BẦU TRỜI VÀ LỜI HỨA

...Bầu trời đã bắt đầu hé những tia nắng đầu tiên thi nhau chạm vào mặt đất, chúng len lỏi qua những hàng cây và phản chiếu vài nét tinh mơ qua từng giọt sương lắng đọng sau đêm dài. Cái khoảnh khắc "thường ngày" đó là lúc áo trắng chúng tôi đến trường với những niềm vui buồn khác nhau mà không ai có thể đoán trước được. Đạp trên chiếc xe đạp cũ, nghe tiếng gió đìu hiu ù ù, tôi luôn tự vấn trong lòng mình: "Điều gì sẽ xảy ra ngày hôm nay?"...

Lại trở về "bến đỗ" thân thuộc tại lớp, nơi mà ngày ngày anh em nhà gió đua nhau mỗi sáng, nơi mà ánh nắng lúc nào cũng ghé thăm vào những buổi xế chiều, nơi mà bất cứ ai ngồi tại đây cũng đều có thể tận hưởng những gì gọi là tuyệt mĩ của ngoại cảnh. Nơi ấy chính là chiếc bàn cuối lớp cạnh khung cửa sổ, một nơi thích hợp cho những ai muốn đánh một giấc dài vì thức khuya và cũng là nơi thích hợp cho những ai lạnh lùng, giàu tâm trạng...Đó cũng lại là nơi khởi đầu câu chuyện từ khi tôi là tân học sinh của mái trường này...

Thuở đó, giáo viên xếp tôi ngồi tại nơi đây. Chính là nơi này! Ngày đầu tiên bỡ ngỡ, cũng như ai ai, tất cả đều giữ cho mình một hơi nín lặng, chờ đợi ai đó đứng lên phá tan bầu không khí vắng tiếng nói cười...chỉ để chào hỏi nhau làm quen. Tôi ngồi cạnh một nữ sinh, cũng xinh gái. Nhưng ô hay, đôi mắt ấy lần đầu đã xuyên thủng vào tôi trái tim lạnh lùng. Dẫu thế, tôi vẫn giữ nét mặt thờ ơ chút nghiêm nghị, vẫn hướng mắt ra bầu trời quanh đãng. Cô ấy cũng vậy, chẳng hiểu sao, trên khuôn trăng rạng ngời của một nữ sinh tuổi mười lăm đã ẩn chứa nhiều phiền sầu. Đôi mắt cứ đăm đăm nhìn vào chiếc bàn và chỉ thế...

Rồi một ngày, hai ngày, ba ngày, hai người ngồi cạnh nhau không một lời nói, chưa ai dám mở lời cho đến khi chính cô ấy là người lên tiếng đầu tiên mượn tôi cục tẩy. Lúc ấy là khoảnh khắc đầu tiên tôi biết thế nào là ngại ngùng. Tôi cũng dần dần chào hỏi và làm quen một cách muộn màng:

-Cục tẩy đây!

-...Mình...cảm ơn bạn! ... (Vừa nói vừa nhận cục tẩy quyến luyến). Mình...tên là...Đào! Mai Anh Đào! Rất vui được làm quen với bạn...Còn bạn?

-Mình là Phan Phước Sơn...Mình cũng vậy. Mong bạn giúp đỡ mình trong thời gian tới!

......

Thời gian lại thấm thoát trôi theo những chiếc lá rơi ngày ngày, nét sầu như một nỗi hằng in trên khuôn mặt cô ấy. Kể từ lần đầu gặp cho đến nay, tôi chưa hề thấy Đào cười, dù là cười mỉm. Phải chăng nụ cười đối với cô ấy là thứ gì đó xa xỉ? Suốt ngày cứ đắm mình trong sách vở, thỉnh thoảng là lơ đà theo cơn gió miên man ngoài khung cửa. Chỉ chào nhau khi gặp và chào nhau khi về, đôi lúc lại nói vài ba câu nhờ mượn dụng cụ, ngoài ra chẳng nói năng gì. Tôi không hỏi vì ngại và sợ sẽ chạm vào lòng tự ái của cô gái vắng nụ cười. Có lẽ tôi vô tâm nhưng những gì tôi có thể làm bây giờ chỉ là nhìn cô ấy...

...Khung cửa chiều tàn nhàn nhạt và nhìu mây như chở đầy tâm trạng. Tôi lại bon bon trên chiếc xe đạp "cà tàn" về nhà. Dọc đường, tôi thấy cô ấy bước đi nặng nề, mặt vẫn thờ ơ không biết nhìn đâu đâu. Lòng hiếu kì của một thằng con trai trỗi dậy và dõi theo thân hình nhỏ bé.

Trước mắt tôi giờ đây là một nơi đầy quan tài sang sáng, không khí âm u cuốn quýt lấy gian nhà từ ngoài vào trong, đó là nhà của Đào. Cô gái bước đến người đàn ông gầy, khuôn mặt phúc hậu, đang đóng chiếc quan tài cỡ lớn.

-Thưa ba, con học mới về!

-Con về rồi à! Ngồi xuống đây! Con đi học có mệt không? Để ba lấy chút nước cho con... Nay con gái của ba đi học có gì vui không kể cho ba nghe đi?

-Vẫn bình thường, ba à! À mà ba ơi....

Một người phụ nữ to tướng vừa chạy vừa gào khóc vào trong nhà làm gián đoạn cuộc đối thoại giữa hai cha con, người đàn bà rên rỉ: "Bác Ba ơi! Ông nhà tôi mất rồi...". Hoá ra, đó là hàng xóm cạnh nhà Đào, bà ta khóc lóc, mếu máo vì người chung đôi trên bước đường đời của bà đã rẽ lối. Đào ngồi đấy đơ ra, lặng thinh nhìn người đàn bà khóc rồi chạy ra ngoài. Trời đã bắt tí tách những hạt mưa đầu tiên trái mùa rồi ào ào hoà lẫn vào những âm thanh hỗn tạp của phố phường tấp nập như muốn đập tan tiếng ỉ oi sớm chiều, khuất dần tiếng kêu la thê thiết của người đàn bà. Giờ chỉ còn là tiếng rào rào như thác lũ trút xuống đầu hai người đang chạy dưới mưa. Đào thấy tôi, tôi đuổi theo cô ấy. Cô ấy chạy đi trong sự đau đớn tột cùng, dường như cô ấy đang khóc, không, đã khóc thật, khóc rất nhiều. Tôi nắm bắt lấy tay người bạn cùng bàn, cô ấy vùng vẫy, cô ấy không thể để người ta thấy hình ảnh yếu đuối của mình, ngồi bẹp xuống đất rồi ôm mặt khóc rưng rức. Tôi dìu cô ấy vào chiếc mái che đối diện, tôi ôm cô ấy, lòng người con gái như những tia nắng làm ấm lòng tôi dưới cơn mưa. Tôi an ủi cô ấy:

-Đừng khóc! Ổn rồi! Có chuyện gì buồn, bạn có thể nói cho mình nghe được chứ!

Lại tiếp tục khóc, cô ấy ôm tôi mà khóc và nói ra những lời từ tận đáy lòng:

-Tớ không muốn nghe, tớ thực sự không muốn nghe!... Vài ba ngày là có người đến khóc than, kể lễ vì nhà có tan sự.. hic hic...Làm sao tớ có thể cười khi ngày nào cũng chứng kiến những cảnh tượng đau lòng đó! Mười lăm năm ở với ba, không ngày nào mà tớ lại không thấy người này người kia khóc. Làm sao tớ có thể vui được đây? Tớ thương ba rất nhiều, nhưng tớ thực sự không muốn ba tiếp tục công việc này nữa! Vì sao ba tớ là thợ đóng quan tài kia chứ? Vì sao ba tớ lại chọn công việc này để nuôi tớ ăn học khi không có mẹ? Vì sao...?

-Bạn đã từng hỏi ba chưa?

-...Tớ tôn trọng công việc của ba...nhưng...

Dòng nước mắt tuôn dài trên đôi gò má buồn tênh rồi ngất đi. "Chắc sốt rồi!", tôi sờ lên trán cô ấy và cõng trên lưng. Nhìn Đào thật đáng thương!

Về đến nhà Đào, nơi những chiếc quan tài vẫn sáng bóng, người đàn ông hoảng hốt ôm lấy đứa con gái của mình và đưa về phòng, đắp cho chiếc chăn ấm, nhìn con bằng vẻ triều mến rồi lẳng lặng ra ngoài. Ông mời tôi ngồi, ông lấy cho tôi chiếc khăn và mời tôi dùng trà nóng. Không khí lạnh lẽo ban đầu giờ đã ấm lên, không phải từ tách trà nóng, đó là hơi ấm từ trái tim của người thợ đóng quan tài. Không gian vắng lặng, dìu dịu đi. Ngoài trời vẫn còn tiếng mưa nặng hạt. Người đàn ông nhìn tôi, ông đã hiểu chuyện, ông bắt chuyện với tôi, tôi kể cho ông nghe nỗi lòng của Đào, người đàn ông cười, khuôn mặt tái đi, đôi mắt của ông trĩu buồn tựa như một chiếc lá mỏng manh lắm đầy giọt sương mai. Ông thủ thỉ tâm sự về những ngày ở trên chiến trường khốc liệt trong chiến trận "Mùa Hè Đỏ Lửa" năm 1972 ở Kom Tum, chứng kiến cảnh thiên nhiên lụi tàn trong bom đạn, cảnh đồng chí anh em từng người ngã xuống trên mảnh đất quê hương trong hình thù không trọn vẹn, mình đầy thương tích, máu xương, không có một nơi an nghỉ thanh thản và tử tế sau cuộc hành quân dài... Mẹ của Đào cũng mất trong khoảng thời gian rực lửa đó. Người đàn ông cô đơn, ông dằn vặt bản thân vì không bảo vệ được người quan trọng nhất của đời mình, những người anh em chí cốt...Nghề đóng quan tài đến với ông một cách bất đắc dĩ từ sau những ngày hoà bình, một ông cụ đóng quan tài đã cứu ba của Đào và dạy nghề cho ông, để ông có thể trở về chăm lo đứa con gái ở nhà ngoại.
Ông yêu nghề, ông lúc nào cũng mong những linh hồn có thể được an nghỉ ở thế giới bên kia và tồn tại mãi trong lòng những ai yêu thương, tưởng nhớ...làm một việc thật ý nghĩa trước khi họ rời xa thế giới này...

Từng dòng nước mắt lăn dài trên khoé mắt của người đang lắng nghe cuộc trò chuyện của chúng tôi. Đào bước ra đằng sau bức tường, cô ôm lấy ba yêu.Người đàn ông vuốt ve mái tóc đen láy của con, ôm chặt nàng công chúa bé nhỏ. "Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi" - Ông nói.

...Lại là một buổi sáng tinh mơ như ngày nào ngoài khung cửa sổ, bầu trời vẫn vang vọng tiếng líu lo của bầy chim vui đùa. Đào đến lớp vui vẻ, rạng rỡ như ánh ban mai. Kể từ ngày ấy, cô ấy đã hứa với ba sẽ học thật tốt để trở thành một cô giáo như cô ấy ao ước từ bé. Một cô giáo tương lai sẽ chẳng còn mang trên mình khuôn mặt u buồn, giá lạnh của những ngày mưa. Một cô giáo sẽ gieo những niềm tin yêu và ước mơ cháy bỏng vào lòng những chồi non của hậu thế....

Vài năm sau, nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam, chúng tôi trở về mái trường ngày xưa, nơi mãi mãi giữ cho mình những hình thân quen như những ngày khởi đầu. Vẫn là hàng phượng sau mùa thay lá, vẫn là hàng ghế đá lầm lì im phăng phắc dưới những bóng cây. Chúng tôi lại gặp nhau, vẫn là tại chiếc bàn ở cuối lớp này, vẫn là tiếng chim, vẫn là tiếng gió thân thuộc ấy. Ngồi với nhau và bắt đầu ôn lại ngày xưa....

Nguyễn Trọng Nhân
(Lucifer Lạnh Lùng)
06/04/2017

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: