết thế nghĩa là gì.

Và ông ta nói: “Cháu có làm sao không, anh bạn nhỏ?”

Tôi nhìn ông ta và nghĩ một thoáng để trả lời câu hỏi cho đúng và tôi nói: “Không.”

Và ông nói: “Cháu trông lờ phờ lắm.”

Ông ta có một chiếc nhẫn vàng đeo trên một trong các ngón tay và nó có những chữ xoắn lượn trên đó nhưng tôi không thấy chữ gì.

Rồi ông ta nói: “Bà ở quán cà phê nói cháu ngồi ở đây 2 tiếng rưỡi rồi, và khi bà ấy thử nói chuyện với cháu thì cháu như hoàn toàn mất hồn.”

Rồi ông ta nói: “Cháu tên gì?”

Và tôi nói: “Christopher Boone.”

Và ông ta nói: “Cháu sống ở đâu?”

Và tôi nói: “36 Đường Randolph,” và tôi bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn vì tôi thích cảnh sát và đó là một câu hỏi dễ, và tôi tự hỏi có nên nói cho ông ta biết rằng Cha đã giết Wellington không và liệu ông ta có bắt Cha không.

Và ông ta nói: “Cháu làm gì ở đây?”

Và tôi nói: “Cháu cần ngồi xuống yên lặng và suy nghĩ.”

Và ông ta nói: “OK, cứ nói cho đơn giản. Cháu làm gì ở ga tàu?”

Và tôi nói: “Cháu đi gặp Mẹ.”

Và ông nói: “Mẹ?”

Và tôi nói: “Vâng, Mẹ.”

Và ông nói: “Chuyến tàu nào?”

Và tôi nói: “Cháu không biết. Mẹ sống ở

London. Cháu không biết khi nào có tàu đi

London.”

Và ông nói: “Vậy là, cháu không sống với mẹ cháu?”

Và tôi nói: “Không. Nhưng cháu sắp đến ở với mẹ.”

Và khi ấy ông ngồi xuống bên cạnh tôi và nói: “Thế thì mẹ cháu sống ở đâu?”

Và tôi nói: “Ở

London.”

Và ông nói: “Ừ, nhưng chỗ nào ở

London?”

Và tôi nói: “451c Đường Chapter,

London

NW2 5NG.”

Và ông nói: “Chúa ơi. Cái gì thế kia?”

Và tôi nhìn xuống và tôi nói: “Con chuột nuôi của cháu, Toby,” vì nó đang thò ra ngoài túi áo nhìn ông cảnh sát.

Và ông cảnh sát nói: “Chuột nuôi?”

Và tôi nói: “Vâng, chuột nuôi. Nó rất sạch và không bệnh dịch hạch.”

Và ông cảnh sát nói: “À, thế thì yên tâm.”

Và tôi nói: “Vâng.”

Và ông nói: “Cháu mua vé chưa?”

Và tôi nói: “Chưa.”

Và ông nói: “Cháu có tiền mua vé không?”

Và tôi nói: “Không.”

Và ông nói: “Thế thì làm sao cháu đi

London

được?”

Và khi ấy tôi không biết nói gì vì tôi có tấm thẻ rút tiền của Cha trong túi áo và ăn cắp đồ là bất hợp pháp, nhưng ông ta là cảnh sát vì thế tôi phải nói sự thật, vì thế tôi nói: “Cháu có một thẻ rút tiền,” và tôi lấy nó ra khỏi túi áo đưa ông ta xem. Và đây là lời nói dối vô hại.

Nhưng ông cảnh sát nói: “Thẻ này của cháu?”

Và khi ấy tôi nghĩ ông ta có thể bắt tôi, và tôi nói: “Không, của Cha.”

Và ông nói: “Của Cha?”

Và tôi nói: “Vâng, của Cha.”

Và ông nói: “Được,” nhưng ông nói rất chậm và ông lấy ngón cái và ngón trỏ bóp mũi.

Và tôi nói: “Cha nói cho cháu biết số,” lại là một lời nói dối vô hại.

Và ông nói: “Sao cháu và chú

không tà tà đi tới máy rút tiền nhỉ?”

Và tôi nói: “Chú không được đụng vào cháu.”

Và ông nói: “Chú đụng vào cháu để làm gì chứ?”

Và tôi nói: “Cháu không biết.”

Và ông nói: “Vậy thì chú cũng không biết.”

Và tôi nói: “Vì cháu bị cảnh cáo vì đã đánh một ông cảnh sát, nhưng cháu không cố ý làm ông ấy đau và nếu cháu lại làm nữa thì cháu sẽ gặp rắc rối to hơn nữa.”

Khi ấy ông ta nhìn tôi mà nói: “Cháu nói thật đấy chứ?”

Và tôi nói: “Vâng.”

Và ông nói: “Cháu dẫn đường đi.”

Và tôi nói: “Ở đâu?”

Và ông nói: “Trở lại bên cạnh phòng vé,” và ông dùng ngón cái để chỉ.

Và khi ấy chúng tôi đi ngược lại đường hầm, nhưng lần này không đáng sợ vì có một ông cảnh sát đi cùng tôi.

Và tôi cho tấm thẻ rút tiền vào máy như Cha đã thỉnh thoảng cho tôi làm khi chúng tôi cùng đi mua sắm và nó hiện ra

XIN BẤM SỐ CÁ NHÂN

và tôi liền bấm

3558

và bấm nút

NHẬP

và máy hiện tiếp

XIN BẤM SỐ TIỀN

và ta được lựa chọn

ç

10£

20£

è

ç

50£

100£

è

Số tiền khác

(bội số của mười)

è

Và tôi hỏi ông cảnh sát: “Vé tàu đi

London

giá bao nhiêu?”

Và ông ta nói: “Khoảng chừng 30 tì.”

Và tôi nói: “Đồng bảng Anh?”

Và ông ta nói: “Giêsu thánh thần ơi,” và ông ta cười. Nhưng tôi không cười vì tôi không thích người ta cười mình, ngay cả người đó là cảnh sát. Và ông ta ngưng cười, và ông ta nói: “Ừ, 30 bảng Anh.”

Vì thế tôi ấn

50 ₤

và năm tờ 10 ₤ chạy ra khỏi máy và một tờ biên nhận, và tôi cất tiền và tờ biên nhận và tấm thẻ vào túi áo.

Và ông cảnh sát nói: “Ái dà, chắc chú không nên giữ cháu để tán dóc thêm nữa.”

Và tôi nói: “Cháu có thể mua vé tàu ở đâu?” vì nếu ta đi lạc và cần chỉ đường ta có thể hỏi một ông cảnh sát.

Và ông ta nói: “Cháu thuộc hạng con cầu tự phải không?”

Và tôi nói: “Cháu có thể mua vé tàu ở đâu?” vì ông ta chưa trả lời câu hỏi của tôi.

Và ông ta nói: “Trong đó,” và ông chỉ tay và có một căn phòng lớn có cửa sổ kính bên kia cửa ga tàu, rồi ông nói: “Nào, cháu có chắc là cháu biết mình đang làm gì không?”

Và tôi nói: “Chắc. Cháu đi London để sống với mẹ cháu.”

Và ông nói: “Mẹ cháu có số điện thoại không?”

Và tôi nói: “Có.”

Và ông nói: “Thế cháu có thể cho chú biết không?”

Và tôi nói: “Vâng, 0208 887 8907.”

Và ông nói: “Cháu sẽ gọi cho mẹ nếu cháu gặp rắc rối, OK?”

Và tôi nói: “Vâng,” vì tôi biết ta có thể gọi điện từ phòng điện thoại nếu bạn có tiền, và bây giờ tôi có tiền.

Và ông nói: “Tốt.”

Và tôi đi vào phòng bán vé và tôi quay lại và thấy ông cảnh sát vẫn đang nhìn tôi vì thế tôi cảm thấy an toàn. Và có một cái quầy dài ở phía bên kia căn phòng lớn và một ô cửa sổ trên quầy có một ông đang đứng trước cửa sổ và một ông sau cửa sổ, và tôi nói với ông phía sau cửa sổ: “Cháu muốn đi London.”

Và ông ở trước cửa sổ nói: “Cảm phiền,” rồi ông quay lưng lại tôi và ông phía sau cửa sổ đưa ông ta một mảnh giấy nhỏ để ký và ông ta liền ký và đẩy nó trở lại dưới ô cửa sổ và ông sau cửa sổ đưa ông ta tấm vé. Và ông ở trước cửa sổ nhìn tôi và nói: “Mày nhìn cái quái gì hả?” rồi ông ta bước đi.

Và ông ta có những lọn tóc dài như một số người da đen, nhưng ông ta da trắng, và lọn tóc dài là khi ta không bao giờ gội đầu và nó giống như sợi dây thừng cũ. Và ông ta mặc quần đỏ có ngôi sao. Và tay tôi nắm con dao Quân đội Thụy Sĩ trong trường hợp ông ta chạm vào tôi.

Và khi ấy không còn ai phía trước cửa sổ và tôi nói với ông phía sau cửa sổ: “Cháu muốn đi London,” và tôi không sợ vì tôi có ông cảnh sát nhưng tôi quay lại và thấy bây giờ ông ta đã đi mất và tôi lại sợ, vì thế tôi cố vờ như tôi đang chơi trên máy vi tính trò chơi

Tàu tới London

và nó giống như

Myst

hay

Giờ thứ 11

, và ta phải giải quyết nhiều vấn đề khác nhau để lên tới bàn kế tiếp, và tôi có thể tắt nó đi bất cứ lúc nào.

Và người đàn ông nói:

“Một chiều hay khứ hồi?”

Và tôi nói: “Một chiều hay khứ hồi là gì?”

Và ông nói” “Cháu muốn đi một chiều, hay cháu muốn đi và về?”

Và tôi nói: “Cháu muốn khi đến nơi thì ở đó luôn.”

Và ông nói: “Ở bao lâu?”

Và tôi nói: “Đến khi cháu đi đại học.”

Và ông nói: “Vậy thì một chiều,” rồi ông nói: “32 bảng.”

Và tôi đưa ông năm mươi bảng Anh và ông đưa tôi lại 10 bảng rồi nói: “Đừng vứt nó đi đấy nhé.”

Rồi ông đưa tôi một tấm vé nhỏ màu vàng và cam và 8 bảng tiền xu tôi cất tất cả vào cái túi áo cùng với con dao. Và tôi không thích phân nửa tấm vé màu vàng nhưng tôi phải giữ nó vì nó là vé tàu của tôi.

Và khi ấy ông ta nói: “Cháu làm ơn tránh ra khỏi quầy.”

Và tôi nói: “Khi nào tàu đi

London?”

Và ông nhìn đồng hồ đeo tay rồi nói: “Sàn số 1, năm phút nữa.”

Và tôi nói: “Sàn số 1 ở đâu?”

Và ông vừa chỉ vừa nói: “Qua đường chui ngầm rồi lên tầu. Cháu sẽ thấy các tấm bảng chỉ dẫn.”

Và

đường chui ngầm

nghĩa là

đường hầm

vì tôi có thể thấy chỗ ông đang chỉ, vì thế tôi ra khỏi phòng vé, nhưng nó không giống trò chơi máy vi tính chút nào vì tôi đang ở ngay trong nó và cứ như thể tất cả các tấm bảng chỉ dẫn đang la hét trong đầu tôi và có người va phải tôi khi họ đi ngang và tôi làm một tiếng giống như chó sủa để dọa họ.

Và tôi hình dung trong đầu một đường kẻ lớn màu đỏ băng qua sàn nhà bắt đầu từ chân tôi mà đi xuyên qua đường hầm và tôi bắt đầu vừa bước theo cái vạch đỏ vừa nói: “Trái, phải, trái, phải, trái, phải,” vì thỉnh thoảng những khi tôi hoảng sợ hay tức giận tôi sẽ dễ chịu hơn nếu tôi làm việc gì đó có nhịp điệu, như âm nhạc hay đánh trống, như Siobhan đã dạy tôi làm.

Và tôi lên cầu thang và tôi thấy dấu hiệu

á

Sàn số 1

và dấu

á

chỉ một cánh cửa kính vì thế tôi đi qua cửa, và có người xách va li lại đụng vào tôi và tôi lại làm một tiếng chó sủa nữa, và họ nói: “Đồ khốn, đi đâu thì phải để ý chứ,” nhưng tôi giả vờ như họ chỉ là một trong bọn Quỷ sứ Canh cổng trong

Tàu tới London

và rồi có một chiếc tàu. Và tôi thấy một ông cầm tờ báo và một túi đựng gậy đánh golf đi tới một trong các cánh cửa tàu và ấn cái nút lớn bên cạnh nó và cánh cửa điện tử liền mở ra và tôi thấy thật thích. Rồi các cánh cửa đóng lại sau lưng ông.

Và khi ấy tôi nhìn đồng hồ thì 3 phút đã trôi qua từ lúc tôi rời phòng vé, nghĩa là tàu sẽ đi trong vòng 2 phút nữa.

Và khi ấy tôi đi đến cánh cửa và ấn cái nút lớn và cánh cửa mở ra và tôi bước qua cửa.

Vậy là tôi đã lên tàu đi

London.

193.

Hồi tôi còn hay chơi bộ đồ chơi tàu hỏa tôi đã làm một bảng lịch trình tàu vì tôi thích các bảng giờ giấc. Và tôi thích bảng giờ giấc vì tôi thích biết khi nào mọi thứ sẽ xảy ra.

Và đây là thời gian biếu của tôi khi tôi sống ở nhà với Cha và tôi nghĩ rằng Mẹ đã chết vì đau tim (đây là thời gian biểu cho thứ Hai và nó cũng là

tương đối

)

7:20

Thức dậy

3:49

Xuống xe buýt ở nhà

7:25

Đánh răng và rửa mặt

3:50

Uống nước trái cây và ăn qua loa

7:30

Cho Toby ăn và uống

3:55

Cho Toby ăn và uống

7:40

Ăn sáng

4:00

Cho Toby ra khỏi chuồng

8:00

Mặc đồng phục trường

4:18

Cho Toby vào chuồng

8:05

Sửa soạn túi đi học

4:20

Xem tivi hay video

8:10

Đọc sách hay xem video

5:00

Đọc sách

8:32

Đón xe buýt đến trường

6:00

Uống trà

8: 43

Đi ngang cửa hiệu bán cá nhiệt đới

6:30

Xem tivi hay video

8: 51

Đến trường

7:00

Tập làm toán

9:00

Tập hợp trong trường

8:00

Tắm

9:15

Giờ học sáng đầu tiên

8:15

Thay quần áo ngủ

10:30

Ra chơi

8:20

Chơi máy vi tính

10;50

Giờ vẽ với cô Peters

[30]

9:00

Xem tivi hay video

12:30

Ăn trưa

9:20

Uống nước trái cây và ăn qua loa

1:00

Giờ học chiều đầu tiên

9:30

Ngủ

2:15

Giờ học chiều thứ nhì

3:30

Đón xe buýt trường để về nhà

Và vào cuối tuần tôi làm thời gian biểu riêng của mình và tôi viết nó ra một miếng bìa và đính nó lên tường. Và nó ghi những việc như

Cho Toby ăn

hay

Làm toán

hay

Ra cửa hàng mua bánh kẹo

. Và đó là một trong những lý do tôi không thích nước Pháp, vì khi người ta đi nghỉ họ không có bảng giờ giấc và mỗi buổi sáng tôi phải bắt Mẹ và Cha nói cho tôi biết đích xác những gì chúng tôi sẽ làm ngày hôm đó để tôi cảm thấy yên tâm.

Bởi vì thời gian không giống như không gian. Và khi ta đặt một cái gì xuống một nơi nào đó, như một cái thước đo góc hay một miếng bánh quy chẳng hạn, ta có thể có một tấm bản đồ trong đầu mình để nói cho ta biết ta đã đặt nó ở đâu, nhưng ngay cả nếu ta không có tấm bản đồ thì nó vẫn nằm ở đó vì bản đồ là một

biểu trưng

của sự vật thực sự hiện hữu để ta có thể tìm lại cây thước đo góc hay miếng bánh quy. Còn thời gian biểu là bản đồ thời gian, nhưng nếu ta không có thời gian biểu thì thời gian không nằm ở đó như đầu cầu thang và khu vườn và đường đi tới trường. Vì thời gian chỉ là tương quan giữa cách biến đổi của các sự vật khác nhau, như quả đất quay quanh mặt trời và các nguyên tử dao động và đồng hồ tích tắc và ngày và đêm và thức dậy và đi ngủ, nó cũng giống như phía Tây hay phía Đông Bắc-Bắc sẽ mất đi khi quả đất thôi hiện hữu và rơi vào mặt trời vì nó chỉ là tương quan giữa Bắc Cực và Nam Cực và mọi nơi khác, như Mogadishu và Sunderland và Canberra.

Và nó không phải là một tương quan cố định như tương quan giữa căn nhà của chúng tôi với nhà bà Shears, hay như tương quan giữa 7 và 865, mà tùy thuộc vào tốc độ của ta đối với một điểm nào đó. Và nếu ta phóng đi trên một chiếc phi thuyền và du hành gần bằng tốc độ của ánh sáng, ta có thể trở về và thấy cả gia đình ta đã chết và ta vẫn còn trẻ và lúc đó là tương lai nhưng đồng hồ của ta cho thấy ta chỉ đi vắng vài ngày hay vài tháng thôi.

Và vì không vật gì có thể di chuyển nhanh hơn tốc độ của ánh sáng, nghĩa là ta chỉ có thể biết về một phần các sự vật đang diễn biến trong vũ trụ, như sau

Và đây là tấm bản đồ của mọi vật và mọi nơi, và tương lai ở bên phải và quá khứ ở bên trái còn độ dốc của đường c là tốc độ của ánh sáng, nhưng chúng ta không thể biết điều gì xảy ra trong vùng màu đậm dù cho một số sự việc ở nơi đó đã xảy ra, nhưng khi chúng ta đến điểm

f

thì sẽ có thể tìm thấy những sự việc xảy ra trong hai vùng nhạt

p

và

q

.

Và điều này có nghĩa thời gian là một bí ẩn, và thậm chí không phải là một vật, và chưa ai giải đáp được bài toán thời gian là gì một cách chính xác. Và vì thế nếu ta lạc trong thời gian thì cũng giống như lạc trong sa mạc, trừ một điểm là ta không thấy sa mạc vì nó không phải là một vật.

Và đây là lý do tôi thích các thời gian biểu, vì chúng giúp chúng ta không bị lạc trong thời gian.

197.

Trên tàu có rất nhiều người, và tôi không thích điều đó, vì tôi không thích nhiều người tôi không biết và tôi còn ghét hơn nữa nếu tôi bị kẹt trong một căn phòng với nhiều người tôi không biết, mà toa tàu thì giống như một căn phòng và ta không thể bỏ ra ngoài khi nó đang di chuyển. Và nó làm tôi nghĩ đến lần tôi phải từ trường về nhà trong một chiếc ô tô vì xe buýt bị hỏng và Mẹ đến đón tôi nhưng trước đó cô Peters có nhờ Mẹ đưa Jack và Polly về nhà vì mẹ của bọn nó không thể đến đón bọn nó, và Mẹ nói ừ. Nhưng tôi bắt đầu la hét vì trong xe có quá nhiều người với lại Jack và Polly không thuộc lớp tôi và Jack đập đầu lên mọi thứ và gây tiếng ồn như một con thú, và tôi cố ra khỏi xe, nhưng vì xe đang chạy và tôi ngã xuống đường và bị khâu mấy mũi trên đầu và người ta phải cạo tóc tôi đi và mất 3 tháng tóc mới mọc lại như trước.

Vì thế tôi đứng rất yên trong toa tàu và không di chuyển.

Và khi ấy tôi nghe tiếng ai nói “Christopher.”

Và tôi nghĩ đó là một người tôi biết, như một giáo viên ở trường hay một trong những người sống trong phố chúng tôi, nhưng không phải. Đó lại là ông cảnh sát. Và ông nói: “Bắt được cháu vừa đúng lúc,” và ông thở thật to và tì tay vào đầu gối.

Và tôi không nói gì.

Và ông nói: “Cha cháu đang ở sở cảnh sát.”

Và tôi nghĩ ông ta sẽ nói họ đã bắt Cha vì tội giết

Wellington, nhưng ông không nói. Ông nói: “Ông ấy đang tìm cháu.”

Và tôi nói: “Cháu biết.”

Và ông nói: “Thế thì tại sao cháu đi London?”

Và tôi nói: “Vì cháu sẽ sống với Mẹ.”

Và ông nói: “À, chú nghĩ cha cháu muốn có ý kiến về chuyện đó.”

Và khi ấy tôi nghĩ ông ta sẽ mang tôi trở về với Cha và điều đó đáng sợ vì ông ta là cảnh sát và cảnh sát có nghĩa là tốt, vì thế tôi định chạy, nhưng ông ta nắm lấy tôi và tôi hét. Và khi ấy ông buông ra.

Và ông nói: “Được, chúng ta đừng kích động quá ở đây.” Rồi ông nói: “Chú sẽ đưa cháu về sở cảnh sát, và cháu với chú và cha cháu có thể ngồi xuống nói chuyện về việc ai sẽ đi đâu.”

Và tôi nói: “Cháu đi sống với Mẹ, ở

London.”

Và ông nói: “Bây giờ cháu chưa đi đâu cả.”

Và tôi nói: “Chú đã bắt Cha chưa?”

Và ông nói: “Bắt ông ấy? Vì cái gì?”

Và tôi nói: “Cha đã giết một con chó. Bằng cái bồ cào làm vườn. Con chó tên là

Wellington.”

Và ông cảnh sát nói: “Vậy sao?”

Và tôi nói: “Vâng, đúng vậy.”

Và ông nói: “Được rồi, mình cũng sẽ nói chuyện đó luôn.” Rồi ông nói: “Nào, anh bạn trẻ, chú nghĩ ngày hôm nay cháu đi mạo hiểm đủ rồi.”

Và khi ấy ông đưa tay ra chạm vào tôi lần nữa và tôi lại bắt đầu la hét, và ông nói: “Nghe này, nhóc con. Cháu hoặc là làm theo điều chú nói hoặc là chú sẽ phải…”

Và khi ấy tàu xóc nhẹ và bắt đầu di chuyển.

Và khi ấy ông cảnh sát nói: “Khốn kiếp.”

Và khi ấy ông nhìn lên trần tàu và ông đưa hai tay lên miệng như người ta làm khi họ cầu nguyện Chúa trên thiên đường và ông thổi thật lớn vào tay và làm tiếng huýt sáo, rồi ông ngừng lại vì tàu lại xóc nhẹ và ông phải nắm lấy một dây quai treo trên trần.

Và khi ấy ông nói: “Đừng đi đâu.”

Rồi ông lấy máy bộ đàm ra ấn nút và nói: “Rob hả? Ừ, Nigel đây. Tôi đang kẹt trên chiếc tàu khốn kiếp. Ừ. Đừng… Này. Tàu dừng ở

Didcot Parkway. Vì vậy cậu tìm một người đem xe tới gặp tôi… Chào. Bảo ông bố nó là mình bắt được nó rồi nhưng phải một lúc nữa, được chứ? Tốt lắm.”

Rồi ông tắt máy bộ đàm và nói: “Bây giờ mình ngồi xuống,” và ông chỉ hai băng ghế đối diện nhau gần đó và nói: “Ngồi xuống. Và đừng làm trò khỉ nghe chưa.”

Và những người đang ngồi trên ghế đứng lên và bỏ đi vì ông ta là cảnh sát và chúng tôi ngồi xuống đối diện nhau.

Và ông nói: “Chú mày thật là rầy rà quá chừng.”

Và tôi tự hỏi liệu ông cảnh sát có giúp tôi tìm số 451c Đường Chapter,

London

NW2 5NG không.

Và tôi nhìn ra cửa sổ và chúng tôi đi qua các xưởng máy và bãi phế thải đầy xe cũ và có 4 căn nhà lưu động trong bãi đất bùn với 2 con chó và một số áo quần đang phơi.

Và bên ngoài cửa sổ giống như một tấm bản đồ, trừ một cái là nó có 3 chiều và nó có kích cỡ thật vì nó là bản đồ của chính nó. Và có quà nhiều thứ làm đầu tôi đau nhức, vì thế tôi nhắm mắt, nhưng rồi tôi lại mở ra vì cứ giống như tôi đang bay, nhưng gần mặt đất hơn, và tôi nghĩ bay lượn thì thật thích. Và khi ấy tàu đến vùng thôn quê và có những cánh đồng và bò và ngựa và một cây cầu và một nông trại và nhiều nhà và rất nhiều đường nhỏ có xe. Và nó khiến tôi nghĩ rằng chắc phải có hàng triệu dặm đường tàu trên thế giới và chúng đều đi ngang nhà cửa và đường sá và sông ngòi và đồng ruộng, và điều đó khiến tôi nghĩ trên thế giới phải có nhiều người lắm và họ đều có nhà và đường sá để đi lại và xe cộ và thú nuôi trong nhà và áo quần, và họ đều ăn trưa và đi ngủ và đều có tên và điều này cũng làm tôi đau đầu, vì thế tôi lại nhắm mắt và đếm và rên rỉ.

Và khi tôi mở mắt ông cảnh sát đang đọc tờ báo

The Sun

, và trên trang nhất ghi

Nỗi ô nhục Gái gọi 3 triệu ₤ của Anderson

và có tấm ảnh của một ông và tấm ảnh một bà mặc áo lót bên dưới.

Và khi ấy tôi tập làm toán trong đầu, giải các phương trình bậc hai dùng công thức

Rồi tôi muốn đi tè, nhưng tôi đang trên tàu. Và tôi không biết còn bao lâu chúng tôi mới đến London và tôi bắt đầu cảm thấy hốt hoảng, và tôi bắt đầu gõ nhịp trên kính bằng đốt ngón tay để giúp tôi đợi và không nghĩ tới việc muốn đi tè, và tôi xem đồng hồ và tôi đợi 17 phút, nhưng mỗi khi tôi muốn đi tè tôi phải đi thật nhanh, đó là lý do tôi thích ở nhà hay ở trường và tôi luôn luôn đi tè trước khi lên xe buýt, đó là lý do tại sao lúc này tôi hơi són một tí và làm ướt quần.

Và khi ấy ông cảnh sát nhìn qua tôi và nói: “Ôi Chúa ơi, cháu…” Rồi ông đặt tờ báo xuống và nói: “Cháu làm ơn đi ra cái phòng vệ sinh khốn kiếp đi.”

Và tôi nói: “Nhưng cháu đang ở trên tàu.”

Và ông nói: “Người ta có phòng vệ sinh trên tàu, cháu biết chứ.”

Và tôi nói: “Phòng vệ sinh trên tàu ở đâu?”

Và ông ta vừa chỉ vừa nói: “Qua mấy cánh cửa đó. Nhưng chú để mắt trông chừng cháu đấy, hiểu không?”

Và tôi nói: “Không,” vì tôi biết

để mắt trông chừng

ai nghĩa là gì nhưng ông ta không thể nhìn tôi lúc tôi ở trong phòng vệ sinh.

Và ông nói: “Cứ đi vào cái phòng vệ sinh khốn kiếp cho rồi.”

Vì thế tôi đứng lên khỏi chỗ ngồi và tôi nhắm mắt chỉ để hở mí mắt một tí để khỏi thấy những người khác trên tàu và tôi bước tới cửa, và khi tôi đi qua cửa có một cánh cửa khác bên phải và nó mở hé và có ghi chữ

PHÒNG VỆ SINH

, vì thế tôi đi vào.

Bên trong thật khủng khiếp vì có mìn trên mặt ghế bồn cầu và có mùi mìn, như phòng vệ sinh ở trường khi Joseph đi ị một mình, vì nó chơi với mìn.

Và tôi không muốn dùng phòng vệ sinh vì nó có mìn, là mìn của người tôi không biết và có màu nâu, nhưng tôi phải dùng vì tôi rất muốn đái. Vì thế tôi nhắm mắt và đái và chiếc tàu lắc lư nên rất nhiều nước đái văng lên mặt bồn cầu và ra sàn, nhưng tôi lấy giấy vệ sinh lau sạch chim và xả nước bồn cầu và rồi tôi định dùng bồn rửa tay nhưng vòi nước không chảy, vì thế tôi phun nước bọt lên tay và lau bằng giấy vệ sinh và bỏ nó xuống bồn cầu.

Rồi tôi ra ngoài phòng vệ sinh và tôi thấy đối diện phòng vệ sinh có hai ngăn để nhiều va li và một chiếc ba lô trên đó và nó khiến tôi nghĩ tới cái tủ to rộng ở nhà mà thỉnh thoảng tôi leo vào đó và làm vậy tôi cảm thấy an toàn. Vì thế tôi leo lên cái ngăn ở giữa và kéo một chiếc va li chắn phía trước như cánh cửa để tôi khuất vào trong, và nó tối và không có ai trong đó với tôi và tôi không nghe tiếng người nói chuyện vì thế tôi cảm thấy bình tĩnh hơn và dễ chịu.

Và tôi làm thêm một số phương trình bậc hai như

0 = 437x2

+ 103x + 11

và

0 = 79x2

+ 43x + 2089

Và tôi đặt một vài hệ số lớn để cho khó giải.

Và khi ấy tàu bắt đầu chạy chậm lại và có người đến đứng gần cái ngăn và gõ cửa phòng vệ sinh, và đó là ông cảnh sát và ông nói: “Christopher…? Christopher?” rồi ông mở cửa phòng vệ sinh và nói: “Quỷ thần ơi,” và ông ở rất gần đến nỗi tôi nhìn thấy chiếc máy bộ đàm và dùi cui trên thắt lưng ông và ngửi thấy mùi nước hoa cạo râu của ông, nhưng ông không thấy tôi và tôi không nói gì vì tôi không muốn ông đưa tôi tới gặp Cha.

Và khi ấy ông lại bỏ đi, lần này chạy.

Rồi thì tàu ngừng lại và tôi tự hỏi đã đến

London

chưa, nhưng tôi không nhúc nhích vì tôi không muốn ông cảnh sát tìm thấy tôi.

Và khi ấy một bà mặc áo len có in hình những con ong và hoa đến và lấy chiếc ba lô khỏi ngăn kệ trên đầu tôi và bà nói: “Cháu làm bà sợ hết hồn.”

Nhưng tôi không nói gì.

Rồi bà nói: “Bà nghĩ có người ngoài sân ga đang tìm cháu.”

Nhưng tôi cứ tiếp tục không nói gì.

Và bà nói: “Ôi dào, ấy là việc của cháu,” và bà ta bỏ đi.

Và khi ấy có 3 người khác bước qua và một người trong số họ là một ông da đen mặc áo choàng dài màu trắng và ông ta cất chiếc túi lớn của ông trên ngăn kệ phía trên đầu tôi nhưng ông ta không thấy tôi.

Và khi ấy tàu lại bắt đầu chạy.

199.

Người ta tin có Chúa vì thế giới rất phức tạp và họ nghĩ những thứ phức tạp như một con sóc bay hay con mắt người hay bộ não người khó có thể xảy ra một cách tình cờ. Nhưng đáng lẽ họ nên nghĩ một cách hợp lý và nếu họ suy nghĩ một cách hợp lý họ sẽ thấy rằng họ chỉ có thể hỏi câu hỏi này vì sự việc đã xảy ra rồi và chúng hiện hữu. Và có hàng tỉ hành tinh không có sự sống, nhưng trên các hành tinh đó không có ai có bộ óc để nhận ra. Và nó cũng giống như mọi người trên thế giới ném một đồng xu rồi cuối cùng có người được 5698 mặt ngửa liên tiếp và họ sẽ nghĩ rằng họ rất đặc biệt. Nhưng không phải, vì sẽ có hàng triệu người không được 5698 mặt ngửa.

Và sự sống có trên trái đất vì một sự ngẫu nhiên. Nhưng đó là một loại ngẫu nhiên rất đặc biệt. Và để sự ngẫu nhiên này xảy ra một cách đặc biệt như thế phải có 3

điều kiện.

Và chúng là

1. Sự vật phải tự sao lại chính mình (điều này gọi là

Tái tạo

)

2. Chúng phải gây ra những lỗi nhỏ khi làm điều đó (điều này gọi là

Đột biến

)

3. Những lỗi này phải giống nhau trong các phiên bản của chúng (điều này gọi là

Di truyền

)

Và những điều kiện này rất hiếm, nhưng có thể xảy ra, và chúng tạo nên sự sống. Và nó xảy ra, thế thôi. Nhưng nó không nhất thiết phải xuất hiện ở bọn tê giác và loài người và cá voi. Nó có thể xuất hiện ở bất cứ vật gì.

Và, thí dụ, một số người nói làm sao một con mắt có thể tình cờ sinh ra? Vì một con mắt phải tiến hoá từ một vật khác rất giống con mắt, và nó không bỗng dưng xảy ra vì một lỗi di truyền, và nửa con mắt thì có ích lợi gì? Nhưng nửa con mắt vẫn rất có ích, vì nếu có nửa con mắt thì một con thú có thể thấy một nửa con thú muốn ăn thịt nó và bỏ chạy, và nó sẽ ăn thịt con thú nào chỉ có một phần ba con mắt hoặc 49% con mắt vì con đó chạy không đủ nhanh, và con thú bị ăn thịt sẽ không có con vì nó đã chết. Và 1% con mắt vẫn tốt hơn là không có mắt.

Và những người tin Chúa nghĩ rằng Chúa đã đặt loài người trên trái đất vì họ nghĩ con người là loài thú siêu việt nhất, nhưng con người chỉ là một con thú và chúng sẽ tiến hoá thành một con thú khác, và con thú đó sẽ thông minh hơn và nó sẽ bắt loài người bỏ vào sở thú, như chúng ta bỏ con tinh tinh hay con khỉ đột vào sở thú. Hay tất cả loài người sẽ bị nhiễm một thứ bệnh và chết đi, hay họ sẽ gây ra quá nhiều ô nhiễm và giết chính mình, và khi ấy chỉ còn côn trùng trên thế giới và chúng sẽ là loài thú siêu việt nhất,

211.

Rồi tôi tự hỏi tôi có nên xuống tàu không vì nó vừa dừng ở

London, và tôi sợ vì nếu tàu đi nơi khác thì ở đó tôi không biết người nào cả.

Và khi ấy có người vào phòng vệ sinh rồi họ đi ra, nhưng họ không thấy tôi. Và tôi có thể ngửi thấy mìn của họ, và nó khác với mùi mìn tôi ngửi thấy khi tôi vào đó.

Và khi ấy tôi nhắm mắt và làm thêm toán để không nghĩ tới mình đang đi đâu.

Rồi tàu lại ngừng, và tôi nghĩ tới chuyện ra khỏi ngăn kệ và đi lấy túi xách của mình và xuống tàu. Nhưng tôi không muốn bị ông cảnh sát bắt gặp và đưa về với Cha, vì vậy tôi cứ ở trên kệ và không cử động, và lần này không ai thấy tôi.

Và khi ấy tôi nhớ có một tấm bản đồ trên tường trong một lớp học ở trường, và đó là bản đồ Anh và Scotland và xứ Wales và nó cho ta biết chỗ của tất cả các thành phố và tôi liền hình dung nó trong đầu trên đó có Swindon và London, và nó như thế này trong đầu tôi.

Và tôi đã xem đồng hồ đeo tay của mình từ khi tàu bắt đầu chạy lúc

12 giờ 59

trưa. Và tàu dừng lần đầu lúc

1 giờ 16 phút

, là 17 phút sau. Còn bây giờ là

1 giờ 39

, 23 phút sau ga đầu, nghĩa là tôi đang ở trên biển nếu tàu không đi một vòng cung lớn. Nhưng tôi không biết nó có đi một vòng cung lớn hay không.

Rồi qua 4 ga nữa và 4 người đến lấy túi khỏi các ngăn kệ và 2 người cất túi lên ngăn kệ, nhưng không ai di chuyển chiếc va li lớn phía trước tôi và chỉ có một người thấy tôi và họ nói: “Mày quái lắm đó nghe,” đó là một ông mặc áo vest. Và 6 người vào phòng vệ sinh nhưng họ không đi ị để tôi ngửi thấy, cũng tốt.

Rồi tàu dừng và một bà mặc áo mưa màu vàng đến lấy chiếc va li lớn và bà ta nói: “Mày có đụng vào cài này không?”

Và tôi nói: “Có.”

Và rồi bà ta bỏ đi.

Và khi ấy một ông đứng bên cạnh ngăn kệ nói: “Tới đây coi cái này nè, Barry. Coi bộ thiên hạ có thằng quái lùn trên xe lửa.”

Và một ông khác đến đứng cạnh ông ta và nói: “Ôi chao, hai đứa mình nhậu xỉn quá rồi.”

Và ông thứ nhất nói: “Có lẽ mình nên cho nó ăn lạc.”

Và ông thứ nhì nói: “Mày là thằng điên khốn kiếp.”

Và ông thứ nhất nói: “Ê, dẹp đi, đồ dấm dớ. Tao cần uống thêm bia để tỉnh táo ra.”

Rồi họ bỏ đi.

Rồi tàu thật yên lặng và nó không di chuyển nữa và tôi không nghe thấy ai. Vì thế tôi quyết định ra khỏi ngăn và đi lấy túi xách của mình và xem ông cảnh sát có còn ngồi ở ghế không.

Thế là tôi ra khỏi ngăn kệ và nhìn qua cửa nhưng ông cảnh sát không còn ở đó. Và chiếc túi xách của tôi cũng đã biến mất, trong đó có thức ăn cho Toby và các cuốn sách toán của tôi và chiếc quần sạch và áo gilê và sơ mi và nước cam và sữa và gói kem trứng và lon đậu trắng xốt cà chua.

Và khi ấy tôi nghe tiếng chân và tôi quay lại thì thấy một ông cảnh sát khác, không phải ông trên tàu lúc trước, và tôi thấy ông qua cánh cửa, trong toa bên cạnh, và ông đang nhìn xuống dưới gầm ghế. Và tôi quyết định rằng tôi không thích cảnh sát lắm nữa, vì vậy tôi xuống tàu.

Và khi tôi thấy chiếc tàu đang ở trong một căn phòng lớn đến mức nào và nghe thấy cái phòng quá ồn ào và vang động, tôi phải quỳ xuống đất một lúc vì tôi nghĩ tôi sắp ngã lăn ra. Và khi đang quỳ trên sàn tôi suy tính hướng đi, và tôi quyết định đi theo hướng của tàu lúc nó vào ga vì nếu đây là ga cuối cùng thì hướng đó là

London.

Vì thế tôi đứng lên và tôi tưởng tượng có một vạch đỏ to trên mặt đất chạy song song với tàu ra tới cổng ở tận cuối rồi tôi bước theo nó và tôi lại nói: “Trái, phải, trái, phải…” như trước.

Và khi tôi đến cổng một ông bảo tôi: “Bác nghĩ có người đang tìm cháu đấy, bé con ạ.”

Và tôi nói: “Ai tìm cháu?” vì tôi nghĩ có thể là Mẹ và cảnh sát ở Swindon đã gọi điện cho bà bằng số mà tôi đã báo cho ông ta biết.

Nhưng ông ta nói: “Một ông cảnh sát.”

Và tôi nói: “Cháu biết.”

Và ông nói: “Ồ. Vậy hả.” Rồi ông nói: “Cháu đợi ở đây, rồi bác đi báo cho họ biết,” và ông quay bước xuống bên hông tàu.

Vì thế tôi tiếp tục bước đi. Và tôi vẫn cảm thấy như có một quả bong bóng trong ngực mình và nó làm tôi đau và tôi dùng tay che tai và tôi đi đến đứng dựa vào bức tường một cửa hiệu nhỏ có ghi hàng chữ

Đặt trước Khách sạn và Vé hát Đt: 0207 402 5164

ở giữa căn phòng lớn rồi tôi lấy tay ra khỏi tai và rên rỉ để ngăn tiếng ồn và tôi nhìn tất cả các tấm bảng quanh căn phòng lớn để xem đây có phải là London không. Và các tấm bảng ghi

Nhưng sau vài giây chúng trông như thế này

vì có quá nhiều bảng và óc tôi không làm việc đúng cách và điều này làm tôi hoảng sợ vì thế tôi lại nhắm mắt và tôi đếm từ từ cho tới 50 nhưng không làm tính luỹ thừa ba. Và tôi đứng đó và tôi mở con dao Quân đội Thuỵ Sĩ trong túi và nắm chặt lấy nó để cảm thấy yên tâm.

Và khi ấy tôi cong các ngón tay thành một cái ống nhỏ và tôi mở mắt và nhìn qua cái ống để mỗi lần chỉ thấy một tấm bảng và một lúc lâu sau tôi thấy một tấm bảng ghi

Chỉ dẫn

phía trên cửa sổ một cửa hiệu nhỏ.

Và một ông đi đến phía tôi và ông ta mặc áo khoác xanh và quần xanh và đi giày nâu và ông cầm một cuốn sách trên tay và ông nói: “Cháu trông như bị lạc.”

Vì thế tôi rút con dao Quân đội Thuỵ Sĩ của mình ra.

Và ông ta nói: “Ê. Ê. Ê. Ê. Ê,” và giơ cả hai tay lên, các ngón tay của ông xòe thành cái quạt, như thể ông muốn tôi xòe các ngón tay ông vì ông muốn nói ông mến tôi, nhưng ông làm việc ấy bằng cả hai tay, không giống như Cha và Mẹ, và tôi không biết ông là ai.

Và khi ấy ông bước lùi ra xa.

Vì thế tôi đi tới cửa hiệu ghi chữ

Chỉ dẫn

và tôi cảm thấy tim mình đập rất mạnh và nghe như có tiếng biển trong tai mình. Và khi tôi đến cửa sổ tôi nói: “Đây có phải là

London

không?” nhưng không có ai đằng sau ô cửa sổ.

Và khi ấy có người ngồi phía sau ô cửa và bà ta là một bà da đen và bà có móng tay dài sơn màu hồng và tôi nói: “Đây có phải là

London

không?”

Và bà nói: “Chắc chắn rồi cưng.”

Và tôi nói: “Đây có phải là

London

không?”

Và bà nói: “Đúng nó mà.”

Và tôi nói: “Làm cách nào cháu đi đến

451c Đường Chapter,

London

NW2 5NG?

Và bà nói: “Chỗ nào?”

Và tôi nói: “451c Đường Chapter,

London

NW2 5NG. Và đôi khi cũng có thể viết là 451c Đường Chapter, Willesden,

London

NW2 5NG.”

Và bà bảo tôi: “Cưng bắt tàu điện ngầm tới Ga trung chuyển Willesden. Hay Willesden Green. Đâu đó gần chỗ ấy.”

Và tôi nói: “Tàu điện ngầm loại nào?”

Và bà nói: “Cưng không đùa đấy chứ?”

Và tôi không nói gì. Và bà nói: “Đằng kia. Thấy cái cầu thang lớn có thang cuốn đó không? Thấy tấm bảng không? Ghi

Tàu điện ngầm.

Bắt tuyến Bakerloo tới Ga trung chuyển Willesden hay Jubilee tới Willesden Green. Cưng OK chứ?”

Và tôi nhìn hướng bà chỉ có cái cầu thang lớn đi xuống hầm và phía trên cầu thang có một tấm bảng lớn như sau

Và tôi nghĩ: “Mình làm được chuyện này,” vì tôi đã xoay xở rất khá và tôi đang ở

London

và tôi sẽ tìm thấy mẹ tôi. Và tôi phải tự nghĩ: “Người ta cũng như bò trên cánh đồng,” và tôi chỉ phải luôn luôn nhìn về phía trước và vẽ một vạch đỏ lên sàn nhà trong hình ảnh căn phòng lớn trong đầu tôi và cứ theo sau nó.

Và tôi đi băng ngang căn phòng lớn đến chiếc thang cuốn. Và tôi vẫn nắm con dao Quân đội Thuỵ Sĩ trong túi áo và tôi giữ Toby trong túi bên kia để nó khỏi trốn.

thang cuốn

là một cầu thang nhưng nó di chuyển và người ta đứng lên nó và nó đưa họ lên xuống và nó làm tôi bật cười vì trước kia tôi chưa bao giờ đi thang cuốn cả và nó giống như trong phim khoa học giả tưởng về tương lai. Nhưng tôi không muốn dùng nó vì thế tôi đi xuống cầu thang.

Rồi tôi ở trong một căn phòng nhỏ dưới đất và có rất nhiều người và có những cây cột mà dưới chân có những ngọn đèn xanh vòng quanh và tôi thích những cây cột nhưng tôi không thích người, vì thế tôi thấy một phòng chụp ảnh như cái tôi đã vào hồi 25 tháng Ba năm 1994 để chụp ảnh giấy thông hành, và tôi đi vào cái phòng chụp ảnh vì nó giống như một cái tủ nên tôi cảm thấy an tâm hơn và tôi có thể nhìn qua tấm màn ra ngoài.

Và tôi làm cuộc điều tra bằng cách quan sát và tôi thấy người ta cho vé vào những cổng màu xám và bước qua cổng. Và một số người mua vé ở những cái máy lớn màu đen trên tường.

Và tôi quan sát 47 người làm như thế và tôi ghi nhớ việc phải làm. Rồi tôi tưởng tượng một vạch đỏ trên sàn và tôi bước tới bức tường có tấm bảng liệt kê những nơi để đi và nó theo thứ tự chữ cái và tôi thấy

Willesden Green

bên cạnh có ghi

£2:20

rồi tôi đi tới một chiếc máy và nó có một màn hình nhỏ hiện lên chữ

CHỌN LOẠI VÉ

và tôi liền ấn cái nút mà hầu hết mọi người đã ấn, là

NGƯỜI LỚN MỘT CHIỀU

£2:20

, và màn hình hiện

CHO VÀO £2:20

và tôi liền cho ba đồng 1 £ vào khe và có tiếng leng keng và màn hình hiện

LẤY VÉ VÀ TIỀN THỪA

và có một tấm vé và đồng 50 xu và đồng 20 xu và đồng 10 xu trong một lỗ nhỏ dưới đáy cái máy và tôi bỏ các đồng xu vào túi áo và tôi đi đến một trong các cổng màu xám và bỏ vé của mình vào cái khe và nó hút vé vào và vé lại thòi ra bên kia cổng. Và có người nói: “Đi đi chứ,” và tôi làm tiếng động như chó sủa và tôi bước tới và cổng lúc này mở ra và tôi lấy vé như những người khác đã làm và tôi thích cái cổng xám vì nó cũng giống như trong phim khoa học giả tưởng về tương lai.

Và khi đó tôi phải suy tính đi lối nào, vì thế tôi đứng dựa tường để người ta đừng đụng vào mình, và có một tấm bảng ghi

Tuyến Bakerloo

Tuyến Liên quận & Vòng xuyến

nhưng không có

Tuyến Jubilee

như bà da đen đã nói, vì thế tôi dự tính

đi tới Ga trung chuyển Willesden trên Tuyến Bakerloo.

Và có một tấm bảng khác cho

Tuyến Bakerloo

và nó như thế này

Và tôi đọc tất cả các chữ và tôi tìm thấy

Ga trung chuyển Willesden

, vì thế tôi theo mũi tên

ç

và tôi đi xuyên qua đường hầm bên trái và có một hàng rào ở giữa đường hầm và người ta đi thẳng tới trước phía bên trái và còn phía bên phải thì đi ngược lại như trên đường phố, vì vậy tôi đi theo bên trái và đường hầm cong về phía trái rồi có nhiều cổng hơn và có một tấm bảng ghi

Tuyến Bakerloo

và nó chỉ xuống một thang cuốn, vì thế tôi phải xuống thang cuốn và phải nắm lấy tay vịn bằng cao su nhưng nó cũng di chuyển vì thế tôi không ngã lăn ra và người ta đứng sát tôi và tôi muốn đánh họ để xua họ đi nhưng tôi không đánh họ vì đã có tờ cảnh cáo.

Và khi ấy tôi xuống đến chân chiếc thang cuốn và tôi phải nhảy ra và tôi vấp và đụng vào một người khác và họ nói: “Thong thả nào,” và có hai lối để đi và một là

Hướng Bắc

và tôi đi lối đó vì

Willesden

ở phần trên bản đồ và bên trên thì luôn luôn là hướng Bắc của bản đồ.

Rồi tôi vào một ga tàu điện ngầm khác nhưng ga này rất nhỏ và nằm trong một đường hầm và nó chỉ có một đường ray và các bức tường uốn cong phủ đầy các quảng cáo to và các bảng ấy ghi

LỐI RA

Bảo tàng Giao thông London

Hãy tạm ngừng lại để tiếc cho lựa chọn sự nghiệp của bạn

JAMAICA

Đường sắt Anh

z

Cấm hút thuốc

Để tới các ga sau Queen’s Park, bắt chuyến đầu tiên và đổi tàu ở Queen’s Park nếu cần

Tuyến Hammersmith và Thành phố

Gia đình tôi chưa bao giờ đến gần như bạn[31]

. Và rất nhiều người đứng trong ga nhỏ này mà nó ở dưới hầm vì thế không có cửa sổ nào và tôi không thích như vậy, vì thế tôi tìm một chỗ ngồi ở băng ghế và ngồi ở cuối băng.

Và khi ấy rất nhiều người bắt đầu vào cái ga nhỏ. Và có người ngồi xuống cuối băng bên kia và đó là một bà mang cái cặp đen và đi giày tím và đeo cây trâm có hình con vẹt. Và người ta cứ vào cái ga nhỏ mãi khiến nó thậm chí còn đông đúc hơn cả ga lớn. Và khi đó tôi không thấy bức tường nữa và lưng áo khoác của một người nào đó chạm vào đầu gối tôi và tôi cảm thấy buồn nôn và tôi bắt đầu rên rỉ thật to và bà ngồi trên băng ghế đứng lên và không ai ngồi xuống cả. Và tôi cảm thấy như lúc mình bị cúm và phải nằm trên giường cả ngày và khắp người tôi đau nhức và tôi không thể bước đi hay ăn hay ngủ hay làm toán.

Và khi ấy có tiếng động như người ta đang dùng gươm đánh nhau và tôi cảm thấy một luồng gió mạnh và một tiếng gầm nổi lên và tôi nhắm mắt và tiếng gầm càng lớn hơn và tôi rên thật to nhưng không thể ngăn nó lọt vào tai mình và tôi nghĩ cái ga nhỏ này sắp sập hay có lửa cháy lớn đâu đó và tôi sắp chết. Rồi tiếng gầm biến thành tiếng lách cách và tiếng rít và êm dần rồi ngừng hẳn và tôi cứ nhắm mắt vì khi không nhìn những điều đang xảy ra thì tôi thấy an toàn hơn. Và khi ấy tôi lại nghe người ta chuyển động vì đang im lặng hơn. Và tôi mở mắt nhưng thoạt tiên tôi không nhìn thấy gì vì có quá nhiều người. Và khi ấy tôi thấy họ đang lên một chiếc tàu mà lúc trước không có ở đó và tiếng gầm là từ chiếc tàu đó. Và mồ hôi từ dưới chân tóc chảy xuống mặt tôi và tôi đang kêu rên, không hẳn là rên rỉ, mà là khác, giống như một con chó khi nó đau móng chân, và tôi nghe tiếng nhưng lúc đầu tôi không nhận ra là tiếng mình.

Và khi ấy cửa tàu điện ngầm đóng lại và tàu bắt đầu di chuyển và nó lại gầm lên nhưng lần này không lớn và 5 toa tàu đi qua và nó đi vào đường hầm ở cuối cái ga nhỏ và im lặng trở lại và tất cả mọi người đều đi vào đường hầm ra khỏi cái ga nhỏ.

Và tôi run lập cập và tôi muốn về nhà, và khi ấy tôi nhận ra tôi không thể ở nhà vì Cha đang ở đó và ông đã nói dối và ông đã giết Wellington, nghĩa là nơi đó không còn là nhà của tôi nữa, nhà tôi là số 451c Đường Chapter, London NW2 5NG, và vì có một ý nghĩ sai kiểu như: “Tôi ước gì tôi lại ở nhà” làm cho tôi sợ vì nó có nghĩa là trí óc tôi không làm việc đúng cách.

Và khi ấy thêm nhiều người vào cái ga nhỏ và cái ga ngày càng đầy rồi tiếng gầm lại bắt đầu và tôi nhắm mắt và tôi toát mồ hôi và cảm thấy buồn nôn và tôi cảm thấy như có một quả bong bóng trong ngực mình và nó lớn đến nỗi tôi thấy khó thở. Và khi ấy người ta lên tàu đi khỏi và cái ga nhỏ lại trống. Rồi nó lại đầy người và một chiếc tàu khác đến cùng một tiếng gầm. Và lúc đó giống y như bị cúm vì tôi muốn nó ngưng lại, giống như khi ta rút ổ điện máy vi tính ra khỏi tường nếu nó hỏng, vì tôi muốn đi ngủ để không phải suy nghĩ vì điều duy nhất tôi có thể nghĩ là đau quá vì trong đầu tôi không còn chỗ cho điều gì khác, nhưng tôi không thể ngủ và cứ phải ngồi đó và không có gì để làm ngoại trừ chờ đợi và đau đớn.

223.

Và đây là một mô tả khác vì Siobhan bảo tôi nên mô tả và nó là mô tả tấm quảng cáo trên bức tường ga tàu điện nhỏ đối diện tôi, nhưng tôi không nhớ được tất cả vì tôi nghĩ tôi sắp chết.

Và bảng quảng cáo viết

MƠ ĐẾN KỲ NGHỈ,

NGHĨ ĐẾN KUONI

MALAYSIA

và bên dưới hàng chữ có một bức ảnh lớn hình 2 con vượn orangutan đang đánh đu trên cành và phía sau chúng có cây cối nhưng lá cây mờ mờ vì máy ảnh lấy tiêu điểm trên con vượn chứ không phải lá cây và hai con vượn đang cử động.

orangutan

lấy từ tiếng

Malaysia

öranghütan

, nghĩa là

người rừng

, nhưng trong tiếng

Malaysia

öranghütan

không phải là vượn

orangutan.

Và quảng cáo là hình ảnh hay các chương trình tivi để khiến ta mua những thứ như xe ô tô hay kẹo Snickers hay chọn một Nhà cung cấp Dịch vụ Mạng. Nhưng đây là một tấm quảng cáo để khiến ta đi nghỉ ở

Malaysia. Và Malaysia ở Đông Nam Á và và nó gồm có bán đảo Malaysia, và Sabah, Sarawak và Labuan và thủ đô là Kuala Lumpur và ngọn núi cao nhất là núi Kinabalu, cao 4.101 mét, nhưng những điều này không có trên tấm quảng cáo.

Và Siobhan nói người ta đi nghỉ để thấy những điều mới mẻ và thư giãn, nhưng đi nghỉ không làm tôi thư giãn với lại ta có thể thấy những điều mới mẻ bằng cách nhìn mặt đất qua kính hiển vi hay vẽ một hình khối tạo nên khi 3 ống trụ đường kính bằng nhau giao nhau thành góc vuông. Và tôi nghĩ trong một căn nhà cũng đã có rất nhiều thứ đến nỗi phải mất hàng năm để suy nghĩ về tất cả thứ đó một cách đúng mức. Vả lại, một vật trở nên lý thú vì ta suy nghĩ về nó chứ không phải vì nó mới mẻ. Thí dụ, Siobhan cho tôi thấy rằng ta có thể thấm ướt ngón tay và miết trên miệng một cái ly thuỷ tinh mỏng và làm ra tiếng nhạc. Và ta có thể đổ những lượng nước khác nhau vào nhiều cái ly và chúng sẽ tạo ra các nốt nhạc khác nhau vì chúng có cái gọi là

tần số cộng hưởng

khác nhau, và ta có thể chơi một điệu như bài

Ba con chuột mù

chẳng hạn. Và nhiều người có nhiều ly thuỷ tinh mỏng trong nhà và họ không biết mình có thể làm như thế.

Và bảng quảng cáo ghi

Malaysia, đích thực của châu Á.

Được cảnh quan và mùi vị kích thích, bạn nhận ra rằng bạn đã đến một vùng đất của những tương phản. Bạn tìm thấy tính cổ truyền, tính tự nhiên và tính toàn cầu. Bạn sẽ có những ký ức trải từ những ngày ở đô thị tới những khu bảo tồn thiên nhiên tới những giờ nhàn rỗi trên bờ biển. Giá từ 575 £ mỗi người. Gọi cho chúng tôi số 01306 747000, gặp đại lý du lịch của bạn hay thăm viếng thế giới ở www.kuoni.co.uk.

Một thế giới khác biệt hẳn.

Và có ba bức hình khác, và chúng rất nhỏ, và chúng là một lâu đài và một bãi biển và một lâu đài.

Và đây là hình hai con vượn

orangutan.

227.

Và tôi cứ nhắm mắt và tôi không hề nhìn đồng hồ đeo tay. Và nhiều chiếc tàu điện đến và

đi khỏi ga nhịp nhàng như âm nhạc hay tiếng trống. Và nó giống như vừa đếm vừa nói: “Trái, phải, trái, phải, trái, phải…” như Siobhan đã dạy tôi làm để tự trấn an. Và tôi nói trong đầu: “Tàu điện đến. Tàu điện ngừng. Tàu điện đi. Im lặng. Tàu điện đến. Tàu điện ngừng. Tàu điện đi…” như thể những chuyến tàu điện chỉ ở trong đầu tôi mà thôi. Và thông thường tôi không tưởng tượng những việc không xảy ra vì việc đó là không thật và làm tôi sợ, nhưng nó vẫn tốt hơn là nhìn tàu đến rồi đi khỏi ga vì chuyện đó còn làm tôi sợ hơn nữa.

Và tôi không mở mắt và cũng không nhìn đồng hồ. Và nó giống như ở trong một căn phòng tối kéo kín rèm để tôi không thể nhìn thấy gì, như lúc ta thức dậy nửa đêm và âm thanh duy nhất ta nghe là những tiếng ngay trong đầu ta. Và làm thế dễ chịu hơn vì giống như không có cái ga nhỏ ở đó, bên ngoài đầu tôi, mà tôi đang ở trên giường và được an toàn.

Rồi khoảng im lặng giữa các chuyến tàu đến và đi càng lúc càng dài hơn. Và tôi có thể nghe thấy trong cái ga nhỏ có ít người hơn khi tàu không có ở đó, vì thế tôi mở mắt và nhìn đồng hồ của mình và đã 8 giờ 07 tối, và tôi đã ngồi trên băng ghế khoảng 5 giờ nhưng có vẻ như không phải là một khoảng 5 giờ, ngoại trừ mông tôi đau và tôi vừa đói vừa khát.

Và khi ấy tôi nhận ra đã mất Toby vì nó không ở trong túi tôi, mà tôi thì không muốn nó lạc vì chúng tôi không ở trong nhà của Cha hay nhà của Mẹ và không có ai cho nó ăn trong cái ga nhỏ và nó sẽ chết và nó có thể bị tàu điện ngầm cán.

Và khi ấy tôi nhìn lên trần và tôi thấy có một chiếc hộp đen dài có tấm bảng viết

1 HARROW & WEALSTONE

2 PHÚT

3 QUEEN’S PARK

7 PHÚT

Và khi ấy hàng chữ dưới chạy lên rồi biến mất và một hàng chữ khác chạy lên thay vào chỗ nó và tấm bảng viết

1 HARROW & WEALSTONE

1 PHÚT

2 GA TRUNG CHUYỂN WILLESDEN

4 PHÚT

Rồi nó lại đổi và viết

1 HARROW & WEALSTONE

²²

ĐỨNG LÙI LẠI TÀU ĐANG TỚI

²²

Và khi ấy tôi nghe như tiếng gươm đánh nhau và tiếng gầm của một chiếc tàu điện ngầm đang vào ga và tôi nghĩ ra là có một máy vi tính lớn ở đâu đó và nó biết tất cả các chuyến tàu điện đang ở đâu và nó gửi thông tin đến những cái hộp đen trong các ga nhỏ để cho biết khi nào tàu đến, điều đó làm tôi cảm thấy dễ chịu hơn vì mọi thứ đều có trật tự và kế hoạch.

TÀU ĐANG TỚI

Và tàu vào ga nhỏ và nó ngừng và có 5 người bước lên tàu và một người khác chạy vào ga và bước lên, và 7 người bước xuống tàu rồi các cánh cửa tự động đóng lại và tàu chạy đi. Và khi chiếc tàu điện ngầm kế đến tôi không sợ nữa vì tấm bảng ghi

vì thế tôi biết điều đó sắp xảy ra.

Và khi ấy tôi quyết định rằng tôi sẽ tìm Toby vì trong cái ga nhỏ chỉ có 3 người. Vì thế tôi đứng dậy và tôi nhìn khắp cái ga nhỏ và trong các lối vào đường hầm nhưng tôi không thấy nó đâu. Và khi ấy thì tôi nhìn xuống chỗ trũng đường ray.

Và khi ấy tôi thấy hai con chuột và chúng màu đen vì chúng dính đầy bụi đất. Và tôi thích vậy vì tôi vốn thích chuột và chuột nhắt. Nhưng chúng không phải là Toby, vì thế tôi tiếp tục tìm.

Rồi tôi thấy Toby, và nó cũng ở trong chỗ trũng đường ray, tôi biết nó là Toby vì nó màu trắng và nó có hình quả trứng màu nâu trên lưng. Vì thế tôi leo xuống khỏi thềm bê tông. Và nó đang ăn một mẩu rác là tờ giấy gói kẹo cũ. Và có người hét: “Chúa ơi. Cháu đang làm gì thế?”

Và tôi cúi xuống bắt Toby nhưng nó bỏ chạy. Và tôi đi sau nó và tôi lại cúi xuống và tôi nói: “Toby này… Toby… Toby,” và tôi đưa tay ra để nó ngửi mùi tay tôi mà biết đó là tôi.

Và có người nói: “Ra khỏi chỗ đó, trời ơi,” và tôi nhìn lên và đó là một người đàn ông mặc áo đi mưa màu xanh lục và ông đi giày đen và vớ của ông lộ ra và chúng màu xám có các đốm nhỏ hình thoi.

Và tôi nói: “Toby ơi… Toby…” nhưng nó lại chạy đi.

Và người đàn ông có các đốm hình thoi trên vớ cố nắm lấy vai tôi, vì thế tôi hét lên. Và khi ấy tôi nghe tiếng gươm giáo đánh nhau và Toby lại bắt đầu chạy, nhưng lần này nó chạy ngược lại qua chân tôi, và tôi chộp lấy nó và tôi bắt trúng đuôi nó.

Và người đàn ông có các đốm hình thoi trên vớ nói: “Chúa ơi. Chúa ơi.”

Và khi ấy tôi nghe tiếng gầm và tôi cầm Toby lên và tôi nắm nó bằng cả hai tay và nó cắn ngón cái tôi, và máu chảy ra và tôi hét lên và Toby cố nhảy ra khỏi tay tôi.

Và khi ấy tiếng gầm càng lớn hơn và tôi quay lại và thấy chiếc tàu đang ra khỏi đường hầm và tôi sắp bị cán chết vì thế tôi cố leo lên thềm bê tông nhưng thềm thì cao mà tôi đang nắm Toby bằng cả hai tay.

Và khi ấy người đàn ông có các đốm hình thoi trên vớ nắm lấy tôi và kéo tôi lên thềm bê tông và chúng tôi ngã lăn ra và tôi tiếp tục la hét vì ông ta làm vai tôi đau. Và khi ấy tàu vào ga và tôi đứng dậy và tôi lại chạy về phía băng ghế và tôi cho Toby vào túi trong áo khoác và nó đi rất êm và nó không cử động.

Và người đàn ông có các đốm hình thoi trên vớ đang đứng cạnh tôi và ông ta nói: “Cháu nghĩ cháu đang chơi cái trò khốn kiếp gì thế hả?”

Nhưng tôi không nói gì.

Và ông ta nói: “Cháu làm cái gì thế?”

Và các cánh cửa tàu điện ngầm mở ra và người ta xuống tàu và có một bà đứng phía sau người đàn ông có các đốm hình thoi trên vớ và bà ấy mang hộp đàn ghi ta giống như Siobhan.

Và tôi nói: “Tôi tìm Toby. Nó là con chuột nuôi của tôi.”

Và người đàn ông có các đốm hình thoi trên vớ nói: “Đồ chết tiệt.”

Và bà mang hộp đàn ghi ta nói: “Nó có sao không?”

Và người đàn ông có các đốm hình thoi trên vớ nói: “Nó à? Cảm ơn quỷ thần. Chúa ơi! Con chuột nuôi. Ồ, khỉ quá. Chuyến tàu của tôi.” Rồi ông ta chạy tới chiếc tàu và ông đập lên cánh cửa đã đóng lại, tàu bắt đầu chạy và ông nói: “Mẹ kiếp.”

Và người đàn bà nói: “Cháu có sao không?” và bà chạm vào cánh tay tôi và tôi lại hét lên.

Và bà nói: “Được rồi. Được rồi. Được rồi.”

Và trên hộp đàn ghi ta của bà có dán nhãn

Và tôi đang ngồi trên mặt đất và người đàn bà quỳ một đầu gối xuống và bà ta nói: “Cô có thể giúp cháu việc gì không?”

Và nếu bà ta là một giáo viên ở trường thì tôi có thể nói: “Số 451c Đường Chapter, Willesden,

London

NW2 5NG ở đâu?” nhưng bà ta là người lạ, vì thế tôi nói: “Đứng xa ra,” vì tôi không thích bà ta sát bên cạnh như thế. Và tôi nói: “Tôi có con dao Quân đội Thụy Sĩ và nó có lưỡi cưa và nó có thể cắt đứt ngón tay.”

Và bà ta nói: “Được rồi, nhóc. Vậy là cháu không cần,” và bà ta đứng dậy và bỏ đi.

Và người đàn ông có các đốm hình thoi trên vớ nói: “Đồ điên khùng rồ dại. Chúa ơi,” và ông ta gí một chiếc khăn tay lên mặt và trên khăn tay có máu.

Và khi ấy một chiếc tàu nữa đến và người đàn ông có các đốm hình thoi trên vớ và bà mang hộp đàn ghi ta bước lên và nó lại chạy đi.

Rồi 8 chuyến tàu nữa đến và tôi quyết định rằng tôi sẽ lên một chiếc và khi ấy tôi sẽ suy tính xem sẽ làm gì.

Vì thế tôi lên chiếc tàu kế tiếp.

Và Toby cố ra khỏi túi áo của tôi vì thế tôi nắm lấy nó và bỏ nó vào túi áo ngoài và lấy tay giữ nó.

Và có 11 người trong toa tàu và tôi không thích ở trong một phòng với 11 người dưới đường hầm, vì thế tôi tập trung vào những thứ trong toa tàu. Và có những tấm bảng ghi

Có 53.963 nhà nghỉ ở Bắc Âu

Đức

VITABIOTICS

3435

Nếu không trình vé hợp lệ cho chuyến đi sẽ bị phạt 10 £

Khám Phá Vàng, Rồi Đồng

EPBIC

bú cặc

ê

Nguy hiểm Đừng chặn cửa

BRV

Con. IC

ĐỐI THOẠI VỚI THẾ GIỚI

.

Và vách tàu có hình nền như sau

Và ghế có hình nền như sau

Rồi tàu lắc lư mạnh và tôi phải giữ chặt tay vịn và chúng tôi đi vào một đường hầm và nó thật ồn ào và tôi nhắm mắt và cảm thấy máu nhồi hai bên cổ mình.

Rồi chúng tôi ra khỏi đường hầm và vào một ga nhỏ khác gọi là

Đại lộ

Warwick

và tên nó được ghi bằng chữ lớn trên tường và tôi thích như thế vì ta biết mình đang ở đâu.

Và tôi tính giờ giữa các ga suốt quãng đường tới Ga trung chuyển Willesden và tất cả thời gian giữa các ga là bội số của 15 giây như thế này

Paddington

0:00

Đại lộ

Warwick

1:30

Maida Vale

3:15

Kilburn Park

5:00

Queen’s Park

7:00

Kensal Green

10:30

Ga trung chuyển Willesden

11:45

Và khi tàu điện ngừng ở

Ga trung chuyển Willesden

và các cánh cửa tự động mở ra tôi đi xuống tàu. Và khi ấy các cánh cửa đóng lại và chiếc tàu chạy đi. Và những ai đã xuống tàu đều đã đi lên cầu thang và đi lên một cây cầu ngoại trừ tôi, và khi ấy tôi chỉ còn thấy 2 người, một là đàn ông và ông ta say và áo khoác của ông ta có những vết bẩn màu nâu và giày ông không cùng đôi và ông hát nhưng tôi không nghe được ông hát gì, và người kia là một ông Ấn Độ trong một cửa hiệu vốn là ô cửa sổ nhỏ trong một bức tường.

Và tôi không muốn nói với người nào vì tôi mệt và đói và tôi đã nói với rất nhiều người lạ , như thế là nguy hiểm, và ta càng làm nhiều điều nguy hiểm thì càng có thể xảy ra nhiều điều xấu. Nhưng tôi không biết làm sao đi đến 451c Đường Chapter,

London

NW2 5NG, vì thế tôi phải hỏi ai đó.

Vì thế tôi đi đến người đàn ông trong cửa hiệu nhỏ và tôi nói: “451c Đường Chapter,

London

NW2 5NG ở đâu?”

Và ông ta nhặt một cuốn sách nhỏ lên và đưa cho tôi và nói: “Hai xiền chín mươi lăm.”

Và cuốn sách là

London AZ Bản đồ Đường phố và Chú dẫn, Công ty Bản đồ Địa lý A-Z

, và tôi mở ra và nó có rất nhiều bản đồ.

Và người đàn ông bên trong cửa hiệu nhỏ nói: “Cậu có mua không?”

Và tôi nói: “Tôi không biết.”

Và ông ta nói: “Nào, cậu buông mấy ngón tay bẩn thỉu của cậu ra hộ,” rồi ông lấy nó lại.

Và tôi nói: “451c Đường Chapter,

London

NW2 5NG ở đâu?”

Và ông nói: “Cậu hoặc mua A-tới-Z hoặc là biến đi. Tôi không phải là bộ bách khoa biết đi.”

Và tôi nói: “Cái đó là A-tới-Z phải không?” Và tôi chỉ cuốn sách.

Và ông nói: “Không, nó là con cá sấu khốn kiếp.”

Và tôi: “Cái đó là A-tới-Z phải không?” Vì nó không phải là con cá sấu và tôi nghĩ mình nghe lầm vì cách phát âm của ông.

Và ông nói: “Ừ, A-tới-Z.”

Và tôi nói: “Tôi mua được không?”

Và ông ta không nói gì.

Và tôi nói: “Tôi mua được không?”

Và ông nói: “Hai đồng chín mươi lăm, nhưng cậu đưa tiền trước cho tôi. Tôi không muốn cậu quịt,” và khi đó tôi nghĩ là khi ông nói

Hai xiền chín mươi lăm

thì ý ông muốn nói 2 bảng 95 xu.

Và tôi trả tiền cho ông và ông đưa tôi tiền thừa giống như ở cửa hiệu ở nhà và tôi đi ra ngồi xuống sàn dựa vào tường giống như người đàn ông mặc quần áo bẩn thỉu nhưng rất xa ông ta và tôi mở cuốn sách.

Và bên trong trang bìa trước có tấm bản đồ lớn của

London

với những nơi như

Abbey Wood

Poplar

Acton

Stanmore

. Và nó có ghi

CÁCH XEM BẢN ĐỒ

. Và bản đồ có đường kẻ ô và mỗi ô vuông có hai số trên đó. Và

Willesden

nằm trong ô vuông 42 và 43. Và tôi suy ra rằng các con số là số trang nơi tôi có thể thấy tấm bản đồ của ô vuông đó của

London

nhưng có tỷ lệ lớn hơn. Và cả cuốn sách là một tấm bản đồ lớn củaLondon, nhưng nó được cắt nhỏ ra để có thể in vào một cuốn sách, và tôi thích thế.

Nhưng

Ga

trung chuyển Willesden không có ở trang 42 và 43. Và tôi tìm thấy nó ở trang 58, ngay bên dưới trang 42 trong

CÁCH XEM BẢN ĐỒ

và nó tiếp giáp với trang 42. Và tôi dò quanh Ga trung chuyển Willesden theo đường xoáy để tìm, như khi tôi tìm ga tàu ở

Swindon, nhưng bằng ngón tay của tôi trên bản đồ.

Và người đàn ông đi giày không cùng một đôi đứng trước mặt tôi và nói: “Chóp bu. Ừ há. Y tá. Không bao giờ. Đồ nói láo. Đồ nói láo khốn kiếp.”

Rồi ông ta bỏ đi.

Và phải mất rất lâu tôi mới tìm ra Đường Chapter vì nó không nằm trong trang 58. Nó thuộc trang 42, và nó nằm trong ô 5C.

Và đây là hình dạng các đường phố giữa Ga trung chuyển Willesden và Đường Chapter.

Và đây là đường đi của tôi

Thế là tôi lên cầu thang và băng qua cầu và cho tấm vé của mình vào trong cái cổng nhỏ màu xám và đi ra đường phố, có một chiếc xe buýt và một cái máy lớn với tấm bảng ghi

Đường sắt Anh, xứ Wales và Scotland

nhưng nó màu vàng, và tôi nhìn xung quanh và trời đã tối và có nhiều đèn sáng và tôi đã không ở ngoài trời trong một thời gian dài và việc đó khiến tôi cảm thấy buồn nôn. Và tôi nhíu mí mắt cho thật nhỏ lại và tôi chỉ nhìn hình dáng các con đường và khi ấy tôi biết đường nào là

Tới ga

Đường Oak

, là những con đường tôi phải đi theo.

Thế là tôi bắt đầu đi, nhưng Siobhan nói không phải việc gì xảy ra tôi cũng phải mô tả hết, tôi chỉ phải tả những việc gì lý thú thôi.

Thế là tôi đến 451c Đường Chapter, London NW2 5NG, tôi đi mất 27 phút và lúc tôi ấn nút ghi

Phòng C

thì không có ai ở nhà và điều đáng kể duy nhất xảy ra trên đường là có 8 ông mặc y phục của người Viking đội mũ có sừng và họ la hét, nhưng họ không phải là người Viking thật vì người Viking sống gần 2.000 năm trước, và tôi cũng phải đi tè một lần nữa và tôi đi vào một ngõ hẻm bên hông một hiểu sửa xe đã đóng cửa tên

Động cơ Burdett

, tôi không thích làm thế nhưng tôi không muốn ướt quần nữa, và không còn gì khác đáng kể.

Vì vậy tôi quyết định đợi và hy vọng rằng Mẹ không đi chơi xa vì thế nghĩa là bà có thể sẽ vắng nhà hơn một tuần, nhưng tôi cố không nghĩ đến điều đó vì tôi không thể trở về

Swindon.

Vì vậy tôi ngồi xuống đất phía sau những thùng rác trong mảnh vườn nhỏ đằng trước 451c Đường Chapter,

London

NW2 5NG và nó nằm dưới một bụi cây lớn. Có một bà đi vào vườn và bà ta mang một chiếc hộp nhỏ một đầu có lưới sắt và bên trên có quai cầm như ta vẫn dùng để mang con mèo đến bác sĩ thú y, nhưng tôi không thấy rõ có con mèo nào trong đó không, và bà ta đi giày cao gót và bà không thấy tôi.

Và khi ấy trời bắt đầu mưa và tôi bị ướt và tôi bắt đầu run vì tôi lạnh.

Rồi đến 11 giờ 32 tối và tôi nghe nhiều tiếng người đi dọc trên đường.

Và một giọng nói: “Em không cần biết anh nghĩ nó có khôi hài hay không,” và đó là giọng phụ nữ.

Và một giọng khác nói: “Judy, kìa. Anh xin lỗi, được chưa,” và đó là giọng đàn ông.

Và giọng kia, giọng phụ nữ, nói: “Được rồi, đáng lẽ anh nên suy nghĩ trước khi biến em thành như một con ngốc đặc mới phải.”

Và giọng phụ nữ là giọng của Mẹ.

Và Mẹ đi vào vườn và ông Shears đi cùng bà, và giọng kia là của ông ta.

Vì thế tôi đứng dậy và tôi nói: “Mẹ không có nhà, vì thế con đợi mẹ.”

Và Mẹ nói: “Christopher.”

Và ông Shears nói: “Cái gì?”

Và mẹ lấy hai tay ôm tôi và nói: “Christopher, Christopher, Christopher ơi.”

Và tôi đẩy bà ra vì bà túm chặt tôi và tôi không thích thế, tôi đẩy thật mạnh và tôi ngã lăn ra.

Và ông Shears nói: “Chuyện quỷ gì thế này?”

Và Mẹ nói: “Mẹ xin lỗi, Christopher. Mẹ quên.”

Và tôi nằm trên mặt đất và Mẹ giơ tay phải lên và xòe ngón tay cái quạt để tôi có thể chạm các ngón tay của bà, nhưng khi ấy tôi thấy Toby đã trốn thoát khỏi túi áo tôi vì thế tôi phải bắt nó.

Và ông Shears nói: “Thế này thì anh chắc Ed đang ở đây.”

Và có một bức tường bao quanh khu vườn vì vậy Toby không thể ra ngoài vì nó kẹt trong góc và nó không thể leo lên tường đủ nhanh nên tôi bắt nó và bỏ lại vào túi rồi tôi nói: “Nó đói. Mẹ có thức ăn gì để con cho nó không, và nước nữa?”

Và Mẹ nói: “Cha con đâu, Christopher?”

Và tôi nói: “Con nghĩ cha ở

Swindon.”

Và ông Shears nói: “Cám ơn Chúa.”

Và Mẹ nói: “Nhưng làm sao con tới được đây?”

Và răng tôi đánh vào nhau lập cập vì lạnh và tôi không thể cưỡng lại được, rồi tôi nói: “Con đến bằng tàu. Và nó dễ sợ lắm. Và con lấy thẻ rút tiền của Cha để có thể lấy tiền ra và có một ông cảnh sát giúp con. Nhưng rồi ông ấy muốn mang con về với Cha. Và ông ấy đi tàu với con. Nhưng rồi ông ấy không đi nữa.”

Và Mẹ nói: “Christopher, con ướt sũng rồi này. Roger, đừng đứng trơ ra đó.”

Rồi khi ấy bà nói: “Ồ, Chúa ơi. Christopher. Mẹ không… Mẹ không nghĩ là mẹ đã… Tại sao con ở đây một mình?”

Và ông Shears nói: “Hai người có đi vào không hay ở ngoài này suốt đêm đây?”

Và tôi nói: “Cháu sẽ ở đây với ông vì Cha giết

Wellington

bằng cái bồ cào làm vườn và cháu sợ cha.”

Và ông Shears nói: “Thiên thần thổ địa ơi.”

Và Mẹ nói: “Roger, thôi. Nào, Christopher, mình đi vào trong nhà và lau con cho khô nào.”

Vì thế tôi đứng lên tôi đi vào nhà và Mẹ nói: “Con đi theo Roger,” và tôi theo ông Shears lên lầu và ở đầu cầu thang có một cánh cửa ghi

Phòng C

và tôi sợ đi vào trong vì tôi không biết bên trong có gì.

Và Mẹ nói: “Cứ đi nếu không con cảm chết lăn ra mất,” nhưng tôi không biết

cảm chết lăn ra mất

nghĩa là gì, và tôi đi vào trong.

Và khi ấy mẹ nói: “Mẹ sẽ mở nước tắm cho con,” và tôi đi vòng quanh căn phòng để vẽ bản đồ của nó trong đầu cho cảm thấy yên tâm hơn, và căn phòng như thế này

Và khi ấy Mẹ bảo tôi cởi quần áo ra và vào bồn tắm và bà nói tôi có thể dùng khăn tắm của bà, nó có màu tím với những đóa hoa xanh lục ở đầu khăn. Và bà cho Toby một đĩa nước với vài vụn cám và tôi để nó chạy quanh phòng tắm. Và nó ị ba cục mìn nhỏ dưới bồn rửa mặt và tôi nhặt lên và bỏ vào bồn cầu và giật nước rồi tôi vào bồn tắm trở lại vì nước ấm và dễ chịu.

Rồi Mẹ vào phòng tắm và bà ngồi trên bồn cầu mà nói: “Con khỏe không, Christopher?”

Và tôi nói: “Con rất mệt.”

Và bà nói: “Mẹ biết, cưng.” Rồi bà nói: “Con can đảm lắm.”

Và tôi nói: “Dạ.”

Và bà nói: “Con không bao giờ viết thư cho Mẹ.”

Và tôi nói: “Con biết.”

Và bà nói: “Tại sao con không viết thư cho mẹ hở Christopher? Mẹ viết bằng ấy bức thư cho con. Mẹ cứ nghĩ có điều gì khủng khiếp đã xảy ra, hay con đã dọn đi và mẹ sẽ không bao giờ tìm ra nơi con ở.”

Và tôi nói: “Cha nói mẹ đã chết.”

Và bà nói: “Cái gì?”

Và tôi nói: “Cha nói mẹ vào bệnh viện vì tim mẹ có vấn đề gì đó. Rồi mẹ bị đau tim và chết và cha giữ tất cả các lá thư trong hộp đựng áo sơ mi trong tủ nơi phòng ngủ của cha và con tìm thấy vì con đi tìm cuốn sách con đang viết về chuyện Wellington bị giết mà cha lấy nó và giấu trong cái hộp đựng áo.”

Và Mẹ nói: “Ôi Chúa ơi.”

Rồi bà không nói gì một lúc lâu. Rồi bà rên lên một tiếng lớn như con thú trong chương trình thiên nhiên trên truyền hình.

Và tôi không thích bà làm như thế vì nó là một tiếng ồn rất lớn, nên tôi nói: “Tại sao mẹ làm thế?”

Và trong một lúc bà không nói gì, rồi bà nói: “Ồ, Christopher, mẹ xin lỗi.”

Và tôi nói: “Không phải lỗi của mẹ.”

Và bà nói: “Đồ khốn nạn. Lão khốn nạn.”

Và một lúc sau bà nói: “Christopher ơi, cho mẹ cầm tay con nhé. Chỉ một lần thôi. Chỉ cho mẹ thôi. Được không? Mẹ không nắm chặt đâu,”

và bà đưa bàn tay ra.

Và tôi nói: “Con không thích người khác nắm tay con.”

Và bà rút tay về và nói: “Thôi. Được. Được rồi.”

Rồi bà nói: “Bây giờ con ra khỏi bồn tắm và lau cho khô, OK?”

Và tôi ra khỏi bồn tắm lau khô mình bằng cái khăn tắm màu tím. Nhưng tôi không có quần áo ngủ vì thế tôi mặc một chiếc áo thun trắng và quần ngắn màu vàng của Mẹ, nhưng tôi không buồn để ý vì tôi quá mệt. Và trong khi tôi mặc áo quần, Mẹ vào bếp và hâm một ít xúp cà chua vì nó có màu đỏ.

Và khi ấy tôi nghe có người đang mở cửa căn chung cư và có một giọng đàn ông lạ bên ngoài, vì thế tôi khóa cửa phòng tắm. Và bên ngoài có tiếng cãi nhau và một người đàn ông nói: “Tôi cần nói chuyện với cháu,” và Mẹ nói: “Hôm nay nó gặp đủ thứ rồi,” và người đàn ông nói: “Tôi biết. Nhưng tôi vẫn cần nói chuyện với cháu.”

Và Mẹ gõ cửa và nói có một ông cảnh sát muốn nói chuyện với tôi và tôi phải mở cửa. Và bà nói bà sẽ không để ông ta bắt tôi đi, bà hứa. Vì thế tôi nhặt Toby lên và mở cửa.

Và có một ông cảnh sát ngoài cửa và ông ta nói: “Cháu là Christopher Boone?”

Và tôi nói đúng vậy.

Và ông nói: “Cha cháu nói cháu bỏ nhà trốn đi. Đúng không?”

Và tôi nói: “Vâng.”

Và ông nói: “Đây là mẹ cháu phải không?” Và ông ta chỉ Mẹ.

Và tôi nói: “Vâng.” Và ông nói: “Tại sao cháu bỏ nhà trốn đi?”

Và tôi nói: “Vì Cha giết

Wellington, nó là con chó và cháu sợ cha.”

Và ông nói: “Chú đã nghe nói rồi.” Rồi ông nói: “Cháu muốn về

Swindon

với cha cháu hay cháu muốn ở đây?”

Và tôi nói: “Cháu muốn ở đây.”

Và ông nói: “Nếu vậy thì thế nào?”

Và tôi nói: “Cháu muốn ở đây.”

Và ông cảnh sát nói: “Khoan đã. Chú đang hỏi mẹ cháu.”

Và Mẹ nói: “Ông ấy bảo Christopher là tôi đã chết.”

Và ông cảnh sát nói: “Thôi, chúng ta… chúng ta đừng tranh cãi về việc ai nói gì ở đây. Tôi chỉ muốn biết….”

Và Mẹ nói: “Dĩ nhiên nó có thể ở đây.”

Và ông cảnh sát nói: “Được rồi, tôi nghĩ vậy thì về phần tôi có thể coi như dàn xếp xong.”

Và tôi nói: “Ông có mang cháu về

Swindon

không?”

Và ông ta nói: “Không.”

Và khi ấy tôi mừng vì tôi được sống với Mẹ.

Và ông cảnh sát nói: “Nếu chồng bà đến và gây rắc rối, bà cứ gọi điện báo chúng tôi một tiếng. Nếu không, bà phải tự dàn xếp việc này giữa ông bà với nhau.”

Rồi ông cảnh sát ra đi và tôi ăn xúp cà chua và ông Shears chất đống một số thùng trong căn phòng dành cho khách để ông có thể trải một tấm đệm hơi trên sàn cho tôi ngủ, và tôi đi ngủ.

Rồi tôi thức dậy vì có tiếng người quát tháo trong căn chung cư và lúc đó là 2 giờ 31 sáng. Và một trong những người đó là Cha và tôi hoảng sợ. Nhưng cánh cửa căn phòng dành cho khách không có khóa.

Và Cha quát: “Tôi đang nói chuyện với cô ấy mặc kệ ông có thích hay không. Và tôi không cần cái loại người như ông bảo tôi phải làm gì.”

Và Mẹ quát: “Roger. Đừng. Cứ…”

Và ông Shears quát: “Tôi không để cho ai nói năng với tôi như thế trong nhà của tôi.”

Và Cha quát: “Tôi cứ nói với ông kiểu đếch gì tôi thích.”

Và Mẹ quát: “Anh không có quyền gì ở đây.”

Và Cha quát: “Không có quyền? Không có quyền? Nó là thằng con khốn kiếp của tôi, nếu cô quên.”

Và Mẹ quát: “Anh nghĩ anh lấy danh nghĩa gì mà chơi trò đó, nói cho nó mấy chuyện đó hả?”

Và Cha quát: “Tôi chơi trò gì? Cô là kẻ khốn kiếp bỏ nó mà đi.”

Và Mẹ quát: “Vậy anh định xóa tôi ra khỏi đời nó luôn hả?”

Và ông Shears quát: “Nào bây giờ tất cả đều bình tĩnh lại hết được không?”

Và Cha quát: “Đấy chẳng phải là điều cô muốn hay sao?”

Và Mẹ quát: “Tôi viết thư cho nó hàng tuần. Tuần nào cũng viết.”

Và Cha quát: “Viết cho nó? Viết cho nó thì được cái đếch gì?”

Và ông Shears quát: “A, a, a.”

Và Cha quát: “Tôi nấu ăn cho nó. Tôi giặt quần áo nó. Tôi trông nom nó mỗi cuối tuần. Tôi săn sóc nó lúc nó ốm đau. Tôi đưa nó đi bác sĩ. Tôi lo phát sốt mỗi khi nó lang thang ra ngoài vào ban đêm. Tôi đến trường mỗi lần nó đánh nhau. Còn cô? Cô làm được gì? Cô viết cho nó mấy lá thư khốn kiếp.”

Và Mẹ quát: “Thế thì anh nghĩ anh có quyền nói với nó là mẹ nó chết rồi?”

Và ông Shears quát: “Nào không phải lúc.”

Và Cha quát: “Ông, cút đi nếu không tôi sẽ…”

Và Mẹ quát: “Ed, trời ơi…”

Và Cha nói: “Tôi muốn gặp nó. Và nếu mấy người định cản tôi…”

Và khi ấy Cha vào phòng tôi. Nhưng tôi cầm sẵn con dao Quân đội Thụy Sĩ đã mở lưỡi cưa ra nếu ông định bắt tôi. Và Mẹ cũng vào phòng, bà nói: “Không sao đâu, Christopher. Mẹ không để cha làm gì đâu. Con yên tâm.’

Và Cha quỳ gối xuống gần giường, ông nói: “Christopher ơi?”

Nhưng tôi không nói gì.

Và ông nói: “Christopher, cha rất rất xin lỗi. Về mọi chuyện. Về Wellington. Về mấy lá thư. Về việc khiến con bỏ nhà. Cha không bao giờ định… Cha hứa cha sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì như vậy nữa. Thôi nào, nhóc con.”

Và khi ấy ông giơ tay phải lên xòe các ngón tay ra thành cái quạt để tôi có thể chạm các ngón tay ông, nhưng tôi không làm vì tôi hoảng sợ.

Và Cha nói: “Khỉ thật. Christopher, thôi đi mà.”

Và có những giọt nước mắt nhỏ xuống mặt ông.

Và không ai nói gì trong một lúc.

Rồi Mẹ nói: “Tôi nghĩ bây giờ nên đi ra,” nhưng bà đang nói với Cha, chứ không phải với tôi.

Và khi ấy ông cảnh sát trở lại vì ông Shears đã gọi sở cảnh sát và ông ta bảo Cha hãy bình tĩnh lại và ông đưa cha ra khỏi căn chung cư.

Và Mẹ nói: “Bây giờ con đi ngủ lại đi. Mọi việc sẽ đâu lại vào đấy. Mẹ hứa.”

Và khi ấy tôi ngủ lại.

229.

Và khi ngủ tôi mơ thấy một trong những giấc mơ tôi thích. Đôi khi mơ nó lúc ban ngày, nhưng đấy là mơ tưởng hão huyền. Nhưng tôi cũng thường mơ nó lúc ban đêm.

Và trong giấc mơ gần như mọi thứ trên trái đất đều chết hết, vì họ mắc phải một thứ virus. Nhưng nó không giống virus thường. Nó như virus máy tính. Và người ta bị lây qua lời nói của người mắc bệnh và qua ý nghĩa khuôn mặt của họ khi họ nói, nghĩa là người ta cũng có thể bị lây khi xem truyền hình có một người mắc bệnh, nghĩa là nó lan khắp thế giới rất nhanh.

Và khi người ta bị nhiễm virus họ chỉ ngồi trên ghế sofa và không làm gì cả và cũng không ăn uống vì thế họ chết. Nhưng đôi khi tôi nằm mơ hơi khác, giống như bạn có thể xem hai phiên bản của một bộ phim, bản thường và bản theo ý đạo diễn, như film

Blade Runner

. Và trong một số phiên bản của giấc mơ, virus này khiến cho họ đụng xe hay đi xuống biển và chết đuối, hay nhảy xuống sông, và tôi nghĩ bản này hay hơn vì khi đó không có xác người chết ở khắp nơi.

Và cuối cùng không còn ai trên trái đất ngoại trừ những người không nhìn vào mặt người khác và những người không biết những hình ảnh này có nghĩa là gì

và tất cả những người này đều là những người đặc biệt giống như tôi. Và họ thích ở một mình và tôi ít khi gặp họ vì họ giống như con hươu đùi vằn trong rừng rậm

Congo, một loại linh dương rất nhút nhát và hiếm.

Và tôi có thể đi bất cứ nơi đâu trên thế giới và tôi biết sẽ không có ai nói chuyện với tôi hay đụng vào tôi hay hỏi tôi một câu nào. Nhưng nếu tôi không muốn đi đâu thì tôi không phải đi, và tôi có thể ở nhà và ăn bông cải xanh và cam và sợi cam thảo mãi mãi, hay tôi có thể chơi máy tính suốt tuần, hay tôi có thể ngồi trong góc phòng và chà xát đồng xu 1£ lên bề mặt dợn sóng của lò sưởi. Và tôi không phải đi Pháp.

Và tôi ra khỏi nhà của Cha và tôi đi bộ xuống phố, và đường phố rất yên lặng mặc dù lúc ấy là giữa ban ngày và tôi không nghe bất cứ tiếng động nào ngoại trừ chim hót và gió thổi và thỉnh thoảng các tòa nhà đổ xuống ở đằng xa, và nếu đứng thật gần cột đèn lưu thông tôi có thể nghe tiếng lách cách nhỏ mỗi khi đèn đổi màu.

Và tôi đi vào nhà người khác và chơi trò thám tử và tôi có thể đập kính cửa sổ để vào vì người ta đã chết rồi và đập cửa cũng không sao. Và tôi vào các cửa hiệu lấy những thứ tôi muốn, như bánh quy màu hồng hay mâm xôi PJ và nước sinh tố xoài hay trò chơi điện tử hay sách hay video chẳng hạn.

Và tôi lấy chiếc thang trên xe tải của Cha và tôi leo lên mái nhà, và khi lên tới mép mái nhà tôi đặt chiếc thang giữa hai nhà và tôi leo qua mái bên cạnh, vì trong giấc mơ ta được phép làm mọi chuyện.

Và khi ấy tôi tìm thấy chìa khoá xe của người ta và tôi liền lên xe của họ và lái đi, và dù tôi đụng vào cái gì thì cũng chẳng sao và tôi lái ra tới biển, và tôi đậu xe và xuống xe và trời mưa như trút. Và tôi lấy kem trong một cửa hiệu mà ăn. Và rồi tôi đi bộ xuống bãi biển. Và bãi biển đầy cát và những tảng đá lớn và có một ngọn hải đăng trên mỏm nhưng đèn không sáng vì người gác hải đăng đã chết.

Và tôi đứng trong sóng và sóng đến và tràn lên giày tôi, và tôi không bơi phòng trường hợp có cá mập. Và tôi đứng nhìn chân trời và tôi lấy cây thước sắt dài của tôi ra và giơ nó lên lằn vạch là một đường cong và trái đất hình tròn. Và sóng đến tràn lên giày tôi rồi lại rút đi nhịp nhàng, như âm nhạc hay tiếng trống.

Và khi ấy tôi lấy quần áo khô trong nhà của một gia đình đã chết. Và tôi đi về nhà Cha, nhưng nó không phải là nhà của Cha nữa mà là của tôi. Và tôi tự làm món Gobi Aloo Sag với phẩm đỏ và ly sữa đánh với dâu, rồi tôi xem video về hệ mặt trời và chơi máy vi tính và đi ngủ.

Và khi ấy giấc mơ chấm dứt và tôi vui sướng.

233

.

Sáng hôm sau tôi ăn điểm tâm món cà chua rán và một lon đậu đũa Mẹ đã hâm trên chảo.

Giữa bữa ăn sáng, ông Shears nói: “Được rồi. nó có thể ở lại vài ngày.”

Và Mẹ nói: “Nó có thể ở đến khi nào nó muốn.”

Và ông Shears nói: “Căn chung cư này không đủ rộng cho hai người, chứ đừng nói tới ba.”

Và Mẹ nói: “Nó có thể hiểu anh nói gì đấy nhé.”

Và ông Shears nói: “Rồi nó sẽ làm gì? Không có trường cho nó học. Mình đều phải đi làm. Lố bịch quá sức.”

Và Mẹ nói: “Roger. Đủ rồi.”

Rồi bà pha cho tôi trà thảo mộc Reg Zinger với đường nhưng tôi không thích, và bà nói: “Con cứ ở lại đến bao giờ con thích.”

Và sau khi ông Shears đã đi làm, bà gọi điện thoại cho văn phòng và xin phép

Nghỉ vì hoàn cảnh đặc biệt

, ấy là khi còn có người trong gia đình chết hoặc đau ốm.”

Rồi bà nói chúng tôi phải đi mua một số quần áo cho tôi và mặc bộ áo ngủ và bàn chải răng và khăn lau. Vì thế chúng tôi ra khỏi căn chung cư và đi bộ tới đường cái là Đường Hill, là A4088, và nó rất đông đúc và chúng tôi lấy xe buýt số 266 đến Trung tâm Thương mại Brent Cross. Nhưng có quá nhiều người trong cửa hiệu John Lewis và tôi hoảng sợ và tôi nằm xuống sàn bên cạnh quầy đồng hồ đeo tay và la hét và Mẹ phải đưa tôi về nhà bằng tắc xi.

Rồi bà phải trở lại trung tâm thương mại để mua cho tôi ít quần áo và bộ áo ngủ và bàn chải răng và khăn lau, vì thế tôi ở trong căn phòng dành cho khách trong khi bà đi vắng vì tôi không muốn ở cùng phòng với ông Shears do tôi sợ ông ta.

Và khi Mẹ vế đến nhà bà mang cho tôi ly sữa sinh tố dâu và cho tôi xem bộ áo ngủ mới của tôi, và trên áo in các ngôi sao xanh năm góc trên nền tím như thế này

Rồi tôi nói: “Con phải quay về

Swindon.”

Và Mẹ nói: “Christopher, con vừa mới đến đây thôi mà.”

Rồi tôi nói: “Con phải quay về vì con phải thi toán trình độ A.”

Và Mẹ nói: “Con học toán trình độ A?”

Rồi tôi nói: “Vâng. Con sẽ thi vào ngày thứ Tư và thứ Năm và thứ Sáu tuần sau.”

Và Mẹ nói: “Chúa ơi.”

Rồi tôi nói: “Mục sư Peters sẽ là giám thị coi thi.”

Và Mẹ nói: “Mẹ muốn nói như thế là giỏi lắm.”

Rồi tôi nói: “Con sẽ lấy điểm A. Và vì vậy con phải quay lại

Swindon. Nhưng con không muốn gặp Cha. Vì vậy con phải đi

Swindon

với mẹ.”

Khi ấy Mẹ úp hai tay lên mặt bà và thở mạnh ra rồi bà nói: “Mẹ không biết như thế có được không.”

Rồi tôi nói: “Nhưng con phải đi.”

Và Mẹ nói: “Thôi lúc khác mình sẽ nói chuyện này nhé?”

Rồi tôi nói: “Vâng. Nhưng con phải đi

Swindon.”

Và Mẹ nói: “Christopher, thôi mà.”

Và tôi uống sữa sinh tố của mình.

Và sau đó, lúc 10 giờ 31 tối, tôi ra ban công để xem mình có thể thấy ngôi sao nào không. Nhưng không có sao nào vì trời có mây và cái gọi là ô nhiễm ánh sáng, ấy là ánh sáng từ đèn đường và đèn xe hơi và đèn pha và đèn trong các tòa nhà phản chiếu những hạt nhỏ tí trong khí quyển ngăn trở ánh sáng của các ngôi sao. Vì thế tôi vào trong trở lại.

Nhưng tôi không ngủ được. Và tôi ra khỏi giường lúc 2 giớ 07 phút sáng, và tôi cảm thấy sợ ông Shears vì thế tôi xuống tầng dưới và đi qua cửa trước ra Đường Chapter. Và trên đường

phố không có ai và yên tĩnh hơn lúc ban ngày, mặc dù ta có thể nghe thấy tiếng xe cộ xa xa và tiếng còi hụ, vì thế nó khiến tôi cảm thấy an lòng hơn. Và tôi đi xuống Đường Chapter và nhìn tất cả các chiếc xe và hình dáng đường dây điện thoại trên nền mây màu da cam và những thứ người ta để trong sân trước nhà của họ, như một ông thần lùn và một cái bếp và một cái hồ nước nhỏ tí và một con gấu nhồi bông.

Rồi tôi nghe có hai người đi trên đường, vì thế tôi chui xuống giữa một thùng đựng đồ xây dựng và một chiếc xe tải hiệu Ford, và họ nói chuyện bằng một ngôn ngữ không phải là tiếng Anh, nhưng họ không thấy tôi. Và có hai chiếc bánh răng nhỏ tí bằng đồng dưới vũng nước bẩn trong rãnh nước bên cạnh chân tôi, giống như những bánh răng trong chiếc đồng hồ lên dây.

Và tôi thích ở giữa cái thùng và chiếc xe tải hiệu Ford vì thế tôi ở đó một lúc lâu. Và tôi nhìn ra đường phố. Và màu sắc duy nhất tôi thấy là màu cam và đen và màu pha giữa cam và đen. Và ta không biết xe cộ màu gì lúc ban ngày.

Và tôi tự hỏi mình có thể khảm các chữ thập hay không, và tôi suy ra là ta có thể làm được bằng cách tưởng tượng hình này trong đầu tôi.

Và khi ấy tôi nghe tiếng của Mẹ và bà gọi lớn: “Christopher…? Christopher ơi?” và bà chạy xuống đường, vì thế tôi bước ra khỏi chỗ giữa cái thùng và chiếc xe tải hiệu Ford và bà chạy đến tôi và nói: “Chúa ơi,” và bà đứng trước tôi và chỉ ngón tay vào mặt tôi và nói: “Nếu con mà làm như vậy nữa, mẹ thế với Chúa, Christopher à, mẹ yêu con, nhưng… mẹ không biết mẹ sẽ làm gì.”

Thế là bà bắt tôi hứa không bao giờ rời căn chung cư một mình vì nguy hiểm và vì ta không thể tin người ở

London

vì họ là người lạ. Và hôm sau bà phải đi mua sắm lần nữa và bà bắt tôi hứa không được mở cửa nếu có người bấm chuông. Và khi bà trở lại bà mang theo thức ăn cho Toby và ba cuốn video

Star Trek

và tôi xem chúng trong phòng khách cho đến khi ông Shears về và khi ấy tôi lại đi vào phòng dành cho khách. Và tôi ước gì 451c Đường Chapter,

London

NW2 5NG có một mảnh vườn nhưng không có.

Và ngày hôm sau văn phòng Mẹ làm việc gọi điện thoại đến và bảo bà đừng quay lại làm việc nữa vì họ đã có người khác làm việc của bà thay cho bà, và bà rất tức giận và bà nói như thế là bất hợp pháp và bà sẽ kiện, nhưng ông Shears nói: “Đừng có ngốc nghếch. Đó là việc làm tạm thôi mà, vì Chúa.”

Và khi Mẹ vào căn phòng dành cho khách trước khi tôi ngủ tôi nói: “Con phải đi

Swindon

để thi trình độ A.”

Và bà nói: “Christopher, không phải lúc này. Mẹ nhận điện thoại của cha con dọa kiện mẹ ra toà. Roger thì đang làm mẹ chán tới cổ đây. Bây giờ không phải lúc.”

Và tôi nói: “Nhưng con phải đi vì đã thu xếp rồi và Mục sư Peters sẽ làm giám thị.”

Và bà nói: “Này. Đó chỉ là một kì thi thôi. Mẹ có thể gọi cho trường. Mình có thể hoãn lại mà. Con có thể thi lúc khác.”

Và tôi nói: “Con không thể thi lúc khác. Kỳ thi đã được thu xếp. Và con đã ôn lại rất nhiều. Và bà Gascoyne nói mình có thể dùng một phòng trong trường.”

Và Mẹ nói: “Christopher, mẹ đang cố hết sức. Nhưng mẹ sắp kiệt sức rồi, nghe chưa? Vì thế để cho mẹ…”

Rồi bà ngưng nói và bà đưa tay lên miệng rồi đứng lên và đi ra khỏi phòng. Và tôi bắt đầu cảm thấy đau trong ngực như khi tôi ở dưới hầm vì tôi nghĩ tôi sẽ không thể về

Swindon

thi trình độ A.

Và sáng hôm sau tôi nhìn ra cửa sổ phòng ăn để đếm xe trên đường phố để xem hôm nay sẽ là

Ngày Khá Tốt

hay

Ngày Tốt

hay

Ngày Siêu Tốt

hay

Ngày Xấu

, nhưng không giống như trên xe buýt tới trường vì ta có thể nhìn mãi ra cửa sổ đến khi nào ta muốn và thấy bao nhiêu xe tùy ta muốn, và tôi nhìn ra cửa sổ suốt ba tiếng và tôi thấy 5 chiếc xe đỏ liên tiếp và 4 chiếc xe vàng liên tiếp, nghĩa là hôm nay vừa là

Ngày Tốt

vừa là

Ngày Xấu

, vì thế quy luật không đúng nữa. Nhưng nếu tôi tập trung đếm xe, việc đó sẽ ngăn tôi suy nghỉ về kỳ thi trình độ A của tôi và cái đau trong ngực tôi.

Và buổi chiếu Mẹ đưa tôi đến Hampstead Heath bằng tắc xi và chúng tôi ngồi trên đỉnh một ngọn đồi xem máy bay đến phi trường Heathrow ở phía xa. Và tôi ăn một cây kem đỏ mua ở xe bán kem. Và Mẹ nói bà đã gọi điện cho bà Goscoyne và nói với bà ấy rằng năm sau tôi sẽ thi toán trình độ A, vì thế tôi vứt cây kem đỏ đi và tôi la hét một lúc lâu và ngực tôi đau đến nỗi khó thở và một ông đi đến hỏi tôi có sao không và Mẹ nói: “A, ông thấy sao?” Và ông ta bỏ đi.

Và khi ấy tôi đã mệt vì la hét và Mẹ đưa tôi về căn chung cư trên một chiếc tắc xi khác và sáng hôm sau là thứ Bảy và bà bảo ông Shears ra ngoài tìm cho tôi mấy cuốn sách về khoa học và toán ở thư viện, và chúng là

100 Câu đố số

Nguồn gốc Vũ trụ

Năng lượng Nguyên tử

, nhưng chúng là sách cho trẻ con và không hay lắm vì thế tôi không đọc, và ông Shears nói: “Thật cảm động khi biết người ta trân trọng những đóng góp của mình.”

Và tôi không ăn gì từ khi tôi vứt cây kem đỏ trên Hampstead Heath, vì thế Mẹ làm cho tôi một biểu đồ có gắn các ngôi sao như hồi tôi còn nhỏ và bà đổ đầy Complan và vị dâu vào cốc đo lường và nếu uống 200ml tôi được một ngôi sao đồng, nếu ống 400ml thì một ngôi sao bạc, còn nếu uống 600ml thì được một ngôi sao vàng.

Và khi Mẹ và ông Shears cãi nhau tôi lấy chiếc radio nhỏ ở bếp vào ngồi trong căn phòng dành cho khách và tôi vặn giữa hai dải tần sóng để tôi chỉ có thể nghe tiếng rè rè và tôi mở âm thanh cực lớn và tôi áp nó vào tai cho âm thanh đầy đầu tôi và khiến tôi đau để khỏi cảm thấy bất cứ loại đau nào khác, như cái đau trong ngực mình, và tôi không thể nghe Mẹ và ông Shears đang cãi nhau và tôi không nghĩ về việc không thi trình độ A hay việc không có mảnh vườn ở 451c Đường Chapter, London NW2 5NG, hay việc tôi không thể thấy các ngôi sao.

Rồi tới thứ Hai. Và lúc ấy đã rất khuya và ông Shears vào phòng tôi và đánh thức tôi dậy và ông đã uống bia vì ông ta có mùi như Cha khi ông uống bia với Rhodri. Và ông ta nói: “Mày tưởng mày thông minh khiếp lắm phải không. Có bao giờ mày nghĩ tới người khác một giây phút nào không hả? À, tao chắc lúc này mày thoả mãn lắm phải không?”

Và khi ấy Mẹ vào và Mẹ kéo ông ta ra khỏi phòng và nói: “Christopher ơi, mẹ xin lỗi. Mẹ rất rất xin lỗi con.”

Sáng hôm sau, sau khi ông Shears đã đi làm, mẹ gom rất nhiều quần áo của bà vào hai chiếc va li và bảo tôi xuống nhà dưới và mang Toby và lên xe. Và bà đặt va li vào thùng sau và chúng tôi lái đi. Nhưng đó là xe của ông Shears và tôi nói: “Mẹ ăn cắp xe à?”

Và bà nói: “Mẹ chỉ mượn thôi.”

Và tôi nói: “Mình đi đâu?”

Và bà nói: “Mình về nhà.”

Và tôi nói: “Mẹ muốn nói nhà ở

Swindon?”

Và bà nói: “Ừ.”

Và tôi nói: “Cha có ở đó không?”

Và bà nói: “Thôi nào, Christopher. Bâygiờ làm ơn đừng quấy rầy mẹ nữa, OK?”

Và tôi nói: “Con không muốn ở với Cha.”

Và bà nói: “Chỉ là… Chỉ là… Không sao đâu,

Christopher,

OK? Không sao đâu.”

Và tôi nói: “Mình về

Swindon

để con thi toán trình độ A phải không?”

Và Mẹ nói: “Cái gì?”

Thì tôi nói: “Con sẽ phải thi toán trình độ A ngày mai.”

Và Mẹ nói rất chậm, bà nói: “Mình về Swindon vì nếu mình ở

London

lâu hơn nữa… có người sẽ bị đánh. Và mẹ định nói chưa chắc đó đã là con.”

Và tôi nói: “Mẹ định nói gì?”

Và bà nói: “Bây giờ mẹ muốn con im lặng một lúc.”

Và tôi nói: “Mẹ muốn con im lặng bao lâu?’

Và bà nói: “Chúa ơi.” Rồi bà nói: “Nửa giờ, Christopher ạ. Mẹ cần con im lặng nửa giờ thôi.”

Và chúng tôi lái suốt quãng đường tới Swindon mất 3 giờ 12 phút và chúng tôi phải ngừng lại đổ xăng và Mẹ mua cho tôi một thỏi Milky Bar nhưng tôi không ăn. Và chúng tôi bị kẹt xe rất lâu vì người ta chạy chậm lại để xem một tai nạn trên tuyến kia. Và tôi cố tìm một công thức để xác định xem có phải nạn kẹt xe gây nên chỉ vì người ta chạy chậm lại hay không và điều này ảnh hưởng ra sao bởi (a) mật độ xe cộ, (b) tốc độ lưu thông, và (c) các tài xế phanh xe nhanh đến đâu khi họ thấy đèn phanh của chiếc xe phía trước sáng lên. Nhưng tôi quá mệt vì tối hôm trước tôi đã không ngủ vì tôi cứ nghĩ về việc không thể thi toán trình độ A. Vì thế tôi thiếp ngủ.

Và khi chúng tôi đến

Swindon, mẹ có chìa khoá nhà và chúng tôi đi vào và bà nói: “Xin chào?” Nhưng không có ai ở đó vì lúc ấy là 1 giờ 23 chiều. Và tôi sợ nhưng Mẹ nói tôi yên tâm, vì thế tôi lên phòng mình rồi đóng cửa lại. Tôi lấy Toby ra khỏi túi áo và tôi để nó chạy quanh rồi tôi chơi

Dò mìn

và tôi chơi bàn Chuyên nghiệp trong 174 giây, nhiều hơn kỉ lục của tôi 75 giây.

Rồi đến 6 giờ 35 tối, và tôi nghe thấy Cha lái xe tài của ông về nhà và tôi đẩy giường chặn cửa để ông không vào được và ông vào nhà và ông và Mẹ quát tháo lẫn nhau.

Và Cha quát: “Cô làm thế quái nào vào được đây?”

Và Mẹ quát: “Đây cũng là nhà tôi, nếu anh quên.”

Và Cha quát: “Thằng nhân tình khốn kiếp của cô cũng ở đây hả?”

Và khi ấy tôi đặt chiếc trống bongo chú Terry mua cho tôi và tôi quỳ xuống trong góc phòng và ấn đầu mình vào góc giữa hai bức tường và tôi gõ trống và tôi rên rỉ và tôi cứ tiếp tục như thế trong một giờ đồng hồ và khi ấy Mẹ vào phòng và nói Cha đã đi rồi. Và bà nói Cha đã đi ở với Rhodri vài hôm và chúng tôi sẽ sống ở đây một mình trong vài tuần.

Khi ấy tôi đi vào vườn và tìm thấy chiếc chuồng của Toby đằng sau nhà kho và tôi mang vào và lau chùi nó và cho Toby vào.

Và tôi hỏi Mẹ tôi có thể thi toán trình độ A ngày mai không.

Và bà nói: “Mẹ xin lỗi, Christopher.”

Và tôi nói: “Con có thể thi toán trình độ A không?”

Và bà nói: “Con không nghe mẹ à, Christopher?”

Và tôi nói: “Con đang nghe mẹ đây.”

Và Mẹ nói: “Mẹ đã bảo con rồi. Mẹ đã gọi cho bà hiệu trường của con. Mẹ bảo bà là mình đang ở

London. Mẹ bảo bà là sang năm con sẽ thi.”

Và tôi nói: “Nhưng bây giờ con ở đây và con có thể thi.”

Và Mẹ nói: “Mẹ xin lỗi. Christopher ạ. Mẹ đang cố xoay xở. Mẹ đang cố đừng làm rối tung lên.”

Và ngực tôi lại bắt đầu đau và tôi khoanh hai tay và tôi cứ gục gặc và rên rỉ.

Và Mẹ nói: “Mẹ không biết là mẹ con mình sẽ quay về.”

Nhưng tôi tiếp tục rên rỉ và gục gặc.

Và Mẹ nói: “Nào. Như thế này chẳng giải quyết được gì đâu.”

Rồi bà hỏi tôi có muốn xem video

Hành tinh Xanh

của tôi không, về đời sống dưới băng đá Bắc Cực hay cuộc di trú của cá voi gù, nhưng tôi không nói gì vì tôi biết tôi sẽ không được thi toán trình độ A và nó tựa như khi ta ấn móng tay cái vào lò sưởi khi nó thật nóng và bắt đầu đau và nó làm bạn muốn khóc và vẫn cứ đau dù cho ta đã rút móng tay ra khỏi lò sưởi rồi.

Rồi Mẹ làm cho tôi món cà rốt với bông cải xanh và xốt cà chua, nhưng tôi không ăn.

Và tối hôm đó tôi cũng không ngủ.

Ngày hôm sau Mẹ lái xe đưa tôi tới trường bằng xe của ông Shears vì chúng tôi chậm xe buýt. Và khi chúng tôi đang ra xe, bà Shears băng qua đường và nói với Mẹ: “Bà có gan gớm nhỉ.”

Và Mẹ nói: “Lên xe, Christopher.”

Nhưng tôi không thể lên xe vì cửa khoá.

Và bà Shears nói: “A, rốt cuộc nó cũng bỏ nốt cả bà hả?”

Khi ấy Mẹ mở cửa bên bà và vào xe rồi mở khoá bên cánh cửa của tôi và tôi vào xe vào chúng tôi lái đi.

Và khi chúng tôi đến trường Siobhan nói: “Vậy bà là mẹ của Christopher.” Và Siobhan nói cô vui mừng được gặp lại tôi và cô hỏi tôi có khoẻ không và tôi nói rằng tôi mệt. Và Mẹ giải thích rằng tôi bực tức vì không được thi toán trình độ A vì thế tôi đã không ăn đủ no hay ngủ đủ giấc.

Rồi Mẹ bỏ đi và tôi vẽ một bức hình xe buýt theo luật phối cảnh để không nghĩ về cái đau trong ngực mình và bức hình trông như thế này

Và sau buổi ăn trưa Siobhan nói cô đã nói chuyện với bà Gascoyne và bà vẫn còn đề bài trình độ A của tôi trong 3 chiếc phong bì dán kín trên bàn làm việc của bà.

Vì thế tôi hỏi tôi có thể thi trình độ A không.

Và Siobhan nói: “Cô nghĩ là được. Mình sẽ gọi điện thoại cho Mục sư Peters chiều nay để xem ông ấy có thể đến làm giám thị cho em không. Và bà Gascoyne sẽ viết một lá thư cho ban khảo thí để nói là rốt cuộc em lại thi. Và hy vọng họ sẽ nói là được. Nhưng mình không thể biết chắc đâu.” Rồi cô dừng nói vài giây. “Cô nghĩ cô nên nói cho em lúc này. Để em có thể suy nghĩ.”

Và tôi nói: “Để em có thể suy nghĩ cái gì?”

Và cô nói: “Có đúng là em muốn thi không, Christopher?”

Và tôi suy nghĩ câu hỏi và tôi không chắc câu trả lời là gì vì tôi muốn thi toán trình độ A nhưng tôi rất mệt và mỗi khi tôi cố nghĩ về toán thì óc tôi không làm việc đúng cách và mỗi khi tôi cố nhớ một điều nào đó, chẳng hạn như công thức lượng giác để tìm kết quả gần đúng cho các số nguyên tố nhỏ hơn x, tôi không nhớ nổi và điều này làm tôi hoảng.

Và Siobhan nói: “Em không buộc phải thi, Christopher ạ. Nếu em nói không muốn thi thì không ai giận em đâu. Và không có gì sai hay bất hợp pháp hay ngu đần cả. Chỉ là em muốn như thế thôi.”

Và tôi nói: “Em muốn thi,” vì tôi không thích đã đặt các thứ vào bảng lịch trình của mình và lại lấy chúng ra, vì khi làm thế tôi cảm thấy buồn nôn.

Và Siobhan nói: “Được rồi.”

Và cô gọi điện cho Mục sư Peters và ông đến trường lúc 3 giờ 37 phút và ông nói: “A, anh bạn trẻ, mình sẵn sàng bắt đầu chưa?”

Và tôi ngồi làm

Đề thi số 1

của kỳ thi toán trình độ A trong phòng học vẽ. Và Mục sư Peters là giám thị phòng thi và ông ngồi ở bàn trong khi tôi làm bài thi và ông vừa đọc quyển sách tên

Giá phải trả của Tông đồ

của Dietrich Bonhoeffer vừa ăn sandwich. Và vào giữa buổi thi ông đi hút một điếu thuốc lá ngoài cửa sổ, nhưng ông nhìn tôi qua cửa sổ đề phòng tôi gian lận.

Và khi tôi mở bài thi và đọc qua nó tôi không thể nghĩ ra câu trả lời cho bất cứ câu hỏi nào và tôi cũng bị nghẹn thở. Và tôi muốn đánh một người nào đó hay đâm họ bằng con dao Quân đội Thuỵ Sĩ của mình, nhưng không có ai để đánh hay đâm bằng con dao Quân đội Thuỵ Sĩ của tôi ngoại trừ Mục sư Peters và ông ta thì rất cao và nếu tôi đánh ông ta hay đâm ông ta bằng con dao Quân đội Thụy Sĩ thì ông ta sẽ không làm giám thị cho tôi trong buổi thi còn lại. Vì thế tôi hít thật sâu như Siobhan bảo tôi nên làm mỗi khi tôi muốn đánh ai trong trường và tôi đếm 50 nhịp thở và tính luỹ thừa ba các số nguyên khi tôi đếm, như sau:

1, 8, 27, 64, 125, 216, 343, 512, 729, 1000, 1331,

1728, 2197, 2744, 3375, 4096, 4913… vân vân

Và điều đó làm tôi cảm thấy hơi bình tĩnh hơn. Nhưng kỳ thi dài 2 tiếng mà 20 phút đã trôi qua vì thế tôi phải làm thật nhanh và tôi không có thì giờ kiểm tra lại các câu trả lời của mình một cách thích đáng.

Và tối hôm đó, ngay khi tôi vừa về đến nhà, Cha tới và tôi la hét nhưng Mẹ nói bà sẽ không để điều gì xấu xảy ra cho tôi và tôi vào vườn và nằm xuống nhìn lên các ngôi sao trên bầu trời và tự làm mình không đáng kể. Và khi Cha ra khỏi nhà ông nhìn tôi một lúc lâu rồi ông đấm hàng rào và làm thủng một lỗ rồi bỏ đi.

Và tôi chợp mắt được một ít tối hôm đó vì tôi đang thi toán trình độ A. Và bữa tối tôi ăn xúp rau spinach.

Và ngày hôm sau tôi làm

Đề thi số 2

và Mục sự Peters đọc

Giá phải trả của Tông đồ

của Dietrich Bonhoeffer, nhưng lần này ông không hút thuốc và Siobhan bảo tôi vào phòng vệ sinh trước khi thi và ngồi một mình và vừa thở vừa đếm.

Và tôi đang chơi

Giờ thứ 11

trên máy tính của mình tối hôm đó thì một chiếc tắc xi dừng bên ngoài nhà. Ông Shears ngồi trong chiếc tắc xi đó và ông xuống xe và ném một thùng to đựng những thứ thuộc về Mẹ lên bãi cỏ. Và chúng là một máy sấy tóc và vài cái quần lót và xà phòng gội đầu L’Oréal và một hộp thức ăn điểm tâm và hai quyển sách,

DIANA: Chuyện thật đời nàng

của Andrew Morton và

Địch thủ

của Jilly Cooper, và một tấm ảnh của tôi trong khung bạc. Và kính khung ảnh bị vỡ lúc nó rơi xuống cỏ.

Rồi ông ta lấy chìa khoá ra khỏi túi và vào xe của ông và lái đi và Mẹ chạy ra khỏi nhà và bà vừa chạy lên đường vừa hét: “Ông cũng đừng có quay lại nữa!” Và bà ném cái hộp thức ăn điểm tâm và nó rơi trúng thùng phía sau xe của ông trong khi ông lái xe đi và lúc Mẹ làm vậy thì bà Shears đang ở nhà bà nhìn ra cửa sổ.

Ngày hôm sau tôi làm

Đề thi số 3

và Mục sư Peters vừa đọc báo

Daily Mail

vừa hút ba điếu thuốc.

Và đây là bài toán tôi thích

Chứng minh điều này:

Một tam giác có các cạnh có thể biểu diễn dưới dạng

n2

+ 1

,

n2

– 1

, và

2n

( trong đó

n>1

) là tam giác vuông.

Bằng ví dụ phản chứng, hãy chứng minh mệnh đề đảo là sai.

Và tôi đang định viết ra cách tôi giải bài toán thì Siobhan bảo nó không lý thú lắm, tôi thì tôi nói nó hay. Và cô nói người ta sẽ không muốn lời giải một bài toán trong cuốn sách đâu, và cô bảo tôi có thể đưa câu trả lời vào phần

Phụ lục

, là chương thêm vào cuối của một cuốn sách mà người ta có thể đọc nếu muốn. Và tôi đã làm vậy.

Và khi ấy ngực tôi không thể đau nhiều nữa và thở cũng dễ dàng. Nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn nôn vì tôi không biết mình có làm bài thi tốt hay không và vì tôi không biết ban khảo thí có cho phép bài thi của tôi được chấm hay không sau khi bà Gascoyne đã bảo họ là tôi sẽ không thi.

Và sẽ là tốt nhất nếu ta biết một việc hay sắp xảy ra, như nhật thực hay sẽ được tặng một bộ kính hiển vi vào dịp Giáng sinh. Và rất không tốt nếu như ta biết rằng một việc xấu sắp xảy ra, chẳng hạn như đi trám răng hay đi Pháp. Nhưng tôi nghĩ tồi tệ nhất là khi ta không biết một việc tốt hay một việc xấu sắp đến với ta.

Và Cha lại về nhà tối hôm đó và tôi đang ngồi trên ghế sofa xem

Đố vui Đại học

và vừa mới trả lời các câu hỏi khoa học. Và ông đứng ở ngưỡng cửa phòng khách và ông nói: “Đừng hét, được không, Christopher. Cha không làm hại con đâu.”

Và Mẹ đang đứng sau ông vì thế tôi không hét.

Rồi ông đến gần tôi hơn và ông quỳ xuống như khi ta làm bạn với con chó để cho thấy bạn không phải là Kẻ Gây Hấn và ông nói: “Cha muốn hỏi con làm bài thi như thế nào.”

Nhưng tôi không nói gì

Và Mẹ nói: “Kể cho cha đi, Christopher.”

Nhưng tôi vẫn không nói gì.

Và Mẹ nói: “Kể đi mà, Christopher.”

Vì thế tôi nói: “Con không biết mình có làm đúng tất cả các câu hỏi hay không vì con rất mệt và con đã không ăn gì vì thế con không thể suy nghĩ đúng cách.”

Và khi ấy Cha gật đầu và ông không nói gì trong một thoáng. Rồi ông nói: “Cám ơn con.”

Và tôi nói: “Cám ơn cái gì?”

Và ông nói: “Cám ơn… thế thôi.” Rồi ông nói: “Cha rất hãnh diện vì con, Christopher ạ. Cha hãnh diện lắm. Cha chắc chắn con đã làm rất tốt.”

Rồi ông đi và tôi xem hết chương trình

Đố vui Đại học

.

Và tuần sau Cha bảo Mẹ là bà phải dọn ra khỏi nhà, nhưng bà không thể dọn đi vì bà không có tiền thuê phòng. Rồi tôi hỏi Cha có bị bắt và vào tù vì giết

Wellington

không vì chúng tôi có thể sống trong nhà nếu ông ở tù. Nhưng Mẹ nói cảnh sát chỉ bắt Cha nếu bà Shears làm một việc gọi là

thưa kiện

, nghĩa là nói với cảnh sát rằng ta muốn bắt ai vì một tội gì, vì cảnh sát không bắt người vì những tội nhỏ trừ phi ta yêu cầu họ và Mẹ bảo giết một con chó thì chỉ là một tội nhỏ.

Nhưng rồi mọi thứ ổn thỏa vì Mẹ có việc làm ở quầy thu tiền tại một cửa hàng bán hoa cây cảnh và bác sĩ cho bà thuốc viên để uống mỗi buổi sáng để bà khỏi cảm thấy buồn, nhưng thỉnh thoảng nó làm bà chóng mặt và bà bị ngã nếu bà đứng dậy quá nhanh. Thế là chúng tôi dọn vào một phòng trong một căn nhà lớn bằng gạch đỏ. Và giường ngủ ở chung một phòng với bếp và tôi không thích vì nó nhỏ và hành lang sơn màu nâu và rồi lại có một bồn vệ sinh và một nhà tắm mà người khác dùng chung và Mẹ phải lau chùi nó trước khi tôi dùng nếu không thì tôi sẽ không dùng và đôi khi tôi đái dầm vì có người khác trong phòng tắm. Và hành lang bên ngoài phòng có mùi giống như mùi nước xốt thịt và mùi thuốc tẩy người ta dùng để lau chùi phòng vệ sinh ở trường. Và trong phòng có mùi vớ và mùi miếng làm thơm không khí mùi gỗ thông.

Và tôi không thích việc đợi kết quả thi toán trình độ A của tôi. Và mỗi khi tôi nghĩ về tương lai tôi không thể thấy gì rõ ràng trong đầu mình và điều đó khiến tôi giật mình hốt hoảng. Vì thế Siobhan nói tôi không nên nghĩ về tương lai. Cô nói: “Chỉ nghĩ đến hôm nay thôi. Nghĩ đến những việc đã xảy ra. Nhất là những việc tốt đã xảy ra.”

Và một trong những việc tốt là Mẹ mua cho tôi một đồ chơi bằng gỗ trông như thế này

Và bạn phải tháo phần trên của nó ra khỏi phần dưới, mà làm thế rất khó.

Và một việc tốt khác nữa là tôi đã giúp Mẹ sơn phòng bà màu

Trắng ngả màu lúa mì

, nhưng tôi bị dính sơn lên tóc và bà muốn gội sạch nó đi bằng cách xoa xà phòng lên đầu tôi lúc tôi đang ở trong bồn tắm, nhưng tôi không để bà làm, vì thế tóc tôi dính sơn trong 5 ngày và khi ấy tôi lấy kéo cắt bỏ đi.

Nhưng có nhiều việc xấu hơn việc tốt.

Và một trong những việc xấu là Mẹ không về nhà trước 5 giờ 30 vì thế tôi phải ở nhà của Cha từ 3 giờ 49 đến 5 giờ 30, vì tôi không được phép ở một mình và Mẹ nói tôi không có lựa chọn, vì thế tôi đẩy giường chặn cửa ngừa trường hợp Cha định vào. Và thỉnh thoảng ông thử nói chuyện với tôi qua cánh cửa, nhưng tôi không trả lời ông. Và thỉnh thoảng tôi nghe ông ngồi im lặng trên sàn bên ngoài cánh cửa một lúc lâu.

Và một việc xấu nữa là Toby chết vì nó đã 2 tuổi 7 tháng, thế là rất già đối với một con chuột, và tôi nói tôi muốn chôn nó, nhưng Mẹ không có vườn, vì thế tôi chôn nó trong một chậu lớn bằng nhựa đựng đất giống như cái chậu ta dùng để trồng cây. Và tôi nói tôi muốn một con chuột khác nhưng Mẹ nói không được vì phòng quá nhỏ.

Và tôi đã giải được trò chơi vì tôi tìm ra có hai cái chốt bên trong nó và chúng có hai thỏi kim loại trong hai ống hình trụ rỗng, như thế này.

Và ta phải cầm món đồ chơi sao cho cả hai thỏi kim loại trượt vào cuối hình trụ và chúng không chắn ngang chỗ nối giữa hai nửa của món đồ chơi và khi ấy thì ta có thể kéo chúng tách ra.

Và một hôm Mẹ đón tôi ở nhà Cha sau khi bà đi làm về và Cha nói: “Christopher à, cha có thể nói chuyện với con không?”

Và tôi nói: “Không.”

Và Mẹ nói: “Được mà. Mẹ sẽ ở đây.”

Và tôi nói: “Con không muốn nói chuyện với Cha.”

Và Cha nói: “Cha sẽ cam kết với con.” Và ông cầm cái đồng hồ hẹn giờ làm bếp, ấy là một quả cà chua lớn bằng nhựa bổ ngang chính giữa, và ông vặn nó và nó bắt đầu tích tắc. Và ông nói: “Năm phút thôi, được không? Thế thôi. Rồi con cứ đi.”

Vì thế thôi ngồi trên sofa và ông ngồi trên ghế bành và Mẹ ở trong hành lang và Cha nói: “Christopher à... Không thể tiếp tục như thế này mãi được. Cha không hiểu con ra sao, nhưng thế này... thế này đau đớn lắm. Con ở trong nhà nhưng không chịu nói chuyện với cha... Con phải tập tin cha... Và cha không cần biết bao lâu... Nếu ngày đầu một phút, hôm sau hai phút, sau nữa thì ba phút và cứ thế hết năm này qua năm khác thì cũng không sao cả. Vì điều này quan trọng. Điều này quan trọng hơn bất cứ cái gì.”

Và ông rứt một miếng da nhỏ bên cạnh ngón cái tay trái ông.

Rồi ông nói: “Mình hãy gọi nó là... hãy gọi nó là một kế hoạch. Một kế hoạch mà mình phải làm chung. Con phải ở với cha lâu hơn. Và cha... cha phải chứng tỏ cho con là con có thể tin cậy cha. Và lúc đầu rất khó vì... vì nó là một kế hoạch khó. Nhưng rồi sẽ khá hơn. Cha hứa.”

Rồi ông lấy đầu ngón tay xoa hay bên trán, và ông nói: “Con không cần phải nói gì ngay lúc này. Con chỉ cần nghĩ tới nó. Và, à... cha có một món quà cho con. Để chứng tỏ với con rằng những gì cha vừa nói với con là rất thật lòng. Và để xin lổi. Và vì... ôi dào, con sẽ tự thấy cha muốn nói gì.”

Rồi ông đứng lên khỏi ghế bành và bước tới cửa bếp và mở cửa ra và trên sàn nhà có một thùng giấy lớn và trong đó có một tấm chăn và ông cúi xuống và thò tay vào trong thùng và lấy ra một con chó nhỏ màu hung nhạt.

Rồi ông quay lại và đưa con chó cho tôi. Và ông nói: “Nó được hai tháng. Và nó là giống Golden Retriever đấy.”

Và con chó ngồi trong lòng tôi và tôi vuốt ve nó.

Và không ai nói gì trong một lúc.

Rồi Cha nói: “Christopher ơi, cha không bao giờ, không bao giờ muốn làm điều gì hại con.”

Rồi không ai nói gì.

Rồi Mẹ vào phòng và nói: “Mẹ e con không thể mang nó theo được. Phòng ngủ quá nhỏ. Nhưng cha con sẽ trông nom nó ở đây. Và con có thể dắt nó ra ngoài dạo chơi mỗi khi con muốn.”

Và tôi nói: “Nó có tên không?”

Và Cha nói: “Không. Con cứ đặt tên cho nó.”

Và con chó gặm ngón tay tôi.

Và khi ấy đã là 5 phút và đồng hồ cà chua kêu. Vì thế Mẹ và tôi lái xe về căn phòng của bà.

Và tuần sau trời bão chớp và sét đánh gãy một cây to trong công viên gần nhà Cha và người ta đến cắt cành bằng cưa xích và mang khúc gỗ đi trên xe tải, và chỉ còn lại gốc cây lớn lởm chởm đen cháy thành than.

Và tôi nhận được kết quả thi toán trình độ A và tôi được điểm A là điểm cao nhất, và nó làm tôi cảm thấy như thế này

Và tôi đặt tên con chó là Hung nhạt. Và Cha mua cho nó một vòng cổ và một sợi dây và tôi được phép dắt nó đi bộ tới cửa hàng và trở về. Và tôi cho nó chơi một khúc xương cao su.

Và Mẹ bị cúm và tôi phải ở với Cha ba ngày trong nhà ông. Nhưng cũng ổn vì Hung nhạt ngủ trên giường tôi vì thế nếu có ai vào phòng lúc ban đêm thì nó sẽ sủa. Và Cha làm một khoảnh trồng rau trong vườn và tôi phụ ông. Và chúng tôi trồng cà rốt và đậu và rau spinach và tôi sẽ hái và ăn khi đến lúc.

Và tôi đi đến một hiệu sách cùng Mẹ và tôi mua một cuốn sách tên là

Toán cao cấp Trình độ A

và Cha bảo bà Gascoyne rằng năm sau tôi sẽ thi toán cao cấp trình độ A và bà nói “Hay nhỉ.”

Và tôi sẽ thi đậu và lấy điểm A. Và trong vòng hai năm tôi sẽ thi vật lý trình độ A và lấy điểm A.

Và lúc ấy, khi tôi đã thi xong, tôi sẽ đi học đại học trong một thành phố khác. Và nó không nhất thiết là phải ở

London

vì tôi không thích

London

và có nhiều trường đại học ở nhiều nơi và không phải trường nào cũng đều ở các thành phố lớn. Và tôi có thể sống trong một căn chung cư có vườn và phòng vệ sinh đàng hoàng. Và tôi có thể mang theo Hung nhạt và sách vở và máy tính của tôi.

Và khi đó tôi sẽ xếp hạng Xuất sắc và sẽ trở thành một nhà khoa học.

Và tôi biết tôi có thể làm được như thế vì tôi đã tới

London

một mình, và vì tôi đã giải xong bí ẩn

Ai Giết Wellington?

Và tôi đã tìm thấy mẹ tôi và tôi can đảm và tôi đã viết một cuốn sách và điều đó có nghĩa là tôi có thể làm được bất cứ việc gì.

PHỤ LỤC

ĐỀ BÀI

Chứng minh điều sau:

Một tam giác có các cạnh có thể biểu diễn dưới dạng

n2

+ 1, n2

- 1

, và

2n

(trong đó

n > 1

) là tam giác vuông.

Bằng ví dụ phản chứng, hãy chứng minh mệnh để đảo là sai.

TRẢ LỜI

Trước tiên chúng ta phải tìm cạnh dài nhất của tam giác có các cạnh

n2

+ 1

,

n2

- 1

, và

2n

(trong đó n > 1)

n2

+ 1 – 2n = (n-1)2

và nếu n > 1 thì (n - 1)2

> 0

do đó n2

+ 1 - 2n > 0

do đó n2

+ 1 > 2n

Tương tự (n2

+ 1) - (n2

- 1) = 2

do đó n2

+ 1 > n2

- 1

Điều này nghĩa là n + 1 là cạnh dài nhất của tam giác có các cạnh n2

+ 1, n2

- 1, và 2n (trong đó n > 1).

Điều này cũng có thể thấy qua đồ thị sau đây (nhưng đồ thị không chứng minh được gì):

Theo định lý Pythagore, nếu tổng bình phương hai cạnh góc vuông bằng bình phương cạnh huyền thì tam giác đó là tam giác vuông. Do đó để chứng minh một tam giác là vuông góc chúng ta cần chứng minh điều trên.

Tổng bình phương hai cạnh góc vuông là (n2

- 1)2

+ (2n)2

(n2

- 1)2

+ (2n)2

= n4

- 2n2

+ 1 + 4n2

=

n4

+ 2n2

+ 1

Bình phương cạnh huyền là (n2

+1)2

(n2

+ 1)2

=

n4

+ 2n2

+ 1

Do đó tổng bình phương hai cạnh góc vuông bằng bình phương cạnh huyền và tam giác là tam giác vuông.

Và mệnh đề đảo của “Một tam giác có cạnh n2

+ 1, n2

- 1, và 2n (trong đó n > 1) là tam giác vuông” là “Một tam giác vuông phải có các cạnh bằng n2

+ 1, n2

- 1, và 2n (trong đó n > 1).”

Và ví dụ phản chứng là tìm một tam giác vuông nhưng các cạnh không thể viết dưới dạng n2

+ 1, n2

- 1, và 2n (trong đó n > 1).

Gọi

AB

là cạnh huyền của tam giác vuông ABC.

và cho AB = 65

và cho BC = 60

khi đó CA =

=

Gọi

AB

= n2

+ 1 = 65

vậy n =

do đó (n2

– 1) = 64 - 1 = 63

Do đó tam giác ABC là tam giác vuông nhưng không có các cạnh được viết dưới dạng

n2

+ 1, n2

– 1, và 2n (trong đó n > 1).

ĐPCM

[1]

Tôi tìm thấy câu này trong một cuốn sách khi Mẹ dắt tôi đến thư viện trong phố năm 1996.

[2]

Tiểu thuyết trinh thám của Aurthur Conan Doyle. (Các ghi chú dấu * đều của người dịch).

[3]

Nguyên bản tiếng Anh: His face was drawn but he curtains were real (*).

[4]

Đồng bảng Anh (*).

[5]

Thành ngữ tiếng anh “He was the apple of her eye” (ý chỉ người mà bạn yêu quý hơn tất thảy).

[6]

Thành ngữ tiếng anh “They had a skeleton in the cupboard” ý chỉ việc gì đó bất ngờ, xấu hổ… đã xảy đến với bạn hoặc gia đình bạn trong quá khứ mà bạn muốn giữ bí mật).

[7]

Apocryphal: ngụy tác, không đáng tin; đồng thời cũng có nghĩa là những giai thoại/văn bản không được đưa vào kinh thánh chính thức (*).

[8]

Đây không phải là

ẩn dụ

, nó là một so sánh, nghĩa là nó quả thật trông như có hai con chuột rất bé nấp trong lỗ mũi ông ta, và nếu bạn hình dung trong đầu bạn về một ông có hai con chuột rất bé trong lỗ mũi ông ta, bạn sẽ biết viên thanh tra cảnh sát nom giống cái gì. Và một so sánh không phải là nói dối, trừ phi nó là một so sánh dở.

[9]

Nhưng tôi không ăn Shreddies và không uống trà vì cả hai đều có màu nâu.

[10]

Corfu: một hòn đảo du lịch ở Hy Lạp (*).

[11]

Fork

, tiếng Anh vừa có nghĩa là cái nĩa dùng để ăn, vừa có nghĩa là cái chĩa làm vườn (*).

[12]

Dachshund: loài chó Đức có thân dài, chân thấp (*).

[13]

Special Needs: thường để chỉ người tàn tật, ý chỉ những nhu cầu đặc biệt mà một người có vấn đề về mặt tâm thần hoặc cơ thể cần (*).

[14]

Tương đương với tốt nghiệp trung học (*).

[15]

Có lần tôi không nói với ai trong 5 tuần.

[16]

Khi tôi 6 tuổi Mẹ hay bảo tôi uống món sữa ít béo có vị dâu trong cái ly đo lường và chúng tôi sẽ thi đua xem tôi có thể uống một phần tư lít nhanh cỡ nào.

[17]

Mọi người nói ta phải luôn luôn nói sự thật. nhưng họ nói như vậy mà không có nghĩa như vậy, vì ta không được phép bảo cho người khác biết nếu họ có mùi lạ hoặc nếu một người lớn vừa đánh rắm. Và ta không được phép nói “Tôi không thích ông” trừ phi người đó đối xử với ta xấu lắm.

[18]

Việc ngu đần là những việc chẳng hạn như đổ hết lọ bơ đậu phộng lên bàn trong bếp rồi lấy con dao san đều ra cho nó phủ khắp tới tận mép bàn, hay đốt đồ vật như đôi giày của tôi hay giấy tráng bạc hay đường trên bếp ga để xem chuyện gì xảy ra.

[19]

Tôi chỉ làm việc này một lần bằng cách mượn chìa khóa lúc bà đi xe buýt ra phố, trước đó tôi chưa từng lái xe và tôi mới 8 tuổi 5 tháng vì thế tôi lái xe đâm vào tường, và chiếc xe không còn ở đó nữa vì Mẹ đã chết.

[20]

Di chuyển ghế và bàn trong bếp thì được vì chuyện đó khác, nhưng tôi cảm thấy chóng mặt và buồn nôn nếu có ai dời sofa và ghế loanh quanh trong phòng khách hay phòng ăn. Mẹ thường làm như vậy khi bà hút bụi. vì thế tôi vẽ một sơ đồ đặc biệt ghi rõ chỗ để tất cả bàn ghế, rồi tôi đo đạc và sau đó đặt mọi thứ lại đúng chỗ, khi ấy tôi mới cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng từ khi Mẹ chết, Cha đã không hút bụi nữa, thế thật là tốt. Và bà Shears có hút bụi một lần nhưng tôi rên rỉ thế là bà quát Cha rồi bà không bao giờ hút bụi nữa.

[21]

Heart of Darkness: tiểu thuyết của Joseph Conrad (1857-1924), một nhà văn gốc Ba Lan (*).

[22]

Jack the Ripper là một biệt hiệu đặt cho một tên giết người hàng loạt không xác định được danh tính họat động ở khu vực Whitechapel và những quận gần

London, Anh vào giai đoạn cuối năm 1888 (*).

[23]

Get the third degree: thành ngữ ám chỉ “bị tra tấn kỹ càng”(*).

[24]

Món cà ri chay (*).

[25]

Dune là bộ phim khoa học giả tưởng năm 1984 của đạo diễn David Lynch, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Frank Herbert. Blake's 7 là phim khoa học giả tưởng nhiều tập do đài truyền hình BBC thực hiện từ năm 1978 đến 1981. Close Encounters of the Third King là bộ phim khoa học giả tưởng năm 1977 do Steven Spielberg viết kịch bản và làm đạo diễn (*)

[26]

The Masqueraders, 1928 (*).

[27]

Chaos: tiểu thuyết khoa học giả tưởng, NXB Viking Penguin, 1987.

[28]

Orion: chòm Lạp hộ; Lepus: chòm Thiên thổ; Taurus: chòm Kim ngưu; Gemini: chòm Song tử (*).

[29]

Điều này có thật vì tôi hỏi Siobhan người ta nghĩ gì khi họ nhìn sự vật, và cô nói như vậy.

[30]

Trong tiết vẽ chúng tôi học vẽ, nhưng trong giờ học sáng đầu tiên và giờ học chiều đầu tiên và giờ học chiều thứ nhì chúng tôi làm nhiều thứ khác nhau như

Đọc

và

Trắc nghiệm

và

Kỹ năng Xã hội

và

Chăm sóc động vật

và

Chúng ta làm gì lúc cuối tuần

và

Viế

t và

Toán

và

Đề phòng người lạ

và

Tiền

và

Vệ sinh cá nhân

.

[31]

Câu viết trên bảng cổ động đối xử tốt với người nhiễm HIV (*).

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #số