Chương 6:Khi tử thi lên tiếng
Tới khi Mặt Trời đã lên cao, bá hộ Dương tỉnh dậy. Ông thấy mình trong một căn phòng khang trang. Đêm qua có tên thuộc hạ cõng ông vào đây.
Sực nhớ lại còn việc sổ sách làm ăn cần gấp rút hoàn thành, bá hộ vội cùng người đánh xe rời khỏi dinh tư của Vĩnh Sự.
Ngày thoáng chốc qua đi, khi Mặt Trời khuất sau ngọn núi Tây, ông Dương cũng hoàn tất công việc của mình.
Bá hộ ra viên thưởng hoa cho tâm khuây khoả. Bộn bề lo toan trong làm ăn khiến ông quên bẵng nhiều sự hơn thế.
Bước ngang phòng thằng An, bấy giờ bá hộ chợt nhớ lại chuyện con mình.
Không thấy kẻ hầu phía trước, ông Dương sững người. Ông vội vã bước lại, áp mặt vào khe cửa. Quái lạ, chẳng thấy ai bên trong cả.
“- Cái…cái…gì thế này? Chẳng phải ta bảo ở yên luyện chữ hay sao???”
Bá hộ quát to :
“- Thằng Súc đâu! Thằng Súc đâu rồi!!?”
Nghe ông Dương lớn tiếng, đám hầu nhanh chóng có mặt đầy đủ. Kẻ được giao nhiệm vụ canh cửa bước tới, người này cúi đầu:
“- Dạ thưa ông. Ông gọi con ạ?”
Bá hộ không khác một tên lên cơn loạn thần, ông túm cổ áo người trước mặt :
“- Thằng An đâu rồi??? Chẳng phải tao bảo mày trông chừng nó hay sao??? Hả???”
“- Dạ…Dạ! Bẩm ông! Đêm qua huyện thừa có ghé đây… Bảo rước cậu qua dinh nghe sách ạ!”
“- Con xin phép đi cùng, nhưng quan bảo người nhà thì cứ hãy an tâm, còn cho con tiền nữa ạ!”
Bá hộ trợn mắt, ông từ từ thả tay khỏi cổ áo kẻ hầu. Sau, một lần nữa, ông lại túm chặt rồi quát như hổ gầm :
“- Phi lý!!!”
“- Mày đừng có già mồm!”
“- Cả đêm qua, tao cùng em nâng chén cả đêm! Làm gì có chuyện như mày nói!”
“- Dạ…Không không ông ơi! Con có ăn gan hùm, con cũng chẳng dám dối ông nửa lời!”
Kẻ hầu cho tay vào túi áo, người ấy rút ra vài đồng xu trông cũ kỹ.
“- Dạ đây! Đồng quan cho con đây ạ!”
Cùng lúc ấy, bà Thanh (Vợ ông Dương) bước tới:
“- Lại ồn ào gì đấy?”
Bá hộ giật lấy mấy đồng xu trên tay kẻ hầu, ông quát :
“- Bà trông con thế chi vậy? Nó đi đâu mất rồi!”
Người phụ nữ ấy tỏ vẻ ngạc nhiên :
“- Ơ? Chẳng phải con mình theo ông Sự qua dinh với ông à?
“- Sao? Bà nói sao? Nhưng…Nhưng bà có tận mắt thấy hay không???”
Bà Thanh lắc đầu, đôi mắt hướng về kẻ hầu :
“- Đêm qua, tôi đến xem con ngủ chưa. Thằng Súc nó nói An đã ra ngoài. Cũng lấy làm lạ, nhưng tôi nghĩ ý ông, nên tôi đâu đi xem làm chi! Khuya trời, còn bảo nghe sách…Ông thật là…”
Bá hộ nghiến răng, ông thật sự chẳng hiểu hà cớ gì mọi sự lại xảy ra lạ lẫm đến thế.
Lúc này, ông chăm chăm vào mấy đồng xu trong lòng bàn tay. Bá hộ trợn mắt, mồm quát tháo lên :
“- Cái gì???”
“- Mày đùa với tao à???”
“- Đây là xu nhà T*n! Thứ dùng trong lễ phạm hàm cho người ch.ết!”
Ai ai chung quanh nghe thấy thế đều giật mình.
Kẻ hầu của thằng An chớp mắt liên tục, anh ta chẳng hiểu nổi bá hộ đang nói gì, răng môi anh cứ loạn xạ :
“- Dạ…Dạ thưa ông! Sao…Sao thế được…? Đấy là tiền kẽm mà ạ??? Con…Con ngắm nó suốt đêm…”
Bá hộ vứt mạnh những đồng ấy xuống đất.
“- Bọn mày banh to con mắt ra mà xem! Coi đó là tiền của người sống hay người chết!”
Giờ đã chứng kiến rõ ràng, ai nấy đều sững sờ, họ nhanh chóng hướng mọi tập trung về kẻ hầu kia.
“- Sao…Sao thế này??? Ông ơi! Con có chín cái mạng, con cũng chẳng dám gạt ông đâu!” – Kẻ hầu bò lại bên chân bá hộ van xin.
Người đầy tớ già thân cận của ông Dương cũng đỡ lời :
“- Bẩm ông! Thằng Súc từ nhỏ đã vào nhà mình. Tính nó, trời sanh vốn thật thà, ai ai cũng tỏ. Tôi nghĩ chuyện này có khúc mắc, mong ông suy xét…!”
“- Im mồm! Không phải việc của mi, bõ già!”
Bá hộ giờ đã nóng như lửa, chẳng màn tới gì. Điều duy nhất ông quan tâm là quý tử của ông đang ở đâu.
Bá hộ vung chân đá vào mặt kẻ hầu. Ông chà sát gót hài lên má người ấy.
“- Tao cho mày một cơ hội cuối cùng! Nói! Con tao ra ngoài từ lúc nào? Nó đi về đâu???”
Người bên dưới đang rất đau đớn, nhưng vẫn cố đáp lại :
“- Bẩm…Bẩm ông…Những gì con nói…Là thật…Là thật…Xin ông tha cho con…A…”
Ông Dương hít một hơi thật sâu, ông đưa tay vuốt mặt.
“- Được! Được lắm!”
“- Bọn bây! Trói thằng xảo ngôn này lại, nhốt nó vào trong cũi. Cứ mỗi nén nhang, xẻo trên người nó một miếng thịt, lấy lưu hoàng mà xát vào! Chừng nào nó chịu khai ra mới thôi!”
“- A….a!!! Xin ông! Con xin ông tha cho con! Tha cho con…! Tha cho con…!”
Bà Thanh nhìn theo bóng kẻ hầu bị lôi đi. Rồi bà ngước về phía bá hộ, lòng người làm mẹ hết sức lo lắng, hai bàn tay bà không yên mà cứ nắm vào nhau :
“- Giờ làm sao đây ông? Tôi thấy thằng Súc bỗng nhiên lì lợm quá! Chẳng lẽ chờ thằng ấy khai ư?”
“- Hay là…Mình đến dinh của ông Sự xem sao…Nha ông!”
Bá hộ lườm vợ :
“- Bà tin lời thằng đó à? Ngu xuẩn! Cả đêm qua tôi ngồi đối diện em tôi, xung quanh toàn quan chức, tri huyện, còn có cả thư lại ở phủ. Hơn nữa, chú Sự có bao giờ đưa thằng An tới dinh đâu!?”
“- À ừm…Không…Ý của tôi là…Mình nhờ ông Sự mang lính giúp đi tìm…Càng nhiều người, càng tốt chứ sao hở ông!?”
Bá hộ cố gắng “dìm” nỗi âu lo khắc khoải xuống để giữ bình tĩnh, lại trước mặt là đàn bà, ông không thể cuống cuồng lên được :
“- Vớ vẩn! Có án mới tìm đến quan! Con nhỏ trốn ra ngoài chơi…Gì mà to tát!”
“- Giờ tôi đem đám hầu ra ngoài! Bà cứ ở nhà mà trông thằng kia nó khai!”
“- Ôi ông ơi…Tôi lo chết mất…”
…
Bá hộ cùng những thuộc hạ cầm đuốc ra khỏi nhà. Nhìn về phía bầu trời đang ngày càng tối sầm lại, quả thực, việc tìm kiếm sẽ thêm phần khó khăn khi bóng đêm che lấp vùng đất bạt ngàn ở bờ Bắc sông Thị này.
Ông Dương chia người của mình thành ba toán, tới những nơi có khả năng nhất. Ông đích thân vào bãi cát, mà chẳng còn đứa trẻ nào ở đấy vào giấc Mặt Trời lặn cả.
Ông tiếp tục đi qua rừng, đảo nhiều lần trong làng, xong, đến nhà họ Đặng. Người ta thấy thế cũng kéo nhau giúp tìm hộ.
Hai canh trôi qua trong tuyệt vọng, đã tới giờ Hợi. Sấm chớp trên cao dấy lên âm ĩ. Mưa bắt đầu rơi xuống, ông Dương cùng thuộc hạ nép tạm dưới một mái hiên.
Người đàn ông ấy trông đôi mắt về phía từng hạt trĩu nặng, tựa như cõi lòng của ông bấy giờ.
Cùng lúc ấy, có một toán kẻ hầu đội mưa chạy tới báo tin.
“- Dạ! Dạ! Bẩm ông! Bác Đỗ gánh dầu! Bác Đỗ gánh dầu!”
Đôi mắt bá hộ ánh lên hy vọng:
“- Sao??? Có tung tích của cậu nhà rồi phải không??? Mi cứ từ từ, bĩnh tĩnh mà nói!”
“- Bác Đỗ…”
“- Bác Đỗ vừa được thủy quỷ vớt lên ở ngoài sông! Ông ấy trương thối, chết chắc cũng tầm ba ngày rồi!”
Ông Dương nhíu cặp chân mày rậm đen lại :
“- Thì sao??? Ta và người ấy liên quan gì đến nhau?”
“- Dạ, nhưng, chuyện này thật sự rất lạ… Đêm qua ông Mạo - hàng xóm của bác ấy, vừa nói chuyện với bác ấy!”
“- Cái gì?”
“- Dạ! Ông Mạo bảo, nghe bác Đỗ nói là gặp một cậu bé mặc áo lụa và một người đàn ông đi cùng nhau về phía con đê vào canh hai! Nói xong, bác Đỗ một mạch vào nhà mà chẳng chờ ông Mạo hồi đáp!”
“- Rất có thể…Rất có thể đó là manh mối đấy thưa ông!”
Nghe thế, bá hộ càng thêm lo lắng, điều đấy đồng nghĩa với việc, chẳng lẽ thằng An đã đi khỏi nhà từ tận đêm qua rồi sao?
“- Trời ạ!!! Vậy chần chừ gì nữa! Lập tức tập trung về phía đê cho ta! Có bứng sạch cây cối nơi đấy, cũng phải làm!” – Bá hộ quát.
Trong tâm trí gã đàn ông nhà giàu giờ đây như mớ hỗn độn.
Ông nghĩ : Có cả chuyện người chết quay về báo tin luôn ư? Nếu thật là thế, khả năng cao là An gặp chuyện chẳng lành mất rồi.
Nhưng bá hộ vẫn cố gắng gạt bỏ suy nghĩ đó đi, ông quyết phải tìm được con dù chỉ còn chút hy vọng cuối cùng.
Cả toán người đội mưa, gấp rút đi về phía đê. Trên đường thì bắt gặp huyện thừa và đám sai nha.
“- Kính chào ngài!”
“- Kính chào ông quan ạ!”
“- Được rồi! Không cần hành lễ!” – Vĩnh Sự cầm chiếc ô tiến lại bên bá hộ :
“- Anh! Thế nào rồi?”
“- Ừm. Chú đã hay tin rồi phải không?”
“- Vâng! Tôi vừa cho người mở rộng tìm kiếm qua các làng lân cận!”
Thấy em mình trăm công nghìn việc nhưng vẫn lo cho cháu đến như vậy, bá hộ lấy làm cảm động.
“- Cảm…Cảm ơn chú…Cũng tại ta…Không màn chuyện con cái nên mới xảy ra cớ sự này…”
Vị quan đặt tay lên vai bá hộ, nói lời vỗ về anh mình :
“- Chúng ta là người một nhà. Việc của anh, cũng là việc của tôi.”
“- À mà, cứ để mọi người tiếp tục tìm kiếm. Tôi và anh ghé nhà thầy Mai một chuyến xem sao! Vị ấy có tài gieo quẻ hướng đường đi nước bước.”
Bấy giờ, ông Dương sực nhớ ra lý do đêm qua mình tới tìm Vĩnh Sự.
“- Phải phải! Nhanh lên! Đến gặp ông ấy ngay!”
…
Sau khi thân nhân ông Đỗ đến nhận thi thể về, lão Lượng cũng hoàn tất công việc của mình. Từ trước đến nay, lão không bao giờ nhận tiền công từ phía gia chủ. Âu cũng vì cái nghề đây, cốt là giúp người đi kẻ ở lại được “đoàn tụ” cùng nhau.
Tuy nhiên, gia chủ phải chiêu đãi thuỷ quỷ một hôm chay, xem đấy là bữa mời người chết trở về, và một hôm mặn, xem như tạ ơn Thần Sông.
Mặc dầu thế, nhiều người vẫn thường đặt tiền vào miệng lợn quay hoặc trong bụng gà vịt ở hôm mặn, phần ấy sẽ giúp thuỷ quỷ có thể trang trải cuộc sống cũng như mua đồ lễ, còn tuỳ thuộc vào gia cảnh của thân nhân.
Nhưng lão Lượng vốn đã chẳng còn ai dám lại gần, do đó, hai bữa ăn này thường được phía bên kia chuẩn bị sẵn, mang lại rồi đặt trên bàn trước chòi của lão, xong đi về chứ không nán lại.
“- Hoạ! Mi đâu rồi!?” – Ông Lượng bước vào trong chòi, thấy chàng trai kia đã ngủ say như chết trên mớ rơm, mà cũng phải, giờ đã khuya lắm rồi. Nhưng đáng lý ra, Hoạ sẽ không được nằm ở chỗ ấy.
Trước đó ông ta muốn xem mệnh cho chàng trai, coi có hợp làm thuỷ quỷ để nối nghiệp ông hay không.
Ngặt nỗi, Hoa làm gì nhớ ngày sanh tháng đẻ của mình. Do đó, ông không dẫn Hoạ theo học nghề ngay mà để cậu ở lại chòi trông nồi thuốc với trồng rau. Một phần nữa là do sợ kẻ truy sát vẫn bên ngoài, ông lo Hoạ đi lung tung dễ gặp nguy hiểm.
Vì lẽ ấy, trước mắt, lão Lượng chỉ muốn xem thử Hoạ có hợp với nghề thông qua những “dấu hiệu” đặc biệt hay không. Lượng bắt anh ta phải ngủ ở chòi sau, nơi có cái bể nuôi xác.
Hiện còn một xác nam nhân chưa ai nhận về đang nằm trong ấy. Nếu thấy khí âm chẳng làm ảnh hưởng đến thể trạng của Hoạ, ông sẽ bắt đầu cho cậu học nghề.
“- Ối! Ối! Đau! Đau!”
Quỷ Lượng lại lấy khúc gỗ, quật vào Hoạ mấy cái.
Chàng trai vừa ngáp dài ngáp ngắn vừa lòm còm ngồi dậy :
“- Có chuyện gì thế bác? Khuya lắm rồi đấy…”
“- Ta bảo mi ngủ ở phía sau. Đây là chỗ của ta!”
Hoạ thọc ngón tay vào lỗ mũi, vừa ngoáy vừa lắc đầu :
“- Thôi thôi bác ơi! Cái tên hôi hám ấy chả chịu cho tôi ngủ cùng. Hắn cứ luôn miệng là không hứng thú với đàn ông, nằng nặc đòi tôi đi tìm nữ nhân cho hắn…”
“- Hả?”
...
(Còn Tiếp)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top