chap 1

Nhà ông Đại là một trong những hộ gia đình có đất rừng rộng nhất vùng. Thế nhưng cũng lại là gia đình nghèo nhất trong xã. Ông Đại mấy năm nay cơ cực vì cái nghề trồng rừng, cũng không muốn đổi nghề khác vì đã lỡ yêu cái nghề rừng mất rồi. Người khác cho dù có nói gì đi chăng nữa thì ông Đại cũng không bỏ nghề, có thể chính vì vậy cho nên gia cảnh nhà ông không sao khá lên được.

Ông Đại có một người em trai tên là Nhân, kém ông đến độ hơn chục tuổi. Nếu người ngoài nhìn vào thì còn tưởng Nhân với ông Đại là hai chú cháu. Mấy năm nay Nhân lên thành phố học rồi ở luôn trên đó, nghe nói cũng được làm việc trong một cái xưởng in sách, cũng là kế toán có nghề lắm. Nhưng Nhân cũng chẳng giúp được ông Đại nhiều trong chuyện tài chính vì chính anh cũng túng thiếu.

Ông Đại không có nhiều con, ông chỉ có một mụn con gái là con bé Nhạn với bà Sìu. Nhạn kém Nhân bốn tuổi, mà tính trẻ con hơn Nhân nhiều lắm. Tính đến nay thì Nhạn đã học đến cuối cấp, mà không sao kiếm được việc ưa thích. Nhạn yêu thích ca hát, nhưng ông Đại chưa bao giờ cho phép cô đi theo nghiệp đó, có lẽ cũng chính bởi vì vậy, nên Nhạn mới học hành ngày càng sa sút, vì cô phát hiện ra niềm đam mê với ca hát của cô là quá lớn. Cô có thể chấp nhận hết mọi thứ chỉ để ca hát. Nhưng ước đoán của gia đình luôn luôn đi ngược lại với ước mơ của mình.

Nhân làm việc ở trên thành phố, được mấy năm thì cũng có tiếng, không phải là giàu có nhưng cũng dư giả. Mấy lần về thấy cháu gái mê mẩn nghiệp hát, mà lại thấy anh trai gàn dữ nên cũng chỉ dám dấm dúi mua tặng con bé mấy cuốn sách thanh nhạc, mấy cuốn nhạc lý mà không cho ông Đại biết. Việc ấy bà Sìu biết được nhưng cũng không ngăn cấm, chỉ dặn Nhân là phải cẩn thận đừng để cho ông Đại biết kẻo tính ông ấy gàn dở thì con Nhạn sẽ đến khổ. Đối với quan niệm của ông Đại, cái nghiệp cầm ca vốn không bao giờ tốt, người ta có cái câu xướng ca vô loài. Chính cái nghiệp này thời xưa cũng bị người ta lên án gay gắt lắm, hát ả đào hay diễn xướng đều bị cả xã hội khinh mạt coi thường. Mà tư tưởng cổ hủ này vẫn luôn ăn sâu vào trong tiềm thức của ông Đại không sao dứt ra nổi.

...

Tiếng ve sầu vẫn kêu ong ong suốt cả ngày trời giữa cái tiết nóng như lửa đốt. Nhạn cặm cụi ném củ khoai vào bếp than để nướng cho chín. Mùi cháy khen khét của vỏ khoai, lại xen lẫn với cái mùi khoai vàng thơm ngon ngọt ngào khiến cho Nhạn phải liếm mép không thôi.

Đang trong lúc chờ củ khoai chín thì chợt Nhạn nghe thấy có tiếng bà Sìu gọi:

- Nhạn ơi! Lên đồi gọi bố mày về đây đi con, có chú Nhân ở Hà Nội mới lên thăm bố mày này.

Trên nhà có tiếng huyên náo, tiếng nói chuyện hối hả của rất nhiều người. Nghe tới chú Nhân mà bà Sìu nhắc tới, Nhạn mừng rơn chạy quýnh lên nhà trên hớt hải:

- A chú Nhân về, chú Nhân về có mua quà cho cháu không? Cái kèn harmonica ấy chú?

Trước mặt Nhạn xuất hiện một người thanh niên cỡ ngoài hai mươi tuổi sắc mặt tươi sáng, đang nhìn Nhạn chạy tới mỉm cười.

Khi Nhạn đứng trước mặt Nhân, đã thấy Nhân vuốt tóc mình rồi nói:

- Lớn rồi chứ còn bé bỏng gì, mày kém chú có bốn tuổi thôi. Nay mai lên thành phố còn thiếu gì thứ hay, sao lại cứ nhất quyết phải là kèn harmonica? Mà bố mày biết chuyện chú mua cái kèn cho mày thì lại trách chú...

Nhạn gạt tay Nhân rồi nhấn giọng quả quyết nói:

- Phải có kèn harmonica thì cháu mới tập trung học được, mới đỗ được đại học để lên thành phố. Bố cháu không cho cháu học nhạc thì cháu học dấm dúi, rồi đến khi nổi tiếng có nhiều tiền, cháu sẽ xây nhà mua xe cho bố cháu, đến lúc ấy thì bố cháu không trách được cháu đâu.

Nhân chẹp miệng mấy lần, rồi mới rút từ trong túi áo ngực ra một cái kèn harmonica mới toanh nói:

- Đây, kèn mới đấy nhé, giờ thì đừng có mà vịn cớ chểnh mảng, lo học hành cho tốt rồi nay mai lên thành phố học! Rồi làm gì thì làm...

Nhạn suýt xoa tròn mắt sung sướng gật đầu, rồi giật vội cái kèn harmonica từ trong tay Nhân chạy mất tiêu. Nhân nhìn theo bóng Nhạn đã đi khuất mà chỉ tấm tắc nói với bà Sìu:

- Con bé này nay mai lớn rồi khéo nhiều anh phải phát mệt với nó đấy! Cái tính nó ương bướng không ai bằng, cứ bắt em phải mua cho bằng được cái kèn ấy mới thôi. Mà nó đã quyết học nhạc thì khó mà cản được...

Bà Sìu cũng nhoẻn miệng cười nói:

- Nó chỉ nhõng nhẽo chú thế thôi, chứ bình thường nhà mình nghèo, có bao giờ nó dám hé răng nửa lời đòi chị mua cho cái gì bao giờ đâu. Đến vụ lúa vừa rồi thu hoạch bán được ít thóc, tính mua cho nó bộ quần áo mới cho bằng bạn bằng bè, vậy mà mua về rồi nó còn bắt tôi phải mang ra tận nơi đem trả đấy!

Nhân gật đầu, ngồi xuống uống chén chè đặc đã được bà Sìu rót ra từ khi nãy, sau đó lại hỏi:

- Vậy chứ sau này cháu lên thành phố, chị đã tính cho cháu theo học ngành gì chưa?

Bà Sìu lắc đầu:

- Chán lắm chú ạ, ngành gì giờ cũng khó xin được việc, ở quê mình thì chỉ làm ruộng thôi. Vợ chồng tôi dốt nát cũng chẳng nghĩ ra được cách nào hay. May có chú đi làm ở trên thành phố, đầu óc chú nhanh nhạy, chú nghĩ giúp vợ chồng chị xem cháu nó nên đi học gì cho hợp?

Nhân thoáng trầm tư một lúc, ngẫm đi ngẫm lại rồi mới cất giọng nói:

- Con bé ham học nhạc quá, mà trường ấy bây giờ ra nghề khó xin việc bấp bênh lắm. Nó thì ương bướng không chịu từ bỏ. Vậy thì em khuyên chị tốt hơn hết cho nó theo học ngành kinh tế giống em, có gì thì em sẽ chu cấp. Chị giấu anh Đại đừng để cho anh ấy biết, kẻo anh ấy lại không cho cháu nó lên thành phố nữa, tội nghiệp con bé...

Bà Sìu gật đầu qua lại rối rít cảm ơn Nhân, xen lẫn trong tiếng cảm ơn là nước mắt chảy ròng ròng vì không sao có thể thỏa được ước nguyện cho con bé. Nhân liền đó mới hỏi chuyện tiếp:

- Vậy chứ anh Đại đi vào rừng thì thông thường bao giờ mới về hả chị?

Bà Sìu đáp ngay:

- Thì cứ giờ cơm là ông ấy về. Mà hôm nay có chú xuống, con bé Nhạn nó đi gọi thì kiểu gì ông ấy cũng về ngay thôi. Hôm nay ông ấy trồng cây giống ở ngay ngoài bìa rừng...

Bà Sìu vừa nói xong thì liền lập tức có tiếng ông Đại vang đều ở ngoài cổng:

- Chú Nhân về chơi đấy hả?

Nhân cười tươi đáp:

- Vâng, em có việc phải về qua xã làm ít giấy tờ nên sẵn tiện ghé thăm anh chị luôn.

Ông Đại vào nhà, bỏ cái mũ cối đặt xuống dưới bàn. Lại lấy cái khăn tay lau mồ hôi nhễ nhại ở khắp mặt khắp cổ. Sau đó rót chén trà uống ực một hơi hết sạch kêu khà khà. Rồi mới nhìn Nhân nhấn giọng hỏi:

- Thế về qua nhà, đã qua mộ bố mẹ thắp hương chưa?

Nhân gật đầu đáp:

- Em cũng vừa mới ở trên mộ bố mẹ về xong, cũng tính về đây sớm để có chuyện muốn nhờ bác.

Ông Đại thoáng ngạc nhiên hỏi:

- Chú mà cũng có việc muốn nhờ tôi cơ à? Tôi chân đất mắt toét thế này thì làm được gì mà chú muốn nhờ, đầu óc lại chậm chạp.

Nhân tặc lưỡi nói:

- Anh lại muốn từ chối khéo em rồi, chẳng qua là việc lần này không nhờ anh giúp thì không xong. Mà có phải nhờ giúp xuông đâu, công ty người ta còn trả công cho nữa đấy, hậu lắm, phải đến mấy triệu bạc kia.

Ông Đại hai mắt mở to nhìn Nhân hỏi:

- Nhiều thế, việc gì mà được nhiều tiền thế hả chú?

Nhân trịnh trọng nói:

- Nghe nói vùng mình có cái hang động đâm vào lòng đất sâu lắm có phải không? Có mấy tay nhà khoa học ở nước ngoài về, họ muốn thử đi thăm dò cái hang ấy, mà không rõ đường. Cái hang ấy hồi bé em có đi qua mấy lần rồi, mà giờ chẳng nhớ, hồi bé toàn đi lạc chứ có phải chủ đích đi vào đấy đâu.

Ông Đại lại hỏi dò:

- Ý chú nói là cái hang dơi ở trong rừng ấy hả?

Nhân gật đầu nói:

- Vâng! Chính nó.

Ông Đại nhắm chặt mắt suy tính một lúc rồi mới mở mắt ra nói:

- Cái hang ấy bây giờ không còn ai dám vào nữa đâu, nghe nói mấy tháng nay nhiều người mất tích lắm. Cứ vào trong rừng đến gần cái hang là mất tích, xã cử cả dân quân đi vào tìm mà cũng chẳng thấy.

Nhân nói:

- Lần này người ta đi cả đoàn, cả tập thể chứ không phải là đi đơn lẻ từng cá nhân đâu. Hơn nữa họ còn thuê cả bảo vệ, mấy cái chuyện mất tích khéo là bắt cóc người chứ chẳng có gì là lạ. Cứ đi đông người là lũ bắt cóc không dám làm gì.

Ông Đại gật đầu nói:

- Vậy thì được. Nếu có bảo vệ thì tôi chẳng ngại, cái hang dơi ấy từ bé chú trốn vào trong ấy mấy lần để tôi đi tìm, giờ vẫn còn nhớ rõ. Nhớ lại trận ấy, may mà tôi còn nói khéo, chứ không thì chú còn phải ốm đòn với bố nữa đấy!

Nhân cười đáp lại:

- Hồi bé em dại thì có biết gì đâu, nghe thằng Phúc với thằng Đạt rủ là cứ nhắm tịt mắt mà chạy vào rừng, mà cứ lần nào nhắm tịt mắt chạy thẳng là y như rằng đến chỗ ấy. Chứ cứ như bình thường, mở mắt đi thẳng mà có tìm nổi cái hang ấy đâu, thế mới hay chứ lại.

Ông Đại gật gù lại hỏi tiếp:

- Thế bao giờ thì họ về đây? Chú không đi ngay chứ?

Nhân lắc đầu nói:

- Em về hẳn cho đến khi xong chuyện thì mới đi. Ngày mai là đoàn người ta xuống tới đây, khéo tối nay còn có người xuống trước để chuẩn bị đấy. Em bàn tính việc với bác xong, là cũng phải lên huyện kiếm phòng khách sạn đặt trước cho họ nghỉ. Mà nếu tối bác có rảnh thì đi cùng em luôn để gặp họ bàn bạc. Nếu bác mà ăn nói lưu loát, khéo họ còn thưởng thêm cho thì thoải mái tiền mua cây giống.

Ông Đại vỗ đùi nói:

- Phải thế chứ, tôi có thằng em làm ở thành phố cơ mà lại. Kỳ này thì cả cái xã này đều sẽ phải lác mắt lên mà xem, nhìn tôi mua cây cao su về trồng kín cả đồi trọc. Rồi chẳng mấy chốc nữa mà xây nhà mua xe, khéo lại còn đủ tiền mà đi du lịch.

Nhân gật đầu nói:

- Vâng, bác cứ mơ đi. Nhưng trước thì cứ chuẩn bị câu chuyện cho tốt giúp em. Người thành phố người ta sắc sảo lắm, bác chỉ cần bốc phét một cái là họ nói moi móc một lúc là sẽ lộ ra ngay, không giấu được đâu. Vậy cho nên em khuyên bác đừng nên nói tâng bốc quá, chỉ vừa phải là đủ, em sẽ đỡ lời cho bác.

Ông Đại rối rít gật đầu đồng ý. Nhân trò chuyện qua lại một lúc rồi cũng đi.

Ông Đại ra sau vườn chuẩn bị một ít thức ăn, đồ đạc để bón cây giống. Chờ đến hồi chiều thì có tin Nhân gọi điện báo về:

- Anh nhanh ra ngoài đầu xã ngay nhé, ở ngoài xã có xe đến đón. Người ở trên tỉnh người ta về rồi, người ta nói muốn gặp anh để hỏi chuyện.

Ông Đại vui mừng, không tiếp tục để ý đến chuyện cây giống nữa. Mà ném mấy cái cây vào góc nhà, sau đó chạy bộ thẳng một mạch lên trụ sở xã.

Lên đến nơi, ông Đại nhìn thấy tay chủ tịch xã đang tay bắt mặt mừng, cười nói rối rít với một người nước ngoài, da trắng mắt xanh. Khi ông Đại vừa tới cổng, là đã có người ra hối thúc:

- Bác Đại đấy hả, bác vào đây nhanh lên. Chủ tịch xã là có lời khen ngợi bác không dứt đâu đấy nhé. Kì này mà bác lên báo, thì nói giúp vài lời cho xã mình. Người ta là người ta làm vụ này to lắm, lên cả truyền hình nữa đây này.

Túm tay ông Đại là một người thanh niên cỡ chừng hai mươi tuổi, là bảo vệ của trụ sở xã. Người thanh niên tên Kì, cũng là người mau mồm mau miệng. Thấy ông Đại đến là anh ta tí tởn bám lấy ngay để mong được hưởng thơm lây cái tiếng của ông Đại.

Ông Đại hơi bĩu môi tỏ vẻ khinh thường. Nghĩ lại đến chuyện xin vốn trợ cấp hỗ trợ trồng rừng, ngày thường đám bảo vệ này đâu có nhiệt tình như thế. Mà nay thấy ông được hưởng một chút thành tựu thì đã bâu vào như ruồi muốn liếm mật ngọt, sao không khinh cho được.
Ông Đại bước vào giữa sân, thì bắt gặp một người đàn ông trung niên giơ tay ra đằng trước muốn bắt tay chào hỏi ông. Ông Đại không hiểu chuyện gì nhưng vẫn bắt tay người ấy, được một lúc thì người đàn ông liền tự giới thiệu:

- Tôi là Đỗ Hoàng Quân, là tiến sĩ ngành địa chất. Rất vui được gặp ông.

Ông Đại hai mắt mở to tròn xoe kinh ngạc nói:

- Trời ơi, giờ tôi được gặp một ông tiến sĩ bằng xương bằng thịt nữa đây này, quả là phúc tổ mười đời.

Tiến sĩ Quân thích thú, có chút cảm thấy hãnh diện nhưng vội lảng sang chuyện khác nói:

- Tôi chỉ tạm tạt qua đây, giờ thì muốn ông đi cùng chúng tôi về thị trấn dùng cơm đã. Tối nay đến tôi muốn hỏi ông một vài chuyện. Ông có tiện không?

Ông Đại miệng lắp bắp nói:

- Tiện chứ sao không tiện, tôi là tôi rảnh cả ngày. Việc làm chỉ quanh ra quanh vào là cho lợn ăn với đi vào rừng đào đất, anh tiến sĩ cứ yên tâm đi.

Tiến sĩ Quân gật đầu nói:

- Vậy thì được rồi!

Tiến sĩ Quân nói xong, liền chào hỏi đám người ở xã một lượt mới hối thúc ông Đại mau chóng lên xe ô tô để trở về huyện thành.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: