bao 16.4
Tôi giữ cách nhìn thận trọng về phục hồi kinh tế'
Chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành cho rằng cần thêm dữ liệu để nhận định về sức khỏe nền kinh tế, và không nên sớm lạc quan khi thấy những biểu hiện nhất thời trên thị trường chứng khoán hay lỗ lãi của ngân hàng.
> Vượt qua khủng hoảng từ những 'gánh hàng rong' / Việt Nam xuất hàng chục tấn vàng
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành. Ảnh: Ngọc Châu
- Một số ý kiến gần đây cho rằng nền kinh tế đã xuất hiện tín hiệu hồi phục. Theo ông, dấu hiệu của hồi phục kinh tế sẽ thể hiện trước hết ở đâu?
- Người ta nhìn vào các chỉ báo chính để biết rằng sức khỏe của nền kinh tế đang ở mức nào. Một trong số đó là chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI), trong quý I/2009 chỉ số này tại Việt Nam tăng 6 điểm so với quý cuối năm 2008, cho thấy đa số nhà quản lý doanh nghiệp vẫn tin vào gia tăng doanh thu và lợi nhuận trong vòng 12 tháng tới. Tiêu dùng nói chung giảm, nhưng tiêu dùng cá thể trong nước vẫn tăng khá.
Tuy vậy, các chỉ số kinh tế vĩ mô khác chưa thực sự lạc quan. Xuất khẩu trong tháng 3 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhìn vào chi tiết thì thấy là không tăng, mà vẫn đang giảm. Các sản phẩm chiến lược của Việt Nam như dệt may, gỗ, giày dép giảm mạnh, hoặc không tăng. Riêng xuất khẩu đá quý và kim loại có giá trị xuất khẩu bằng gần 5.000% cùng kỳ năm trước. Đúng là Việt Nam xuất siêu, nhưng tái xuất vàng thì không phải là một hoạt động kinh tế đơn thuần. Nhập khẩu giảm xuống, nhưng đáng chú ý là hàng xuất khẩu của Việt Nam có 70-80% nguyên liệu ngoại nhập. Xuất khẩu giảm nên nhập khẩu cũng giảm theo.
Tôi cho rằng cần thận trọng khi nhận định kinh tế đã ra khỏi khủng hoảng hay chưa, và phải nhìn vào các chỉ số, đặc biệt là dữ liệu về sản xuất của các doanh nghiệp.
- Ông nghĩ sao về khả năng hồi phục của kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ có tác động lan tỏa tới Việt Nam, nhất là khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ?
- Chủ tịch FED Ben Bernanke có nói rằng kinh tế Mỹ có khả năng khởi sắc vào cuối năm 2009, nhưng vế thứ hai của nhận định này là "nếu có thể giải quyết tình trạng đóng băng của hệ thống tài chính Mỹ và thế giới".
Khủng hoảng tại Mỹ bắt nguồn từ việc trái phiếu phái sinh được đảm bảo bởi các hợp đồng cho vay bất động sản (mortgage-backed securities) bị mất thanh khoản và trở nên "nhiễm độc", như cách nói của cựu Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson. Tổng giá trị hợp đồng cho vay bất động sản tại Mỹ lên đến 12.000 tỷ USD. Để bảo hiểm nguy cơ xảy ra nợ xấu, các nhà đầu tư các sản phẩm phái sinh này mua hợp đồng Bảo đảm nợ xấu (Credit Default Swap - CDS). Đến cuối tháng 6/2008, tổng giá trị hợp đồng CDS bên Mỹ là 35.000 tỷ USD, trong khi GDP Mỹ là 14.700 tỷ. Thị trường CDS đem lại lợi nhuận khổng lồ nhưng đã khiến thị trường tín dụng sụp đổ khi các hợp đồng vay biến thành nợ xấu. Đến tháng 10/2008, các định chế tài chính hàng đầu thế giới lâm vào tình trạng phá sản, mọi lĩnh vực kinh tế đều không tiếp cận được vốn vay. Đến nay các chính phủ đã bơm tiền để khuyến khích ngân hàng cho vay, song thị trường vẫn đóng băng.
Chính phủ Mỹ dự định mua lại các khoản nợ xấu bằng gói tài chính 700 tỷ USD, nhưng nay họ không làm nữa. Giá trị các trái phiếu này tại thị trường Mỹ trước đây được xác định khoảng 4.000-5.000 tỷ USD, đến nay Mỹ chưa có giải pháp nào. Khoảng 2.000 tỷ USD trái phiếu do Chính phủ Mỹ phát hành cũng sẽ khó bán, nên FED sẽ phải mua vào, thực chất là in thêm tiền. Việc này lại tạo thêm những hệ lụy. Nhìn chung, các chỉ báo kinh tế tại Mỹ, châu Âu và Nhật vẫn đang đi xuống.
Trung Quốc có lợi thế ở thị trường nội địa rộng lớn và lệ thuộc ít hơn vào thị trường nước ngoài. Họ đang chuyển hướng về nông thôn, và nếu chừng đó nông dân của Trung Quốc ăn nên làm ra, thì sẽ rất thuận lợi cho nền kinh tế của họ. Song ta cần quan sát thêm cách làm của Trung Quốc.
- Nhưng thị trường tài chính Mỹ đã có dấu hiệu tích cực, một số ngân hàng như Citigroup và Wells Fargo báo cáo lãi trong 3 tháng đầu năm nay? Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành (sinh năm 1932) hiện là nhà tư vấn chiến lược kinh tế cho Chính phủ. Ông từng là cố vấn cao cấp của nhiều tập đoàn đa quốc gia như AIG, KHM... Là một trong 19 cá nhân nhận giải thưởng "Vinh danh nước Việt" lần đầu tiên năm 2004.
- Việc những ngân hàng Mỹ báo lãi chỉ là câu chuyện kế toán thôi. Citi nhận 45 tỷ USD hỗ trợ của Chính phủ Mỹ và được bảo đảm cho hơn 300 tỷ USD nợ khó đòi. Năm 2008 họ ghi sổ lỗ trên 20 tỷ USD. Các tài sản nhiễm độc được "khóa sổ" và không tính lại theo giá trị thị trường. Sang quý mới, họ báo lãi, là lãi trong riêng thời điểm này, do được Chính phủ bơm vốn và chưa tính tới số lỗ ghi trong sổ.
- Ông nói gì về con số trên 220.000 tỷ đồng vốn bù lãi suất 4% mà các ngân hàng trong nước báo cáo đã giải ngân trong vòng 2 tháng qua?
- Con số 220.000 tỷ đồng vốn cho vay đã giải ngân sẽ tương đương 17-18% dư nợ của hệ thống ngân hàng. Nhưng số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tổng dư nợ chỉ tăng thêm hơn 2%. Tôi cho rằng, vấn đề tiền giải ngân đi đâu và đảo nợ cần được quan tâm.
Đặt giả thiết có chuyện đảo nợ, trong trường hợp đó, ngân hàng vẫn được bù 4% lãi suất, mà lại "làm sạch" được nợ khó đòi trong báo cáo tài chính. Còn doanh nghiệp vay vốn và báo cáo là đưa vào vốn lưu động 8 tháng. Mà việc sử dụng vốn lưu động có đúng mục đích hay không thì kiểm soát không dễ.
Với các nền kinh tế, lãi suất tái cấp vốn và chiết khấu là những công cụ quan trọng để điều hành lãi suất cho vay trên thị trường. Khi ngân hàng trung ương các nước cung ứng vốn cho ngân hàng thương mại với lãi suất 1-2%, ngân hàng thương mại có thể cho vay với lãi suất 4-5% mỗi năm, mà không cần tới tiền hỗ trợ từ ngân sách để bù lãi suất.
Nếu đảo nợ có thật, mọi chuyện sẽ càng nguy hiểm hơn nếu những đồng vốn đó được chuyển hóa thành đôla để trả nợ cho các hợp đồng nhập khẩu trước đây. Theo chương trình của Chính phủ, doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn bằng tiền đồng, cho sản xuất kinh doanh và đầu tư mới. Thị trường ngoại hối gần đây nóng lên, trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu không lớn, cũng là câu hỏi cần có lời giải đáp.
- Diễn biến thị trường chứng khoán sôi nổi trong những ngày gần đây được cho vừa là tín hiệu của hồi phục kinh tế, vừa là kỳ vọng của giới đầu tư về khả năng này. Ông nghĩ sao về dòng tiền đang chảy vào thị trường chứng khoán?
- Tôi cho rằng cần kiểm tra dòng tiền này. Chưa thể loại trừ khả năng nguồn vốn từ các ngân hàng đã chuyển sang chứng khoán. Chỉ khoảng 5% nguồn vốn này chảy sang chứng khoán, cũng đã là đủ để "tung hoành".
Thực tế, dù có những phiên tăng điểm, nhưng không có cơ sở kinh tế vĩ mô cho chiều hướng đứng vững và không quay đầu trở xuống. Ngoài ra chứng khoán Mỹ vẫn trong xu thế đi xuống. Chứng khoán trên thị trường Mỹ đã mất 40-50% giá trị, và khi các ngân hàng báo cáo lãi thì mới có những ngày đi lên. Quan trọng là xem căn bản thị trường có những chỉ báo gì.
................
Hai hãng hàng không bị thúc nợ 75 tỷ đồng tiền xăng
Nhà cung ứng nhiên liệu hàng không Vinapco vừa phát đi thông báo về khoản nợ hơn 75 tỷ đồng quá hạn mà hai hãng hàng không là Indochina Airlines và Jetstar Pacific Airlines chưa thanh toán.
> Nhạc sĩ Hà Dũng nợ tiền nhiên liệu bay / Vinapco bị phạt 3 tỷ đồng / 5.000 hành khách bị vạ lây vì máy bay hết xăng
Trong công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh ngày 16/4, Vinapco cho biết, 2 hãng hàng không Indochina Airlines và Jetstar Pacific Airlines nhiều lần không thanh toán đúng hạn tiền mua nhiên liệu bay. Tính đến ngày 16/4, tổng số tiền mà hai hãng này nợ đã lên tới 75,3 tỷ đồng. Trong đó Jetstar Pacific nợ 57,2 tỷ đồng; Indochina Airlines nợ 18,1 tỷ đồng (khoản nợ cũ 3,1 tỷ đồng đã được hãng này thanh toán).
Vinapco đang độc quyền cung ứng xăng dầu hàng không tại VN. Ảnh: Hoàng Hà.
Đây là lần thứ hai Vinapco có văn bản "kêu cứu" các ban ngành xử lý tình trạng chậm thanh toán hợp đồng của đối tác nhằm bảo toàn vốn kinh doanh. Theo Vinapco, năm 2007, công ty lỗ 27 tỷ khi cung ứng xăng dầu cho Vietnam Airlines, 2,9 tỷ cho số nhiên liệu cung ứng cho Jetstar Pacific.
Phí tra nạp nhiên liệu của Vinapco đối với các hãng nội địa hiện tại là 500 đồng một lít tương đương 600.000 đồng một tấn.
"Kinh doanh lỗ, các hãng không chịu thanh toán tiền nhưng chúng tôi không dám cắt nguồn cung vì sợ ảnh hưởng đến an toàn các chuyến bay", lãnh đạo của Vinapco nhấn mạnh.
Mới đây, Vinapco vừa bị Hội đồng cạnh tranh quốc gia xử phạt 3 tỷ đồng do vi phạm Luật cạnh tranh đơn phương chấm dứt cung ứng nhiên liệu cho hãng hàng không Jetstar Pacific vào tháng tư năm ngoái. Vinapco có một tháng để khiếu nại, tuy nhiên, sau hai ngày hội đồng cạnh tranh đưa ra quyết định.
Ngoài ra, cơ quan này cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tách Vinapco ra khỏi Vietnam Airlines và kiểm soát chặt chẽ các dịch vụ độc quyền; đồng thời cấp phép cho các doanh nghiệp khác cùng kinh doanh xăng dầu hàng không.
..................
Vàng giảm 150.000 đồng mỗi lượng
Vàng thế giới mở cửa phiên châu Á sáng nay quanh mức 875,3 USD một ounce, giảm gần 20 USD so với mức mở cửa ngày 16/4. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và ngân hàng kinh doanh vàng trong nước chỉ điều chỉnh giảm trung bình 150.000 đồng mỗi lượng.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết thương hiệu vàng miếng SJC mở cửa đầu phiên sáng nay tại 19,4 - 19,48 triệu đồng một lượng (mua vào - bán ra), giảm 170.000 đồng mỗi lượng mua vào và giảm 150.000 đồng mỗi lượng bán ra so với chiều qua.
19,48-19,5 triệu đồng một lượng là giá bán phổ biến trên thị trường vàng cả nước đầu ngày hôm nay. Một số ngân hàng niêm yết giá đầu ngày với khoảng cách mua, bán rộng, do thời điểm đầu phiên thị trường còn nhiều diễn biến bất thường. Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) mở cửa đầu ngày với mức giá bán ra giảm 140.000 đồng một lượng, tại 19,5 triệu đồng một lượng, trong khi giá mua vào chỉ áp dụng mức 19,35 triệu đồng.
Giá mỗi lượng vàng trong nước sáng nay giảm trung bình 150.000 đồng. Ảnh: T.A
Tại Hà Nội, công ty vàng bạc đá quý Kim Linh điều chỉnh giá giảm mạnh so với mức đóng cửa chiều ngày hôm qua, hiện niêm yết tại 19,44 - 19,48 triệu đồng một lượng (mua vào - bán ra). Rất ít doanh nghiệp trên thị trường có khoảng cách giá mua, bán chỉ cách nhau 40.000 đồng một lượng như doanh nghiệp này. Với khoảng cách biên độ giá hẹp, các doanh nghiệp vẫn muốn thúc đẩy hoạt động giao dịch vàng của các nhà đầu tư.
Theo CPM Group, nhu cầu mua vào đồ trang sức bằng vàng, vốn chiếm hơn 60% tổng nhu cầu trên thị trường vàng thế giới, năm nay sẽ suy giảm xuống 56,5 triệu ounce, từ mức 60,8 triệu ounce năm ngoái, do giá cả tăng cao, giữa lúc người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu trong cơn bão suy thoái.
.................
Hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ rẻ hơn
Thủ tướng hôm qua đã phê duyệt Hiệp định về đối tác kinh tế (VJEPA) giữa Việt Nam và Nhật Bản. Theo đó, trong vòng 10 năm, sẽ có khoảng 92% hàng hóa được miễn thuế khi vào thị trường 2 nước.
>Hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế với Nhật
VJEPA là thỏa thuận song phương mang tính toàn diện bao gồm các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, di chuyển lao động, hợp tác về tiêu chuẩn kỹ thuật...
Hàng điện tử nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ rẻ hơn. Ảnh: Hoàng Hà.
Theo hiệp định, trong vòng 10 năm, khoảng 92% hàng hóa sẽ được miễn thuế khi vào thị trường của mỗi bên. Trong đó, hàng nông sản, may mặc và thủy sản của Việt Nam sẽ được miễn thuế khi vào thị trường Nhật. Ngược lại hàng công nghiệp, gồm cả phụ tùng ôtô và sản phẩm điện tử của Nhật khi vào Việt Nam sẽ được miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu.
Trong giai đoạn đầu của Hiệp định, hai bên sẽ ưu tiên xây dựng một số dự án hợp tác hỗ trợ cho Việt Nam như giúp đào tạo y tá Việt Nam tại Nhật Bản, xây dựng hệ thống kiểm định nghề nghiệp cho Việt Nam, thiết lập cơ chế đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng lực kiểm định vệ sinh, an toàn thực phẩm, chất lượng ngành trồng trọt và hỗ trợ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cho Việt Nam.
Hiệp định sẽ khuyến khích hoạt động hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản, qua đó phát huy hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của hai nước trong mối tương quan chung với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao làm thủ tục đối ngoại về việc phê duyệt và thông báo cho các cơ quan Việt Nam ngày bắt đầu có hiệu lực của 2 Hiệp định trên.
................
Hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế với Nhật
Sau hơn một năm đàm phán, chiều qua Bộ Công Thương tuyên bố Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản (EPA) đã hoàn tất về mặt nguyên tắc và dự kiến đi đến ký kết chính thức vào cuối năm nay.
Lễ công bố Hiệp định đối tác kinh tế tại trụ sở Bộ Công Thương. Nguồn: Moit.gov.vn
EPA là một thỏa thuận song phương được xây dựng phù hợp với các chuẩn mực và nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, việc kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định EPA Việt Nam - Nhật Bản trong năm nay là một sự kiện quan trọng trong 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam để nhanh chóng ký kết hiệp định này và tin tưởng đây sẽ là cơ sở để hai nước tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại trong thời gian tới.
Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế từ tháng 1/2007. Sau 9 phiên đàm phán hai bên đã hoàn tất các cam kết về tự do hóa thương mại song phương trên nhiều lĩnh vực. Một trong những trọng tâm của Hiệp định là tăng cường hợp tác kinh tế trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, môi trường, giao thông vận tải.
Sau 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch đạt trên 12 tỷ USD. Dự kiến năm nay, kim ngạch thương mại hai nước sẽ đạt trên 15 tỷ USD, vượt 2 năm so với thời hạn 2010 mà lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra.
...................
Truy tìm căn nguyên tăng trưởng
Suốt 50 năm qua, giới chuyên gia kinh tế tự cho rằng đã tìm được câu trả lời bài toán tăng trưởng kinh tế: Đó là việc cung cấp viện trợ nước ngoài hay đầu tư vào máy móc... Thực tế không phải như vậy vì chẳng có thần dược nào tác dụng tới nền kinh tế như hứa hẹn.
Ngày 6/3/1957, Bờ Biển Vàng, một thuộc địa nhỏ của Vương quốc Anh, trở thành quốc gia đầu tiên của vùng cận Sahara giành được độc lập. Bờ Biển Vàng được đổi tên thành Ghana. Các phái đoàn của cả hai bên tấm rèm sắt, Nga và Mỹ, bắt đầu ganh đua quyết liệt để trở thành nước đầu tiên dành cho tân quốc gia này các khoản cho vay và hỗ trợ kỹ thuật. Phó tổng thống Richard Nixon dẫn đầu đoàn đại biểu Mỹ. (Theo một nguồn tin, Nixon hỏi một nhóm nhà báo da đen: "Được tự do rồi, các anh chị cảm thấy sao?" Họ trả lời: "Chúng tôi cũng không biết nữa, chúng tôi là người Alabama!").
Một tác giả sau đó đã bình luận về ngày độc lập của Ghana: "Có rất ít nước từng là thuộc địa có được sự khởi đầu suôn sẻ hơn thế." Ghana cung cấp 2/3 lượng cacao của thế giới. Đất nước này có hệ thống trường học tốt nhất châu Phi (các chuyên gia kinh tế đều cho rằng giáo dục là một trong những nhân tố then chốt của tăng trưởng kinh tế). Hoạt động đầu tư ở Ghana cũng phát triển, và đây cũng là một nhân tố then chốt khác cho tăng trưởng (cũng theo các chuyên gia kinh tế). Trong những năm 1950, khi nền tự trị còn hạn chế, chính phủ Nkrumah và chính phủ Anh đã xây dựng đường sá, các trạm y tế và trường học. Các công ty Mỹ, Anh và Đức đã bày tỏ ý muốn đầu tư vào quốc gia mới này. Cả dân tộc Ghana dường như đều có chung sự hào hứng và lạc quan vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Một người Ghana lúc đó đã viết: "Nào, chúng ta hãy tìm kiếm vương quốc kinh tế!"
Nkruman đã có được sự tư vấn của các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới như Arthur Lewis, Nicholas Kaldor, Dudley Seers, Albert Hirschman, và Tony Killick - những người có chung niềm lạc quan mà Dudley Seers đã bày tỏ trong bản báo cáo năm 1952: hỗ trợ cho Ghana sẽ mang lại kết quả rất cao. "Chỉ cần phủ bê tông con đường từ Tarkwa đến Takoradi cũng sẽ làm tăng tổng sản lượng lên nhiều hơn cả khi phủ bê tông cho gần như bất kỳ con đường nào ở Vương quốc Anh".
Điều kỳ diệu trên sông Volta
Nkrumah có những mục tiêu lớn hơn là mở ra một vài con đường. Ông lên kế hoạch xây một công trình thủy điện lớn trên sông Volta để cung cấp đủ điện cho một lò luyện nhôm. Nkrumah tính rằng một khi lò luyện nhôm đi vào hoạt động thì một tổ hợp ngành sản xuất nhôm sẽ phát triển. Lò luyện mới này sẽ xử lý alumin, sản phẩm của các nhà máy tinh chế alumin mới, trong khi đó nhà máy tinh chế alumin mới sẽ xử lý bô-xít được khai thác từ các quặng bô-xít mới.
Đường tàu và một nhà máy sản xuất xút ăn da (natri hydroixit) sẽ là điểm hoàn tất khu công nghiệp năng động này. Một báo cáo do các cố vấn ở nước ngoài chuẩn bị đã bày tỏ sự lạc quan rằng vùng hồ hình thành từ việc xây dựng công trình trên sông Volta cũng sẽ tạo nên tuyến đường thủy giữa các vùng Bắc Nam Ghana. Dự án này sẽ dẫn tới một "ngành đánh bắt cá mới trên hồ". Nông nghiệp quảng canh dùng nước hồ sẽ làm con số thiệt hại 3.500 dặm vuông đất canh tác do lũ lụt "giảm đi đáng kể".
Quả thực, với sự hỗ trợ của chính phủ Anh, Mỹ và WB, chỉ trong vòng vài năm, người Ghana đã xây xong đập Akosombo. Con đập này tạo ra chiếc hồ nhân tạo lớn nhất thế giới, hồ Volta. Họ cũng nhanh chóng xây dựng một nhà máy luyện nhôm mà 90% nhà máy này do tập đoàn đa quốc gia khổng lồ Kaiser Aluminum sở hữu. Ngày 19 tháng 5 năm 1964, trong một buổi lễ long trọng, Nkrumah đã mở cửa đập để nước dâng đầy hồ Volta.
Kinh tế gia trưởng của WB năm 1967, Andrew Kamarck, cho rằng dự án sông Volta của Ghana có thể giúp nước này đạt mức tăng trưởng 7% mỗi năm.
Tháng 4/1982, một sinh viên Ghana ở Đại học Pittsburgh tên là Agyei Frempong đã viết luận án tiến sĩ, trong đó so sánh việc thực hiện dự án sông Volta với những kỳ vọng cao của Nkrumah cũng như những cố vấn trong và ngoài nước của ông trong lĩnh vực công nghiệp hóa, giao thông vận tải, nông nghiệp, và phát triển kinh tế nói chung. Lúc này, Ghana đã có hồ Volta, nhà máy điện và lò luyện nhôm. Việc sản xuất nhôm ở lò này tuy có dao động nhưng đã tăng trung bình khoảng 1,5% mỗi năm trong giai đoạn 1969-1992.
Nhưng đó là những lợi ích của dự án này. Năm 1982, Frempong lưu ý: "Không có quặng bô-xít, nhà máy luyện nhôm, nhà máy xút ăn da hay hệ thống đường sắt nào". Nỗ lực xây dựng ngành nuôi trồng thủy sản trên hồ đã gặp khó khăn do sự quản lý yếu kém và thiếu thốn về kỹ thuật". Người dân sống gần hồ, gồm khoảng 80.000 người đã bị mắc những bệnh lây qua đường nước như bệnh mù sông, giun móc, bệnh sốt rét và sán máng. Các dự án tưới tiêu quy mô lớn mà các nhà hoạch định vẽ ra đã phá sản. Giao thông trên hồ từ Bắc tới Nam lẽ ra sẽ "giải quyết được những khó khăn về giao thông quốc gia" đã "thất bại hoàn toàn".
Đáng buồn nhất, dự án sông Volta lại là dự án đầu tư thành công nhất trong lịch sử của Ghana. Frempong nhất trí với các nhà phân tích khác như Tony Killick rằng vai trò cốt lõi của dự án đã là một thành công. Nhà máy phát điện và lò luyện nhôm vẫn hoạt động đến ngày nay, riêng lò luyện nhôm dùng điện trợ cấp và alumin nhập khẩu.
Thảm họa thật sự là người Ghana hiện nay vẫn nghèo như thời kỳ đầu những năm 1950. Ghana đã trải qua khoảng nửa thế kỷ "tăng trưởng trì trệ". Làm sao lại đến nông nỗi đó? Gần như tất cả đều thất bại. Quân đội lật đổ chính quyền Nkrumah trong một cuộc đảo chính năm 1966, cuộc đảo chính đầu tiên trong số năm lần đảo chính quân sự trong suốt 15 năm sau đó. Sự kiện Nkrumah bị lật đổ kéo theo những cuộc ăn mừng trên các đường phố ở Accra vì những tham vọng phát triển của Nkrumah chẳng mang lại gì ngoài nạn đói và tình trạng lạm phát cao.
Song có lẽ người Ghana sẽ bớt cuồng nhiệt hơn nếu biết rằng trong vòng hai thập niên sau đó, tình hình còn tồi tệ hơn nhiều. Quân đội nhanh chóng khôi phục nền dân chủ trong giai đoạn 1969-1971 dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Kofi Busia. Sau khi quân đội lật đổ Busia năm 1971, cả nền kinh tế lẫn chính trị nước này đều tan rã. Thậm chí, Ghana còn trải qua một nạn đói trong những năm 1970.
Thời kỳ bĩ cực nhất là năm 1983 dưới thời chính phủ quân sự mới của Đại úy không quân Jerry Rawlings. Năm 1983, thu nhập bình quân của người Ghana chỉ bằng 2/3 thu nhập năm 1971. Một đợt hạn hán làm nước sông Volta xuống thấp đến nỗi nhà máy thủy điện phải cắt điện dành cho Công ty Nhôm Volta trong một năm. Người Ghana năm 1983 hàng ngày chỉ được cung cấp lượng calo bằng 2/3 mức khuyến nghị. Năm 1983, ngay cả một cán bộ công chức khá giả của Ghana cũng phải dùng đến lời ví von hài hước nhưng khá rùng rợn về "chiếc vòng cổ thời Rawlings", ám chỉ những chiếc xương quai xanh lòi ra từ cơ thể thiếu đói. Tình trạng suy dinh dưỡng là nguyên nhân gây tử vong của gần một nửa số trẻ em năm 1983. Thu nhập bình quân đầu người năm 1983 thậm chí còn thấp hơn cả mức thu nhập năm 1957 khi nước này giành độc lập.
Cuộc khủng hoảng năm 1983 đã buộc chính phủ của Rawlings phải có những nỗ lực mới để cứu vãn Ghana, và tăng trưởng đã phục hồi, nhưng đó là một chặng đường dài và chậm chạp sau 1/4 thế kỷ suy thoái.
Đầu tư không phải là chìa khóa cho tăng trưởng
Kinh tế gia đoạt giải Nobel, Robert Solow đã viết về thuyết tăng trưởng trong hai bài báo năm 1956 và 1957. Kết luận của ông đã và đến bây giờ vẫn làm nhiều người ngạc nhiên: đầu tư vào máy móc không thể là nguồn gốc của tăng trưởng lâu dài.
Trong khi các kinh tế gia đã áp dụng (và vẫn còn áp dụng) mô hình tăng trưởng của Solow cho nhiều nước nghèo, nhiều người thấy khó chấp nhận quan điểm của ông là thay đổi công nghệ, chứ không phải là đầu tư, là động lực tăng trưởng lâu dài. Trong khi các nhà kinh tế phát triển dần dần từ bỏ quan điểm của Harrod-Domar rằng tăng trưởng tỷ lệ thuận với đầu tư trong thời gian ngắn hạn, họ vẫn tiếp tục tin rằng đầu tư là yếu tố quyết định tăng trưởng lâu dài.
Để thấy được làm thế nào mà Solow đi đến kết luận gây ngạc nhiên rằng đầu tư không thể là nguồn gốc của tăng trưởng, chúng ta hãy trở lại với cái nhìn ban đầu về tăng trưởng trong bài viết năm 1956 của ông, và sau đó là bài viết năm 1957. Một nền kinh tế càng có nhiều nhân lực và máy móc, nền kinh tế đó càng có nhiều sản lượng.
"Khi chúng ta nói "tăng trưởng", chúng ta muốn nói rằng mức sống của mỗi người tiếp tục tăng. Để mỗi người trong chúng ta có mức sống cao hơn, cách duy nhất là mỗi người phải tạo ra nhiều hàng hóa hơn. Bởi thế nên điều chúng ta quan tâm là sản lượng tính theo người lao động, hay còn gọi là năng suất lao động.
Chúng ta muốn năng suất lao động tăng, và chúng ta có hai đầu vào sản xuất: máy móc và người lao động. Do đó, bạn có thể cho rằng để tăng năng suất lao động, số lượng máy móc cần tăng nhanh hơn số người lao động. Nói cách khác, tăng số lượng máy móc chính là tăng năng suất máy móc.
Nhưng tăng số máy móc theo người lao động ngay lập tức gặp phải vấn đề. Khi chúng ta tăng số máy theo người lao động, thì cuối cùng mỗi người lao động cùng một lúc sẽ sử dụng nhiều hơn một máy, và họ phải chạy như cờ lông công từ máy này sang máy kia, giống như Charlie Chaplin trong bộ phim Modern Time (Thời hiện đại). Khó có thể nghĩ rằng sản lượng sẽ tăng lên khi trang bị cho một người lao động vốn đã có tới tám máy thêm một máy mới. Đây chính là nguyên tắc hiệu suất giảm dần.
Nguyên tắc hiệu suất giảm dần có một logic đơn giản và hiển nhiên: tăng thêm mãi một yếu tố sản xuất liên quan tới một yếu tố sản xuất khác không thể làm tăng mãi sản lượng. Khi bạn tăng số máy móc so với công nhân, thì hiệu suất cho mỗi máy tăng thêm sẽ ngày càng giảm đi.
Để minh họa cho nguyên tắc hiệu suất giảm dần, tạm thời giả sử rằng một yếu tố là cố định, và bạn cố gắng tăng thêm yếu tố kia.
Hôm nay, tôi làm món ăn sáng mà bọn trẻ nhà tôi rất thích, món bánh kếp. Công thức làm bánh của tôi là một cốc sữa và hai cốc bột hiệu Bisquick. Nhưng số lượng thành phần này không cứng nhắc như vậy. Tôi cho rằng các chuyên gia về bánh tráng của tôi cũng sẽ vẫn ăn bánh nếu tôi làm bánh mỏng hơn khi dùng nhiều sữa hơn công thức trên.
Số bột tôi có chỉ đủ để làm bánh cho ba đứa trẻ. Bỗng con gái tôi, Rachel, nhắc tôi rằng Eve, bạn cháu, sẽ đến dùng bữa cùng chúng tôi. Tôi đã biết nhưng lại quên mất. Che bát bột lại, tôi đổ thêm một cốc sữa nữa vào. Sẽ không ai nhận ra được. Rồi thì con trai tôi, Caleb, lại nhắc tôi rằng Kevin, bạn cháu và là người cũng thích món bánh kếp, sẽ đến ăn nữa. Tôi lại đổ thêm sữa vào mẻ bột. Chắc bọn trẻ sẽ không biết đâu. Rồi bà vợ của tôi bước vào nhắc tôi rằng Colleen, bạn của bé Grace nhà tôi, cũng sẽ đến. Vô phương xoay xở, tôi đành đổ thêm cốc sữa nữa vào mẻ bột. Mười lăm phút sau, các khách ẩm thực không thèm chạm đến món bánh kếp mỏng nhất thế giới của tôi.
Đây chính là nguyên tắc hiệu suất giảm dần: tăng thêm một yếu tố trong khi yếu tố còn lại giữ nguyên làm cho tôi không thể tăng mãi sản lượng món bánh kếp. Hiệu suất giảm dần xảy đến cho cái yếu tố mà tôi đang cố gia tăng (sữa) trong khi yếu tố còn lại (bột Bisquick) không đổi. Quả là tôi đã bị hiệu suất giảm dần đối với sữa. Cốc sữa đầu tiên rất có ích cho mẻ bánh kếp của tôi. Không có cốc sữa đó, tôi chẳng có gì ngoài đống bột khô Bisquick; có cốc sữa đó, ít nhất tôi cũng có một cái bánh kếp dày. Nhưng khi tôi đổ ba cốc sữa vào hai cốc bột, rồi lại thêm một cốc sữa nữa thì thật thảm hại làm sao cho mẻ bánh của tôi.
Chúng ta có thể tăng sản lượng GDP với một số lượng người lao động nhất định bằng cách tăng số máy móc theo đầu người. Mọi việc sẽ vẫn ổn nếu thoạt đầu không có chiếc máy nào; sau đó thêm một chiếc máy sẽ tăng sản lượng lên rất nhiều. Nhưng khi có nhiều máy rồi, thì tăng thêm một chiếc máy lại không tác động là bao đến sản lượng.
Hiệu suất sẽ giảm đến mức nào phụ thuộc vào tầm quan trọng của vốn trong sản xuất. Hiệu suất giảm dần trong thí nghiệm làm bánh kếp của tôi phụ thuộc vào tầm quan trọng của yếu tố mà tôi muốn tăng thêm. Cố gắng vô ích của tôi muốn tăng thêm sản lượng bánh kếp bằng cách tăng thêm một yếu tố hẳn sẽ còn tồi tệ hơn nếu tôi tăng thêm một trong các yếu tố sản xuất phụ như là muối, trong khi giữ nguyên các yếu tố khác. Tôi cho là các vị khách của tôi sẽ chẳng thú vị gì nếu tôi cố tăng gấp đôi sản lượng bánh kếp bằng cách cho thêm nhiều muối hơn nữa vào một lượng bột và sữa không đổi.
Mặt khác, nếu một yếu tố phụ như là muối là yếu tố duy nhất không thể thay đổi, tôi hẳn đã có nhiều khả năng tăng sản lượng bánh kếp hơn. Nếu tôi đã hết muối mà vẫn còn nhiều bột và sữa, tôi sẽ vẫn có những chiếc bánh đẹp cho bọn trẻ. Tôi nghĩ là mình vẫn xoay sở được nếu tăng gấp đôi cả bột và sữa nhưng giữ nguyên muối. Rất nhiều cuộc tranh luận về trào lưu vốn chính thống sẽ tùy thuộc vào tầm quan trọng của yếu tố vốn trong sản xuất".
Lý do mà nguyên tắc hiệu suất giảm dần đối với đầu tư của Solow đã có phản ứng dữ dội đặc biệt rằng nhà xưởng và máy móc chỉ là một yếu tố phụ đầy ngạc nhiên trong tổng sản lượng GDP. Chúng ta có thể đo được tầm quan trọng của vốn ở Mỹ bằng cách tính tỷ lệ của thu nhập từ vốn trong tổng thu nhập. Thu nhập từ vốn có nghĩa là tất cả thu nhập của những người sở hữu trực tiếp hay gián tiếp nhà xưởng và máy móc: lợi nhuận công ty, lợi nhuận cổ phần, và thu nhập lãi suất từ các khoản cho vay (vì các khoản cho vay cũng là phần tài chính đầu tư). Trong bài viết năm 1957, Solow dự tính rằng thu nhập từ vốn chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng GDP ở Mỹ. Ngày nay, tỷ lệ này vẫn là khoảng 1/3 tổng thu nhập. Hai phần ba còn lại của thu nhập là thu nhập từ lương, hay là thu nhập của những người lao động.
Bởi thế, vốn chỉ chiếm 1/3 tổng sản lượng, còn người lao động tạo chiếm hai phần ba. Nếu vốn chỉ chiếm 1/3 sản lượng, thì hiện tượng hiệu suất giảm dần của đầu tư sẽ trở nên nghiêm trọng. Khi máy móc khan hiếm, sản lượng tăng thêm từ thêm một cái máy sẽ cao. Khi máy móc có nhiều, sản lượng tăng thêm từ thêm một cái máy sẽ thấp.
Tăng trưởng đã không như vậy
Bằng chứng quan trọng nhất phản bác lại lý thuyết của Solow là nhiều nước nghèo không tăng trưởng. Với mức lợi nhuận trên vốn cao do vốn khan hiếm, các nước nghèo có đủ mọi động lực để tăng trưởng nhanh hơn các nước giàu. Đất nước nào càng nghèo, thì tốc độ tăng trưởng càng dễ tăng cao. Các nước nghèo sẽ phát huy được thế mạnh tăng trưởng. Nhưng thực tế không phải vậy.
Những nhà kinh tế học đầu tiên nhận ra sự thất bại trong nỗ lực tăng trưởng ở nhiều nước nghèo không phải là chuyên gia về các nước nghèo. Các nhà kinh tế phát triển nghiên cứu về các nước nghèo quả cũng nhận thức rằng tình hình ở châu Phi và châu Mỹ La tinh rất xấu, nhưng dường như họ không nhận ra vấn đề của mô hình tăng trưởng cũ. Chính nhà kinh tế học về các nước giàu, Paul Romer đã xem xét dữ liệu và chỉ ra rằng mô hình cũ không đúng.
Romer đã sử dụng dữ liệu thu nhập của hơn 100 nước được Robert Summers và Alan Heston biên soạn. Khi trình bày trước Hội nghị thường niên về Kinh tế học vĩ mô năm 1987 do Cục Nghiên cứu Kinh tế tổ chức, ông có trong tay số liệu tăng trưởng từ năm 1960 tới 1981. Ông chỉ ra thực tế các nước nghèo không phát triển nhanh hơn các nước giàu và chứng minh tính sai lầm khi áp dụng mô hình của Solow cho các nước nhiệt đới.
Theo các dữ liệu, đây là giai đoạn thuận lợi của các nước nghèo. Mức tăng trưởng tồi tệ diễn ra trước và sau những năm đó, những năm mô hình Solow cũ áp dụng cho vùng nhiệt đới.
Năm cuối cùng trong dữ liệu của Solow, năm 1981, cũng là năm cuối cùng thuận lợi đối với nhiều nước nghèo. Như chúng ta sẽ thấy ở chương 5, châu Mỹ La tinh và các nước cận Sahara đã mất hai thập kỷ để phát triển kinh tế sau năm 1981. Chẳng bao lâu sau, các nước Trung Đông và Bắc Phi cũng chung cảnh ngộ. Kể từ năm 1981, các nước nghèo không chỉ không bắt kịp các nước giàu, mà còn có mức phát triển kém hơn các nước giàu. Các nước nghèo đang chịu thiệt.
Kể từ năm 1981, 3/5 các nước nghèo nhất đã có mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người gần hoặc sát dưới 0. Hai phần năm các nước nghèo nhất, vốn đã tăng trưởng chậm chạp trong những năm 1960-1981, tiếp tục giẫm chân tại chỗ từ năm 1981-1998. Một phần năm các nước ở giữa, vốn có mức tăng trưởng tốt trong giai đoạn 1960-1981, đã tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn 1981-1998. Trong khi đó, 20% các nước giàu nhất tiếp tục có mức tăng trưởng bình quân đầu người là 1%; 20% các nước đứng liền kề, trong đó có các nước tăng trưởng nhanh ở Đông Á, cũng có mức tăng trưởng tốt.
Tốc độ tăng trưởng của các nước giàu đã chững lại. Mức tăng trưởng bình quân đầu người ở Mỹ là 1,1% trong giai đoạn 1981-1998 so với 2,2% trong giai đoạn 1960-1980. Nhưng sự chững lại này không thấm vào đâu khi so với Nigeria. Từ 4,8% trong giai đoạn 1960-1980, tốc độ tăng trưởng của đất nước Phi châu này tụt xuống -1,5% trong giai đoạn 1981-1998.
Mặc dù các nước giàu không ngừng than phiền về mức tăng trưởng chậm, nhưng nhìn chung kết quả họ thu được trong nửa thế kỷ qua vẫn tốt đẹp hơn các nước nghèo. Tỷ lệ thu nhập bình quân đầu người của nước giàu nhất so với nước nghèo nhất đã tăng vọt trong giai đoạn này. Các nước giàu càng giàu hơn; trong khi các nước nghèo thì giẫm chân tại chỗ.
Trong toàn bộ giai đoạn 1960-1999, con số 2/5 các nước nghèo nhất gần như tăng trưởng bằng 0 cho thấy các nước nghèo nhất có mức tăng trưởng kém hơn rõ rệt so với các nước giàu. Bốn phần năm các nước nghèo nhất trong năm 1960 sau này được gọi là các nước thế giới thứ ba. 70% các nước thuộc thế giới thứ ba này trong suốt thời gian đó tăng trưởng chậm hơn so với mức tăng trưởng bình quân đầu người 2,4% của các nước giàu nhất. Rõ ràng, các nước nghèo đang tụt hậu, chứ không phải đang bắt kịp.
Giờ đây khi lời tiên đoán các nước nghèo sẽ tăng trưởng nhanh hơn đã được chứng minh là không đúng, các nhà kinh tế học bắt đầu đặt ra một số câu hỏi xác đáng về các nước nghèo ở những sgiai đoạn trước. Các kinh tế gia mặc nhiên công nhận các nước nghèo hiện nay đã nghèo từ trước khi họ bắt đầu áp dụng mô hình của Solow cho các nước nhiệt đới trong những năm 1960. Dường như không ai trong những năm 1960 đặt câu hỏi tại sao các nước nghèo lại nghèo đến thế so với các nước giàu.
(Trích cuốn sách "Truy tìm căn nguyên tăng trưởng" do Alpha Books phát hành)
.....................
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top