bao yen

Nhật ký cho một chuyến đi...

" Những trái tim tình nguyện chinh phục những đỉnh cao, những trái tim tình nguyện dệt những ước mơ xa..."

Ngày 15/ 7/ 2008

4h sáng...

13 cái điện thoại trong phòng KTX của 13 đứa con gái đồng loạt đổ chuông réo rắt. 27 tình nguyện viên của đội SVTN Khoa Văn học đã dậy để chuẩn bị cho một chuyến đi đầy thú vị - chuyến đi mà cả đội đã cố gắng thật nhiều và chờ đợi thật nhiều từ những ngày trong năm học còn bận rộn với sách vở và thi cử.

7h kém xe bắt đầu chuyển bánh, âm vang của câu hát thân quen đưa bước chân chúng tôi lên đường: "Chào thành phố ngày mai chúng tôi lên đường, tựa như cánh chim bay về khắp ngàn phương, chào thành phố thân thương, chào từ giã mái trường chúng tôi lên đường xây dựng quê hương...". Đến với Ngọc Sơn - đoạn đường không phải là xa nhưng cuộc hành trình gặp không ít những khó khăn, cuối cùng sau những cố gắng không mệt mỏi bọn mình đã đến nơi. Ấn tượng đầu tiên với Lạc Sơn thật tuyệt. Một vách núi cheo leo dựng đứng, phía trên kia con đường mòn lên bản trông như một sợi dây ngoằn ngoèo vắt ngang qua núi, những đám mây trắng điệu đà ôm ngang dáng núi như từng dải lụa mỏng, một bờ vực thăm thẳm bồng bềnh trong hơi nước, một bản làng mờ trong sương, những con suối róc rách và suối tóc của những cô gái Mường đang gội đầu đổ xuống... Tất cả thêu dệt trước mắt mình như một bức tranh đẹp, yên ả và thơ mộng.

Chính quyền cơ sở đón đội mình bằng niềm vui hiện lên trong ánh mắt, bằng những cái bắt tay thật chặt, bằng điệu múa độc đáo của đất Mường Vang, Mường Vó, bằng những món ăn giản dị, ấm áp mà thân tình. Tuy mệt mỏi sau chuyến đi nhưng bọn mình đã hát như chưa từng được hát, khuôn mặt ai nấy đỏ bừng vì nắng hè chói chang, vì hương rượu cần say mê nồng nàn hay vì sức trẻ, lòng nhiệt huyết của những chiến sĩ áo xanh đang tuôn chảy... Ngọc sơn ơi hãy cùng chúng tôi cố gắng!

Ngày 16/ 7...

Bữa cơm đầu tiên của đội thật đặc biệt, vì chợ quá xa lại không có phương tiện nên ngày đầu tiên bọn mình ăn toàn thực phẩm mang từ Hà Nội lên, nào cá khô, lạc rang muối, nước canh dầm sấu, cơm thì cháy khét do đầu bếp nhà mình chỉ toàn quen nấu bằng nồi cơm điện bé tí, giờ đây là trọng trách nấu cho cả đội gần 30 con người, củi lấy từ trên đồi còn ẩm khói cay xè mắt. Ấy vậy mà bữa cơm ấy vẫn không ngớt tiếng cười giòn tan. Nào ta cùng nhau "Cảm ơn nhà bếp!"

Bọn mình bắt đầu từ công tác dân vận. Đến với từng nhà người dân, họ còn đầy khó khăn. Lòng mình băn khoăn bao giờ người dân ở những vùng núi này mới hết khổ, cái khổ của họ là thiếu điện, thiều nước; không có phương tiện nghe nhìn để tiếp cận thông tin, không biết cách ăn ở cho đúng vệ sinh. Nhưng họ có một tấm lòng thật thà đến cảm động, biết rằng đội mình lên đây phải hoàn toàn tự túc về mọi thứ bà con đã giúp đỡ chia sẻ từng ngọn rau, từng quả bầu, có khi là cả những bắp ngô, quả mít... Ngọc Sơn ơi 15 ngày ta sẽ làm gì đây? 15 ngày nhắn ngủi liệu ta có trải hết lòng mình với đất và người nơi đây?

Ngày 17/ 7...

Đội giáo dục đã ra quân, xây dựng được một cái tủ sách từ những sách báo mà bọn mình quyên góp được từ Hà Nội cho các em học sinh, tập hợp được 2 lớp học với đủ mọi lứa tuổi, vui nhất là có những em đã tốt nghiệp lớp 12 rồi vẫn đến xin học. Đội lao động cũng ra quân cùng với Thanh niên của xã đắp lại con đường từ xóm Bói tới xóm Trung Tâm mà hễ cứ một trận mưa nhỏ thôi là đường ngập nước và lầy lội khiến bà con không thể đi lại được. Mấy ngày này thấy cả đội mệt phờ bởi vừa lạ nước, lạ cái, ăn uống thì thiếu thốn, và bởi tay chân học trò không quen lao động. Thương chị Thanh bị dị ứng nước chân tay cứ mẩn đỏ hết cả lên mà vẫn lao vào công việc không mệt mỏi, thương anh Ninh đội trưởng hốc hác đi vì lo lắng cho lũ em nhỏ lần đầu đi tình nguyện. Nhưng bù lại tất cả, tối nay bọn mình đã có một đêm giao lưu văn nghệ vô cùng ấn tượng với xóm Bói. Khởi và anh em trong đó đã chuẩn bị một sân khấu cực kỳ hoành tráng (Khởi là bí thư chi đoàn, bằng tuổi mình thôi mà đã có con rồi đấy ^_^). Sân khấu được trang trí bằng những tấm vải thổ cẩm dệt tay đẹp hết ý, các cô gái e ấp trong những bộ váy Mường vô cùng duyên dáng. Vinh rùa - BKpro cũng phải thốt lên suýt xoa: "họ có đôi mắt trong veo như những thiên thần". Thế mới biết giờ đây không chỉ có sinh viên khoa Văn mới là thi sĩ. Đêm văn nghệ kết thúc bằng vò rượu cần thơm nức. Mình nhớ đến một câu hát rất hay: "Nhà Rông bập bùng ánh lửa, rượu cần lâu năm cất trong đáy mắt em, anh vít cần mà không dám uống, điệu xoang nhịp nhàng dòng người sóng sánh, anh chỉ sợ mình lạc mất nhau thôi...".

Ngày ... tháng...

Ngày 29/ 7...

Những ngày cuối cùng ở Ngọc Sơn trôi qua nhanh quá. Giờ đây với bà con bọn mình đã rất gắn bó và thân thuộc. Mình thấy lưu luyến nơi đây thật nhiều. Thằng Hào suốt ngày quanh quẩn nơi trụ sở của đội, không đi xách nước cùng hội con trai thì nó giúp các chị chẻ củi, nếu không lại ngồi cùng Hà béo ôm guita mà hát nghêu ngao. Mình biết nó buồn, mình cũng buồn vì sắp phải xa nơi đây. 15 ngày tình nguyện là 15 ngày đầy ắp những kỷ niệm, những tiếng cười, những cái nhìn động viên cố gắng để khắc phục mọi khó khăn thiếu thốn. 15 ngày mình sống trọn vẹn cho tình nguyện và chắc chắn rằng xa núi rừng mình sẽ nhớ lắm. Chợt nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.

Ngày 30/ 8...

2h sáng: Đêm nay - đêm cuối cùng ở Ngọc Sơn thân yêu, mình quyết định dừng trang Nhật ký tình nguyện tại đây. Năm thứ 2 đi tình nguyện mình không còn là lính mới nữa, trách nhiệm nặng nề hơn và càng thấm thía hơn về ý nghĩa của những ngày tình nguyện. Những ngày đã cho mình sống hết lòng với tuổi trẻ, những ngày đã dạy cho mình tình yêu thương đồng đội, sự chia sẻ và bao dung, cho mình biết thế nào là cuộc sống còn nhiều khó khăn và vất vả.

Đêm văn nghệ chia tay thật ấn tượng, ánh lửa trại bập bùng kết nối thêm những vòng tay. Giờ đây bà con và các bạn thanh niên, các em học sinh vẫn ở lại với cả đội, vẫn nắm chặt tay nhau và giọt nước mắt chia tay vẫn lăn dài trên má. Lan ôm mấy đứa trẻ trong vòng tay thủ thỉ: "Về rồi chị nhớ bọn em lắm, nhớ viết thư cho chị nhé". Mình tự hỏi cái gì đã làm nên sự gắn bó thân thiết ấy? Phải chăng là tấm lòng tuổi trẻ, là nhiệt huyết của Mùa hè xanh cháy bỏng.

15 ngày ở đây chưa phải là nhiều nhưng thực sự bọn mình đã làm cho cuộc sống nơi đây như một hồ nước phẳng lặng phải gợn sóng, đặc biệt là các em nhỏ. Đội trở về trả lại cho nơi đây nhịp sống bình thường. Không còn bóng áo xanh trên các nẻo đường bà con có còn nhớ bọn mình không, các em nhỏ có còn nhớ các anh chị tình nguyện không? Còn mình, mình nhớ da diết Ngọc Sơn, cái mảnh đất còn nhiều nghèo khó cao nhất của tỉnh Hòa Bình. Nhớ buổi sáng sương giăng kín ngọn đồi, cái lạnh lẽo thấm vào da thịt khoác áo dài ra ngoài mà vẫn run lẩy bẩy, nhớ cái máng nước cả đội vẫn thường tắm giặt, nhớ cái con dốc dựng đứng mà ngày đầu tiên xe ô tô của đội đã không lên được. Nhớ nương ngô xanh ngút ngàn nhà anh Xiềm, nhớ ruộng lúa nếp nương nồng nàn nhà cô Xị, nhớ vò rượu cần tuyệt vời của xã Tự do, nhớ thác Mu hùng vĩ... Nhớ anh Trường và các anh ở huyện đoàn đã hành quân cùng bọn mình trong nhưng đêm giao lưu văn nghệ. Nhớ từng khuôn mặt thân quen của bạn bè trong 15 ngày cùng làm việc, cùng ăn, cùng ngủ, những người mà giờ đây mình gọi bằng hai tiếng "đồng đội". Nhớ mãi Linh toe (PV Chiến dịch), Vinh rùa (ĐH Bách Khoa), Ngọc thầy bói (ĐH Hải Phòng) những con người đã góp công làm nên một mùa tình nguyện đầy ý nghĩa cho Văn khoa Hà Nội. Sẽ nhớ mãi những ngày ở đây mình đã sống bằng cả trái tim tình nguyện, và hơn thế mình đã được đáp lại bằng cả trái tim mọi người.

Vũ Bảo Yến

SVTN Khoa Văn Học 2008.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top