Chương 3

Chương 3:

Ba người theo hướng dẫn của sư thầy, rảo bước trên đường làng. Làng khá lớn, hai bên đường nhà cửa san sát, nhìn không đến được những cánh đồng ruộng phía sau. Đi không bao lâu thì đến chợ. Trời đã trưa, nên chợ rất thưa thớt, những hàng quán còn lại chỉ là các quán nhậu và quán ăn bán suốt ngày.

Trong túi còn mấy xu hôm trước cấy lúa mướn, Hiền quyết định dùng hết để ăn một bữa ra trò, xem như mừng nơi ở mới. Thế là ba người vào quán ăn, gọi ra ít cơm, thịt kho, rau xào và bát canh cua. Ai nấy đều lớn lên trong đói khổ, lại vừa sống trong cảnh màn trời chiếu đất, no thì ít mà đói thì nhiều hơn một tháng qua. Bây giờ nhìn bàn cơm thịnh soạn nhất trong đời nằm trước mắt, ai cũng xúc động, cẩn thận nhẹ nhàng mà ăn như sợ chúng nó ngay lập tức sẽ biến mất.

Bữa cơm diễn ra hơn nửa canh giờ, thức ăn trong dĩa sạch boong. Ông chủ quán trên vai vắt chiếc khăn dài, xởi lởi mang ấm nước ra rót mời khách. Nhân dịp quán vắng khách, ông chủ quán ngồi xuống bắt chuyện với người mới đến:

-Mấy cô cậu nhìn lạ mặt quá. Mới tới chỗ này lần đầu phải không?

-Dạ phải. Bọn con dự định mua đất rồi ở đây lập nghiệp luôn – Hiền thành thật trả lời.

Thấy Hiền lên tiếng trước, ông chủ quán mới nhìn kỹ Hiền, sau đó nhìn đến Lành ngồi bên cạnh. Bụng Lành giờ đã lộ rõ, không khó để đoán được hai người là vợ chồng. Vốn tính hay nói, ông chủ quán không câu nệ gì, lập tức giảng một tràng:

-Đất ở đây đa phần là của ba ông bá hộ. Nhưng mà hồi sáng này ông bá Biểu với ông bá Lượng sang làng bên ăn đám giỗ rồi. Còn lại ông bá Cự, nhà ổng là căn to nhất cuối làng đó. Mà chú báo trước, ông bá Cự keo kiệt lắm nghen, cẩn thận chút.

"Choang!" một tiếng đổ vỡ vang lên hấp dẫn ánh nhìn mọi người. Ông chủ quán nhìn sang thấy người quen, lại phô hiểu biết:

-Đó là cô Mầu, con gái thứ của ông bá Cự. Cổ bị điên cũng gần năm năm rồi.

-Sao cổ bị điên vậy chú? – Thằng Đông nhiều chuyện, quay sang hỏi.

-Cái này kể cũng tội. Ông bá Cự không biết ăn ở phước đức ra sao, mà nhà có ba đứa con. Thằng cả bị cà lăm, cô út thì xấu như quỷ dạ xoa. Được mỗi cô Mầu là đẹp người lại không có bệnh tật gì. Nhưng mà năm năm trước, cô Mầu phải lòng sư thầy mới tới của chùa Vân. Rồi hai người ăn ở nhau sao mà cô Mầu có bầu. Sư thầy lại không chịu nhận, vậy là cô Mầu phát điên luôn. Cũng may, thằng con cô Mầu đẻ ra được sư thầy nhận nuôi.

-Quá đáng thật. Đúng là không thể trông mặt bắt hình dong– Đông vỗ bàn một cái rầm, vẻ mặt cáu gắt.

Hiền và Lành cũng nhớ lại chuyện lúc nãy, nên hiểu ra phần nào. Nhưng nhìn sư thầy, hai người không thể nào tin tưởng được chuyện đó xảy ra. Nhất thời không muốn nghĩ nhiều, Hiền vỗ Đông:

-Chuyện của người khác, em xen vào làm gì.

Đầu tóc rũ rượi, Mầu gục trên bàn quán rượu đối diện, miệng thều thào hai chữ "Kính Tâm".

Ăn xong, ba người theo lời chỉ dẫn của chủ quán ăn, đi ra hướng đồng ruộng nhà ông bá Cự để xem trước. Làng Mai có một mặt giáp sông phía đông. Vì gần nguồn nước, nên phía bên này ruộng màu mỡ tươi tốt. Nhìn những đồng lúa xanh mơn mởn ánh vào mi mắt, ai nấy đều dấy lên hy vọng về một tương lai tốt đẹp.

Trùng hợp thay, ba người đứng chưa bao lâu trên bờ ruộng, đã thấy một bóng người đi tới. Mà người nọ mặc một bộ áo dài khăn đóng bằng lụa, bên trên chi chit hoa văn hình tròn màu vàng. Khuôn mặt ước chừng năm sáu mươi tuổi, bụng béo phệ, tám phần mười là ông bá Cự.

Ông bá Cự thấy có người ngáng đường trước mặt, nheo mắt khó chịu nhìn lại. Hiền hít một hơi tiến ra phía trước cúi đầu nói:

-Chào ông. Cho con hỏi, ông có phải là ông bá Cự không ạ?

-Đúng rồi, có chuyện gì? – Nghe thấy người lạ mặt biết tên mình, ông bá Cự sướng rung râu, nhưng ngoài mặt giả vờ nghiêm nghị.

-Dạ, con mới tới làng này. Xin được mua miếng đất để định cư lại làng. – Hiền cung kính đáp

Nghe vậy, ông bá Cự mới săm soi kỹ lại ba người. Ai nấy đều lem luốt, rách rưới đen đúa. Tính toán thầm trong bụng, ông Cự mới lên tiếng:

-Chú em muốn mua bao nhiêu, loại nào?

-Dạ, con chỉ xin mua hai miếng đất loại vừa. – Hiền có chút chột dạ, tay nắm lấy vạt áo không dám nhìn thẳng.

Chợt ông Cự cười to, vươn tay vỗ vai Hiền, ra vẻ thân thiết:

-Chú em tìm đúng người rồi đó. Anh đây ruộng đất bạt ngàn, muốn bao nhiêu cũng có. Nãy giờ anh thấy chú em thật thà, anh bán cho chú em hai miếng đất tốt, giá vẫn lấy giá của đất vừa. Coi như đó là quà chào đón hàng xóm mới. Chú em thấy thế nào?

Ba người nghe vậy, mừng rỡ gật gật đầu, cảm ơn rối rít. Ông Cự đưa tay vuốt mấy cọng râu mép, rồi đủng đỉnh dẫn đầu đoàn người trở về nhà. Nhà ông Cự cực kỳ rộng, bốn phía bao bọc bởi lớp tường cao. Cổng lớn to đến mức, mười người xếp hàng ngang vẫn đi lọt vào được. Vừa qua khỏi cổng chừng mười bước là một chuồng chó chứa hơn mười con. Con nhỏ nhất cũng cao tới đùi người trưởng thành, bốn chân to khỏe, móng vuốt cào hỏng cả đất đá trong sân. Con nào con nấy đều nhe nanh gầm gử trông rất dữ tợn. Ba người bọn Hiền chưa bao giờ thấy qua khí thế lớn như vậy, không khỏi sợ hãi, đầu rụt xuống một chút, khép nép đi sau ông Cự.

Dư quang thấy phản ứng ba người, ông Cự nhếch mép hài lòng. Như ông Cự đoán, ba người không ai biết chữ, nên ông ta tự tay viết ra một bản khế ước, sau đó đọc lớn một lần rồi cho Hiền lăn tay vào.

Sung sướng vì cuối cùng cũng có đất của riêng mình, Hiền run run cầm khế ước dẫn Lành và Đông ra mé sông theo lời ông Cự. Đất gần mé sông ẩm ướt, thoảng mùi phù sa, những cây mạ đua chen nhau vẫy người theo gió. Hiền thích ý xắn ống quần lội xuống ruộng, đưa tay sờ. Chợt từ xa có tiếng quát:

-Ê ê, làm gì đó, phá lúa tui hả?

Hiền giật mình, theo bản năng lui lên bờ ruộng, lăng lăng nhìn người đàn ông kia đi tới. Vì thấy Hiền chưa làm ra động tác gì xấu, cũng không sợ hãi bỏ chạy, nên thái độ người kia hòa hoãn hơn một chút:

-Chú em làm gì dưới ruộng anh?

-Ruộng của anh? – Hiền chớp chớp mắt khó hiểu, nhưng chợt nhớ lại lời chủ quán, vội móc trong túi ra tờ khế ước đưa người kia, hỏi lại – Anh biết chữ không? Anh coi giùm em có phải khế ước ghi là miếng đất này bán cho em không?

-Chú nói lạ, miếng đất này là của nhà anh, anh có bán bao giờ. – Người kia miệng phản bác, nhưng tay vẫn mở khế ước ra coi, sau đó cười nói – Khế ước ghi đúng là số ruộng này, nhưng là mé tây.

Mé tây và mé đông khác nhau một chữ thôi, nhưng ăn thua bởi con sông mà độ tươi tốt khác nhau một trời một vực. Hiền té ngồi trên bờ ruộng, hai tay vô thức mà cào nát cỏ hai bên. Lành ngồi xuống bên cảnh, cầm lấy cánh tay Hiền, mím môi khuyên giải:

-Chúng ta quay lại hỏi ông Cự xem sao.

-Đúng đó anh Hiền- Đông gật đầu phụ họa

-Chú em cứ đi hỏi lại thử đi. Nhưng mà anh nói chú nghe, ông Cự giảo hoạt lắm coi chừng không đòi lại tiền được đâu – người kia thấy biểu hiện của Hiền tự nhiên đoán được bảy tám phần, có chút thông cảm.

Hiền gật đầu cảm kích, sau đó thất thiểu trở lại nhà ông Cự. Nhưng chào đón ba người là hai tên người ở cùng sáu con chó. Khỏi hỏi cũng biết, đây là ông Cự cảnh cáo. Đông bực dọc phun một bãi nước bọt xuống đất, trừng mắt hai tên người ở. Hiền khoát tay:

-Lỡ rồi, chịu vậy. Người ta có tiền, có quyền, tại mình ngu không biết chữ để người ta lừa. Đi thôi.

-Đi cái gì mà đi. –Đông cãi lại. Chợt nhớ trong lưng quần còn lận mớ tiền bán đất, Đông lấy ra rồi nói- Mua thêm hai miếng nữa, em không tin chúng ta không làm cho đất hoang mọc cây được.

Vậy là ba người trở vào nhà ông Cự, mua thêm hai miếng đất bên cạnh. Lần này ông Cự không có giở mánh lới gì khác nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: