3. Sự can thiệp của raoul

Suốt buổi sáng trong thành phố Vésinet yên tĩnh là những cuộc lui, tới, những cảnh xuất hiện của cảnh sát, thanh tra mặc thường phục và nhân viên đồng phục, tiếng máy rú, tắc đường, những cuộc chen lấn của cánh phóng viên và nhiếp ảnh. Người ta gọi, hỏi nhau. Những tiếng lạ lùng, mâu thuẫn nhất râm ran.

Chỗ yên tĩnh độc nhất là khu vườn và ngôi biệt thự Clématites. Ở đấy, chỉ thị không lay chuyển: Không phải cảnh sát không được vào. Không có những người tò mò; không phóng viên báo chí. Người ta nói khẽ vì tôn trọng người chết và nỗi buồn của Rolande.

Khi người ta báo với cô Férôme Helmas bị tấn công, cô oà lên nức nở:

- Chị khốn khổ của tôi... Chị Elisabeth khốn khổ...

Cô ra lệnh đưa anh vào một bệnh viện gần đấy. Bệnh viện này cũng tiếp nhận người bị thương kia. Thi thể Barthélemy đã bóp cổ cô gái đặt ở nhà xe chờ đưa ra nhà xác ở nghĩa địa.

Đến mười một giờ, ông Rousselain, dự thẩm ngồi bên cạnh Chưởng Lý toà phúc thẩm trong một chiếc phô-tơi, cố chống lại cơn buồn ngủ nghe Chánh thanh tra Goussot trình bày chi tiết về thảm kịch ở Vésinet.

Ông Rousselain nhỏ người, bụng to đùi ngắn, đôi khi tiêu hoá khá nặng nề. Dự thẩm ở tỉnh đã mười lăm năm, uể oải, không tham vọng, làm mọi việc để không rời bỏ một nơi mà niềm say mê câu cá giữ ông lại. Không may trong một vụ án vừa qua ông tỏ ra rất tinh tế và sáng suốt nên được chú ý và được bổ nhiệm lên Paris. Chiếc áo len lạc đà màu đen và quần vải xám xếp nếp chứng tỏ ông rất vô tư trong ăn mặc. Tuy bề ngoài như vậy, ông là một người tế nhị, trí óc minh mẫn, rất độc lập trong hành động, thậm chí có sở thích riêng.

Còn Chánh thanh tra Goussot, có tiếng tăm hơn thực tài, kết luận bằng một giọng nói thức tỉnh ông Rousselain:

- Tóm lại, cô Gaverel bị tấn công trong lúc cúi xuống nắm sợi dây buộc thuyền; sự tấn công mạnh đến nỗi ba bậc thang xuống nước bị gãy. Cũng phải ghi nhận cô Gaverel bị ướt đến phía trên thắt lưng. Ngay sau đó là cuộc vận lộn trên bờ hồ, cô bị cướp chiếc vòng ngọc và kẻ sát nhân bỏ chạy. Về kẻ sát nhân này, các bác sĩ đã khám nghiệm và hiện người ta đặt nằm trong nhà xác, không có một thông tin gì ngoài cái tên Barthélemy. Khuôn mặt, cách ăn mặc là của một kẻ lang thang. Hắn giết người để cướp của. Chúng ta chẳng biết gì hơn.

Chánh thanh tra Goussot thở ra và tiếp tục với nét thoả mãn của một người nói không cần tìm lời:

- Bây giờ hai người khác. Ông Férôme Helmas đã bằng một phát súng bắn hạ kẻ sát nhân, nếu không, chắc chắn hắn trốn thoát. Đấy là điểm duy nhất chúng ta có thể xác định. Ngoài ra những lời khai của ông trên giường bệnh hoàn toàn mơ hồ. Trước hết, ông không biết kẻ giết vợ chưa cưới của ông. Sau đó ông cũng không biết kẻ ban đêm tấn công ông và không rõ vì lý do gì ông bị tấn công. Mặt khác chúng ta không có một chỉ dẫn gì về lý lịch người bị thương thứ hai và về hoàn cảnh bị tấn công. Nhiều nhất chúng ta phải giả thuyết trong hai trường hợp này, kẻ tấn công chỉ là một.

Có ai đó ngắt lời viên cảnh sát:

- Thưa ông Chánh thanh tra, phải chăng chúng ta cũng có thể cho rằng đêm ấy không phải bi kịch giữa ba người, nghĩa là một kẻ tấn công và hai nạn nhân mà chỉ có giữa hai người. Ông Férôme Helmas bị một kẻ tấn công và sau đó hắn lại bị ông Helmas đánh bị thương, đã lết đi được ba, bốn trăm mét đến chỗ hắn bị ngã xuống?

Người ta lắng nghe, quan tâm đến giả thuyết rất ấn tượng vừa nêu lên. Nhưng người ta ngạc nhiên nhìn ông ấy, ông ta là ai ? Người ta biết rõ ông ở trong nhà Clématites ra và đã lắng nghe những kết luận của Chánh thanh tra Goussot. Nhưng ông ta có quyền gì mà xen vào như thế ?

Chánh thanh tra bực tức vì người ta thay đổi giả thuyết của ông, bèn hỏi:

- Vậy ông là ai, thưa ông ?

- Raoul d' Avemy. Biệt thự của tôi gần đây, trước mặt hồ lớn. Đi Paris vắng mấy tuần, tôi vừa trở về sáng nay, được biết việc xảy ra ở đây qua một kiến trúc sư trẻ ở và làm việc trang trí trong nhà tôi. Félicien Charles là bạn thân của các cô Gaverel và hôm qua đã ăn trưa với họ. Cách đây một giờ tôi đi cùng anh đến thăm cô Rolande, nghĩ chẳng phải cẩn mật đi một lúc trong vườn, nghe được những suy luận rất hay của ông, thưa ông Chánh thanh tra. Những suy luận bậc thầy về điều tra đấy.

Raoul d' Avemy có một nụ cười khó tả và thái độ tinh quái gợi cho bất kỳ ai ngoài Chánh thanh tra Goussot cảm giác bị làm trò đùa. Nhưng ông Goussot quá tự hào về tầm quan trọng của mình, tin chắc vào tài năng mình nên không có ý nghĩ ấy. Thích chí về lời khen cuối cùng, ông nghiêng mình và đành đưa ông thám tử nghiệp dư dễ mến vào vị trí.

- Đấy là một giả thuyết tôi cũng không bỏ qua, thưa ông - ông mỉm cười nói - Tôi cũng đã nêu lên với ông Helmas và ông ta trả lời: "Tôi đánh bằng vũ khí gì ? Tôi không có. Không. Tôi cố gắng tự vệ bằng đấm, đá. Tôi đấm một cú vào mặt làm đối thủ bỏ chạy mà tôi thì đã bị thương." Câu trả lời rõ ràng, đúng không thưa ông ? Vả lại tôi đã khám nghiệm người bị thương thứ hai: Không có dấu vết gì trên mặt hoặc chỗ nào khác. Vậy là...

Đến lượt Raoul d' Avemy nghiêng mình:

- Lý lẽ hoàn hảo - Anh nói.

Nhưng dự thẩm, ông Rousselain, có vẻ thích anh bèn hỏi:

- Ông có nhận xét gì khác trao đổi với chúng tôi không, thưa ông ?

- Ô! Không có gì to tát. Và tôi sợ lạm dụng...

- Nói đi, cứ nói, tôi đề nghị ông. Chúng ta đang đứng trước một vụ có vẻ rất khó gỡ và một bước tiến nhỏ nhất cũng có thể quan trọng. Chúng tôi nghe ông đây...

- Thế này - Raoul d' Avemy nói - nguyên nhân làm cô Elisabeth Gaverel lăn xuống nước khi bị tấn công là không bàn cãi nữa, đúng không ? Những bậc thang gỗ bị gãy. Tôi đã quan sát những bậc thang ấy. Chúng được hai chiếc cọc khá chắc chắn chôn dưới nước nâng đỡ. Nhưng những cọc gỗ ấy bị đẩy gãy vì cả hai bị cưa đến ba phần tư.

Một tiếng xì xào tiếp nhận lời nói ấy. Rolande đã dựa vào cánh tay Félicien Charles ra khỏi phòng khách. Cô lảo đảo đứng nghe ông d' Avemy nói.

- Có thể thế được chăng ? - Cô lẩm bẩm.

Thanh tra Goussot lao đến chỗ những bậc thang gỗ. Ông lượm một cọc chống mà ông d' Avemy đưa dưới nước lên, mang lại và nói:

- Không sai chút nào. Vết cắt rất rõ và mới.

Rolande nhận xét:

- Từ một tuần nay chị tôi hàng ngày vào giờ ấy lại ra lấy thuyền. Kẻ giết chị đã biết điều ấy và chuẩn bị mọi việc chăng ?

Raoul ngẩng đầu lên nói:

- Tôi nghĩ mọi việc không xảy ra theo cách ấy, thưa cô. Kẻ sát nhân không cần dìm cô ấy xuống nước để giật chiếc vòng. Chỉ cần tấn công ngay, vật lộn hai, ba giây trên bờ... và bỏ chạy... là đủ.

Dự thẩm rất quan tâm, tuyên bố:

- Thế thì theo ông, một kẻ khác giăng bẫy tai hại này ?

- Tôi nghĩ vậy.

- Ai ? Tại sao giăng bẫy ?

- Tôi không biết.

Ông Rousselain không ngăn được cười khẽ:

- Vụ việc thành ra phức tạp. Có hai kẻ sát nhân: một đang dự định, kẻ kia lợi dụng dịp may để ra tay. Những kẻ này vào khu nhà bằng cách nào ? Hắn trốn ở đâu ?

- Kia kìa - Raoul nói, chỉ vào biệt thự Orangerie của ông Philippe Gaverel.

- Trong nhà ấy ư ? Không thể vào được. Ông nhìn xem: tất cả cửa sổ, cửa lớn đều đóng và có cánh cửa khép kín.

Raoul uể oải trả lời:

- Tất cả đều có cánh cửa khép kín nhưng không phải đóng hết.

- Ông nói gì vậy?

- Một cửa sổ cuối cùng bên phải không đóng. Hai cánh cửa mở bên trong, chỉ khép hờ. Ông đến xem, thưa ông thanh tra.

- Nhưng kẻ ấy vào bên trong thế nào được ? Ông Rousselain hỏi.

- Có thể vào bằng cửa chính trông ra đường.

- Vậy là có chìa khoá giả ?

- Chắc thế.

- Và hắn đã chọn chỗ này để theo dõi cô Gaverel và tấn công? Lạ thật.

- Tôi có ý kiến về trường hợp này, thưa ông dự thẩm. Nhưng chúng ta chờ có mặt ông Gaverel ở đây đã. Hôm qua cô Rolande đã có điện báo tin cho ông ta đang nghỉ mát ở Cannes, gần chỗ con trai, ông sẽ trở về. Người ta đang chờ ông, phải không thưa cô ?

- Đáng lẽ ông phải đến rồi - Rolande xác nhận.

Một lúc lâu im lặng. Sự quyết đoán của ông d' Avemy có tác động đến những người nghe. Những gì nói ra hình như gần với sự thật đến mức người ta công nhận đúng, tuy còn những mâu thuẫn và không có khả năng như thế.

Thanh tra Goussot đứng trước biệt thự Orangerie quan sát cánh cửa sổ thực tế không đóng. Các quan chức nhỏ giọng bàn bạc. Rolande khóc âm thầm. Félicien hết nhìn cô lại nhìn ông d' Avemy.

Cuối cùng ông này nói:

- Thưa ông dự thẩm, ông đã nói vụ việc phức tạp. Thực tế đúng thế, ngoài mọi khuôn khổ. Trong những trường hợp như vậy tôi không tin vào những gì mình thấy và nắm được, tôi thiên về đơn giản hoá vì sự thực thường dẫn đến một mối nào đó. Trong đời không có một mớ rối rắm sự kiện xen kẽ nhau. Không bao giờ số mệnh dồn dập những sự việc như vậy. Trong mười hai tiếng đồng hồ, một cạm bẫy, vụ chết đuối, vụ bóp cổ, cướp giật, một người chết rồi hai cạm bẫy khác có thể đưa lại hai người chết nữa ! Tất cả những điều đó thiếu chặt chẽ, tệ hại, vô lý, vô nhân đạo. Không, thực ra như vậy là quá đáng... và vì vậy...

- Và vì vậy ?

- Vì vậy tôi tự hỏi trong mớ lộn xộn này có chăng một đường vạch tách rời những sự việc, một số đưa sang phải, một số sang trái... ngắn gọn lại phải chăng không phải một vụ quá rối rắm mà có hai vụ bình thường trong lúc tiến triển tình cờ gặp nhau ở một điểm. Trường hợp như vậy thì chỉ cần tìm điểm gặp nhau lẫn lộn hai đường dây sự việc và người ta sẽ bắt đầu nhận ra được một ít.

- Ô ! Ô ! - Ông Rousselain mỉm cười nói - chúng ta bước vào lĩnh vực tuỳ hứng. Ông có dựa vào một chứng cứ nào không ?

- Không - Raoul d' Avemy trả lời - nhưng nhiều khi những chứng cứ không có sức thuyết phục bằng lý lẽ.

Anh nín lặng. Mỗi người suy nghĩ. Có tiếng ô - tô dừng lại phía sau biệt thự Clématites. Rolande lao ra trước đón ông Gaverel.

Họ cùng nhau lên phòng người chết rồi ông Gaverel ra gặp các quan chức. Người ta kể lại vài lời với ông. Raoul d' Avemy chỉ cánh cửa đang mở ở biệt thự của ông và nói:

- Có thể, thưa ông, một người nào đó đã đột nhập vào nhà ông.

Ông Gaverel tái mặt:

- Có ai vậy ? Nhưng vào làm gì ?

- Để lấy trộm. Ông có để lại đó vật gì quý không ? Những vật có giá trị...?

Chú của Rolande chao đảo.

- Vật gì ?... Những vật có giá trị ?... Không... Vả lại, làm sao người ta biết được ? Không, không, tôi không thể nghĩ...

Đột nhiên ông vừa chạy như một kẻ điên về biệt thự Orangerie vừa kêu lên:

- Không !... Các ông đừng tới... Không một người nào tới đây !

Ông đến thẳng tầng trệt ngôi nhà, đẩy cửa vào và biến mất.

Hai phút trôi qua, người ta nghe những tiếng than vãn. Mấy giây sau ông lao ra, vung vẩy cánh tay và ngã lăn ra trên bậc thềm. Ông ấp úng:

- Vâng... đúng thế... người ta lấy trộm của tôi... phát hiện ra chỗ giấu.... kinh khủng quá... tôi bị phá sản rồi... người ta phát hiện ra chỗ giấu... Có thể ngờ được không ? Người ta lấy đi tất cả...

- Một vụ trộm quan trọng à ? - Ông dự thẩm hỏi - Đáng giá khoảng bao nhiêu ?

Ông Gaverel đứng thẳng dậy. Ông tái xanh người và như sợ phải nói thật.

- Quan trọng, vâng... nhưng việc đó mặc tôi... Pháp luật chỉ lo cho một việc: Tôi bị mất trộm... người ta cần tìm ra kẻ trộm !... Người ta trả lại cho tôi những gì bị mất...

Raoul d' Avemy và thanh tra Goussot bước vào. Đến tiền sảnh họ nhận thấy khoá cửa chính nhìn ra đường bị phá như d' Avemy dự kiến và cửa đóng lại do chốt an toàn kéo bên trong.

Họ trở ra vườn; Raoul hỏi cô gái:

- Cô có kể lại, thưa cô, hôm qua lúc bước qua cửa sổ phòng khách cô thấy thủ phạm giết chị cô cúi xuống lượm một vật gì ?

- Vâng... đúng thế...

- Vật ấy như thế nào ?

- Tôi chỉ thoáng thấy...

- Một gói chăng ?

- Vâng... tôi nghĩ... một gói nhỏ... hắn giấu dưới áo vét khi chạy.

Gói ấy ra sao rồi ? Người đầy tớ, Edouard được gọi đến và người ta không nghi ngờ ông được, cũng khẳng định không tìm thấy gì trên xác chết.

Tất cả những người được hỏi, cảnh sát hoặc bất cứ ai, đều tuyên bố cả hôm qua và sáng nay họ không nhặt được gói nào.

Philippe Gaverel lại hy vọng...

- Người ta sẽ tìm thấy - Ông nói - Tôi tin chắc cảnh sát sẽ tìm ra.

- Để tìm ra gói ấy - Ông Rousselain cãi lại - người ta phải có dấu hiệu của nó.

- Một chiếc túi nhỏ bằng vải xám.

- Đựng gì ?

Ông Gaverel nổi nóng :

- Điều ấy thuộc về tôi !... Tôi cất giấu tiền hoặc tài liệu là việc của tôi !

- Cuối cùng, có phải là những tập tiền không ?

- Không, không, tôi không nói thế - Ông Gaverel càng nóng nảy thốt lên - Tại sao ông nghĩ có những tập tiền ? Không... Thư từ... những tài liệu vô giá đối với tôi.

- Tóm lại ?

- Tóm lại, một chiếc túi vải xám, đó là vật tôi đòi hỏi. Pháp luật chỉ việc tìm một chiếc túi vải xám.

- Dù sao thì đã có chứng cứ - Raoul nói sau một lúc lâu im lặng - Đêm trước một kẻ trộm, ông già Barthélemy, đã vào nhà. Tìm tòi mãi, hắn đã lấy được chiếc túi. Trở ra như thế nào ? Qua tiền sảnh và cửa chính ? Không, ban ngày có thể bị bắt gặp. Hắn bèn mở cánh cửa sổ, nghĩ rằng trong vườn một ngôi nhà không người ở sẽ không có ai, có thể sử dụng lối ra của vườn rau. Nhưng đúng lúc đó Elisabeth ở biệt thự Clématites đi sang. Cuộc gặp bất ngờ, cô gái kêu lên một tiếng, bên Clématites nghe được nhưng không rõ ràng. Lúc ấy sự việc xảy ra như thế nào ? Tên trộm lao vào cô; cô muốn chạy thì đụng phải những bậc thang gỗ. Phần còn lại chúng ta biết rồi.

Thanh tra Goussot lại nhún vai:

- Rất có thể... nhưng tôi không có ở đó.

- Tôi cũng không.

- Do vậy không có gì chứng tỏ sự việc xảy ra theo cách ấy, nghĩa là Barthélemy không tự mình chuẩn bị âm mưu mà cô Gaverel là nạn nhân.

- Thực ra không có gì chứng tỏ thật - Raoul thú nhận.

Ngày đã muộn, các quan chức buộc phải trở về Paris, và dạ dày ông Rousselain bắt đầu quấy rầy. Ông hỏi nhỏ người đầy tớ quanh đây có cửa hàng ăn nào ngon không ?

- Thưa ông dự thẩm - Raoul d' Avemy nói - nếu ông cho tôi vinh dự được mời ông, tội nghĩ ở nhà tôi đồ ăn không quá tồi...

Anh cũng mời Chánh thanh tra nhưng ông ta vui vẻ từ chối vì không muốn dở dang cuộc điều tra. Rolande đưa tiễn riêng Raoul d' Avemy ra, nói rất xúc động:

- Thưa ông... tôi tin tưởng ở ông... Chị tôi sẽ được trả thù, đúng không ?... Tôi thương yêu chị ấy lắm...

Anh khẳng định:

- Chị cô sẽ được trả thù. Nhưng tôi có cảm tưởng chính cô có thể...

Anh nhìn thẳng vào mặt cô và lặp lại:

- Cô hiểu rõ, thưa cô, chính cô mới có thể giúp tôi... Vấn đề thật khó giải quyết mà chúng ta không có một tia sáng nào. Cô đừng ngừng suy nghĩ. Tìm xem chị cô có kẻ thù nào không, trong cuộc sống cô ấy có điều gì có thể gây nên ghen ghét hoặc hận thù... Nếu có trường hợp ấy, cô cho tôi biết. Về phần mình tôi hoàn toàn dành thì giờ cho cô... và chúng ta sẽ thành công.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top