Barack Obama ngày nhậm chức - Lời kể của người trong cuộc
" Không hiểu giấc mơ của Luther King vĩ đại thế nào, riêng tôi đạt được ước mơ là xem... người rất thoải mái. Trong đời, tôi chưa bao giờ nhìn thấy mấy triệu người đổ ra một chỗ rộng lớn như thế này." - Tác giả Hiệu Minh từ Washington DC viết về ngày nhậm chức của Obama.
Muốn biết tình hình kinh tế? Nhìn vào thùng rác!
Hôm nay thứ 3 (20/1/2009), tất cả các văn phòng trong Washington DC (Mỹ) đều được nghỉ. Lễ tuyên thệ các đời tổng thống từ năm 1937 đến nay, trừ vài trường hợp ngoại lệ, đều được tổ chức vào ngày 20-1. Trước đó, từ năm 1793 đến 1933, lễ quan trọng này được tổ chức vào 4/3 với vài cá biệt.
Nước Mỹ có nhiều duyên nợ với ngày thứ 3. Rất thú vị lần này, bầu cử và tuyên thệ tổng thống trùng vào ngày này. Bin Laden chọn thứ 3 (11-9-2001), ngày ít người đi lại, để cướp 4 máy bay tấn công Mỹ.
Theo lịch, công ty môi trường vùng Vienna (Virginia) thu gom rác vào hôm nay. Một thống kê thú vị cho thấy, khủng hoảng tài chính có thể nhìn thấy trong... thùng rác. Kinh tế đi xuống, dân không đến quán bar mà mua rượu bia về nhà, tự thưởng thức, nên vỏ chai nhiều hơn.
Khủng hoảng nhưng không thể không uống, vấn đề là uống ở đâu thôi. Hôm nay, vì tương lai kinh tế Mỹ và hình ảnh Hoa Kỳ trên thế giới, gần hai triệu người đổ ra National Mall (Quảng trường quốc gia Washington DC - gọi là Mall) nhằm lên dây cót tinh thần cho Tổng thống mới.
Kinh tế toàn cầu đang cơn suy thoái là thách thức lớn nhất của siêu cường Hoa Kỳ. Không phải chiến tranh Iraq, Afganistan hay Trung Đông. Đó chính là bài toán nan giải về công ăn việc làm, nạn thất nghiệp ngay trong lòng nước Mỹ, đang làm hàng trăm triệu người lo lắng.
Chưa nhậm chức, Obama đã lo kích cầu, mong dân đến shopping mall, mua bán, tiêu pha nhiều hơn. Người Mỹ không mua quần áo, hàng may mặc của Việt Nam cũng bị bán hạ giá thảm hại. Họ tiết kiệm ăn uống thì cá basa nông dân Nam bộ của Việt Nam không biết bán đi đâu. Người ta lo cứu mình, ai hơi đâu đầu tư vào Việt Nam. Nếu ai nghĩ rằng, kinh tế thế giới đi xuống không ảnh hưởng đến ta, chắc là người đó "đang ngồi đáy giếng, phán chuyện toàn cầu".
"Trong đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều người đến thế!"
Hôm nay, trời đất thử thách lòng kiên nhẫn của những người hâm mộ Obama. Thời tiết DC lạnh khủng khiếp, nhiệt độ hạ xuống - 10oC, gió 25km/giờ thổi từng cơn, buốt tận xương tủy. 4 giờ 30 phút sáng, tôi ra bến metro Vienna. Đây là ga đầu tiên mà tàu đã chật ních. Ôtô xếp hàng dài để vào gara. Họ đỗ xe ở đây và bắt metro vào DC. Xung quanh ga, xe cảnh sát đèn lập lòe như hăm dọa tất cả ai có hành động đáng ngờ. Cao tốc 66 nối Virginia với Washington DC vắng tanh trong khi metro chật ních người.
Ngồi cạnh một bà da trắng vẻ niềm nở. Hỏi bà từ đâu tới. Đi máy bay từ Miami. Sao đi xa thế. Đây là ngày quan trọng của nước Mỹ. Chúng tôi đã chờ đợi 8 năm nay. Kinh tế đi xuống, ai cũng lo. Tôi ủng hộ Obama, một người thông thái, nhanh nhẹn, nói rất thuyết phục và... đẹp trai. Còn anh thế nào? Vẫn không bị mất việc sau ba tháng vừa rồi chứ?
Anh bạn trẻ da trắng, quê tận Ohio, đứng cạnh đế thêm, mong tổng thống Bush về Texas càng nhanh càng tốt. Anh không quan tâm đến McCain mà ủng hộ Obama ngay từ phút đầu tiên. Đây là tổng thống mà chúng tôi cần.
Ngày thường, đi từ Vienna tới DC khoảng 35 phút nhưng hôm nay mất gần hai tiếng, như thế đã rất may mắn. Lên Phố 18 cắt Pennsylvania gần Nhà Trắng, đông nghẹt người dù mới 6 giờ sáng. Đến muộn rất có thể bị chặn lại vì trong Mall hết chỗ.
Mọi ngả đường cho ôtô vào DC đều bị chặn. Sáu cây cầu bắc qua sông Potomac và Anacostia chỉ dành cho người đi bộ. Cũng hay, khi bạn dựa vào đôi chân của chính mình thì đến đâu cũng được.
Lang thang trên Mall, từ nhà tưởng niệm Lincoln đến đồi Capitol (nhà Quốc hội Mỹ) khoảng 3 km, chiều rộng khoảng 1km, với những bãi cỏ rộng mông mênh, xen với những công viên, du khách cứ việc vui thoải mái, hò hét và nhảy múa.
Nhiều màn hình khổng lồ truyền hình trực tiếp từ khán đài. Biết thân phận mình không thể chen chân vào với mấy ông bà da đen béo phục phịch nên tôi chọn phương án xem tivi trên quảng trường.
Được biết, ngày Chủ nhật 18/01/2009, Obama đến dự buổi ca nhạc tại nhà tưởng niệm Lincoln với khoảng 400 ngàn người tham dự. Chính nơi đây, vào năm 1963, Martin Luther King đã có bài phát biểu "I have a dream - Tôi có một giấc mơ" trước hàng trăm ngàn người, nói về ước nguyện, một ngày nào đó người da trắng, da đen tại Mỹ được sống hòa thuận và đối xử công bằng. Hôm nay giấc mơ ấy đã thành hiện thực.
Không hiểu giấc mơ của Luther King vĩ đại thế nào, riêng tôi đạt được ước mơ là xem... người rất thoải mái. Rất nhiều, chỗ nào cũng thấy người. Trong đời, tôi chưa bao giờ nhìn thấy mấy triệu người đổ ra một chỗ rộng lớn như thế này.
Có đến vài nghìn nhà vệ sinh lưu động, thậm chí cả chỗ dành riêng cho người tàn tật ngay cạnh đồi Capitol. Ở đây không thể ra gốc cây hay bờ tường để xả nỗi buồn như một số nơi ở ta được. Những người xây dựng thủ đô Hoa Kỳ đã trù tính, National Mall phải chứa được vài triệu người mới xứng tầm nước Mỹ. Không biết dân da màu nhiều hơn hay vì màu da ấy bắt mắt hơn nên dường như thấy họ chiếm đa số trên quảng trường.
Người Mỹ thích hướng tới tương lai
Trên màn hình xuất hiện đôi Clinton-Hillary, ở dưới reo hò và phất cờ. Lúc ông Bush xuất hiện thì tiếng hù, đập chân thùm thụp, vài lá cờ bay lẻ tẻ. Hỏi ông đứng tuổi bên cạnh thì được biết, người Mỹ thích hướng tới tương lai.
Di sản ông Bush để lại không đáng tự hào: thế giới đơn cực do Mỹ làm bá chủ, ghét quốc gia hậu thuẫn khủng bố, tấn công phủ đầu và sắp xếp lại bản đồ thế giới. Nhìn lại, việc nào cũng thấy hỏng, người ta huýt sáo là phải thôi.
Nhớ chuyện sau ngày bầu cử, chú chó Barney của ông Bush bỗng nhiên nổi giận, đả phóng viên John Decker (Reuters) một miếng. Có thể hãng thông tấn này thường đưa tin không mấy hay ho về ông chủ nên chú cẩu "trả thù" hộ. Hôm mới đây, chú mèo đen India hay còn gọi là "Willi" yêu quí sống với gia đình Bush đã 18 năm bỗng lăn ra chết. Phải chăng, vận ông Bush không được đỏ, khi "đơn thương độc mã" lãnh đạo thế giới.
Obama lên làm tổng thống chưa biết có hơn Bush hay không, nhưng bên an ninh phải trả giá cao hơn rất nhiều. Mấy tháng nay, ngành an ninh Hoa Kỳ đã làm việc cật lực ngày đêm để chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này. Hàng rào lưới B40, những tảng bê tông khổng lồ, được dựng lên bao quanh quảng trường, nhằm ngăn người đi lại bừa bãi.
Phương tiện thông tin đại chúng được tận dụng tối đa để tuyên truyền cho việc đi lại trong ngày nhậm chức. Hàng ngàn người tình nguyện giúp hướng dẫn khách thập phương đến DC. Một chị dáng đi tất tưởi, gặp ai cũng chào và đưa cuốn cẩm nang "Làm thế nào tồn tại qua được ngày nhậm chức". Hàng triệu du khách tới dự lễ lo làm sao đến được Mall không kém Obama làm Tổng thống lo cho kinh tế Mỹ.
Hàng triệu người rơi nước mắt...
Biết mình không thể vào gần tòa nhà Quốc hội, tôi quyết định thám thính hôm trước để xem họ chuẩn bị như thế nào. Ra đó đã thấy loa ông ổng trên lễ đài phát thử lời thề của Tổng thống khi người ta luyện tập tại đồi Capitol: "Tôi xin thề danh dự rằng tôi sẽ lãnh đạo Nhà Trắng, làm hết sức mình để giữ gìn, bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ." - "I do solemnly swear (or affirm) that I will faithfully execute the office of President of the United States, and will to the best of my ability, preserve, protect, and defend the Constitution of the United States". Hôm nay, Obama xuất hiện thật, nhắc lại như cái máy mấy lời trên, dù ban đầu giọng hơi ngắc ngứ, có lẽ do cảm động.
Thấy Obama xuất hiện, National Mall reo như sấm và cờ phất của hàng triệu người tưởng vỡ bầu trời DC. Khi ông đọc lời thề, nhiều người cúi xuống lau nước mắt. Hàng trăm triệu người da đen đã chờ đợi giây phút này hàng thế kỷ nay. Ai cũng sung sướng và hạnh phúc. Đây là lễ nhậm chức Tổng thống trang trọng nhất từ trước tới nay trong lịch sử Hoa Kỳ.
Anh bạn trẻ da đen quay sang tôi, mắt chớp chớp. Anh tỏ ý tiếc bố mẹ anh già quá, không thể ra đây để chứng kiến giây phút lịch sử này. Hai cụ đã sống qua thời bị phân biệt đối xử một cách tàn tệ của người da trắng. Thuở trước không được đến trường nên hai cụ vẫn mù chữ. Đây là trang sử đen tối trong lịch sử nước Mỹ về nạn phân biệt chủng tộc.
Hôm nay Obama đã làm nước Mỹ thay đổi. Với giọng hùng biện hiếm có, ông nói, chúng ta sẽ làm lại nước Mỹ. với những trách nhiệm thời đại mới, và hứa tương lai tốt đẹp cho Hoa Kỳ. Bài phát biểu dài 20 phút kết thúc. Trên màn hình đã thấy lễ duyệt binh. Obama, Michelle và các con theo đội duyệt binh theo đại lộ Pennsylvania về Nhà Trắng.
Còn ông bà Bush-Laura lên máy bay trực thăng ra sân bay Andrew. Tại đây, lên chiếc Air Force One (lúc này không được gọi tên như thế nữa vì ông đã là "nguyên"), để bay về Texas. Họ sẽ sống trong ngôi nhà 3 triệu đô ở Dallas cùng với chú chó Barney. So với mấy ổng hàng xóm như tỷ phú Ross Perot đang sở hữu ngôi nhà 24 triệu đôla hay Mark Cuban có nhà giá 18 triệu đôla, cựu Tổng thống "nghèo" nhất.
"Thay đổi. Vâng, chúng ta có thể"
Ngày lễ đã kết thúc và dân chúng đang lo đường về. Đường chật ních tưởng chừng không thể len chân. Niềm vui qua nhanh, dù lời hứa "Change. Yes, We Can" vẫn còn vang vọng bên tai. Chợt nhớ mấy phút trước, Tông thống mới đã nhắc nhở "Thách thức của nước Mỹ còn rất nhiều, rất nghiêm trọng, và không thể ngày một ngày hai, có thể thay đổi". Ông đã lôi hai triệu người đang mơ mộng trên quảng trường về với thực tại.
Quả đúng thật. Mấy anh chàng bán đồ lưu niệm hình Obama, đã hạ giá từ 4$ xuống 2$, nhưng ít người dừng lại hỏi. Người khác đang hy vọng chiếc xe của mình không dính vé phạt hay bị cẩu đi. Thấy xe rồi lại cầu Chúa đừng tắc đường. Sáng mai phải đi làm sớm. Obama nói sẽ giúp tất cả người nghèo nhưng chắc không thể giúp mình khi bị đuổi việc vì đến sở muộn.
Quay về nhà, dù rất mệt, tôi cố đẩy thùng rác rỗng vào vườn. Hôm nay, người Mỹ tiễn "nguyên Tổng thống" George Bush về Texas. Nhà Trắng chính thức có chủ mới. Tuy vậy, nếu 4 năm tới, người thất nghiệp nhiều hơn, nhà cửa bị ngân hàng phát mại, shopping mall vắng tanh, rất có thể dân chúng vùng Vienna thấy xe của công ty môi trường vào thứ 3 hàng tuần, sẽ cho luôn cả lời hứa "Yes. We Can Change" vào thùng rác. Mọi lời hứa dù hay đến đâu nhưng không thành hiện thực, với người Mỹ không thể chấp nhận được.
Hiệu Minh (Viết từ Washington DC, ngày 20-1-2009)
Lời người viết: Tôi ít khi tham gia đám đông vì ghét lộn xộn. Nhưng hôm nay, Barack Obama "dựng" tôi dậy từ 4 giờ sáng. Mong muốn thay đổi của ông đã thức tỉnh hàng trăm triệu người Mỹ nếu không nói là hàng tỷ dân chúng trên hành tinh.
Sau một ngày thử làm phóng viên bất đắc dĩ, tôi thấy nghề cầm bút rất cần sự kiên nhẫn và dũng cảm. Đứng 8 tiếng dưới trời lạnh thấu xương mới hiểu, để có bức ảnh thời sự cho bạn đọc, không phải dễ dàng. Bỗng thấy cảm phục các anh chị làm báo. Có anh chị lênh đênh trên rốn lũ để mong hàng cứu trợ đến đúng lúc, giúp người hoạn nạn, thậm chí có người đổ máu trên trang viết... Mới hay, để có tâm với nghề làm báo, thách thức quả là không nhỏ chút nào.
Kính chúc Quí độc giả, Tòa soạn và những người cầm bút, năm mới an khang thịnh vượng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top