10. "tôi, nữ bá tước de cagliostro, ra lệnh...!
Một buổi chiều chủ nhật âm u, Raoul dừng lại ở một đường phố Chatou, thành phố nhỏ tiếp giáp Vésinet. Một ngôi nhà hai tầng nằm giữa con đường ấy và một vườn rau dọc bờ sông Seine cho thuê phòng có trang bị sẵn. Anh đi qua quán cà phê của bà quản lý, lên tầng hai, theo một hành lang hơi tối cho đến khi thấy phòng số 5. Chìa khoá ở cửa. Gõ cửa nhưng không ai trả lời, anh lặng lẽ bước vào.
Faustine ngồi ngủ trên chiếc giường sắt tồi tàn. Trong phòng gác xép đồ đạc chỉ gồm chiếc tủ nhỏ, hai ghế, một bàn đơn sơ. Nàng chưa rời Vésinet. Ý muốn kiên quyết báo thù giữ nàng lại. Ở bệnh viện người ta giữ nàng làm y tá phụ nhưng chỗ ở có hạn, nàng tìm một phòng ở ngoài, hàng đêm về đấy ngủ và trong ngày chủ nhật không đi đâu.
Hôm ấy nàng ngủ trong lúc may áo lót ngực vì đôi vai trần, áo lót để trên đùi, tay còn cầm kim may. Qua khung cửa sổ, nhìn qua cây trong vườn người ta thấy được cảnh đẹp ngoài sông.
Nhiều tờ báo mở ra xung quanh nàng, trên giường, trên bàn, chứng tỏ nàng chăm chú theo dõi những sự kiện thời sự. Từ xa Raoul có thể đọc các đầu đề: "Việc bắt giữ người anh của Simon Lorient. Cuộc thẩm vấn đầu tiên", "Hai anh em là con trai của ông già Barthélemy".
Anh lại gần ngắm nhìn Faustine, thấy nàng cũng đẹp như khi nàng hoạt bát, có lẽ đẹp hơn với những nét yên bình. Anh nhớ đến bức tượng đẹp Phryné của nhà điêu khắc Alvard.
Một tia nắng chiếu qua cửa sổ. Không rời mắt khỏi nàng, Raoul nhẹ nhàng lại gần, chờ tia nắng chiếu vào khuôn mặt đang ngủ, trên đôi mắt nhắm. Khi thấy hơi chói, nàng mở dần đôi mắt dưới bờ mi dài. Nàng chưa kịp tỉnh dậy thì Raoul đã nắm lấy đôi vai, vật nàng nằm dài trên giường, bọc vào trong chăn làm đôi tay và chân không cử động được.
Anh bảo nhỏ:
- Đừng kêu ! Không một tiếng nào !
- Đồ hèn ! Đồ hèn ! - Nàng rên rỉ, cố giãy ra khỏi thế bị ôm chặt.
Anh đưa bàn tay áp vào mặt nàng.
- Im đi. Tôi không đến với tư cách kẻ thù. Nếu nghe lời tôi cô không có gì phải sợ. Nàng giận dữ vùng vẫy, vừa chửi rủa tuy bị bàn tay cứng rắn bịt miệng. Dần dần sức chống cự yếu đi, anh cúi xuống lặp lại:
- Tôi đến không với tư cách kẻ thù... Không đến để gây gổ. Nhưng tôi muốn cô lắng nghe và trả lời. Nếu không mặc cô đấy.
Anh nắm lấy vai, lật nàng lại, cúi xuống nói nhỏ:
- Tôi đã gặp người anh Simon, Thomas Le Bouc, đã nói chuyện lâu với anh ta. Anh ấy đã cho tôi biết sự thật về Félicien. Phần còn lại cô phải nói với tôi. Faustine, cô biết, tôi không nhường bước đâu. Hoặc là cô nói, nói ngay, rõ không, hoặc...
Mặt anh sát xuống khuôn mặt sợ hãi. Đôi môi Faustine giãn ra trước đôi môi kề cận.
- Nói đi, Faustine, nói - Anh lạc giọng bảo.
Nàng thấy sát mắt mình đôi mắt nảy lửa của Raoul. Nàng sợ.
- Thả tôi ra - Nàng thuần phục lẩm bẩm.
- Cô nói chứ ? Không quanh co giấu diếm ?
- Vâng.
- Thề trên linh hồn của Simon Lorient đi.
- Tôi thề.
Anh thả ngay nàng ra và đi lại cửa sổ, quay lưng về phía nàng. Khi nàng sửa lại tư thế xong, anh trở lại, nhìn nàng một lúc như luyến tiếc một con mồi đẹp tuột mất và cuộc nói chuyện bắt đầu, nhanh và cụ thể.
- Thomas Le Bouc cho rằng Félicien là con trai tôi.
- Tôi không biết Thomas Le Bouc.
- Nhưng qua Simon Lorient cô biết ông bố, Barthélemy ?
- Có.
- Ông ấy có tin tưởng cô không ?
- Có.
- Cô biết gì về cuộc đời bí ẩn của ông ấy ?
- Chẳng biết gì.
- Về cuộc đời của Simon Lorient và những dự định của anh ấy ?
- Chẳng biết gì.
- Kể cả âm mưu chống lại tôi ?
- Cũng không.
- Nhưng họ đã nói với cô Félicien là con trai tôi ?
- Họ có nói.
- Không đưa ra chứng cứ gì ?
- Tôi không hỏi. Có quan hệ gì đến tôi ?
- Nhưng quan hệ đến tôi - Raoul nhăn mặt nói - Tôi phải biết nó có phải con trai tôi không. Phải chăng là họ chơi một màn kịch dựa vào những thông tin tình cờ ? Hay là một sự thực họ cố gắng khai thác kiếm lợi ? Tôi không thể sống trong sự nghi ngờ như vậy... Tôi không thể...
Nàng có vẻ ngạc nhiên về sự xúc động của anh qua giọng nói. Tuy vậy nàng vẫn nói mạnh hơn:
- Tôi chẳng biết gì cả.
- Có lẽ, nhưng cô có thể biết hay ít nhất gợi ra cho tôi biết.
- Bằng cách nào ?
- Thomas Le Bouc khẳng định Barthélemy đưa cho cô một chiếc túi nhỏ đựng tài liệu về vấn đề ấy.
- Vâng, nhưng...
- Nhưng sao ?
- Một hôm sau khi đọc lại những tài liệu ấy, ông đốt đi trước mặt tôi mà không nói lý do. Ông chỉ giữ lại một tờ cho vào chiếc phong bì, niêm phong lại và giao cho tôi.
- Có dặn dò gì không ?
- Ông chỉ nói: "Để riêng cái này ra, sau này sẽ hay."
- Cô có thể giao cho tôi chứ ?
Nàng ngập ngừng. Anh cố nài:
- Sao không được ? Barthélemy đã chết, Simon Lorient cũng thế. Và chính Thomas Le Bouc đã nói ra với tôi.
Nàng suy nghĩ lâu, trán hơi nhăn, mắt nhìn mơ màng. Rồi nàng tìm trong ngăn kéo tủ một tập thư từ. Trong số đó nàng lấy một chiếc phong bì, không ngần ngừ xé phong bì rút ra một tờ giấy gấp đôi.
Nàng muốn xác định những dòng chữ viết trên tờ giấy có ý nghĩa gì nếu nàng phải trao lại.
Vừa đọc, nàng giật mình. Tuy nhiên nàng đưa cho Raoul không nói một lời.
Đấy là một câu - đúng hơn là hai câu - như mệnh lệnh của một kẻ độc tài, một trưởng băng nhóm giao cho tuỳ thuộc. Chữ viết to, nặng nề, nhấn mạnh các nét. Làm sao Raoul không nhận ra chữ viết của người xưa kia anh gọi là con người địa ngục ? Và làm sao anh không nhận ra cách tàn ác, khinh khi mà người ấy vẫn dùng để ra những lệnh quái gở nhất ? Anh đọc lại ba lần những dòng chữ đáng sợ:
"Hãy làm cho đứa trẻ trở thành một tên trộm cắp, nếu có thể làm một tội phạm. Để nó chống lại bố nó !"
Chữ ký tắt kiêu kỳ, gạch dưới lưỡi gươm đôi.
Raoul tái mặt làm người đàn bà trẻ chú ý, xanh tái trong một nỗi đau không tả nổi, anh sống lại những khủng khiếp, sự lo lắng của quá khứ xen lẫn sự đe doạ kịch tính nhất của hiện tại. Tò mò, trong lúc này hầu như thông cảm, nàng quan sát khuôn mặt xáo động và sự cố gắng của anh để làm chủ được mình !
- Căm hận... trả thù... - Anh nhấn mạnh - Cô hiểu điều đó chứ Faustine... Nhưng người đàn bà ấy có cái gì đó khác với sự căm hận và trả thù... Đấy là sự cần thiết, lòng đam mê cái ác... Con quái vật kiêu căng và độc ác... Ngày nay cô vẫn thấy tác phẩm của người đàn bà ấy... Đứa trẻ người ta nuôi dưỡng để biến thành một tội phạm chống lại tôi... Trong đời tôi không sợ gì nhưng không thể nghĩ đến người ấy mà không kinh hãi. Và ý nghĩ phải trở lại một cuộc đấu kinh khủng...
Faustine lại gần anh, ngập ngừng rồi âm thầm tuyên bố:
- Quá khứ sẽ không lặp lại... Nữ bá tước de Cagliostro chết rồi.
Raoul nhảy về phía cô, hớt hải:
- Cô nói gì ?... Người ấy chết rồi ư ?... Làm sao cô biết ?
- Bà ấy chết rồi.
- Lời nói không đủ, cô đã gặp ? đã biết người ấy ?
- Vâng.
Anh kêu lên:
- Cô biết người ấy ! Có thể thế chăng? Lạ thật ! Hai, ba lần tôi đã tự hỏi có phải cô là mật sứ của người đàn bà ấy..., có phải cô tiếp tục việc làm phá hại chống tôi không.
Nàng lắc đầu.
- Không, bà ấy không bao giờ nói gì.
- Nói xem nào.
- Tôi còn rất bé. Đã mười lăm năm qua... Người ta dẫn bà vào làng tôi ở xứ Corse, bố trí bà ở trong một ngôi nhà nhỏ - Nàng gần như phát điên nhưng rồi điên hiền dịu, bình lặng - Bà đưa tôi về nhà, rất tử tế. Bà không bao giờ nói chuyện... khóc nhiều, không lau nước mắt. Bà vẫn đẹp... Nhưng một căn bệnh huỷ hoại bà rất nhanh... Một hôm, cách đây sáu năm... Tôi thức bên giường bà lúc bà qua đời.
- Cô chắc chắn chứ ? - Anh xúc động chao đảo - Ai nói với cô tên của người ấy ?
- Trong làng người ta biết... Ngoài ra...
- Ngoài ra ?...
- Tôi biết qua ông già Barthélemy và Simon Lorient vẫn tìm bà khắp nơi và gặp bà ở đấy trước khi chết ít lâu. Trong mấy tuần lễ ấy, Simon và tôi yêu nhau; sau đó anh đưa tôi đi Paris...
- Tại sao họ tìm người đàn bà ấy ?
Sau một lúc lưỡng lự, nàng giải thích:
- Tôi đã nói không biết gì về đời tư của Simon và ông bố... Hôm nay tôi hiểu họ làm những điều xấu nhưng giấu tôi. Tuy thế chắp vá từng mẩu một, dần dần tôi đoán ra câu chuyện về Félicien... Không phải tất cả vì chính họ cũng không biết hết.
Raoul bèn hỏi:
- Đúng là Barthélemy tìm thấy nó ở một trang trại Poitou ?
- Vâng.
- Do La Cagliostro giao lại ?
- Không thật chắc chắn... Simon nghĩ rằng bố anh làm ra bức thư mà người thợ máy nhặt được.
- Tuy vậy mệnh lệnh cô có đấy..., mệnh lệnh chắc chắn do La Cagliostro viết ở đâu ra ?
- Simon không biết.
- Mệnh lệnh ấy nói về đứa bé được nuôi dưỡng trong trại, nghĩa là Félicien Charles, đúng không ?
- Điều ấy cũng còn có sự nghi ngờ. Barthélemy không nói cụ thể gì về vấn đề ấy, Simon và ông già tìm được hướng của La Cagliostro nên ra đảo Corse, tuy nhiên cũng vô ích.
- Mục đích của họ là gì ?
- Giờ đây tôi biết Barthélemy luôn luôn muốn đưa cho ông một tài liệu chứng minh Félicien là con trai ông.
- Qua đó mà rút tiền của tôi. Kế hoạch đó Félicien cũng đồng mưu à ? Có phải như Thomas Le Bouc nói nó thoả thuận với họ để đưa nó đến chỗ tôi không ? Nó có như La Cagliostro mong muốn là trở thành một tên lừa đảo, một tội phạm không ?
- Tôi không rõ - Nàng nói giọng thật thà - Đó là một phần đời tư của họ và tôi chưa bao giờ nói chuyên với Félicien Charles.
- Như vậy là chỉ nó mới có thể cho tôi biết rõ - Raoul nói - Tôi phải hỏi nó để hiểu câu chuyên phiêu lưu này.
Anh ngừng một lúc rồi kết thúc.
- Chính tôi để cho bắt Thomas Le Bouc, tôi đã thoả thuận với anh ta. Anh ta làm lạc hướng toà án và xoá bỏ những tội trạng dồn lên Félicien Charles. Nếu nó được thả ra như tôi hy vọng, nó không bị cô trả thù chứ, Faustine ?
- Không - Nàng nói rõ ràng - Anh ấy không gây ra cái chết của Simon. Nhưng tôi không thể sống ngoài ý nghĩ trả thù. Có
lẽ Simon chỉ thanh thản khi tội ác được trừng trị.
Cuộc trao đổi đã xong. Raoul đưa tay cho Faustine nhưng nàng không nắm lấy. Anh nói:
- Được. Tôi biết cô không tin tôi, cũng không muốn là bạn bè nhưng đừng là kẻ thù của nhau, Faustine. Về phần tôi, xin cám ơn cô đã kể cho biết...
Raoul trở lại biệt thự Clair Logis, chỉ ra ngoài khi có những cuộc dạo chơi ngắn ở Vésinet hoặc vùng lân cận. Nhiều lần anh thấy Férôme Helmas hình như bỏ chuyến lên núi, đi lại lâu đài Clématites, thậm chí đi cùng Rolande Gaverel. Hai người bước đi gần nhau, lặng lẽ trên một đại lộ.
Raoul chào họ từ xa. Anh có cảm giác Rolande không muốn nói chuyện với anh.
Một hôm Raoul được dự thẩm triệu tập đến. Ông ta có vẻ phân vân vì Thomas Le Bouc bám chặt hướng bảo vệ như Raoul đã dặn, không một sai lầm. Anh ta vẫn xác định không thay đổi và sự khôn khéo của ông Rousselain không bao giờ làm anh mắc lỗi. "Tôi làm việc này... làm việc kia... Còn lại tôi không biết."
Ông Rousselain thú nhận sự lúng túng của mình:
- Tất cả nằm trong lời khai của họ, Le Bouc cũng như Félicien. Hoặc là những câu được chuẩn bị sẵn, bao giờ cũng những câu ấy, hoặc là im lặng. Không một kẽ hở có thể lọt một ít ánh sáng. Có thể nói như những bài học thuộc lòng. D' Avemy, ông có biết tôi cảm giác ra sao không ? Tất cả xảy ra như có một ý chí nhằm thay thế Thomas Le Bouc vào chỗ Félicien Charles.
Ông Rousselain nhìn Raoul đang nghĩ:
- Tay ấy cũng không đến nỗi ngốc lắm !
Ông dự thẩm tiếp tục:
- Cũng lạ ! Tôi bắt đầu không tin Félicien là thủ phạm nữa. Nhưng tôi chưa công nhận ý nghĩ Le Bouc tự kết tội mình đã đi đêm trên hồ. Tôi cho gọi người chủ thuyền đến, cho nhận diện Félicien và Le Bouc. Ông ta ít khẳng định hơn. Thế nào đây ?
Ông không rời mắt nhìn Raoul. Anh ngẩng đầu, có vẻ đồng tình. Cuối cùng dự thẩm lên tiếng, thay đổi hẳn câu chuyện:
- Ông được đánh giá cao lắm, thưa ông d' Avemy. Ông biết chứ?
- Chà ! Tôi đã có một số dịp giúp các ông ấy.
- Đúng, người ta nói với tôi điều ấy... tuy không một chi tiết.
- Một ngày nào đó khi ông có thì giờ, tôi sẽ trình bày những chi tiết ấy, thưa ông dự thẩm. Cuộc đời tôi không thiếu một vẻ đẹp nào.
Tổng hợp lại, các hiện tượng có vẻ xoay sang chiều hướng tốt và một số vấn đề được sáng tỏ. Vai trò của Faustine không còn gì bí ẩn, một quan hệ mỏng manh xưa kia gắn bó nàng với La Cagliostro và tình yêu bất chợt với Simon Lorient đưa nàng đến đất Pháp, vô tình dính líu từ xa vào âm mưu của ông già Barthélemy và con trai. Đơn giản chỉ là cô gái si tình từ nay không có mục đích nào khác là trả thù cho người mình yêu.
Mặt khác La Cagliostro chắc chắn đã chết làm Raoul vui mừng và không có gì cho phép anh nghĩ rằng mệnh lệnh do nàng ký trước kia nhằm vào Félicien. Từ đó công việc chống Raoul dưới sự chỉ đạo của La Cagliostro đã không thể thành
công, được lớp người hạng hai như Barthélemy và con trai tiếp tục dĩ nhiên chỉ đưa đến thất bại. Như vậy Raoul d' Avemy bỗng đối mặt với một chàng trai có thể là con anh, có thể không phải mà không có cách nào biết được sự thật.
Ba tuần lễ trôi qua. Một buổi sáng Raoul có tin Félicien được miễn tố. Lúc mười một giờ Félicien điện thoại xin phép trong ngày đến biệt thự lấy đồ đạc.
Sau bữa ăn trưa, Raoul lang thang quanh hồ lớn, thấy Rolande và Férôme ngồi trên một chiếc ghế dài trên đảo. Trời tháng tám đẹp, một ngọn gió heo may thậm chí không lay động cành cây.
Lần đầu tiên Raoul thấy họ nói chuyện với nhau. Nhất là Férôme nói rất sôi nổi. Rolande lắng nghe, trả lời ngắn gọn rồi lắng nghe, đôi mắt nhìn vào những bông hoa cầm trong tay. Họ im lặng. Sau một phút Férôme ngoảnh về phía cô gái nói mấy lời. Cô ngẩng đầu nhìn anh khẽ cười.
Raoul trở về biệt thự Clair Logis không quá vội vã, nhưng rất xúc động nhận thấy con người lạ này bỗng chiếm chỗ trong cuộc đời anh đến thế. Tình thân thiện của anh đối với Félicien đã không bao giờ sốt sắng, bây giờ khả năng chàng trai có thể gợi lên tình yêu thương lại càng ít hơn.
Dù thế nào anh không chấp nhận việc Félicien chỉ đến lấy đồ đạc và bắt tay từ biệt anh. Không. Trước hết anh muốn có một sự giải thích, sau đó họ tiếp tục sống chung để anh tha hồ tìm hiểu chàng trai. Chưa cần biết Félicien có phải con trai anh không, nhưng nếu Félicien muốn tự giới thiệu mình như con trai anh cũng phải làm rõ. Tóm lại, Félicien có phải đồng bọn với Barthélemy và Simon Lorient không ? Có tham gia vào âm mưu này không ? Các chứng cứ chứng tỏ điều đó. Chỉ hành động và lời nói của chàng trai mới có thể đưa lại cho anh chứng cứ dứt khoát.
- Ông Félicien đến chưa ? - Anh hỏi người làm vườn.
- Mười lăm phút rồi, thưa ông.
- Ông ấy khoẻ chứ ?
- Ông Félicien có vẻ rất bồn chồn. Ông vào nhà đóng cửa lại ngay.
- Lạ nhỉ... - d' Avemy lẩm bẩm.
Anh chạy lại căn nhà. Cánh cửa khoá. Lo ngại anh đi quanh nhà một vòng, lay cửa sổ nhưng không mở được bèn lắng tai nghe. Bên trong có tiếng rên.
Anh đập vỡ một miếng kính, đưa tay vào vặn chốt cửa nhảy vào. Félicien quỳ dựa vào một chiếc ghế, đầu cúi thấp và giữ một chiếc khăn đẫm máu trên cổ. Trên mặt đất gần đấy là một khẩu súng ngắn.
Raoul kêu lên: "Bị thương rồi !"
Chàng trai cố gắng nói nhưng bị ngất đi.
Raoul quỳ ngay xuống, nghe tim, xem xét vết thương, cầm khẩu súng và tự nhủ:
- Anh ta muốn tự sát nhưng cánh tay run, vết thương không nghiêm trọng lắm.
Vừa băng bó anh vừa nhìn khuôn mặt tái xanh của Félicien và những câu hỏi dồn dập trên môi anh: "Anh có phải con trai của ta và Claire d' Etigues không ? Có phải một tên trộm, một tội phạm đồng bọn với hai tên cướp đã chết ? Tại sao lại muốn tự sát, khốn khổ !"
Năm phút sau đầy tớ đến vây quanh người bị thương. Raoul
ra lệnh: "Im lặng, giữ kín việc này !"
Anh viết mấy dòng trên một tờ giấy viết thư:
Fautine,
Félicien đã cố tự sát. Đừng nói với ai việc này và nhờ cô đến chăm sóc cho. Tôi không muốn mời bác sĩ. Cô nói với bệnh viện, người ta cần một người trông nom bệnh nhân.
D'Averny
Anh đóng dấu, bảo người lái xe mang đến bệnh viện.
Khi ô tô đưa Faustine đến, Raoul chờ trước cửa căn nhà.
- Cô và anh ấy chưa bao giờ gặp nhau chứ ?
- Chưa.
- Simon Lorient không nói chuyện về cô với anh ấy ?
- Không.
- Trong những ngày Simon ở bệnh viện, anh ấy có đến thăm không ?
- Có, nhưng anh ấy không chú ý gì đến tôi hơn một nữ y tá khác.
- Tốt. Cô đừng để lộ mình là ai, càng không nói rõ tôi là ai.
Nàng bước vào.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top