Chương 1: Chốn làng quê
Miền Tây, năm 2016...
___
Những giọt sương long lanh đọng lại trên những tán lá của cây tràm. Trời còn hơi sớm, tại thôn Cái Cùn. Đó là một thôn quê nhỏ nhỏ chạy dọc theo bờ kênh Cái Cùn, cứ xuôi theo đám lục bình là ra sông cái. Giữa không gian buổi sớm mai bỗng đâu tiếng gà gáy "ò ó o" kêu lên inh ỏi như đàn ca múa hát chào ngày mới. Bên này dòng nước là những gian nhà mái ngói đỏ trải dài và đều ran như hạt bắp. Bên kia sông là những cánh đồng lúa trổ đòng đòng, mới chạng vạng mà đã có người ở trên đó.
Trên những đồng lúa mênh mông, bát ngát, tiếng gió thổi rì rào khiến cho những chẽn lúa đòng đòng cứ nghiêng nghiêng theo gió. Những ngôi nhà mái ngói đỏ đã xen những vết đen theo năm tháng, thường được lót gạch Tàu.
Những ngôi nhà nằm san sát nhau, đa số đó là nhà sàn chống lũ ngày xưa, cột nhà cao ngất ngưởng, nhưng bây giờ lũ nào dâng tới độ đó nữa.
Trước nhà nào cũng có một cái bàn Ông Thiên. Buổi tối là mấy bà già, có nhà thì ông già, trải tấm bạc hoặc mảnh chiếu manh. Trên người bận áo lam nâu sẫm, tay cầm nhang, quỳ xuống khấn nguyện, sau đó cắm nhang. Có khi thì cầm chuỗi, đọc kinh cả tiếng đồng hồ.
Dọc theo mé bờ kênh trải dài những hàng dừa với thân cây to bự và cứng cáp. Trên thân xuất hiện những vết rạch dài xuống do đám trẻ trong làng tạo ra. Phía trên tàu lá dừa chao đảo theo làn gió nghe xào xạc. Không khí nơi đây mát mẻ, trong lành đến nỗi hít vào là thông cả phổi. Người miền Tây rất thích ngủ võng, nên cách vài thước là bắt gặp mấy cái võng sập sệ giăng trên thân cây dừa.
Chung quanh các nhà thì có những bụi bông trang um tùm trải dài. Nào bông đỏ, nào bông vàng được điểm xuyết lên bụi lá xanh mướt, cả thảy tô lên vẻ đẹp cho con đường làng. Chúng có tác dụng như là hàng rào ở đây.
Đi khỏi thôn chừng hai cây số là tới chợ huyện. Ánh nắng sớm đã rọi tới biển đề tên chợ. Đây là chợ trời lớn nhất ở huyện, nhưng khá cũ kỹ và chật chội. Độ tầm năm rưỡi sáng, mấy cô mấy dì đã bắt đầu dọn hàng ra chợ bày bán.
Từ ngoài vô trong là bắt gặp các sạp đồ, đồ bán bày la liệt chắn cả đường đi. Ngoài ra còn có vài ba chiếc xe đẩy bán búa liềm dao kéo để chênh vênh thấy muốn ngã. Ở quầy cá tôm, bà bán cá bắt đầu bật bình ô xi lên, thả dây vào thau nước có vài chục con cá diêu hồng nằm chen chúc nhau, chúng giành giật ô xi mà thở. Nó còn tươi sống thì mới được lòng tin của người mua, dễ bán. Chủ sạp trái cây gần đó thì bưng từng thùng ra, nhẹ nhàng bày lên sạp bán. Có trái mận, trái xoài, trái quýt và vô vàng loại trái cây nhiệt đới khác. Còn có lũ trẻ nhỏ bán vé số chạy lon ton khắp các sạp bánh, sạp trái cây, cùng với tiếng chửi rủa, xua đuổi của tiểu thương với chúng vì sợ chúng làm đổ bể đồ đạc.
Từ chợ nhìn ra mé sông, trên dòng
sông xanh biếc tấp nập xuồng ghe chở hàng hóa đi khắp nơi buôn bán, xuôi ngược con nước để kiếm kế sinh nhai. Có những chiếc ghe thì tấp vô bến, cột neo và khiên hàng lên bờ giao cho thương lái, tất bật và hăng say. Rồi có lác đác vài cái ghe nhỏ chở mắm, chở rượu...hô lên mà chào hàng. Không khí buổi chợ quê vào sáng sớm thật nhộn nhịp làm sao!
Bà con trong thôn ra chợ từ độ này, thường đi theo hàng, xách theo giỏ đan bằng mây, vừa đi vừa rôm rả nói chuyện với nhau. Họ nói đủ mọi truyện trên đời dưới đất mà gần như xém quên mục đích chính là đi chợ mua đồ nấu cơm.
***
Trong buổi chợ đông đúc, từ xa có một thân hình nhỏ nhắn trong chiếc áo bà ba vải bông cùng cái quần thun đen, mang đôi dép tím, xách cái giỏ đỏ. Gương mặt cô sáng sủa và bầu bĩnh, đôi má hây hây ửng hồng, để tóc mái và thắc bính nhanh nhẹn bước tới sạp gạo:
- Cô Bảy ơi cô Bảy, xúc cho con kí gạo!
- Có ngay có ngay. tám ngàn luôn gái ơi! Lâu lắm mới thấy bây mua gạo...
Một bà thím bận áo bà ba xám khói bước ra xúc gạo, hô lên. Cô gật đầu gửi tiền, cười mỉm. Mua gạo xong cô đi thẳng vô trong lòng chợ mua thêm ít đồ. Khi đang trở ra thì đi ngang sạp vải Mỹ Thu, một bà chị áo tím mũm mĩm ngồi trên ván gọi lên, tay chỉ ngoắc cô lại:
- Ê gái... Út Hẹ con bà hai Lanh nhà trong rạch Cái Cùn phải không?
Cô gái đáp:
- Dạ đúng rồi, là em đây!
- Chèn ơi gái lớn quá, chị nhìn không ra. Hên nhờ gái giống má quá nên chị thấy bóng dáng quen nên chị ngoắc lại, hihi. Lóng rày không gặp em!
Chị Thu hớt ha hớt hả hỏi thăm Hẹ, đoạn chêm thêm:
- Có chồng con gì chưa nè, mấy đứa rồi?
Nghe chị Thu nhắc đến lấy chồng có con, cô giật mình thưa lại:
- Dạ chị em còn nhỏ, chồng con làm gì có! Vả lại em không muốn lấy chồng đâu. Em ở giá nuôi má em thôi à.
- Chị hỏi thôi mà, gái làm gì hốt hoảng thế, quả nhiên cô Út còn con nít trân ta ơi! Hihi.
Cô Út cười gượng, cố tỏ ra bình tĩnh. Cúi đầu chào chị bán vải, cô đi tiếp ra phía ngoài. Lật đật ra bến xuồng, nơi đây ngoài xuồng của cô còn vài chiếc của các cô bán mắm, bán rượu đậu san sát. Đi xuống bến, cô cẩn thận vịn vô mạn thuyền, nhẹ nhàng ngồi xuống ở đầu mũi cái xuồng độc mộc, cô gỡ neo và chèo về nhà.
***
Nhà cô nằm mé ngoài rạch, cách chợ chừng một đoạn chèo. Đang xuôi theo con nước về nhà thì bỗng có tiếng "tủm" vang lên. Như là có ai đó té xuống sông. Út Hẹ hốt hoảng chèo lại để cứu giúp. Càng lại gần, cô càng nghe rõ tiếng kêu cứu thất thanh: "Ặc... ặc..., cứu tui với... tui ngộp thở quá... tui không biết lội!". Tưởng ai xa lạ, hoá ra là Nguyễn Hoàng Trung, chỗ quen biết với cô Út đây mà. Anh đang giãy giụa đành đạch dưới nước, trông khó thở lắm. Cô vội nhảy tủm xuống nước, vội vàng ôm anh và lội vô bờ. Anh Trung nằm bò lết trên bờ, ho sặc sụa và khạc nước sông ra. Mái tóc bị ngấm nước giờ trông như ụp cái gáo dừa. Mặt mũi anh thì đỏ gay.
Anh Trung và cô là thanh mai trúc mã với nhau. Anh thân hình được cái cao nhồng nhưng ốm nhôm ốm nhách, gương mặt sáng sủa và để đầu nấm. Trông cũng đẹp trai đó à nghen. Từ hai năm trước đã khăn gói lên Sài Gòn học đại học. Đang trông đợt nghỉ hè nên anh cuốn nớp về quê chơi. Mặc dù sinh ra ở miệt sông nước nhưng Trung lại là một con vịt cạn không biết lội!
Anh được cứu kịp nên không sao nhưng cô vẫn ân cần hỏi han:
- Anh Trung có sao không, anh không biết lội sao lại ra kênh vậy, nguy hiểm lắm đó, không có em đi ngang chắc anh làm mồi cho cá rồi!
- Anh đang tập lội, nãy anh có đốn thân chuối ôm theo tập như mấy đứa nhỏ xóm mình, đang lội cái duột tay ngang... - Anh lấp vấp nói.
Nghe xong, cô khẽ cười và trách anh với giọng điệu trách yêu:
- Thiệt là, anh muốn học thì em chỉ cho anh. Tội gì lại tự tập, lòng kênh Cái Cùn này sâu lắm đấy, anh không sợ à? Hay anh không tin tưởng em?
- Vì sợ nên anh càng muốn chiến thắng nỗi sợ. Không phải anh không tin em nhưng anh muốn tự thân mình tập bơi lội! - Anh nghiêm nghị tuyên bố.
Nói rồi anh lại hỏi thêm:
- Mà cô Út đi đâu dìa vậy?
- Em vừa từ chợ huyện dìa, em mua một ít gạo với mấy món đồ. Tình cờ gặp anh vừa giãy dụa bủm bủm vừa kêu cứu nên em chèo lại. Thôi em phải tranh thủ đi dìa, em đi trước nghen anh Trung.
- Ừ, chào em! - Anh đáp lại.
Anh nhìn theo bóng thuyền cô thôn nữ dần đi xa đi, thầm nghĩ bụng: "Em ấy xinh đẹp như vậy chắc dì hai Lanh cũng có mối mai để dựng gả rồi, em ấy sẽ không đợi mình học xong đâu!"
___
Có lẽ vậy, trong rạch Cái Cùn không ai là không biết đến cô út Hẹ, nức tiếng đẹp người đẹp nết. Dù nhà nghèo nhưng cô cũng được cha má cho đi học, nhưng khi cô vừa học xong lớp chín thì cha cô mất trong một vụ đụng xe. Từ đó cô nghĩ học phụ mẹ đi mần mướn, làm đủ nghề kiếm cái ăn. Cô phải làm lụng vất vả quanh năm để đỡ đần cho mẹ.
Út Hẹ là cô gái hiền lành, tốt bụng và rất hay giúp đỡ bà con chòm xóm. Không những vậy, cô còn rất xinh đẹp, một vẻ đẹp trong trẻo. Cô gái có một làn da rám nắng dãi dầu, gương mặt chất phác, đôi mắt sáng đầy sự ngây thơ, hồn nhiên của những cô gái miền Tây đang tới tuổi trăng tròn. Do vậy mà có vài chỗ đã đánh tiếng muốn hỏi cưới cô. Mẹ cô dù không nỡ vẫn muốn cô lấy chồng sớm cho yên bề gia thất. Nhưng cô gái ngây thơ ấy rất sợ việc lấy chồng. Cô tâm niệm: "Gái có chồng như gông đeo cổ, trai có vợ như dây nhợ buộc chân". Mỗi lần mà nghe đến lấy chồng là lòng cô bấn loạn lên ngay và khéo từ chối tất cả các mối mai.
Chèo một hồi lâu thì cũng đến bến nhà với những hàng cây tràm thân thuộc. Đến cầu nước, cô vội cột neo rồi xách bao gạo vừa mua lên bờ, đi vô ngôi nhà cổ kính có gốc đa trước cổng. Đi qua vườn rau, hàng bông mười giờ. Con Tủn, chú chó chân ngắn, lông áo phèn nhà cô nuôi từ lâu. Thấy cô về, nó chạy co cẳng nhảy vồ lên mừng ríu rít. Cô xoa xoa đầu nó rồi bước vô, qua cửa nhà, gặp bà lão tóc bạc phơ, bận áo bà ba cam nhạt ngồi may áo trên bộ ngựa, bước đi vào, gật đầu thưa ngay:
- Thưa má con mới dìa!
- Ủa bây đâu mới dìa vậy? Hồi sớm má thức dậy không thấy tăm hơi đâu hết trơn - Bà Hai Lanh gặn hỏi.
- Dạ con vừa từ chợ xã dìa, con mua ít
gạo về rồi bắt con gà nấu cháo cho má ăn bồi bổ!
Má cô chau mày, chặc lưỡi:
- Chèn ơi bày vẽ chi cho cực thân, cũng đâu phải dịp gì. Cảm ơn con gái nhé!
Bà hai cười tít mắt rồi tấm tắc khen ngợi:
- Chu đáo thế này mai mốt lấy chồng về nhà người ta má cũng yên bụng.
Nghe đến lấy chồng bỗng mặt cô tái lại, giật mình thưa:
- Thưa má! Sao má cứ nói chồng chồng hoài vậy, con không muốn lấy chồng đâu. Con mới mười tám tuổi thôi, con còn nhỏ lắm. Con muốn ở vậy nuôi má à!
Má cô giọng khàn khàn, trách cô:
- Má chỉ muốn con sớm yên bề gia thất, khi má còn khỏe, còn thấy con lên xe hoa về nhà chồng. Má bây giờ như ngọn đèn treo trước gió, má không muốn khi chết đi mà không biết mặt con rể mình, không được thấy con có nơi nương tựa tấm thân.
Cô không dám nói gì thêm, chỉ lắng giọng một chữ "dạ". Ngoài mặt thì dạ thưa nhưng trong bụng cô không ưng chút nào, tuy vậy cũng không dám cãi má. Lấy chồng là phải về làm dâu nhà người ta, phải xa nhà má mình. Sợ rằng má đau ốm bệnh tật không hay để mà về săn sóc... Bao nhiêu nguyên do đấy cũng đủ làm cô gái nhỏ sợ lấy chồng, nỗi lo sợ chung của tất cả những đứa con gái tuổi cập kê. Cũng phải, thời buổi này còn đứa con gái nào thích cái kiểu "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" nữa chứ, thương yêu gì đâu mà cưới nhau, mà ràng buộc nhau kiểu đó chớ.
***
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top