1
Mấy bữa nay trời mưa hoài mưa hủy, mưa tới nỗi nước đọng đầy đồng, cá cũng lười nhảy, người cũng chán làm. Đất mềm oặt, lội vô là lún tới gối, trâu bò cột chuồng hết trơn, nông dân ngồi thở dài nhìn trời. Vụ mùa sắp tới mà đất kiểu này, chắc khó bề cày cấy, lúa không đủ mà ăn, nói gì tới chuyện nộp thuế cho ông bà địa chủ. Nhưng ai cũng im, không dám than lớn, bởi người ta nghèo chớ người ta không dại. Than ra tiếng là lắm lúc mang họa.
Mà cũng hên... mấy tháng nay nhà ông bà địa chủ họ Vũ chẳng còn rảnh tay để ý chuyện mấy ruộng bưng. Nghe đâu cô con gái út, Vũ Ngọc Dung, du học bên Tây từ năm mười sáu tuổi, nay học xong, thi đậu gì đó lớn lắm, sắp sửa trở về. Cả nhà ông bà Vũ rần rần chuẩn bị, người thì đi đặt gấm lụa ngoài tỉnh, người thì sửa soạn nhà cửa, còn đám gia nhân thì khỏi nói, chạy đôn chạy đáo suốt ngày, chỉ nghe la là chính.
Dân trong xóm cứ xì xào mãi chuyện đó. Người lớn thì nhắc lại chuyện hồi xưa cô Dung còn nhỏ, đẹp như búp bê, ra đường là được người ta cho kẹo. Mấy bà mẹ có con trai thì bắt đầu tính toán, hỏi thăm “bây giờ cô lớn cỡ nào, có kén chồng chưa”. Bọn con gái thì vừa tò mò vừa ganh nhẹ, bởi nghe đồn cô Dung “về Tây” rồi giờ sắp “về làng”, nói tiếng Tây giỏi hơn tiếng Việt, lại xinh, lại có học.
Chuyện mùa màng tạm bị lấn lướt bởi câu hỏi lớn: “Hổng biết chừng nào cô Dung về?”
Vũ Ngọc Dung đã đặt chân về đất Nam từ ba hôm trước, nhưng vẫn chưa trở về nhà họ Vũ. Không phải cô trốn tránh, mà là lòng cô muốn chậm lại một chút, muốn nhìn cho kỹ cái quê hương đã từng in dấu tuổi thơ cô, trước khi trở về đóng vai con gái út của một trong những gia tộc lớn nhất vùng này.
Sáng hôm ấy, trời còn vương sương mỏng, cô Dung đội nón lá, mặc chiếc áo dài lụa màu ngà nhã nhặn, đi thong thả giữa con đường đất quen thuộc dẫn vào chợ huyện. Cô đi không vội, chân bước nhẹ nhàng như sợ làm động cái tĩnh lặng buổi sớm. Không ai nhận ra cô là con gái ông bà địa chủ cả, bởi dáng dấp ấy, nét mặt ấy, tuy cao sang nhưng lại mang vẻ bình thản, không phô trương. Có người bán hàng nhìn thoáng qua, tưởng là cô tiểu thơ nào về tỉnh nghỉ phép, định chào hỏi nhưng rồi ngại quá không dám.
Chợ huyện vẫn như ngày nào, chỉ có điều nhỏ hơn trong trí nhớ của cô. Mùi mắm, mùi bún, mùi lá chuối tươi hoà lẫn trong không khí ẩm mát sau mưa khiến lòng cô rung rinh. Dưới mái lá thấp, người ta bày bán những thứ đơn sơ nhưng gọn ghẽ: nải chuối, bó rau quế, xâu cá rô còn thở thoi thóp. Cô dừng lại bên sạp vải. nơi ngày xưa má hay dẫn đi chọn lụa về may áo Tết. Hồi đó, cô hay chọn màu tím, màu xanh ngọc, còn má thì chuộng lụa trắng, đơn giản mà tinh tế. Bà chủ tiệm già hơn xưa, mắt đã đeo kính dày, nhưng vẫn đoán được vải chỉ bằng cách sờ nhẹ đầu ngón tay.
Cô không nói gì, chỉ khẽ gật đầu, mỉm cười rồi bước tiếp. Bên kia chợ, tiếng đờn ca tài tử rơi ra từ một quán nhỏ lợp tôn cũ. Cô dừng lại.
Một ông lão đang ngồi chấm mực cho cây đàn kìm, người bên cạnh thì ngâm vọng cổ câu gì đó nghe não lòng:
“Con sáo sang sông bỏ gò hoang hiu quạnh
Câu hát dở dang, ai ngân tiếp cho rồi…”
Âm điệu ấy khiến tim cô thắt lại. Bao năm sống giữa Paris tráng lệ, từng đêm đi nhà hát lớn nghe nhạc giao hưởng, nhưng sao tiếng đờn đứt quãng, giọng ca lấm bụi ở quê nhà lại khiến cô xúc động hơn bất cứ bản nhạc nào từng nghe? Có lẽ vì đó là khúc nhạc của ký ức, ký ức về những chiều đi cùng hai ông anh khi còn nhỏ.
Cô tự dưng thấy cổ họng khô lại. Thèm một bữa cơm nhà, có canh chua cá lóc, có mắm kho, có rau luộc chấm nước tương mà đậm đà hơn tất cả những món cầu kỳ bày biện bên trời Tây.
Bấy lâu sống trong nhà thuê có lò sưởi, ăn bánh mì lát kèm pate Pháp, mà lòng cứ rỗng. Mỗi lần trái gió trở trời là chỉ muốn có ai đó đắp mền, bưng ly trà gừng, nói giọng quê nhà. Không ai làm được điều đó cả.
Dung bước vào một quán ăn nhỏ ven đường, mái lợp ngói đỏ cũ kỹ, tường quét vôi đã ố vàng theo thời gian. Quán không tên, chỉ treo tấm bảng gỗ ghi chữ "Cơm nhà" nguệch ngoạc, nhưng mùi thơm từ bên trong thì khiến bụng người ta cồn cào từ ngoài ngõ. Cô kéo ghế ngồi xuống, gọi một tràng như sợ người ta không nghe kịp:
"Cho tôi một tô canh chua cá linh bông điên điển, đĩa cá kho tộ, thêm dĩa thịt luộc cuốn bánh tráng, rau sống, mắm nêm, rồi thêm chè đậu trắng tráng miệng nghen."
Cô vừa gọi vừa mỉm cười, giọng Nam pha chút âm sắc nhẹ nhàng của người học hành lâu năm ở phương Tây. Bà chủ quán sửng sốt một chút, rồi gật đầu, miệng lẩm bẩm.
“Trời đất, nhỏ này ăn khỏe dữ ha, đi lâu mới về bộ bên đó bỏ đói cô hả?…”.
Dung không bận tâm. Cô tháo nón lá, vén tóc gọn gàng, ánh mắt đảo quanh quán một vòng, như đang tìm lại chút gì thân quen trong khung cảnh đơn sơ. Cái mùi nước mắm sôi trên bếp, tiếng muỗng chạm chén, tiếng quạt tay phành phạch, tất cả tạo nên một thứ âm thanh rất... quê. Và cô thấy lòng mình dịu lại.
Khi thức ăn được bưng ra, từng món một nóng hổi bày đầy trên bàn gỗ thấp, cô không chờ lâu, chỉ khẽ chắp tay rồi bắt đầu ăn. Không giữ kẽ như thường lệ, cô ăn một cách chậm rãi nhưng không kìm nén, như thể từng món đều mang hương vị ký ức. Cá linh tươi rói, canh chua ngọt thanh, thịt ba chỉ mềm tan, rau sống vừa hái còn đọng nước… Cô ăn hết, gọn gàng, không sót lại thứ gì ngoài những chiếc chén trống lưng lửng và một ly nước trà đá vơi nửa.
Người ta nhìn cô, tò mò. Một tiểu thơ nhà giàu mà ăn như thể lâu rồi mới được nếm bữa cơm đúng nghĩa. Cô đặt đũa xuống, thở nhẹ, rồi khẽ cười nói với bà chủ đang ngó trộm:
"Con nói với tía má là vài bữa nữa mới về. Về sớm thì phải chào hỏi, tiếp khách, giữ ý giữ tứ… Mấy bữa này sống thiệt một chút, ăn no rồi đi lòng vòng, chừng nào thỏa cái bụng, thỏa cái lòng, rồi hẵng về làm con gái ngoan của ông bà địa chủ."
Bà chủ cười xòa, gật đầu thông cảm, nhưng trong ánh mắt lại có chút gì thương thương. Bởi vì người ta hay nghĩ người giàu thì sung sướng, ai ngờ cũng có lúc phải đi ăn vội ăn vàng như kẻ tha hương tìm chốn nương thân.
Dung uống thêm ngụm trà, nhìn ra trời đã bắt đầu chuyển mây, lòng nhẹ tênh. Ở Paris, có bao nhiêu nhà hàng sang trọng, món ngon vật lạ, mà không có món nào làm cô thấy ấm lòng như vậy. Phải chi ngày nào cũng được ăn chứ không lâu nữa lại phải qua bển tiếp rồi.
…Nhưng giữa lúc bụng đã no, lòng đang yên, thì Dung lại cau mày.
Ở góc quán, gần chỗ hàng chè đậu nấu trên bếp củi, có một cô gái ăn mặc nghèo nàn, áo bà ba sờn vai, tóc cột lỏng lẻo, đôi dép tổ ong gần như sắp rách tới nơi. Cô gái rụt rè đứng nép sát cột, tay ôm vạt áo, ánh mắt bối rối, lo sợ.
Đối diện cô là hai gã thanh niên mặt mày bóng lưỡng, tóc chải mượt sát da đầu, mặc đồ tươm tất, miệng phì phèo thuốc lá. Một tên ngả người ra sau, gác chân lên ghế, cười hềnh hệch:
"Trời ơi, nhỏ này đẹp dữ hen. Sao đi một mình vậy, đi với anh cho vui nè."
Tên còn lại cười khẩy, nói như phả hơi rượu:
"Cái eo nhỏ xíu vầy chắc ôm sướng lắm ha? Lại đây coi coi, đừng có làm bộ e thẹn."
Mấy câu nghe mà rợn da gà. Cả quán có người liếc nhìn, nhưng chẳng ai dám lên tiếng. Bà chủ thì bối rối đứng trong buồng, cũng không biết nên can thiệp thế nào.
Dung đặt ly trà xuống bàn nhẹ cái cạch. Cô ngước mắt nhìn hai gã kia, giọng không lớn nhưng rõ ràng, sắc như lưỡi lam:
"Hai cậu tưởng mình bảnh lắm hả? Mặc đồ có mùi thơm mà mồm thối như mắm để lâu không đậy nắp. Lần sau ra đường nhớ xức dầu gió vô lỗ tai, chứ nói chuyện kiểu đó là thiếu dạy chớ không phải thiếu duyên đâu."
Hai tên quay phắt lại, giận dữ. Một tên chửi thề:
"Ê con kia, mày nói ai?"
Dung đứng dậy, vén áo, để lộ phần tay trắng hồng mà rắn rỏi. Cô ném mấy đồng bạc lẻ lên bàn, nói nhanh với bà chủ:
"Con trả tiền rồi nghen, để mấy thằng này khỏi nói con ăn quỵt."
Không đợi thêm một lời nào, cô chụp lấy cái ghế gỗ bên cạnh, tay chắc nịch vung một cú ngang đầu tên đứng gần. Cái ghế đập rầm vô vai hắn, khiến gã hét lên một tiếng chói tai, ngã xuống như tàu chuối.
Tên còn lại chưa kịp chửi thề đã ăn thêm một cú đá ngay bụng. Dung không phải võ sư, nhưng cũng từng học tự vệ ở bển, lại thêm cái máu liều của người từng qua những hội hè sinh viên lộn xộn, nên ra tay gọn gàng.
Cô phóng ra cửa, tay nắm lấy cổ tay cô gái vẫn đang ngơ ngác:
"Chạy theo tôi, lẹ lên!"
Cô gái còn chưa hiểu gì, đã bị kéo chạy qua mấy con hẻm nhỏ sau quán. Gió lùa qua tóc, bụi bay mù mịt sau lưng. Dung vừa chạy vừa cười khúc khích, ngoái đầu lại hét lớn:
"Mấy cậu công tử gì đâu mà chạy chậm quá vậy? Về kêu má tụng kinh cầu an đi nha."
Hai người chạy đến tận con đường đất đỏ phía sau chợ, mới dừng lại thở hổn hển. Cô gái kia quẹt mồ hôi, vẫn chưa hết run, lắp bắp:
"Ai vậy?"
Dung cười nhẹ, phủi tay:
"Tôi là kẻ ăn no rỗi chuyện, thấy chuyện bất bình không đánh không được. Còn cô, ăn mặc vậy đi một mình, lần sau né mấy chỗ có rác như tụi nó nghen."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top