người chẳng đợi em nơi bến cũ

Làng quê xứ Kinh Bắc những năm 80, một ngày hè nắng. Cái nóng bỏng rát buổi trưa nhuốm xuống đất cằn, cháy trên da đầu khiến người ta phải quay cuồng.

"Anh Trân! Đợi em với." - Từ xa, một thằng nhóc đang lũn cũn chạy, tay cầm cái nơm bắt cá đang hét với lại.

"Nhanh lên Tuấn. Người ta bắt hết cá bây giờ." - Đứa con trai lớn hơn quay lại lớn tiếng gọi, rồi thấy tội thằng nhỏ mướt mải chạy theo, bèn xốc nó lên vai cõng theo luôn.

Chạy được đến đồng, đã thấy người làng lục tục cầm nơm cầm giỏ đi về, giỏ nào giỏ nấy cũng đầy ắp cá lớn cá bé. Thằng Tích con ông Trịnh nhà bên cũng đang chuẩn bị về, nó vỗ vai Trân - thằng con trai lớn:

"Hết cá rồi anh ạ. Mà cũng chẳng chen chân được với mấy thằng làng Đồng được. Chúng nó đã khoẻ lại còn đông. Thôi mình về đi."

Qua vai Trân, nhóc Tuấn ngơ ngác nhìn theo đám người đang hớn hở cầm mấy con cá rô to bằng lòng bàn tay với ánh mắt hấp háy thèm thuồng:

"Sao mình không có cá hả anh?"

Trân giả vờ nạt yêu em:

"Tại mày chạy chậm, người ta bắt mất cá chứ làm sao. Lần sau chạy nhanh lên thì mới có cá!"

Nhóc Tuấn phụng phịu, nhưng cũng nghe lời. Nó tụt xuống khỏi lưng Trân, bảo:

"Không có cá, đằng nào về cũng bị u mắng. Thôi mình ra sông chơi đi anh Trân.."

Rồi chưa kịp đợi Trân trả lời, nó đã vụt đi mất. Trân hớt hải đuổi theo, mướt mồ hôi mới bắt kịp thằng nhóc mười tuổi. Chao cái thằng, ham chơi thế là cùng!

Ra được bến sông, đã thấy Tuấn ngồi vầy nước ở đấy. Trân tái mét mặt, mắng nó:

"Tuấn, lên ngay! Nhỡ ngã xuống thì sao? Hư quá."

Thằng nhóc thấy anh mắng bèn rụt tay lại, lủi thủi lên bờ ngồi như đã biết tội. Chưa kịp để Trân mắng tới lần thứ hai, nó đã nhận lỗi:

"Em xin lỗi, lần sau em không làm thế nữa," đầu nó cúi gằm, "nhưng mà em tò mò ghê ấy anh."

Trân ngạc nhiên:

"Em tò mò cái gì?"

"Bữa trước em thấy chị Liên tiễn anh Hoàng lên phố đó, mà trước lúc lên đò chị với anh múc nước sông lên uống chung một ngụm. Rồi chị khóc nhiều lắm. Em hỏi chị là sao chị với anh không uống nước giếng, nước giếng ngọt hơn nước sông nhiều. Chị vừa xoa đầu em vừa bảo, nước sông ngọt lắm, lớn lên em sẽ biết. Thế là sao hả anh?"

Trân bật cười trước vẻ ngây ngô của thằng nhóc rồi từ tốn giải thích:

"Người làng mình có tục rằng, hai người cùng uống chung dòng nước sông Đuống này thì sẽ mãi mãi không xa rời, có đi xa đến đâu cũng sẽ về bên nhau. Chị Liên anh Hoàng muốn nhớ mãi về nhau như vậy, nên cùng uống chung một ngụm nước..."

Chưa kịp nói xong, đã thấy Tuấn múc một vốc nước sông lên, húp một ngụm, rồi đưa cho anh nó:

"Em muốn anh Trân ở với em mãi cơ, anh Trân uống chung với em nhé."

Trân thấy thằng nhóc ngây thơ dễ thương quá nên cũng chẳng muốn làm nó buồn, bèn một hơi uống hết vốc nước trên tay nó.

Tuấn ơi, sau này em sẽ biết rằng chỉ có hai người yêu nhau mới có thể làm như thế. Mai kia em sẽ cùng một người khác uống chung dòng nước, em sẽ phải luôn luôn ở bên người ấy, chứ không phải là anh, em có hiểu không?

.

Thạc Trân và Nam Tuấn là hai đứa trẻ nhà sát vách, quen nhau từ khi mới bập bẹ học nói tập đi. Thuở thiếu thời, hai anh em hay cùng nhau đi kéo xe, chăn trâu cắt cỏ, mò cua bắt cá, thấm thoát chục năm thành hai người bạn thân thiết. Người ta nhìn vào hai cậu trai đi đâu cũng có nhau thì chẳng lạ nữa.

Năm nọ, làng Cầu bên sông Đuống lâm vào cảnh đói kém nhất. Mất mùa, vỡ đê xảy ra liên miên. Dân làng tứ tán hết cả, chỉ còn chục nhà cố gắng bám trụ ở lại. Gia đình của Thạc Trân và Nam Tuấn là một trong số ấy. Nhà hai anh em tuy không đến nỗi khốn cùng nhưng cũng chẳng dư dả. Họ không rời đi vì vẫn còn mồ mả tổ tiên phải chăm sóc, vả lại thầy của Thạc Trân là ông trưởng làng, càng không thể bỏ mặc những người còn lại mà đi.

Một trưa nắng hanh, hai anh em vắt vẻo trên gốc đa đầu làng. Nay bỗng dưng Tuấn lặng yên đến lạ thường, chẳng hiếu động ngó bên này trèo bên kia nữa. Trân đọc được sự thẫn thờ xa xăm trong mắt em. Hẳn em có điều gì muốn nói ra nhưng lại lưỡng lự. Im lặng một lát, rồi như nhận ra sự yên tĩnh ngượng ngùng này, họ đồng loạt lên tiếng:

"Tuấn à..."

"Anh Trân..."

"Nói đi em."

"Anh Trân, em phải đi, em không thể bị bó buộc bởi cái miền quê nghèo khổ này nữa. Em sẽ lên Hà Nội. Anh đi cùng em chứ?" - Tuấn ngỏ lời, thầm quan sát nét mặt người anh trai.

Trân chẳng trả lời. Anh biết, làng quê nghèo hèn túng quẫn này đang trói buộc tư chất của em, của một người đàn ông giỏi giang, thành đạt mà em sẽ không bao giờ thấy nếu chỉ ở mãi nơi luỹ tre làng. Những ngày chạy mãi trên triền đê, dọc xuống bờ nam sông Đuống về phía thành thị, đuổi theo cánh diều giấy chập chùng giữa mây trôi, em thủ thỉ với anh về một giấc mộng đêm hè. Em muốn bay cao hơn bầu trời kia, đi xa hơn nữa, để nhìn thấy đất nước mình đẹp nhường nào.

Ước mơ của em không nằm chốn này. Miền đất hứa trong hàng trăm vạn giấc nồng của em vẫn luôn là nơi đô thị xa hoa, với những con người khôn khéo thức thời, chứ nào phải nơi chân lấm tay bùn. Giữa giấc mơ của em và thực tại ngăn cách bởi những con đường phủ đầy phân trâu và rơm rạ, ngôi trường với hai lớp học tối mù xập xệ, bệnh xá cách làng cả ngày đường và mấy căn nhà nằm chỏng chơ giữa bốn bề đất đá cằn cỗi. Thứ em muốn được hít hà đầy khoang mũi phải là mùi nhựa đường mới cứng, sách vở thơm tho và thứ da lộn trơn bóng đắt tiền kia. Nhưng khi vòm lá đổ nắng trên mi mắt khép hờ đang viển vông tới nơi xứ lạ, ta lại ngơ ngẩn quay về với hiện thực phũ phàng. Rằng chúng ta có chốn nào dung thân ngoài quê hương đợi chờ? Ra đi cũng là tốt cho em. Nhưng còn anh? Thầy u anh là người gia trưởng, anh lại là đứa con trai duy nhất trong gia đình, liệu có cơ hội cho anh đi sao?

Thậm chí anh có thể mường tượng được sự giận dữ và thất vọng hiển hiện trên khuôn mặt và ánh mắt của hai vị phụ mẫu nếu anh nhắc đến từ "lên thành phố". Cũng phải thôi, bởi anh trai anh, chục mươi năm trước cũng tầm tuổi này, đòi lên Hà thành. Thầy u đồng ý, trông mong vào cậu con trai lớn đi học ở 'trên đó'. Bấy giờ, thành phố là một sự xa xỉ lớn lao với người quê. Thành phố có ánh điện, có nhà cửa to lớn, xe cộ đầy đường. Muốn lên thành phố phải đánh đổi cả gia tài. Thế mà chỉ sau mấy tháng, người anh trai bị đám bạn xấu lôi kéo, đâm ra nghiện ngập, cờ bạc nợ nần, rồi một hôm say rượu bị tai nạn không qua khỏi.

Ngày anh trai về trong cỗ xe tang, Trân mơ hồ nhớ cảnh bà con kéo đến nhà anh thì thầm to nhỏ, ngoài mặt thì khóc thương mà bụng dạ lại chê cười. Có lẽ lúc ấy Trân nhỏ quá, không hiểu được sự bài xích của thầy u với thành thị, thế nên một ngày anh xin u được qua bờ bên kia sông chạm vào cái đất thành phố, u giận dữ quát và cho anh hẳn mấy con 'lươn' lằn vào lưng đau rát. Anh ấm ức tức tưởi khóc, u thấy thế cũng ôm anh nức nở rấm rứt mãi. Sau này nghe người chú kể chuyện cũ anh mới biết, và cũng chẳng dám nhắc tới hai chữ "Hà Nội" bao giờ nữa.

Mất một lúc lâu, Trân mới cất lời:

"Trên đấy đầy rẫy lừa lọc, chả tin được ai. Em mới tí tuổi, sao mà biết người nào xấu người nào tốt? Rồi lên Hà Nội em ở đâu, làm gì? Đua đòi với bọn trẻ trên đấy chẳng tốt đâu."

Tuấn vẻ như hơi ngạc nhiên. Em chùng mí mắt, đáp lời:

"Em tính kỹ rồi, anh. Thầy em có người quen đi buôn vải, em xin người ta cho ở tạm trên ấy, theo người ta học buôn bán. Mà anh cũng đừng lo cho em, em chịu khổ được mà. Thằng nhóc Nam Tuấn mà anh biết cũng không còn là đứa trẻ nữa."

Cái tính ghen tị nhỏ nhoi của Trân tự dưng lại bộc phát. Anh không muốn giữ chân Tuấn, nhưng cũng càng không mong em rời xa nơi có những kỷ niệm đẹp mấy mươi năm qua của họ. Lòng người sớm nắng chiều mưa, liệu khi em trở về sẽ là cùng ai?

Mà em có bao giờ thực sự mong anh làm bạn đường, hay thâm tâm em chỉ rủ lòng thương hại cho người anh ngây ngốc bần hàn sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được đi như em vậy? Em nói ra điều này có lẽ chỉ vì muốn nghe câu trầm trồ tán thưởng hay động viên từ anh, nhưng em này, anh cũng muốn đi lắm chứ. Anh biết rằng mình không bao giờ được như em, lại càng không muốn mất em vào cái xã hội đảo điên nơi ấy, vậy nên anh phải giữ em lại.

"Lại một kẻ viển vông đòi đổi đời. Muốn là dân thành phố thì nhớ gột sạch mùi bùn ra khỏi áo trước đã. Cậu đi, tôi không tiễn, kẻo người ta nhìn thấy một thằng nông dân quèn cạnh một kẻ trí thức lại mang tiếng." - Giọng điệu của Trân có chút mỉa mai chua xót.

Nói rồi, Trân nhảy khỏi chạc cây, chạy đi thật nhanh không ngoảnh đầu lại. Anh nhẫn tâm như vậy là để em nhận ra rằng quạ khoác lông công cũng chẳng hoá phượng hoàng. Số trời đã định, kẻ bần cùng có cố gắng đến mấy vẫn không thể thành người cao quý trọng vọng. Huống chi em nào phải phú hộ giàu sang gì cho cam, làm sao xoá được cái mác nông dân của mình? Nếu chỉ là một kẻ không có chức danh gì mà đòi sánh vai với tầng lớp quan lại nhà giàu trên ấy, em sẽ chỉ rước về toàn những khinh nhờn phân biệt, có chết cũng không ngóc đầu lên được. Xã hội thời này như thế đó em, không có chỗ cho những kẻ mộng mơ đâu.

.

Tuấn ngồi thừ ra như người mất hồn. Em chẳng ngờ anh Trân lại gay gắt giận dữ đến vậy. Em cứ tưởng rằng anh cũng mong lên thành phố biết bao nhiêu. Đã nhiều lần lắm rồi, đến nỗi em không thể kể hết trên đầu ngón tay, những ngày họ chờ từ hửng sáng đến đêm khuya trên bờ đê, hướng về ánh đèn lấp lánh nơi thành phố bật rồi lại tắt, đếm những con đò đưa người Châu Cầu sang phía bên kia. Trong số những người ấy, chỉ lác đác vài gương mặt quen thuộc quay về. Những người khác có lẽ đã thuộc về nơi ánh sao xa xăm chớp nháy kia, em nghĩ. Và chẳng biết từ lúc nào, em nuôi cho mình một khát vọng được lên thành phố.

Chẳng phải em muốn trốn chạy hay chối bỏ gốc gác của mình, mà rằng em muốn cho thầy u và anh Trân một tương lai tốt đẹp hơn. Trên ấy, nghe người ta bảo rằng cuộc sống thoải mái lắm. Đài phát thanh của làng vẫn hay đọc những mẩu tin về thành phố. Nào là có anh ca sĩ từ vô danh bắt đầu nổi đình nổi đám, này thì bên cơ quan kia được thưởng tết hậu hĩnh, rồi là người già, trẻ nhỏ, kẻ ăn mày đều có chút quà mừng. Thành phố như một cụm từ về thế giới hoàn hảo với vô vàn cơ hội, dù là thế nào vẫn sung sướng hơn nơi ngoại tỉnh thấp kém bần cùng. Em mường tượng đến ngày em có một ngôi nhà quét vôi đẹp đẽ, em sẽ đón thầy u, đón anh Trân về, họ đều vận những bộ áo tinh xảo nhất bấy giờ, có cơm no chăn ấm, chẳng lo đi bòn mót lúa mạ từng ngày như bây giờ nữa.

Thế mà giờ đây anh Trân lại không muốn em đi. Em cũng đã phân vân nhiều lắm. Em sợ phải rời xa những người em thương, cả bóng hình quê nhà chôn rau cắt rốn thuở ấu thơ, tất cả đều in hằn trong tâm trí em như một phần cơ thể. Nếu ai đó cho em một cuộc sống sung túc ở đây so với ở thành phố, em sẽ vẫn chọn ở lại. Bởi em chẳng nỡ bỏ lại anh Trân hay thầy u họ hàng ruột thịt. Anh Trân liệu có biết, từ lúc em nói ý định này cho thầy u, đêm nào u cũng khóc và thầy thở dài thườn thượt. Em cũng bao lần trùm chăn khóc để thầy u không nghe thấy, thế mà những tiếng nức nở đứt quãng cứ kéo dài mãi. Em đã nghĩ tới viễn cảnh bị bạc đãi nơi đất khách quê người, bị bóc lột, bị ăn quịt. Thế nhưng em đâu còn quyết định cho mỗi bản thân. Giờ em chỉ có thể mạnh mẽ dấn bước tới tương lai mình đã lựa chọn, hoặc em sẽ mãi chôn vùi bản thân trong những mẫu ruộng hút tầm mắt, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, biến mình thành ếch ngồi đáy giếng cả đời chẳng nhìn thấy thế giới rộng lớn đến nhường nào. Trái tim em đang gào thét rằng hãy đi đi, đi và chứng tỏ em có thể làm được gì.

Mà lần này Tuấn rời quê, chẳng biết đến năm nào mới về. Mưu sinh nơi đất khách quê người tứ xứ kẻ đến người đi, vài người thành danh nhưng đến ngàn người biệt xứ. Em không kiêu ngạo rằng mình sẽ thành công, nhưng cũng không mong trở về tay trắng. Bác Hồ - vị Chủ Tịch vĩ đại của đất nước đã từng giơ hai bàn tay khi người ta hỏi tiền đâu mà đi, rồi cuối cùng Người trở về với một bồ tri thức và con đường giải phóng cho dân tộc. Em tin rằng, nếu lòng người có một nơi để hướng về và trong tim có ý chí hun đúc, hẳn họ sẽ quay về cội nguồn để cống hiến, dẫu cho sự đóng góp có thể chẳng là vật chất lớn lao hay việc làm to tát. Em chỉ mong mình có thể giúp quê mình từng chút thoát khỏi cảnh đói nghèo thiếu học, để rồi những lớp trẻ phía sau lại tiếp tục vươn lên bền bỉ xây dựng quê hương.

.

Nắng tắt. Quầng lửa chói loà chìm dần về phía Tây, để lại những gợn nước lung linh trên dòng sông lặng sóng. Tuấn vẫn ngồi ở bến, lặng lẽ chờ đợi. Hôm nay là ngày em đi. Em chợt thấy thương hại chính bản thân mình. Em đã lựa chọn rời bỏ, sao giờ còn níu kéo? Mà em chờ đợi vì lý do gì kia chứ, anh Trân đã bảo sẽ không đến cơ mà. Có lẽ trong tiềm thức của em vẫn còn hy vọng rằng anh sẽ vì em mà bỏ qua chút hiềm khích ghen tị nhỏ nhoi để đến động viên em chớp lát. Một cái ôm thôi, à không, một ánh nhìn của anh cũng đủ làm em yên lòng.

Tới khi bác lái đò gọi với lên bảo rằng chuyến xe cuối sắp rời đi, em mới thảng thốt bừng tỉnh nhận ra chẳng có bóng hình người thương trước mặt, và rồi chần chừ đứng dậy trong tiếc nuối lẫn vị cay đắng chua chát nơi đôi mắt. Em những muốn nức nở, thế nhưng lòng lại ráo hoảnh như đã đoán biết trước được điều ấy.

Anh không đến. Anh đã không tới đưa em đi nốt chặng đường cuối. Chẳng có một lời chúc, cũng không có sụt sùi đón đưa. Tiễn em đi chỉ có dòng sông Đuống xanh ngời ngợi như thuở em vẫn chăn trâu cắt cỏ ven đê. Em giúi tấm giấy viết vội vào tay một người cùng làng cũng đang tiễn con đi, nhờ gửi lại cho Trân.

"Anh Trân. Nay em đi rồi, chẳng biết anh có nhớ không. Nếu anh đọc được những dòng này, có lẽ em đã không còn đây nữa. Khi em đặt chân lên mảnh đất thị thành kia, đó cũng là cách chúng ta biệt ly. Lần này em dứt áo ra đi, có lẽ chẳng còn đường về.

Em đã đợi anh.

Em muốn đi cùng anh, nắm tay anh đi qua giông bão, nhưng chẳng ngờ thứ đợi em ở phía trước không phải là tình cảm anh trao gửi, mà lại là chia xa. Vậy nên em xin nói lời giã từ, để rồi anh có thể đi tìm hạnh phúc khác, giấc mơ khác, và hai ta sẽ chẳng day dứt về nhau nữa."

Khi viết những dòng ấy, em có chút không đành lòng. Em đã nói hết những điều em giữ trong tâm bấy lâu nay, thế nhưng em chưa bao giờ nhận được những gì mình muốn. Em không rộng lượng, cũng không đủ kiên nhẫn và thứ tha, thế nên em phải cam lòng buông tay thôi, nếu không sẽ chẳng ai có cái kết tốt đẹp.

Đò cập bến. Tuấn nhẹ bước lên bờ, lòng chần chừ đôi lát. Em quay lại nhìn dòng sông tuổi thơ, sông Đuống lăn tăn nhè nhẹ giã từ người trai trẻ. Sông ơi, chào tạm biệt nhé, gửi lại bao nhiêu kỷ niệm mến thương. Nơi này, hai ta cùng lớn lên, cùng trưởng thành, cùng uống chung dòng nước ngọt hứa mãi mãi chẳng xa rời. Giờ đây, chỉ còn là người dưng hai ngả.

Tuấn bước lên xe, xe lăn bánh đưa cảnh vật quen thuộc hút về phía sau, nhường chỗ cho nẻo đường mới. Đô thành phồn hoa hiện lên dần trên ô cửa kính, nơi em đánh đổi tất cả để hướng về, mà sao em cứ nhìn mãi về phía quê hương với đôi mắt lênh láng một màu buồn thăm thẳm. Ở nơi dần khuất tít tắp cuối chân trời ấy, đã từng có bến tình, đã từng có một người cũ từng thương.

to be continued

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top