bao cao tong hop bqlda

UỶ BAN NHÂN DÂN

TỈNH YÊN BÁI

Số: 669/QĐ-UBND

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Yên Bái, ngày 21 tháng 12 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

Về việc Thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư Xây dựng tỉnh Yên Bái.

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 83/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, tổ chức sự nghiệp nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 01/02/2005 của Chính Phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính Phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 01/02/2005 của Chính Phủ;

Căn cứ Quyết định số 297/QĐ-UBND, ngày 17/6/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và khu công nghiệp tỉnh Yên Bái;

Căn cứ thông báo số 281-TB/TU ngày 13/12/2006 của Tỉnh uỷ Yên Bái về thành lập Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Yên Bái và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Yên bái;

Theo đề nghị của giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 247/TTr-SNV ngày 15 tháng 12 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư Xây dựng tỉnh Yên Bái trên cơ sở tách Ban Quản lý dự án đầu tư Xây dựng và Khu công nghiệp tỉnh Yên Bái.

Điều 2. Vị trí, chức năng:

- Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Yên Bái là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh; có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng.

- Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Yên Bái là đơn vị trực tiếp quản lý đối với các dự án do chủ đầu tư giao và tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng; chịu sự chỉ đạo và quản lý của Uỷ ban nhân dân tỉnh về tổ chức, biên chế, chương trình công tác.

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn :

1. Thực hiện các thủ tục về giao nhận đất, xin cấp giấy phép xây dựng, chuẩn bị mặt bằng xây dựng và các công việc khác phục vụ cho việc xây dựng công trình.

2. Chuẩn bị hồ sơ thiết kế, dự toán, tổng dự toán xây dựng công trình để chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định.

3. Lập hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu.

4. Đàm phán ký kết hợp đồng với các nhà thầu theo uỷ quyền của nhà đầu tư.

5. Thực hiện nhiệm vụ giám sát, thi công xây dựng công trình khi có đủ điều kiện năng lực.

6. Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán theo hợp đồng đã ký.

7. Quản lý chất lượng, khối lượng, tiến độ, chi phí xây dựng, an toàn và vệ sinh môi trường của công trình xây dựng.

8. Nghiệm thu, bàn giao công trình.

9. Lập báo cáo thực hiện vốn đầu tư hàng năm, báo cáo quyết toán khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.

10. Ban Quản lý dự án được đồng thời quản lý nhiều dự án khi có đủ điều kiện năng lực và được chủ đầu tư cho phép. Ban Quản lý dự án không được phép thành lập các ban quản lý dự án trực thuộc hoặc thành lập các đơn vị sự nghiệp có thu để thực hiện quản lý dự án.

11. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình quy mô lớn, phức tạp hoặc theo tuyến thì Ban Quản lý dự án được phép thuê các tổ chức tư vấn để quản lý các dự án thành phần.

12. Ban Quản lý dự án được phép ký hợp đồng thuê cá nhân, tổ chức tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm, năng lực để phối hợp với Ban Quản lý dự án quản lý các công việc ứng dụng công nghệ xây dựng mới mà trong nước chưa đủ năng lực thực hiện hoặc có yêu cầu thực hiện khác.

- Việc thuê tư vấn nước ngoài đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép theo quy định.

13. Trường hợp dự án thực hiện theo hình thức tổng thầu, ngoài việc phải thực hiện các nhiệm vụ trên, Ban Quản lý còn phải thực hiện các công việc sau:

a) Thoả thuận với tổng thầu về hồ sơ mời dự thầu, hồ sơ mời đấu thầu mua sắm thiết bị công nghệ chủ yếu và về chi phí mua sắm thiết bị thuộc tổng giá trị của hợp đồng.

b) Phê duyệt danh sách các nhà thầu phụ trong trường hợp chỉ định tổng thầu.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức, Biên chế:

1. Lãnh đạo:

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Yên Bái có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, từ chức, khen thưởng, kỷ luật Giám đốc và Phó Giám đốc thực hiện theo quy định của nhà nước và phân cấp của tỉnh.

Giám đốc là người đứng đầu Ban Quản lý, chịu trách nhiệm trước Pháp luật, trước tỉnh về toàn bộ các hoạt động của Ban Quản lý, Phó giám đốc là người giúp Giám đốc phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác, chịu trách trước pháp luật và trước Giám đốc về nhiệm vụ được phân công.

2. Cơ cấu tổ chức gồm có :

- Văn phòng.

- Phòng Kế hoạch tổng hợp.

- Phòng Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

Các phòng có Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, từ chức, khen thưởng, kỷ luật các chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thực hiện theo quy định pháp luật và phân cấp quản lý tổ chức cán bộ của tỉnh.

Nhiệm vụ các phòng do Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Yên Bái quy định cụ thể.

3. Biên chế: Biên chế của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Yên Bái được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao hàng năm. Năm 2006 bố trí 15 biên chế điều chuyển từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và khu công nghiệp tỉnh Yên Bái sang.

Việc quản lý, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, viên chức thực hiện theo quy định pháp luật.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 297/QĐ-UBND, ngày 17/6/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và khu công nghiệp tỉnh Yên Bái.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc nhà nước, Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư Xây dựng và Khu công nghiệp tỉnh Yên Bái, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Yên Bái, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top