Bao cao CK 11
I. TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
2. Tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam.
2.1. Diễn biến thị trường năm 2011
Nhìn chung TTCK hoạt động cầm chừng và có những khó khăn nhất định. Trong những tháng đầu năm, TTCK có xu hướng sụt giảm; cho đến hết tháng 4, chỉ số VNIndex giảm 4,58 điểm, tương đương 0,9%; riêng tháng 5 có sự sụt giảm mạnh, giảm 58,71 điểm tương đương 12,2% do áp lực về việc giảm tín dụng lĩnh vực phi sản xuất nhưng tăng mạnh trở lại sau đó.
Từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 8, thị trường có chiều hướng đi xuống với thanh khoản giảm mạnh nhưng tăng điểm khá trở lại cho đến giữa tháng 9 (383 – 470 điểm) với thanh khoản tăng cao. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, thị trường lại tiếp tục xu hướng giảm điểm với thanh khoản giảm sút. Đến nay, VNIndex đứng ở mức 408,6 điểm, giảm 16% so với cuối năm 2010.
Dự báo cho đến cuối năm, thị trường sẽ ít có thay đổi khi điều kiện kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro trong hệ thống ngân hàng.
2.2 Một số chỉ tiêu TTCK.
a) Về mức vốn hóa thị trường: Mức vốn hóa hiện khoảng 651,3 nghìn tỷ đồng, giảm 75 nghìn tỷ đồng, tương đương 10% so với cuối năm 2010; mức vốn hóa so với GDP giảm xuống 35% từ mức 39% cuối 2010.
b) Về khối lượng giao dịch:Giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường mỗi phiên là 1.402 tỷ đồng, bằng 50% so với bình quân năm 2010; trong đó riêng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 1.067 tỷ đồng, bằng 43% so với bình quân năm 2010. Tính thanh khoản trên TTCK (tổng giá trị giao dịch/tổng giá trị vốn hóa) sụt giảm mạnh từ mức 80% trong năm 2010 xuống còn 28%.
c) Về hoạt động niêm yết và huy động vốn: Việc huy động vốn cổ phần và đấu giá qua TTCK cũng gặp khó khăn do TTCK giảm sút và mặt bằng lãi suất cao. Cho đến nay, vốn huy động qua phát hành thêm cổ phiếu đạt 14,1 nghìn tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ, riêng vốn huy động qua trái phiếu Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh đạt 70,5 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2010.
Có thêm 51 công ty lên niêm yết, đưa tổng số công ty niêm yết lên 698, tăng 7% so với năm 2010.
d) Về hoạt động đầu tư: Số lượng tài khoản nhà đầu tư tiếp tục tăng đạt khoảng 1,1 triệu tài khoản; trong đó số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tăng khoảng 500 tài khoản, đạt 14.300 tài khoản.
Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có những biến động nhanh. Quý I/2011 số vốn rút ròng là 49 triệu USD, quý II dòng vốn vào thuần đạt 345 triệu USD, và quý III dòng vốn vào thuần đã giảm xuống còn 183 triệu USD, trong đó có sự rút vốn ròng trong tháng 9 (8,2 triệu USD). Tính 3 quý đầu năm dòng vốn vào thuần đạt 479 triệu USD. Dòng vốn này chủ yếu tập trung vào việc mua trái phiếu nhằm hưởng chênh lệch lãi suất (kể từ tháng 4 cho đến nay). Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đến cuối tháng 9/2011 ở mức 7,1 tỷ USD.
e) Về hoạt động của các công ty niêm yết:
Hoạt động của các công ty niêm yết gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao (giá nguyên vật liệu đầu vào và lãi suất ngân hàng tăng), khó tiếp cận và huy động vốn trên cả thị trường tín dụng và TTCK. Trong Quý III/2011, 405 công ty có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 98 công ty bị lỗ; tổng số công ty có lỗ lũy kế khoảng 82 công ty. Cho đến nay có khoảng 75% các công ty có giá thị trường thấp hơn giá trị sổ sách; 50% các công ty có thị giá thấp hơn mệnh giá. Ngoài ra, 47% công ty trên 2 sàn có hệ số thị giá so lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu (P/E) thấp hơn 5 (tăng cao hơn so với kỳ trước 42%).
f) Về hoạt động của các tổ chức KDCK:
Về hoạt động của các công ty chứng khoán: do giá chứng khoán và khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh nên nhiều công ty chứng khoán thua lỗ, chủ yếu do hoạt động tự doanh; hoạt động môi giới cũng không hiệu quả do thu không đủ bù chi; hoạt động tư vấn đầu tư, phát hành, niêm yết, bảo lãnh cũng bị thu hẹp. Trong 6 tháng đầu năm, có 58 công ty thua lỗ và 65 công ty bị lỗ lũy kế, chiếm 68% tổng số 105 công ty chứng khoán đang hoạt động. Tính đến hết 9 tháng, có 60 CTCK có lỗ lũy kế với tổng số lỗ là 3.468 tỷ đồng. Tính chung các CTCK năm 2010, lợi nhuận sau thuế là 1.830 tỷ đồng nhưng 9 tháng/2011, tổng số lỗ là 1.999 tỷ đồng.
2.3. Nguyên nhân
a) Nguyên nhân trong nước.
Việc thị trường chứng khoán Việt Nam suy giảm do các nguyên nhân chủ yếu sau: Thứ nhất, kinh tế vĩ mô trong nước vẫn còn có nhiều khó khăn như 10 tháng đầu năm lạm phát tăng 17,05%; nhập siêu vẫn ở mức cao tuy có giảm trong những tháng gần đây, tính chung 10 tháng nhập siêu ở mức 8,4 tỷ USD, tương đương 10,8% kim ngạch xuất khẩu; mặt bằng lãi suất vẫn cao, giá vàng biến động mạnh, giá đôla tiềm ẩn yếu tố tăng giá. Thứ hai, thị trường tiền tệ thiếu tính thanh khoản trong 6 tháng đầu năm, nợ xấu ngân hàng tăng, cơ cấu cho vay dài hạn đến 77% nên tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt đối với cho vay bất động sản. Thanh khoản TTCK giảm sút khiến khả năng tiếp cận vốn tín dụng cũng như huy động vốn trên TTCK của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Việc thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt khiến sức cầu về chứng khoán, nguồn vốn cho chứng khoán sụt giảm và hoạt động giải chấp gia tăng, đặc biệt trong tháng 5. Thứ ba, hoạt động của các công ty niêm yết gặp khó khăn do yếu tố chi phí đầu vào (nguyên vật liệu, xăng dầu, lãi suất ngân hàng…) tăng mạnh. Trong quý III, có 60% công ty có lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ năm trước và 14% công ty thua lỗ, đưa tổng số công ty có lỗ lũy kế lên 82 công ty.
b) Nguyên nhân ngoài nước.
Kinh tế và thị trường chứng khoán trong nước cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ bên ngoài: Thứ nhất, kinh tế thế giới theo dự báo cũng có nhiều khó khăn, hầu hết các nước phải điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh…còn cao. Thứ hai, nợ công Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ diễn biến khá phức tạp, có khả năng suy thoái trong các nước Châu Âu ảnh hưởng mạnh tới thị trường tài chính toàn cầu. Các tổ chức định mức tín nhiệm đã giảm điểm tín nhiệm đối với nợ công của nhiều nước như Nhật Bản, Mỹ và một số nước khu vực Châu Âu khiến thị trường tài chính thế giới chịu tác động mạnh. Thứ ba, lạm phát tại nhiều nước cũng tăng cao. Giá dầu, giá nguyên liệu và giá lương thực thế giới tăng cũng tác động đến kinh tế Việt Nam.
II. CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TTCK ĐẾN CUỐI NĂM 2011 VÀ NĂM 2012.
1. Dự báo TTCK từ nay đến cuối năm 2011 và năm 2012.
1.1. Các yếu tố thuận lợi:
- Nhập siêu ban đầu đã có tín hiệu giảm, lạm phát đã có chiều hướng giảm.
- Việc thực thi chính sách tiền tệ và tài khóa theo Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đạt được những kết quả tốt hơn trước, cụ thể là thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện, lãi suất có tín hiệu giảm, dự trữ ngoại tệ tăng.
- Chính sách tỷ giá, tiền tệ được điều hành linh hoạt và bám sát thị trường hơn.
- Chính sách tài khóa: Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành giảm chi tiêu quyết liệt, bao gồm chi tiêu công và chi thường xuyên theo đó hạn chế đầu tư, kiên quyết cắt giảm và ngừng các dự án không hiệu quả, chưa thực sự cần thiết, cắt giảm chi tiêu thường xuyên để giảm bớt bội chi ngân sách.
- Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 08/2011/QH13 về bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó cho doanh nghiệp và cá nhân, điều này có tác động hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, hộ gia đình…cũng như đối với hoạt động đầu tư trên TTCK như thuế cổ tức, chuyển nhượng chứng khoán.
- Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 74 và chỉ đạo UBCKNN ban hành Quy chế giao dịch ký quỹ đã giúp cải thiện thanh khoản trên TTCK và tâm lý nhà đầu tư tốt hơn, đồng thời để tăng cường quản lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 226 quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán.
- Nghị quyết TW3 về tái cấu trúc nền kinh tế trên 3 phương diện, đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước, và hệ thống tài chính – ngân hàng sẽ là một bước cải cách quan trọng về chiều sâu tạo ra bước phát triển quan trọng trong tương lai, từ đó vai trò của TTCK trong việc thu hút vốn đầu tư thay dần cho đầu tư công và khu vực Nhà nước sẽ được tăng cường.
1.2. Các yếu tố không thuận lợi:
a) Yếu tố ngoài nước:
- Triển vọng kinh tế thế giới khá tiêu cực, thậm chí có thể bị suy thoái lần 2. Theo dự báo hiện nay, xác suất nền kinh tế Mỹ suy thoái lần 2 là 50%. Tất cả các tổ chức quốc tế đều giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu như IMF, ADB, EIU (thuộc the Economist, Mỹ). Trong tháng 10, Bộ phận EIU (thuộc tạp chí Economist của Anh) đã tiếp tục hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của cả Mỹ và Khu vực đồng tiền chung châu Âu. EIU giảm dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2012 xuống còn 1,3% so với mức dự báo đưa ra trước đó trong tháng 9/2011 là 2%, chủ yếu do tình hình xấu đi trong Eurozone. EIU đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP cho khu vực Euro xuống còn 0,3% vào năm 2012 so với dự báo trước đó là 0,8%. Cơ quan này còn nhận định rằng nếu cuộc khủng hoảng được chặn lại thì tăng trưởng sẽ phục hồi vào năm 2013, nhưng sẽ rất yếu ớt.
EIU cho rằng nguy cơ suy thoái ở châu Âu và Mỹ cũng ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi, đặc biệt các nước chủ yếu xuất khẩu sang các khu vực này. Do triển vọng tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và châu Âu xấu đi, EIU cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2012 đối với hầu hết các thị trường mới nổi, kể cả Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil.
Trong tháng 11, Fed cũng đã hạ dự báo tăng trưởng và tăng tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ từ nay đến năm 2013 (cụ thể, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2011 còn 1,6- 1,7% và năm 2012 còn 2,5- 2,9% từ mức 3,3- 3,7%, năm 2013 còn 3- 3,5% từ mức 3,5- 4,2% dự báo trước đó; tỷ lệ thất nghiệp năm 2012 từ 7,8- 8,2% lên 8,5- 8,7%. Tỷ lệ thất nghiệp tối thiểu năm 2013 và 2014 lần lượt là 7,8% và 6,8%.).
b) Yếu tố trong nước:
+ Lạm phát và nhập siêu vẫn ở mức cao, khả năng cho đến cuối năm 2011, lạm phát vào khoảng 18% – 19% (do cuối năm khu vực doanh nghiệp, người dân thường tăng chi tiêu nên cầu về tiền tăng, ngoài ra yếu tố mùa vụ cùng với tác động của việc tăng lương cơ bản cũng làm áp lực lạm phát lớn hơn).
+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, dự báo đạt khoảng 6% (IMF dự báo khoảng 5,8% năm 2011).
+ Do tiếp cận vốn của các doanh nghiệp khó khăn trong thời gian qua dẫn tới việc thu hẹp sản xuất kinh doanh. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa có dấu hiệu khả quan.
+ Rủi ro của hệ thống ngân hàng gồm rủi ro thanh khoản, rủi ro cơ cấu kỳ hạn (cơ cấu cho vay dài hạn đến 77% nên tiềm ẩn rủi ro) và rủi ro tín dụng lớn, đặc biệt là rủi ro từ khối kinh doanh bất động sản (bao gồm cả rủi ro cơ cấu kỳ hạn và tín dụng) và khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Vốn cho vay bất động sản lớn khiến nợ xấu ngân hàng tăng, làm trầm trọng thêm rủi ro của hệ thống ngân hàng. Ngoài ra lưu thông tín dụng ngân hàng và bất động sản qua nhiều kênh và hình thức khác nhau cũng chưa thể hiện hết các tiềm ẩn rủi ro khác.
+ Tỷ giá: tỷ giá được duy trì cân bằng tạm thời trong thời gian qua nhờ các chính sách lãi suất đôla Mỹ thấp, tuy nhiên sức ép tỷ giá sẽ tăng dần.
+ Vàng: chịu tác động mạnh bởi thị trường quốc tế và vẫn rất khó quản lý, làm cho việc điều hành chính sách tiền tệ gặp nhiều khó khăn do thói quen tích trữ, sử dụng như một phương tiện thanh toán; luôn tiềm ẩn sức ép lên tỷ giá khi có biến động.
+ Khu vực doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế Nhà nước: kết quả và hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Khi lãi suất tăng và điều kiện kinh tế trong và ngoài nước khó khăn đã bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt là các vấn đề hạch toán kế toán, dịch chuyển vốn, đầu tư ngoài ngành, vay mượn giữa các công ty con trong tập đoàn Nhà nước.
+ Áp lực thoái vốn của một số quỹ đầu tư trên TTCK khi sắp đến thời điểm hết thời hạn hoạt động, trong khi đó triển vọng huy động vốn cho quỹ mới vẫn chưa tích cực. Nếu tình hình kinh tế năm 2012 không cải thiện thì tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, công ty chứng khoán, ngân hàng sẽ gặp khó khăn và số công ty thua lỗ sẽ tăng lên vì khả năng cầm cự không thể kéo dài.
2. Các chính sách, giải pháp:
2.1. Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô:
Các yếu tố kinh tế vĩ mô luôn có ảnh hưởng lớn tới tình hình TTCK và khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp qua TTCK, do vậy để giúp TTCK bền vững, cần xác định một số mục tiêu vĩ mô cơ bản sau:
- Cần kiên trì chống lạm phát, có điều hòa từ đầu năm, dự báo lạm phát năm 2012 vào khoảng 10%. IMF cũng đã đưa ra dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2012 ở mức 12,1%. Đây có thể coi là mức hợp lý và không đặt mục tiêu thấp gây ảnh hưởng mạnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh, gây ra hiện tượng đình lạm (lạm phát cao nhưng tăng trưởng thấp). Ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ đang tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nước Châu Á còn lại đang xem xét nới lỏng tiền hệ hoặc không thắt chặt thêm trong thời gian tới.
- Tín dụng năm 2012: tốc độ tăng khoảng dưới 20% (chỉ tiêu không nên chốt cứng mà cần có biên độ để có thể điều hành chủ động hơn).
- Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13 – 16%.
- GDP: 6% – 6,5% (không xác định thấp hơn vì có thể gây đình đốn SXKD, bất ổn xã hội). IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2012 khoảng 6,3%.
2.2. Các chính sách, giải pháp:
a) Các chính sách, giải pháp kinh tế vĩ mô:
- Cần tiếp tục duy trì các chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát nhưng cần bám sát với thị trường hơn, tránh thụ động. Đối với kiềm chế lạm phát: do nguyên nhân lạm phát không hoàn toàn do yếu tố tiền tệ nên tránh việc siết chặt quá mức gây khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời do thói quen tâm lý lo sợ lạm phát từ nhiều năm nên việc tác động tới tâm lý kỳ vọng lạm phát thông qua việc thể hiện sự kiên quyết, nhất quán và phối hợp trong chính sách tài khóa (như việc kiên quyết cắt giảm đầu tư công, chi thường xuyên, thời điểm tăng/giảm giá các mặt hàng xăng dầu, điện...) và chính sách tiền tệ.
- Cần cương quyết từ đầu năm các vấn đề nhập siêu, tỷ giá. Về vấn đề tỷ giá, nhập siêu và dự trữ ngoại tệ quốc tế: Cần quan tâm đến việc cải thiện nhập siêu và tình hình dự trữ ngoại tệ (so với nợ ngắn hạn, đầu tư gián tiếp, nhập siêu), trên cơ sở đó có chính sách tỷ giá phù hợp, tránh tác động mùa vụ cuối năm từ đó tác động đến chi phí đầu vào và lạm phát.
-Tái cấu trúc nền kinh tế: thực hiện từng bước có lộ trình đối với hệ thống ngân hàng và tập đoàn kinh tế Nhà nước. Đối với hệ thống ngân hàng, trước mắt cần chú trọng tới xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản và rủi ro thanh khoản. Đối với tập đoàn kinh tế nhà nước: xây dựng lộ trình thoái vốn phù hợp và tập trung vào hoạt động kinh doanh chính, thúc đẩy cổ phần hóa, áp dụng quản trị công ty hiện đại và công bố thông tin theo hướng áp dụng đối với các công ty niêm yết trên TTCK.
- Về cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về cổ phần hóa DNNN thay thế Nghị định 109. Trên cơ sở Nghị định của Chính phủ, kiến nghị Bộ chỉ đạo sớm ban hành các văn bản hướng dẫn các nội dung về tổ chức tư vấn định giá, xác định giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp...và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, Tổng công ty tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, trong đó có vấn đề bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Thúc đẩy cổ phần hóa cũng góp phần quan trọng vào việc giảm chi ngân sách và các áp lực chi ngân sách khi có các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, đồng thời sẽ giải phóng các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư dàn trải, vốn tín dụng từ khối NHTM nhà nước, tạo điều kiện minh bạch hơn hoạt động của các doanh nghiệp.
- Về phối hợp giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ liên quan đến TTCK: thực tế 10 năm qua cho thấy chính sách tiền tệ có ảnh hưởng rất lớn và mạnh đến TTCK (chính sách cung ứng tiền, tín dụng, lãi suất, tỷ giá, dự trữ ngoại tệ, đầu tư gián tiếp…). Vì vậy rất cần thiết có thông tư liên bộ về vấn đề cung cấp, trao đổi thông tin, phối hợp chính sách giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, trong quá trình điều hành kinh tế, xử lý khủng hoảng và quản lý giám sát TTCK và các tổ chức ngân hàng trên TTCK.
b) Các chính sách, giải pháp đối với TTCK:
b.1) Giải pháp trung và dài hạn.
(i) Về cơ chế, chính sách, đề án:
- Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011 – 2020 sẽ được trình Chính phủ dự kiến cuối tháng 11, đầu tháng 12/2011 sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
- Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý TTCK đã được trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ; dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2011.
- Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán: được xây dựng dựa trên Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý II/2012, triển khai trong năm 2012 và đầu năm 2013.
- Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp: đã trình Thủ tướng Chính phủ (dự kiến ban hành trong tháng 12/2011).
- Tái cấu trúc hàng hóa trên thị trường trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước chủ trì trong đó sẽ triển khai chương trình thí điểm hoán đổi trái phiếu kết hợp với phát hành lô lớn; Thông tư hướng dẫn hoán đổi trái phiếu, dự kiến ban hành trong tháng 11/2011.
- Xây dựng Đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2011, triển khai từ năm 2012 đến 2015.
- Đề án thị trường chứng khoán phái sinh: UBCK đang phối hợp với các SGDCK để triển khai xây dựng Đề án và xây dựng Nghị định hướng dẫn TTCK phái sinh trong năm 2012. Trên cơ sở đó triển khai cơ sở vật chất, hệ thống và đưa vào vận hành trong năm 2013 – 2014.
- Cơ chế giao dịch chứng khoán: UBCK xây dựng Đề án trình Bộ Tài chính và sẽ triển khai các điều kiện để có thể áp dụng trong năm 2012.
- Nâng cao tiêu chuẩn phát hành, chất lượng chứng khoán niêm yết, giao dịch: UBCK đã xây dựng tiêu chí và đưa vào dự thảo Nghị định, Thông tư để ban hành trong Quý I/2012.
- Xử lý các vấn đề về cơ chế tài chính, chế độ kế toán, tỷ giá, khấu hao, thương hiệu: các đơn vị gồm Cục Tài chính Doanh nghiệp, Vụ Tài chính Ngân hàng, Vụ Pháp chế; Vụ Chế độ Kế toán phối hợp triển khai trong tháng 12/2011.
- UBCKNN phối hợp với Vụ TCNH, Vụ Chính sách thuế, Tổng cục thuế nghiên cứu, xây dựng cơ chế thuế đặc thù đối với quỹ hưu trí tự nguyện và các sản phẩm quỹ khác. Dự kiến hoàn thành trong năm 2012.
- UBCKNN phối hợp với Vụ Chế độ Kế toán nghiên cứu quy định về kế toán cho các quỹ đầu tư chứng khoán. Dự kiến hoàn thành trong năm 2012.
(ii) Hoàn thiện khung pháp lý:
- Nghị định hướng dẫn Luật chứng khoán và Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung: đã trình Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến ban hành trong tháng 12/2011.
- Nghị định xử phạt hành chính: đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định, đăng ký trình Chính phủ trong tháng 12/2011.
- Xây dựng các Thông tư hướng dẫn Nghị định (Thông tư hướng dẫn đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, Thông tư hướng dẫn mua lại cổ phiếu và phát hành thêm, Thông tư hướng dẫn niêm yết chứng khoán; Thông tư thay thế QĐ 35 về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của công ty quản lý quỹ; Thông tư thay thế QĐ 27 về hướng dẫn tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán; Thông tư hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng; Thông tư về công bố thông tin). Dự kiến ban hành trong Quý I/2012.
- Xây dựng Thông tư hướng dẫn về Quỹ ETF; Thông tư thay thế Thông tư 194/2009/TT-BTC về chào mua công khai.
- Dự thảo Thông tư hướng dẫn xử lý hình sự trong lĩnh vực chứng khoán: UBCK đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp.
- Dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước về chào bán chứng khoán ra công chúng và niêm yết cổ phiếu của tổ chức tín dụng.
- Về hướng dẫn doanh nghiệp FDI chuyển đổi sang mô hình CTCP và đăng ký niêm yết trên TTCK: UBCKNN phối hợp với Bộ KHĐT thực hiện. Bộ KHĐT chủ trì thực hiện việc chuyển đổi doanh nghiệp FDI sang công ty cổ phần. Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc chào bán ra công chúng và niêm yết của doanh nghiệp FDI chuyển đổi. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KHĐT trình Chính phủ quyết định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp FDI chuyển đổi sang công ty cổ phần và niêm yết; đối với chào bán ra công chúng của doanh nghiệp FDI chuyển đổi.
- Xây dựng hướng dẫn về thu lời bất chính để tăng mức xử phạt: UBCK đã dự thảo, lấy ý kiến Bộ Tài chính, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 12/2011.
(iii) Về hàng hóa và các sản phẩm mới:
- Về công tác cổ phần hóa: Cục Tài chính Doanh nghiệp (đơn vị chủ trì) phối hợp với UBCK, các SGDCK để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cổ phần hóa gắn với niêm yết trên TTCK, đồng thời cũng gắn với Đề án tái cấu trúc DNNN.
- Về các sản phẩm mới: UBCKNN nghiên cứu xây dựng và trình Bộ Tài chính triển khai sản phẩm mới như quỹ mở, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ hưu trí tự nguyện nhằm phát triển nhà đầu tư có tổ chức và tạo cầu cho TTCK. Dự kiến Thông tư quỹ mở sẽ ban hành trong tháng 12/2011 và các loại hình quỹ khác ban hành trong khoảng Quý I –IV/2012.
- Triển khai chứng chỉ lưu ký toàn cầu: Chính phủ đã đồng ý và Bộ Tài chính đã phê duyệt nội dung và các quy định liên quan thực hiện thí điểm. Trước mắt áp dụng thí điểm trong năm 2011 với một số công ty, sau đó sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để đưa vào áp dụng chung theo Thông tư hướng dẫn dự kiến ban hành trong Quý I/2012.
- Nghiên cứu đưa vào giao dịch các sản phẩm ETF tại các SGDCK (có phương án trình trong năm 2012).
- Xây dựng hệ thống chỉ số thị trường mới.
(iv) Về cơ sở vật chất công nghệ:
- Triển khai gói thầu 04 về CNTT cho toàn bộ TTCK (thực hiện trong năm nay và năm 2012).
- Xây dựng phương án đối tác bù trừ trung tâm (CCP), phương án thanh toán chứng khoán tại TTLKCK (thực hiện trong năm 2012).
- Triển khai công tác tin học hóa tại UBCKNN (dự án Lux và các gói thầu quản lý các tổ chức KDCK), thực hiện trong năm 2012.
b.2) Giải pháp trước mắt.
- Sớm ban hành Thông tư về quỹ mở trong năm 2011 để khuyến khích các nhà đầu tư có tổ chức.
- Xem xét đánh giá tình hình hoạt động TTCK để kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục kéo dài việc miễn giảm về thuế quy định tại Nghị quyết số 08/2011/QH13 ngày 06/08/2011 của Quốc hội về việc bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân.
- Trên cơ sở Thông tư 226/2010/TT-BTC và kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán, tiến hành kiểm tra, rà soát phân loại các công ty chứng khoán để quản lý, giám sát theo nhóm; thực hiện tăng cường giám sát đình kỳ thường xuyên theo ngày, theo tuần đối với những công ty chứng khoán thuộc diện kiểm soát và kiểm soát đặc biệt.
- Tăng cường công tác thanh tra, xử phạt: ban hành các quy định về thu hồi bất chính (thực hiện trong tháng 11/2012). Phối hợp Bộ Công an xây dựng văn bản hướng dẫn xử lý hình sự các tội phạm trên TTCK.
- Tiếp tục hoàn thiện các biện pháp tăng cường giám sát, xử lý vi phạm về chế độ báo cáo, công bố thông tin:
+ Công bố thông tin đối với trường hợp tổ chức niêm yết xin gia hạn công bố thông tin mà không thuộc trường hợp được tạm hoãn.
+ Rút gọn quy trình để kịp thời xử phạt vi phạm hành chính về chế độ báo cáo, công bố thông tin.
+ Hoàn thiện Quy chế niêm yết, giao dịch của SGDCK để tùy theo mức độ vi phạm áp dụng các biện pháp như: tạm đình chỉ giao dịch đối với các đối tượng là cổ đông nội bộ, cổ đông lớn, người có liên quan; tạm ngừng giao dịch và huỷ niêm yết đối với tổ chức niêm yết có hành vi vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm chế độ báo cáo, công bố thông tin.
- Sửa đổi quy định về giám sát và quy trình phối hợp trong giám sát giữa UBCK và các SGDCK: hoàn thành trong tháng 12/2011.
- Nghiên cứu đưa vào giao dịch lệnh thị trường (MP) và kéo dài thời gian giao dịch, dự kiến trong năm 2012.
- Tiếp tục theo dõi giám sát và phối hợp với các Hiệp hội, nhà đầu tư để hạn chế tối đa hoạt động bán khống trái phép; có biện pháp xử lý kịp thời và nghiêm đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán nếu có hành vi tiếp tay cho bán khống.
- Đối với thao túng thị trường và giao dịch nội gián: sớm nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp chính thức giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, Bộ Bưu chính viễn thông, Bộ Công an để phối hợp và trao đổi thông tin nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác thanh tra và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top