1. Kim Huyễn Đình
Mùa hè, những tầng hơi nóng từ trên trời liên tục dội xuống thành phố này. Mặt đường nóng dần, phả ngược lại lên trời một bầu không khí ngột ngạt khiến người ta tưởng như không khí đang dần dẻo lại, quấn quanh cơ thể họ, cướp đi cái cách thở nhẹ nhàng họ vẫn có thường ngày. Trong sự bức bối ấy, con người chỉ muốn chạy đi, trốn khỏi khí trời này, nhưng toàn bộ thành phố này đều là mùa hè.
Lớp học thêm vào mùa hè không khác gì một nhà tù. Nơi đó, các thiếu niên nóng nảy với những áp lực của cuộc thi cao khảo sắp tới. Giáo viên càng dễ nổi nóng hơn với biểu hiện của các học trò. Mọi người dồn lại trong một phòng học, chất chồng xung quanh là những tài liệu có thể tính bằng tạ, ai nấy đều đổ mồ hôi, tranh nhau từng hớp không khí. Rất nhiều ngọn lửa cùng được châm lên ngay tại đó. Lửa của sự bức bối, lửa của các cơn giận, lửa của sự tủi thân, lửa của những oán hờn.
Kim Tuyết Á ngồi trong lớp học nhớ về khoảng thời gian lúc cô còn ở Hàn Quốc cùng với gia đình. Chưa bao giờ cô phải trải qua một mùa hè như thế này, cho đến khi bố mẹ cô ly thân. Tuyết Á không hiểu sự chia chát của người lớn, nhưng cô biết phán quyết của toà án không để lại cho bố mình bất kì người con nào. Có thể do bố cô là người ngoại quốc, hoặc cũng có thể do kế hoạch sau khi ly thân của ông là trở về Trung Quốc - nơi mà không phù hợp cho sự phát triển của một đứa trẻ đã được sinh ra và lớn lên ở Hàn Quốc, theo như suy nghĩ của tất cả mọi người, kể cả thẩm phán.
Đến hôm nay, ngồi tại lớp ôn thi này, Tuyết Á mới thấy họ không phải không có lý. Đôi khi Tuyết Á ước mình cũng đã nghĩ như thế khi đó. Suy nghĩ ấy nhanh chóng bị gạt đi, vì cô biết cô sẽ chẳng kiềm lòng được khi thấy bóng dáng một người đàn ông lớn tuổi lủi thủi bước ra toà án với một bóng lưng cúi gầm đầu. Ngày hôm đó, Tuyết Á có thể nhìn ra được bóng lưng đó của ông cả nửa đời còn lại, vẫn sẽ lầm lũi và cô liêu như ngày ông không còn gì tại toà án.
Thế nên cô theo ông về Trung Quốc, như ngày xưa ông cũng đã cùng mẹ về Hàn Quốc. Những ngày tháng ở đây, Tuyết Á tự so sánh mình với bố. Cô tự hỏi gần 20 năm trước có phải ông cũng trải qua cảm giác này. Rời khỏi đất nước của mình, cố gắng hoà nhập một nền văn hoá mới tại tuổi trưởng thành, cố gắng tìm những mối quan hệ xã hội mới, một công việc mới, cố gắng để sống như một người bản địa.
Sẽ khó khăn, Tuyết Á biết, dù bố không nói. Cô có thể nhìn thấy điều đó qua gương mặt ủ rũ của ông khi ở Hàn Quốc và nét mặt chán chường của mình khi ở Trung Quốc. Trông thấy nét mặt đó của con gái, bố của Tuyết Á cũng bớt hớn hở so với ngày đầu ông mới về Trung Quốc.
Thật ra thì Tuyết Á cũng không chắc hiện tại nét mặt của ông như nào, vì lâu rồi hai người không thật sự nhìn thẳng vào nhau một cách không ngại ngùng như ngày trước. Bố của Tuyết Á lặng lẽ ở trong phòng cùng với đống giấy tờ nghiên cứu của ông. Ông thường bước thật chậm những khi Tuyết Á lơ đãng, và bước thật nhanh khi Tuyết Á biết rõ ông đang ở gần. Có đôi lần, Tuyết Á cảm giác ông đi nhanh đến mức tưởng như ông sắp trốn chạy. Đấy là những khi ông nghe rõ giọng của mẹ Tuyết Á từ điện thoại. Mặt ông thoáng đỏ vừa đứng đối diện ánh nắng nào đó gắt lắm.
Tuyết Á biết bố vẫn muốn bù đắp cho mình, nhất là sau những mất mát ông đã gây ra cho gia đình. Sự cố gắng của ông đôi khi lại có tác dụng ngược, như mẹ Tuyết Á thường nhận xét, ông là một người rất vụng về trong việc biểu hiện tình cảm. Tuyết Á nhớ cách mẹ cô cười hiền, nói về gã đàn ông cục mịch của bà, người có thể chứng kiến những cơn hằn hộc tiểu thơ của bà mà vẫn hiểu rằng bà chỉ là một người phụ nữ khẩu xà tâm Phật.
Hiển nhiên là không ai có thể ở trong vị trí nhẫn nhịn mãi. Đáng tiếc là trong cuộc hôn nhân đó của họ, nếu bố Tuyết Á không nhịn nữa thì cũng là lúc họ không thể sống cùng nhau. Tuyết Á nghĩ, nếu buộc cô phải duy trì một mối quan hệ bằng cách đó, cô cũng sẽ chọn lựa như bố. Sự lựa chọn của ông có vẻ hơi trễ so với những gì người ngoài dự đoán. Gần 20 năm. Bố đã cố gắng yêu mẹ lâu như thế, Tuyết Á nghĩ.
"Bố có hối hận không?" - Tuyết Á hỏi bố trên chuyến tàu họ về Trung Quốc
"Về điều gì?" - bố cô lẽn bẻn hỏi lại
Ông luôn là người thành thật. Trong câu hỏi đó Tuyết Á biết cuộc đời ông có nhiều hơn một sự hối hận. Ông sẽ hối hận vì điều gì? Về việc ông đã rời khỏi quê hương? Về việc ông đã chấp nhận đánh liều sinh ra hai đứa con trong khi lòng vẫn còn muốn quay lại với tháng ngày nghiên cứu của mình? Hay về việc ông đã thử bỏ đi lí do duy nhất mình đến Hàn Quốc để trở lại với hoài bão của ông? Tuyết Á không thể biết được, vì ngày đó cô đã chọn không hỏi tiếp.
Tuyết Á gục đầu xuống mặt bàn. Có quá nhiều thứ trong tâm trí cô lúc này khiến cô chỉ muốn ngủ một giấc để quên đi, và cũng để cho tiết học này kết thúc nhanh chóng.
"Bạn học Tuyết Á" tiếng của thầy giáo cùng với tiếng thước gỗ gõ lên mặt bảng báo cho Tuyết Á biết cô cần phải làm gì.
"Dạ thưa thầy?" Tuyết Á đứng bật dậy, mắt dán vào nơi đầu thước gỗ đang chỉ về ở trên bảng.
"Em nói cho các bạn cùng biết tại thời điểm này, vị trí này, sự kiện lịch sử nào đã xảy ra?"
Một kiểu khảo bài cao cấp. Ở đây họ không hỏi đúng sai, kiểm kiến thức thuộc lòng, họ muốn nghe học sinh của họ trình bày theo cách hiểu và thể hiện quan điểm của mình về các sự việc đó. Câu hỏi luôn ngắn gọn như thế, nhưng cách trả lời thì không có ai có thể hoàn toàn giống nhau.
Kim Tuyết Á nhíu mày, cô vẫn chưa ôn đến đoạn này. May mắn địa danh và thời điểm đó lại quá đỗi quen thuộc. Chúng đã xuất hiện trong quyển sổ cũ mà cô nhặt được khi bố cô sơ ý làm rơi trong lúc ông lại tha về nhà cả đống tài liệu để nghiên cứu.
"Thưa thầy, vào ngày đó, con thuyền chở các thành viên của Quốc Dân Đảng phát nổ làm thiệt mạng nhiều quan chức cao cấp. Trong đó có Kim Huyễn Đình, người đang là…"
Thầy giáo phẫn nộ gõ thước liên tục trước tràng cười của lớp.
"Im lặng. Tất cả trật tự"
Tuyết Á vẫn còn đang ngơ ngác trước phản ứng của mọi người thì thầy giáo đã lắc đầu đầy thất vọng, ra hiệu cho Tuyết Á ngồi xuống.
"Kim Huyễn Đình là ai vậy?" Bảo Nhã - người hàng xóm trong khu phố của Tuyết Á quay sang hỏi ngay khi cô vừa mới ngồi xuống.
"Em không biết người này?"
"Không biết. Học lịch sử bao nhiêu năm nay rồi chưa từng nghe tên" Bảo Nhã nhún vai
"Nhưng người này đóng vai trò rất lớn trong nội chiến mà?"
"Cậu đọc cái đó ở đâu vậy?"
"Em phải gọi tôi là chị chứ. Tôi lớn hơn em mà" Tuyết Á không muốn nói ngay cho Bảo Nhã. Cô tìm một chủ đề khác để nói qua.
"Ở đây không phải như Hàn Quốc đâu sunbea-nim. Cứ xưng hô cậu tôi thôi. Huống hồ gì chúng ta cùng học một lớp" Bảo Nhã nói xong lập tức quay lại với bài học của mình.
Tuyết Á nghĩ đáng lí không nên nhắc đến vấn đề này. Câu trả lời của Bảo Nhã gợi đến một lúc hai nỗi buồn, trong đó là chuyện Tuyết Á phải học lại cùng với các bạn nhỏ hơn.
—
Giờ tan học, Tuyết Á bị thầy giáo giữ lại. Thầy nói rất điềm tĩnh.
"Tuyết Á à, thầy biết em là người ngoại quốc"
Câu nói đầu tiên khiến cho Tuyết Á hơi cuối mặt.
"Nhưng dẫu sao bố em cũng là người Trung Quốc, hơn nữa còn là một người nghiên cứu lịch sử"
Tuyết Á vẫn im lặng.
"Thôi được rồi. Sau này, nếu em không biết cứ thẳng thắn nói là không biết. Như thế thầy có thể biết được tình trạng tiếp thu bài của em để có phương pháp giảng dạy. Lịch sử, Tuyệt Á à, tuyệt đối không nên bịa đặt. Chúng ta có thể có nhiều góc nhìn về nó, nhưng không thể thêm, hoặc bớt cho những gì đã xảy ra."
"Thưa thầy, em không bịa đặt. Em đã đọc được những chi tiết đó trong sổ ghi chép của bố em"
Giọng nói dứt khoát cùng ánh nhìn trực diện của Tuyết Á khiến thầy giáo có phần bất ngờ. Đây là lần đầu tiên thầy thấy học sinh này có sự quyết liệt đến thế.
"Vậy sao. Hừm… cũng có thể. Có những điều chúng ta không được truyền lại hết. Nếu em có thể chứng minh được điều em nói là sự thật, thầy hứa thầy và các bạn sẽ xin lỗi em."
Với tư cách một người giảng dạy tôn trọng tri thức, thầy giáo hân hoan trước một ý nghĩ về một chi tiết lịch sử có thể được tiết lộ.
"Cảm ơn thầy đã tin em. Em sẽ mang nó đến" Tuyết Á chào thầy, vội vã rời đi. Trước khi đi, cô còn phải ngoảnh đầu nhìn thầy lại một lần.
"Tuyết Á à, thầy không xem em là một người ngoại lai. Các bạn cũng thế. Chúng ta đều có cho bản thân những gốc gác cội nguồn đáng trân trọng."
"Em...cảm ơn thầy" giọng của Tuyết Á nhỏ dần khi cô bước thật nhanh như bố mình.
—
"Thầy có mắng không?" Bảo Nhã ngồi sau xe đạp của Tuyết Á hiếu kì hỏi
"Không mắng"
"Tưởng cậu sẽ bị mắng ghê lắm chứ. Thầy ấy khó lắm đó. Nhưng mà trình độ của thầy cũng rất khá nha. Các lớp được thầy ấy ôn cho điểm đều không tệ đâu. Cạnh tranh lắm mới có thể được vào lớp của thầy."
Tuyết Á chỉ biết cố gắng đạp xe cho nhanh để về nhà tìm lại quyển sổ. Trong suốt quãng đường đi, cô chỉ ậm ừ những lời Bảo Nhã nói. Đôi khi Tuyết Á thấy Bảo Nhã rất phiền, nhưng lâu dần cũng quen với điều này. Tuyết Á biết Bảo Nhã được bố cô căn dặn phải bắt chuyện với người hàng xóm mới chuyển về, vì bố của Tuyết Á và bố của Bảo Nhã xưa kia là bạn.
Đến khi họ lớn lên, mỗi người mỗi ngả. Bố của Bảo Nhã đã rời bỏ chuyện đèn sách để theo nghiệp kinh doanh từ lâu. Bố của Tuyết Á cũng bỏ dở để đi qua Hàn Quốc làm con rể xưởng dệt. Đến bây giờ, nhà của Bảo Nhã thì rất khá rồi, còn bố của Tuyết Á phải bắt đầu lại từ vị trí thấp. Nếu ngày trước ông không qua Hàn Quốc, có thể bây giờ cũng là giáo sư.
Trông thấy bạn mình như thế, bố của Bảo Nhã cũng hết sức giúp đỡ. Bác thường xuyên giới thiệu việc làm cho bố Tuyết Á. Bác cũng bắt con gái Bảo Nhã của mình phải ngồi sau xe đạp của Tuyết Á đi đến trường với lí do mong muốn con mình được rèn luyện, học hỏi nhiều thêm từ Tuyết Á. Nhưng Tuyết Á biết đấy là sự khách sáo của bác.
"Con vẫn chở Bảo Nhã đi học đúng không?"
"Sao ạ?"
"Không có gì. Bố chỉ muốn nhắc con đừng quá…im lặng với con bé. Bố nó cố tình để nó đi cùng để có cớ cho con quà bánh, cũng là để…con có bạn. Nhà của bác ấy rất tốt, rất tốt. Con bé ấy cũng tốt, rất thân thiện, còn nói nhiều nữa" ông nói rất vụng về, đoạn cuối còn gắng gượng cười vui vẻ.
Giai đoạn đầu, Tuyết Á cảm thấy không thoải mái. Sau cuộc trò chuyện đó, cô cũng nhận ra được quả thật Bảo Nhã đã rất cố gắng đối đãi với mình như một người bạn bình thường trong lớp. Thậm chí con bé còn không muốn gọi cô là chị vì biết rằng cách xưng hô cũng thể hiện khoảng cách giữa con người với nhau.
—
Vừa về đến nhà, Tuyết Á lập tức vào phòng mình để tìm lại quyển sổ cô đã đọc tối qua.
Năm 1938
Kim Huyễn Đình là thứ sản phẩm đặc trưng của sự tổ hợp giai cấp thống trị điền chủ, quân phiệt và cả phong kiến. Hắn có trong tay đặc quyền của một gia tộc giàu có, liên hệ với giai cấp tinh hoa, và mối quan hệ với các băng đảng. Tất cả tạo nên một hệ thống cai trị chặt chẽ mà Kim Huyễn Đình là một thành phần cộm cán. Hắn biết cách tận dụng khối đoàn kết đó để nắm, và phân bổ quyền hành. Mạnh mẽ, và tinh vi ghê gớm.
Những miêu tả về nhân vật này khiến Tuyết Á tin rõ ràng người này là quan chức cấp cao của Quốc Dân Đảng. Tuyết Á hớn hở chạy khắp nhà tìm bố để xin phép ông, nhưng sự im lìm của căn nhà cho cô biết bố cô hẳn đang uống trà bên nhà Bảo Nhã.
Tuyết Á đạp xe thật nhanh về hướng nhà thầy giáo. Tốc độ đạp của Tuyết Á nhanh hơn bao giờ hết. Chỉ cần một cây cầu nữa là có thể đến nhà thầy.
Phía đối diện chân cầu, một chiếc xe tải cũng đang lên ga. Chiếc cầu rất hẹp để có thể lách qua. Cả hai phía đều vô tình đang lao đến với vận tốc không thể phanh lại được.
Kim Tuyết Á bị va chạm vào mũi xe, cô bị hất xuống dòng sông đang chảy êm ả trong một buổi tối mùa hè. Cú va chạm vào đầu khiến Kim Tuyết Á dần mất đi ý thức. Cô lịm đi dưới dòng nước lạnh. Trên cầu, tài xế cũng đã gục trên vô lăng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top