Hồi 1: Danh cũng như người?
Ở xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh xưa nay có lưu truyền không ít giai thoại, dễ nhận thấy nhất chính là những chuyện tình phong lưu của các công tử thiếu gia thời bấy giờ. Có kẻ để lại truyền kỳ về một mối tình khắc cốt ghi tâm, thủy chung nhất kiến, cũng lại có kẻ nổi danh vì hào hoa đệ nhất, dù sao cũng chỉ toàn là những chuyện gió trăng mây nước, để lại cho hậu nhân tùy nghi trong lúc trà dư tửu hậu mà mang ra đối ẩm luận bình.
Giai thoại thì vốn không ít, người nghe cũng là vô số kể, tuy nhiên vẫn có một câu chuyện này nếu đem ra tường thuật hẳn sẽ không có ai vào thời nay biết đến, mà dầu cho biết đến vẫn sẽ vì nội dung của nó mà nghi ngại lảng tránh.
Chuyện rằng vào những năm Pháp thuộc xưa ấy, ở tỉnh Vĩnh Long có nhà đại địa chủ kia mấy đời nhờ vào cây lúa mà tích góp được sản nghiệp đồ sộ, nổi tiếng giàu có lắm tiền nhiều của nhất xứ này. Đến đời thứ năm, đời của ông hội đồng Nhơn thì lại càng nổi danh hơn nhờ vào đức độ thiện nguyện, tấm lòng nhân ái của ông dành cho tá điền dân chúng.
Nhưng ông Nhơn này số định hiếm hoi, ít con ít cháu, cùng với vợ chỉ có duy nhất một người con trai, thường được dân ở xứ gọi là công tử Phước. Công tử Phước thuở thiếu thời cũng từng là tay chơi khét tiếng một vùng, có điều chơi bời là vậy nhưng ông vốn giống tính cha, rất nhân hậu bác ái, ăn chơi bao nhiêu thì ngược lại cũng thường xuyên từ thiện phát chẩn bấy nhiêu, vì vậy mà cũng được mọi người quý mến lắm.
Qua thời tuổi trẻ rong chơi, cũng đến lúc thành gia lập thất, công tử Phước được mai mối cho cô tiểu thư tên Quỳnh Hương ở làng bên. Ngỡ đâu rằng hôn nhân mối mai sẽ ít nhiều không được vừa ý người trong cuộc, ai ngờ lần đầu tiên ra mắt Phước đã liền rơi vào lưới tình trước cô tiểu thư hiền lành đoan trang, mà chính cô nàng cũng cảm mến chàng vì sự chân thành chu đáo.
Thế là hôn lễ diễn ra tận ba ngày ba đêm, làng trên xóm dưới ai nấy nô nức vô cùng, hai nhà quyền quý nhất nhì xứ này kết tình thông gia, vì muốn cầu lấy sự lành mà hai bên mở kho phát tiền phát gạo giúp đỡ bà con, khiến cho mọi người đều được hưởng lây luôn cái phúc ấy.
Còn nhớ đã có biết bao thiếu nữ thanh xuân chôn mộng dứt mơ vì thiếu gia hào hoa trong lòng các nàng giờ đã thành chồng người khác. Và cũng lại có bao nhiêu chàng trai si tình vỡ vụn con tim vì tiên nữ trong lòng họ giờ thành vợ người ta.
Chiêng trống vang trời, pháo hồng rực rỡ, rượu thịt ê hề, cứ như ngày hội, quả thực trai tài gái sắc sánh đôi, môn đăng hộ đối kết thành sui gia thì còn gì quý hoá hơn nữa cho bằng?
Chừng độ hai năm sau, mợ hai Quỳnh Hương sinh cho ông Phước một thiên kim ái nữ, nghe nói đâu đứa bé vừa chào đời gương mặt đã sáng lạng tựa trăng rằm, đến cả bà mụ sanh còn phải thốt lên rằng từ trước tới nay chưa từng đỡ cho nhà nào có đứa con đẹp đẽ đến vậy.
Tuy rằng con đầu lòng lại là bé gái, đáng lẽ vào thời điểm bấy giờ trọng nam khinh nữ là chuyện thường tình, nhưng ngược lại gia đình ông hội đồng Nhơn lại yêu sủng đứa cháu gái này hơn bất cứ thứ gì trên đời, dầu chưa biết ông Phước có thêm người con nào nữa không, và đứa con sau có phải là trai hay không thì ông Nhơn cũng đã mặc định gia sản này nhất định sẽ để dành cho cô cháu gái cưng ấy thừa kế!
Ông Phước ngẫm tên vợ mình là Quỳnh Hương, tên như người quả thực vô cùng mỹ miều đoan trang, vậy nên suy đi nghĩ lại quyết định đặt tên cho con gái là Dạ Lý, ngụ ý mong muốn đứa bé lớn lên sẽ như loài hoa Dạ Lý Hương kia, dẫu trong bóng đêm vẫn sẽ nở rộ rực rỡ, toả ngát hương thơm, không hề thua nhường bất cứ loài hoa cỏ nào khác.
Và quả nhiên cái tên đã vận vào người...
Càng lớn, Dạ Lý lại càng xinh đẹp rạng ngời, điểm tô thêm cho đôi mắt đen láy lúng liếng là làn da bạch ngọc dương chi, nhưng cơ hồ trắng đến mức đã có phần tái xanh, đôi môi son đào hồng nhuận chúm chím khiến người đối diện nhìn vào thật không khỏi cảm khái ba chữ "đáng yêu nha!", đôi gò má phúng phính luôn khiến người ta không kiềm lòng được mà muốn đưa tay nhéo một cái, vì vậy lúc nhỏ Dạ Lý thường hay bị mấy vị họ hàng nhéo má làm cho phát sợ, gặp người lạ là theo quán tính liền khóc nấc, như thế lại càng tăng thêm phần bé bỏng.
Nhưng...
Bắt đầu từ năm 6 tuổi, quả nhiên bây giờ đã tương ứng với mong ước "không hề thua nhường bất cứ loài hoa cỏ nào khác" của ông Phước rồi!
Dạ Lý là tiểu thư, sinh ra lớn lên trong nhung lụa sang giàu, từ tấm bé đã được yêu chiều cưng sủng hết mực, muốn gì được nấy thành ra lâu dần tính tình trở nên ngỗ ngược ngang tàng, đối với kẻ dưới luôn bày ra mấy trò oái oăm hà khắc để khuây khỏa mua vui. Có lần được người hầu dắt ra ruộng dạo mát, đi ngang qua đám trẻ chăn vịt, có đứa nhỏ vô ý vấp ngã làm vấy bùn vào ống quần lụa trắng của Dạ Lý, thế là đứa bé con mới có 6-7 tuổi đầu lại sai biểu tên người hầu trói đứa nhỏ kia vào ổ kiến lửa, còn mình thì đứng đó vỗ tay thưởng thức màn hành hạ này. Khi đưa được đứa nhỏ kia về nhà thì nó đã bất tỉnh, mình mẩy sưng tấy, nằm sốt liên miên mấy ngày liền. Ông Phước dù đã chạy tiền thuốc men thầy lang để đền bù nhưng đáng tiếc tuổi nó còn nhỏ quá, lại con nhà nghèo ăn uống kham khổ, sức yếu, bị kiến lửa bu cắn suốt mấy tiếng đồng hồ như vậy làm sao chịu nổi? Rốt cuộc đến buổi trưa vào năm ngày sau thì đứa nhỏ đó vong mạng.
Ông Phước và mợ hai Quỳnh Hương bỏ ra cả ngàn đồng Đông Dương để lo mai táng và bù đắp cho gia đình tá điền nọ mất con, nói rằng bỏ ra số tiền lớn như vậy dùng để đền bù hay bịt miệng thì cũng đều đúng cả. Nhưng có câu tiếng lành đồn xa, tiếng xấu lại càng đồn xa gấp bội, chuyện cô hai Dạ Lý mới 6-7 tuổi đầu đã hành hạ đến chết một sinh mạng rất nhanh loan truyền ra khắp thôn xóm, qua mấy miệt cù lao cũng biết, rồi không lâu sau là cả xứ Vĩnh Long này ai nấy cũng đều xôn xao luận bàn.
Họ nói rằng không ngờ gia tộc họ Nguyễn của ông địa chủ Nhơn nức tiếng nhân đức bấy lâu, nay lại sinh ra oan gia trái chủ, bề ngoài ngây ngô dễ mến, ai ngờ trong bụng lại là rắn độc ác tâm, còn thơ nhỏ mà đã bạo ngược, trưởng thành rồi ắt trở thành ác bá đè đầu cưỡi cổ tá điền!
Không phải hai vợ chồng ông Phước không biết dạy con, chỉ là không nỡ mạnh tay trách phạt, mà dựa vào cái "không nỡ" này nên Dạ Lý lại càng ngày trái khuấy, dù vậy vẫn không thay đổi được sự thương yêu của ông hội đồng Nhơn dành cho đứa cháu nhỏ của mình, phải nói rằng Dạ Lý bất cần gây hoạ một phần trách nhiệm lớn cũng phải thuộc về những người trưởng bối trong nhà này do không nỡ răn đe.
Năm ấy tai tiếng dữ dội đến mức, ông Phước phải bấm bụng đưa con gái nhỏ lên Sài Gòn đi học nội trú để tránh lời thị phi đàm tiếu, những tưởng xa cha cách mẹ, lại rời khỏi ông nội cưng yêu thì ở môi trường khác, cùng những người khác sẽ khiến Dạ Lý sửa đổi, không ngờ chỉ càng làm cho sự việc tồi tệ hơn khi liên tiếp hai ngôi trường nổi tiếng nhất đất Sài Thành đều gửi trả, mà nói thẳng ra là đuổi học Dạ Lý vì cái thói ỷ giàu hiếp nghèo, ỷ sang bắt nạt khó, kéo bè kéo phái đánh đập bạn học nhiều lần đến mức gây thương tích nặng nề! Tới nỗi dường như tiền của sau này làm ra đều chỉ để ông Phước bồi thường bù đắp cho những nạn nhân tội nghiệp bị thiệt hại dưới tay Dạ Lý con gái rượu của ông.
...
Cứ như vậy lay lắt, thời gian thắm thoắt thoi đưa, cô hai Dạ Lý đã được 13 tuổi rồi, và hôm nay là ngày cô rời trường trở về lại Vĩnh Long quê nhà vì...bị ngôi trường thứ tư đuổi học...
Ngồi trên chiếc xe hơi màu trắng bóng loáng chạy trên con đường đất, ngang qua mấy ruộng lúa để về lại nhà, Dạ Lý nhàm chán chống cằm ngáp dài ngáp dắn ngó ra bên ngoài, trông qua mấy cảnh vừa quen lại vừa lạ, nhưng chung quy đối với cô đều là quê mùa dơ bẩn khó ưa.
Về tới nhà, căn biệt phủ được trùng tu xây cất theo kiến trúc Pháp của gia tộc họ Nguyễn, Dạ Lý trên thân mặc chiếc đầm trắng phẳng phiu, đôi chân mang giày Tây vừa bước xuống xe liền vứt chiếc cặp da thuộc cho con bé người hầu đứng chờ sẵn rồi nghênh ngang sải bước vào nhà trong vô số tiếng "Thưa cô hai mới về!" của đám gia đinh, bỏ lại ông Phước đi lủi thủi đằng sau lắc đầu ngao ngán.
Chân còn chưa bước qua khỏi ngạch cửa thì giọng nói nũng nịu của Dạ Lý đã truyền vào tai ông hội đồng Nhơn đang ngồi xếp bằng uống trà trên bộ ngựa gỗ Xoan Đào rồi.
- Nội ơi, con về rồi nè! Ông nội trả thù cho con đi, đám dân đen học chung với con lại bắt nạt con nữa rồi a~
Dứt lời cũng là lúc cô sà vào lòng ông Nhơn dụi dụi, mà ông Nhơn cũng ôm lấy cô vỗ nhẹ lưng đầy thắm thiết, đáp.
- Ồ ồ, cháu vàng cháu bạc của nội về rồi đó à? Sao vậy? Đứa nào dám bắt nạt cháu gái cưng của ông nội? Nói ông nội nghe, ông lật nhà của nó lên luôn cho con xem!
Ông Nhơn vừa dứt câu này thì vừa hay ông công tử Phước cũng đúng lúc đi vào, có chút bất lực hướng cha mình mà nói.
- Cha lại chiều hư Dạ Lý rồi, nói vậy thì nó cứ làm tới.
- Mày mới làm tới! Đưa cháu tao đi học ở đâu xa lắc lơ, giờ còn để nó bị người ta bắt nạt.
Ông Phước lại thở dài, đây đã là lần thứ ba kể từ khi bước chân vào nhà.
- Cha! Có cháu ngoan của cha bắt nạt người ta, chứ ai dám bắt nạt nó?
Ông Nhơn ngó qua Dạ Lý như thể xác định lại lời nói con trai mình có đúng hay chăng. Quả nhiên, vừa nhìn tới thì đã thấy cô cháu gái ngoan ngoãn nở ra nụ cười lém lỉnh đắc ý.
- Ài...cái con bé này!
Ông Nhơn điểm nhẹ vầng trán Dạ Lý một cái, cô liền đó bật cười lên đầy khoái trá, hoàn toàn không để ý tới một cái bóng lấm lét đứng đằng sau tấm rèm âm thầm quan sát nãy giờ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top