Phần 1

Một bi kịch vĩ đại.

Bão tố trong lòng biển lặng. (1)

*******
*******

Hãy suy nghĩ kỹ trước khi đọc câu chuyện này, bởi trên đời có những thứ mà một khi bạn đã biết, thì sẽ không thể nào quên được, ví dụ như cách đi xe đạp chẳng hạn, hay cách bơi...và nội dung của câu chuyện này.

Có những câu hỏi mà chỉ một mình bạn mới có thể trả lời. Bởi mọi suy nghĩ của người khác, đều vô nghĩa.

(Câu chuyện có đề cập đến vài vấn đề nhạy cảm và dễ dẫn đến tranh luận, suy nghĩ kỹ trước và sau khi đọc. Cảm ơn.)

Chương này chỉ dùng để giới thiệu bối cảnh. Nội dung chính của truyện xin hẹn lại chương sau.

***---***

Sau khoảng giữa thập niên 80 ở Việt Nam, có khoảng 1 triệu người quyết định đi tìm một nơi mới để sống, chủ yếu là bằng đường biển, họ thường được gọi là các "thuyền nhân". Ngày nay, các thuyền nhân đó chính là thành phần đa số, trong tổ hợp gọi là "Cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại."

Bất kỳ ai trong số họ khi kể lại cái hành trình đi tìm tự do của mình, đều nói, nhớ và nghĩ về nó như một cơn ác mộng đẫm nước mắt. Dù vậy nhưng họ vẫn luôn tự cho là bản thân đã gặp may mắn, là đã có rất nhiều may mắn. Vậy những người không có được cái may mắn đó thì sao ?

Câu chuyện này xin được kể về một người như vậy, một thuyền nhân không tìm được đích đến. Một thân phận người phụ nữ trôi dạt giữa biển người và biển nước mênh mông.

Vượt biên bằng đường biển gần như là một sự chọn bắt buộc của họ lúc bấy giờ, trong bối cảnh của những năm tháng đó, hai chữ tự do, là tự do thật sự. Nó quan trọng hơn nhiều so với khái niệm sống hay chết. Lịch sử đã bị chôn vùi, hay bị tô màu chỉnh sửa, câu chuyện này không cố khơi dậy nó lên để làm gì. Hãy coi đây như một tấm bia tưởng niệm đơn độc, cho một điều đáng để tưởng nhớ đi.

Gửi gắm giấc mơ, cuộc đời, tương lai cho biển rộng.

Đó là một việc rất nguy hiểm, mạo hiểm, liều lĩnh và đầy rủi ro bất trắc, là tấm vé một chiều không nắm chắc điểm đến, hay là liệu sẽ có điểm đến hay không.. có thể nghĩ về nó như một ván bài sinh tử theo nghĩa đen. Bởi vì có rất nhiều, rất nhiều người trong số các 'thuyền nhân' đó đã thất bại, đã thua trong canh bạc cuộc đời của mình. Và nhận một cái kết duy nhất chung cho tất cả, là chết.

Có rất nhiều lý do cho việc họ thất bại :

_ Gặp sóng lớn, gặp bão..chìm tàu.
_ Tàu bị hư, hết nhiên liệu..
_ Gặp cướp biển..
_ Hết thức ăn.
_ Bệnh tật, bệnh dịch.
_ Bị phát hiện, bị bắn chết.
_ Lạc đường.
_ Phát điên.
...

Và còn một lý do nữa, một lý do ít được đề cập đến nhất, ít người biết nhất, và cũng ít người muốn nói ra nhất, là bởi vì nó quá...."không còn tính người ". Đôi lúc ta buộc phải nói, con người, lòng người.. thật quá đáng sợ đi.

Đó là việc các nhà thuyền, các chủ thuyền và thuyền viên, những người nhận cầm lái con tàu chở các 'thuyền nhân' đi. Họ không muốn và không bao giờ nghĩ đến việc đưa tàu đi đến nơi, họ chỉ đơn giản là cho tàu ra giữa biển, rồi giết sạch các hành khách, ném xác xuống biển, dọn dẹp vệ sinh tàu sau khi đã thu gom xong hành lí, tài sản.., rồi quay tàu về để đón lượt hành khách mới.

Văn hóa phương tây có câu chuyện về Charon, người lái đò nơi địa ngục Hades, trên dòng sông Styx, chuyên chở các linh hồn người chết đến nơi phán xét. Còn các nhà thuyền kia, họ chở người sống, chở giấc mơ, khát vọng của người sống, tới điểm đến là đại dương, là bọt biển, là bụng cá. Tôi không muốn dùng đến hai chữ so sánh, nhưng nếu buộc phải so sánh, thì..họ đáng sợ hơn nhiều.

Với những con người đó, những thuyền nhân kia, những người đã bán hết, đổi hết, trả hết tất cả những gì mà mình có, để đổi lấy một tia hy vọng, một con đường sống cho chính mình kia, không biết rằng liệu rằng đến cái phút giây cuối cùng của đời mình, khi nhìn vào mắt và nòng súng của những kẻ mà mình đã đặt trao niềm tin và hy vọng, họ sẽ cảm thấy như thế nào ? Đáng sao ? Vì một mớ hành trang, đáng sao ?

Trước đây hồi đầu thập niên 90 đã từng có vụ án gây xôn xao dư luận một thời, được báo chí giật tít là 'vụ án cái mâm cơm bằng vàng', hay bộ tiểu thuyết 'pho tượng phật bằng đồng đen' có nhắc đến quá trình hay câu chuyện kia. Hoặc gần nhất là có bộ ba truyện ngắn cùng tên 'con nhà tao không ăn củ cải trắng (1)(2)(3)' cũng có đề cập đến. (Tôi sẽ nói sơ qua nội dung ở phần chú thích cuối chương.)

Nhắc lại như vậy chỉ là để bạn đọc có thể hiểu bối cảnh chung đã diễn ra của câu chuyện sau đây.

*

Có đôi vợ chồng trẻ kia, kết hôn được vài tháng thì biến cố xảy ra, người chồng bị bắt đi trại tập trung ở miền bắc theo chính sách cải tạo, một chính sách tin để đi, và chết để về. Người vợ thì ở nhà, giải nghệ nghề ca sỹ, gom góp tiền bạc, cùng với gia đình và những người quen khác, tạo thành một nhóm hơn 20 người, thuê tàu để vượt biển.

Và mất tích, đúng hơn là chết, tất cả.

Sau 5 năm, người chồng ra khỏi trại cải tạo, là vượt ngục chốn ra. Cũng là từng đó thời gian ông mất đi tung tích của gia đình. Ông vượt biên đường bộ qua Lào, băng trong rừng dọc theo đường mòn hạ Lào để tới biên giới Campuchia, rồi ông đóng giả nhiều thân phận tại đó, lính Khơme Đỏ, du kích tự phát, thông dịch viên, giám sát viên liên hiệp quốc, thậm chí là bộ đội Việt Nam.. Để có thể trở lại Sài Gòn tìm kiếm gia đình. Dĩ nhiên là tìm không thấy, rồi sau khi thu thập đủ thông tin cần thiết, ông quyết định sẽ vượt biên theo đường biển để tiếp tục tìm kiếm.

Người bình thường họ có thể, và dễ dàng vào những năm đó, dùng tiền để hối lộ, mua chuộc và tổ chức chuyến đi của mình. Thậm chí nếu bị phát hiện ngay trên vùng hải phận, vẫn có thể dùng tiền để tiếp tục mua chuộc được. Còn ông, thân phận của ông quá đặc biệt, là đứng top hàng đầu trong danh sách truy nã của quốc gia. Không thể chỉ nghĩ cho bản thân, ông không thể chọn cách trà trộn và làm nguy hiểm đến những người khác. Hành trình của ông luôn luôn là đơn độc.

Lần đầu là ông đóng giả thân phận Hoa kiều để di dân theo hướng giải quyết mâu thuẫn của hai nước Việt - Trung năm đó. Giấy tờ được thông qua, kiểm tra giọng nói, ngôn ngữ cũng được thông qua. Nhưng khi tàu rời bến, ông bị phát hiện bởi mật cảnh, buộc phải nhảy xuống tàu, lặn sâu giả chết rồi bơi vào bờ.

Lần hai thì liều lĩnh hơn, là một vụ cướp tàu. Ông thành công với con người nhưng lại thất bại với đại dương. Con tàu lênh đênh và chết máy khi chưa đi được một ngày hải trình. Là nhờ có rất nhiều may mắn, nên ông đã gặp và được một tàu cá đưa ông vào bờ.

Rồi qua hai lần thất bại đó, bốn năm sau ông vượt biên thành công, là đi đường bộ từ Việt Nam băng qua vài nước để đến Thái Lan, rồi lên tàu từ eo biển Thái Lan đến Indo, rồi đến Hong Kong, rồi may mắn nhờ khả năng đa dạng ngôn ngữ, ông được chọn để theo tổ chức cứu trợ quốc tế và đến được Hoa Kỳ. Cả hành trình đó làm ông mất thêm ba năm.

Sau 5 năm ở Hoa Kỳ, liên lạc với mọi nguồn tin có thể, khi đã tìm hiểu đủ để chắc chắn về số phận của gia đình mình, ông làm một việc mà rất ít, thậm chí là không có ai làm vào lúc bấy giờ, đó chính là 'vượt biên ngược' trở lại Việt Nam.

Lần này thì dễ hơn, đơn giản là đi máy bay từ Mỹ đến Băng Cốc, rồi đi đường bộ qua Campuchia, cuối cùng là băng rừng để đặt chân vào biên giới Việt Nam. Nếu phải tìm một lý do cho lần trở lại đó, thì cứ coi như là ông có sứ mệnh muốn hoàn thành đi. Những năm đó, thế giới không biết được thật sự chuyện gì đang diễn ra ở bán đảo Đông Dương, diễn biến hòa hợp dân tộc ở Việt Nam, diệt chủng ở Campuchia, Trung cộng tràn vào Hà Nội, cái kết nào cho những người trong trại cải tạo, người Hmong và quân đội quốc tế ở thượng Lào, hạ Lào, làng cờ đỏ và làng cờ vàng trong cùng một tỉnh lỵ Campuchia.. Thậm chí đến ngay những người đang sống tại nơi đó còn không được biết cho rõ ràng.

Công việc của ông là giúp cho thế giới biết được điều đó, là biết được sự thật chân chính đang diễn ra, chứ không phải sự thật trong ngoại giao hay đối ngoại. Có thể nói thế này, ông là phóng viên quốc tế mang quốc tịch Việt, đầu tiên và duy nhất hoạt động tự do và bí mật ở Việt Nam trong thời gian hậu chiến đó.

Ngoại trừ khoản tài trợ ban đầu trong lần vượt biên ngược, mọi thu nhập sau này của ông đều được chuyển vào các trại tỵ nạn người Việt dưới danh nghĩa nhà hảo tâm dấu tên. Rồi về sau thì được dùng để đóng góp vào tổ chức nhân đạo Hoa Hướng Dương, tổ chức được thành lập với mục đích giải cứu cho phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị bắt làm nô lệ tình dục hoặc nô lệ lao động nơi biên giới. Mà thành quả chính là ở các ngôi làng người Việt chỉ có phụ nữ ở biên giới ba nước hiện nay. Những bé gái, những đứa nhỏ không cha năm đó, bây giờ đều đã lớn, đã trưởng thành, và ít nhiều có được thành công trong cuộc sống. Đó là một việc làm tốt đẹp, và đáng tự hào.

Và trên con đường để thực hiện cái sứ mệnh đó, ông vẫn chưa bao giờ từ bỏ cái mong muốn tìm được tung tích của gia đình mình, ít nhất là mong có thể tìm được một ngày giỗ chung cho cả nhà.

Để rồi đến một ngày, chính xác là giữa tháng 1 năm 1989, tức là đã trải qua 14 năm kể khi ông nghe được tin tức cuối cùng của gia đình. Ông lại tìm thấy một thông tin mới, chính là về vài món nữ trang, kỷ vật mà chắc chắn là thuộc về gia đình của ông.

Chính ông đã tự tay vẽ lại từng món mà ông nhớ, rồi đưa cho những người bạn mà ông tin tưởng, để rồi một trong số họ đã thay ông tìm thấy. Nó đến từ một thành phố biển, cụ thể là từ một làng chài trong thành phố đó.

Chỉ mất vài ngày, bằng nghiệp vụ đã được đào tạo và trui rèn của mình, ông đã nắm hầu hết thông tin cần biết về mọi chuyện đã xảy ra năm đó.

*

Thuyền nhỏ, ngoài hơn 20 hành khách, thì chính là có thêm 1 thuyền trưởng và 4 thuyền viên.

Ba thuyền viên kia được xác nhận là đã chết, là bị thuyền trưởng và con trai, chính là thuyền viên còn lại, giải quyết nội bộ sau chuyến đi cuối cùng. Thông tin trên là đến từ những lời đồn đãi xung quanh, và được xác minh trực tiếp từ chính miệng của người con trai kia, trong vài phút trước khi hắn chết.

Đứa con chết vào buổi chiều trong nhà riêng tại trung tâm thành phố, giữa một khu chợ đông đúc, tại khu nhà trọ mà vợ hắn đang bán hàng ngay bên dưới, một cái chết đến từ từ và chậm rãi, và rất dễ để nhận định rằng xuất phát từ nguyên nhân tự nhiên.

Và mấy tiếng sau, khi trời tối vừa tối, thuyền trưởng - cha của hắn cũng đã chết, là ngay trong nhà của mình tại khu làng chài, khi vừa mới rời khỏi ghế bành để mở cửa, khi vẫn còn đang cởi trần và cầm chai rượu trên tay, lần này cái chết đến rất nhanh, và nhiều máu, không có vật chứng ngoại trừ viên đạn trong não.

Và bây giờ là lúc câu chuyện bắt đầu.

Có một việc mà dù bản thân ông ấy, chính là kẻ đang báo thù kia, cũng là một người cầm bút, nhưng lại không thể nào có thể tưởng tượng ra được, dù hằng đêm ông nghĩ về nó đến khi mệt mỏi, và bắt buộc phải chìm vào giấc ngủ nặng nề của mình, thậm chí là trong mơ, cũng chưa từng mơ thấy.

Đó là về số phận người vợ của ông.

Đây là một trong số những ví dụ hiếm hoi, về việc cuộc đời đôi lúc còn bi kịch và khó tin hơn cả tiểu thuyết.

**

Năm đó, bọn họ giữ người phụ nữ kia lại, đó là một truyền thống, giết hết đàn ông, người già, trẻ nhỏ trước. Giữ lại phụ nữ để cưỡng hiếp xong rồi mới giết. Hình như bọn cướp cạn, cướp rừng, cướp biển.. Chúng đều có chung truyền thống như vậy, là truyền thống của những con thú đội lốt người.

Vấn đề là người phụ nữ kia quá đẹp, là quá đẹp, đẹp thanh khiết, đẹp đến mức phi thường đẹp, đến bây giờ vẫn còn vài tấm ảnh trắng đen, hoặc ảnh màu nhưng đã bị phai màu, chụp cô ấy trong những năm tháng khi còn đứng trên sân khấu. Chỉ là chụp tùy hứng, nhưng không khác gì một tấm ảnh được chọn để làm bìa đĩa.

Năm đó cô ấy chỉ mới mười mấy tuổi, là mặt áo dài trắng để trình diễn. Và một tấm rõ nét nhất là chụp vào ngày cưới, khi người chồng đàn còn vợ thì hát, chụp ngay khoảng khắc cả hai đang nhìn nhau. Bất kỳ ai sau khi nhìn vào tấm hình, sẽ đều cảm thấy ấm lòng và ghen tị, bởi hai người kia quá đẹp đôi, và quá hạnh phúc.

Chính vì cái nhan sắc quá hơn người kia. Là hồng nhan..

Cho nên thuyền trưởng mới quyết định giữ cô ấy lại làm của riêng cho mình, cho cô quyền quyết định, là chọn sống hay chết.

Cô chọn sống, không nói ra miệng nhưng sự run rẩy của cô ấy coi như đáp án. Năm đó cô mới 19 tuổi.

Hãy nhớ là lúc đó cô ấy, đang ngồi trên bãi máu lõm bõm nơi sàn tàu, và nghe những tiếng 'tõm, tõm' chính là tiếng xác người bị đạp, bị quăng xuống biển. Là cái lúc mà giấc mơ tự do, mục đích sống của cô ấy vỡ tan bởi cái gọi là lòng tham con người.

Cô trở thành vợ của thuyền trưởng, có cưới hỏi hợp pháp, trong một đám cưới không có đại diện nhà gái, cũng không có rước dâu hay hoa hồng, chỉ có thịt, hải sản.. và rất nhiều rượu.

(Đã từng nghe về những người phụ nữ bị bắt đi theo quân đội để làm công cụ giải trí chưa, sau khi phải chứng kiến cả làng bị đốt và giết ? Nếu họ còn sống để kể lại câu chuyện, thì đừng hỏi vì sao cô gái 19 tuổi kia chưa chọn cái chết. Đơn giản là vì bạn không có quyền hỏi câu đó, bạn không phải là họ, hay là cô ấy. Và cũng đừng hỏi vì sao cô ấy không bỏ chốn, bởi một khi đã biết thế nào là sự cô độc thật sự, là bất hạnh, là nỗi đau thật sự, thì sẽ thấy cả thế gian này không khác gì một nhà tù).

Mà nói thật, bất kỳ ai sống trong cuộc đời này thì cũng luôn có rất nhiều câu hỏi, nhưng đáp án thì chẳng nhiều đến mức đó đâu. Bởi vậy mới có câu nói, " nếu đời đã là bể khổ, thì cứ nhắm mắt mà bước đi, bởi đi tới đâu thì cũng đâu có khác gì nhau, ít nhất khi mắt nhắm lại rồi, sẽ không thấy cay vì nước mắt. "

Cô ấy chỉ mới mười chín tuổi thôi mà, là cái tuổi mà thanh xuân hay giấc mơ chỉ mới bắt đầu, để rồi chết trên cái sàn tàu đẫm máu đó.

*

Chồng già vợ trẻ. Danh phận cũng rõ ràng.

Tiền bạc, vàng, trang sức hắn cướp được, đều đưa hết cho cô. Một thời gian sau, trong chuyến đi cuối cùng, hắn đánh chìm thuyền cùng với xác của ba thuyền viên ở trong, rồi cùng với con trai tự bơi vào bờ. Dự định rằng sẽ sống sung túc cùng số của cải kiếm được.

Đứa con trai được chia phần, ra riêng, lấy vợ, có gia đình, kiếm được nhà gần chợ, rồi khai ra, rồi chết.

Còn tên thuyền trưởng, hắn cờ bạc, và thua rất nhanh, những món trang sức được tìm thấy kia là những thứ cuối cùng bị bán đi, từ rất nhiều năm trước.

Nhà hết tiền, không có thuyền, cũng không chịu vác cái thân già đi làm, hắn nảy ra một ý định tốt hơn, chính là để cô vợ trẻ của mình đi làm gái điếm, những tên đánh bạc chung chính là ma cô cũng như là những vị khách mở hàng đầu tiên. Chúng thử hàng ngay trong nhà hắn, trên cái giường của hai vợ chồng hắn.

Đã ai từng thấy một cái xác không có linh hồn chưa ? Người phụ nữ kia, nằm đó, không một tiếng la hay gào thét. Khi bọn chúng xong việc, cô chỉ đơn giản là trần trụi đi vào nhà tắm, xối nước lên người mình, thậm chí còn mỉm cười với tên chồng già nữa.

Tính tới thời điểm đứng dậy bước ra mở cửa để rồi chết, thì tên thuyền trưởng đã sống bằng tiền bán thân của cô ấy được sáu năm. Sống dư dả thoải mái, rủng rỉnh tiền để bài bạc, vợ hắn đẹp mà, là mặt hàng bán chạy. Chỉ cần thỉnh thoảng tát vài bợp tai, và chung chi đều cho lũ bảo kê là ổn.

*

Buổi chiều tối đó, người vợ, là của cả hung thủ và nạn nhân, sau 14 năm, đã 33 tuổi, đang ngồi trong phòng ngủ, trước bàn trang điểm, dậm lại phấn để chuẩn bị cho buổi làm ca đêm. Nghe tiếng động rồi bước ra, rồi bật khóc.

***
***

Đây là câu hỏi mà chỉ bạn mới có thể trả lời.

Cô ấy khóc vì cái gì ? Vì người đang nằm hay vì người đang đứng ? Là vì máu hay vì khói từ nòng súng ? Cô ấy nghĩ gì ? Là vui hay buồn ?

Và người đàn ông kia, sau 14 năm gặp lại vợ của mình, ông ấy hạnh phúc hay đau khổ ? Hay là có nhận ra được vợ của mình, người đến trong giấc ngủ trằn trọc mỗi đêm của mình hay không ? Nhận ra rồi, thì có nhận lại không ?

Rồi ông ta, một con người với những thăng trầm và tố chất đó, sẽ có quyết định gì ?

Người phụ nữ vừa mới trang điểm xong kia nữa, chuyện gì sẽ xảy ra với hai người đây ?

Cho dù không muốn trả lời, thì hãy cứ thử nghĩ về nó đi. Khi đã ra đáp án của bản thân mình rồi, thì mặc kệ nó như thế nào. Cứ giữ nó cho riêng mình. Để rồi sau này khi phải nghĩ hay ra quyết định về những chuyện khác trong cuộc sống, sẽ thấy nó dễ dàng hơn một chút. Bởi làm gì còn có câu hỏi nào khó khăn hơn nữa chứ ?

Thân ái.!

***

Trương Lang Vương.

*****
*****

"Vụ án cái mâm bằng vàng": Ông nội làm cướp biển, tiền vàng có được đem đúc thành bộ đồ cúng với cái mâm bằng vàng, xi màu bên ngoài cho hoen ố để giả thành đồ đồng. Khi đứng cháu đem cái mâm đi bán phế liệu thì người ông tức hộc máu chết.

*

Còn bộ tiểu thuyết "Pho tượng phật bằng đồng đen ": vượt biên nhưng không đủ tiền, lừa thuyền trưởng rằng bản thân có cái pho tượng quý, bằng đồng đen, nếu đến nơi thành công thì sẽ dùng để trả như lộ phí. Tới giữa biển khi thuyền trưởng quyết định giết người cướp của thì người hành khách kia đã chống cự thành công. Cướp được tàu, một mình một tàu.

Suy nghĩ một hồi thì quyết định lái tàu về đất liền, đóng giả làm thuyền trưởng để cướp của những thuyền nhân khác. Chung quy cũng chỉ là vì tiền.

Cho đến một ngày thì quá khứ lặp lại, gặp một vị hành khách kia, cũng nói là bản thân có một pho tượng phật bằng đồng đen. Để rồi..

*

Còn ba truyện ngắn "con nhà ta không ăn củ cải trắng " thì chưa liên hệ được với tác giả, nếu xin phép được thì cũng sẽ gửi link sau. Cần phải tôn trọng tác quyền.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top