Chương 230: Không bột đố gột nên hồ
Chương 230: Không bột đố gột nên hồ
Tháng bảy năm đầu Thừa Khải, cũng chính là tháng thứ ba sau khi Nam Cung Tĩnh Nữ đăng cơ, triều cục mà Nam Cung Tĩnh Nữ vất vả lắm mới ổn định được lại phải đối mặt với một nguy cơ khổng lồ.
Rất lâu trước kia, khi vương triều vừa được hình thành, con người trên đời đã bị chia làm ba bảy loại dựa theo pháp luật của triều đình, lần lượt là "sĩ nông công thương". Địa vị của "nông" chỉ ở sau "sĩ", như vậy cũng đủ thấy tầm quan trọng của nhóm người này.
Triều đình và nha phủ địa phương muốn hoạt động thì cần phải thu thuế của nông dân, một khi nông dân xảy ra vấn đề thì thiên hạ này cũng sẽ gần kề bờ vực hỗn loạn...
Ba tháng qua, Nam Cung Tĩnh Nữ làm lụng vất vả cả ngày lẫn đêm, không dám chậm trễ dù chỉ một lát. Nàng dùng hành động chinh phục những quan văn hà khắc kia, đồng thời cũng tìm mọi cách tạm thời ổn định các võ quan. Nàng vốn tưởng rằng mình có thể hòa hoãn một lúc, chỉ tiếc trời không chiều lòng người.
Một ngày nào đó của tháng bảy, đúng là thời điểm những cây lúa phương bắc trổ bông và phương nam bắt đầu mùa thu hoạch, thế nhưng thiên tai đã quét qua khắp cả bắc lẫn nam Vị Quốc.
Phương bắc đại hạn, tình hình hạn hán lan rộng đến tận mười bốn châu phủ ở kinh kỳ, khiến cho phần lớn diện tích lương thực chờ được thu hoạch trở nên tiêu điều.
Phương nam thì lại gặp lũ lụt, hồng thủy quét qua bảy châu phủ, trong đó có năm nơi là trọng điểm sản xuất lương thực. Kho lúa phía nam Vị Quốc cũng chính là túi tiền của triều đình.
Tuy Nam Cung Tĩnh Nữ đã giảm miễn thuế sau khi đăng cơ, nhưng bởi vì mấy năm nay phương bắc không lắm thái bình, cho nên lần này gặp tai hoạ, bá tánh phương bắc đều không có nhiều lương thực dự trữ. Phần lớn người nhà nông đều tích góp đồ ăn chỉ đủ để cả nhà ăn trong mấy tháng, sau đó phải đối mặt với mùa đông dài đằng đẵng. Phương nam tuy khá giàu có và đông đúc, nhưng lũ lụt đã phá hư vô số đồng ruộng và kho lúa, mấy vạn bá tánh trôi giạt khắp nơi, nhà cũng không còn thì lấy đâu ra đồ ăn?
Dịch quan ở hai đầu nam bắc đều mang tấu chương đỏ phi ngựa vào kinh, Nam Cung Tĩnh Nữ xem xong thì vô cùng khiếp sợ, bởi lẽ trên đó là thống kê sơ bộ về thiệt hại ở các châu phủ, con số nhìn thấy mà đau lòng.
Đêm khuya, Nam Cung Tĩnh Nữ triệu tập Trung thư lệnh, Hộ bộ, Hình bộ, Công bộ, các quan viên của Đại tư nông vào cung để nghị sự.
Nam Cung Tĩnh Nữ: "Có ít nhất ba mươi vạn bá tánh bị nạn trong lần thiên tai hai bên nam bắc lần này, trẫm quyết định lệnh Thượng thư Công bộ dẫn một nhóm người nhanh chóng đi đến bảy châu phủ gặp nạn ở phía nam, điều động nha phủ và trú quân ở địa phương gia cố đê đập để chống lại hồng thủy. Ngoài ra, còn phải tu sửa bảy nơi bị hư hỏng, cũng đặc biệt dành ra một khoản tiền để các bá tánh gặp tai hoạ trùng kiến nhà cửa. Quan viên Hình bộ sẽ đi theo giám sát ngự sử, còn Trung thư tỉnh dẫn dắt quan viên Hộ bộ và Đại tư nông cùng nhau vận chuyển lương thảo đến các châu phủ gặp nạn ở phía bắc. Đại tư nông phụ trách việc khảo sát thực địa, nhìn xem có thể cứu hoa màu hay không. Trung thư tỉnh thì phụ trách việc giám sát, phải bảo đảm mỗi một nhà nông gặp nạn đều được chia đủ thức ăn cho mùa đông! Thượng thư Hộ bộ, ngươi lập tức triệu tập người thống kế hai khoản cứu tế này cho trẫm, trẫm muốn xem con số cụ thể trước hừng đông." Nói rồi, Nam Cung Tĩnh Nữ đưa cho Thượng thư Hộ bộ tấu chương mà hai bên nam bắc gửi đến kinh thành.
Thượng thư Hộ bộ dùng hai tay nhận lấy: "Lão thần tuân chỉ."
Nam Cung Tĩnh Nữ nhường một gian phòng nhỏ trong Cam Tuyền cung để Thượng thư Hộ bộ thảo luận, lại sai người nhanh chóng triệu chủ bộ của Hộ bộ và Ty tính vào cung.
Bên kia, Hình Kinh Phú cầm thủ dụ của Nam Cung Tĩnh Nữ đến Hoằng Văn quán để lấy trân bảo tuyệt thế của nội đình: bản đồ "Cửu Châu hoàn vũ". Đây là thọ lễ mà một tán nhân tha phương tên Tử Kỳ dâng lên Nam Cung Nhượng vào năm hắn ba mươi chín tuổi. Nhờ vào bản đồ này mà Nam Cung Nhượng mới biết, thì ra phía bắc lạch trời còn có nửa giang sơn, sau đó phát động chiến tranh.
Từ sau khi nam bắc thống nhất, Nam Cung Nhượng đã gửi bức bản đồ này đến Hoằng Văn quán, "Cửu Châu hoàn vũ" hiện tại là bản đồ chính xác nhất và hoàn chỉnh nhất của Vị Quốc.
Sau khi mang bản đồ tới, Hình Kinh Phú dẫn các quan viên khác đến một gian cung điện. Bọn họ cần phải xác định vị trí gặp nạn trong thời gian ngắn nhất, từ đó tính toán khoảng cách và quy hoạch lộ tuyến.
Tám người nội thị hợp sức nâng hai cái rương đựng sổ sách, bên trong là địa phương chí [1] và thủy kinh chú [2] của các châu phủ ở Vị Quốc. Công bộ cần phải xem qua những tài liệu này, kết hợp với địa lợi để quy hoạch ra phương tiện cứu tế và dụng cụ sửa chữa thích hợp nhất.
[1] Địa phương chí: là thể loại sách ghi chép, biên soạn, giới thiệu về địa lý, lịch sử, phong tục, nhân vật, sản vật, kinh tế, văn hoá... của một địa phương .
[2] Thủy kinh chú: là một bộ chuyên trước viết về hệ thống sông ngòi thời cổ đại của Trung Quốc. Sách do người thời Tam Quốc biên soạn nhưng đến nay chưa biết tên thật của tác giả. Sách gồm 3 quyển, ghi chép 137 con sông.
Nam Cung Tĩnh Nữ thỉnh thoảng đi đi lại lại giữa hai gian cung điện để dò hỏi tiến độ.
Trong ban đêm yên tĩnh, Cam Tuyền cung vẫn thắp đèn đuốc sáng trưng, phòng thảo luận chính sự bên cạnh thỉnh thoảng truyền ra tiếng gảy bàn tính dồn dập, lanh lảnh. Bên trong thiên điện phía bắc, các đại nhân đang hăng say thảo luận.
Đồng hồ cát nhỏ giọt phát ra những tiếng "tí tách", thời gian trôi qua từng chút, phương đông cũng ló dạng.
Gần như là cùng lúc, Thượng thư Hộ bộ và Thị lang Công bộ cầm một xấp giấy, chạy về đại điện.
Thị lang Công bộ: "Bệ hạ, đây là khí giới cần để chống lũ, đây là tờ đơn và chi phí cần dùng, còn đây là số thợ thủ công cần dự kiến. Cái này...là lộ tuyến nhanh nhất mà Trung thư lệnh đại nhân đề ra."
Thượng thư Hộ bộ: "Bệ hạ, Hộ bộ đã tính được số lương thảo phương bắc và số bạc phương nam cần."
Nam Cung Tĩnh Nữ rút tờ đơn chi phí của Công bộ và đưa cho Thượng thư Hộ bộ: "Thêm cái này thì cần tổng cộng bao nhiêu?"
Tay trái Thượng thư Hộ bộ siết chặt tờ đơn, nâng tay phải bắt đầu bấm đốt ngón tay: "Cần tổng cộng hai triệu ba trăm ngàn chín trăm ba mươi lượng bạc trắng và hai trăm ba mươi ngàn đảm [3] lương thực!"
[3] Đảm: đơn vị đo lường của Trung Quốc, một đảm bằng 50 kg.
Nam Cung Tĩnh Nữ lại hỏi Hình Kinh Phú: "Khi nào mới có thể đến nơi gặp tai họa?"
Hình Kinh Phú: "Đi đường bộ đến phương bắc thì sẽ nhanh hơn một chút, nhanh thì có thể lần lượt đến hết các châu phủ gặp tai hoạ trong bốn mươi ngày. Còn về phương nam, thần đề nghị nên đi đường thủy. Thứ nhất, có lũ lụt càn quét thì đường núi ít nhiều gì sẽ bị tổn hại, tiền bạc, đá, củi đều là quân nhu, e rằng lầy lội khó đi. Đường thủy vòng vèo trì hoãn chút thời gian, nhưng sẽ an toàn hơn đường bộ, dự kiến nhanh nhất cũng mất hai tháng..."
Thượng thư Hình bộ: "Nhưng mà...xin bệ hạ hãy cứ phái dịch quán đi về để xử lý các châu phủ gặp tai họa trước, đợi triều đình cứu viện."
Nam Cung Tĩnh Nữ thở dài, gật gật đầu: "Đi làm đi."
Mọi người: "Tuân chỉ."
Chỉ có một mình Thượng thư Hộ bộ lộ vẻ khó xử, quỳ xuống đất: "Bệ hạ, chỉ sợ..."
Nam Cung Tĩnh Nữ: "Làm sao vậy?"
Thượng thư Hộ bộ: "Khởi tấu bệ hạ, Hộ bộ...không có nhiều bạc như vậy."
Ánh mắt Nam Cung Tĩnh Nữ lóe lên sự phẫn nộ, nàng hỏi: "Bạc trong quốc khố đâu?"
Thượng thư Hộ bộ lấy sổ sách trong tay chủ bộ, hắn đặt nó lên mặt đất rồi mở ra: "Bệ hạ người xem, bắt đầu từ năm Cảnh Gia thứ mười ba, số bạc mà các nơi giao cho Hộ bộ đã không đủ, mấy năm sau đó cũng ngày một sụt giảm... Thế nhưng, chi phí triều đình tiêu dùng không giảm mà ngược lại còn tăng, bạc trong quốc khố mỗi năm một ít, tình hình năm nào cũng đều căng thẳng!"
Đại tư nông: "Khởi tấu bệ hạ, từ năm Cảnh Gia thứ mười ba, đâu đâu cũng có thiên tai, triều đình mất đi phần lớn thu nhập từ thuế..."
Lúc này Nam Cung Tĩnh Nữ mới nhớ ra, xác thật là có việc này, hơn nữa đây vẫn là quyết định do nàng đề ra. Nhưng mà nàng nhớ, rõ ràng là quốc khố có rất nhiều bạc, dù thuế má giảm đi thì cũng không đến mức không có nổi hai trăm vạn lượng...
Nam Cung Tĩnh Nữ: "Bạc trong quốc khố đâu? Bạc lúc trước thu được đều đi đâu rồi?"
Thượng thư Hộ bộ nâng tay áo lau mồ hôi, ậm ừ một lúc lâu cũng không hé răng.
Nam Cung Tĩnh Nữ: "Có cái gì thì cứ nói, bản cung...trẫm tha tội cho ngươi."
Thượng thư Hộ bộ: "Tuân chỉ. Dựa theo quy củ, hậu sự của các vị vương gia có phong hào một chữ như Đại hoàng tử, Cảnh Vương, Du Vương đều cần khoảng một trăm vạn lượng, tu sửa tổ lăng sau trận hỏa hoạn hết bốn trăm vạn lượng. Từ năm đầu tiên sau khi tiên đế đăng cơ, đế lăng đã bắt đầu được tu sửa, mỗi năm đại khái tốn khoảng mấy chục vạn lượng. Lúc trước còn có khoản chi của các nương nương và nội đình...mỗi năm đại khái cần từ tám mươi đến một trăm hai mươi vạn lượng, chưa kể mấy lần cứu tế..."
Thượng thư Hộ bộ liếm ngón tay, lật sổ sách: "Đã tiêu hết bốn mươi tám triệu lượng, bao gồm trợ cấp bá tánh, chi phí để cử người đến nơi gặp tai họa, tu sửa sổ sách, tiền trả cho thợ thủ công... Còn có...mỗi năm, các tướng quân sẽ yêu cầu chi phí để duy trì quân đội, đại khái là mỗi năm tốn khoản bốn trăm vạn lượng, nhiều lúc thì đến năm trăm vạn lượng cũng không đủ. Binh bộ không thuộc sự quản lý của lão thần, tất cả khoản tiền này đều do Trấn Quốc Công Lục đại nhân phê duyệt, Hộ Bộ chỉ có thể cầm công văn đã phê và phát tiền thôi. Còn nữa, Vị Ương cung, trùng kiến...Vị Ương cung, tiên đế hạ chỉ mệnh thần 'khôi phục nguyên trạng', mà Vị Ương cung là Đông Cung tiền triều, Thương Đế tiền triều nổi tiếng là xa hoa lãng phí, vì thế phục hồi Vị Ương cung như cũ đã tốn hơn tám trăm vạn lượng bạc trắng! Lần này, quân U Châu vào kinh hộ giá, Đại tướng quân vương đã báo cho triều đình tất cả phí tổn, Hộ bộ vừa mới chi thêm hai trăm vạn lượng. Mấy năm nay, thu nhập từ thuế giảm dần, nhà cửa khắp nơi bị bỏ trống, nông hộ thì không có hộ khẩu, Hộ bộ thật sự không thu được bạc! Triều đình tiêu xài mỗi năm ngày một nhiều, bệ hạ...Hộ bộ nào còn có bạc! Lão thần muôn lần chết khởi tấu, e rằng số bạc hiện tại Hộ bộ có thể lập tức lấy ra chưa tới hai trăm vạn! Bệ hạ đăng cơ đã giảm miễn thuế má, hai trăm vạn lượng này cũng không biết gồng gánh được bao lâu, không bột đố gột nên hồ, lão thần khó xử nhưng Hộ bộ thật sự là không có bạc!"
Nam Cung Tĩnh Nữ siết chặt hai tay, nghe Thượng thư Hộ bộ liệt kê từng khoản chi, lòng bàn tay nàng đổ đầy mồ hôi.
Tất cả triều thần trong điện đều trầm mặc, yên lặng quỳ xuống đất.
Nam Cung Tĩnh Nữ nhìn bọn họ, đây là lần đầu tiên nàng cảm nhận được sức nặng của giang sơn.
Nàng biết triều đình tồn tại không ít vấn đề, nhưng trăm triệu không ngờ chính là, những gì nàng nhìn thấy vào những ngày buông rèm chấp chính chỉ là một góc tảng băng! Tích tiểu thành đại, cũng không biết vấn đề này đã tồn tại bao nhiêu năm mà nay mới bộc phát. Chuyện này, không phải Nam Cung Tĩnh Nữ chăm chỉ nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn là có thể xoay chuyển được.
Dù có là đế vương đứng trên trăm triệu người thì cũng không thể xoay chuyển trời đất.
Nam Cung Tĩnh Nữ: "Các ngươi quỳ làm gì? Trẫm chưa nói muốn trách ai cả, đều đứng lên cùng trẫm thương nghị đối sách." Giọng nói của nàng lộ ra sự mỏi mệt, có chút khàn khàn.
Mọi người lần lượt đứng lên, nhưng bọn họ vẫn không dám lên tiếng. Nghĩ cách? Vàng thật bạc trắng thiếu hụt, há nghĩ ra là có thể giải quyết được?
Thương lượng một đêm cũng không có được biện pháp hữu hiệu, Nam Cung Tĩnh Nữ đành phải mở to đôi mắt đỏ ngầu, dẫn triều thần đi thượng triều.
Trong triều hội, quần thần đều thương nghị vấn đề này nhưng trước sau đều không đưa ra được đáp án có thể khiến Nam Cung Tĩnh Nữ vừa lòng.
Từ khi đăng cơ tới nay, Nam Cung Tĩnh Nữ thức trắng một ngày một đêm là chuyện bình thường, có đôi khi nàng còn vội đến mức không kịp uống miếng nước.
Lần này, Nam Cung Tĩnh Nữ đã hai ngày không chợp mắt, nàng cảm giác đầu mình nhói lên, huyệt thái dương đau đớn không thôi.
Hạ triều, Nam Cung Tĩnh Nữ không kịp đổi thường phục thì đã sai người bãi giá đến Thừa Triêu cung. Đêm qua Tề Nhan cũng nhốt mình trong thư phòng đến nửa đêm mới ngủ. Khi Nam Cung Tĩnh Nữ tới thì nàng mới vừa tỉnh, còn không có rửa mặt thay quần áo.
Nam Cung Tĩnh Nữ: "Các ngươi lui xuống trước đi."
Tề Nhan: "Bệ hạ."
Nam Cung Tĩnh Nữ: "Đừng đứng lên." Nói rồi, nàng đi đến mép giường Tề Nhan rồi ngã gục xuống.
Tề Nhan sợ hãi, hoảng loạn xem xét tình trạng của Nam Cung Tĩnh Nữ: "Bệ hạ?! Người làm sao vậy?"
Nam Cung Tĩnh Nữ mở mắt, mệt mỏi nói: "Nam bắc đều xảy ra tai họa, Hộ bộ không có bạc... Tề Nhan, ta...mệt mỏi quá."
Sắc mặt Nam Cung Tĩnh Nữ rất kém, chớp mắt hai cái đã nằm im.
Tề Nhan thấy Nam Cung Tĩnh Nữ như vậy, trong lòng vừa đau vừa phức tạp.
Nàng giơ tay chạm vào gương mặt Nam Cung Tĩnh Nữ, lại giúp Nam Cung Tĩnh Nữ cởi giày vớ và mũ xuống, nhẹ giọng nói: "Ngủ một lát đi, nhất định sẽ có biện pháp. Chờ bệ hạ tỉnh, chúng ta sẽ cùng nhau nghĩ cách."
Nam Cung Tĩnh Nữ "ừm" một tiếng, nàng nghiêng đầu dùng chóp mũi cọ cọ đùi Tề Nhan rồi ngủ thiếp đi.
---
Đừng quên dành tặng mình 1 vote để tiếp sức cho mình edit những chương tiếp theo nha. Xin chân thành cảm ơn các bạn vì đã đón đọc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top