Bạo Lực Học đường
Bạo lực học đường có lẽ là vấn đề bức xúc của tất cả mọi người không chỉ trong thời gian qua mà còn xuất phát từ rất lâu.
Gần đây, nhiều vụ bạo lực học đường gây xôn xao dư luận, và trong thói quen giải quyết vấn đề, người ta bắt đầu đi kiếm chỗ để... đổ. Phát "xẻng" đầu tiên, dĩ nhiên là hướng thẳng vào các "đối tượng" gây chuyện - Trẻ em, sau lại "chĩa" thêm vào vai trò của giáo dục trong nhà trường, nhưng ít ai đề cập đến vai trò của người làm cha mẹ.
Nói về nguyên nhân tâm lý thì rất phức tạp. Nhưng rõ ràng, nhà trường phải có trách nhiệm trong những sự việc này. Về phía gia đình cần phải xem lại hành vi của con em mình, giáo dục như thế nào để con em mình hành xử phi nhân tính như vậy. Nói đi rồi phải nói lại, chúng ta cũng phải xem xét lại từ phía những học sinh này, vấn đề tự rèn luyện bản thân rất quan trọng. Ngay cả bố mẹ chịu khó dạy bảo nhưng con cái không nghe thì cũng hỏng. Phải nhấn mạnh điều đó bởi gia đình, nhà trường dù có quan tâm giáo dục đến đâu mà bản thân các em không tự rèn luyện, thì chỉ như "nước đổ lá khoai".
Chúng ta mới chú ý đến việc dạy chữ và một phần nào đó là dạy nghề, còn việc dạy làm người chưa được quan tâm thích đáng. Nhà trường cần thay đổi, các thầy cô giáo phải là tấm gương sáng về mặt đạo đức. Trong giáo dục có nhiều phương cách nhưng tự làm một tấm gương tốt là một phương pháp giáo dục rất hữu hiệu. Gia đình phải kết hợp với nhà trường, nhận rõ trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục con em mình. Các em học sinh cũng phải có trách nhiệm đối với bản thân mình bằng cách là tự rèn luyện về mọi mặt, nhất là đạo đức, nếu không sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường.
Dư luận lo lắng nhiều hơn khi môi trường giáo dục bị "ô nhiễm" bạo lực trầm trọng. Bạo lực học đường dễ dàng diễn ra phải chăng chỉ vì chữ "quen"?Chính những cái "quen" như thế vô tình cổ xúy cho những hành động "quá quen"? Giờ đây, khi báo chí đưa thêm tin tương tự, đôi người đọc tin, đôi người suy nghĩ một chút rồi lại chép miệng "Trời ơi, trường học gì mà toàn đánh nhau!". Rồi lại thôi.
Không chỉ dừng lại ở việc mổ xẻ nguyên nhân, nhiều học sinh đã đề xuất những giải pháp nhằm giải quyết tận gốc tình trạng bạo lực học đường.
Đối với nhà trường, cần có diễn đàn để lắng nghe, chia sẻ với học sinh, cần tổ chức thăm các viện mồ côi, khuyết tật để học sinh hiểu về những mảnh đời còn khó khăn để từ đó khơi dậy tình thương, lòng trắc ẩn ở mỗi con người...
Nhà trường tổ chức các sân chơi để học sinh, kể cả phụ huynh, tham gia để cả ba bên hiểu nhau hơn. Đặc biệt, đối với học sinh cá biệt, thầy cô cần gần gũi động viên thay cho những lời trách mắng khiến học sinh dễ đi vào ngõ cụt...
Đối với giáo dục đạo đức, quan trọng là làm học sinh hiểu những giá trị đạo đức, từ đó hình thành những thói quen, suy nghĩ đúng đắn, bồi đắp lòng nhân ái, tính trung thực. Tuy nhiên, giáo dục đạo đức trong nhà trường hiện nay chưa tập trung vào nội dung đó mà đi vào những kiến thức triết học khô khan và xa lạ, cụ thể ở môn giáo dục công dân
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top