7. Lại một người chết
Cô nói với giọng có chừng mực, không nóng giận, không gay gắt. Không phải một bản buộc tội mà chỉ là tóm tắt một cuộc phiêu lưu mà cô đã không làm nặng nề thêm vì một bình luận hoặc nhận xét tâm lý nào về tính chất của Férôme Helmas.
- Férôme, nạn nhân đầu tiên là mẹ anh. Đừng chối cãi, anh đã hầu như thú nhận với tôi điều đó. Bà chết vì lỗi lầm của anh, những lỗi lầm mà xung quanh không ai biết vì bà giấu diếm, vì sự lo âu của người mẹ... Chữ ký giả, séc không có tiền, những việc thiếu tế nhị... Không người nào biết vì bà đã trả, cho đến phá sản... cho đến chết. Chúng ta không nói đến nữa.
- Tốt hơn đấy ! Anh ta vừa nói vừa cười - Nhưng anh báo trước, nếu toàn bộ câu chuyện của em theo cách đó thì em chỉ mất thì giờ thôi.
Cô tiếp tục:
- Những gì xảy đến với anh những năm sau đó tôi không rõ. Anh sống ở tỉnh lẻ hoặc nước ngoài. Tuy nhiên tình cờ anh gặp Elisabeth, anh lại tới ở nhà anh tại Vésinet, thường xuyên lui tới biệt thự Clématites. Lúc đó anh có ý nghĩ...
- Ý nghĩ thế nào ?
- Cưới Elisabeth, ý nghĩ còn mơ hồ vì số hồi môn của chị ấy không đủ cho tham vọng của anh nhưng rồi ý nghĩ ấy bám riết sau khi Elisabeth thiếu khôn ngoan đã tâm sự.
- Thực tế là việc gì ?
- Chị ấy lộ ra với anh một ngày nào đó hồi môn của chị ấy sẽ tăng thêm một khoản lớn do người bà con của mẹ để lại cho.
- Hoàn toàn bịa đặt - Férôme cãi - Tôi chưa bao giờ biết điều đó.
- Anh chối làm gì ? Nhật ký của Elisabeth đã ghi rõ ràng điều đó. Nhật ký này tôi chưa bao giờ đưa cho anh xem và do linh cảm đề phòng tôi đã trao đổi với những người khác. Vậy là tin chắc vào số tiên đó, biết người bà con ấy đau yếu anh trở nên vồ vập yêu Elisabeth và chị ấy nhận lời cầu hôn của anh. Elisabeth rất hạnh phúc; anh cũng thế, ít nhất đã thể hiện ra vẻ thế. Trong lúc đó anh thăm dò.
-Về điều gì ?
- Về lý do thừa kế gia tài đó. Anh tìm tòi trong quá khứ, dò hỏi khắp nơi - đừng nói không vì người ta nói lại với tôi nhiều - anh thu thập những lời ngồi lê đôi mách và biết người bố chúng tôi và người bà con ấy có sự bất hoà, đánh nhau, bê bối... Thời kỳ ấy những kẻ độc miệng đã cho rằng Elisabeth là con gái của Georges Dugrival. Tôi nói tên vì đó chỉ là một vu khống bỉ ổi.
- Đúng là một sự vu khống.
- Bất kể, anh cần thiết. Anh muốn chắc chắn về dự định của Georges Dugrival nên trong lúc Elisabeth đau yếu ở nhà, anh đi điều tra ở Caen. Một đêm không biết bằng cách nào anh lọt vào chính phòng của Georges Dugrival, mở tủ đọc bản di chúc viết đã mười năm, biết rõ Elisabeth không được nhận gì mà người hưởng thừa kế là tôi. Từ đó Elisabeth bị kết tội chết.
Férôme ngẩng đầu lên.
- Nếu trong lời kể của em có một điều nhỏ đúng sự thật, tại sao Elisabeth bị kết tội chết ? Tôi cắt đứt cũng đủ.
- Làm sao tôi có thể lấy anh nếu anh cắt đứt với chị ấy ? Việc cắt đứt, phản bội làm mất hết mọi hy vọng đối với anh. Khoản thừa kế sẽ tan biến. Thế là anh loay hoay và thời gian trôi qua, anh hình dung ra một kế hoạch quỷ quái, kế hoạch hèn hạ và ích kỷ. Giết người, một giải pháp kinh khủng và rất nguy hiểm ! Anh có cần giết người để đạt mục đích không ? Không, nhưng tranh thủ thời gian, ngăn chặn đám cưới bằng những biện pháp lén lút, không thấy được, có thể nói là vô danh. Elisabeth đang đau yếu, sẽ lại đau nặng, có thể nguy hiểm, đám cưới sẽ không thành, sẽ được dần dần tự do và một ngày nào đó có thể quay lại với tôi mà không cần cắt đứt hoặc ám sát. Có lẽ sẽ có cái chết nhưng chết vì tai nạn mà anh không chịu trách nhiệm. Như vậy, anh đã làm trong bóng tối. Chắc ý nghĩ ấy sẽ không đi đến đích, tình cờ mang lại lợi ích cho anh nhưng anh vẫn xúc tiến, cưa hai cột chống, phá dần những bậc thang hàng ngày Elisabeth đi xuống vào giờ ấy.
Rolande kiệt sức, giọng nói đã khó nghe. Cô tạm nghỉ.
Trước mặt cô, Férôme rõ ràng giả vờ vô tư và mỉa mai toàn bộ câu chuyện anh buộc phải chịu đựng.
Félicien quan sát mọi cử chỉ nhỏ của anh ta.
Phía sau cánh cửa, Raoul d' Avemy háo hức nhìn và lắng nghe. Lời kết tội diễn ra theo lô - gíc không thương xót. Chỉ một điểm chưa rõ: Rolande không giải thích gì về lý do cô là người thừa kế ngẫu nhiên của Georges Dugrival chứ không phải Elisabeth. Nhưng những lý do ấy, cho là cô cảm nhận được, phải chăng cô phải nói và làm như không biết ?
Rolande lại nói tiếp:
- Chắc chắn vụ giết người ấy lúc đầu làm anh rối trí. Anh sợ hãi và thậm chí thất vọng nhưng việc tìm thấy chiếc túi vải xám gần xác Barthélemy làm anh bình tĩnh lại.
Trong buổi chiều rối loạn, giữa nhiều người đi lại, anh nhặt được chiếc túi và giấu đâu đó, có lẽ trong phòng làm việc. Nhưng có một người thấy anh nhặt, đấy là Simon Lorient lẫn trong những người vào biệt thự Clématites, theo dõi anh và ban đêm đi theo tấn công anh. Hai người đánh nhau ngay chỗ sáng hôm sau người ta thấy anh ta bị thương sắp chết. Anh cũng bị thương nhưng còn tránh xa ra được. Đấy là vụ giết người thứ hai của anh trong ngày.
- Bây giờ đến vụ thứ ba - Férôme nói đùa.
- Vụ ấy anh đã chuẩn bị ngay. Phải tránh mọi nghi ngờ và hướng về một người khác, về ai ? Tình cờ anh gặp dịp. Félicien đi thuyền qua hồ, đến gặp và an ủi tôi. Anh ấy ở bên tôi hai tiếng đồng hồ và khi ra về, lên bờ có người nhìn thấy và nhận ra anh ấy ở chỗ ngõ cụt. Đúng vào giờ anh ở Clématites đi ra, Simon Lorient đang đi theo. Người ta hỏi việc ấy, anh trả lời ra sao ? "Kẻ tấn công tôi nhảy ra từ ngõ cụt." Như vậy việc điều tra nhằm vào Félicien; anh ấy không tự bảo vệ và không muốn tự bảo vệ. Chỉ có thể giải thích việc mình có mặt quanh hồ bằng cách nói rõ tôi đã tiếp anh trong phòng, nên anh đã chối, khẳng định mình ở nguyên trong nhà và bị bắt.
Thế là mảnh đất được dọn sạch trước mặt anh. Nhưng... nhưng tôi bắt đầu suy nghĩ...
Cô lặp lại, không nghe rõ, những lời nói hổn hển:
- Đúng, tôi suy nghĩ... Không ngớt suy nghĩ... Bị ám ảnh từng phút. Ở nghĩa trang, tay đưa về phía quan tài, tôi thề với Elisabeth sẽ trả thù cho chị... Tôi thề suốt đời dành cho việc đó, hy sinh tất cả vì việc đó. Và vì thế ngay lập tức tôi hy sinh Félicien... Ông d' Avemy nói với tôi: "Cô hãy nhìn xung quanh mình.... Đừng lùi bước trước một lời buộc tội nào..." Xung quanh tôi ? Chỉ có Félicien và anh. Félicien không phải thủ phạm, không có lý do gì để giết Elisabeth, tôi phải nghĩ đến anh chăng, Férôme ?... Chăm chú đọc nhật ký của Elisabeth, tôi bỗng lưu ý. Trong lúc chị ấy đi tìm thuyền dạo chơi hàng ngày với anh, anh có vẻ suy tư, khó chịu. Anh than phiền chưa có vị trí, lo lắng về tương lai và người chị khốn khổ của tôi phải khuyến khích anh bằng triển vọng thừa kế... Tôi chưa nghi ngờ gì... nhưng không tin tất cả mọi người, kể cả ông d' Avemy, người đã phát hiện những bậc thang bị phá hỏng từ trước. Tôi không nói với ai. Toàn bộ vụ Simon Lorient, Barthélemy, tôi không quan tâm đến. Khi anh ở bệnh viện ra dưỡng bệnh bên cạnh tôi, chúng ta đã im lặng. Tôi không nghĩ đến việc hỏi anh, nghi ngờ anh... Không một cảm nhận, một ý xấu về anh. Nhưng một hôm...
Rolande bình tĩnh lại, tới gần Férôme một ít:
- Một hôm chúng ta ngồi gần bên nhau đọc sách trên thảm cỏ. Lúc năm giờ ra về, anh cầm tay tôi từ biệt. Nhưng bàn tay ấy anh nắm giữ hơi lâu. Đấy không phải là một cử chỉ bạn bè cũng không phải vì nhớ đến Elisabeth. Không, có vấn đề khác, cái nắm tay của một người đàn ông tìm cách thổ lộ tình cảm kín đáo. Gần như một lời thú nhận đồng thời là kêu gọi. Férôme, thật thiếu khôn ngoan ! Cử chỉ ấy phải chờ một, hai năm sau mới nên thử nghiệm. Nhưng chỉ mới một tháng ! Từ ngày ấy tôi đã xác định. Nếu xung quanh tôi trong tình thân mật có một tội phạm thì phải là người đàn ông, chồng chưa cưới của Elisabeth vừa chết một tháng, quay sang với em gái của Elisabeth. Vẫn là bí ẩn hoàn toàn nhưng bí ẩn nằm trong anh, trong tâm hồn anh, những gì anh biết, anh muốn. Tôi không còn suy nghĩ nữa mà liên tục quan sát anh và hình dung những sự kiện liên quan đến hai chúng ta và Elisabeth như anh đã là thủ phạm. Tôi làm sâu hơn. Để đưa anh vào bẫy, để anh tin tưởng, tôi tiếp nhận tình yêu anh tỏ ra với tôi. Anh đã có thể nghĩ tôi cũng cảm thấy yêu và cuối cùng anh yêu tôi thực sự, từ đó anh mất hết sáng suốt.
Cô hạ thấp giọng:
- Phải ! Anh thấy không, cuộc sống của tôi tuy rất bi thảm nhưng từng ngày dần dần tôi lấy lại sức lực qua niềm tin đã choán lấy tôi. Bây giờ tôi chắc chắn trả thù được cho Elisabeth. Và tôi sợ người ta đoán được điều bí mật của tôi ! Tôi giữ chặt nó trong người như một kho báu. Thậm chí lúc đầu tôi từ chối gặp Félicien lúc anh ra tù, để anh nghĩ tôi đã phản bội anh ấy và Elisabeth. Chỉ sau khi biết anh muốn tự sát tôi mới hoảng hồn, một đêm đến gặp anh ấy nói rõ mọi chuyện. Rồi khi Faustine tâm sự với tôi, thổ lộ nỗi căm hờn và dự định báo thù, tôi trao đổi những nghi ngờ về người đã giết người yêu của nàng. Nghi ngờ ư ? Tôi phải nói là chắc chắn. Bao nhiêu bằng chứng do chúng tôi làm lạc hướng ! Anh sống ngay trong nhà nạn nhân của anh, dạo chơi trong vườn, trước những bậc thang anh đã phá hỏng và anh ve vãn tôi, em gái chị tôi, nói với tôi những lời đã nói với chị cách đấy mấy tuần. Chà, đồ vô lại, làm sao anh có thể...
Một lần nữa, giận dữ sắp nổ ra thì Rolande lấy lại tự chủ, tiếp tục:
- Anh rất thâm hiểm nhưng ngược lại, không cảm nhận được sự phối hợp của chúng tôi. Chúng tôi đề phòng bao nhiêu ! Do anh ghen với Félicien mà anh thấy săn đón tôi từ những ngày đầu, sau đó thấy Félicien và Faustine không rời nhau ra nên anh không lo ngại nữa và tiếp tục công việc chống Félicien, gửi các thư nặc danh vứt ở chỗ đánh nhau với Simon Lorient, vứt chiếc khăn tay đẫm máu trong vườn, chiếc khăn cùng loại với khăn của Félicien. Nhưng tất cả những cái đó phải chăng là chứng cứ tôi cần ? Cuối cùng tôi gặp may. Một hôm Georges Dugrival đến gặp tôi và hôm ấy anh không có mặt ở Clématites.
Férôme giật mình và không cố giấu bối rối. Lo âu làm mặt anh ta nhăn nhó.
- Đúng - Cô khẳng định - ông đến thăm tôi. Lúc đầu tôi từ chối gặp mặt, vì biết rằng trước đây giữa bố tôi và ông có xảy ra cãi cọ. Nhưng ông cố nài, với những lời nghiêm trọng. Tôi tiếp ông trong phòng này; ông kể với tôi về tình thương yêu rất thân mật và kính trọng đối với mẹ tôi trước đây. Rồi bỗng ông thổ lộ nguyên nhân thực sự của chuyến thăm:
"Rolande - ông nói - gần đây bác đau yếu, chiếc tủ trong phòng bác bị phá khoá. Tờ di chúc bác để cháu thừa kế một phần tài sản bị mở xem và người ta lấy trộm trong hộp nữ trang một chiếc nhẫn kim cương làm thành đôi với một chiếc khác. Sau đó bạn bè ở Vésinet báo cho bác biết lễ thành hôn của cháu và nói về người chồng chưa cưới của cháu, Férôme Helmas, những tin tức rất xấu. Rolande, bác thấy cần phải trao đổi trước với cháu...
Tôi có cần nói với anh nhiều hơn nữa về cuộc nói chuyện của chúng tôi không, Férôme ? Tôi khẩn cầu ông xóa bỏ di chúc vì tôi không có lý do gì làm người thừa kế của ông nhưng tôi nhận những vật trang sức ông tặng. Chúng tôi thoả thuận với nhau Félicien sẽ đến Caen. Đề phòng ông bị bệnh trầm trọng hơn, Georges Dugrival để lại cho tôi những chìa khoá cần thiết để Félicien có thể vào nhà không ai thấy và mở tủ két có hộp đựng nữ trang. Sự việc xảy ra như thế, mở tủ két và hộp nữ trang bây giờ có đây, trong ngăn kéo. Hộp đựng một chiếc nhẫn kim cương giống như chiếc nhẫn bị lấy trộm và do đó tôi có thể hành động. Nếu chiếc nhẫn anh bảo của mẹ anh cho và anh tặng tôi ngày cưới giống chiếc đang có trong hộp nữ trang thì chính anh đã lấy trộm làm quà cưới và anh là kẻ đã giết Elisabeth và Simon Lorient. Để có chứng cứ ấy tôi phải làm lễ thành hôn với anh.
Félicien phản đối, thậm chí dùng sức mạnh bắt cóc tôi. Trở ngại vô ích. Việc gì cần, phải làm. Và sáng nay anh tặng tôi chiếc nhẫn. Anh có hiểu, tuy đã tin chắc và căm hận, tôi vẫn cảm thấy đau lòng khi thấy nó - hai chiếc nhẫn giống hệt nhau, cùng vòng nhẫn, cùng kim cương ấy - chứng cứ không chối cãi được về tội ác của anh ? Bây giờ anh hiểu chứ, đồ khốn nạn, anh hiểu chứ ?...
Giọng nói của Rolande càng cay đắng. Cô run lên vì khinh ghét và hận thù. Toàn thân cô thể hiện sự đe doạ và chửi rủa.
Nhưng đe doạ, chửi rủa có ích gì ? Cô bỗng nhận ra Férôme không lắng nghe. Anh ta nhìn xuống đất, đôi mắt ngơ ngác; người ta cảm thấy bị xiết chặt trong màng lưới kết tội, xấu hổ, thấy sự việc bị đưa ra ánh sáng và bản thân bị lột mặt nạ, anh ta không tự bào chữa nữa.
Ngẩng đầu lên, anh lẩm bẩm:
- Rồi sao đây ?
-Sao ?
- Ý định của cô ? Cô kết tội tôi, được rồi nhưng rồi có tố cáo tôi không ?
- Có, bức thư đã viết.
- Gửi đi chưa ?
- Chưa.
- Bao giờ gửi ?
- Trong buổi chiều.
- Buổi chiều ? Đúng - Anh ta cay đắng nói - hãy để cho tôi có thì giờ trốn ra nước ngoài.
Sau một lúc anh ta biện bác:
- Tại sao phải tố cáo tôi ? Cô nghĩ đuổi tôi ra khỏi cuộc sống của cô không đủ là một sự trả thù rồi ư ? Có cần phải làm tôi yêu cô để thêm vào nỗi thất vọng của tôi ?
- Còn Félicien, phải chăng anh ấy đang bị nghi ngờ, săn đuổi ? Làm sao cứu được anh ấy, một người vô tội, nếu tội phạm không bị tố cáo ? Và rồi tôi muốn có một bảo đảm... chắc chắn anh sẽ không trở lại... rằng mọi việc thật sự kết thúc hẳn... Do vậy bức thư sẽ đưa tới pháp luật.
Cô ngập ngừng rồi lại nói:
- Bức thư sẽ được nộp... hoặc ít nhất cũng...
- Ít nhất cũng thế nào ? - Férôme hỏi.
- Trên bàn có giấy bút đấy - Rolande tuyên bố - Anh hãy ngồi viết thú nhận anh là thủ phạm độc nhất, thủ phạm giết Elisabeth, Simon Lorient, thủ phạm chống Félicien Charles mà anh đã vu khống... và ký tên.
Anh ta suy nghĩ lâu. Khuôn mặt chỉ thể hiện nỗi đau khổ vô cùng. Anh lẩm bẩm:
- Đấu tranh để làm gì ? Tôi quá mệt mỏi. Rolande, cô nói đúng. Làm sao tôi có thể chơi một trò như thế ? Tôi đã hầu như tin chắc rốt cuộc Elisabeth chết không phải lỗi của tôi và tôi đánh Simon Lorient để tự vệ. Thật hèn hạ ! Nhưng cô thấy không, càng yêu cô tôi càng sợ hãi về điều tôi đã làm...Cô không biết đâu... Tôi đã thay đổi dần dần... và cô đã cứu tôi thoát ra khỏi chính mình... Chúng ta không nói đến nữa... Tất cả những điều ấy đã là quá khứ...
Anh ta ngồi vào bàn, cầm bút viết. Rolande đọc qua đầu anh. Anh ký tên rồi nói:
- Đúng như ý cô muốn chứ ?
- Được.
Anh ta đứng dậy. Tất cả kết thúc hẳn như Rolande mong muốn. Anh nhìn người nọ rồi người kia, chờ đợi gì ? Một lời từ biệt ? Một lời tha thứ ?
Rolande và Félicien không động đậy, giữ im lặng.
Thế là vào phút cuối, anh ta giật mình nổi giận và ghê tởm. Nhưng anh tự dằn lòng và ra đi.
Họ thấy anh ta vào phòng - gian phòng cưới - chắc để lấy một số đồ đạc. Mấy phút sau anh xuống thang. Cửa tiền sảnh mở ra, không có tiếng động, và đóng lại. Anh ta đi xa dần...
Khi hai người trẻ tuổi còn lại với nhau, họ nắm lấy tay nhau, mắt thấm ướt.
Félicien ôm, hôn lên trán Rolande như người ta hôn người vợ chưa cưới được tôn trọng nhất.
Cô mỉm cười nói:
- Đêm tân hôn của chúng ta, đúng không Félicien ? Chúng ta là vợ chồng chưa cưới, anh ở nhà anh, em trong ngôi nhà này.
- Với hai điều kiện, Rolande. Trước hết anh ở lại bên em một hoặc hai tiếng để chắc chắn anh ta không trở lại.
- Điều kiện khác ?
- Hai vợ chồng chưa cưới có quyền ôm hôn nhau, ít nhất cũng một lần.
Cô đỏ mặt, nhìn về phòng mình rồi thẹn thùng nói:
- Được, nhưng không phải ở đây... xuống dưới kia, chỗ phòng làm việc mà lần đầu em thú nhận tình yêu bằng một bản nhạc.
Cô bỏ tờ giấy Férôme viết vào chiếc hộp đựng nữ trang rồi hai người đi xuống.
Gần như ngay sau đó Raoul d' Avemy vào phòng lấy tờ giấy trong hộp nữ trang bỏ vào túi áo.
Sau đó anh trở ra ban công, theo đường viền mặt trước nhà tuột xuống đi ra theo cửa vườn rau.
Đến ba giờ sáng Félicien trở về nhà mình. Raoul ngủ trong lòng một chiếc phô - tơi chờ anh, đưa tay ra:
- Tôi xin lỗi anh, Félicien.
- Về việc gì, thưa ông ?
- Đã tấn công và trói anh lúc nãy. Tôi muốn ngăn cản anh làm điều gì đó sai lầm.
- Sai lầm gì, thưa ông ?
- Nhưng... vì đêm tân hôn ấy...
Félicien cười:
- Tôi nghĩ đúng là ông, thưa ông. Nhưng rút cuộc chúng ta xoá xong nợ và tôi cũng xin lỗi ông.
-Về gì ?
- Đã cởi dây trói...
- Một mình à ?
- Không.
- Ai cứu anh vậy ?
- Faustine.
- Tôi cũng ngờ thế. Như vậy đêm ấy Faustine lượn qua đây... Miễn là cô ấy không để bị tóm !...
Anh kết luận:
- Cuối cùng người ta sẽ thấy... Félicien, tôi nhờ anh đầu giờ điện thoại cho Rolande Gaverel bảo cô yên tâm trường hợp tìm không thấy tờ giấy Férôme tự thú. Sáng mai, chín giờ rưỡi ông dự thẩm đến gặp tôi, tôi nghĩ sẽ tránh phiền phức cho Rolande và anh nên đã lấy tờ giấy ấy trong hộp nữ trang.
- Thế nào ? - Félicien sửng sốt kêu lên - Không thể, ông đã...
- Như thế, cô ấy đừng lo ngại gì - Raoul nói và rút lui - Anh cũng báo tin tôi sẽ đến gặp cô ấy. Chúng ta sẽ gặp nhau ở đấy chứ, Féiicien ?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top