bao 14.5

Thị trường ngoại tệ chưa hết căng thẳng

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình xác nhận doanh nghiệp rất khó mua ngoại tệ, và tất cả các giao dịch mua bán trong hệ thống ngân hàng, nếu có, đều ở mức giá vượt trần cho phép.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Ảnh: SBV

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm nay phát đi phần trả lời của Phó thống đốc Nguyễn Văn Bình về các vấn đề liên quan tới thị trường ngoại hối hiện nay, cũng như biện pháp chấn chỉnh của cơ quan quản lý thời gian tới. Hiện có ít thông tin về thị trường ngoại tệ tự do, một phần vì từ cuối tháng 4 thông tin tỷ giá chợ đen không được phép xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, tình hình cung cầu ngoại tệ trong ngân hàng vẫn chưa hết căng thẳng.

Theo Phó thống đốc Nguyễn Văn Bình, khoảng 3 tuần gần đây thị trường ngoại tệ có biểu hiện căng thẳng trở lại, nhu cầu mua luôn vượt khả năng cung ứng của ngân hàng thương mại. Gần một tháng sau khi biên độ giao dịch tỷ giá được nới rộng từ 3% lên 5%, các ngân hàng thương mại phải niêm yết tỷ giá mua vào lẫn bán ra ở mức trần. Tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay là 16.940 đồng một đôla, trong khi tất cả các thương mại áp dụng giá 17.787 đồng cho mọi giao dịch mua vào, bán ra và chuyển khoản.

Các doanh nghiệp rất khó khăn để mua được ngoại tệ và nhiều trường hợp đã phải mua với mức cao hơn mức trần do Ngân hàng Nhà nước quy định. Cung cầu ngoại tệ vẫn căng thẳng bất chấp 4 tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu hơn 2,3 tỷ USD.

Phó thống đốc Bình cho rằng thị trường đang chịu tác động của cả yếu tố tâm lý cũng như hệ lụy từ các chính sách kích cầu. Kinh tế trong nước còn khó khăn và chịu tác động của suy thoái toàn cầu, các nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế đều giảm sút và thậm chí một số lĩnh vực còn giảm sút rất mạnh. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp và người dân có tâm lý lo ngại VND sẽ mất giá mạnh, dẫn đến tình trạng găm giữ ngoại tệ. Các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ quyết găm giữ trên tài khoản hoặc chỉ bán nhỏ giọt. Doanh nghiệp nhập khẩu thì bằng mọi cách và bằng mọi giá đi mua ngoại tệ. Một bộ phận người dân cũng chuyển từ tiền gửi nội tệ sang tiền gửi ngoại tệ.

Số dư tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức kinh tế tăng liên tục trong suốt 4 tháng đầu năm 2009. Tiền gửi ngoại tệ của cả nền kinh tế tăng 3,35%. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, đây là hiện tượng không bình thường bởi hằng năm, lượng tiền gửi ngoại tệ lên xuống khá mạnh theo chu kỳ xuất, nhập khẩu.

Ngân hàng Nhà nước mạnh tay với hoạt động thu đổi ngoại tệ bất hợp pháp và coi đây là một biện pháp ổn định thị trường. Ảnh: Hoàng Hà

Từ cuối năm 2008 đến nay, Chính phủ đưa ra các gói giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu và duy trì tăng trưởng hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhóm giải pháp hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn ngân hàng bắt đầu phát huy hiệu quả tích cực với nền kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng có những hệ lụy khó tránh.

Mặt bằng lãi suất cho vay tiền đồng sau khi được Chính phủ cấp bù 4% hiện chỉ còn 5-6%, tương đương hoặc thấp hơn lãi suất vay ngoại tệ. Chớp cơ hội này, các doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đã vay vốn bằng tiền đồng để mua ngoại tệ của các ngân hàng thương mại, thay vì vay vốn bằng ngoại tệ để tránh rủi ro tỷ giá. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã vay vốn ngoại tệ từ trước, nay tìm cách vay tiền đồng mua ngoại tệ để trả nợ trước hạn cho ngân hàng.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp và người dân có nguồn thu ngoại tệ, thay vì trước đây để bán ngoại tệ cho ngân hàng để lấy tiền đồng đầu tư sản xuất kinh doanh, thì nay dùng ngoại tệ để thế chấp vay VND. Theo tính toán gửi ngoại tệ tại ngân hàng để lấy lãi suất 2% đến 3%, rồi vay VND với lãi suất ưu đãi 5-6%.

4 tháng đầu năm 2009 tăng trưởng tín dụng nói chung của cả nền kinh tế là 11,6%, nhưng tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ giảm 2,5%. Trong khi tiền gửi ngoại tệ tiếp tục tăng, ngân hàng bị đẩy vào cảnh thừa ngoại tệ để cho vay nhưng thiếu ngoại tệ để bán cho doanh nghiệp.

"Thị trường ngoại hối căng thẳng, có rất ít giao dịch và nếu có đều giao dịch trên mức tỷ giá trần do Ngân hàng Nhà nước quy định", ông Bình xác nhận.

Để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước sẽ công khai, minh bạch các thông tin cần thiết để giúp doanh nghiệp và người dân nắm rõ diễn biến kinh tế cũng như tình hình tỷ giá. Thông thường, mức độ phá giá của một đồng tiền thấp hơn mức độ lạm phát. Năm 2008 lạm phát của Việt Nam ở mức 23%, trong khi đồng Việt Nam giảm giá gần 9% so với đôla Mỹ. Năm nay, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, mức lạm phát của ta sẽ vào khoảng 5 đến 6%. Như vậy, mức mất giá của VND được kỳ vọng cũng chỉ ở mức đó, thậm chí còn thấp hơn.

Giới chuyên môn cũng nhìn nhận mức phá giá của đồng nội tệ thường không vượt quá chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa nội tệ và ngoại tệ. Lãi suất huy động USD và VND trung bình ở mức xấp xỉ 2% và 8%.

Trên thực tế, ngày 25/12/2008 nhằm tạo đà xuất khẩu cho năm 2009 Ngân hàng Nhà nước phá giá VND 3%. Ngày 24/3/2009, biên độ giao dịch được điều chỉnh từ 3% lên 5%. Tính tổng cộng cả 2 đợt, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép khả năng VND mất giá tới 5%, gần hết "quota tỷ giá" của cả năm 2009.

"Việt Nam hoàn toàn có khả năng cân đối đủ ngoại tệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Không có lý do gì để kỳ vọng vào việc phá giá mạnh của VND", ông Bình tuyên bố.

Để giải quyết tình trạng găm giữ và mất cân đối cung cầu hiện nay, theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động USD cần đưa xuống thấp hơn nữa. Hiện các ngân hàng đều khó cho vay ngoại tệ, nếu gửi nước ngoài lãi suất cũng thấp hơn nhiều mức huy động 2-3% ở trong nước. Nếu càng huy động, ngân hàng sẽ càng lỗ. Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo mặt bằng lãi suất huy động USD chỉ nên ở mức 1-2%, trên cơ sở đó kéo lãi suất cho vay xuống 1,5-3,5%. Như vậy mới khuyến khích doanh nghiệp vay vốn USD thay vì chỉ đi mua USD.

Bản thân các ngân hàng đều muốn làm điều đó, nhưng còn đang nhìn nhau xem ông nào làm trước và tìm ra đối sách phù hợp để đỡ mất khách hàng. Thông qua Hiệp hội Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng ngân hàng thương mại sẽ đồng thuận và đồng loạt triển khai theo hướng này.

Riêng với các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ, các ngân hàng thương mại sẽ áp dụng lãi suất tiền gửi ở mức thích hợp nhằm hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ rồi đi vay tiền đồng. Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ nghiên cứu tới việc hỗ trợ lãi suất đối với cả các khoản vay ngoại tệ, thay vì chỉ hỗ trợ 4% lãi suất vay tiền đồng.

Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành hoán đổi ngoại tệ trên quy mô lớn với các ngân hàng thương mại, vừa nhằm tạo thêm nguồn vốn VND để cho vay theo các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, vừa giải quyết bài toán thừa ngoại tệ để cho vay của các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng tuyên bố can thiệp mạnh mẽ hơn nhằm tạo thanh khoản và kích hoạt trở lại hoạt động bình thường của thị trường ngoại hối.

..................

Bán lẻ là ngành kinh doanh hấp dẫn nhất VN

70% số nhà đầu tư được Grand Thornton khảo sát đã cho rằng kinh doanh bán lẻ là ngành hấp dẫn nhất để đầu tư tại VN trong năm nay.

Con số này rút ra từ cuộc khảo sát "Lĩnh vực tư nhân - khảo sát về môi trường đầu tư tại VN" do Grand Thornton công bố hôm qua. Khảo sát bắt đầu tiến hành từ tháng 3.

Các nhà bán lẻ trong nước đang chạy đua mở rộng mạng lưới. Ảnh: Hoàng Hà

Xếp hạng sức hấp dẫn của những ngành kinh doanh được lựa chọn ở VN trong lĩnh vực đầu tư cá nhân, 70% số người tham gia cho rằng kinh doanh bán lẻ là ngành hàng hấp dẫn hiện nay. Các ngành chăm sóc sức khỏe, công nghệ sinh học và kinh doanh bán lẻ đều đáng để đầu tư.

"Việc chuyển đổi theo hướng thương mại hiện đại của VN, các chính sách khuyến khích cơ hội đầu tư mới cũng như sự thiếu hụt hiện tại về chất lượng không gian bán lẻ ở trung tâm TP HCM, đã góp phần làm cho khu vực đầu tư kinh doanh bán lẻ trở nên tiềm năng hơn", Giám đốc bộ phận Tư vấn tài chính doanh nghiệp của Grand Thornton Matthew Lourey nhận định.

Cũng theo kết quả khảo sát, có 23% nhà đầu tư muốn rót vốn vào ngành khách sạn, du lịch và 26% chọn lĩnh vực sản xuất.

Cuộc khảo sát được thực hiện với 169 đơn vị đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.

................

Khủng hoảng đến VN muộn, nhưng có thể ở lại lâu hơn'

Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá cho rằng, Việt Nam sẽ còn khó khăn nếu không nhìn thẳng vào thực tế và những gì đã làm để đưa kinh tế ra khỏi khủng hoảng. Nguyên nhân, giải pháp và việc tái cơ cấu kinh tế là câu hỏi cần được làm rõ.

> Giới chuyên gia nói gì về tín hiệu phục hồi kinh tế?

Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá. Ảnh: VTC

- Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng, Việt Nam sẽ chịu tác động của khủng hoảng kinh tế muộn hơn một số nước khác?

- Tôi cũng có quan điểm như vậy. Khủng hoảng thế kinh tế thế giới rất có thể sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của ta muộn hơn một chút và nhiều khả năng sẽ ở lại lâu hơn.

Một số nước ở châu Á vừa tuyên bố, nền kinh tế của họ sẽ chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế ít nhất là trong 3-4 năm. Theo tôi thì thời gian khó khăn của nền kinh tế chúng ta cũng không kém những con số của các nước đó đâu. Thậm chí, nếu không cẩn thận, giai đoạn khó khăn với Việt Nam còn dài hơn.

- Hiện có nhiều dự báo khá lạc quan về thời điểm phục hồi của nền kinh tế. Ý kiến của ông về chuyện này?

- Nếu chúng ta bàn đến một vấn đề gì và lợi hay hại thì phải đặt trong hoàn cảnh cụ thể. Khi chúng ta đưa ra thông điệp đó thì phải xem nó lợi cho ai và hại đến ai.

Nên nhớ, yếu tố tâm lý luôn luôn tồn tại ở tất cả các nước, nhưng nó lại thường "chết yểu". Do đó, có "lạc quan tếu" hay không thì cũng cần phải phân định rõ. Nếu "tếu" đối với nhà nghiên cứu thì vô nghĩa, hay đối với người dân thì cũng không có giá trị nhiều. Nhưng nếu "tếu" đối với nhà quản lý thì rất nguy hiểm.

- Vậy theo ông thì thông điệp mà chúng ta cần nhất trong bối cảnh này là gì?

- Phải nhìn thật rõ và nói trung thực những gì mình đang có, cái được và cái chưa được, đồng thời có những chính sách nhanh, kịp thời kết hợp với tổ chức thực hiện nhanh chóng, quyết liệt.

Tôi kiểm nghiệm ra rằng, những năm nào có số cuối là 8 và 9 thì đều xấu với kinh tế của nước ta. Năm 1978 -1979 là xấu, rồi năm 1988 -1989 cũng xấu và bây giờ là 2009 cũng xấu.

Gần đây, nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng, chúng ta cần phải có đổi mới lần thứ hai. Nhưng quan điểm của tôi thì lại khác, đổi mới là một quá trình liên tục. Nếu lúc nào mà chúng ta dừng đổi mới, thỏa mãn với những gì đã có thì sẽ rất nguy hại.

Vấn đề tái cơ cấu luôn cần thiết, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm và chịu nhiều tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Một chiếc áo ngày hôm qua có thể rất vừa với bạn, nhưng nếu ngày mai bạn tăng cân lên hay giảm đi một tý thì chắc chắn chiếc áo đấy sẽ không còn phù hợp với bạn nữa.

Do đó, nếu nói rằng, chúng ta nhân tiện khủng hoảng kinh tế để tiến hành đổi mới thì cũng không đúng. Khủng hoảng chỉ là dấu hiệu cho thấy, chiếc áo đã không còn thích hợp nữa. Đến một lúc nào đấy, hoạt động kinh tế nó tự vượt qua giới hạn đó, để bắt đầu một quá trình mới với những hoạt động mới.

Tất nhiên, đổi mới hay cải tổ cần phải có thời gian, có cả một quá trình với nhiều cân nhắc kỹ lưỡng, không thể nóng vội được. Chúng ta nên nhớ rằng, khủng hoảng luôn luôn nổ ra từ vĩ mô, bắt đầu từ vĩ mô, chứ không thể từ đâu khác.

,,,,,,,,,,,,,,,,,,,

Vàng ảo rẻ hơn vàng thật

Dù đã giảm nhẹ nhưng vàng còn giữ vững được mức ấn tượng trên 20 triệu đồng một lượng. Nhưng trên các sàn vàng, mức khớp lệnh cao nhất vẫn chưa đạt được ngưỡng này.

> Đua bán vàng / Giá vàng vượt mốc 20 triệu đồng mỗi lượng

Vàng SJC trên sàn đang thấp hơn giá bán ra thị trường 200.000 - 250.000 đồng một lượng. Ảnh: T.A

Mức cao nhất các trung tâm giao dịch vàng trong nước đạt được trong đợt tăng giá hai ngày qua chỉ xấp xỉ 19,9 triệu đồng một lượng. Tâm lý nhà đầu tư hiện nay không kỳ vọng vào khả năng tăng mạnh của vàng thế giới nên có những trạng thái chờ bán khá nhiều.

Phiên chiều nay, khớp lệnh tại các trung tâm giao dịch vàng có xu hướng giảm. Tại Trung tâm giao dịch vàng Vi Na VJC, giá khớp thấp nhất được ghi nhận là 19,755 triệu đồng một lượng, thời điểm vàng thế giới giảm chạm mức 921 USD một ounce vào đầu phiên Châu Âu chiều nay. Một số khách hàng cho biết đang chờ mua quanh vùng 920 USD một ounce. Tính đến 15h30, Vi Na VJC đã khớp thành công được hơn 45.000 lượng.

Cùng thời điểm, sàn vàng Eximbank khớp thành công được khoảng 15.000 lượng, dao động giá trong khoảng 50.000 đồng một lượng, giá ở đầu phiên chiều là 19,8 triệu đồng. Các trạng thái mua tăng trở lại trên sàn này khi giá khớp thành công nhích lên mức 19,83 triệu đồng mỗi lượng.

Một nhà đầu tư tại sàn VietA cho biết, tình hình hiện nay khi vàng thế giới cứ giùng giằng trong vùng 930 USD mỗi ounce, nhà đầu tư có thể thực hiện bán ra từng phần và nên chú trọng về trung hạn.

Theo quản lý các sàn vàng, khối lượng bán của giới đầu tư trong ngày nay không mạnh như phiên hôm qua. Một số nhà đầu tư cho biết, giá có thể tăng lại mức cao của ngày hôm qua nên vẫn xem xét khả năng bán khống chứ không ưu tiên mua.

Tối 13/5, nhiều tiệm vàng tại TP HCM đã niêm yết giá bán ra vàng miếng SJC tăng lên mức 20,1 triệu đồng một lượng. Đến chiều nay, giao dịch thương hiệu vàng miếng này tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là 20 - 20,06 triệu đồng một lượng (mua vào - bán ra).

Theo nhận định của giới đầu tư, giá vàng thị trường tự do tăng tốt hơn so với giá khớp thành công tại các trung tâm giao dịch vàng. Tuy nhiên, tại các sàn và trung tâm giao dịch vàng, khi mua bán tất toán để có được vàng, nhà đầu tư phải chịu một mức phí. Cộng lại tất cả khoản, giá vàng tại các sàn ở mức tương đương, thậm chí có lúc cao hơn so với giá bán ra của vàng ngoài thị trường. Chính điều này khiến các nhà đầu tư không còn mặn mà với hoạt động rút vàng tại các sàn và trung tâm giao dịch.

...................

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #bao