Chương 304: Những năm tháng ấy

Phiên ngoại

Chương 304: Những năm tháng ấy

Ta tên Lý Yên Như, là đích trưởng công chúa Viêm Quốc, sinh vào giờ tý, ngày mười ba tháng chín năm Thành Triệu thứ mười tám.

Nghe phụ hoàng nói, khi ta được sinh ra, tinh tú trên trời đột nhiên rơi xuống. Hơn nữa, bởi vì ngày sinh của ta quá đặc biệt, phụ hoàng bèn mời Quan Thiên ty tới xem cho ta một quẻ. Quan Thiên ty bói xong thì lập tức quỳ rạp xuống đất, khẩn cầu phụ hoàng xử tử ta.

Quan Thiên ty nói: Mệnh của ta mang đến ba chén nước Vong Xuyên, một chén hủy đi chí thân, một chén hủy đi chí yêu, một chén hủy đi xã tắc.

Nếu để ta lớn lên, thiên hạ chắc chắn sẽ đại loạn. Vì vậy, nên nhân lúc linh đài ta bất ổn rồi đuổi ta về chỗ cũ, như thế mới bảo đảm Viêm Quốc được thái bình. Quan Thiên ty còn nói, nếu ta không tát ba chén nước Vong Xuyên này về nhân gian thì ta cũng khó tránh khỏi gặp nhiều tai họa, khó mà sống hơn ba mươi tuổi. Dẫu sao đây vẫn là một bi kịch khó mà tránh được, không bằng sớm xử lý để giảm thiểu nguy cơ ở mức thấp nhất.

Phụ hoàng không có nhiều con, huynh trưởng và tỷ tỷ của ta đều chết yểu, mà mẫu hậu trước đó cũng đã rất đau khổ vì mất đi ba người con. Khi mang thai ta, mẫu hậu thường xuyên mơ thấy một biển hoa. Đó là một giấc mơ vô cùng ấm áp, vì vậy người rất mong ta chào đời, phụ hoàng cũng như thế.

Nghe Quan Thiên ty nói mệnh ta như vậy, phụ hoàng căn bản không tin, còn hạ lệnh cho tên Quan Thiên ty này không được nói ra. Quan Thiên ty về phủ thì lo phụ hoàng sẽ giết người diệt khẩu, vì vậy hắn dẫn theo gia quyến trốn khỏi kinh thành ngay trong đêm. Đến khi phụ hoàng muốn xử lý vị Quan Thiên ty này thì hắn đã sớm chạy trốn, thế là phụ hoàng tuyên bố với người trong thiên hạ rằng, ta chính là tinh tú trên trời hạ phàm, đi tới nhân gian với sứ mệnh giúp đỡ xã tắc.

Quả nhiên, sau hai năm ta được sinh ra, phụ hoàng và mẫu hậu vốn ít con tiếp tục nghênh đón một vị hoàng tử. Mẫu hậu vô cùng vui vẻ, người cho rằng ta là người dẫn đệ đệ tới nhân gian, để một người gần bốn mươi tuổi như người tiếp tục sinh ra một vị hoàng tử.

Nhưng mà không lâu sau khi đệ đệ chào đời, ta lâm cơn bệnh nặng, các ngự y đều không trị được. Thế là có triều thần nhớ tới "bói mệnh" của ta, kiến nghị: Có lẽ công chúa điện hạ không chịu nổi nhiều khói lửa như vậy, nếu người là tinh tú trên trời hạ phàm thì chi bằng đưa công chúa điện hạ đến chùa thiền xông hương khói, có lẽ sức khỏe sẽ khá hơn một chút.

Lời nói dối này là do phụ hoàng tự lan truyền, người cũng chỉ đành đưa ta năm đó mới ba tuổi đến quốc tự: Chùa Vạn Tượng.

Xây dựng nhã cư phía sau núi chùa Vạn Tượng, phái người chăm sóc cuộc sống hằng ngày của ta.

Cũng không biết có phải vì phụ hoàng là thiên tử, cho nên lời nói dối trở nên linh nghiệm hay không. Sau khi đến chùa Vạn Tượng, sức khỏe ta bắt đầu chuyển biến tốt lên, không điều trị mà cũng dần bình phục.

Có lẽ những chuyện ly kỳ ta trải qua khiến phụ hoàng dần quên mất lời Quan Thiên ty nói về ta, thật sự coi ta là tinh tú hạ phàm...

Năm bảy tuổi, ta quay về nội đình, phụ hoàng và mẫu hậu rất kỳ vọng vào ta, để ta đi học cùng Thái Tử đệ đệ mới năm tuổi. Đệ đệ bốn tuổi đã đi học, mà ta vừa nhập học nên cũng không nhận ra được bao nhiêu chữ. Nhưng chỉ mới nửa năm trôi qua, Thái phó liền bẩm lên phụ hoàng, mời phụ hoàng mời cho một mình ta mấy vị sư phó giảng dạy, không cần tiếp tục đi học với Thái Tử nữa.

Phụ hoàng hỏi nguyên do, Thái phó đáp: Công chúa điện hạ thiên tư cực cao, tuy người vỡ lòng muộn hơn Thái Tử ba năm, nhưng chỉ mất nửa năm là đã đuổi kịp tiến độ. Ngoài ra, năng lực học tập của người cao hơn Thái Tử nhiều, dạy học thì phải dạy theo trình độ, lão thần lo cứ thế mãi sẽ làm lỡ công chúa điện hạ.

Phụ hoàng nghe vậy thì vô cùng vui vẻ, bèn mời tám vị đại nho từ khắp nơi vào kinh truyền thụ cho ta việc học. Những đại nho kia nghĩ mình sẽ được làm thầy của Thái Tử nên vui mừng vào cung, đến khi phát hiện người mình phải dạy thế mà chỉ là một vị công chúa, tám người thì đã có tới sáu người xin phụ hoàng từ chức.

Vẫn là đích thân phụ hoàng đứng ra hỏi rõ nguyên nhân, nói cho những người này nghe mệnh số của ta, cũng đảm bảo: Tuy công chúa là nữ tử, nhưng sau này chắc chắn sẽ trở thành trụ cột tài năng giúp đỡ xã tắc. Huống hồ công chúa có thể đọc nhanh như gió, đã gặp qua là không quên được. Nếu các vị không tin thì có thể kiểm tra học vấn của công chúa rồi quyết định sau.

Thế là, một mình phụ hoàng mở cuộc thi cho ta, sáu vị đại nho đều có mặt, cuối cùng tám vị đại nho đều quyết định ở lại kinh thành.

Lúc đó ta còn không biết mình có gì đặc biệt, còn nghĩ ai cũng giống như ta, vì lẽ đó ta không biết cái gì gọi là "giấu dốt". Mãi đến tận hai năm sau, tám vị đại nho đồng loạt xin nghỉ, ta nghe mẫu hậu nói mới biết được: Hóa ra ta khác với người thường. Hơn nữa, sự khác biệt này...ở trong mắt người khác đáng sợ đến nhường nào.

Thử nghĩ mà xem: Một môn học hoàn toàn mới, nhưng chỉ cần phu tử nói cho ta kiến thức môn học này được viết trong sách nào, chỉ trong mấy ngày là ta đã có thể thông hiểu đạo lí, cùng phu tử biện luận... Đối với người khác, đây là chuyện đáng nhục nhã đến cỡ nào?

Ta vốn tưởng rằng kiến thức của phu tử như nước sông cuồn cuộn, kéo dài không dứt, nhưng không biết bọn họ đã dạy xong từ lâu, không còn gì để truyền thụ nữa.

Khi hiểu đạo lý này ta mới có mười tuổi, nhưng cũng đã sinh ra cảm giác "cô độc".

Hai năm sau, ta đã đọc xong tất cả tàng thư trong Hoằng Văn Quán, bắt đầu có hứng thú với y học và thảo mộc. Ta đến Ngự Y viện học tập ba tháng, bắt mạch cho chủ tử và cung nhân các cung, còn kê đơn thuốc cho phi tần đang cảm phong hàn. Tuy nhiên, vị phi tần kia uống thuốc ta kê đơn thì chết một cách kỳ lạ, ta bị phụ hoàng cấm túc một tháng. Mẫu hậu đến thăm ta, cũng cho ta một kim bài lệnh tiễn để ta đến dân gian tránh né khó khăn.

Ta vốn không muốn đi, ta tin phương thuốc của ta chắc chắn sẽ không sai, huống hồ ngự y cũng đã xem qua...

Mẫu hậu khóc lóc nói với ta: Thế lực mẫu gia Lưu Quý phi rất mạnh, khối kim bài này cũng là ý của phụ hoàng ngươi. Trước tiên ngươi cầm theo nó đến dân gian một khoảng thời gian, đến khi nào điều tra chân tướng rõ ràng thì hẵng quay về.

Thế là khi chưa đầy mười ba tuổi, ta lại lần nữa rời khỏi hoàng cung, chỉ dẫn theo vài tên thị vệ và một cung tỳ bắt đầu du ngoạn dân gian.

Suốt đường đi ta đi lung tung không có mục đích, khi thì hành y khắp nơi, khi thì tới nơi non nước đẹp đẽ xây nhà ở lại, sau đó tiếp tục lên đường.

Đường xá tuy khổ cực, nhưng ta cảm thấy sung sướng chưa từng có. Dọc theo con đường này, ta đã trị khỏi cho rất nhiều bệnh nhân, cảm nhận được ý tốt xuất phát từ nội tâm bọn họ, cuộc sống như thế thú vị hơn cơm ngon áo ấm trong hoàng cung nhiều.

Năm mười bốn tuổi, ta đi tới Hà Bắc, nhìn thấy một tấm bố cáo được dán trên cửa thành: Thái thú Hà Bắc tìm kiếm danh y tứ hải, chữa bệnh cho tiểu nữ nhi Thái thú phủ.

Lúc này ta tiến lên muốn bóc bố cáo, nhưng thị vệ đã ngăn ta lại.

Thị vệ nhỏ giọng nói: "Điện hạ, xin hãy cân nhắc."

Ta: "Vì sao?"

Thị vệ: "Tiểu nhân nghe nói, tiểu thư nhà Thái thú này mắc bệnh đậu mùa, từ trước đến nay đã có nhiều vị đại phu vào phủ mà không ra được. Điện hạ cành vàng lá ngọc, nếu như có sơ xuất thì tiểu nhân có chết muôn lần cũng không đền tội được."

Ta trầm ngâm một lát, bệnh đậu mùa là một trong những căn bệnh nan y ở vương triều này, nhưng ta từng tìm thấy phương thuốc dân gian trị bệnh đậu mùa trong một quyển sách cổ, khổ nỗi không có chỗ để kiểm tra. Nếu có thể dùng phương thuốc này chữa khỏi tiểu thư nhà Thái thú, ta có thể truyền bá phương thuốc này cho tứ hải, cứu được vô số bách tính không may bị nhiễm đậu mùa.

Ta: "Bệnh đậu mùa cực kỳ dễ lây lan, Hà Bắc là nơi đông dân, lỡ như dịch bệnh bạo phát thì toàn bộ triều đình sẽ bị ảnh hưởng. Bản cung là nữ nhi thiên gia, lại có phương pháp trị liệu đậu mùa rất hay, tất nhiên là việc đáng làm thì phải làm."

Thị vệ: "Nếu vậy...không bằng điện hạ chép lại phương thuốc, để tiểu nhân giao cho Thái thú phủ cũng được."

Ta lắc đầu: "Phương thuốc này là phương thuốc cổ truyền, ta phải căn cứ tình hình thực tế của người bệnh để đong đo phân lượng dược liệu, còn phải xem người bệnh khôi phục đến đâu để thay đổi phương thuốc. Các ngươi tránh ra đi."

Ta không màng thị vệ phản đối, bóc bố cáo xuống. Binh lính thủ thành thấy ta chỉ là một "thiếu niên" chưa dứt sữa thì có chút không vui, nhưng thấy ta và tùy tùng của ta đều ăn mặc ngăn nắp, cho nên không dám thất lễ. Hắn dò hỏi vài câu, thấy ta đối đáp trôi chảy như thể đã định liệu trước thì mới dẫn ta tới Thái thú phủ.

Thái thú họ Vạn tên Nghiêm tự Phùng Xuân, qua tuổi năm mươi mà chỉ có một nữ, khuê danh là: Ngưng Hương.

Khi ta gặp Thái thú, vẻ mặt hắn tiều tụy không thể tả, vì vậy ta chủ động bắt mạch cho hắn. Hắn bởi vì lo cho ái nữ mà sinh ra tâm bệnh, ăn không ngon, ngủ không yên. Ta nhìn Vạn Thái thú mà nhớ tới phụ hoàng và mẫu hậu, cũng không biết bọn họ có khỏe hay không?

Vạn Thái thú uống thuốc ta kê đơn thì đánh một giấc ngon lành, khẩu vị dường như cũng quay trở lại, thế là hắn vui mừng dẫn ta tới hậu viện. Trong không khí nồng nặc mùi chua gay mũi, cửa sân bị khóa, tất cả hạ nhân trong sân đều lấy vải trắng bịt kín mặt.

Ta để thị vệ và cung tỳ ở lại nơi khác chờ ta, còn ta thì một mình bước vào sân.

Khuê phòng của Vạn Ngưng Hương được bố trí rất thanh nhã, chính sảnh bày một cái đàn cổ, bên cạnh là phòng học, vô số thư tịch được chất đầy trên kệ, trên án thư cũng có đủ văn phòng tứ bảo. Giữa nghiên mực còn dựng đứng nửa thỏi mực cũ, xem ra không phải là làm ra vẻ.

Ngày ấy ta mặc một bộ nam trang, bởi vì lễ pháp nên không tiện trực tiếp đi vào, chỉ có thể vòng qua tấm màn che dày bên trong, chắp tay thi lễ: "Vạn tiểu thư, tiểu sinh Lý Như, đến xem bệnh cho tiểu thư."

Tiếng ho khan từ trong màn che truyền ra: "Làm phiền, mời qua đây." Giọng nói của Vạn tiểu thư này không đủ hơi, chắc là vì bị bệnh quấy nhiễu một khoảng thời gian. Tuy nhiên, giọng nói của nàng vẫn ý nhị như liễu mềm đón gió.

Ta xốc màn che lên, nhìn thấy Vạn tiểu thư nửa dựa vào giường. Ta có chút kinh ngạc, không ngờ Vạn tiểu thư này còn nhỏ hơn cả ta, xem ra là trạc tuổi với hoàng đệ.

Vạn Ngưng Hương: "Các ngươi đều lui xuống đi."

Hạ nhân: "Vâng."

Vạn Ngưng Hương đặt cổ tay lên gối, trên cổ tay mảnh khảnh trắng nõn xuất hiện vài nốt mụn đỏ do bệnh đậu mùa.

Vì để xác định rõ bệnh tình hơn, ta không có dùng khăn lụa mà trực tiếp đặt tay lên cổ tay Vạn Ngưng Hương. Sau mấy nhịp thở, trong lòng ta đã có đáp án, thấy Vạn Ngưng Hương còn nhỏ mà bị bệnh đậu mùa dằn vặt thành bộ dạng này, ta không khỏi hít một hơi.

Vạn Ngưng Hương: "Bệnh của ta, e là không cứu nổi. Phụ thân chỉ có một nữ nhi là ta, tất nhiên là thương yêu vạn phần, có lẽ mấy vị đại phu trước đó đều... Ta không muốn tiếp tục liên lụy người vô tội, tỷ tỷ vẫn nên rời khỏi phủ đi, ta sẽ sai người nói với phụ thân một tiếng, để người không làm khó dễ ngươi."

Ta nhìn Vạn Ngưng Hương, hỏi: "Sao ngươi biết ta là nữ tử?"

Vạn Ngưng Hương yếu ớt mỉm cười: "Trong phòng của ta, ngoại trừ mùi thuốc ra thì chỉ có mùa chua, tỷ tỷ vừa tới gần là ta đã ngửi được hương thơm ngào ngạt, trên người nam tử không thể có mùi này. Mùi này...giống y hệt mùi sương bách hoa mà lần trước phụ thân lên kinh mang về cho ta. Chẳng lẽ tỷ tỷ là người kinh thành?"

Ta cảm thán Vạn Ngưng Hương còn nhỏ mà đã thông minh như vậy, nhưng ta không muốn gặp phải phiền phức, liền khuyên nhủ: "Là nữ tử nên đi lại có nhiều chỗ bất tiện, cho nên ta mới mặc nam trang. Lệnh tôn còn chưa biết thân phận thật của ta, kính xin tiểu thư giữ bí mật, tránh để ta mắc tội lừa gạt."

Vạn Ngưng Hương: "Sương bách hoa có giá rất cao, tỷ tỷ tất nhiên không phải người có xuất thân bình thường, cũng không cần mạo hiểm vì tiền chữa bệnh. Sao tỷ tỷ vào phủ?"

Ta: "Thè lưỡi ra cho ta xem một chút."

Vạn Ngưng Hương làm theo lời ta nói, nhưng trong đôi mắt to tròn ấy tràn ngập vẻ khó hiểu, ta đành phải giải thích: "Mấy năm qua ta vân du tứ phương, một là vì trị bệnh cứu người, hai là vì nhìn ngắm non sông tươi đẹp. Ta trị bệnh cứu người đều vì một chữ "duyên", phàm là vô tình đụng phải trên đường thì nhất định sẽ dốc hết sức mọn, chắc chắn sẽ không ngồi yên không quan tâm. Hôm qua ta vừa vào thành là đã thấy bố cáo cầu người chữa bệnh, như vậy chứng tỏ ngươi và ta có duyên. Dù cho có là bệnh hiểm nghèo, nhưng vào tay ta chưa chắc là không thể cứu, vì lẽ đó ta mới tới đây."

Ta thấy Vạn Ngưng Hương lè lưỡi, trong ánh mắt tràn ngập sự kinh ngạc. Hơn nữa, bởi vì có mấy chỗ bị bệnh đậu mùa tô điểm, thành ra cả người nàng trông cực kỳ buồn cười, làm ta không nhịn được mà cười thành tiếng.

Vạn Ngưng Hương đỏ mặt, rụt lưỡi về.

Ta nghiêng đầu đi, nhẹ giọng nói: "Xin lỗi."

Vạn Ngưng Hương: "Là ta mạo phạm tỷ tỷ, lòng dạ y giả của tỷ tỷ khiến tiểu muội khâm phục."

---

Ta ở lại hậu viện Vạn phủ, một bên điều trị sức khỏe của Vạn Ngưng Hương, một bên trị liệu bệnh đậu mùa cho nàng. Phương thuốc cổ truyền này quả nhiên có hiệu quả, chỉ mười ngày mà những chấm đỏ trên mặt Vạn Ngưng Hương đã từ từ kết vảy, cả người cũng có sức sống hơn nhiều.

Sau mấy ngày ở chung, ta phát hiện bản tính của Vạn Ngưng Hương không có yên lặng như những gì nàng biểu hiện. Tĩnh nhược xử nữ, động nhược thoát thố [1], e là dùng để chỉ nàng.

[1] Tĩnh nhược xử nữ, động nhược thoát thố: khi tĩnh thì yên lặng như thiếu nữ khuê các, khi động thì nhanh như thỏ chạy trốn.

Bệnh của nàng vừa chuyển biến tốt là đã làm ồn đòi đi đánh mã cầu, không chỉ muốn ta nói dối phụ thân nàng là nàng đã khôi phục, mà còn muốn ta đi cùng nàng...

Kinh thành thịnh hành trò mã cầu, ta cũng biết một chút, nhưng sức khỏe của nàng vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, sao ta có thể để nàng đi ra ngoài chứ?

Thế là, Vạn Ngưng Hương nhân lúc ta đi sắc thuốc, leo lên cái cây ngoài phòng bếp, ngồi vắt vẻo trên cành cây uy hiếp ta.

Vạn Thái thú xây nhà bếp này để chuyên dùng cho việc sắc thuốc, ngoại trừ ta ra thì hạ nhân bên trong phủ không được phép tới gần. Vạn Ngưng Hương ngồi trên cao le lưỡi nhát ma ta... Đây rõ ràng là một màn kịch dành riêng cho ta mà!

Không ngờ nàng còn nhỏ như vậy mà đã biết đùa cợt người khác, ta hận không thể leo lên cây bắt nàng xuống rồi dạy dỗ một trận!

Ta: "Ngươi leo xuống."

Vạn Ngưng Hương: "Ta không xuống, trừ phi ngươi đi đánh mã cầu với ta!"

Ta: "Ngươi leo xuống, uống thuốc trước rồi nói."

Vạn Ngưng Hương: "Ta không xuống, hôm qua, hôm trước, hôm kia ngươi đều nói vậy, gạt ta uống thuốc xong, sau đó cũng không hó hé gì!"

Ta xem như bó tay với Vạn Ngưng Hương, nàng chỉ mới mười tuổi, chính là độ tuổi ham chơi, nhưng ta cũng chắc chắn mình sẽ không chịu thua như vậy. Thế là ta làm bộ tức giận, bưng chén thuốc xoay người rời đi, còn hét lên: "Nếu Vạn tiểu thư có thể leo lên cây, vậy chắc là đã hoàn toàn khỏi bệnh rồi, như thế ta sẽ chào từ biệt Vạn Thái thú."

Vạn Ngưng Hương: "A! Tỷ tỷ chờ ta với!"

Ta nhịn cười, tiếp tục bước đi, quả nhiên phía sau vang lên cái "rầm", Vạn Ngưng Hương từ trên cây té xuống dưới.

Ta bưng chén thuốc chạy tới, nhìn thấy gương mặt Vạn Ngưng Hương bị cành cây quẹt ra một đường dài bằng ngón tay cái, máu tươi từ từ trào ra dưới ánh nhìn chăm chú của ta. Vạn Ngưng Hương vẫn không hề hay biết, khuôn mặt to bằng lòng bàn tay tràn ngập sự kinh hoàng, nàng vọt theo ta, một phát bắt được tay áo của ta: "Tỷ tỷ đừng đi!" Nói xong, nàng bĩu môi như muốn khóc.

Ta: "Mặt ngươi..."

Đôi mắt Vạn Ngưng Hương rưng rưng, như thể vô cùng oan ức, nàng kéo ống tay áo của ta: "Ta không quậy nữa, tỷ tỷ đừng đi mà."

Ta và Vạn Ngưng Hương quay về khuê phòng. Nàng lại quay về dáng vẻ ngoan ngoãn như lần đầu chúng ta gặp gỡ, dường như một loạt những điều đã xảy ra trước đó đều là ảo giác, nhưng vết thương trên mặt nàng lại chói mắt như vậy.

Ta bôi thuốc cho nàng, nàng đau đến phát run, nhưng cứ cắn môi không lên tiếng, ánh mắt tràn ngập sự sợ hãi.

Một khắc đó, ta nghĩ: Nếu như ta có muội muội, có lẽ chính là như vậy.

Ta không khỏi nhớ lại cảm giác cô độc khi ở nội đình, khi đó ta cũng bằng tuổi Vạn Ngưng Hương...

Vạn Ngưng Hương không có huynh đệ tỷ muội, nàng chỉ có thể dùng cách này che lấp sự cô độc trong lòng.

Ta: "Đau sao?"

Hai mắt Vạn Ngưng Hương hơi sáng lên, đôi tay nhỏ nhắn xoa xoa chăn gấm phủ trên đùi, nàng lắc đầu.

Ta không biết nên nói gì, suy cho cùng ta cũng phải chịu trách nhiệm về vết sẹo trên mặt Vạn Ngưng Hương: "Ngươi gần khỏi bệnh rồi, rất nhanh sẽ có thể ra ngoài chơi. Chỉ là vảy đậu mùa bong ra sẽ để lại sẹo, ta sẽ điều chế cho ngươi thuốc mỡ làm mờ sẹo, vết thương trên mặt ngươi cũng không sâu, cũng có thể mờ đi."

Vạn Ngưng Hương: "Cảm ơn tỷ tỷ."

Ta xoa xoa đầu Vạn Ngưng Hương, không nói gì nữa.

Cuộc sống ngày ngày trôi qua, Vạn Ngưng Hương đã hoàn toàn khỏi bệnh. Dưới lời khẩn cầu của Vạn Ngưng Hương, ta ở lại Vạn phủ thêm vài ngày, mỗi ngày bôi thuốc cho Vạn Ngưng Hương, rất nhanh vết thương và vết đậu mùa trên mặt nàng đã biến mất.

Vạn Ngưng Hương soi gương, vui mừng nói: "Tỷ tỷ, thuốc mỡ này thật hay, thoa lên mặt thì lạnh, mùi vị cũng dễ ngửi, nó tên là gì vậy?"

Ta đáp đúng sự thật: "Đây là phương thuốc ta nghĩ ra trong lúc rảnh rỗi, vẫn chưa đặt tên."

Vạn Ngưng Hương: "Tỷ tỷ nhanh lấy tên đi, thuốc mỡ tốt như vậy, nói không chừng sẽ được lưu truyền."

Ta ngẫm nghĩ, đáp: "Ngươi là người đầu tiên dùng thuốc này, không bằng cứ gọi là Ngưng Hương cao đi."

---

Vạn Ngưng Hương đã bình phục. Nhìn mẫu tử các nàng ôm nhau khóc nức nở, Vạn Thái thú bên cạnh cũng hết sức kích động, ta thở ra một hơi như trút được gánh nặng: Ta cũng nên hồi cung một chuyến, chỉnh lại phương thuốc trị liệu bệnh đậu mùa để truyền cho dân gian.

Ta từ chối vàng bạc Vạn Thái thú biếu tặng, Vạn Thái thú tổ chức gia yến để tiễn ta, thịnh tình không thể từ chối, ta không thể làm gì ngoài việc đồng ý.

Ngoại trừ cả nhà Vạn Thái thú ra thì có vài thân thích của Vạn gia, đi cùng còn có tiên sinh dạy học cho Vạn Ngưng Hương. Có người nói vị tiên sinh này đã đến Vạn phủ mười năm, phụ trách dạy cho Ngưng Hương nhạc lý và học vấn.

Sau khi kết thúc tiệc rượu, vị tiên sinh kia chủ động tìm tới ta. Tuy ta chỉ mới mười bốn tuổi, nhưng đã sớm luyện được bản lĩnh nhìn rõ lòng người. Ta nhận ra ánh mắt của hắn rất phức tạp, càng có thể trông thấy sự tăm tối trong đáy mắt hắn.

Hắn nói: "Lão phu khi còn trẻ từng học được vài mánh khóe giang hồ, thấy mặt mày công tử cao quý không tả nổi, vì báo đáp ơn công tử cứu mạng tiểu thư, lão phu nguyện dâng lên một quẻ. Lão phu cả gan hỏi, sinh thần của công tử là ngày mấy?"

Trong lúc ta còn do dự, Vạn Ngưng Hương nói bên tai ta: "Tỷ tỷ, sư phó ta xem bói rất đúng, người vừa vào phủ đã tính ra ta sẽ gặp đại nạn vào năm mười tuổi, còn chủ động ở lại quý phủ."

Ta nhíu mày, nói ra bát tự: "Giờ tý, ngày mười ba tháng chín năm Thành Triệu thứ mười tám."

Đối phương càng biểu hiện kỳ lạ hơn, tuy rằng hắn đã che giấu rất tốt.

Chỉ thấy hắn cười, nói với ta: "Đời này công tử nhất định đại phú đại quý, chỉ là bát tự của công tử quá cứng rắn, sẽ khắc với người thân trong phủ. Trước năm ba mươi tuổi, công tử vẫn nên đi vân du khắp nơi thì hơn."

Ta rời khỏi Vạn phủ, Vạn Ngưng Hương tiễn ta tới cửa, khóc cạn nước mắt. Ta hứa sau này có cơ hội sẽ đến thăm nàng, nhưng ta không bao giờ ngờ được, lần thứ hai ta và Vạn Ngưng Hương gặp nhau thế mà lại ở nội đình.

Vạn Ngưng Hương mới có mười ba tuổi, trở thành Lương đệ của Thái Tử, thiếp của đệ đệ ta...

Càng không ngờ tiểu nữ hài từng được ta cứu, cầm lấy ống tay áo ta khóc lóc dặn ta nhớ tới thăm nàng, thế mà đã biến thành họa thủy khiến tỷ đệ ta bất hòa, bị các triều thần gọi là gian phi.

---

Ta tên Vạn Ngưng Hương, sinh ngày ba tháng mười năm Thành Triệu thứ hai mươi hai.

Nghe phụ thân nói: Mấy ngày trước khi ta được sinh ra, hoa viên trong phủ như thể quay ngược về mùa xuân. Ngày ta chào đời, trong vườn bách hoa nở rộ, đến tận bảy ngày sau mới héo tàn. Trong lúc nhất thời, trong phủ tràn ngập hương thơm, bươm bướm bay khắp nơi, vì thế đặt tên ta là: Ngưng Hương.

Vào ngày ta chọn đồ vật đoán tương lai, có một người kỳ lạ đến phủ, nói với phụ thân ta là: Ta có mệnh đại phú đại quý, nhưng năm mười tuổi sẽ gặp một kiếp nạn lớn, phải có đại vận thì mới có thể hóa giải. Vì lẽ đó, hắn muốn ở lại làm tiên sinh dạy học cho ta, cùng nhau nghiệm chứng quái tượng.

Ban đầu phụ thân cũng không muốn, chỉ là vị tiên sinh này xem mệnh cho mấy người trong phủ đều đúng, cho nên phụ thân bèn giữ hắn lại.

Rất nhanh đã đến năm Thành Triệu thứ ba mươi hai, năm đại nạn mà tiên sinh đã dự đoán, ta mắc bệnh đậu mùa...

Ta bị bệnh một tháng, đổi hết thầy thuốc này đến thầy thuốc khác nhưng không có một ai trị khỏi cho ta. Ta biết đậu mùa là bệnh không trị được, không muốn tiếp tục liên lụy đến người khác, nhưng khi nhìn thấy mắt người cương nghị như phụ thân ngậm lệ, ta không có cách nào nói ra được.

Phụ thân nói: "Nữ nhi của ta chắc chắn có thể chuyển kiếp nạn thành cát tường. Đậu mùa là bệnh hiểm nghèo, nếu đổi thành người khác thì tuyệt đối không thể kéo dài lâu như vậy, nhất định là mạng nữ nhi ta còn chưa tận."

Mấy ngày sau, phụ thân sai người đến nói cho ta, có một vị tiểu thần y bóc bố cáo, ngày mai sẽ đến chữa bệnh cho ta.

Buổi trưa hôm sau, hắn đến, nói chính xác hơn thì là nàng...

Từ khoảnh khắc đầu tiên nhìn nàng, ta đã nhận ra nàng là nữ nhi, ta cũng không biết nguyên nhân là gì, có lẽ là vì trực giác mách bảo.

Ngửi được hương sương bách hoa trên người nàng, ta càng tin vào phán đoán của mình.

Quả nhiên, một tiếng "tỷ tỷ" đã khiến nàng thản nhiên thừa nhận thân phận.

Ta đã bệnh đến giai đoạn cuối, đậu mùa trên người vỡ ra, thỉnh thoảng chảy nước mủ. Nàng nhìn, không có kinh hoảng hay ghét bỏ như những đại phu khác. Ta nhìn nàng chằm chằm, nàng bình tĩnh hờ hững như vậy, không thèm che đậy gì mà đã đặt tay lên cổ tay ta.

Một khắc đó, trong lòng ta dâng lên cảm giác rất khó tả, vừa muốn khóc, vừa muốn cười.

Ta rất tò mò về nàng, liền hỏi nàng vì sao phải bóc bảng, biết rõ đậu mùa là bệnh hiểm nghèo, cũng không thiếu kim ngân thì cần gì phải lấy thân mạo hiểm như vậy?

Nàng nở nụ cười, nụ cười kia đẹp vô cùng, như thể thịnh cảnh trăm hoa đua nở đang hiện ra trước mắt ta.

Câu trả lời của nàng khiến ta chấn động, suy nghĩ của nàng xuất phát từ góc độ mà trước đây ta chưa bao giờ nghĩ tới, ta không biết nên giải thích thế nào, hình dung ra sao... Mãi đến nhiều năm về sau, ta mới hiểu "góc độ" đó gọi là cao thượng.

Nàng đối xử với ta vô cùng tốt, ngoại trừ mẫu thân ra, dù có là nha hoàn bên cạnh từ nhỏ lớn lên cùng nhau cũng không có dốc lòng như vậy.

Nàng không để ý cơ thể ta bệnh hoạn bẩn thỉu, nàng sẽ lau nước mủ giúp ta, sẽ bôi thuốc lên miệng vết thương giúp ta, kiên nhẫn khuyên bảo ta, quan tâm đến cảm thụ của ta.

Nàng cũng rất tài năng. Ta lên ba tuổi đã bắt đầu theo tiên sinh học đàn, ta cảm thấy trong số các bạn đồng trang lứa, không có ai là đàn hay hơn ta, nhưng nàng chỉ gảy một khúc trong lúc rảnh rỗi là đã có thể khiến ta nghe đến nhập thần.

Ta thường xuyên nhìn gò má của nàng, đờ ra rồi nghĩ: Nếu nàng là tỷ tỷ của ta, thì tốt biết bao...

Tính tình nàng vô cùng tốt, từ trước đến nay luôn ăn nói nhỏ nhẹ, có lý có cơ sở, nhưng dưới sự "cưng chiều" của nàng, ta càng ngày càng bừa bãi. Ta cũng không biết mình nghĩ thế nào, thế mà bò lên cây...

Có lẽ, ta chỉ muốn trông thấy dáng vẻ nàng sốt sắng đi tìm. Nàng chỉ là một đứa trẻ mười bốn tuổi, nhưng cứ luôn bình chân như vại.

Nàng nói nàng muốn rời đi, đây là lần đầu tiên ta hốt hoảng như vậy, thậm chí còn không biết mặt mình bị xước. Ta không muốn để nàng đi, ta hy vọng nàng luôn ở bên cạnh ta. Tuy ta biết, gia thế của nàng nhất định là cực kỳ hiển hách, nhưng Thái thú phủ cũng sẽ không bạc đãi nàng...

Nhưng nàng vẫn rời đi, ta khóc đến mức không mở mắt nổi. Nàng hứa sẽ đến thăm ta, nhưng cũng không có nói là lúc nào.

Nàng rời đi, nhưng người rơi vào bi thương không chỉ có một mình ta. Ta không biết có phải là ta bị ảo giác hay không, nhưng dường như sư phó cũng sầu não uất ức.

Mãi đến tận một ngày, cuối cùng ta cũng biết được nguyên nhân.

Chỉ mới mấy tháng mà sư phó sa sút tinh thần, già nua hơn rất nhiều. Người nói người cũng muốn rời đi, trước khi đi muốn gặp ta.

Trong thư phòng chỉ có hai người là ta và sư phó, sư phó nhìn ta với ánh mắt kỳ lạ, người thở dài một tiếng, sau đó kể cho ta nghe một câu chuyện.

Hóa ra, sư phó từng là Quan Thiên ty của nội đình. Vào ngày công chúa chào đời, mấy vạn vì tinh tú trên trời cũng theo đó rơi xuống, người phụng chỉ xem một quẻ cho công chúa điện hạ.

Ngày mười ba tháng chín chính là sinh thần của Mạnh Bà, người gác cầu bên sông Vong Xuyên, trên cầu Nại Hà, còn giờ tý lại là giờ cửa âm phủ mở ra. Phối hợp với thiên tượng bầu trời đầy sao rơi xuống, sư phó rất nhanh tính ra, mệnh của công chúa điện hạ mang đến ba chén nước Vong Xuyên, một chén hủy đi chí thân, một chén hủy đi chí yêu, một chén hủy đi xã tắc.

Nếu như công chúa điện hạ không tát ba chén nước Vong Xuyên này về nhân gian, thì sẽ bị nước Vong Xuyên phản phệ, gặp tai họa cả đời, không sống hơn ba mươi tuổi.

Ta kinh ngạc thốt lên một tiếng, nhìn sư phó.

Sư phó nhìn ta rồi cười lạnh, ánh mắt càng lúc càng quái lạ.

Sư phó còn nói, người sợ bệ hạ giết người diệt khẩu nên suốt đêm chạy khỏi kinh thành, ẩn náu trong núi ngày đêm suy tính. Trong số ba chén nước Vong Xuyên, thế mà đã có hai chén giáng thế từ lâu, một chén ở bắc, một chén ở nam, còn một chén nữa sắp hiện thế, người lần theo số tử vi đi tới Vạn phủ...

Sư phó đứng dậy, đi về phía ta.

Ta: "Sư..."

Chữ "phó" "kẹt ở yết hầu, sư phó giống như phát điên, bóp lấy cổ họng của ta. Thần sắc sư phó trở nên điên cuồng, vừa dùng sức vừa quát: "Ngươi chính là chén họa thủy kia chuyển thế, ta không ngờ bệnh đầu mùa thế mà không giết được ngươi! Càng không ngờ 'tai tinh' kia tự mình cứu ngươi. Ta không làm gì được nàng, chẳng lẽ cũng không giết được ngươi sao? Chỉ cần ngươi chết, ba chén Vong Xuyên sẽ thiếu mất một chén, Đại Viêm Quốc còn có thể kéo dài. Vì lẽ đó..."

Đầu óc của ta nhanh chóng suy nghĩ, trong nháy mắt ta đã hiểu "tai tinh" mà sư phó nói là ai. Cũng không biết sức lực từ đâu mà có, ta vậy mà dùng một tay túm lấy lư hương trên bàn đánh vào ót sư phó...

Sư phó chết, nhưng ta đã hiểu rõ thiên cơ.

Ta không ngờ tỷ tỷ vậy mà là công chúa. . .

Lời của sư phó dường như để lại trong ta bóng ma, hằng đêm vào mộng, từng câu từng chữ rõ ràng.

"Nếu như công chúa điện hạ không tát ba chén nước Vong Xuyên này về nhân gian, thì sẽ bị nước Vong Xuyên phản phệ, gặp tai họa cả đời, không sống hơn ba mươi tuổi."

"Một chén hủy đi chí thân, một chén hủy đi chí yêu, một chén hủy đi xã tắc."

Năm ta mười ba tuổi, bệ hạ hạ chỉ chọn nữ tử thế gia vừa độ tuổi làm Lương đệ của Thái Tử điện hạ.

Phụ thân không muốn để ta vào cung, cửa cung sâu như biển, huống hồ chỉ là một Lương đệ?

Phụ thân lén cho họa sĩ tiền để hắn vẽ ta cực kỳ xấu, đây chính là tội khi quân, ta bèn thay xà đổi cột tráo chân dung lại.

Ta không muốn Vạn gia bởi vì ta mà chịu tội, trong lòng cũng ẩn giấu chút chờ mong không thể để lộ ra ánh sáng. Nếu ta thật sự là một trong ba chén nước Vong Xuyên kia...vậy thì để ta bị Thái Tử chọn đi.

Như vậy, ta sẽ có thể nhìn thấy tỷ tỷ mà ta ngày đêm mong nhớ, có lẽ còn có thể báo đáp ân cứu mạng của nàng.

Không ai biết tâm sự của ta, ta chỉ có thể lén lút nói cho Ngưng Hương cao ta giấu dưới gối đầu nghe.

Khi thánh chỉ được truyền tới, phụ thân kinh ngạc đến nỗi ngây người, tâm tình của ta thì có chút phức tạp.

Có hơn một trăm nữ tử thế gia mà chỉ một mình ta được chọn, như vậy chứng tỏ lời sư phó nói không ngoa, cũng xác minh việc hắn xem mệnh cho tỷ tỷ là thật.

Ta giấu Ngưng Hương cao trong ống tay áo giá y, ngồi lên cỗ kiệu vào kinh.

Những lời sư phó nói vọng bên tai ta: "Nếu như công chúa điện hạ không tát ba chén nước Vong Xuyên này về nhân gian, thì sẽ bị nước Vong Xuyên phản phệ, gặp tai họa cả đời, không sống hơn ba mươi tuổi."

Ta...thật sự có năng lực cứu tỷ tỷ sao?

Đêm đầu đau đến nỗi ghi lòng tạc dạ, nhưng người ta đang nghĩ đến chính là tỷ tỷ của phu quân ta. Trông thấy khuôn mặt giống tỷ tỷ bảy phần, ta ôm chặt lấy hắn...

Rốt cuộc ta đã có thể gặp mặt tỷ tỷ, ta đã tưởng tượng nàng sẽ cười với ta, sau đó sẽ sờ đầu ta một cái, gọi ta một tiếng: "Tiểu Ngưng Hương" .

Cuối cùng chúng ta cũng gặp mặt, nhưng ngoại trừ chút kinh ngạc lóe lên trong mắt tỷ tỷ ra, ta không đọc được bất kỳ cảm xúc nào khác. Thần sắc nàng lạnh lùng, ánh mắt vắng lặng như nước, thật giống như ta chỉ là một trong vô vàn bệnh nhân, là khách qua đường trong cuộc sống của nàng, tim ta như bị đao cắt.

Tỷ tỷ vô cùng lạnh nhạt với ta, ta chỉ có thể tưởng tưởng đệ đệ của nàng thành nàng, hàng đêm sênh ca hóa giải nhớ nhung.

Thành thân chỉ mới một năm mà tiên đế đã băng hà, Thái Tử đăng cơ. Có người nói, lão hoàng đế có phần bất mãn vì Thái Tử mê muội hậu cung, tân đế cố ý lập ta làm hậu nhưng triều thần ai ai cũng phản đối.

Cuối cùng vẫn là tỷ tỷ đứng ra mới ổn định được triều thần. Ta không hiểu: Một vị công chúa xuất chúng như vậy, tại sao lại bị Quan Thiên ty ca tụng là "tai tinh"? Tỷ tỷ lại một lần nữa cứu ta, ta không kìm nén được niềm vui trong lòng nên đi tìm nàng, nhưng được báo rằng: Tỷ tỷ đến chùa Vạn Tượng, chữa bệnh cho phu nhân Thừa tướng rồi.

Ta lấy cớ sắp đến lễ tạ thần, xin bệ hạ dẫn ta đến chùa Vạn Tượng.

Ở đại điện, tỷ tỷ và bệ hạ cãi nhau to, tỷ tỷ liếc nhìn ta rồi phẩy tay áo bỏ đi. Ta mặc kệ bệ hạ gọi mình, đuổi theo nàng, đáng tiếc ta không rành đường nên lạc mất tỷ tỷ.

Chờ đến khi ta tìm thấy tỷ tỷ, ta lại thấy nàng đang ôm một vị nữ tử khác. Tỷ tỷ ôm hông nàng ta, vùi đầu vào vai nữ tử kia...

Sau đó ta hỏi thăm mới biết được, nữ tử kia là trưởng nữ phủ Thừa tướng, Nam Cung Tố Nữ.

Ta mong mà không được, lại không thể làm gì, trong lòng dần mất cân bằng. Ta phát điên tìm tới tỷ tỷ, nói những gì Quan Thiên ty đã tiên đoán cho tỷ tỷ nghe. Ta muốn cho nàng biết rõ, đến tột cùng ta đã vì nàng trả giá thế nào, nhưng sau khi nói xong, ta lập tức hối hận.

Nhìn thấy dáng vẻ bàng hoàng đau khổ của tỷ tỷ, không biết sao ta lại bỏ chạy... Trong đầu ta hiện lên hình ảnh nàng và nữ tử kia ôm ấp nhau, liệu tỷ tỷ có đi tìm nàng ta nữa không?

Ta không dám gặp tỷ tỷ, liền lôi kéo bệ hạ càng ngày càng phóng túng. Có lẽ chỉ có lúc ý loạn tình mê, ta mới có thể xem nam tử giống tỷ tỷ bảy phần này thành tỷ tỷ.

Tỷ tỷ và bệ hạ càng ngày càng cãi vã kịch liệt, vì đủ loại nguyên nhân. Mỗi lần như vậy bệ hạ đều nổi trận lôi đình, mà ta luôn luôn nói tốt cho tỷ tỷ.

Lần cuối cùng tỷ đệ bọn họ cãi nhau là ở nam thư phòng, bệ hạ tức giận, ném thỏi mực cũ đập trúng xương lông mày tỷ tỷ. Ta nghe tiếng tỷ tỷ kinh ngạc thốt lên, không để ý lễ pháp vọt vào trong. Ta thấy nàng chảy máu đầm đìa, hận không thể dùng dao găm đâm mấy nhát lên người tên nam nhân này.

Ta: "Tỷ tỷ, ngươi không sao chứ? Ngự y! Nhanh đi gọi Ngự y!" Máu nàng dính lên tay ta, khiến ta vô cùng đau lòng.

Tỷ tỷ đẩy ta ra, hết nhìn bệ hạ lại nhìn ta, cuối cùng nàng đưa mắt nhìn ta một lúc lâu. Đối diện với ánh mắt xa lạ của nàng, ta không biết...đến tột cùng ta đã làm sai điều gì.

Cuối cùng nàng cũng lên tiếng, nhưng lời nàng nói đã đẩy ta xuống vực sâu. Nàng nói: "Sớm biết như vậy, năm đó ta không nên cứu ngươi."

Lời nàng nói như một con dao găm đâm vào lòng ta, hai mắt ta tối sầm, lập tức ngất đi...

Sau khi ta tỉnh lại, bệ hạ mừng rỡ như điên, hắn nâng tay ta lên và nói với ta: "Ngưng Hương, ngươi đang mang cốt nhục của trẫm!"

Ta ngơ ngác, hỏi hắn: "Tỷ tỷ đâu?"

Bệ hạ nói: "Xuất cung rồi."

Ta nhìn khuôn mặt tương tự tỷ tỷ bảy phần, hỏi: "Sao người có thể nhẫn tâm tổn thương nàng? Người có biết nàng vì người trả giá nhiều thế nào không?"

Thần sắc bệ hạ trở nên xấu hổ: "Chờ nàng quay về, trẫm sẽ đối diện nhận sai với nàng. Ta và nàng cùng một mẹ sinh ra, nàng sẽ không thật sự thù dai."

Ta cười lạnh, đúng vậy, dù sao người chảy máu đâu phải là ngươi.

Khi ta vừa khỏe lại thì Thừa tướng và Đại Tướng quân liền tiến cung, bọn họ yêu cầu bệ hạ xử tử ta, bệ hạ đương nhiên không chịu.

Ta từ giữa điện vọt ra, trừng mắt nổi giận với Thừa tướng: "Ngươi dựa vào cái gì nói ta là gian phi? Tốt hơn hết là đi quản nữ nhi của ngươi đi!"

Bệ hạ rút kiếm ra cãi nhau với bọn họ, tiếng "gian phi", "gian phi" vang lên không dứt, nhưng bên tai ta chỉ văng vẳng câu nói của tỷ tỷ: "Sớm biết như vậy, năm đó ta không nên cứu ngươi."

Cũng được, không bằng cứ để ta chết.

Ta đạp đổ đèn vạn thọ, nhìn dầu thắp lan ra theo ngọn lửa...

Vào thời khắc cuối cùng, bệ hạ đẩy ta ra, mà bản thân hắn thì bắt đầu cháy hừng hực...

Lục Quyền và Nam Cung Nhượng hoàn toàn hoảng, bọn họ cởi quần áo ra dập lửa, nhưng đã không kịp nữa rồi. Ta lạnh lùng nhìn Nam Cung Nhượng, trong đầu nảy ra một kế.

Nam Cung Tố Nữ cướp đi tỷ tỷ, vậy ta sẽ khiến toàn bộ Nam Cung gia các ngươi chết không yên!

Nam Cung Nhượng chỉ là một giới quan văn, Đại Tướng quân Lục Quyền nắm trong tay trọng binh...

Ta quỳ rạp xuống đất: "Van cầu ngươi tha cho ta một con đường sống! Ta đang mang cốt nhục của bệ hạ, chỉ cần để ta sinh đứa bé này ra, nếu là nam hài thì mẫu tử chúng ta nguyện ý làm con rối của hai người, nếu là nữ hài thì sẽ nhường hoàng vị cho hai người!"

Ta khóc lóc thảm thiết, nhưng trong lòng thì đang cười lạnh: Hoàng vị chỉ có một, ta ngược lại muốn xem xem, Thừa tướng đại nhân không có binh quyền sẽ chết như thế nào!

Tỷ tỷ, Ngưng Hương đi đây.

Nếu như có kiếp sau...

Artwork by babushcats

Đừng quên dành tng mình 1 vote để tiếp sc cho mình edit nhng chương tiếp theo nha. Xin chân thành cm ơn các bn vì đã đón đọc.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top