Phần 2: Số phận mất mát

Dù đau nhưng tôi vẫn xin phép thầy Bác đi về. Tôi không chịu nổi ánh nhìn căm ghét của chồng tôi thêm được nữa. Tự dưng tôi cảm thấy tủi thân quá, người chồng tôi chăm sóc từ nhỏ còn chẳng thương xót tôi bằng một người đàn ông xa lạ mới gặp lần đầu.

Tôi tự hỏi, mình đã làm gì sai? Hay ngay từ đầu, lòng thương xót giữa những người đàn bà thời phong kiến với nhau đã khiến tôi đưa ra quyết định sai lầm này? Một cuộc hôn nhân không tình thương, một người chồng còn quá trẻ con để hiểu chuyện tình nghĩa, một gia đình khổ đau giữa hàng vạn gia đình khổ đau khác.

Tôi bỗng nhớ u tôi, nhớ con Hĩm quá! Chốn bình yên nơi căn nhà lá ngói lụp xụp đến bao giờ mới quay về với tôi? Liệu bao giờ tôi mới hết thổn thức với thời cuộc?

"Tũn ơi, con ơi, Tũn ơi!!! Khổ quá con ơi!" Khi tôi thất thểu lững thững men theo dọc mương ra về, bỗng tôi nghe thấy tiếng khóc từ xa vọng lại. Hình như có người gọi tên tôi.

"U, u ơi, u sao thế?" Là mẹ chồng tôi. Sao bỗng dưng bà lại khóc thảm thiết như thế?

"Con ơi, về nhà u con đi. U con bị phú ông đánh chết rồi! Con ơi, khổ thân con tôi!"

"Ầm!" Bầu trời bỗng tối sầm lại, mây đen ở đâu ùn ùn kéo tới. Nhưng tiếng sấm cũng không thể đánh thức tôi trong sự chết lặng.

Tôi ôm mẹ chồng khuỵu xuống, tai tôi ù đi, không nghe thấy âm thanh gì nữa. Mắt tôi tối sầm lại, chỉ cảm nhận được những vệt vàng thưa thớt chớp nhoằng qua.

Rồi sau đó, bằng một cách nào đấy mà tôi không nhớ ra, tôi đã đeo được cái khăn xô trắng lên trán và ngồi ôm lấy manh chiếu bọc thân xác u tôi. Nhà nghèo, lấy đâu ra tiền mà đóng quan tài.

"Chị Tũn ơi, Hĩm nhớ u, chị ơi..." Con Hĩm gào lên, não nề và ảm đạm. Nó gào khí thế, đến mức mà người đến viếng cũng phải đau lòng bật khóc theo.

Tôi biết làm gì hơn ngoài khóc bây giờ? Tôi ôm lấy đầu con Hĩm, ấn vào lồng ngực thổn thức của mình. Vậy là chúng tôi đã không còn mẹ nữa, chúng tôi đã trở thành những đứa trẻ mồ côi.

"U ơi, u bảo con biết về đâu bây giờ?" Tôi nghẹn ngào ấp con Hĩm, vùi khuôn mặt tèm lem nước mắt mình vào mái đầu tổ quạ của nó. Thậm chí đến hai chữ "Khổ quá!" cũng không thể thốt ra.

Một gian nhà tranh bé con con thầy tôi để lại, là chỗ che mưa che nắng cho ba mẹ con tôi cũng mất rồi. Phú ông đánh chết u tôi vì để lạc mất trâu, còn siết thêm mái nhà tranh này nữa. Tính mạng của u tôi chẳng bằng một con trâu béo mầm nhà ông ấy.

Tôi quay sang nhìn chồng mình, cậu ta quấn khăn tang trên đầu, khuôn mặt vừa lo sợ hoảng hốt, vừa xót xa đau lòng. Tôi biết chồng tôi tuy không coi tôi là vợ, nhưng cậu ấy cũng coi tôi là người chị cả trong nhà, cũng coi tôi là con người.

Tôi biết, từ nhỏ chồng tôi đã thương con Hĩm hơn.

Với cậu ấy, con Hĩm vừa là bạn cùng chơi, vừa là tình đầu thơ ngây trong trẻo. Con Hĩm có đôi môi chúm chím, má lúm đồng tiền, răng đều như ngô. Nó giống mẹ tôi nhất.

Còn tôi, lớn lên dáng người thô kệch, răng vổ ra ngoài, đôi mắt còn uể oải lờ đờ chồng chất nỗi sầu muộn. Đã thế bờ vai còn ngang phè, vuông chằn chặn. Ông giời ơi, tôi chẳng trách ông sinh ra phận gái thuyền quyên, chỉ trách thời cuộc điêu tàn giữa thế gian cay nghiệt.

"Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?"

Chẳng đợi người tới viếng, tôi cùng con Hĩm nhờ xe bò kéo tới khiêng mẹ tôi ra đồng chôn cất. Trời đổ cơn mưa rào, cũng không xuể được với những giọt nước mắt trong lòng chị em tôi.

Chôn cất u xong, tai tôi vẫn văng vẳng tiếng sụt sịt từ đầu làng tới cuối xóm. Đấy là sự nhân từ và thương xót cuối cùng bà con làng xóm có thể làm cho mẹ con tôi. Tôi còn có thể biết ơn họ như thế nào cho phải nữa đây?

Xa làng bên cũng có đám ma, nhưng lại là đám ma ông Tổng. Bên đó tiếng gào khóc ầm ĩ suốt mấy canh giờ, kèn trống đám ma rên rỉ hoành tráng hơn cả tiếng sụt sịt nức nở bên đây. Vợ bé vợ lớn vơ vét tiền bạc, thuê hẳn hai đội khóc thuê cho ông Tổng dưới suối vàng vinh quang mà siêu thoát.

Tôi đưa con Hĩm về nhà chồng mình, cho có bạn cùng chơi với chồng tôi, sau này chắc cũng gả nốt cho cậu ấy.

Mẹ chồng tôi thở dài, chẳng còn cách nào khác. Canh ba trời vẫn còn sẩm tối, hai mẹ con tôi lại vác cuốc ra đồng. Con Hĩm run rẩy nằm trên chõng, nước mắt vẫn đọng đẫm lại trên hàng mi dày hơi cong.

Sáng sớm khi hai mẹ con tôi từ ngoài đồng về, chồng tôi đã dậy thổi lửa nấu cháo. Con Hĩm nhanh nhẹn vác hai thau ra giếng múc nước, đun lên làm nước ấm lau dọn cho người chú chồng tật nguyền và ông nội chồng liệt giường.

Tôi thương em tôi quá, Hĩm ơi!

"Hĩm để anh làm cho, em ra khuấy nồi cháo không lại khê." Chồng tôi sau khi nhìn biểu cảm đau khổ của em tôi thì thương cảm giành lấy cái giẻ rách lau cho chú. Cậu ấy nhìn em bằng ánh mắt trìu mến, chứ không lạnh lùng như khi nhìn tôi.

"Mình để em làm cho." Dù sao tôi cũng đã quen với công việc này hơn ai hết, tôi giành giẻ lại từ tay chồng, gỡ khăn xô đang quấn chặt vùng kín của chú.

Hằng ngày, chú phải đóng khăn xô để khi đi tiểu, đi nặng không dây ra quần áo và võng. Chú cứ sống cuộc đời mặc người ta vần vò như vậy, đến bao giờ mới được giải thoát đây.

Mùi nước tiểu này tôi và mẹ chồng đã ngửi quen, không còn cảm giác gì nữa. Nhưng chồng tôi và con Hĩm thì khác. Tuy chồng tôi là cháu ruột của chú, nhưng những thứ nước thải dơ bẩn đó chỉ có những người đàn bà trong gia đình này phải phục vụ thôi.

Chồng tôi nhìn về phía tôi, trong ánh mắt cậu ấy có sự áy náy và khó xử. Mấy ngày gần đây chồng tôi bỗng đối xử với tôi tốt hơn rất nhiều. Hoặc vì thương cảm cho tôi, hoặc vì cậu ấy vẫn còn chút nghĩa phu thê.

Hoặc vì em gái tôi - con Hĩm. 

Nhà chật, chồng tôi nhường cho con Hĩm chỗ của mình trong căn buồng xập xệ của hai vợ chồng. Cậu ấy bắc chiếc chõng ra ngoài hiên ngủ để hai chị em tôi chuyện trò với nhau. U tôi không nói gì, bà thở dài một tiếng. Thôi thì đành vậy, thêm người thì thêm của, đấy là bà còn đang suy nghĩ lạc quan.

Hôm nay, sau khi tất cả mọi thứ đã lắng xuống rồi, tôi mới được em gái tôi kể cho nghe về cái chết của mẹ tôi. Thì ra không phải do mẹ tôi làm mất trâu mà bị đánh chết, mà là mẹ tôi đã bị phú ông cưỡng bức. Trước đó bà cũng đã bị đánh đập rất nhiều lần rồi, vì bà từ chối chuyện chung chạ gạ gẫm của ông ta. Mỗi lần như vậy mẹ tôi lại hứng chịu nhiều đòn roi vô cớ, nhưng bà ấy vẫn cứ nguyện làm phận tôi đòi. Không làm cho ông thì biết làm cho ai? Ở cái làng này còn ai giàu bằng thằng dê cụ đó nữa. Vì con cái, bà đành nuốt nước mắt vào trong.

Nhưng ôi bi thảm thay, chuyện ong bướm bị lộ ra, người đánh chết mẹ tôi lại là phú bà. Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng. Trong cơn ghen điên loạn, mẹ tôi bị đánh chết khi trên người không một mảnh yếm che ngực. 

Đau đớn làm sao, tôi gào thét trong cổ họng nhưng không phát ra tiếng. Tôi ôm lấy đầu con Hĩm, dùng cả cơ thể và linh hồn quắp nó vào trong ngực, ôm nghiến lấy đứa em đau khổ của tôi. U ơi, sao u khổ thế? Thầy ơi, thầy ở trên kia đón u con, che chở cho u con, thầy nhé, u con con khổ quá!

Con Hĩm đôi mắt sưng vù, rỉ nước mắt từ đôi con ngươi đỏ ngầu khô khốc. Nó cũng đau khổ không kém tôi đâu.

Chúng tôi ru nhau ngủ trong cơn đau vật vã, cơn đau bóp nghẹt trái tim và lý trí chúng tôi, cho đến khi bình minh len lói qua tấm rèm cửa cũ mèm.

Tôi dậy muộn hơn mọi khi do mệt mỏi, nhưng không ai gọi tôi dậy cả. Chỉ đến khi tôi hoảng hốt bật dậy thì nắng đã trải vàng trên sân.

Chồng tôi hôm nay không đi học, vì thầy Bác đang tới thắp hương cho mẹ tôi. Hôm qua tôi mải thu vào mắt hình ảnh cuối cùng của người mẹ số khổ nên không còn biết ai ra ai vào nữa. Thì ra thầy Bác cũng thắp cho mẹ tôi một nén hương tiễn biệt người quá cố. Không biết nói gì, tôi cúi gằm mặt nói với thầy một tiếng cảm ơn từ tận đáy lòng.

"Tũn đừng ngại tôi nhé, nghĩa tử là nghĩa tận mà. Tũn giữ gìn sức khoẻ, nén đau thương." Thầy Bác đưa tay muốn nắm lấy bàn tay tôi an ủi thì tôi rụt lại. Chưa có một người đàn ông nào cầm lấy bàn tay tôi, kể cả chồng tôi.

Thầy Bác đành rút lại bàn tay lơ lửng trên không trung, tôi không dám ngẩng mặt lên nhìn thầy, nhưng chắc chắn không thể không sượng sùng.

"Vâng, gia đình em đội ơn thầy." 

"Còn nữa, Tũn này, em có muốn đi học không? Cả em Hĩm nữa?" Thầy Bác bỗng dưng nhìn chằm chằm rồi hỏi tôi. Tôi chưa từng có khái niệm đi học.

"Không được đâu thầy ơi, em không biết chữ. Con Hĩm nhà em cũng thế. Thầy ơi, thầy cứ dạy chồng em đi ạ, kèm cặp cho anh ấy thi cử đỗ đạt, còn làm quan giúp em, giúp mẹ con em với." Tôi bỗng không hiểu sao lại tủi thân bật khóc, chẳng hay vì tình người còn ấm áp quá sao?

"Không biết chữ mới phải học chứ Tũn, tôi không lấy tiền đâu, Tũn cứ đi học đi. Biết chữ sẽ không bị lừa, sẽ không phải rơi vào tình cảnh bị đám phú hào lừa dối, chèn ép nữa." Thầy Bác vẫn dùng chất giọng ấm áp an ủi động viên tôi. Nhưng tôi không dứt được khỏi mặc cảm trong lòng, đành phụ lòng thầy vậy.

"Thầy ơi, em mà đi học với chồng em thì ai lo lắng việc đồng áng bây giờ? Em thương u em lắm, em chỉ còn một u thôi, thầy ơi. Còn con Hĩm, giờ nhà chồng em cũng đã phải đèo bòng cả nó rồi. Giờ nó không đi làm cùng em thì người ta coi chị em em không ra gì mất. Em đội ơn thầy, nhưng em không làm được." Dù thầy Bác không tiếp xúc thân thể với tôi, nhưng vầng ánh dương ấm áp toả ra từ người thầy đã sưởi ấm trái tim lạnh lẽo của tôi.

Giá như...

Giá như, tôi được gả cho người như thầy.

Không, không, tôi không được có suy nghĩ đó. Thầy tốt đẹp như vậy làm sao lại đến lượt tôi.

Thầy Bác thấy tôi vật vã quá, cũng cau đôi mày thương cảm.

Đúng lúc này, chồng tôi đang vác cày cho con Hĩm từ đồng trở về đã đứng ngoài cửa nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top