chap 20

Chap 20
Lauren lấy cuốn sổ ghi nhật kí của Camila từ trong cặp ra. Cô xoa tay quanh lớp bìa bằng da cũ bên ngoài, tự hỏi đã bao lần Camila cầm nó trên tay giống thế này. Thật khó tin rằng chỉ cách đây vài ngày thôi, Lauren đã hôn chính cô gái viết cuốn lưu bút này.
Điện thoại cô bỗng đổ chuông, Lauren nhăn mày khi nhận ra đó là tin nhắn Facebook từ Sydney.
Sydney Max: Này, tớ vừa nhớ ra một chuyện. Hôm sau khi tốt nghiệp, cả đám bọn tớ phải quay lại phòng tập gym của trường để dọn dẹp và trả tủ giữ đồ cho trường. Camila vẫn chưa đi lấy đồ. Nếu tớ nhớ không nhầm, thì đồ đạc được để trong cái thùng kế bên khu vực ‘Tiếp Nhận và Gửi Trả đồ bỏ quên’ trong thư viện. Tớ nhắn vậy, phòng khi cậu cần biết.
‘Đúng là không uổng công cố gắng’, Lauren mừng thầm. Cô đứng dậy khỏi trạm chờ xe buýt và bước lên lề đường để đi về phía trường cũ. Đoạn đường đi tính ra cũng khá xa nhưng cô không thích phải ngồi chờ xe buýt đến. Thà rằng đi bộ cho bớt đi thời gian chết, vì Lauren không muốn ngồi yên đó mà chẳng làm gì.
Sau hơn nửa tiếng đi bộ, cuối cùng thì ngôi trường cũng đã hiện ra trước mắt. Lauren đứng sững người nhìn khung cảnh quen thuộc ấy, trong lòng như có sóng động, cô nhớ lại những kí ức khủng khiếp đã giày xéo cô suốt những năm qua, ngay bên dưới mái trường này. Rồi Lauren chầm chậm bước gần đến cổng chính, dẹp bỏ sự kiêu ngạo và tổn thương của một thiếu nữ tuổi đôi mươi. Cánh cổng bị khoá trái, phía bên trong sân trường vắng tênh, không có lấy một bóng người, cô mới chợt nhớ hôm nay là ngày thứ Bảy.
Nhưng Lauren lập tức nhớ ra gì đó, cô chạy vòng lại phía sau trường để tìm khu vực chứa hệ thống nâng dỡ hàng hoá. Thức ăn được giao đến cho khu ăn uống thông qua xe tải, những chiếc xe ấy sẽ đậu ở đây để vận chuyển thức ăn vào nhà bếp. Lúc còn học ở trường, có lần cô bị cấm túc và bị phạt lao động công ích, cô phải phụ bưng những hàng hoá nhẹ cân vào kho. May thay, Lauren vẫn còn nhớ mật mã họ dùng để mở khoá vào trong trường.
6022.
Cô nhập số vào bàn phím và chờ đợi. Lát sau, có một tiếp ‘pip’ nhỏ vang lên và tiếng cót két của cánh cổng tự động mở khoá. Lauren ngó xung quanh lần cuối cùng trước khi bước vào bên trong.
Đứng từ nhà bếp nhìn sang sẽ thấy thư viện nằm ở đối diện tiền sảnh, phải đi dọc qua một dãy hành lang khá dài. Lauren bước vội đi, tiếng bước chân của cô vang lên rõ mồn một giữa sân trường vắng bóng người, gió tạt qua nhánh cây me xào xạt, Lauren có hơi rung động, lại nhớ đến những năm tháng qua sao mà trôi nhanh đến thế, và rồi cô trở lại đây để làm một việc cô chẳng thể nào ngờ tới, đúng thật là trớ trêu…

Cửa phòng thư viện đã được tu sửa lại, các hàng sách nay đã gọn gàng và vị trí đặt sách cũng khoa học hơn, Lauren lướt qua các dãy sách văn học, rồi lại đến sách kĩ năng mềm, sau kệ sách ấy là khu vực công vụ. Một biển hiệu lớn ‘Tiếp Nhận và Gửi Trả đồ bỏ quên’ ở góc nhà đập vào mắt cô.
Lauren vội chạy đến, trước kệ đặt một cái thùng to mà Sydney đã có nhắc. Cô khuỵu gối xuống kế bên, trong lòng có hơi lưỡng lự.
‘Mình có thực sự muốn làm điều này không?’
‘Liệu còn có những thứ khác tệ hơn cả những thứ mà mình đã tìm thấy chăng?’
Cố hết sức gạt đi những bất an, Lauren chầm chậm mở nắp thùng ra và quan sát phía bên trong. Cô kéo ra được một xấp giấy kẹp lại với nhau, rồi nhìn chúng tò mò.

‘Nếu cuộc đời bạn là một quyển sách và bạn là tác giả, quyển sách ấy sẽ có tựa là gì và tại sao?’

Lauren tròn xoe mắt khi cô đọc dòng tiêu đề trên tờ giấy. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là bài diễn văn tốt nghiệp. Thật thú vị. Lauren hít một hơi sâu, chuẩn bị tinh thần để đọc những thứ sắp đến.

“Ba mẹ tôi mất khi tôi vừa lên sáu. Mỗi khi tôi ngỏ lời tâm sự, nói rằng tôi có thể cảm nhận được ba mẹ luôn ở bên cạnh mình như mới ngày hôm qua vẫn còn đây; những lúc ấy, mọi người nhìn tôi với ánh mắt ái ngại như thể họ đang đối diện với một bệnh nhân tâm thần. Nhưng là thật đấy. Tôi vẫn nhớ như in từng mảnh kí ức dù là nhỏ nhặt nhất về họ…

Tôi nhớ ba hay tự vẽ lên bàn tay của mình, và mẹ tôi sẽ cằn nhằn ông vì để màu sơn dầu lem luốc lên trên bộ quần áo mới. Ông là hoạ sĩ, và mẹ tôi là kế toán viên.

Thật ngộ phải không, bởi nói ra chẳng ai nghĩ rằng họ có thể yêu nhau cả. Một người phụ nữ làm chủ và điều khiển những con số, biết tất tần tật những phép toán phức tạp, với một người đàn ông chỉ biết mỗi việc đọc giờ đồng hồ là đúng. Thế nhưng rõ ràng là họ đã phải lòng nhau đấy thôi.

Tôi không biết nhiều về chuyện tình và cuộc sống lúc trước của họ. Tôi không còn ai thân quen để hỏi về những việc đó nữa, ngoài ông cậu Tom ra. Nhưng mỗi khi tôi cố hỏi thông tin về ba mẹ mình, ông ấy đều tránh né và nói lảng sang chuyện khác. Thế nên những lần ấy, tôi thôi không còn hỏi nữa.

Dù vậy, có một điều tôi nhớ nhất về ba mẹ mình, đó là họ rất yêu màu sắc. Đặc biệt là ba tôi. Tôi thường ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ trong phòng tranh và quan sát ông phối bản màu. Những ngày vui nhất có lẽ là những ngày tháng ba dựng một giá vẽ nhỏ cho tôi, và tôi sẽ dùng ngón tay bé nhỏ của mình để vẽ. Tôi luôn cố vẽ cho giống ông, nhưng đến cả một chút khéo léo tôi cũng chẳng có, nên chưa lần nào bức tranh trên giá hoàn chỉnh cả. Thế nên tôi quyết định tự vẽ cho riêng mình một bức mới - một bức tranh chỉ có mỗi màu vàng.

Những năm tháng trẻ con, màu vàng là màu yêu thích của tôi bởi vì nó là màu của nắng, màu của mì ống và là màu của phô mai. Tôi thích nắng lắm, mẹ đăng kí học lớp may vá chỉ để bà ấy có thể may cho tôi một con cún nhồi bông làm quà sinh nhật. Tôi đặt nó tên là Sunny, nghĩa là nắng. Đến bây giờ tôi vẫn còn giữ nó bên cạnh mình.

Ý nghĩa của sắc màu tuổi thơ thay đổi trong tôi vào một đêm cuối đông. Chính xác hơn thì đó là đêm hôm trước Giáng Sinh. Gia đình tôi đến Colorado để nghỉ lễ tại một khu vui chơi trượt tuyết. Hôm ấy, tôi nhìn thấy tuyết lần đầu tiên trong đời, cảm giác hơi sợ hãi vì trời đông mà có tuyết thì càng lạnh thêm, cái lạnh mà tôi chưa bao giờ trải qua ở Miami. Dù vậy sau này, tôi đã dần dần thấy thích tuyết hơn.

Đêm vọng lễ năm ấy tôi còn nhớ rất rõ, nhớ ba mẹ đã bắt tôi phải đi ngủ sớm vì ông già Nô-en sẽ ghé thăm. Trong khu vui chơi có một cái nhà trẻ với xích lô, nhà banh, ba mẹ đã gửi tôi ở đó sau bữa cơm tối. Lúc ấy tôi mếu máo vì sợ. Ba mẹ đã bỏ tôi ở đấy mà đi, họ chưa bao giờ nói cho tôi biết họ đi đâu, ngờ đâu đó là lần cuối cùng tôi có thể nhìn thấy ba mẹ mình. Thật đau xót!

Tôi sau đó nhận ra rằng họ đã mua thiếu một thứ quan trọng trong danh sách quà Giáng Sinh – đó là một chiếc đầm công chúa màu vàng. Lòng tôi giận dỗi và ghét ba mẹ vô cùng…

Tôi nhớ có một người nhân viên khu vui chơi đi vào phòng, trông bà ấy rất gấp gáp, chưa đến cửa phòng đã vang lại tiếng bước chân hỗn loạn. Người phía trước nhìn thấy bà ấy đi vào, gọi một tiếng: “Chuyện gì vậy?”

Ánh mắt bà ấy sắc lẹm, lại nhìn chằm chằm vào tôi đang ngồi thu mình ở một góc trên sofa, lát sau mới nặng nề hỏi: “Karla Cabello?”

Tôi giật cả mình, theo phản xạ vội cúi gằm mặt thu mình trong nơi sâu nhất của chiếc sofa đó, vờ như không nghe thấy. Bỗng nhiên bà ấy đi lên phía trước kéo tôi dậy, tôi oà lên khóc, bọn trẻ trong phòng đều nhìn tôi vô cùng sợ hãi, người tôi nhẹ bẫng như người giấy, bất lực để bà ấy bế ra xe.

Lát sau chiếc xe dừng trước cửa một bệnh viện lớn, tôi được dẫn đến cho một người y tá khác. Người này trẻ hơn, cô ấy nói rằng ba mẹ tôi đã gặp tai nạn, và rằng cậu và mợ của tôi đang trên đường đến đây.

Tôi không thể nào ngừng hỏi cô ấy những câu hỏi mà tôi còn chẳng biết phải mở lời thế nào. Cảm giác lúc đó thật quá sức chịu đựng đối với một đứa bé như tôi. Cuối cùng người phụ nữ lúc nãy đến và ngồi xuống cùng tôi trong một căn phòng nhỏ. Bốn bức tường phủ một màu vàng ấm cúng. Thương thay cho tôi, tại bởi căn phòng ấy được sơn một màu vàng thật ấm áp, hạnh phúc, nhưng sao mọi thứ lại trở nên buồn thảm, thê lương đến thế này?

Cũng trong căn phòng ấy, người phụ nữ giải thích rằng ba mẹ tôi bị tai nạn giao thông, mẹ tôi đã mất ngay tại hiện trường. Tôi không có kí ức nào về việc mình đã khóc. Có lẽ tôi chưa đủ lớn để hiểu được những gì người phụ nữ kia nói.

Dường như thấy tôi không có biểu hiện sốc, nên bà ấy mới cho phép tôi đi về gặp ba. Tất cả chấn thương của ông đều là nội thương, nên tôi trông ông rất khoẻ vì bên ngoài da dẻ vẫn hồng hào như thể ông chỉ đang nằm ngủ. Tôi chạy ra khỏi vòng tay của người y tá và nắm lấy cánh tay đầy cơ bắp của ba, tôi lắc lư để đánh thức ông dậy. Mấy người lớn trong phòng đành phải ôm tôi ra khỏi giường bệnh.

Tôi được dặn là phải ngồi đợi trên chiếc ghế gỗ ở góc phòng chờ, trong khi cậu mợ tôi đang bay đến Colorado để đón tôi về. Họ hàng, người thân bên phía nội và ngoại của tôi không còn ai khác, chỉ có cậu mợ là gần gũi với gia đình tôi thôi.

Tiếng ồn ào nổi lên, một đứa con gái trạc tuổi tôi được dẫn vào gặp ba mẹ của nó. Đứa trẻ ấy chính là con gái của người tài xế đã đâm vào xe ba mẹ tôi trong vụ tai nạn. Tôi nhìn thấy nó nhảy lên tay ba nó, cười khúc khích hạnh phúc. Tôi nhìn sang bà mẹ, trên tay bà ấy chỉ có một vết trầy hơi ửng đỏ, bà ấy xúc động đến khóc, nói không thành lời, cứ mếu máo cảm tạ thượng đế đã thương mà cho gia đình họ được bình an.

Tôi không sao quên được sự ganh tị cực điểm trong lòng mình lúc đó. Bởi vì những con người trước mặt tôi đây đang nói về chuyện họ sẽ đi chơi, đi mua bột ca cao nóng về nhà và đợi ông già Nô-en đến thăm. Trong khoảnh khắc đó, tôi ngồi một mình ở góc phòng, lòng tự hỏi tại sao mẹ của nó được sống, và tại sao ông bố lại không bị đau. Lúc đó, tôi chỉ ước mình có thể hoán đổi vị trí với con bé ấy. Nó còn có cả một đôi ủng đi tuyết màu vàng thật đẹp biết bao…

Cuối cùng, cậu và mợ tôi cũng đến nơi. Mợ Susie là người tôi thích nhất chỉ sau ba mẹ. Ba tôi hay gọi mợ ấy là ‘Belle miền Nam’. Mợ được lớn lên ở trang trại xứ Montana, mợ ấy luôn cười và biết ơn vì tất cả mọi thứ. Mợ thích hái hoa, cắm vào bình và đem chúng đặt trong phòng bếp.

Khi còn nhỏ, ba mẹ tôi có nói rằng cậu Tom không thích trẻ con cho lắm. Nhưng tôi dành hầu hết thời gian chơi đùa cùng mợ Susie, thế nên dù sao, tôi cũng không bận tâm đến cậu nhiều.

Cậu mợ đưa tôi về nhà và dẫn tôi đi khắp các ngõ ngách của căn nhà để chỉ vị trí các đồ vật. Tôi nghĩ trong đầu họ thật ngộ nghĩnh và kì lạ, bởi vì tôi đã được đến nhà họ hàng triệu lần trước đây rồi cơ mà.

Nhưng sau đó họ chỉ cho tôi phòng ngủ mới, nơi mà mợ Susie bảo chúng tôi có thể sơn tường màu vàng. Tôi nhớ rõ mình đã oà lên khóc khi nhận ra rằng tôi sẽ không bao giờ được quay trở về nhà mình nữa.

Ngày đám tang ba mẹ, tôi đã tạo ra cho mình một lập luận, đó là tôi ghét đám tang nhất trên đời. Thứ nhất, bởi vì đám tang ba mẹ xảy ra đúng vào ngày sinh nhật thứ bảy của tôi. Và thứ hai, bởi vì tôi ghét màu đen, nhưng tôi bị bắt phải mặc một chiếc đầm màu đen. Khi mợ mặc nó vào cho tôi, tôi liền oà lên khóc, và Tom thì bắt đầu hét vào mặt tôi. Mợ Susie sau đó đã trách ông ấy, và bảo ông ấy rằng tôi khóc là lẽ đương nhiên, vì hôm đó là một ngày buồn. Trên đường đi dự lễ tang, mợ ngắt một nhành hoa cúc dại bên đường cho tôi gắn vào chiếc đầm để nhìn nó không còn buồn nữa. Hoa cúc từ từ nở ra trên áo, giống như tơ lụa mềm mại, nhưng rõ ràng là thật, hương thơm phảng phất lan toả. Tôi lấy một bông cúc cài lên tóc mợ, bông hoa trắng nho nhỏ nằm im trên mái tóc óng ả của mợ buổi sương sớm, trông đẹp tựa như tranh…

Tôi không thích phải chuyển trường, bởi tôi phải làm quen với bạn mới, mà tôi thì không giỏi bắt chuyện với mọi người. Tôi chưa bao giờ giỏi việc đó. Khi tôi đứng lên giới thiệu bản thân với cả lớp, giáo viên có hỏi màu sắc yêu thích của tôi là gì. Tôi nói dối rằng đó là màu hồng, bởi vì đó là màu mà mọi đứa con gái khác trong lớp đã trả lời. Thêm vào đó, tôi rất muốn ghét màu vàng. Nhưng không sao ghét được.

Năm tôi học lớp năm, tôi đã gặp người giáo viên lí tưởng của mình. Cô Browne. Cô luôn mặc đầm sáng màu, và cứ luôn miệng nhắc nhở cho cả lớp nghe đối với cô ấy, lớp chúng tôi quan trọng đến nhường nào. Tôi rất cảm kích vì có một nguồn động lực ở trường, được cô ủng hộ, bởi vì ở nhà mọi thứ thật sự khó khăn.

Tôi vào học được hai tháng thì mợ Susie bệnh nặng. Lúc đầu, mọi người cứ nghĩ mợ bị cảm cúm thông thường. Rồi mợ đi khám bác sĩ, mua thuốc về, vài ngày sau thì bình thường trở lại.

Nhưng đến một tuần sau, mợ lại trở bệnh. Lần này, thuốc không còn tác dụng như trước nữa. Nửa đêm hôm ấy, tình trạng của mợ rất tệ. Cậu Tommy muốn đưa mợ vào bệnh viện, nhưng mợ cứ nhất quyết không chịu đi, còn khăng khăng bảo rằng sẽ chịu đựng được cho đến khi trời sáng.

Thế nhưng… mợ đã không thể chờ đợi được cho đến khi trời sáng...

Sáng đó, tôi còn nhớ mình chạy vội vào phòng để đánh thức mợ dậy. Tôi rất hào hứng bởi vì hôm đó ở trường tổ chức hội trại, và mợ thì đã hứa sẽ giúp tôi hoá trang, sửa soạn. Dù chỉ nhận được vai cá mập phụ nhưng tôi vẫn rất nóng lòng, háo hức.

Đường dẫn hơi nước trong phòng ấm áp, chiếc màn rủ xuống vô số tua màu trắng nhẹ như mây, lả lướt bao vây lấy chiếc giường. Cạnh giường mợ có đặt một bình hoa mao lương và hoa bồ công anh tôi đã hái tặng mợ hè năm ấy. Chúng đã héo rũ mục nát, nhưng mợ vẫn không buồn mang vứt ra khỏi phòng. Điều đó khiến tôi thấy thật đặc biệt.

Khi mợ không tỉnh dậy nữa, tôi bắt đầu hét lên gọi cậu. Tôi cứ thế lung lay cánh tay của mợ, cố lấy tay mở mắt mợ ra. Ngay lúc đó, tôi đã hiểu được cái chết sẽ trông như thế nào, vì ba tôi ra đi khi trông ông như đang say giấc ngủ. Nhưng chẳng hiểu sao, tôi không muốn chấp nhận điều đó, tôi cứ nghĩ mình cần phải làm gì đó để cố cứu mợ ra khỏi giấc ngủ ngàn thu này.

Và hôm ấy là lần đầu tiên cậu Tom đánh tôi. Ông ta cố kéo tôi ra khỏi người mợ Susie, nhưng tôi không chịu đi. Tôi vẫn ngồi khư khư đó lung lay cánh tay mợ. Ông ấy không chịu nổi nữa, ‘bốp’ một tiếng tát tôi thật mạnh: “Cút đi!”.

Nửa khuôn mặt tôi bỏng rát, hằn những lằn tay đỏ ửng. Tôi bắt đầu bật khóc to hơn, nhưng ông ta mặc kệ và bế mợ Susie đi ra ngoài xe. Phía bệnh viện thông báo với chúng tôi rằng mợ đã mất trước đó khá lâu, trước khi tôi vào đánh thức mợ dậy.

Tôi không trở lại trường học đã một tuần. Cô Browne và cả lớp viết thiệp an ủi cho tôi, mặt trước tấm thiệp có dán một con chim nhỏ màu vàng. Tôi đặt nó ở đầu giường để cầu may mắn.

Một tối Chủ nhật nọ, cậu Tom lại đánh tôi lần thứ hai. Chả là ngày hôm sau tôi phải đến trường, nhưng tối đó tôi không tài nào tìm được chiếc cặp của mình, tôi bắt đầu vội vã, cuống cuồng hết cả lên bởi vì trước nay mợ Susie luôn chuẩn bị đồ ăn trưa cho tôi, giúp tôi xỏ giày,… Tôi có thể kể ra hàng tá việc mà nếu không có mợ, tôi chẳng thể nào tự mình làm cho ra hồn được.

Trong lúc chạy quanh nhà tìm cặp, cậu Tom cứ nhắc nhở tôi phải giữ im lặng. Nhưng tôi cứ đâm đầu đi tìm cho bằng được chiếc cặp táp, hết chạy vào nhà dưới lại chạy vào nhà trên lục lọi khắp hộc tủ, sau đó tôi đã lỡ làm rơi chồng giấy trên bàn của ông ấy.

Điều tiếp theo tôi còn nhớ được là, ông ấy xách tay tôi lên và tát thẳng vào mặt tôi. Lúc đó tôi vô tình nhìn thấy một chai bia trên bàn làm việc, và mở miệng ra hỏi có phải ông ấy là một con sâu rượu hay không. Lí do tôi thắc mắc cũng khá đơn giản, đó là vì chúng tôi vừa mới được học về các chất có cồn ở trường. Nhưng điều đó càng làm ông ấy nổi điên hơn, ông doạ sẽ đánh tôi lần nữa. May thay, tôi đã chạy được lên lầu và trốn vùi trong chăn.

Dù vậy, chuyện không dừng lại ở đó. Nó cứ tiếp diễn mãi đến những năm cấp ba, càng lúc càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng ông trời thương tôi, sớm muộn gì rồi tôi cũng sẽ cút ra khỏi nhà ông ấy thôi.

Vậy nên nếu có thể đặt tên cho câu chuyện về cuộc đời mình, tôi sẽ đặt nó tên là ‘Nắng’. Bởi vì thật là hay, nắng có màu vàng, cái màu đã gắn liền với những kí ức tươi đẹp của tuổi thơ tôi. Đồng phục liên hoan của trường tôi có màu vàng. Chiếc đầm dạ hội của tôi có màu vàng. Khi người bạn trai đầu tiên ngỏ lời mời tôi đi ra ngoài chơi, tôi đang mặc một chiếc đầm vàng với chiếc băng đô màu trắng trên đầu. Món quà Giáng Sinh duy nhất mà cậu Tom tặng tôi đó chính là một đôi bông tai màu vàng, khi tôi mười ba tuổi. Dù không phải là thứ quà đẹp nhất từ trước đến giờ, nhưng tôi luôn khắc sâu vào lòng mình bởi đó là món quà từ cậu Tom.

Tôi mất nụ hôn đầu đời của mình cho một chàng trai đeo niềng răng có viền màu vàng. Lần đầu tiên tôi uống rượu là trên chiếc ghế cũ kĩ màu vàng ở tầng hầm nhà hàng xóm. Tôi nhận ra mình là gay khi thấy cô gái trong mộng của mình mặc một chiếc áo khoác đựng đầy nắng.

Với tôi, màu vàng là màu của nắng, còn màu của nắng là màu của hạnh phúc. Thật vậy, các cậu không thể nào nhìn vào màu sắc ấy mà cảm thấy buồn phiền cho được. Tôi nghĩ đây sẽ là câu châm ngôn của mình trong cuộc sống: “Tôi sẽ nở một nụ cười thật đẹp kể cả khi đang bị tổn thương, bởi vì tôi biết rồi mọi thứ cũng sẽ chóng qua đi thôi”…

[CAMILA – VIẾT PHẦN KẾT BÀI Ở ĐÂY RỒI NỘP ĐẠI ĐI, ĐỒ NGU. VỚI LẠI QUÊN NỮA, CÓ SỐT CHIPOTLE CÒN DƯ TRONG TỦ LẠNH ĐÓ, ĐỪNG QUÊN NHA]

Lauren phì cười khi cô đọc dòng note Camila đặt vào đoạn văn đang viết dở, rồi lại lau đi dòng nước mắt trên mặt. Thật tình cờ, nhưng cô đã hiểu hơn về tuổi thơ của Camila.
Lauren ngồi đó hồi lâu, đọc qua đọc lại tờ giấy. Tim cô như tan vỡ khi biết được những việc Camila đã phải trải qua. Camila không đáng bị như thế. Lauren ước rằng cô có thể biết những điều này khi còn ở trường trung học. Có lẽ cô có thể giúp được cho Camila phần nào và ngăn vụ tai nạn kia không xảy ra.
Thở dài, Lauren gấp đôi xấp giấy lại và nhét vào cặp. Cô vét hết chiếc thùng, chỉ tìm thấy được một nắm dây cột tóc, vở soạn bài toán, và một đôi giày tennis.
Cảm thấy không còn gì quan trọng để lấy đi nữa, Lauren quay về lại phía sau trường và ra khỏi cánh cửa lúc nãy. Cô đóng cửa thật kĩ trước khi lấy điện thoại gọi taxi, rồi đứng giậm chân lo lắng trước cổng trường trong thời gian chờ đợi.
Hơn một tiếng trôi qua, cô đang đứng ở sân bay, chờ máy bay cất cánh. Đưa vội tấm vé cho người phụ nữ mặc đồng phục, cô nhanh chóng tìm một chỗ ngồi cạnh cửa sổ trên máy bay. Lauren gần như ngủ thiếp đi ngay lập tức, cơ thể mệt lả vì không được ngủ suốt hai ngày qua.
Cô giật mình thức giấc bởi một cơn ác mộng. Sau khi liếc nhìn xung quanh để xem có ai nhìn thấy cảnh tượng đáng xấu hổ ấy hay không, cô thở dài một hơi và đưa tay ôm lấy ngực, vì nơi đó, trái tim cô đang đập nhanh như thế.
Trong cơn mê, Camila đang ở trong tù, và đang bị vây quanh bởi một đám tù nhân, cô sợ hãi, gương mặt thất thần. Lauren cũng ở đó, nhưng cô không thể nói hay cử động được, chỉ biết đứng nhìn trong sự bất lực vô hạn. Camila vẫn kêu gào, gọi tên cô, cầu xin sự giúp đỡ nhưng Lauren không thể làm gì khác, giống như lúc cô đứng như trời trồng nhìn Camila bị bắt đi. Ý nghĩ Camila có khả năng sẽ vào tù làm Lauren sợ tới chết.
Cô cố lấy lại hơi thở đều, rồi lau đi những giọt nước mắt phẫn nộ đang đọng lại trong khoé mắt. Tất cả những gì Lauren muốn là mang Camila trở về, đưa cô gái nhỏ ấy thoát khỏi quá khứ ám ảnh kia và chứng minh cho cô ấy thấy tất cả mọi người đều không hẳn đã xấu xa, tàn bạo như người cậu Tom của cô. Camila khó khăn lắm mới thoát khỏi cái địa ngục tăm tối kia, và cô gái ấy không đáng bị quay lại nơi đó một lần nào nữa... Lauren thấy tim mình đau nhói, cô cứ suy nghĩ mãi rằng Camila vẫn giữ được sự ngây thơ đến bây giờ, vẫn hồn nhiên vô tội như chính bản chất con người cô vốn đã vậy.
Suốt quãng đường bay còn lại, Lauren nhìn đăm chiêu ra ngoài cửa sổ. Sẽ thế nào nếu chuyện đó xảy đến với Camila lần thứ hai? Cô gái nhỏ ấy chắc hẳn sẽ sợ hãi đến điếng người. Lauren tự hỏi liệu người ta có thay đồ cho cô không, hay cô đã ăn gì cả ngày hôm nay chưa? Sự lo lắng, bồn chồn khiến Lauren muốn điên lên, cho đến khi tiếng máy bay hạ cánh ù ù bên tai, đưa cô thoát khỏi những suy nghĩ mông lung.

Hành khách bắt đầu ùa ra ngoài máy bay, Lauren vội vã thấy rõ. Cô gửi một dòng tin nhắn vội cho những cô bạn để thông báo mình đã hạ cánh an toàn. Lauren sau đó đi thẳng đến nhận hành lí và kiểm tra đồ đạc. Lúc sau, cô cuối cùng cũng gọi được một chiếc taxi về nhà.

Cô rời sân bay vào lúc phố đã lên đèn, những rặng cây hai bên đường lướt qua, in bóng lên cửa kính đen, cứ nối tiếp nhau lướt qua chẳng thấy được điểm dừng. Lòng cô lại dâng trào một cảm giác khó tả, chẳng hiểu sao lúc này cô lại thấy nhớ gia đình mình ở Miami, ánh mắt xanh biếc của cô nhìn xa xăm, đôi mắt ấy rưng rưng trong ánh chiều tà nhuộm màu lam thẫm, long lanh phản chiếu ánh đèn vàng dội xuống bên đường, trông đẹp đẽ lay động lòng người.
Lauren cảm ơn người tài xế và lê bước vào sảnh đợi với chiếc ba lô nặng trịch. Cô bước vào thang máy, cảm tưởng như nó cứ lên mãi lên mãi mà chẳng thể đến được tầng nhà mình. Nhưng rốt cuộc cô cũng đến nơi, lấy chùm chìa khoá tra vào cửa, rồi lê bước vào nhà. Các cô bạn trong nhà đang ngồi trên chiếc ghế dài, Dinah là người đầu tiên ngoảnh lại, thấy Lauren, cô vui mừng khôn xiết.
Giây phút vòng tay Dinah choàng qua người Lauren, ôm cô một cái thật chặt, Lauren cảm động muốn khóc oà lên như một đứa trẻ. Liền sau đó cô được bao quanh bởi những vòng tay khác, những cô bạn cũng trông tàn tạ không kém vì mong chờ suốt hai ngày qua. Lauren khóc nức nở:
“Cậu ấy không đáng gặp chuyện như thế”.
Cả nhóm buông nhau ra và mọi người dắt Lauren đến chiếc ghế đệm. Ally khẽ vỗ vai Lauren, hỏi:
“Thế cậu tìm được gì không?”
Lauren thở dài, cô gật đầu nhiều cái và bắt đầu lục ba lô, sau đó lấy ra cuốn lưu bút và xấp giấy, cầm thật chặt như thể đó là những báu vật quý giá.
“Cậu của Camila là một kẻ ưa bạo lực”, Lauren cắn môi và chớp mắt, nước mắt lại trào ra. Cô lật qua các trang của cuốn lưu bút mà Camila đã ghi nhật kí vào, nhớ lại những lời Camila đã viết nguệch ngoạc xuống những mặt giấy mốc, đoạn lại nức nở: “Có lẽ mọi chuyện chỉ từ tệ đến tệ hơn sau vụ tai nạn”.
“Nhưng còn khẩu súng thì sao?” Normani lên tiếng, cố suy nghĩ một cách lô gíc. Lauren lật qua những trang giấy của cuốn lưu bút cho đến khi tìm thấy điều mình cần tìm, cô nói:
“Ông ta đe doạ cậu ấy với khẩu súng”, nói đoạn cô lướt ngón tay trên những dòng chữ nổi: “Cậu ấy bảo đã gỡ hết đạn ra, nhưng ông ta lắp vào lại”.
“Nếu ai đó doạ tớ với khẩu súng, tớ sẽ bắn hắn, một phát một”, Dinah siết chặt nắm tay trong giận dữ.
Ally suy nghĩ một lúc, rồi nói:
“Nếu như tớ nhớ không lầm, thì ông ta đã mắc lỗi sở hữu súng không khoá chốt an toàn và lên nòng súng, phải không? Lớp tớ phải nghiên cứu một luận văn cho phiên toà giả định điều tra tội phạm, và tớ nhớ trong đó có đề cập đến một trường hợp như vậy”.
“Hi vọng là vậy”, Lauren đóng cuốn sổ lại và đặt nó trên đùi. “Chứ nếu mà ông ta có thể che giấu hành vi bạo lực của mình những năm qua, còn Camila thì bị truy tố vì bảo vệ bản thân, tớ không biết mình phải làm gì nữa”. Giọng cô đứt quãng vì tiếng nấc nghẹn và cô đưa tay lau vội những giọt nước mắt sắp chực trào ra.
Normani thở dài:
“Chúng ta đành phải hi vọng mọi chuyện không xảy ra theo hướng đó”.
Lauren cáu gắt đứng dậy:
“Camila không cố ý làm tổn thương một ai cả!”, nói rồi cô bắt đầu đi đi lại lại trong phòng khách để cố hạ cơn giận xuống.
“Họ nên nhận ra điều đó chứ”, Dinah tán thành, đoạn bước đến bên Lauren và giữ cô lại. Cô gái Polynesia đặt tay lên vai Lauren để khiến cô tập trung:
“Laur, mặt cậu trông như đống cứt, cậu nên đi ngủ đi”.
“Tớ biết rồi”, Lauren thở dài và lắc đầu. “Nhưng tớ không thể ngủ được”.
“Lauren…”
“Tớ ổn, Dinah”, Lauren nói rồi ngồi lại xuống ghế và gác chân lên:
“Chúng ta có thể xem TV không? Tớ không muốn nghĩ hay nhắc thêm gì về chuyện này nữa”.

Không một ai nói thêm gì, Dinah lấy chiếc điều khiển và bật sang một kênh khác, vì biết rằng các cô gái sẽ không ai muốn xem chương trình ‘Những người bạn’ mà không có Camila. Lauren cố hết sức mình để không gục xuống ngủ, nhưng đầu cô bắt đầu gật gù và cuối cùng mí mắt cô nặng trĩu như có hai quả cân đính lên, kéo xuống. Giấc ngủ ghé qua cô chỉ chưa đến mười phút đầu của chương trình. Gió đêm luồng qua khe cửa, mang theo hơi sương se lạnh của màn đêm u tối, tiết trời đã vào đông…

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top