Chương 9

Ôn Chủy Vũ nghĩ thầm: "Nếu như ngay cả tiền thuê con cũng bù không nổi thì tin chắc ngài đây sẽ không đưa chỗ này cho con làm xưởng vẽ đâu." Tuy cô không tin tưởng bản thân mình lắm nhưng cô rất tin vào ông nội. Song, Ôn Chủy Vũ cũng nhìn ra được Ôn Nho lão tiên sinh đang thật sự lo lắng về chuyện này. Mặc dù cô không hiểu rõ việc làm ăn mua bán nhưng cũng biết được  trên đời này không tồn tại đạo lý kinh doanh chỉ có lời mà không có lỗ. Ôn Chủy Vũ đối với chuyện mua bán lại dốt đặc cán mai, đó mới chính là điều nguy hiểm nhất.

Chẳng qua không biết thì học, việc cô biết vẽ tranh cũng đâu phải vừa sinh ra là đã biết đâu.

Ôn Chủy Vũ ngắm nghía căn nhà nhỏ ba tầng này. Cô cẩn thận ghi nhớ bố cục, cách bày trí cùng kích thước. Còn về phần tu sửa, cơ bản cô cũng  đã có suy nghĩ riêng của mình.

Vì Ôn Lê nói sáng mai sẽ sang nên Ôn Chủy Vũ gấp rút vẽ sơ đồ phác thảo suốt một đêm.

Cô chỉ có thể vẽ bản vẽ sơ bộ, nếu dựa vào tiêu chuẩn vẽ tranh công bút để cho ra bản vẽ chi tiết thì ít nhất cũng phải mất cả tháng trời.

Bữa sáng đã xong, Ôn Lê vừa đến.

Ôn Chủy Vũ mời Ôn Lê về phòng của mình, đưa bản phác thảo mà cô đã vẽ thâu đêm cho Ôn Lê xem thử.

Ôn Lê ngẩn người: "Đây là..."

"Sơ đồ trang trí phòng tranh. Thời gian có hạn, cho nên không được tỉ mỉ cho lắm." Ôn Chủy Vũ nói xong thì mở bản vẽ ra, chỉ vào bản vẽ rồi bắt đầu giải thích: "Em nghĩ phòng tranh nên trang trí theo phong cách truyền thống, dẫu sao tranh của em cũng vẽ theo các truyền thuyết cổ đại và thần thoại mà. Ví dụ như trước cổng và cửa chính có khoảng đất trống đủ để xây một cái cổng chào, bên trên treo thêm biển hiệu nhất định sẽ rất nổi bật. Biển hiệu làm theo kiểu chạm khắc rỗng, lấy tường vân thụy thú(1) làm chủ đạo, thợ điêu khắc thì mời Cổ sư phụ hay sửa nhà cho gia đình chúng ta là được rồi. Tay nghề gia truyền của gia đình ông ấy rất khéo, đến cả ông nội em còn khen hoài không thôi."

Ôn Lê nhướng nhướng mi, hỏi: "Bệ cổng chào dùng đá hoa cương hay đá cẩm thạch trắng vậy?"

Ôn Chủy Vũ nghe thấy giọng điệu của Ôn Lê dường như có chỗ không đúng, bèn ngẩng đầu lên nhìn chị họ: "Không ổn ở đâu?"

Ôn Lê tỉ mỉ xem lại bản vẽ của Ôn Chủy Vũ thêm một lần nữa rồi nói: "Chị có thể hỏi em trước hai việc được không?"

Ôn Chủy Vũ gật đầu: "Tất nhiên có thể."

Ôn Lê chép miệng: "Ngân sách sửa sang lại phòng tranh là bao nhiêu? Tổng vốn đầu tư được bao nhiêu?"

Ôn Chủy Vũ khẽ mở môi đỏ, nghẹn trân nửa buổi trời vẫn không đáp được.

Ôn Lê truy đến cùng: "Bao nhiêu?"

Ôn đại tiểu thư lắc đầu: "Ông Mục bên kia...vẫn chưa nói..."

Ôn Lê gật đầu, chịu thua nhìn em gái nhà mình, nói lời thấm thía: "Nói cách khác thì chính là, hiện tại em không chắc chắn đối phương sẽ đầu tư vào bao nhiêu cũng như không biết số tiền cần dùng để tu bổ nhiều đến chừng nào. Nhưng em... vẫn thích dựa theo cái... dựa theo bản thảo này và muốn tìm thợ thủ công hợp với tiêu chuẩn của mình, đúng không? Chị nhẩm sơ sơ, giá tuyệt đối không dưới hai triệu tệ." Cô đưa xòe bàn tay ra đếm, mỗi ngón là một chữ: "Cổng chào, cầu thang, thợ khắc cổng. Mấy thứ này nếu vốn ít hơn năm trăm nghìn, em đừng hòng nghĩ tới." Ôn Lê nói xong  thì ngó Ôn Chủy Vũ một cái rồi móc ra một tờ khăn giấy đưa cho em gái: "Ngoan, lau mồ hôi trước đi. Đổ cả mồ hôi lạnh rồi sao?"

Ôn Chủy Vũ nhận lấy khăn giấy lau trán, chỉnh nhiệt độ điều hòa thấp xuống một chút.

Ôn Lê nói: "Về phần tu sửa thì có công ty chuyên thiết kế sửa chữa nhà. Chỉ cần đưa ra mức chi phí dự trù cùng phong cách em muốn, nhân viên thiết kế bên họ sẽ dựa vào yêu cầu đó để kết xuất bản đồ họa. Gỗ, vật liệu, nhân công vân vân đều  sẽ xem xét dựa trên ngân sách và hiệu suất em mong muốn." Cô nâng cầm, nhìn Ôn Chủy Vũ: "Chỉ là nơi làm việc mà thôi, cũng chẳng phải nhà của mình, chỉnh trang đẹp vậy để làm gì?"

Ôn Chủy Vũ xấu hổ cắn môi, âm thầm thu lại bản vẽ.

Ôn Lê hỏi cô: "Bản kế hoạch của em đâu?"

Ôn Chủy Vũ "á" một tiếng, nói: "Vẫn... chưa làm kịp."

Ôn Lê trưng ra biểu cảm "em đùa với chị đó hả" ngước nhìn Ôn Chủy Vũ: "Kế hoạch còn chưa ra, em bận bịu vẽ bản thiết kế trước sao?" Giọng của Ôn Lê lại tiếp tục truyền đến: "Vậy được. Em nói cho chị biết, em định kinh doanh xưởng vẽ này như thế nào?"

Ôn Chủy Vũ cân nhắc hồi lâu rồi mới trả lời: "Em muốn dùng tầng trệt làm khu vực trưng bày và bán hàng, biến lầu một lầu hai thành nơi tiếp khách cùng phòng vẽ tranh. Phần về chuyện bán tranh, không thể không tham gia các kênh bán hàng hay triển lãm được. Ngoài ra có thể quảng cáo trên mạng, trên báo chí truyền thông, kể cả những phiên đấu giá hoặc bán hàng gây quỹ từ thiện đều phải góp mặt. Còn họa sĩ và thợ vẽ thì nên tuyển những người trẻ tuổi, phòng tranh sẽ thay họ quảng bá tác phẩm, thi thoảng mời vài vị tiền bối lão làng tới để chỉ dạy họ thêm. Em nghĩ đối với những họa sĩ trẻ ấy mà nói... chúng ta nên giúp đỡ, hỗ trợ để họ phát triển hơn,  xem như đó là cách để chiêu mộ và thu hút nhân tài. Tạm thời em chỉ nghĩ được chừng này thôi, còn những vấn đề khác phải thì phải suy nghĩ."

Ôn Lê chẳng ý kiến gì, chỉ "ừ" một tiếng rồi hỏi: "Còn gì nữa không?"

Ôn Chủy Vũ đáp: "Chị biết rõ trước giờ em chưa từng làm qua mấy chuyện mua bán này mà, đối với kinh doanh chỉ có thể nói là dốt đặc cán mai. Bây giờ em thiếu kinh nghiệm, nhưng với hoàn cảnh hiện tại thì mở phòng tranh chính là... hướng đi tốt nhất."

Ôn Lê gật gật đầu, tỏ ý bảo Ôn Chủy Vũ cứ tiếp tục nói.

Ôn Chủy Vũ nói tiếp: "Theo quan điểm em hiện tại, chỉ cần chúng ta không thua lỗ, không mất tiền thì nghĩa là có lời rồi. Nhưng phải làm sao mới có thể không bị hụt vốn, cái này nếu chỉ dựa vào năng lực của mỗi mình em vốn là chuyện không thể nào."

Ôn Lê hỏi: "Vậy em nghĩ được cách giải quyết nào chưa?"

Ôn Chủy Vũ bảo: "Cổ phần phòng tranh em giữ được bốn phần, còn sáu phần kia là cổ phần dành cho bên phía nhà đầu tư. Em muốn mang hai phần trong đó ra mời chị giúp em trấn ải này."

Ôn Lê vô cùng sửng sốt nhìn Ôn Chủy Vũ, cảm thấy hơi ngạc nhiên. Cô suy nghĩ một chút mới hỏi: "Ý của em là cho chị hai mươi phần trăm cổ phần để mời chị làm người cố vấn hay là mời chị đến chăm lo việc kinh doanh của phòng tranh?"

Ôn Chủy Vũ nói: "Dựa vào xuất thân của chị, chỉ bấy nhiêu cổ phần sao mời chị được. Chị giữ hai phần ấy, tức sẽ có quyền can dự vào công việc và vấn đề kinh doanh của xưởng vẽ. Em cần sự chỉ bảo và giúp đỡ từ chị."

Ôn Lê đưa mắt nhìn em họ của mình, có chút băn khoăn lẫn khó chịu. Trong nhà, ai cũng không ngờ rằng có một ngày Ôn Chủy Vũ sẽ bước theo con đường kinh thương này. Tính cách, sở thích, hoàn cảnh sinh trưởng của Vũ Nhi đã định trước em ấy chỉ thích hợp theo đuổi con đường nghệ thuật. Dáng vẻ  và khí chất của Chủy Vũ tương đối xuất chúng, chuyện của chú Tư khiến cho gia cảnh sa sút, không biết có bao nhiêu người có ý với Vũ Nhi. Người vừa yêu kiều lại có chút ngây thơ, tính tình thì thẳng thắn, nếu như dấn thân vào giới thương nghiệp không biết phải chịu thua thiệt đến nhường nào. Nhưng quả thật đúng như những gì Chủy Vũ nói, gia đình suy sụp, hiện tại việc kinh doanh phòng tranh đối với em ấy mà nói chính là lựa chọn tốt nhất. Có cô ở đây, ít nhiều gì vẫn có thể che chở cho em ấy. Chủy Vũ mang hai mươi phần trăm cổ phần để mời cô, đây cũng xem như tương đối có thành ý.

Ôn Lê cân nhắc trong chốc lát, trong lòng dường như đã có chủ kiến. Cô khẽ phun ra hai chữ: "Năm phần." Giọng điệu nhẹ nhàng, nhưng lại vô cùng kiên định.

Ôn Chủy Vũ mờ mịt hỏi: "Cái gì?"

"Nếu không muốn phòng tranh vất vả dựng lên lại trở thành thứ do người khác sở hữu, nếu em không muốn mất đi quyền được nói, thì cổ phần trong tay chúng ta ít nhất cũng phải năm phần. Giữ hơn năm phần sẽ có quyền phủ quyết."

Ôn Chủy Vũ do dự hỏi: "Đối phương sẽ đồng ý không?"

Ôn Lê thờ ơ nhún vai: "Đối phương không đồng ý thì đổi một người khác là được. Dự án có triển vọng, cho họ nhìn thấy được cơ hội kiếm tiền thì muốn lôi kéo nhà đầu tư cũng đâu khó."

Ôn Chũy Vũ ngẫm nghĩ một lát: "Vậy phải để đối phương nhìn thấy cơ hội kiếm tiền trước, sau đó mới bàn tới chuyện phân chia cổ phần năm – năm?"

Ôn Lê mím môi cười một cái, dí dỏm đáp: "Đúng nha!". Rồi quay lại nói chuyện chính: "Với năm mươi phần trăm cổ phần này, nếu như đối phương muốn đầu tư thì phải rót vào mười triệu tệ, còn ít hơn thì nhà ai người nấy về."

Ôn Chủy Vũ ngạc nhiên há hốc mồm nhìn Ôn Lê. Cái lầu nhỏ được thuê lại kia... xưởng vẽ của cô hiện đáng giá hai mươi triệu!? Cô ra dấu số hai, hỏi Ôn Lê.

Ôn Lê nhìn dáng vẻ ngớ ngẩn của Ôn Chủy Vũ, thật sự lo lắng cô tự kinh doanh sẽ làm mình lỗ chết. Ôn Lê nói: "Một người đầu tư không đủ thì có thể kiếm thêm vài người, số người đầu tư nhiều mới có thể chia nhỏ số cổ phần trong tay mỗi người bọn họ được. Một cổ đông lớn nắm năm mươi phần trăm so với vài cổ đông chiếm bình quân không tới hai mươi phần trăm cổ phần, trong đa số các trường hợp, khi hai bên đối đầu sẽ dẫn đến kết quả hoàn toàn khác nhau."

Ôn Chủy Vũ chớp chớp mắt: "Cổ đông không phải là người cùng góp vốn sao?" sau đó nghĩ lại, mặc dù là người cùng góp vốn, nhưng nội bộ bên trong các xí nghiệp vẫn hay diễn ra tình trạng tranh quyền đoạt lợi, mà mỗi khi đưa ra ý kiến bất đồng về sách lược kinh doanh thì nơi nào chẳng dựa vào cổ phần để bàn chuyện?

Ôn Lê tạm dừng một chút, lại tiếp: "Tất nhiên! Với cái bộ dạng cái gì cũng không biết này của em, bây giờ muốn thuyết phục người ta đầu tư, đến hai triệu còn khó."

Ôn Chủy Vũ khiêm tốn xin chỉ giáo: "Chị Lê Lê thấy em phải làm sao mới có thể khiến cho người ta đồng ý đầu tư vào hai mươi triệu?"

Ôn Lê bảo: "Trước khi em đi gọi vốn đầu tư, phải xin ông nội và sư phụ em cùng mấy vị tiền bối có quan hệ tốt với hai người ấy vẽ cho em vài bức tranh làm bảo vật trấn tiệm. Có tranh của họ thì đẳng cấp của cửa hàng... à không... của phòng tranh này lập tức được nâng lên. Dĩ nhiên, trong tiệm treo thêm vài tấm ảnh em chụp cùng họ thì cũng chẳng chói mắt lắm. Chỉ cần khách tới không phải là người mù, em đặt ảnh ở chỗ người ta có thể tùy ý trông thấy lại càng giống như đang dệt hoa trên gấm. Lúc khai trương, em phải cố gắng mời bằng được bọn họ tới chung vui."

Ôn Chủy Vũ tỏ vẻ lúng túng: "Hiện tại trong tay em không có tiền mua tranh..."

Ôn Lê xoa trán thở dài một tiếng, sau đó mới tiếp tục nói: "Không có tiền cũng không sao, quẹt thẻ là được."

Ôn Chủy Vũ: "..."

"Mấy năm nay, danh tiếng của ông bác ở ngoài kia khá tốt. Hai ông cháu em đập nồi bán sắt trả nợ cho chú Tư, mặc dù nói không còn tiền nữa nhưng uy tín lại tăng cao thêm một bậc. Huống chi hiện tại ông bác ra ngoài còn hay phô trương thanh thế, lái xe sang, mang theo bảo vệ, căn nhà đang ở cũng không tồi. Em không nói thì ai biết em nghèo chứ? Bây giờ trong mắt người ngoài có thể gia đình của em không có nhiều tiền nhưng số tiền nhỏ như chục triệu có lẽ vẫn còn."

Ôn Chủy Vũ: "..." Cô thầm nghĩ: "Nếu như người ta nghĩ cô có tiền, vậy chẳng phải càng thách giá cao hơn sao?" Nhưng cô biết Ôn Lê nói mấy lời này cũng có lí của chị.

Ôn Lê thấy Ôn Chủy Vũ có vẻ còn chưa hiểu lắm, bèn nói: "Cả hai ông cháu em đều có uy tín, trong nhà vẫn còn chút của cải, không sợ em trả không nổi sẽ ăn quỵt người ta. Em đó, lúc đi mua tranh nên ăn ngay nói thẳng, nói là mình cần phải mở xưởng vẽ, muốn tìm tranh. Quyền sở hữu những bức họa ấy sẽ thuộc về phòng tranh, nhưng do phòng tranh vẫn chưa đăng ký nên tiền mua tranh sẽ thanh toán trễ một chút. Tóm lại là, lí do thì em tự mình nghĩ đi. Dù sao trong nhà em vẫn còn mấy triệu, em sau này sẽ là người đi theo con đường làm doanh nhân mở phòng tranh lớn, sợ gì mà không bỏ tiền ra đi mua tranh vài ngày?"

Ôn Chủy Vũ: "..." Bây giờ trong túi của Ôn Chủy Vũ chỉ còn sót lại mỗi tiền tiêu vặt ông nội cho từ mấy hôm trước. Còn số tiền Diệp Linh thanh toán bức Hoàng Chiến Thương Thiên Đồ hồi đợt đầu, cô cũng đã đưa cho Tôn Uyển làm phí chi tiêu trong nhà.

Ôn Lê tiếp lời: "Đặt được tranh, em có thể mang hợp đồng mua tranh đi tìm nhà đầu tư. Khi tìm được nhà đầu tư thì lấy vốn đó trả tiền tranh cho người ta là được rồi. Một tay giao tiền, một tay giao hàng, em không đưa tiền thì người ta không đưa tranh. Chẳng sao cả!"

Ôn Chủy Vũ cứng họng, không nói nên lời, dùng sức gật đầu một cái.

Ôn Lê kiên nhẫn nói dông nói dài với Ôn Chủy Vũ đến giữa trưa, sau đó dùng bữa tại nhà Ôn Chủy Vũ rồi mới về. Trước khi ra khỏi cửa cô còn nói với em họ nhà mình: "Được rồi, trước em cứ thu xếp công việc theo từng giai đoạn, đầu tiên nên lo liệu cho xong chuyện tìm bảo vật trấn tiệm kia, đó mới là trọng điểm. Còn về chuyện tu sửa, công ty thiết kế của chị sẽ giúp em. Bản vẽ của em chị đã giữ lại rồi, lát nữa báo chi phí dự trù cho chị, chị sẽ cử nhân viên thiết kế giỏi nhất dưới trướng đi phụ cho. Phía ông Mục bên kia, nếu ông ấy không đến tìm em thì em cũng không cần đi tìm ông ấy, phải làm giá một chút, như vậy bên mình mới có thể tiếp tục tăng thêm phần được chia. Nhớ rõ thấp nhất là năm phần, nếu có thể bàn được sáu bốn hay bảy ba gì đó thì càng tốt. Nghĩ xem, em còn phải chia cho chị hai phần, vậy còn sót lại mấy phần cho mình đâu." Cô nói xong thì vẫy tay tạm biệt Ôn Chủy Vũ, sau đó đi ra ngoài. Lúc đi đến ngưỡng cửa lại quay đầu căn dặn: "Lúc kí hợp đồng phân chia cổ phần phòng tranh, nhất định phải gọi cho chị hoặc ông bác. Nghìn vạn lần nhớ kỹ, không được quên đâu đó." 

Cô đợi đến khi Ôn Chủy Vũ nhận lời mới yên tâm rời đi.

----------------------------

Chú thích:

(1) Tường vân, thụy thú (祥云、瑞兽): Theo như Tầm Nguyên Từ Điển thì tường vân là mây lành, báo điềm tốt. Còn thụy thú là những thần thú mang lại may mắn, dùng để trừ tà, cầu phúc trong văn hóa Trung Quốc. Thụy thú gồm năm linh vật: Long (rồng), lân (kì lân), quy (rùa), phụng (phượng hoàng) và tỳ hưu.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top