Chương 40

Đối với lời mời xem tranh của Diệp Linh, Ôn Chủy Vũ không lập tức đồng ý. Cô hỏi: "Hiện tại giám đốc Diệp có tiện gặp tôi không? Tôi muốn nắm rõ tình hình."

"Được chứ. Em có ở phòng tranh không?"

"Có."

"Vậy tôi qua đón em, khoảng ba mươi phút nữa sẽ đến."

"Được. Lát nữa gặp."

Cô cúp điện thoại, đứng dậy đi đánh răng. Ôn Chủy Vũ chọn ra một món trang sức thanh lịch rồi tự pha cho mình một tách cà phê.

Diệp Linh cho xe chạy đến dưới lầu, sau đó gọi cho Ôn Chủy Vũ.

Ôn Chủy Vũ xách theo túi đi xuống, cô vừa lên xe thì lập tức hỏi Diệp Linh: "Gấp lắm sao?"

"Phải, sáu giờ chiều nay tôi có chuyến bay về lại Bắc Kinh. Vốn dĩ ban đầu muốn mời Lý lão tiên sinh ở ngõ Thanh Thủy đến giúp tôi giám định nhưng lúc nãy nhận được điện thoại của vợ ông ấy, bà báo sáng nay đột nhiên ông thấy trong người không khỏe nên đã đưa đến bệnh viện rồi, vừa sắp xếp nhập viện."

Nàng ta cười nói: "Những người tinh thông về thư pháp và hội họa cổ mà tôi có thể liên hệ, gần đây nhất chỉ có em và Ôn lão tiên sinh."

"Là tranh gì vậy? Giám đốc Diệp muốn mua tặng ai?"

"Là bạn thân của ông nội tôi. Năm ngoái khi ông tôi qua đời, tôi và anh trai phải gặp nhiều khó khăn, cũng may là nhờ ông ấy chiếu cố nên anh em chúng tôi mới được bình an vô sự. Lần này trở về, chủ yếu là muốn chúc thọ cho ông ấy. Tranh chúng ta chuẩn bị đi xem là bức Chương Viên Đồ của Dịch Nguyên Cát."

Ôn Chũy Vũ khẽ gật gù.

Dịch Nguyên Cát - họa sĩ vẽ công bút lừng lẫy thời Bắc Tống, là người rất có thiên phú hội họa, có thể nói ông là một nhân tài toàn diện. Cả đời Dịch Nguyên Cát phần lớn đều dành thời gian vẽ hoa điểu, thảo trùng, quả cùng rau củ, hổ, lang, miêu, khuyển nhưng nổi tiếng nhất chính là tranh vẽ vượn. Dịch Nguyên Cát được xem là họa sĩ vẽ khỉ nổi tiếng nhất Trung Quốc. Năm ấy khi Tống Anh Tông xây dựng cung điện đã triệu ông vào cung vẽ bình phong hoa điểu, sau này ông lại được tiến cung vẽ Bách Viên Đồ. Đáng tiếc tranh chưa vẽ xong, người đã phải chết thảm trong cung. Đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh cái chết của Dịch Nguyên Cát.

"Người bán tranh có lai lịch thế nào?"

"Người liên hệ với tôi là Từ Hướng Lĩnh của Tế Cổ Trai."

Ôn Chủy Vũ nghe Diệp Linh nói xong chỉ biết mở to mắt, xoay qua nhìn nàng ta.

Diệp Linh thấy cô khác thường bèn hỏi: "Có vấn đề?"

Ôn Chủy vũ không chút biểu cảm đáp: "Không có."

Diệp Linh nghĩ bụng: "Không có mới lạ." Nhưng nàng ta vẫn nói với cô: "Chủy Vũ có gì xin cứ nói, đừng ngại nói thẳng."

Ôn Chủy Vũ không tiện nói cho Diệp Linh biết rằng kỹ thuật làm đồ giả của Tế Cổ Trai sớm đã đạt tới mức thượng thừa, không phân được thật giả. Đồ cổ do nơi này bán ra, ngàn vạn lần phải chú ý cẩn thận.

Ôn Chủy Vũ không nói, Diệp Linh cũng có thể đoán được. Trong ngành đồ cổ, thứ khiến người ta cảnh giác thì cũng chỉ có bấy nhiêu đó. Nhìn phản ứng của Ôn Chủy Vũ, Diệp Linh nhận ra cô khá am hiểu về Tế Cổ Trai.

Khoảng thời gian này Ôn Chủy Vũ tất bật suốt ngày, Diệp Linh cũng có công việc riêng, nên đã rất lâu rồi nàng chưa có dịp ngồi gần Ôn Chủy Vũ như thế này. Từ lúc Ôn Chủy Vũ lên xe, Diệp Linh nhận ra cô đã ốm đi nhiều, vòng eo mảnh khảnh tưởng chỉ còn một nắm tay, cằm nhọn thon gầy, trên mặt tìm không ra tí thịt nào. Lần đầu tiên trông thấy Ôn Chủy Vũ, mặc dù Ôn tiểu thư trước mặt nàng gầy yếu, mảnh mai nhưng lúc ấy vẫn toát lên vẽ kiều diễm như châu tròn ngọc sáng. Hiện tại Ôn Chủy Vũ khoác lên mình bộ quần áo công sở, tuy hoạt bát hơn đôi phần nhưng dáng vẻ mỏng manh cộng thêm làn da trong suốt càng làm nổi bật thêm sự yếu ớt của cơ thể. Diệp Linh lo lắng nếu Ôn Chủy Vũ còn tiếp tục gầy đi như thế, chỉ cần một cái nắm nhẹ cũng đủ khiến cô vỡ ra như một món đồ sứ.

Ôn Chủy Vũ mất ngủ cả đêm, trong xe yên tĩnh nên chưa được bao lâu cơn buồn ngủ lại ập tới. Cô nghĩ còn một đoạn đường dài từ đây đến Tế Cổ Trai, bèn nhắm mắt dưỡng thần, bất giác ngủ quên từ lúc nào.

Diệp Linh thấy Ôn Chủy Vũ tựa đầu lên gối xe ngủ say, bèn lấy ra một chiếc chăn mỏng, nhẹ nhàng đắp lên người Ôn Chủy Vũ.

Trong cơn mơ màng, Ôn Chủy Vũ lại bước vào hội quán kia.

Ánh đèn mập mờ, lối đi dài hun hút, hai bên hành lang là các gian phòng được trang trí lộng lẫy. Ở mỗi cửa phòng đều có nhân viên phục vụ ăn mặc gọn gàng, đang đứng nghiêm chờ khách. Bỗng hai bên tường bị xoắn lại thành một khối, lộ ra vô số xác chết bị khảm ở bên trong. Những xác chết đó bị dính chặt với nhau, họ ngẩng đầu lên la hét, đưa tay ra tóm lấy những người đang đi trên hành lang. Trong phòng bao lẫn hàng lang, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Cánh cửa phòng mở toang, bên trong là ác quỷ kinh tởm đang đè một người phụ nữ lên bàn trà, làm chuyện không phù hợp với trẻ nhỏ.

Cô đứng yên một chỗ nhìn khắp nơi xung quanh, cảm giác như trời đất sụp đổ.

Cô biết mình không nên xuất hiện tại nơi này, ở đây có thứ cô không muốn nhìn thấy nhưng Ôn Chủy Vũ không biết tại sao bản thân lại đi lạc vào.

Bất chợt từ trên trần nhà bay ra rất nhiều tiền, những tờ tiền trước mặt lại hóa thành máu tươi chảy xuống.

Tiền nhiều vô kể. Từ trên trần nhà, tiền rơi xuống khắp nơi, che trời rợp đất. Ác quỷ trong các phòng bao xông ra, đông không kể xiết, bọn chúng không ngừng chồm lên giật lấy những tờ tiền đang bay lả tả.

Tiền hóa thành máu, sau đó bừng lên thành ngọn lửa nuốt chửng đám ác linh đang lao về phía chúng.

Toàn bộ xác trên tường đều biến thành tranh của cô, những bức tranh đang cháy tàn.

Tranh của cô...

Ôn Chủy Vũ lặng nhìn từng bức từng bức bị nhấn chìm trong biển lửa, hóa thành tro bay mất.

Cùng với những bức tranh bị thiêu đốt, Côn Luân thần sơn cũng dần dần sụp đổ. Tất cả mảnh vụn của nó đều bị cuốn vào thế giới đầy sao rộng lớn.

Côn Luân Sơn đổ rồi, cô cũng chết theo...

"Chủy Vũ."

"Chủy Vũ."

...

Một giọng nữ từ trong bóng tối truyền đến, lôi cô từ cõi chết trở về. Cô trôi dạt theo thanh âm ấy, trong phút chốc mọi thứ trở nên rộng lớn vô tận. Ôn Chủy Vũ mở mắt ra liền trông thấy ánh sáng, sau đó là hình ảnh Diệp Linh hiện lên mồn một.

Ôn Chủy Vũ ngẩn ngơ, một lúc sau mới nhớ ra mình đang cùng Diệp Linh đi xem tranh.

"Đến nơi rồi."

Ôn Chủy Vũ "ừm" một tiếng, do đột ngột tỉnh giấc nên não bộ vẫn còn trống rỗng. Trong một khoảnh khắc nào đó, tư duy của cô gần như thoát ly khỏi thế giới thực tại, chợt có hàng tá suy nghĩ ập vào đầu, cuối cùng tỉnh táo được vài phần.

Cô muốn vẽ tranh và kiếm tiền nuôi sống gia đình, nhưng quan trọng nhất là phải định hướng lại kế hoạch cuộc đời, tìm ra lối đi phù hợp với bản thân, một lối đi mà chỉ có cô mới có thể tự mình bước tiếp. Cô và Ôn Lê cùng nhau lớn lên từ thuở nhỏ, tính tình cô thế nào Ôn Lê đều hiểu rõ. Ôn Lê dẫn cô ra ngoài xã giao không hẳn là vì muốn cô đi theo con đường này, mang cô theo là để cô được mở mang, tiếp xúc nhiều hơn, hiểu nhiều hơn về thế giới bên ngoài.

Diệp Linh lấy ra một chai nước khoáng ở trên xe, mở nắp đưa cho Ôn Chủy Vũ.

"Uống miếng nước đi."

Ôn Chủy Vũ nhận lấy, sau khi uống hai ngụm thì cảm ơn Diệp Linh. Cô áy náy nói: "Xin lỗi, lúc nãy tôi lỡ ngủ quên mất."

Diệp Linh cười nhẹ nhàng đáp: "Không sao đâu. Chủy Vũ có thể yên tâm ngủ quên khi ở bên cạnh tôi,  là một chuyện tốt."

"..."

Cô im lặng liếc Diệp Linh một cái sau đó đưa tay về phía nàng ta: "Giám đốc Diệp, nắp chai."

Diệp Linh đặt nắp chai vào lòng bàn tay của Ôn Chủy Vũ.

Ôn Chủy Vũ không biết Diệp Linh vô tình hay cố ý. Khi đầu ngón tay của nàng ta khẽ lướt qua, lòng bàn tay cô có cảm giác giống như bị một chiếc lông vũ nhẹ nhàng phe phẩy. Cô vô thức nhìn xuống tay Diệp Linh, lúc này mới chú ý tới móng tay của nàng ta đã được cắt gọn gàng, sạch sẽ, đầu ngón tay tròn trịa như châu ngọc, thật xinh đẹp.

Cô vặn chặt nắp chai nước, bỏ vào túi sau đó cùng Diệp Linh tiến vào Tế Cổ Trai.

Hai người các cô vừa tới cửa thì Từ Hướng Lĩnh đã cười tươi như hoa chạy ra nghênh tiếp.

Ôn Chủy Vũ và trợ lý Đổng Nguyên theo Diệp Linh vào trong phòng tiếp khách, còn bảo an của nàng ta thì đứng chờ ở bên ngoài.

Ôn Chủy Vũ và Từ Hướng Lĩnh từng qua lại mấy lần.

Cô từ nhỏ đã lớn lên bên cạnh ông bà nội, chịu nhiều ảnh hưởng từ hai người. Thuở nhỏ khi còn làm học trò của ông nội, ông thường dẫn theo cô ra ngoài xem đồ cổ, tranh chữ, vô tình dạy cho cô rất nhiều điều. Ôn Chủy Vũ học vẽ, không thể thiếu việc chép tranh, vì vậy cô đã có dịp tiếp xúc với rất nhiều tác phẩm của các bậc tiền nhân.

Không lâu sau Từ Hướng Lĩnh đã lấy ra một cuộn tranh.

Ôn Chủy Vũ đeo găng tay, cẩn thận mở tranh ra, bên trong là bức vẽ Song Viên Đồ của Dịch Nguyên Cát.

Dịch Nguyên Cát khi xưa thường xuyên đi sâu vào vùng núi Kinh Hồ, ông kết bạn với khỉ để quan sát và mô phỏng thói quen sinh hoạt của chúng. Vượn trong tranh của ông sống động như thật, trông rất có hồn. Giống như bức họa trước mắt này, Dịch Nguyên Cát đã sử dụng bút pháp cực kỳ tinh xảo để tỉ mỉ khắc họa từng sợi lông tơ, động tác uyển chuyển cùng với biểu cảm giống y như đúc của viên hầu. Ý cảnh từ mắt ngấm thẳng vào tim, sự linh động đó như muốn phả vào mặt, thậm chí còn khiến Ôn Chủy Vũ cảm giác như mình đã vượt qua nghìn năm thời gian, chứng kiến loài vượn cổ sống lại ngay trước mắt.

Phần lạc khoản thường được ông viết giữa khoảng đá và cây.

Bức tranh này dùng giấy tuyên chứ không dùng lụa để vẽ. Giấy tuyên gồm nhiều lớp, loại chất lượng kém có thể tách được từ hai đến ba lớp, giấy tuyên thượng hạng thì tách được bảy tám lớp, thậm chí còn nhiều hơn. Một số thợ bồi tranh có tay nghề cao hoặc các bậc thầy làm giả sẽ bóc tách những tác phẩm họ có được thành hai hoặc nhiều bản hơn. Những bức tranh bị tách lớp thường dễ bị xỉn màu, nhưng sau khi được họa sĩ tô màu và làm cũ đi, chúng sẽ trông không khác gì bản gốc. Các bức bị tách bồi thế này vốn mang trên mình một phần bút tích thực của bản chính, thường khó phân thật giả. Thủ đoạn làm giả này ai ai cũng biết, tuy rất khó nhận ra nhưng cũng có thể phân biệt được.

Sự khác biệt đó thường thể hiện trong những chi tiết nhỏ nhặt, thậm chí nhỏ tới mức cô không thể diễn tả bằng lời, chỉ có thể nói nó dựa vào cảm giác.

Một tác phẩm đã trải qua nghìn năm thời gian, vượt bao thăng trầm thời đại, bị tháng năm dài đằng đẵng ăn mòn từng chút, tạo nên sự biến đổi trong từng nét mực và màu sắc của cả bức tranh. Thủ đoạn làm giả có thể sao chép màu sắc, tạo ra cảm giác cũ kỹ, nhìn có vẻ tương đồng nhưng lại thực sự thiếu đi hương vị sâu lắng của thời gian. Đây không phải là thứ có thể mô phỏng hoàn toàn.

Tranh này là bút tích của Dịch Nguyên Cát, không sai, nhưng nó đã bị người ta tách bồi qua. Hiện tại có ít nhất hai bức giống hệt nhau.

Từ Hướng Lĩnh không có lừa người. Tranh ông ta đưa là lớp ở trên cùng, đây là lớp có màu sắc tươi sáng và đậm nhất của bức tranh.

Ôn Chủy Vũ nói với Diệp Linh: "Là bản gốc."

Cô ngừng một lát rồi nói tiếp: "Có điều không biết có hợp tâm ý của ông cụ không mà thôi."

Diệp Linh hiểu được ý tứ trong câu nói của Ôn Chủy Vũ, nàng đưa mắt nhìn cô một cái, sau đó nói với Từ Hướng Lĩnh: "Giám đốc Từ, tôi muốn suy nghĩ thêm. Nếu cần, tôi sẽ liên lạc lại với ông."

Diệp Linh nói xong thì đứng dậy cáo từ.

Diệp Linh và Ôn Chủy Vũ ra khỏi phòng tranh thì đã đến giờ cơm, nàng bèn mời Ôn Chủy Vũ ra ngoài dùng bữa. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top