Chương 1: Quê tôi, quê anh
Một ngày cuối xuân đầu hạ.
Tôi đang lái xe trên đường về quê thăm bà ngoại. Suốt dọc đường đi, tôi luôn mở những bản nhạc sôi động để khiến con đường dài tít tấp ngoài kia phần nào bớt tẻ nhạt, cũng là để cho tâm trạng tôi được thoải mái hơn. Mặc dù tôi vốn chẳng thích thứ âm nhạc này cho lắm.
Sài Gòn cách quê ngoại tôi không xa, tầm khoảng hai giờ đi đường đối với ô tô. Lần gần nhất tôi trở về nơi này chính xác thì là vào hai năm về trước, lúc đó cửa hiệu thời trang của tôi còn chưa được nhiều người biết đến, các kế hoạch tôi dự định thực hiện chỉ đang vào giai đoạn xây dựng, thế nên công việc lúc đó có phần thoải mái hơn so với bây giờ, tôi cũng có nhiều thời gian hơn để đi đây đi đó. Nhưng còn bây giờ lịch trình hàng ngày của tôi đều kín mít, cả ngày nghỉ, ngày lễ tôi cũng không được rãnh rỗi, tôi gần như đã dồn hết toàn bộ thời gian và sức lực của mình vào trong công việc.
Nhưng dù là vì lý do gì đi chăng nữa việc không trở về thăm bà một thời gian dài như vậy khiến tôi cảm thấy vô cùng có lỗi. Nói đến bà tôi cũng bắt đầu thấy có chút lo sợ rằng lúc về đến nhà sẽ bị bà ngoại xách chổi rược đánh vì cái tội bất hiếu, hai năm trời rồi mới chịu vác xác về thăm bà kia mà.
Thấy vậy chứ bà ngoại tôi còn khỏe lắm nhé mặc dù tuổi tác đã vào hàng 70. Vào mấy tháng trước thằng em họ, con của người dì thứ ba, có gọi điện kể cho tôi nghe về chuyện bà tôi bắt trộm. Hôm đó có một tên trộm xui xẻo đột nhập vào nhà, bà lúc đó vì không ngủ được nên cứ trằn trọc mãi đến đêm đột nhiên nghe tiếng lục đục bên ngoài, lúc đầu cứ nghĩ là do mèo hoặc chuột phá phách nhưng rồi cảm thấy có sự bất thường, bà liền bước ra ngoài xem thì phát hiện có trộm vào nhà thật. Bà lập tức la lên trước tiên sau đó vớ lấy cây chổi dựng ở bên tường đập tới tấp vào tên trộm, đến khi cả nhà tôi chạy ra thì tên trộm đã bò lăn bò lết dưới đất cầu xin tha mạng. Thằng em còn kể là ngày hôm sau cả xóm ai nấy đều biết tin, họ ngưỡng mộ bà vô cùng. Riêng tôi thì cảm thấy... sợ. Bây giờ tôi càng bất an hơn vì không biết số phận mình hôm nay có giống như tên trộm kia không nữa.
Chợt nhớ đến Phúc – thằng em họ của tôi, tôi liền mở điện thoại gọi cho nó.
"A lô, em nghe nè chị Thảo. Chị về tới đâu rồi?" – Tiếng của Phúc vang lên từ đầu dây bên kia.
- Chị về tới ngoài thị xã rồi. Mà nè, bà ngoại có nhà không Phúc?
"Dạ có, ngoại mới đi chợ về."
- Tự nhiên chị thấy sợ sợ, em có dấu hết mấy cây chổi như lời chị dặn không đó?
"Trời, chị khéo lo, ngoại thương chị lắm nên không có đánh chị đâu. Hôm qua nghe em nói hôm nay chị về, ngoại ngoài mặt làm như không thèm để tâm, còn nói là 'Mặc xác nó, mày nói nó về thì ra nhà trọ hoặc khách sạn mà ngủ, đừng bước vào nhà tao'." Thằng Phúc vừa nói vừa nhại lại y chang giọng bà làm tôi cười ngặt nghẽo, "Thế đó, vậy mà sáng hôm nay ngoại lại đích thân đi chợ mua cá, mua hào, còn có cả gà nữa, toàn là mấy món chị thích không thôi. Nhiêu đó cũng đủ biết ngoại thương chị cỡ nào rồi, em là em ganh tị lắm đó nghen."
- Ha ha, nếu được vậy thì chị đỡ lo rồi. Thôi em cúp máy đi, mười lăm phút nữa là chị tới rồi.
"Dạ, em cúp đây, chị lo mà lái xe cẩn thận đi." – Trước khi cúp máy nó còn không quên lên giọng dạy dỗ tôi. Thằng nhóc này đúng là bị tôi chiều hư.
Đúng mười lăm phút sau, tôi cuối cùng cũng về đến cái mãnh đất tuổi thơ đầy thân thuộc. Hai năm vừa qua nơi này cũng có rất nhiều thay đổi, tôi thấy được sự nhộn nhịp, sự tươi mới ở trên những con phố vốn trước nay vẫn tĩnh lặng và kín đáo.
Tôi lái xe rẽ vào con đường nhỏ quen thuộc, dừng trước một ngôi nhà cổ kính có mái ngói đỏ cam. Tôi không biết ngôi nhà này được xây dựng từ khi nào, chỉ biết là từ khi tôi sinh ra thì nó đã ở đây, bao bọc cho tôi và cho cả gia đình tôi nữa. Ngôi nhà này vô cùng vững vàng và kiên cố, bằng chứng là sau bao nhiêu thập kỷ tồn tại, dù chưa trãi qua một lần tu sửa nào nhưng nó vẫn hiên ngang đứng vững trước bao sóng gió qua ngần ấy thời gian.
Tôi bước xuống xe, đôi mắt không chủ động dừng lại trên ngôi nhà bên cạnh, tâm trạng có chút xao động. Hôm nay không biết có chuyện gì mà ngôi nhà bên kia vốn thường ngày yên tĩnh đột nhiên có rất nhiều người ra vào, mà toàn là những người tôi chưa bao giờ gặp mặt qua. Mặc dù tôi không thường xuyên ở nơi này cho lắm nhưng tuổi thơ của tôi thì lại gắn liền với nơi đây, thế nên có vài người trong ngôi nhà ấy đối với tôi vốn đã rất thân thuộc.
Tôi chợt bần thần, mắt vẫn dán chặt vào ngôi nhà bên cạnh một cách vô định, cho đến khi có một giọng nói làm tôi sựt tỉnh.
- Đứa nào ở trước nhà đó bây?
Nghe được giọng bà, tôi liền quay lại nhe hàm răng ra cười:
- Bà ngoại, cháu cưng của bà về rồi đây!
Bà nheo nheo đôi mắt nhìn tôi, sau đó các nếp nhăn từ từ giản ra, bà không nói thêm lời nào liền bỏ vào trong nhà làm tôi quýnh quáng hết cả lên. Thôi rồi, còn tệ hơn là bị ăn chổi. Bà giận rồi.
Tôi chạy bay vào trong nhà vừa năn nĩ vừa dỗ dành, còn có những lời phụ họa của cậu, mợ tôi và thằng em họ nữa nhưng bà vẫn giận dỗi không chịu nói với tôi nữa lời. Phải thật lâu sau, nhìn tôi chịu khổ như vậy chắc bà cũng đã hả dạ nên cuối cùng mới chịu mở lời vàng ngọc nói với tôi:
- Cô còn biết mình có bà ngoại này nữa sao?
Tôi cười nịnh:
- Ngoại là bảo bối, là cục vàng của con sao con quên ngoại được.
- Thế ra là cô chỉ mê bảo bối với mê vàng thôi đúng không?
Lại nói lẫy tôi nữa đấy.
- Đâu có đâu có, con mê bà ngoại nhất mà!
Bà hừ nhẹ, coi như không thèm chấp với tôi nữa:
- Đi tắm rửa rồi ra ăn cơm đi.
- Dạ!
Biết bà không còn giận nữa tôi liền nhào đến hôn bà một cái, sau đó xách túi vào phòng rồi soạn đồ chuẩn bị đi tắm.
Chiều đến, tôi cùng thằng Phúc lội ra biển chơi. Thật ra quê tôi thuộc vùng ven biển, cũng có bãi tắm, có khu du lịch, chỉ là không nổi tiếng như biển Nha Trang, Đà Nẵng hay Vũng Tàu. Cũng bởi do biển quê tôi còn khá hoang sơ, dịch vụ du lịch lại chưa phát triển rộng rãi vì nơi này vốn thuộc một huyện nhỏ, điều kiện thu hút khách du lịch cũng không nhiều. Ấy nhưng thiên nhiên lại không hề bạc đãi người dân nơi đây một chút nào, mẹ biển cả đã ban cho chúng tôi một lượng cá tôm phong phú và dồi dào, ngày nào cũng cá đầy khoang tôm đầy thúng, thế nên quê tôi phát triển nhất vẫn là đánh bắt thủy hải sản.
Tôi cùng Phúc đi dọc ven biển, nhìn những chiếc thuyền nhỏ đang từ ngoài khơi chạy về, trong lòng cảm thấy có chút phấn khởi. Phúc và tôi nói chuyện rất nhiều, nó kể cho tôi nghe đủ chuyện trên trời dưới đất, từ chuyện trường lớp cho tới chuyện của bà ngoại, của những người xung quanh nó.
Phúc năm nay học mười hai, tức cũng là năm cuối, cái ngưỡng đại học chỉ còn cách nó trong gang tất. Tôi đã bàn bạc với ba mẹ và bà ngoại về việc năm tới sẽ đón Phúc lên ở cùng. Thằng nhóc ngốc nghếch này lúc đó đã nói là nó sẽ không học đại học, nó sẽ ở lại đây cùng bà ngoại. Nó còn nói là mặc dù bà ngoại đã có cậu, mợ Út chăm sóc nhưng nó biết nếu nó đi nữa thì bà ngoại sẽ rất buồn. Bà tôi khi biết chuyện này liền mắng cho nó một trận, bà còn hăm he là nếu nó không học đại học bà nhất định sẽ từ mặt nó. Thằng Phúc thấy bà làm dữ quá đương nhiên nó chẳng dám nghĩ đến chuyện này nữa. Dù vậy nhưng tôi biết Phúc rất buồn và lo lắng, tôi biết nó thương bà nhiều lắm, rời xa bà trong khoảng thời gian dài như vậy chắc chắn sẽ là điều khó khăn đối với nó.
Ba mẹ Phúc mất sớm do tai nạn giao thông, từ nhỏ đến lớn Phúc đều sống với bà ngoại, một tay bà chăm sóc cho nó, yêu thương và bao bọc nó, thế nên việc nó không muốn xa bà cũng là điều dễ hiểu.
Tâm trạng của Phúc lúc này phải nói tôi là người hiểu rõ nhất. Tôi vốn được sinh ra trên chính mảnh đất này, cả tuổi thơ của tôi gắn liền với vị mặn mà của biển cả, với vòng tay yêu thương che chở của bà. Đến năm tôi lên bảy, ba mẹ mới đón tôi trở về Sài Gòn sinh sống, lúc đó tôi cũng đã sống chết không chịu đi, nhớ lại lần đó tôi kiên quyết cũng dữ dội lắm, thế nhưng đến cuối cùng vẫn là phải đi đó thôi. Thời gian sau đó tôi đã rất buồn, tôi nhớ ngoại, nhớ biển, nhớ mái nhà đã chở che cho tôi trong suốt những năm tuổi thơ đẹp đẽ, và còn có cả những nỗi nhớ vô hình nào đó nữa.
Trở lại với Phúc, nó là đứa học rất giỏi, bản tính lại chăm chỉ, hiền lành nên luôn được mọi người yêu mến. Tôi cũng rất thương nó và ngược lại, nó cũng rất quý mến người chị này. Tôi với Phúc rất hợp cạ, bình thường cứ sáp vào nhau là có đủ thứ chuyện để nói. Nó cũng là đứa cho tôi nhiều lời khuyên nhất, có chuyện gì tôi đều tâm sự với Phúc. Dù nó là con trai nhưng nó rất tình cảm và hiểu chuyện, nhiều lúc tôi cảm thấy như mình đang có một cô em gái chứ chẳng phải cậu em trai nữa. Nhưng đừng có mà nghi ngờ về giới tính của nó nhé, con gái ở đây theo nó nhiều lắm, em tôi "chuẩn men" đấy.
Chợt nhớ về ngôi nhà bên cạnh nhà ngoại, tôi liền quay sang hỏi Phúc:
- Ủa Phúc, nhà của ông Phát hôm nay có chuyện gì mà chị thấy đông người vậy?
- À, ngày mai là ngày giỗ của ông nên con cháu đều trở về để cúng kiến cho ông đó.
Tôi im lặng một lúc rồi lại nói tiếp:
- Chị nhớ những năm trước họ đâu trở về đây đông như vậy đâu.
- Chuyện là thế này, em nghe nói là vào cuối năm vừa rồi luật sư riêng của ông Phát thông báo với gia đình bên đó về việc ông có viết tờ di chúc thứ hai để lại một khoảng gia tài bí mật, số tài sản này không hề được kê khai hay nhắc đến trước đó. Con số cụ thể là bao nhiêu thì không một ai biết, nhưng mà tất cả mọi người đều chắc chắn rằng con số đó sẽ không hề nhỏ. Lý do? – Phúc dừng lại lấy hơi rồi nói tiếp – Gia đình ông Phát hồi xưa thuộc tầng lớp địa chủ ở đây, lúc đó không phải chỉ giàu bình thương mà là giàu "nứt đố đổ vách", nghe đâu còn thuộc dòng dõi quý tộc gì đó nữa, thế nên gia tài của ông Phát chắc chắn không hề ít. Thời đó mà có được ngôi nhà đồ sộ như vậy cũng đủ biết dòng họ đó giàu cỡ nào rồi, giờ nó tuy có vẻ cũ kỹ thật nhưng ai mà biết được bên trong còn có cất giấu bao nhiêu là vàng bạc hay châu báu.
Tôi trợn mắt ngạc nhiên nhìn Phúc:
- Sao chuyện nhà người ta mà mày rành quá vậy? Có âm mưu bất lương hả?
Nó lườm tôi một cái:
- Âm mưu gì đâu, chuyện này là em nghe bà ngoại kể mà.
- Vậy bọn họ trở về đây đều là vì muốn chia gia sản có đúng không? Mà chẳng phải em nói là họ biết chuyện này từ năm ngoái rồi sao, chia chát gì cũng đã rồi, sao đến giờ họ còn giả vờ hiếu thảo mà về đây chi nữa?
Nói thêm một chút về việc vì sao tôi nói bọn họ là giả vờ hiếu thảo. Hồi đó lúc ông Phát chưa mất, tôi rất thường xuyên qua nhà ông chơi nên ông rất quý mến tôi. Tôi thỉnh thoảng có nghe ông nhắc về những người con của mình, ông nói họ rất ít khi về đây thăm ông. Có người định cư ở nước ngoài, có người sinh sống ở Sài Gòn, thế nhưng phải vài năm họ mới về thăm ông một lần. Không những thế tôi còn được biết là tình cảm giữa ông Phát và bọn họ cũng không được tốt lắm, đó là lý do vì sao họ để ông sống một mình ở ngôi biệt thự thuộc vùng đất hoang vu này chỉ với một vài người giúp việc. Tôi còn nhớ lúc đám tang ông, số người có mặt ở đây còn không đông như bây giờ.
- Thật ra thì vẫn chưa có ai được chia một đồng nào cả. Bởi vì điều kiện công bố di chúc của ông Phát là tất cả con cháu đều phải có mặt đầy đủ tại ngôi biệt thự, không được thiếu bất kỳ một ai, dù là thành viên mới như cháu dâu, cháu rể, cháu chắt này nọ cũng đều phải có mặt, đến lúc đó thì bản di chúc kia mới được công bố và có hiệu lực.
Tôi lặng người đi một lúc lâu, sau đó mới tiếp tục cuộc trò truyện với Phúc:
- Chị thật sự thắc mắc, tại sao lúc ông mới mất, bao nhiêu gia sản ông không chia hết một lược đi, giấu lại để làm gì rồi đột nhiên đúng hai mươi năm sau đùng một cái lòi ra thêm một bản di chúc thứ hai cùng với số gia sản bí mật nào đó nữa. Rốt cuộc ông Phát đang có âm mưu gì? Người đã mất rồi mà vẫn còn cố tình bầy nhiều trò như vậy nữa, đúng là ông già cổ quái.
Tôi thầm cười, tính cách của ông nhiều lúc đúng là rất quái đảng, nhưng thú thật là tôi thích cái tính cách này cho nên hồi nhỏ mới thân thiết với ông như thế.
- Ừ, nghĩ lại thấy cũng lạ thật, em cũng rất thắc mắc. Nhưng theo suy luận cá nhân, em nghi ngờ trong đó chắc chắn có âm mưu hay kế hoạch gì đó.
Tôi cười lớn:
- Thằng nhóc này, em tưởng đang đóng phim hay sao mà ở đó âm với mưu.
Nó làm động tác xoa xoa cầm:
- Trời, biết đâu được, mấy người nhà giàu đó rửng mỡ lắm.
Tôi lại cười. Thầm nghĩ nếu đây là một âm mưu thật sự thì theo tôi cái âm mưu đó chính là muốn cho con cháu được tề tụ đông đủ bên nhau và nhớ rằng họ còn có một người cha, người ông như ông.
- Về thôi chị, mặt trời lặn rồi.
Phúc chợt gọi làm tôi giật mình. Vừa rồi tôi còn đang mơ mơ hồ hồ trong mớ suy nghĩ riêng. Tôi đang đấu tranh tư tưởng để bản thân không bật ra một câu hỏi.
- Khoang đã Phúc.
- Sao chị? – Phúc quay đầu lại nhìn tôi – Chị còn chưa muốn về à? Về ăn cơm trễ là ngoại rầy đó.
Nhưng đến cuối cùng, vì chẳng thể lừa gạt bản thân mình được nữa, tôi đành để mặc cho tình cảm lấn áp lý trí.
- Chị... chị...
Thấy tôi hơi khác lạ, Phúc nhíu mày nhìn tôi ra chiều nghi hoặc:
- Chị có chuyện gì sao?
- Anh ta... có về không?
Tôi khó khăn mở lời, ánh mắt mất kiểm xoát nhìn xuống mặt đất một cách vô định.
Phúc không trả lời tôi ngay mà nó im lặng một lúc lâu. Ngay lúc này đây tôi chẳng biết gương mặt nó hiện tại đang có biểu hiện gì, tôi không dám ngước lên nhìn nó.
- Không có. – Phúc trả lời dứt khoát.
Câu trả lời của Phúc khiến sự hụt hẫng trong lòng tôi như dâng lên.
Tại sao tôi lại thất vọng chứ? Chẳng phải tôi không muốn gặp mặt anh ta sao? Tôi thật sự điên mất rồi.
Tôi rất sợ, rất rất sợ phải thừa nhận rằng trong lòng tôi còn nhớ anh ta.
Rằng, tôi vẫn còn yêu Lâm Hoàng Đình
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top