bao 2.6
Nới rộng quyền sở hữu nhà của Việt kiều
"Nếu chúng ta coi 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời thì không nên phân biệt, hạn chế quyền lợi của họ khi sở hữu nhà ở", đại biểu Nguyễn Ngọc Đào phát biểu tại Quốc hội, sáng nay.
Sáng nay, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về việc sửa đổi bổ sung điều 126 của Luật nhà ở vừa điều 121 luật Đất đai. Theo quy định hiện hành, một trong những điều kiện sở hữu nhà hoặc căn hộ đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là phải được phép cư trú từ 6 tháng trở lên. Nhưng nay theo dự thảo sửa đổi, thời hạn được rút ngắn xuống còn một nửa (3 tháng).
Các khu đô thi tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà.
Diện được mua cũng mở rộng, thêm cả người quốc tịch Việt Nam sống ở nước ngoài, người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước mà có nhà ở thuộc tài sản chung của vợ chồng, bên cạnh quy định là trường hợp về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam.
Trước quy định "thoáng" về điều kiện mua nhà ở trong dự thảo, nhiều đại biểu lo ngại và tỏ ý không đồng tình. Ông Ngô Văn Minh cho rằng: "Luật đã mở rộng quá nhiều, điều kiện không chặt chẽ... Chúng ta nên cân nhắc xem đã nên sửa những quy định này hay chưa, trong khi nhiều bất cập về Luật đất đai đang gây bức xúc trong dân thì chưa được sửa".
"Luật sửa đổi dường như quan tâm đến vấn đề kinh tế và không lường trước những thay đổi về quản lý bất động sản, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội", đại biểu Trần Thị Dung băn khoăn. Đại biểu này tán thành chủ trương mở rộng quy định quyền được mua nhà của người Việt Nam ở nước ngoài vì góp phần khuyến khích sự đóng góp của họ với đất nước, song cũng đề nghị: "Cần cân nhắc kỹ, nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của đất nước".
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương của dự thảo. "Lần này sửa luật là thực hiện nhất quán chính sách, tạo điều kiện cho bà con về nước làm ăn sinh sống. Đây chính là sợi dây gắn kết bà con làm ăn ở nước ngoài", ông Ngô Đức Mạnh ủng hộ.
Theo phân tích của ông Mạnh, diện được mua nhà theo quy định là "người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu" thì hầu hết là những trường hợp có điều kiện và khả năng kinh tế, không cho mua nhà ở Việt Nam, họ mua ở nước khác. Khi quyết định về nước làm việc họ cũng phải cân nhắc đắn đo, vì có thể gây xáo trộn lớn về cuộc sống gia đình, tình cảm.
Do vậy, ông lạc quan rằng: "Không nên quan ngại việc cho những người này mua nhà sẽ gây nạn đầu cơ. Luật pháp không cho phép việc đó diễn ra".
Với quan điểm của một chuyên gia kinh tế, đại biểu Trần Du Lịch cho biết khi bàn thảo về dự án này, các nhà kinh tế cũng lo ngại là "mở quá rộng", nhưng sau khi phân tích thấy không phải như vậy. Chúng ta đã quy định rõ là mua nhà để ở, nên loại hoàn toàn mục đích kinh doanh.
Theo ông Lịch, TP HCM khi bàn về vấn đề này từng mời những nhà kinh doanh bất động sản tham gia cho ý kiến. "Họ bảo "mở" thế này cũng không mấy người mua đâu. Mỗi năm họ về nước có ít ngày, nếu không được cho thuê trong lúc không sử dụng thì chi phí quá lớn", ông cho biết.
Đại biểu Lịch cho rằng, nếu siết chặt quy định quá, Việt kiều sẽ về nước mua nhà "chui", khi đó nhà nước quản lý sẽ càng khó hơn. Theo ông, nhiều đại gia ở trong nước bây giờ cũng đã ra nước ngoài mua nhà, mà chúng ta chưa có con số thống kê. Ông Lịch kiến nghị: "Chúng ta nên "mở", không nên "khóa" kỹ quá".
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào phát biểu tại hội trường. Ảnh: TTXVN
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Ngọc Đào phát biểu: "Nếu thừa nhận 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận thì không nên có sự phân biệt, không được hạn chế quyền lợi của họ".
Ông lo ngại, nếu hạn chế thì sẽ vi phạm quy định của luật dân sự. "Sao chúng ta không lo lắng trước việc các tập đoàn nước ngoài đang kinh doanh, bán đất của chúng ta để kiếm lời mà lại đi lo những người có tư tưởng ái quốc về nước mua nhà để làm ăn, sinh sống".
Luật sửa đổi bổ sung điều 126 của Luật nhà ở vừa điều 121 luật Đất đai sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 18/6.
So sánh quy định hiện hành và điểm mới của dự thảo bổ sung điều 126 Luật nhà ở.
Dự thảo:
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:
a) Người có quốc tịch Việt Nam;
b) Người gốc Việt Nam thuộc diện: người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước mà có nhà ở thuộc tài sản chung của vợ chồng.
2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam".
Quy định hiện hành:
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư lâu dài tại Việt Nam, người có công đóng góp với đất nước, nhà hoạt động văn hoá, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước, người được phép về sống ổn định tại Việt Nam và các đối tượng khác do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều này đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ sáu tháng trở lên được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ.
.................
Đại lễ cầu siêu các anh hùng, liệt sĩ
Hôm nay, gần 300 tăng ni, phật tử và cựu chiến binh từ các tỉnh thành trong cả nước cùng cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ trên huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Các tăng ni đang cầu siêu trong đại lễ. Ảnh: Đoàn Loan.
Theo Đại đức Thích Minh Nhẫn, Chánh thư ký Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang, lễ tưởng niệm để cầu nguyện cho linh hồn các anh hùng được siêu thoát, quốc thái dân an.
Hơn 30 năm qua, khoảng 40.000 liệt sĩ hy sinh trên huyện đảo Phú Quốc, trong đó, hàng nghìn thi thể chiến sĩ tại nhà tù Phú Quốc bị chôn vùi trong lòng đất. Năm 2008, Ban chỉ đạo quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực tìm kiếm, khai quật được hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ, đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc.
Ngoài lễ cầu siêu, các cựu tù Phú Quốc đã cùng ôn lại những ngày tháng bị tra tấn, giam cầm trong nhà lao, tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh và đến thăm 5 hố chôn tập thể vừa được khai quật.
Đại lễ cầu siêu do Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang và Tập đoàn Đại Minh phối hợp tổ chức.
...............
Gần 4.500 thí sinh bỏ thi trong ngày đầu tiên
Kết thúc ngày thi đầu, cả nước có gần 4.500 thí sinh bỏ thi, hơn 100 em bị đình chỉ thi, hàng trăm trường hợp bị tai nạn và ốm...
> Đề Văn vừa sức, 'phao' thi vẫn xuất hiện / Gợi ý làm bài thi tốt nghiệp môn Văn
Thí sinh Hà Nội dự thi môn Sinh học. Ảnh: Hoàng Hà.
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT, kết thúc buổi thi môn Văn có gần 4.000 em bỏ thi, trong đó chừng 3.000 em vắng không lý do, 38 em bị tai nạn giao thông, hàng chục trường hợp ốm... 84 thí sinh bị đình chỉ thi vì sử dụng tài liệu, mang điện thoại di động... nhưng không có giám thị vi phạm quy chế thi.
Buổi chiều cùng ngày, ở môn thi Sinh học, số thí sinh bỏ thi đã giảm hẳn nhưng do năng nóng và căng thẳng nên số em bị ốm không thể dự thi lại tăng lên (129 em), số thi sính bị tai nạn giao thông là 14 và 19 em đến chậm quá giờ làm bài. Do môn Sinh học thi trắc nghiệm nên trong buổi chiều, cả nước có 19 thí sinh vi phạm, bằng 1/4 ở môn thi Văn.
"Tỷ lệ thí sinh đến dự thi so với thí sinh đăng kí dự thi khá cao, tăng so với cùng kỳ năm 2008. Trong buổi thi, không có ý kiến thắc mắc gì về đề thi, dư luận nhìn chung biểu lộ thái độ tích cực đối với đề thi của môn thi", Cục phó Cục Khảo thí Trần Văn Nghĩa nhận định.
Thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy, ở môn Văn, khối THPT có 174 em bỏ thi, khối bổ túc là 43 em. Còn môn Sinh học có hơn 170 thí sinh bỏ thi, trong đó riêng bổ túc THPT có 51 em. Sau ngày thi đầu tiên, thành phố có 13 thí sinh bỏ thi vì tai nạn, gần 100 em ốm, và 4 trường hợp vi phạm quy chế thi ở khối THPT và tập trung chủ yếu vào môn Sinh học.
Nhóm học sinh THPT Yên Hòa (Hà Nội) trao đổi sau buổi thi Sinh. Ảnh: Hoàng Hà.
Còn tại TP HCM, kết thúc buổi thi Sinh học, các thí sinh đều rất vui vẻ ra khỏi trường thi vì cho rằng đề thi "tương đối dễ". "Đề thi không khó nhưng số lượng câu hỏi cũng tương đối nhiều nên không có thời gian để hỏi. Những câu dễ làm trước còn lại em đều chọn đáp án cho những câu không chắc chắn. Chắc cũng phải được 80%", Vương Gia Huy (THPT Lê Hồng Phong) vui vẻ nói.
Nắm được thông tin về đề thi năm nay tương đối dễ nên tại các địa điểm thi nhiều bậc phụ huynh cũng khá phấn khởi khi thấy con làm được bài. "Nghe cháu nói làm đạt hơn một nửa là tôi mừng lắm", chị Nguyễn Thị Lê có con học trường Trần Hữu Trang cười.
Trong buổi họp báo chiều 2/6, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM Nguyễn Văn Ngai cho biết tình trạng thí sinh vi phạm cũng như bỏ thi năm nay giảm hơn năm ngoái. Vì có sự bảo lưu kết quả thi từ những năm trước nên số lượng hồ sơ thi của các môn có sự khác nhau.
Lượng thí sinh phổ thông đăng ký môn Văn của toàn thành phố là gần 52.000 em, 12 trường hợp vắng đều không có lý do. Đối với học sinh giáo dục thường xuyên, trong số hơn 10.000 hồ sơ đăng ký, số thí sinh vắng lên tới 114 em. Trong khi số học sinh phổ thông thi môn Sinh không thay đổi so với buổi sáng thì ở hệ giáo dục thường xuyên, số thí sinh tiếp tục giảm 116 em.
Tại hội đồng thi Trần Đại Nghĩa, một thi sinh phải đi cấp cứu trong khi làm bài thi do em này có tiền sử về bệnh tim. Tuy nhiên, việc có được đặc cách thi lại môn này hay không còn tùy thuộc vào sự xem xét của hội đồng thi.
"Điều tôi đặc biệt lo trong kỳ thi này là tình trạng kẹt xe xảy ra do lô cốt tại các tuyến đường. Tuy nhiên, năm nay không có thí sinh nào bị bỏ thi do đến trễ hay nhầm hội đồng thi. Việc mang tài liệu và những vật dụng cấm vào phòng thi dù không sử dụng nhưng khi phát hiện đều bị hủy toàn bộ kết quả thi vì vậy lưu ý với các em trong những ngày thi tiếp theo về vấn đề này", ông Ngai bày tỏ.
Theo ông Ngai, số thí sinh vi phạm buổi chiều không có, nhưng đây có thể không phải là kết quả thực tế vì số liệu có thể không được báo cáo kịp thời.
.....................
Đà tăng nóng của Vn-Index có yếu tố đầu cơ
Chứng khoán có 2 phiên tăng điểm liên tiếp, song giới phân tích tỏ ra thận trọng. Bởi thị trường càng nóng, rủi ro càng cao.
> Vn-Index lên mức cao nhất trong 8 tháng
Trước đó, phần lớn chuyên viên phân tích dự báo về một đợt điều chỉnh trong tuần này. Một số dự đoán, Vn-Index có khả năng lùi về sát 380 điểm. Trong suốt tuần trước, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tại sàn TP HCM, trong khi mua ròng liên tiếp 4 phiên tại HASTC. Động thái của khối ngoại như càng khẳng định khả năng điều chỉnh trong tuần này. Nhưng trong 2 phiên đầu tuần, nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển sang bán ròng tại HASTC, và mua ròng tại HOSE.
Phiên sáng nay, chỉ số của sàn TP HCM tiếp tục tăng mạnh 14,13 điểm và chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 10/2008. Ngưỡng cản 432 điểm bị phá vỡ một cách nhanh chóng nhờ hàng loạt lệnh mua giá trần. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch qua khớp lệnh đạt mức cao, trên 51 triệu chứng khoán.
Diễn biến tăng điểm trong phiên hôm nay không nằm ngoài dự đoán của nhiều chuyên viên phân tích, song đáng ngạc nhiên đối với họ là khối lượng giao dịch tiếp tục tăng mạnh. "Từ cuối phiên hôm qua, khi giao dịch tăng lên nhanh chóng, sóng giảm điểm trong ngắn hạn đã bị phá vỡ và chúng tôi nhận định phiên này Vn-Index cũng đi lên. Song thanh khoản dâng cao là điều khá bất ngờ", ông Nguyễn Hồng Quang, Phó phòng Phân tích và đầu tư Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), nhận xét.
Việc GM phá sản có tác động mạnh đến chứng khoán toàn cầu cũng như Việt Nam. Song đây là điều đã được biết từ lâu nay, nên không còn gây bất ngờ đối với giới đầu tư.
Phòng Môi giới Công ty Chứng khoán Habubank (HBBS) cho rằng, áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn đang giảm, khi những phiên điều chỉnh được thay thế bằng những phiên đi ngang, cùng với hoạt động chốt lời của một số nhà đầu tư lớn. Theo ông Nguyễn Quang Đạt, Trưởng Môi giới HBBS, khi những mốc 432 của Vn-Index và 155 của HaSTC-Index bị phá vỡ, sẽ hình thành một sóng tăng giá mới. Áp lực điều chỉnh vẫn có, nhưng tại thời điểm này chưa diễn ra.
Trong thời điểm chưa có thông tin quyết định đến thị trường, phần nhiều nhà đầu tư xác định "lướt sóng" là chính. Một nhà đầu tư trung tuổi tại sàn FPTS cho hay đang mua bán hầu hết các mã trong nhóm ngành tài chính, song không nắm cổ phiếu nào lâu. Anh vẫn chưa hết ám ảnh bởi thời kỳ thị trường suy thoái trong gần 2 năm qua.
"Giờ mình không nắm mã nào lâu cả, thấy lãi ổn ổn là bán đi", anh cho biết. Trong một phiên, anh có thể mua ra, bán vào vài mã, và liên tiếp "canh" sóng để giao dịch. Tương tự, ngồi ngay cạnh anh, một nhóm nhà đầu tư nữ cũng duy trì chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh".
Theo ông Nguyễn Hồng Quang, trong ngắn hạn, thị trường có thể tiếp tục tăng điểm trong vài phiên, nhưng mức độ tăng mạnh tỷ lệ thuận với nguy cơ xuống mạnh. "Thị trường tăng quá nóng thì rủi ro càng cao", ông nhận xét. Đến cuối phiên hôm nay, lực bán ra đã bắt đầu tăng, sau những phút kìm hàng ở cuối đợt khớp lệnh liên tục. Khi thanh khoản tăng mạnh như hôm nay, khả năng điều chỉnh sẽ đến sớm hơn, ông Quang nhận định.
Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng tỏ ra thận trọng trước sức nóng của thị trường. Lý do thị trường lên, theo SSI, là do luồng tiền và tâm lý. Hiện cả hai yếu tố này rất khó để "đong đếm", trong khi những tín hiệu vĩ mô hồi phục thì chậm chạp.
Hiện nhiều nhà đầu tư kỳ vọng ở mức điểm 480. Song vào thời điểm này, rất ít chuyên viên môi giới dám khuyên đầu tư dài hạn. Những người có thời gian gắn bó lâu hơn với sàn chứng khoán thì xác định "lướt sóng" đến cuối tháng 6. Rồi đợi có kết quả kinh doanh của 2 quý đầu năm thì mới lựa chọn cổ phiếu để nắm dài hạn.
...............
Vn-Index vọt lên mức cao nhất trong 8 tháng
Thị trường chứng khoán có phiên tăng nóng thứ hai liên tiếp, Vn-Index bất ngờ bật lên trên 440 điểm, trái với mọi dự đoán về đợt điều chỉnh trong tuần này.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số của sàn TP HCM đóng cửa tại 440,56 điểm, tăng 14,13 điểm (3,31%). Đây là mức giá đóng cửa cao nhất kể từ ngày 3/10/2008. Khối lượng giao dịch qua khớp lệnh tiếp tục đạt cao, với 51,2 triệu chứng khoán, tương ứng 1.634,2 tỷ đồng.
Toàn sàn có 161 mã tăng điểm, chỉ 14 chứng khoán đi ngược xu hướng và 5 mã giữ giá tham chiếu.
Diễn biến phiên giao dịch hôm nay khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi bất ngờ.
Ảnh: Hoàng Hà.
Thị trường mở cửa với cả tin tốt và xấu từ thị trường thế giới. Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực không thành, hãng xe hơi lớn thứ hai thế giới General Motors tuyên bố phá sản. Cổ phiếu của hãng chuyển xuống niêm yết tại sàn OTC, thay vì là một trong 30 mã lớn nhất của Dow Jones. Vụ phá sản của GM trong nửa tháng nay được coi là thông tin có khả năng tác động lớn đến thị trường trong nước và được giới đầu tư theo dõi sát.
Song thị trường chứng khoán toàn cầu hôm 1/6 lại tăng điểm mạnh, nhờ tin tốt từ nhiều nền kinh tế đẩy lùi những lo ngại xung quanh vụ GM. Cả 3 chỉ số quan trọng của phố Wall tiến thêm 2,5%.
Vn-Index tăng mạnh 9,61 điểm (2,25%) ngay từ đầu phiên và dễ dàng vượt qua ngưỡng cản 432 điểm. Chỉ số đứng ở mức 436,04 điểm ở cuối đợt khớp lệnh mở cửa. Khối lượng giao dịch đạt mức cao 4,8 triệu chứng khoán, tương ứng 154,25 tỷ đồng.
Chỉ số tiếp tục tiến nhanh trong 2 đợt khớp lệnh sau, có thời điểm tăng tới 17 điểm và đưa Vn-Index lên trên 443 điểm. Hầu hết cổ phiếu, không phân biệt lớn nhỏ, đều tăng trần. Xu hướng găm hàng lặp lại, khiến giao dịch chững lại từ giữa phiên.
SSI và STB là 2 mã dẫn dắt thị trường trong giai đoạn này. Cổ phiếu của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín tăng hết biên độ với 11,6 triệu cổ phiếu khớp lệnh, trong khi SSI cũng khớp gần 700.000 cổ phiếu ở giá cao nhất, cùng dư mua trên 1,6 triệu ở giá trần. Các chứng khoán nằm trong nhóm tăng nhiều nhất còn có HPG, DPM, VFMVF4, SAM, VFMVF1.
Tại sàn Hà Nội, chỉ số HaSTC-Index cũng tăng mạnh từ đầu phiên và đóng cửa tại 154,56 điểm, tăng 5 điểm (3,34%). Khối lượng giao dịch đạt 32,9 triệu chứng khoán, tương ứng 1.067 tỷ đồng. Phiên này nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang bán ròng trên 14 tỷ đồng tại HASTC.
...............
Cuộc cãi vã giữa Jetstar Pacific - Vinapco chưa kết thúc
Vụ Vinapco bị phạt 3 tỷ đồng vì ngừng cấp nhiên liệu bay lại bắt đầu rùm beng khi đương sự đem chuyện lên báo cáo Chính phủ. Jestar Pacific không chịu kém, cũng có đơn gửi Thủ tướng.
>Vinapco bị phạt 3 tỷ đồng vì ngừng bán xăng / Hãng hàng không của Nhạc sĩ Hà Dũng nợ tiền xăng
Trong công văn vừa gửi Thủ tướng, Jetstar Pacific cho hay sau khi bị hội đồng cạnh tranh tuyên phạt hơn 3 tỷ đồng vì sự cố nhiên liệu, Vinapco đã có những báo cáo lên các cơ quan Nhà nước với những thông tin không đúng sự thật, sai bản chất vấn đề. Việc Vinapco nói rằng, Jetstar Pacific bị cắt nhiên liệu bay là do hãng nợ tiền mua nhiên liệu cũng là không chính xác.
Gần 5.000 hành khách của Jetstar Pacific bị vạ lây trong sự cố nhiên liệu. Ảnh: Hoàng Hà.
Jetstar Pacific cho rằng việc Vinapco bắt các hãng hàng không phải ứng tiền trước khi nạp nhiên liệu là trái với thông lệ thế giới;p, bởi các hãng hàng không mua nhiên liệu tại sân bay nước ngoài không bao giờ phải ứng tiền trước. Chưa kể, trong tháng 4/2009, Vietnam Airlines (công ty mẹ của Vinapco) đã có chỉ thị bỏ cơ chế ứng trước tiền xăng dầu nhưng đến nay Vinapco vẫn chưa triển khai thực hiện.
Theo công văn của Jetstar Pacific, từ đầu năm 2008 đến nay, do biến động giá nhiên liệu và suy thoái kinh tế làm cho nhiều hãng hàng không trong nước lẫn thế giới lỗ nặng thì Vinapco với vị thế độc quyền của mình vẫn đạt được lợi nhuận cao, tăng 160% so với kế hoạch đề ra. Trong khi đó, với lượng nhiên liệu mua khá khiêm tốn trong tổng số nhiên liệu mà Vinapco bán ra thì Jetstar Pacific cũng như các hãng hàng không nhỏ khác sẽ không có khả năng uy hiếp đến hoạt động kinh doanh của Vinapco. "Mà trái lại, Vinapco có thể uy hiếp hoạt động của các hãng hàng không khi họ không có sự lựa chọn nào khác để mua nhiên liệu ngoài việc mua của Vinapco", công văn của Jetstar Pacific nhấn mạnh.
Trước đó, trong công văn gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào ngày 18/5, Vinapco cho rằng Jetstar Pacific liên tiếp vi phạm các điều khoản thanh toán, để nợ tồn đọng kéo dài, uy hiếp đến hoạt động của Vinapco.
Còn trao đổi với báo giới, Giám đốc Vinapco - Trần Hữu Phúc thì khẳng định phán quyết của Hội đồng cạnh tranh liên quan đến khoản tiền nộp phạt 3 tỷ đồng chưa tính đến hoàn cảnh xảy ra việc ngừng cấp xăng cho Jetstar Pacific. Đó là vì Vinapco là một doanh nghiệp nhà nước, có nghĩa vụ phải bảo toàn và phát triển nguồn vốn Nhà nước và lo đời sống cho 1.300 lao động.
Giới chuyên gia nhìn nhận đây không phải là lần đầu tiên tranh cãi giữa Vinapco và Jetstar Pacific liên quan đến nhiên liệu bay xảy ra. Trong bối cảnh Vinapco một mình một chợ kinh doanh xăng dầu hàng không thì những tranh chấp liên quan đến giá bán, nguồn cung ứng cũng sẽ xảy ra với các hãng hàng không khác chứ không riêng gì Jetstar Pacific.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng cãi vã giữa Vinapco và Jetstar Pacific thể hiện sự thiếu sót trong hợp đồng ký kết giữa các bên. Lẽ ra các tình huống tranh chấp phát sinh cần phải ghi rõ trong hợp đồng mua bán để quy trách nhiệm cho các bên. Tiếc là hợp đồng thiếu chuẩn hóa quốc tế nên tranh cãi cứ xảy ra liên miên và sự việc lại tiếp tục được đẩy lên tới tận Chính phủ.
Tranh cãi hai bên xảy ra từ 1/4/2008. Do không đạt được thỏa thuận về giá, Vinapco đơn phương ngừng cung cấp xăng dầu cho các chuyến bay của Pacific Airlines, nay là Jetstar Pacific Airlines. Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia đã tuyên phạt Vinapco 3 tỷ đồng.
Theo ông Phong, cãi vã giữa Vinapco và Jetstar Pacific nên coi là điển hình cuối cùng về chuyện doanh nghiệp làm khổ Thủ tướng, sau tranh chấp giữa các ông dầu khí, điện lực, viễn thông... "Lẽ ra những việc này chỉ cần một bên thứ ba, độc lập đứng ra giải quyết, chứ không nên đưa nhau lên tận Chính phủ, khi mà Thủ tướng đang phải căng đầu lo các vấn đề khác như khủng hoảng, lạm phát, an sinh xã hội...", ông Phong nhấn mạnh.
..............
Giá vàng bất ngờ giảm mạnh
Giá bán ra các thương hiệu vàng miếng trong nước sáng nay khoảng 21,4-21,5 triệu đồng mỗi lượng, giảm 200.000 đồng so với mức đóng cửa ngày hôm qua.
> Nhà đầu tư sàn vàng tăng mua khi giá lên cao / Giá vàng tăng từng giờ
Giá các thương hiệu vàng miếng thấp hơn chiều tối qua trung bình 200.000 đồng mỗi lượng. Ảnh: T.A
Vàng miếng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết đầu phiên tại 21,34-21,42 triệu đồng một lượng (mua vào - bán ra) cho các khu vực TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ. Tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, giá bán mỗi lượng SJC cao hơn 20.000 đồng với 21,34 - 21,44 triệu đồng mỗi lượng.
Doanh nghiệp này đã giảm 230.000 đồng mỗi lượng bán ra và giảm 190.000 đồng mỗi lượng mua vào so với giá đóng cửa chiều qua. Tuy nhiên, mức giá niêm yết đầu phiên sáng nay của SJC vẫn cao hơn 40.000 đồng so với sáng qua.
Vàng miếng SJC và vàng AAA được Công ty vàng bạc đá quý Nữ Trang và Truyền Thông Vi Na Việt niêm yết đầu phiên sáng nay là 21,35 - 21,45 triệu đồng một lượng, giảm 160.000 đồng so với chiều tối qua.
Quỹ đầu tư vào vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết dự trữ vàng của quỹ này tiếp tục tăng 15,27 tấn tương đương với 1,4% so với mức của ngày hôm trước, nâng tổng số dự trữ vàng của quỹ này lên mức 1.134,03 tấn hôm 1/6.
Giá vàng có hướng tăng nhẹ đầu phiên Châu Á sáng nay nhưng còn chậm và chưa được đánh giá là vững chắc, dao động quanh 976 USD một ounce. Sức khỏe đồng USD vẫn là yếu tố chính tác động đến giá vàng trong giai đoạn này.
Vàng thế giới giảm giá ở phiên New York bất chấp dầu vẫn ở mức cao do hoạt động bán vàng chuyển vốn sang chứng khoán diễn ra mạnh mẽ. Nguyên nhân khiến chứng khoán hồi phục mạnh do niềm tin vào kinh tế Mỹ hồi phục lạc quan hơn.
............
Kinh tế gia ngờ nghệch về khủng hoảng
"Ai đó phải thực sự dũng cảm hoặc quá ư ngốc nghếch khi đi tranh luận với Paul Krugman, chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2008. Dẫu vậy, một con mèo có thể nhìn thẳng vào đức vua, và đôi khi nhà lịch sử có thể thách thức kinh tế gia".
Niall Ferguson, chuyên gia về tài chính và lịch sử kinh tế đến từ Đại học Harvard vừa có buổi tranh luận với nhà cảnh báo khủng hoảng Paul Krugman về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Quan điểm của giáo sư Ferguson đã được minh chứng phần nào qua diễn biến của thị trường trái phiếu Mỹ gần đây. Dưới đây là bài viết của ông đăng trên Financial Times số ra hôm 29/5.
Naill Ferguson chính là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất do New York Times phát hành, với tiêu đề "The Ascent of Money". Ảnh: The Guardian
Thứ tư tuần trước, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Bộ Tài chính Mỹ - được xem là hàn thử biểu trên thị trường vốn - tăng lên trên 3,75%. Thời xa xưa, lãi suất trái phiếu thấp hơn thế rất nhiều. Nhưng khủng hoảng tài chính đã thay đổi tất cả. Mới cuối năm ngoái thôi, người mua trái phiếu chỉ được hưởng lãi suất 2,06%. Như vậy, chỉ trong vòng 5 tháng, lãi suất trái phiếu dài hạn đã tăng 167 điểm cơ bản, tương đương 81%.
Phần lớn các bình luận gia đều không mấy quan ngại về diễn biến này, cho dù có nhiều ý kiến cảnh báo về sức khỏe tài chính Mỹ. Với tôi, dẫu sao đây cũng là tin tốt. Vì nó đã giúp làm sáng tỏ cuộc tranh luận công khai giữa tôi với kinh tế gia đến từ trường Princeton Paul Krugman.
Ai đó phải thực sự dũng cảm hoặc quá ư là ngốc nghếch khi đi tranh luận với Paul Krugman, chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2008. Dẫu vậy, một con mèo có thể nhìn thẳng vào đức vua, và đôi khi nhà lịch sử có thể thách thức cả kinh tế gia.
Một tháng trước, Krugman và tôi cùng ngồi ở New York tham gia thảo luận nhóm về cuộc khủng hoảng tài chính. Tôi đưa ra quan điểm rằng việc thâm hụt ngân sách có thể vượt quá 12% GDP Mỹ trong năm nay và việc phát hành ồ ạt có thể đẩy lãi suất trái phiếu dài hạn lên cao, cho dù Cục Dự trữ Liên bang (FED) mong muốn hạ thấp xuống. Tôi cũng dự báo về nguy cơ xảy ra trò chơi kéo co giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, khi mà người ta ra rằng thị trường tài chính đang phải cố gắng tiêu hóa hết lượng trái phiếu khổng lồ kia.
Giáo sư Paul Krugman vừa tới Việt Nam trình bày về cuộc khủng hoảng toàn cầu và những kinh nghiệm dành cho Việt Nam. Ảnh: Wikipedia
Và rồi tôi, đã nhận được phản hồi thế này: Tôi thuộc về kỷ nguyên tối tăm của các kinh tế gia. Và thật buồn là kiến thức của tôi về kinh tế chính trị học thậm chí còn không đạt tới trình độ của năm 1937, một năm sau khi học thuyết của kinh tế gia Keynes được xuất bản và còn xa mới đạt trình độ của năm 2005, khi cuốn kinh tế vĩ mô của Krugman xuất hiện. Chẳng lẽ tôi không hiểu điểm cơ bản của khủng hoảng là người ta có nhu cầu cực lớn để tiết kiệm chứ không phải đầu tư. "Chúng ta có thừa nhu cầu tiết kiệm ở khắp nơi trên toàn thế giới, vì thế mà sẽ không có áp lực nào tới lãi suất trái phiếu dài hạn", Krugman giải thích cho tôi như vậy.
Giờ đây, tôi không cần bài học từ học thuyết của Keynes. Nhưng tôi nghĩ giáo sư Krugman đã có bài học mới. Nếu tái bản cuốn "Sự trở lại của kinh tế học thời suy thoái", Krugman hẳn là thích thú khi trình bày về cuộc khủng hoảng hiện nay như một sự lặp lại những gì đã diễn ra trong thập kỷ 30 thế kỷ trước. Nhưng thực tế không phải như vậy. GDP của Mỹ được Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo sẽ giảm 2,8% trong năm nay và tiếp tục trì trệ trong năm tới. Đà suy giảm này chưa thấm vào đâu so với đầu thập niên 1930, khi ấy GDP của Mỹ đã giảm tới 30%. Vì vậy, chỉ có thể nói đây là cuộc suy thoái lớn (Big Recession), tương đương với những gì diễn ra trong giai đoạn 1973-1975.
Để kinh tế có thể rơi vào một cuộc Đại Suy thoái thứ hai, về nguyên tắc không ai nắm rõ bằng Chủ tịch FED Ben Bernanke. Ông ấy hiểu rõ cuộc khủng hoảng ngân hàng đầu thập niên 1930 là khủng khiếp nhất từ trước tới nay. Ông ấy cũng là người biết rằng liều thuốc lãi suất ngắn hạn gần 0% cùng với chính sách nới lỏng tiền tệ - từng bị dư luận nghi ngờ về hiệu quả của nó - đã đẩy lùi nguy cơ sụp đổ hệ thống ngân hàng hiện nay. Và không còn nghi ngờ gì nữa, gói kích thích 787 tỷ USD đã thúc đẩy GDP trong quý này.
Tuy nhiên, gói kích thích này chỉ chiếm một phần nhỏ trong khoản thâm hụt ngân sách quốc gia mà Mỹ sẽ phải hứng chịu năm nay. Vay nợ nước ngoài dự kiến sẽ lên đến 1.840 tỷ USD, tương đương một nửa chi tiêu toàn liên bang và bằng 13% GDP, mức thâm hụt lớn chưa từng có của Mỹ kể từ sau Thế chiến II. Chưa hết, trong vòng một thập kỷ tới, Mỹ sẽ cần vay thêm 10.000 tỷ USD. Ngay cả khi Nhà Trắng quá lạc quan về tốc độ tăng trưởng dự kiến, đến 2017, vay nợ liên bang sẽ vượt quá 100% GDP. Đấy là chúng ta còn chưa tính tới khoản nợ ngắn hạn đầu tư cho hệ thống y tế và an ninh xã hội.
Khó mà ngạc nhiên với những gì đang diễn ra trên thị trường trái phiếu Mỹ.
Chắc giáo sư Krugman biết tôi muốn nói gì. "Điều duy nhất có thể khiến lãi suất trái phiếu tăng là người dân hồ nghi về khả năng trả nợ của chính phủ", Krugman đã nói như vậy tại cuộc tranh luận của chúng tôi. Liệu điều đó có xảy ra? Thực tế là người dân đã hồ nghi. Họ hiểu rằng chính sách tài khóa của Chính phủ Mỹ bao hàm cả việc FED đứng ra mua một lượng lớn trái phiếu Chính phủ trong năm nay. Phát hành ra nước ngoài hay bán cho các đơn vị tư nhân trong nước đều dẫn tới thâm hụt ngân sách. Việc FED đứng ra mua trái phiếu được biết tới như một hình thức in thêm tiền, cách mà nhiều Chính phủ đã làm trong những năm 1970. Hệ quả của nó đương nhiên sẽ là lạm phát leo thang, và bạn chẳng cần là một nhà nghiên cứu lịch sử cũng có thể biết điều đó.
Ở một khía cạnh khác, thiểu phát đang là một xu hướng không thể cưỡng lại. Năng lực sản xuất toàn cầu đang dư thừa. Nhưng từ tháng 2, giá một số mặt hàng tiêu dùng chủ chốt bắt đầu tăng mạnh trở lại. Tổng cung tiền M2 của Mỹ tăng 9% so với cùng kỳ và cao hơn nhiều mức bình quân của những năm cuối thập kỷ 60 thế kỷ trước. Những dấu hiệu này có thể dẫn tới nguy cơ tái lạm phát, nếu không phải năm nay thì là năm tới. Nói theo cách của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong một báo cáo quý mới nhất, thì: "Một sai lầm trong chính sách... có thể dẫn tới rủi ro lạm phát cho toàn thế giới".
Thực tế sai lầm chính sách đã xảy ra, khi mà người ta chấp nhận một chính sách tài khóa để tham gia cuộc chiến chống suy thoái trên quy mô toàn cầu. Trong một cam kết đầy trách nhiệm nhằm giải quyết thâm hụt ngân sách, căn bệnh trầm kha của nền kinh tế Mỹ, áp lực với lãi suất trái phiếu sẽ ngày càng gia tăng, bất chấp nhu cầu tiết kiệm của người dân toàn thế giới.
Chính Keynes từng cảnh báo rằng những người theo chủ nghĩa hiện thực nhất vẫn thường lệ thuộc vào quan điểm của vài nhà kinh tế lỗi thời. Ngày nay, Keynes đã trở thành nhà kinh tế lỗi thời, và đáng tiếc là chính một vài giáo sư kinh tế đương thời lại lệ thuộc vào quan điểm cũ kỹ của ông ấy.
,,,,,,,,,,,,,,
Nhật Bản thông qua gói kích thích trị giá gần 144 tỷ USD
Hôm cuối tuần, Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế thứ tư và lớn nhất từ trước đến nay có trị giá gần 144 tỷ USD nhằm vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đã suy giảm 6 tháng liên tiếp.
>Hàng cao cấp làm hại kinh tế Nhật/Nhật Bản thâm hụt ngân sách kỷ lục.
Thủ tướng Taro Aso hy vọng rằng gần 144 tỷ USD sẽ giúp kinh tế Nhật Bản tăng thêm 2 điểm phần trăm của tăng trưởng GDP trong năm tài chính 2009. Ảnh: Telegraph
Hôm cuối tuần, quốc hội Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế kỷ lục 13,93 nghìn tỷ yen, tương đương với 143,73 tỷ USD. Với số tiền này, chính phủ Nhật hy vọng có thể vực dậy nền kinh tế đã suy giảm 6 tháng liên tiếp.
Đây là ngân sách bổ sung trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/3009, thêm vốn vào gói kích thích kinh tế gần đây do chính quyền của Thủ tướng Taro Aso đưa ra. Hơn 143 tỷ USD được dùng vào việc cắt giảm thuế, chi tiêu công, hỗ trợ người thất nghiệp, thúc đẩy sức tiêu thụ xe hơi và hàng điện tử.
"Gói ngân sách được thông qua tạo một cú hích đối với nền kinh tế. Suy thoái đã khiến cho nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước Nhật bị suy giảm nghiêm trọng. Rõ ràng chính phủ phải làm một điều gì đó", Toshihiro Nagahama, chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Dai-Ichi Life nói.
Đây là gói kích thích kinh tế thứ 4 kể từ hồi tháng 8 năm ngoái và có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử nền kinh tế lớn nhất châu Á. Chính phủ nước này đã thể hiện quyết tâm cao nhất nhằm chống chọi lại với thời kỳ khó khăn. GDP Nhật Bản trong tháng 4 đã suy giảm tới 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hôm thứ 6, thông kê cho thấy sản lượng sản xuất hàng công nghiệp Nhật Bản trong tháng 3/2009 tăng 5,2%, cao hơn số liệu tháng trước đó. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp ngành công nghiệp Nhật khởi sắc, báo hiệu kim ngạch xuất khẩu đang dần phục hồi.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn đang ở mức đáng báo động. Trong tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản tăng lên gần 5%, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Người dân chi tiêu ít đi và giá cả tại thành phố đắt đỏ nhất thế giới Tokyo giảm 0,7%, gây lo ngại về tình trạng giảm phát.
Trong khi chính phủ Nhật Bản bơm một lượng tiền khổng lồ để vực dậy nhu cầu trong nước, nhiều chuyên gia lại lo lắng rằng gói kích thích có thể gây hại cho nền kinh tế. Để có được khoản tiền 143 tỷ USD, chính phủ Nhật đã phái bán ra 10,8 nghìn tỷ yen trái phiếu, đưa tổng số trái phiếu chính phủ phát hành từ tháng tư đến nay lên 44 nghìn tỷ yen.
Phe đối lập của Thủ tướng Taro Aso lên tiếng cho rằng nhiều khoản chi trong gói kích thích lãng phí tiền bạc của nhân dân, và đặt câu hỏi về tính hiệu quả của 143 tỷ USD này.
..............
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top