Chương 11: Vẫn phải tiếp tục
Sau đám tang cha mình một tuần, Hà Phương lên công ty bắt đầu nhập học tiếng Nhật. Mặc dù cha đã mất nhưng kế hoạch của Hà Phương vẫn không thay đổi. Nó vẫn quyết định đi Nhật lao động. Cô Mỹ báo đơn hàng của nhóm Hà Phương ngày bay là hai mươi bốn tháng tư. Tức là sáu tháng sau. Một khoảng thời gian có thể nói là lâu so với một đứa thiếu thốn như Hà Phương. Chỉ mong bay càng sớm càng tốt vì nếu lưu lại càng lâu càng tốn kém tiền ăn uống sinh hoạt.
Nó cố gắng chi tiêu tiết kiệm nhất có thể. Mỗi tháng mẹ nó chỉ gửi lên hai lần, mỗi lần năm trăm ngàn mà thôi. Do cả ngày học tiếng ở công ty nên buổi sáng ăn sáng khi thì ổ bánh mì mười ngàn, lúc thì tô hủ tíu mười lăm ngàn rồi vào lớp. Buổi trưa ăn cơm ở ngay trong đó luôn. Đến chiều sẽ ăn tạm qua loa mì gói hay hủ tíu gõ cho qua bữa.
Bảy giờ kí túc xá đóng cửa sớm nên cũng không có thời gian để đi chơi, Hà Phương và Trúc đều sinh hoạt theo nề nếp nhất định. Cũng đỡ tốn kém hơn nhiều so với lúc ở quê. Dẫu vậy hai đứa đều rất tiết kiệm, hầu như sáng và chiều đều là ăn mì gối cho qua bữa. Cố nhịn để học cho qua sáu tháng này.
Giữa cái nóng bức của Sài Gòn, trải áo khoác xuống nền gạch nằm, tranh thủ khoảng thời gian nghĩ trưa ít ỏi. Hà Phương lại nhớ đến cha, nhớ đến lúc ông đau đớn vì những cơn đau thắt vào ban đêm. Nhớ gương mặt vàng vọt của cha những ngày cuối đời. Lại nhớ đến khoảnh khắc chị hai nó tức giận ném giỏ đồ của cha trước sân nhà. Chỉ vì ông tiếc chút tiền mà bắt hai cha con đi xe bus vừa nóng vừa đông người, thay vì taxi từ bệnh viện về nhà.
Trong lúc lim dim, nửa tỉnh nửa mê. Nó lại bị ám ảnh bởi tiếng máy phát oxy kêu lên è è, cái bụng phình to cùng gương mặt vàng vọt của cha nó cái ngày người ta chở ông từ bệnh viện về. Hà Phương chỉ nghe bác sĩ nói "Cơ thể ông đã kháng thuốc, chúng tôi chỉ có thể tiếp oxy hy vọng kịp đưa về nhà"
Môi của ông dần tím tái rồi trút hơi thở cuối cùng ngay trên tay nó. Hà Phương sợ, sợ cái cảm giác bất lực khi ấy. Khi phải nhìn người thân yêu nhất rời xa mình mà bản thân lại không thể làm gì khác ngoài khóc. Dường như từ ngày cha nó mất, không đêm nào Hà Phương ngủ sâu, thường hay bị giật mình thức giấc lúc nửa đêm. Không gian im ắng xung quanh, ngẫm nghĩ cuộc đời phía trước thật mông lung hoảng sợ.
Nhìn lần lượt từng đơn hàng bay đi, người cũ đi bớt, lại có thêm người mới dọn đến. Cả đám đều nôn nao, mong cho mau mau đến ngày để được sang Nhật hết sức.
Sáu tháng dài như cả thế kỉ trôi qua. Cuối cùng cũng gần đến ngày bay, cô Mỹ cho cả nhóm người cùng đơn hàng về quê để chuẩn bị hành lí.
Hà Phương và Trúc lại bắt xe về quê, đứa nào cũng vừa mừng vừa lo. Mừng vì sắp được đặt chân đến một đất nước xinh đẹp và phát triển, háo hức trước một hành trình mới của tuổi trẻ. Vừa lo lắng không biết có quen với khí hậu và môi trường làm việc ở bên đó hay không.
Buổi trưa tháng tư, bầu trời trong xanh, những đám mây hững hờ trôi qua. Bầu trời của thời niên thiếu vừa hực hỡ, vừa chói chang. Hà Phương ra sân gom mớ gia vị phơi khô bỏ vào bịch chuẩn bị mang sang nhà hàng xóm nhờ hút chân không dùm. Nó mang theo ít gừng, xả và ớt... đều được phơi khô. Vì nghe bên đấy không có những loại gia vị này. Hồi sáng có đi siêu thị Coopmark phường một bên kia sông để mua mấy gối gia vị nêm sẵn, còn mua thêm mì gói... Nó và Trúc đều mua sắm rất ít.
Đến tối về thu sếp mọi thứ cho vào va li có sẵn logo của công ty đã phát trước đó. Hà Phương gói gém một ít quần áo mới và cũ cùng số đồ mà đã mua cho vừa vặn vào va li rồi đóng lại. Mẹ nó ngồi trên ghế đẩu, nhìn lên bàn vong của chồng rồi khẽ thở dài.
- Phải ổng gáng thêm ít tháng thấy mày bay rồi.
Hà Phương cũng nhìn bàn vong cha nó rồi cười không rõ tâm tư đáp:
- Số cha tới đó biết làm sao được. Mà không chừng trong cái rủi có cái may. Lỡ con qua bển chưa kịp đi làm mà cha mất... lại phải bay về.
Mẹ Hà Phương gật đầu:
- Ừ bay đi bay về cũng phải tốn mớ tiền à.
- Qua đó chưa đi làm được liền đâu, còn phải học ở nghiệp đoàn thêm một tháng mới về công ty làm. Mà làm thêm một tháng nữa mới có lương.
- Ờ mà con tính đổi tiền lá mang theo không? Một lá cũng hai triệu, hai triệu mấy... đem theo ba lá cũng hết sáu bảy triệu rồi.
Hà Phương nhìn thấy nét lo lắng cùng khó xử trong ánh mắt của mẹ. Nó nhẹ giọng nói cho bà yên tâm:
- Thôi mẹ đổi cho con một lá thôi. Qua bển người ta phát cho mình bốn lá để trang trải lúc chưa đi làm. Đó là tiền của mình đóng nên chắc chắn họ sẽ đưa mà.
Mẹ Hà Phương tuy ái ngại, xót con gái nhưng nét mặt giãn ra chút đỉnh.
- Ờ vậy cũng đỡ ... mà qua bển có buồn, có lạnh cũng gán mà làm nha con. Bỏ ra cũng cả trăm triệu mới qua đó làm được.
- Con biết rồi.
- Gán làm gửi tiền về lo cho chị con học hai năm cuối. Hoàn thành tâm nguyện của cha bây... được thấy chị mày thành bác sĩ.
Hà Phương không đáp. Mi mắt rũ xuống lại tiếp tục sửa soạn hành lí. Khuya hôm đó lại cùng Trúc bắt xe lên thành phố.
Sau đó cả đám rủ nhau đi mua thêm ít nhu yếu phẩm ở một khu chợ khá đặc biệt. Chợ Nga tọa lạc tại đại lộ 328 Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, quận nhất. Cách chợ Bến Thành khoảng 1 km. Nơi đây bày bán rất nhiều sản phẩm đa dạng như quần áo thời trang, đồ thủ công mỹ nghệ... đậm chất Nga.
Địa phương nơi Hà Phương sắp đến là Wakkanai. Đây là thủ phủ phó tỉnh Sōya và là thành phố cực bắc Nhật Bản. Chóp cao nhất của đất nước Nhật Bản, mũi Sōya, nằm ở đây và từ đó có thể trông thấy Sakhalin của Nga cách đó khoảng mười bốn hải lý. Thời tiết vì vậy cũng khá tương đồng với nhau, gần như là lạnh quanh năm
Chợ Nga này do một du học sinh du học tại Liên Xô cũ thành lập vì tình yêu với xứ sở bạch dương. Được gọi là chợ Nga vì đây là đầu mối giao thương hàng hóa sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang Nga và các mặt hàng đặc sản của Nga nhập khẩu vào Việt Nam để buôn bán.
Nhìn vẻ bề ngoài của khu chợ, có thể hình dung ra một trung tâm thương mại với hàng hóa được sắp xếp ngăn nắp, sang trọng phương Tây ... nhưng không chợ Nga được thiết kế vừa phải. Các ki-ốt và hàng hóa đa dạng như chợ An Đông hay Sài Gòn Square. Hà Phương vì kinh tế eo hẹp, nó chỉ mua được một chiếc áo phao vừa, không mỏng cũng không quá dày. Nhắm chừng có thể đủ chống chọi với mùa đông khắc nghiệt ở Hokkaido. Cùng một cái chụp tai màu hồng khá dễ thương.
Các chị người Việt qua trước bên công ty có dặn mua quà cho mấy người Nhật. Nhóm Hà Phương không biết mua gì, cuối cùng đành chọn mấy hộp cà phê G7 mang sang làm quà vì nghe nói người Nhật thích cà phê Việt Nam, hương vị nó đậm đà. Đến ngày bay cũng chỉ có mẹ Hà Phương cùng cô lên sân bay. Cô gái mười tám tuổi, bắt đầu hành trình mới, cuộc đời như một cuốn sách được bước vào trang đầu tiên.
8/10/2024.
Tác giả: Chương này... vẫn là thực văn 😌
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top