Chương 41

Ôn Chủy Vũ không từ chối.

Cô không thấy khó chịu khi ở cạnh Diệp Linh. Tuy không thể làm người yêu nhưng chí ít, hai người vẫn có thể trở thành bạn bè của nhau.

Lúc ăn cơm Diệp Linh đã thay đổi dáng vẻ trầm lặng khi nãy, bắt đầu hỏi han về vấn đề của bức tranh.

Ôn Chủy Vũ đành nói ra sự thật.

Loại hành vi tách bồi kia đã khiến bức tranh chịu tổn hại nghiêm trọng, vả lại cũng khó phục hồi.

Những họa phẩm ấy đã tồn tại hàng trăm thậm chí cả nghìn năm, qua tay vô số người, vượt bao chiến loạn binh đao để được bảo tồn cho tới ngày nay. Nhưng giờ đây, chúng lại bị phá hoại khi rơi vào tay những thương nhân bất lương trong thời thái bình thịnh thế.

Đối với hành vi phá hoại thư họa văn vật, Ôn Chủy Vũ đau xót vô cùng, nhưng cô lại chẳng thể chỉ trích ai. Dẫu sao cũng thuộc về người khác, nên họ có toàn quyền định đoạt. Hơn nữa pháp luật cũng chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này.

Một số bậc thầy thư họa nổi tiếng đôi khi lại sản xuất và bán tác phẩm giả để kiếm sống hoặc vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên họ làm giả văn vật bằng kỹ thuật chế tác tinh vi, sẽ không gây bất kỳ hư hại nào đối với bản gốc. Thậm chí, đôi khi bản gốc có thể đối mặt với nguy cơ bị hủy hoại vì một số nguyên nhân khách quan, người ta buộc phải bảo vệ nó bằng cách thay bằng hàng nhái, có như thế bản gốc mới được gìn giữ và lưu truyền.

Dù Ôn Chủy Vũ không coi việc ngụy tạo văn vật là đúng nhưng cô học vẽ từ nhỏ, không biết đã từng sao chép bao nhiêu bức. Cô tin rằng bản thân có đủ khả năng tái hiện tác phẩm của những người đi trước, thậm chí còn đạt đến mức thật giả khó phân. Đây cũng là một cách thể hiện trình độ và kỹ thuật vẽ tranh của người họa sĩ.

Ôn Chủy Vũ bỗng nhiên dao dộng.

Cô biết cách thẩm định tranh lại quen với rất nhiều nhà sưu tầm đồ cổ. Phòng tranh do cô kinh doanh không bị giới hạn trong việc mua bán ấn phẩm thư pháp và hội họa hiện đại, mà còn có thể mở rộng giao dịch sang các tác phẩm thư họa cổ điển. Diệp Linh, Ôn Lê và những khác hàng cao cấp khác đều có nhu cầu sưu tầm các bức cổ họa quý hiếm, đây chẳng phải là một thị trường đầy tiềm năng hay sao?

Tuy nhiên, việc  kinh doanh thư pháp, tranh họa cổ mang lại nguy cơ tồn đọng vốn quá lớn.

Trong nghề mua bán đồ cổ luôn tồn tại một câu nói: "Ba năm không mở hàng, mở hàng ăn ba năm". Lợi nhuận lớn nhưng vài tháng trời không bán được hàng là chuyện rất đỗi bình thường. Vốn xoay dòng của phòng tranh vốn không nhiều, cho đến hiện tại chỉ có thể đi theo hướng đánh nhanh thắng nhanh, cố gắng khống chế chu kỳ xuất nhập hàng hóa trong vòng ba tháng, chậm nhất không quá nửa năm. Còn đối với đồ cổ thư họa, chỉ có thể ngồi đợi khách hàng đến cửa hoặc nhờ đồng nghiệp trong ngành tiến cử lẫn nhau, không thể tổ chức triển lãm kết hợp quảng cáo giống như tác phẩm của lớp họa sĩ trẻ.

"Chủy Vũ!"

Diệp Linh gọi cô một tiếng, kéo suy nghĩ của cô về lại thực tại. 

"Đang băn khoăn chuyện gì vậy?"

Ôn Chủy Vũ do dự, cô không biết có nên chia sẻ suy nghĩ của mình với Diệp Linh hay không. Diệp Linh mua tranh không thành, còn cô lại ngồi đây nghĩ đến việc kinh doanh của mình, nói ra thì khá ngượng ngùng. Nhưng nói về kinh doanh thì Diệp Linh lại là một chuyên gia, hơn nữa hai người còn là đối tác của nhau, vì vậy cô có thể thảo luận với Diệp Linh về ý tưởng hoặc quan điểm của mình.

Diệp Linh rót cho Ôn Chủy Vũ một tách trà, kiên nhẫn đợi cô suy nghĩ xong.

Ôn Chủy Vũ có chút chần chừ.

"Chuyện mua tranh của giám đốc Diệp vừa rồi bất ngờ đem lại cho tôi một cảm hứng. Tôi nghĩ phòng tranh của chúng ta có thể mở rộng kinh doanh sang các sản phẩm thư họa cổ, hướng tới nhóm khách hàng cao cấp đang có nhu cầu. Tuy nhiên việc này đòi hỏi một lượng vốn lớn để duy trì dòng tiền luân chuyển, hơn nữa rất có khả năng gây ra tình trạng ứ đọng vốn do kém thanh khoản."

"Khi dòng tiền gặp vấn đề, em có thể tìm cách huy động đầu tư hoặc gom vốn. Nếu có thể kiếm được lợi nhuận, cộng thêm rủi ro thấp, thì không lo không tìm được nhà đầu tư. Công việc kinh doanh thư họa cổ này phải làm như thế nào, tôi nghĩ cụ Ôn sẽ cho em lời khuyên tốt hơn tôi."

Khóe miệng Diệp Linh lộ ra ý cười, nàng ta tiếp tục góp ý: "Chủy Vũ có thể thử thêm cách thứ ba."

Ôn Chủy Vũ hoang mang nhìn nàng ta.

"Đúng lúc tôi đây cũng có nhu cầu mua thư họa cổ, muốn nhờ giám đốc Ôn giúp tôi tìm một tác phẩm của họa gia nổi tiếng thời Đường – Tống."

Ôn Chủy Vũ hiểu ý của Diệp Linh. Trong trường hợp thiếu vốn, nàng ta muốn phòng tranh triển khai dịch vụ ủy thác hoặc môi giới trung gian. Có điều chuyện Diệp Linh nhờ cô làm, cô nghe xong chỉ muốn hỏi nàng ta một câu: "Giám đốc Diệp không đùa đấy chứ?"

Cô biết Diệp Linh thực sự muốn mua tranh nhưng vẫn chưa mua được.

Ôn Chủy Vũ vốn nghĩ Diệp Linh đã chuẩn bị sẵn một món quà mừng thọ khác phòng khi không mua được tranh, giống như tình huống hiện tại.

Cô thấy biểu cảm của Diệp Linh, quả thực là muốn mua tranh. Ôn Chủy Vũ nghĩ ngợi một hồi, cảm thấy bản thân có thể giúp Diệp Linh chuyện này. Cô quay sang xác nhận lại với Diệp Linh, hỏi xem nàng ta có thực sự cần mua tranh gấp hay không.

Diệp Linh gật đầu, nói: "Ông cụ yêu thích cổ phong, có đam mê sưu tầm sách cổ và thư họa."

Ôn Chủy Vũ đã hiểu.

"Tôi có thể thử liên hệ với các nhà sưu tầm, hỏi xem họ có ý định bán tranh hay không. Nhưng không chắc là sẽ mua được."

Diệp Linh tỏ ý đã hiểu, nàng cảm ơn Ôn Chủy Vũ.

"Vậy phải trông cậy Chủy Vũ rồi."

Ôn Chủy Vũ cặn kẽ hỏi Diệp Linh về mức giá mong muốn, yêu cầu cầu cụ thể đối với bức tranh, sau đó giúp Diệp Linh gọi tìm nơi bán.

Vài nhà sưu tầm có tranh nhưng không muốn bán, tranh của họ chủ yếu chỉ dùng để giao lưu, chia sẻ với người cùng sở thích. Có thể tìm họ để xin đánh giá và thẩm định, nhưng nghe đến mua tranh là họ sẽ khó chịu ngay.

Cũng có rất nhiều người có hoàn cảnh giống như cụ Ôn Nho. Họ vừa sưu tầm cá nhân, cũng đồng thời mua đi bán lại, làm cho những món đồ cổ trong tay trở nên sinh động. Giống như khi lăn một quả cầu tuyết, càng lăn càng nhiều tiền, càng tích lũy được nhiều cổ vật hơn. Miễn là được người quen giới thiệu cộng thêm giá cả hợp lý, người mua nếu không phải hạng kém cỏi thì họ đều sẵn lòng bán tranh để kiếm chút phí chuyển nhượng.

Còn có một dạng sưu tầm chỉ đơn thuần vì lợi nhuận, những người này vốn không có hứng thú đối với thư cổ tranh họa, mục đích duy nhất chính là tiền. Dạng người này vì tiền mà chuyện gì cũng dám làm, từ lừa đảo, gian lận cho đến mọi trò xấu.

Người mà Ôn Chủy Vũ liên lạc là một nhà sưu tầm có quan hệ lâu năm với gia đình cô. Người đó họ Chu, khoảng chừng năm mươi tuổi, chủ yếu làm nghề kinh doanh, sưu tầm đồ cổ hoàn toàn là vì sở thích, cũng kiếm được ít tiền từ việc sang tay. Ông Chu và vợ, một người yêu đồ cổ văn vật, một người thích chăm sóc hoa cỏ lâm viên. Tình cảm giữa họ rất tốt, sống bên nhau vui vẻ hòa thuận, cũng vô cùng thong dong tự tại.

Sau khi Ôn Chủy Vũ trao đổi với ông Chu, cô và Diệp Linh ăn xong liền đi thẳng đến nhà ông ấy.

Sân nhà Chu tiên sinh rất sáng sủa, toàn bộ mặt tường đều là cửa kính xây chạm đất, cùng với hoa cỏ trong sân vườn, dưới ánh nắng mặt trời càng toát lên vẻ đẹp như trong truyện cổ tích.

Lúc hai người các cô đến nơi, bà Chu đang đội nón, mang bao tay xử lý đất trồng hoa ở trong sân.

Thấy Ôn Chủy Vũ đến, bà Chu vừa mừng vừa bất ngờ hỏi: "Sao Tiểu Vũ lại rảnh rỗi đến chơi thế này? Việc kinh doanh có thuận lợi không?"

Ôn Chủy Vũ vui cười nói: "Chào dì Chu. Nhờ có bạn bè giúp đỡ nên mọi việc tiến triển rất thuận lợi."

Cô thấy bà Chu định cởi bao tay ra đón tiếp hai người, bèn vội vàng ngăn lại: "Dì Chu cứ làm việc đi, chúng con tìm chú bàn việc trước."

"Được, vậy hai đứa tự vào nhà nhé." Sau đó bà gọi giúp việc chuẩn bị trà nước cho hai người.

Cô và Diệp Linh đi vào phòng khách, ông Chu đang bước xuống từ lầu trên.

Thấy người Ôn Chủy Vũ dẫn theo là Diệp Linh, Chu Cát ngạc nhiên "ồ" một tiếng, kêu lên: "Giám đốc Diệp!? Ôi, khách quý, khách quý!"

Ông ta nói xong thì tiến lên mấy bước, nhanh chóng bắt tay với Diệp Linh.

Diệp Linh đứng dậy, tươi cười chào hỏi: "Chủ tịch Chu, xin thứ lỗi. Đã mạo muội làm phiền."

"Không phiền, không phiền chút nào. Nào, mời ngồi."

Ông Chu mời hai người ngồi xuống, sau đó tiếp tục khách sáo với Diệp Linh mấy câu. Ông không nhịn được mà đắc ý, tỏ vẻ thần bí nói với Ôn Chủy Vũ: "Con không biết chú mới sưu tầm được bảo bối nào đâu!"

Ôn Chủy Vũ thấy Chu tiên sinh phản ứng như vậy, cô biết ông nhất định đã tìm được một bức tranh không tồi.

Cô mỉm cười, trêu đùa hỏi: "Có bán không?"

Ông Chu tạch lưỡi bảo: "Chú vẫn còn chưa ngắm đã!"

Ôn Chủy Vũ chỉ cần nghĩ thôi cũng biết ông ấy hiện tại không nỡ bán, muốn mua thì phải chờ Chu tiên sinh thưởng tranh xong, phải chờ cảm giác mới mẻ qua đi. Cô đưa tay ra dấu mời lên lầu, ý muốn bảo ông không bán cũng không sao, sau đó trực tiếp đi lên phòng sách ở lầu trên để xem tranh.

Ông Chu đứng dậy dẫn hai người các cô đến phòng sách của mình.

Diệp Linh thấy dáng vẻ như vừa gặp được tri âm của hai người, lặng lẽ lau mồ hôi lạnh. Nàng lo sợ Ôn Chủy Vũ sẽ lại luận bàn về hội họa với Chu tiên sinh đến mức quên cả thời gian.

Ông Chu dẫn Ôn Chủy Vũ và Diệp Linh đến trước bàn làm việc rồi mời Ôn Chủy Vũ xem cuộn tranh đã được ông trải ở trên bàn.

Trong tranh có gió tuyết lạnh lẽo, núi đá dốc thẳng cùng vài thân cây tùng bách hiên ngang trong gió lạnh, cành lá rắn rỏi như rồng lượn. Cây tùng uốn mình giữa vách đá chênh vênh, sừng sững đứng trên đỉnh Thương Sơn đầy gió tuyết, lộ ra phong thái trác việt, đầy kiêu hãnh của nghìn năm gió sương. Từng chiếc rễ cây cong quấn, từng phiến lá kim mảnh mai đều được tái hiện hết sức tinh tế. Cành tùng vương đầy hoa tuyết, tuyết lớn phủ khắp trời, như thể sai khiến con người ta bước qua mùa hè oi ả, tiến vào thế giới của phong sương tuyết vũ.

Ôn Chủy Vũ thấy bức Hàn Sơn Cầu Tùng Đồ ở trước mặt, ngay cả hô hấp cũng ngưng trệ. Cô cẩn thận ngắm nhìn bức vẽ từ đầu đến cuối, sau đó xem lại từ cuối đến đầu. Ôn Chủy Vũ giơ ngón tay cái với ông Chu, cuối cùng cũng chịu rời mắt khỏi bức tranh.

Thời gian của Diệp Linh gấp gáp, cô không tiện bình phẩm, thảo luận cùng Chu tiên sinh giống như mọi khi. Bàn về bức tranh này, sẽ phải ngồi nói rất lâu, mấy tiếng đồng hồ trôi qua chỉ trong chớp mắt.

Tuy ông Chu có khả năng kiểm định và đánh giá họa phẩm nhưng vẫn chưa đạt đến mức am tường. Mỗi lần ông mua tranh đều có chuyên gia giám định thay mặt đánh giá. Tuy nhiên, những nhà giám định và các tiền bối lão thành này thường rất tự kiêu về địa vị của mình, trừ khi giữa bạn bè có quan điểm bất đồng dẫn tới tranh chấp, bằng không trong hầu hết trường hợp họ đều lựa chọn im lặng, cùng lắm cũng chỉ đưa ra một hai câu nói mập mờ về những chi tiết quan trọng. Giống như khi đi xem bức Song Viên Đồ của Dịch Nguyên Cát, cô chỉ cần nói cho Diệp Linh biết bức tranh đó đã từng bị người ta tách bồi là đủ rồi.

Cô là người trẻ tuổi, lại chẳng phải nhân vật nổi tiếng gì, dẫu có lỡ miệng nói sai cũng không cần phải sợ. Mỗi khi có cơ hội thẩm định họa phẩm với các lão tiền bối, cô luôn mạnh dạn nói thẳng. Với cô, nói đúng chính là một dạng khẳng định bản thân, nói sai cũng không ai lấy đó mà chê cười, ngược lại còn chỉ bảo cho cô một hai chỗ, giúp cô được lợi rất nhiều.

Ôn Chủy Vũ thích nói nhiều, ông Chu thích tìm cô thẩm định tranh. Mỗi khi muốn mời người đến thưởng thức những bức tranh mới sưu tầm, Chu tiên sinh luôn muốn nhờ cô phao chuyên dẫn ngọc(1). Hai người cùng nhau học tập, sau đó lại tiếp tục thảo luận.

[ 1. Phao chuyên dẫn ngọc (抛砖引玉): Khôn ngoan, biết bỏ ra những vật nhỏ nhoi, điều sơ đẳng ban đầu để thu về những vật, những điều quý giá. Ví như biết ném hòn gạch ra để thu về viên ngọc quý, bỏ con tép bắt con tôm.Trong ngữ cảnh này, nó mang nghĩa gợi mở vấn đề để lôi cuốn mọi người vào cuộc tranh luận bổ ích.]

Tuy nhiên, hôm nay không phải là thời điểm thích hợp để bàn luận.

Cô xem giờ một chút rồi nói với ông Chu: "Hàn Sơn Cầu Tùng Đồ không bán, vậy còn bức kia của Ngô Đạo Tử thì sao?"

Diệp Linh nhướng mi, ngạc nhiên quay sang nhìn Ôn Chủy Vũ: Tranh của Ngô Đạo Tử???

Trên thị trường, có thể nói tranh của Ngô Đạo Tử là cực kỳ quý hiếm, nếu may mắn gặp được hàng thật thì chưa chắc đã mua được. Muốn mua, chỉ có thể tìm đến các nhà sưu tầm tư nhân lớn. Nếu không có người quen giới thiệu dẫn dắt, ngay cả cửa vào nhà người ở đâu cũng không tìm được.

Chu Cát do dự một lúc: "Cứ xem tranh trước đã, giá cả lát nữa nói sau."

Diệp Linh: "..."

Chu Cát mời hai người xuống phòng khách dưới lầu.

"Ngồi đây đợi một lát, chú đi lấy tranh." Ông nói xong thì vào phòng tìm tranh.

Sau khi Chu Cát mang tranh ra, Ôn Chủy Vũ cẩn thận mở tranh, tỉ mỉ giám định.

Mặc dù cô đã từng ngắm qua bức này nhưng nếu mua tranh thì vẫn phải xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết. Đây gọi là làm việc công tâm, phòng khi xong việc lại xảy ra tranh chấp khiến cho tình bạn đôi bên bị sứt mẻ.

Tranh vẫn là bức đó. Do có tuổi đời khá lâu nên khó tránh khỏi có chút hư hại, vẫn còn lưu lại vết tích tu bổ nhưng chỉ sửa lại những chỗ bị mục nát, còn những chỗ khác thì không.

Ôn Chủy Vũ khẽ gật đầu với Diệp Linh.

Diệp Linh hiểu ý, quay sang nói chuyện giá cả với Chu Cát.

Ôn Chủy Vũ không can dự vào chuyện trả giá của hai người, cô chỉ im lặng ngồi ở bên cạnh nghe ngóng. Giá của đồ cổ sẽ dao dộng theo từng thời kỳ, người bán người mua khác nhau, giá bán cũng có sự khác biệt. Sự chênh lệch này có thể nhiều hơn gấp chục thậm chí cả trăm lần. Rất nhiều khi, giá của bức tranh không nằm ở giá trị thật của nó mà dựa vào việc thương lượng của hai bên, liệu xem mức giá của bên bán đưa ra có phù hợp với mong muốn của bên mua hay không.

Sau một hồi kì kèo, Diệp Linh và ông Chu đã thương lượng được một mức giá thỏa đáng.

Ôn Chủy Vũ thấy hai bên đều khá hài lòng về giá tiền đã thỏa thuận.

Viết hợp đồng chuyển nhượng, ký tên đóng dấu, chuyển khoản, sau đó lại kiểm tra tranh thêm một lần nữa. Tiền trao cháo múc, giao dịch hoàn thành.

Chu Cát tự mình tiễn hai người các cô ra đến cổng.

Ôn Chủy Vũ biết Diệp Linh phải lên máy bay gấp. Sau khi lên xe, cô nói với Diệp Linh và Đổng Nguyên: "Đưa tôi đến trước cổng tiểu khu là được rồi."

"Tôi đón em từ chỗ phòng tranh, đương nhiên phải đưa em trở lại đó."

Thời gian chỉ vừa đủ để Diệp Linh chạy vội ra sân bay, việc nàng ta muốn đưa Ôn Chủy Vũ về phòng tranh vốn là chuyện ngoài khả năng.

Diệp Linh để lại chiếc xe đang chạy ở phía sau lại cho Ôn Chủy Vũ, sau đó sắp xếp một vệ sĩ đưa cô trở về.

Ôn Chủy Vũ chuyển qua ngồi xe việt dã của vệ sĩ chưa được bao lâu thì nhận được hai thông báo chuyển khoản. Một cái là của Chu Cát gửi cho cô, xem như là hoa hồng do cô đã giới thiệu Diệp Linh đến mua tranh của ông. Cái còn lại là thông báo nhận tiền từ Diệp Linh, bao gồm chi phí giới thiệu và tiền công của hai lần thẩm định.

Hai khoản này cộng lại còn nhiều hơn một năm tiền lương của cô.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top