Báo cáo kết quả xóa đói giảm nghèo Quảng Trị 2010

 BÁO CÁO

Kết quả 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu

giảm nghèo tỉnh Quảng Trị (2006-2008)

Thực hiện Công văn số 3402/LĐTBXH-BTXH, ngày 25 tháng 9 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn đánh giá giữa kỳ chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006-2010, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị báo cáo kết quả thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh qua 3 năm (2006-2008) như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO TRONG 3 NĂM (2006-2008):

1. Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện:

Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã xác định giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trọng trong việc chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo. Địa phương đã ban hành một số chính sách, chỉ tiêu giảm nghèo chủ yếu như sau:

-  Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 14 đã xác định: mục tiêu kế hoạch 5 năm tới (2006-2010), bình quân mỗi năm giảm từ 2,5- 3% hộ nghèo. 

- HĐND tỉnh Khoá V, kỳ họp thứ 7 đã ban hành Nghị quyết số 7.8/2006/NQ-HĐND, ngày 22/7/2006 phê duyệt Chương trình mục tiêu Giảm nghèo tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2006-2010.

- UBND tỉnh ban hành Chương trình số 1491/Ctr-UBND, ngày 4/7/2006 về việc Chương trình mục tiêu giảm nghèo tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2006-2010. Theo đó, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 28,4% (đầu năm 2006) xuống còn dưới 15% (cuối năm 2010); bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,5-3,0%/ năm.

- UBND tỉnh ban hành Quyết định số 50/2006/QĐ-UBND, ngày 02/6/2006 về việc Đề án tăng cường cán bộ làm công tác XĐGN tại các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Theo đó, kể từ tháng 10/2006 tỉnh đã bố trí 27 cán bộ làm công tác giảm nghèo tại 27 xã ĐBKK ở khu vực miền núi.

- Phân công 53 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đỡ đầu 37 xã ĐBKK ở miền núi và phân công 16 xã có điều kiện kinh tế - xã hội khá ở vùng đồng bằng kết nghĩa với 16 xã ĐBKK ở miền núi.

- Các huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn cũng đã đề ra chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 của địa phương mình và được HĐND cùng cấp thông qua.

2. Kết quả thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo:

2.1.  Vốn vay tín dụng ưu đãi cho người nghèo.

Tính đến ngày 30/9/2008 đã có 32.414 lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi, doanh số cho vay 306.633 triệu đồng; có 42.430 hộ được vay vốn; tổng số tiền dư nợ cho vay hộ nghèo là 369.200 triệu đồng. Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi này, đã có hàng ngàn hộ nghèo làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.

2.2. Khuyến nông- lâm- ngư và hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo.

Hướng dẫn cách làm ăn và tập huấn khuyến nông - lâm - ngư cho 41.653 lượt người nghèo. Trong đó, các tổ chức Đoàn thể các cấp đã tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật trồng nấm rơm, nấm sò, nuôi cá nước ngọt, với 39.688 lượt hội viên nghèo tham gia. Trung tâm Khuyến Nông- Lâm tỉnh thông qua nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đã xây dựng 15 mô hình trình diễn giảm nghèo, có 1.853 luợt người nghèo tham gia tập huấn, hội nghị đầu bờ; tổng kinh phí thực hiện 800 triệu đồng.

2.3. Hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo.

Năm 2008, thông qua các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp đào tạo nghề gắn với tạo việc làm ở trên địa bàn tỉnh, đã tổ chức đào tạo nghề cho 591 lao động nghèo, với các nghề như: thợ nề, may công nghiệp..vv ; kinh phí đã thực hiện 631 triệu đồng.

2.4. Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở xã ĐBKK bãi ngang ven biển.

Tổng số có 33 công trình cơ sở hạ tầng được hỗ trợ đầu tư tại 12 xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển. Tổng nguồn vốn thực hiện: 14.637 triệu đồng, trong đó: nguồn vốn ngân sách trung ương: 14.400 triệu đồng; nguồn vốn huy động khác: 237 triệu đồng.

2.5. Hỗ trợ về y tế cho người nghèo:

Thực hiện khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo theo phương thức “thực thanh thực chi”; 100% người nghèo được cấp sổ khám, chữa bệnh 139, đã có 426.620 lượt người nghèo khi đau ốm đến khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế của Nhà nước, tổng kinh phí thực hiện 31.400 triệu đồng.

2.6. Hỗ trợ về giáo dục và đào tạo:

Thực hiện miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác cho 82.670 lượt học sinh nghèo; tổng kinh phí miễn, giảm và trợ cấp học bổng:60.441 triệu đồng.

2.7. Hỗ trợ về nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ nghèo:

Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 6.149 hộ nghèo, kinh phí thực hiện 45.275 triệu đồng. Trong đó: 2.825 nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, kinh phí 23.590 triệu đồng; 3.324 nhà ở đại đoàn kết cho hộ nghèo, kinh phí 21.685 triệu đồng từ nguồn Quỹ "Ngày vì người nghèo” các cấp trong tỉnh.

Hỗ trợ về đất sản xuất cho 3.070 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, tổng diện tích đất hỗ trợ: 1.081,3 ha, bình quân: 0,35 ha/ hộ; kinh phí thực hiện 5.406,6 triệu đồng.

Đầu tư xây dựng 43 công trình nước sinh hoạt tập trung và 208 giếng đào để hỗ trợ về nước sinh hoạt cho 2.100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 1.083 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo; tổng kinh phí thực hiện 47.063 triệu đồng.

2.8. Đào tạo nâng cao năng lực giảm nghèo và truyền thông:

Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho 6.580 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp từ tỉnh đến xã và trưởng thôn, bản, khu phố; tổng kinh phí thực hiện 986 triệu đồng.

3. Huy động nguồn vốn  cho giảm nghèo:

Trong 3 năm qua (2006-2008), tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh là 875.872,3 triệu đồng (đạt 90,4% so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2010). Trong đó: nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân sách Trung ương: 82.587,3 triệu đồng; nguồn vốn từ Ngân sách địa phương: 41.165 triệu đồng; nguồn vốn huy động từ cộng đồng: 21.922 triệu đồng; nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo: 306.633 triệu đồng; nguồn vốn của các chương trình, dự án Quốc tế trên địa bàn tham gia vào thực hiện chương trình giảm nghèo: 423.565 triệu đồng.

II. ĐÁNG GIÁ CHUNG:

1. Những kết quả đạt được:

Trong 3 năm qua (2006-2008), cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển nông nghiệp - nông thôn, chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh đã thực sự trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, Mặt trận, các tổ chức Đoàn thể các cấp. Tỉnh Quảng Trị đã triển khai chương trình giảm nghèo với quyết tâm cao và đạt được kết quả đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 28,4% (38.085 hộ) đầu năm 2006 xuống còn 17,8% (24.028 hộ) vào cuối năm 2008; bình quân mỗi năm giảm 3,8%, tương ứng mỗi năm giảm 4.685 hộ nghèo.

- Các chính sách, giải pháp giảm nghèo đã được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống người dân đến tận cơ sở, từng hộ gia đình, hạn chế đói nghèo, mở ra cơ hội cho hàng ngàn người nghèo có vốn sản xuất, có việc làm để tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

- Chương trình giảm nghèo đã khơi dậy và phát huy được truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, được nhân dân hưởng ứng một cách mạnh mẽ và mang tính xã hội hoá cao.

2. Những hạn chế, tồn tại:

Trong những năm qua, việc thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo đã tạo được sự ủng hộ nhiệt tình của các ngành, các cấp, các tầng lớp dân cư và mục tiêu giảm nghèo hàng năm đã đạt chỉ tiêu đề ra.  Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế, tồn tại như:

- Trình độ, năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo ở một số xã còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, còn thiếu chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo. Việc quản lý hộ nghèo, người nghèo còn lỏng lẻo, chế độ thông tin, báo cáo chưa đầy đủ, kịp thời. Cán bộ chuyên trách giảm nghèo cấp cơ sở chưa cập nhật được thông tin, chưa nắm bắt đầy đủ về nhu cầu cần giúp đỡ của người nghèo. 

- Một bộ phận người nghèo và một số xã nghèo vẫn còn tư tưởng ỷ lại, thiếu quyết tâm vươn lên thoát nghèo, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

- Tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm qua từng năm, nhưng vẫn còn ở mức cao và chưa vững chắc, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lụt, mất mùa.

- Việc huy động nguồn lực tại chỗ để giảm nghèo ở địa phương còn khó khăn, trong khi sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu cần hỗ trợ của người nghèo, dẫn đến việc giúp người nghèo thoát nghèo trong thời gian ngắn và bền vững là khó thực hiện được, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực tế còn xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%.

3. Bài học kinh nghiệm:

Trên cơ sở kết quả đạt được qua 3 năm thực hiện thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, cũng như những khó khăn, hạn chế cần khắc phục, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

- Thống nhất về quan điểm chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Nghị quyết Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh về thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo giữa các cấp uỷ Đảng, Chính quyền và các Đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở.

- Cần có những chính sách hỗ trợ thật cụ thể và thiết thực, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

- Để thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo, các cấp, các ngành phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về từng hộ nghèo, vùng nghèo để làm căn cứ xây dựng kế hoạch hàng năm của ngành, địa phương mình và tổ chức triển khai các giải pháp giảm nghèo một cách đồng bộ, có hiệu quả.

- Trong tổ chức chỉ đạo thực hiện chương trình giảm nghèo cần phải có sự phối kết hợp hoạt động đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể tạo thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong xã hội, huy động sức mạnh tổng hợp, tạo nguồn lực để thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo. Giảm nghèo phải gắn chặt với việc động viên và tạo điều kiện cho các hộ gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, làm giàu một cách chính đáng.

- Tổ chức lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội cùng hỗ trợ cho chương trình giảm nghèo. Đối với một tỉnh nghèo và nguồn lực còn hạn chế, việc lồng ghép và đầu tư tập trung cho một số xã nghèo nhất, khó khăn nhất để nâng dần khả năng phát triển kinh tế - xã hội, có tác động tích cực đến giảm nghèo nhanh và bền vững.

- Công tác giải ngân nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi phải được gắn liền với việc phát huy cao nhất hiệu quả đồng vốn, gắn với công tác tập huấn khuyến nông - lâm - ngư, đào tạo nghề, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm làm ăn cho hộ nghèo. Thực tế cho thấy, sự giúp đỡ lẫn nhau tại cộng đồng là rất quan trọng, đưa lại hiệu quả cao và rất thiết thực.

- Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ giúp đỡ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong nước và Quốc tế để thực hiện chương trình giảm nghèo.

- Kiện toàn bộ máy làm công tác giảm nghèo các cấp, đặc biệt là bố trí cán bộ có kinh nghiệm, nhiệt tình trong công tác giảm nghèo ở cấp cơ sở, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản và sự tham gia của cộng đồng trong việc thực hiện các giải pháp giảm nghèo.

III. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ ĐẨY NHANH TỐC ĐỘ THỰC HIỆN MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO ĐẾN NĂM 2010:

1. Mục tiêu giảm nghèo trong năm 2009 và đến năm 2010:

- Chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2009 là 2,5%.

- Phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 15% vào cuối năm 2010.

2. Các chỉ tiêu đề ra trong thực hiện chính sách giảm nghèo:

- Có 92.200 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội.

- Có 104.000 lượt hộ nghèo được khuyến nông - lâm - ngư, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật.

- Phấn đấu 100% người nghèo khi ốm đau được khám, chữa bệnh miễn phí.

- Khoảng 440.000 lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ sách giáo khoa, học bổng và các khoản đóng góp khác.

- Khoảng 3.865 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở; 16.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ: đất sản xuất, nước sinh hoạt .

- Đầu tư xây dựng 195 công trình cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn (CT 135 giai đoạn 2) và các xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển.

- Có 5.635 lượt cán bộ tham gia làm công tác Giảm nghèo ở các cấp được tập huấn nâng cao năng lực.

3. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện:

3.1. Về chỉ đạo thực hiện:

- Địa bàn ưu tiên: Tập trung ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn ở miền núi, xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển và các xã nghèo (xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 25% trở lên).

- Phát huy vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo chương trình các cấp, kịp thời tham mưu cho cấp uỷ Đảng, Chính quyền địa phương trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo và điều hành thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương.

- Chú trọng việc điều phối, lồng ghép các chương trình, nguồn lực đầu tư có hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí các nguồn lực.

- Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giảm nghèo, đề cao vai trò tham gia thực hiện hoạt động giảm nghèo của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức Đoàn thể; kêu gọi, tranh thủ sự giúp đỡ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để hỗ trợ, tạo điều kiện người nghèo vươn lên thoát nghèo.

- Nhiệm vụ đỡ đầu, kết nghĩa với xã đặc biệt khó khăn tiếp tục được xác định là một hoạt động quan trọng của chương trình mục tiêu giảm nghèo trong những năm tới. Đây là sự thể hiện trách nhiệm và tình cảm đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi trong công cuộc xoá đói giảm nghèo.

3.2. Về huy động nguồn lực giảm nghèo:

 Trong những năm tới cần tập trung huy động nguồn lực tổng hợp cho việc thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, trong đó:

- Động viên nguồn lực tại chỗ của nhân dân, các cấp, các ngành, các tô chức kinh tế - xã hội tham gia đóng góp thực hiện chương trình.

-  Nguồn vốn ngân sách hỗ trợ (NSTW và NSĐP).

- Nguồn vốn lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn.

-  Nguồn vốn từ các nguồn tài trợ của các tổ chức Quốc tế.

3.3. Về kiểm tra, giám sát:

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các ngành, các cấp thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo. Đào tạo nâng cao năng lực giám sát, đánh giá cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp thông qua đào tạo, tập huấn, hội thảo và thông tin hai chiều.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các các ngành, các cấp tổ chức sơ kết đánh giá hàng năm, giữa kỳ và tổng kết 5 năm thực hiện chương trình.

Trên đây là kết quả thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo qua 3 năm (2006-2008) của tỉnh Quảng Trị./.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: