MỞ ĐẦU - Chương 5: Trận chiến ban đêm
Cáo biệt với Từ di, Tần Cô Đồng cẩn thận đi qua ám đạo và khoá cửa sắt lại. Nàng nhìn bóng tối bên trong cánh cửa.
Tay cầm đèn lồng vải lụa, nàng đứng thật lâu trong hành lang tối tăm dày đặc cơ quan: hôm nay không có thu hoạch nhưng lại lỗ mãng rồi.
Việc đã đến nước này có hối hận cũng vô dụng, nàng xoay người rời đi. Bước nhanh ra khỏi mật đạo và nhìn thấy ánh sáng một lần nữa. Tần Cô Đồng trả giá sách lại vị trí cũ và bước lên tầng hai lâu sách. Sương phòng thứ ba bên tay trái là phòng chứa các sổ sách thu chi của Phương phủ trong những năm qua.
Hàng năm, các chưởng quầy từ khắp nơi trình lên sổ sách thu chi và được quản sự chỉnh lý lại. Cuối năm sẽ được Phương Hưng thẩm tra, còn Phương lão gia sẽ kiểm tra ngẫu nhiên, nếu không có vấn đề gì sẽ được đưa vào lâu sách. Chìa khóa của sương phòng này do Phương lão gia giữ, khi nào cần phơi sách hay quét dọn sẽ giao cho Tần Cô Đồng. Từ nhỏ, Tần Cô Đồng đã ở trong lâu sách, ngoài việc luyện kiếm thì nàng còn đọc sách. Nàng hiểu được nếu muốn biết chuyện gì, lật qua sổ sách thu chi có thể tìm ra manh mối.
Nàng đứng ở trước cửa, tay xoa chiếc chìa khóa bằng đồng.
Do dự một lúc, vẫn là xoay người rời đi.
Phía trước lâu sách có ba gian phòng, ở giữa là phòng chính, hai sương phòng ở bên trái và phải, đây cũng là nơi sinh hoạt của Tần Cô Đồng ở Phương phủ. Khoảng đất trống giữa lâu sách và phòng chính là chỗ luyện võ của nàng.
Cái thần của võ thuật nằm ở "Đạo", tinh thần của võ thuật nằm ở "Ngộ" và bản chất của võ thuật nằm ở "Siêng năng".
Lời nói của phụ thân như ở bên tai, Tần Cô Đồng rút kiếm ra khỏi vỏ, "Mười ba chiêu thức tách nhập", đóng mở tạo gió, vui sướng cùng mồ hôi tràn trề. Thu kiếm vào vỏ, nàng luyện thở khí công một lúc rồi mới về phòng. Cơm tối đặt ở trên bàn đã nguội từ sớm, nàng cũng không để ý và bắt đầu cầm bát lên ăn. Khu vực trong năm mươi trượng1 xung quanh lâu sách không được phép nhóm lửa, hàng ngày ba bữa cơm đều có người đưa tới. Về phần rửa mặt, Tần Cô Đồng đã quen rửa bằng nước lạnh từ lâu.
Nàng đem bát để xuống, đi ra sân lấy mấy thùng nước giếng. Nàng cởi áo ngoài treo lên phía trên tấm bình phong, một lúc sau, tiếng nước dần dần vang lên.
Lúc này, cánh cửa nhỏ chậm rãi bị đẩy ra, có người lặng lẽ đi vào. Người nọ nhìn hình ảnh phản chiếu trên tấm bình phong rồi rón rén đến gần, đưa tay chạm vào áo ngoài của Tần Cô Đồng.
"Các hạ đang tìm cái này à?" Quần áo màu trắng trên người Tần Cô Đồng vẫn chỉnh tề, nàng chậm rãi bước ra từ tấm bình phong, lắc lắc chiếc chìa khoá đồng trên tay.
Hắc y nhân đang cầm áo ngoài của Tần Cô Đồng không nói gì, ngược lại Tần Cô Đồng rất thoải mái, dẫn trước đi đến phòng chính, làm động tác mời, "Hà nữ hiệp, mời ngồi, hãy nếm thử Dương Tiện Tử Duẫn2 này..." Nói xong đem chén trà đẩy ngang.
Chén trà đến không nhanh không chậm, Hà Lệ một tay bắt lấy rồi thuận tiện ngồi xuống. Trong lòng thầm sửng sốt, chén trà này nhiệt ấm bảy phần, nàng ẩn nấp bên ngoài rất lâu nhưng không thấy trong phòng nhóm lửa. Cố nén kinh ngạc, nàng vén khăn che mặt lên, nhấp một ngụm khen, "Trắng như ngọc lộ, hương thơm ngào ngạt, có vị ngọt, trà ngon. Chỉ có trà ngon như vậy mới xứng với Đạo Hoá Tâm Pháp của Tần gia."
Nghe thấy Hà Lệ vạch trần xuất thân cùng gia học3 của mình, Tần Cô Đồng cũng không có ngạc nhiên, nàng ta có thể tránh được minh vệ ám tiếu trong phủ và đi vào lâu sách thì chắc chắn cũng có một số năng lực. Ngược lại nàng tỏ vẻ cao hứng, "Trong thâm cư này, khó có dịp cùng bằng hữu giang hồ luận bàn võ nghệ, cảm thấy như ếch ngồi đáy giếng. Mặc dù tiểu muội không phải là người giang hồ nhưng cũng muốn học đòi văn vẽ, dùng võ để kết bạn. Hà nữ hiệp ở đây hẳn là có thâm ý, chỉ cần không tổn hại đến Phương phủ, Cô Đồng sẽ tận lực tương trợ."
3. Gia học: Truyền thống của gia đình truyền từ đời này sang đời khác.
Có lợi như vậy, Hà Lệ làm sao có thể không động tâm, nàng cân nhắc một phen rồi chắp tay cười nói: "Người trong giang hồ, ân tình dù nhỏ cũng sẽ đền đáp. Tần cô nương, xin mời!"
Quân đội triều đình có bốn loại kiếm: thứ nhất là nghi đao4, thứ hai là chướng đao5, thứ ba là hoành đao, và thứ tư là mạch đao6.
Tổ tiên của Tần Cô Đồng xuất thân từ binh mã, vũ khí gia truyền là hoành đao trong quân đội, nhưng có chút thay đổi. Kiếm dài ba thước hai tấc, rộng một tấc mốt, thân kiếm thẳng tắp, có khắc chữ viết nhưng nhìn không rõ. Cái chuôi kiếm này được truyền tới tay nàng nhưng vỏ kiếm đã thất lạc từ lâu. Khi nàng tiếp quản chìa khoá của lâu sách, Phương lão gia đã tìm người làm lại vỏ bao rồi tặng cho nàng. Mời sư phó có tay nghề tinh xảo định chế, dùng sắt gỗ thô để rèn, không dùng da mà phủ sơn đen đặc chế. Sừng tê giác quấn đầu, đuôi quấn bằng huyền thiết7 có sợi bạc, hai tai bằng bạc khảm ngọc Đông Hải, dây buộc làm bằng da đà long8.
8. Đà long: Ngày nay có tên là cá sấu Dương Tử, xuất hiện ở miền Đông Trung Quốc.
Sau khi nhận được, Tần Cô Đồng yêu thích không thôi, thậm chí nàng còn chi thêm tiền để thay chuôi kiếm, rèn lại bằng sắt gỗ thô và làm một chiếc thắt lưng da trâu mới.
Kiếm pháp của phái Hoa Sơn được biết đến với độ "nguy hiểm", nhưng Hà Lệ này là thật hay giả cũng rất khó nói, có thể là chín giả một thật. Tần Cô Đồng biết mình có ít kinh nghiệm trên giang hồ, không dám sơ suất.
Thuật tách nhập, đóng mở có đạo. Kiếm tách nhập, căng chặt có độ.
Tần Cô Đồng bình tĩnh nắm chuôi kiếm. Nàng biết Hà Lệ có chuyện nhờ, còn nàng không có ham muốn gì, điều này trước tiên đã chiếm thế thượng phong. Thứ hai, chính mình ở đây đã lâu, Hà Lệ là lần đầu tiên đến, thêm một địa lợi.
Hà Lệ không dám đợi mà cũng không đợi được!
Quả nhiên, cả hai vừa đi đến khoảng đất trống phía trước lâu sách, còn chưa đứng lại, thanh trường kiếm của Hà Lệ đã ở ngay trước mặt. Một kiếm này cùng gió bay tới, quầng sáng tạo thành một đường vòng cung, trực tiếp hướng tới cổ họng của Tần Cô Đồng. Tần Cô Đồng cúi người về phía trước, xoay người sang trái, kiếm không ra khỏi vỏ, chân không rời mặt đất, dễ dàng hóa giải chiêu thức này.
Hà Lệ mỉm cười, đường kiếm xẹt qua không thở nổi, ba kiếm đâm tới liên tiếp. Chiêu thức này tên là Tam Phượng Bảo Liên, trông giống như ba thanh kiếm, nhưng thực chất là ngàn chiêu vạn thức. Ý lấy núi Tam Phượng của Hoa Sơn, hàng rào hiểm trở dựa vào nhau, đẹp như phượng hoàng, tầng tầng lớp lớp như Thiên Diệp Bảo Liên9.
Ba kiếm này chia nhau hướng đến huyệt Khúc Trì10 trên cánh tay trái phải và huyệt Đản Trung11 trên ngực. Thực tế, bóng kiếm trùng trùng điệp điệp, hư ảnh có thể trở thành thật, chỉ cần không cẩn thận, khắp nơi đều sẽ bị thương.
Tần Cô Đồng cúi lưng và rút kiếm ra, đạo tách nhập, lấy âm dương để thí. Đối với kiếm pháp mà nói, tấn công hay phòng thủ, cả hai đều phải xem xét tình huống.
Thế yếu thì giấu!
Vào lúc này, Hà Lệ thực hiện chiêu Tam Phượng Bảo Liên mạnh mẽ mà đến, vì thế phải tự nhiên mà tránh. Tần Cô Đồng vội vàng lui về phía sau ba bước, nâng kiếm lên đỡ. Tại đây, âm thanh phá vỡ bóng kiếm vang lên, kiếm thế của Hà Lệ đã hết, chiêu tiếp theo chưa tới.
Thế mạnh thì đi!
Thuận tay lấy ra hoành đao, cổ tay của Tần Cô Đồng xoay một nửa, mũi kiếm hướng lên trên rồi chém xuống, chiêu này gọi là Hoành Đao Trảm Mã!
Lấy lưỡi kiếm của hoành đao với sức mạnh của mạch đao dùng để chém ngựa. Ngàn quân lực, một kiếm mà xuống!
Hà Lệ câu tay xoắn kiếm, vọt người nhảy lùi ra sau. Sau khi tiếp đất, có thứ gì đó từ trên không trung rơi xuống từ từ, nhìn kỹ lại thì đó chính là dây buộc thắt lưng của nàng đã bị cắt mất nửa tấc.
"Tài nghệ không bằng người, có chơi có chịu." Hà Lệ nhặt dây buộc lên và cười nói: "Hôm nay, bóng đêm rất đẹp, ta có một câu chuyện xưa, không biết liệu Tần cô nương có hứng thú không?"
Lai lịch nàng ta bí ẩn, ý đồ không rõ. Giờ phút này, trên mặt nàng ta hiện lên ý cười nhẹ nhàng, nhưng là bạn hay kẻ thù khó mà lường. Tần Cô Đồng không biết có nên nghe không, nhưng vừa vặn là ban đêm thích hợp nghe mỹ nhân chậm rãi kể chuyện xưa.
"Cả nhà ta từng sống ở Nhạn Đãng. Trên đỉnh núi có một cái hồ, lau sậy rậm rạp, cỏ lá đung đưa. Cảnh quan núi Nhạn Đãng hoàn toàn khác với núi Hoa Sơn nhưng không khác mấy so với núi Hạc Minh này. Khi có cơ hội, Tần cô nương nhất định phải đi xem.
Ngọn núi nổi tiếng vì tiên nhân, có một gia tộc nhiều đời phục vụ cho các cao nhân trên núi. Kiếm pháp của cao nhân thật phi thường, mỗi thế hệ chỉ thu nhận một đệ tử, đến đời đệ tử này thiên tư trác tuyệt nhưng tính cách có chút quái gở, chỉ kết thân với một nữ hài trong gia tộc đó. Một hôm có bằng hữu cao nhân đến chơi, thấy hài tử của phó nhân khoa tay múa chân mấy chiêu cũng coi như ra dáng thì liền khen ngợi vài câu."
Nói đến đây, Hà Lệ nở nụ cười có phần chua xót: "Tần cô nương hẳn là đã đoán được, nữ hài đó là ta. Chủ nhân biết chuyện có chút không vui, nhưng là người rộng lượng, thấy ta có vài phần thông minh, đề nghị trưởng bối Hoa Sơn thu nhận ta."
"Ta tới cửa bái sư phụ, khổ luyện kiếm pháp, không dám lười biếng. Trong lòng hy vọng một ngày nào đó, học thành tài rồi xuống núi để có thể về nhà gặp phụ mẫu và nàng ấy." Hà Lệ dường như chìm vào ký ức, nét mặt nàng ta biến hoá không ngừng, "Ta nghe được tin tức của nàng ấy từ sư huynh, giang hồ tân tú12, Đông Hải Lan Lăng, Tiêu Thanh Thiển. Bình bình phiếm trầm thâm, cô bồ mạo thanh thiển13, đây là tên chủ nhân chọn cho nàng, về phần vì sao họ Tiêu, ta rời đi quá lâu đã không nhớ rõ nữa."
12. Tân tú: tân binh
13. "Bình bình phiếm trầm thâm, cô bồ mạo thanh thiển" trích từ bài thơ "Tòng cân trúc giản việt lĩnh khê hành" của nhà thơ Tạ Linh Vận thời nhà Tấn. Tạm dịch: Cánh bèo trôi lênh đênh, hoa dại mọc trên cạn.
Tần Cô Đồng nghe nàng ta lẩm bẩm một mình, hình như có điều gì đó không hợp lý.
Quả nhiên, vẻ mặt của Hà Lệ dần trở nên thê lương: "Lúc đó ta học không tốt, theo môn quy không thể xuống núi. Chỉ có thể mong chờ các sư huynh sư tỷ mang tin tức trở về." Hà Lệ nói đến đây, đột nhiên cười một tiếng, đẹp như nở hoa.
"Nàng đi đến phía Đông đánh với ba mươi trại thủy tặc trên sông Dương Tử, lại ở Thịnh hội Võ đàn liên tiếp đấu với bảy người, thanh danh vang dội. Trên giang hồ không ai không biết nàng đến từ Nhạn Đãng và họ đặt cho nàng cùng với một vị thiếu hiệp trẻ tuổi khác với cái tên..."
Tần Cô Đồng buột miệng: "Hạc Minh Nhạn Đãng."
Hà Lệ ngước nhìn nàng với vẻ mặt kỳ lạ: "Từ khi nghe được tin tức của nàng ấy, ta đã chăm chỉ luyện tập, sau hơn nửa năm cuối cùng cũng được xuống núi. Nhưng ... trên giang hồ đã không còn tin tức gì về nàng, chỉ còn lại đủ loại truyền thuyết."
"Lúc đó ta chỉ mới xuất sư, trong giang hồ không có bạn bè thân quen nào. Hỏi thăm cũng không có manh mối gì, lại rời nhà quá lâu nên ta trở về núi Nhạn Đãng." Hà Lệ một bên nhớ lại một bên nói, mặc dù trước đó nàng ta có ngừng lại để suy nghĩ nhưng chưa bao giờ dừng lại lâu như vậy. Tần Cô Đồng ngước mắt lên nhìn, thấy sắc mặt nàng ta u ám, cũng không biết đã qua bao lâu mới định thần lại, "Cái gì cũng không có, ta chỉ thấy một mảnh tro tàn. Người không thấy, nhà cũng không còn, lúc đó ta rất sợ hãi. Về sau thấy phần mộ của chủ nhân ở sau núi, không biết kẻ thù là ai mà lại quật mộ như vậy... "
Chuyện xưa của Hà Lệ đã kể xong, nhưng Tần Cô Đồng nghe ra được thâm ý. Nàng nhìn trăng tròn treo cao trên đầu, trong khay ngọc có một tầng mây mù mờ ảo, như mực in chìm trong nước. "Ngươi đã nghi ngờ thì sao không hỏi Phương thiếu gia."
Hà Lệ lắc đầu: "Mấy năm nay ta đã biết, rất nhiều thứ không phải hỏi là ra. Mặc dù ta biết năm đó có một số tin đồn về Thanh Thiển và Phương Hưng. Nhưng chỉ cho là địch nhân của chủ nhân trả thù, Thanh Thiển chết, Phương Hưng đau lòng mà về nhà kế thừa gia nghiệp. Điều tra mười năm nay chỉ còn lại manh mối này, ta không thể không cẩn thận."
Tần Cô Đồng nghe nàng nói được nửa đường, đột nhiên nhớ tới nữ nhân quỷ mị trong u cốc. Nhưng lại phát giác không thể tưởng tượng ra và cũng không có lý do gì để tin vào suy đoán chớp nhoáng này. Nàng vẫn không lên tiếng và khách sáo tiễn Hà Lệ.
Trăng sáng rời cành, tiếng côn trùng xuyên qua cửa sổ. Nàng cởi áo rồi đi ngủ nhưng trằn trọc mãi.
Phương gia có lý do gì mà giam cầm Tiêu Thanh Thiển? Mặc kệ là từ Hà Lệ hay từ những lời đồn thổi trong giang hồ, nhưng đúng là Hạc Minh Nhạn Đãng trai tài gái sắc là giang hồ hiệp lữ được ông trời tác hợp.
Vì tiền tài? Nên giết người diệt khẩu từ trước, giữ lại làm gì.
Vì thù? Chẳng lẽ vì yêu sinh hận, rõ ràng là không.
Vì bí tịch võ công? Khi Tiêu Thanh Thiển mất tích, Phương lão gia đã bốn mươi năm mươi tuổi, Phương Hưng cũng có chút thành tựu, hoàn toàn không có lý do gì để tự phế võ công và làm lại từ đầu.
Vậy thì tại sao?
Chú thích:
1. 1 trượng = 2 ngũ = 10 thước, 1 thước = 1m, 1 tấc = 10cm, 1 phân = 1cm, 1 li = 1mm.
2. Dương Tiện Tử Duẩn: Là một loại trà. Vào thời nhà Đường, Dương Tiện Tử Duẩn trở nên nổi tiếng vì trà có hình dáng và màu sắc giống như măng tím, trở thành cống phẩm.
4. Nghi đao: của triều đại nhà Đường. Trong các triều đại Ngụy, Tấn và Tống, nó được gọi là Ngự đao, và đến thời nhà Minh, nó được gọi là Ngự lâm quân đao, là tiền thân của Miêu đao.
5. Chướng đao: (Kiếm chắn) Là một trong bốn hệ thống kiếm của nhà Đường, và tên gọi của nó bắt nguồn từ việc sử dụng nó. Hình dáng tương tự như chuỷ thủ hoặc kiếm Nhật nhưng nhẹ và linh hoạt hơn, thuận tiện cho việc cận chiến. Khi hoành đao hoặc mạch đao của binh lính không tiện sử dụng thì kiếm chắn trở thành vũ khí cận thân, nên có vật che dùng thân chắn (kiếm chắn + thân) để phòng thủ.
6. Mạch đao: Đại dao cán dài của thời Đường. Đao có hai mặt lưỡi, dài một trượng, nặng tới 15 cân. Hầu hết các mạch đao đều do binh lính bộ binh cầm, dùng để chém ngựa.
7. Huyền thiết: (Sắt đen) Là vật liệu cực kỳ hiếm và đặc biệt xuất hiện trong tiểu thuyết Kim Dung, nó có màu sẫm, mờ nhạt phát ra ánh sáng đỏ, cực nặng, có nhiệt độ nóng chảy cao, có lực từ. Sau khi rèn, nó cực kỳ sắc bén. Hình dưới là Huyền thiết trọng kiếm trong tiểu tuyết Kim Dung.
9. Thiên Diệp Bảo Liên:
10. Huyệt Khúc Trì: Vị trí huyệt Khúc Trì dễ dàng được xác định khi gập khuỷu tay. Đó là điểm nằm trên đầu bên của nếp gấp khuỷu. Huyệt đạo này có tác dụng phổ quát được chỉ định trong tất cả các bệnh cảnh sốt, từ đau họng đến sốt rét. Ngoài ra, kích thích khúc trì huyệt cũng giúp cải thiện chứng liệt nửa người hay suy giảm khả năng vận động của vai, sưng và đau đầu gối, ổn định chức năng đường ruột và cả các chứng rối loạn tâm thần, trầm cảm.
11. Huyệt Đản Trung: Với phụ nữ, có thể xác định huyệt thông qua đường ngang qua bờ trên hai khớp xương ức thứ 5 trên cơ thể. Đối với đàn ông, huyệt đạo này nằm trên điểm giao nhau giữa đường dọc xương ức với đường ngang qua 2 đầu núm vú. Nằm ở vị trí trung tâm ngực và là vị trí gần tim nhất nên huyệt Đản Trung có nhiều tác dụng đối với cơ thể như thanh phế, hóa đàm, giáng nghịch, thông ngực, điều khí. Ngoài ra, đây là huyệt chuyên chủ trị những cơ đau ngực, khó thở, các cơn hen suyễn tái phát, viêm màng ngực hay đau thần kinh liên sườn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top