bao 12.5

Tỷ phú George Soros: Khủng hoảng sắp kết thúc

Tỷ phú đầu cơ George Soros nhận định, kinh tế toàn cầu đã đi qua giai đoạn tồi tệ nhất và sẽ sớm tăng trưởng trở lại, với sự đi đầu của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

> 2 nguyên tắc đầu tư của Buffett và Soros

Tỷ phú George Soros. ảnh: disc-ceu

George Soros nổi danh sau vụ đầu cơ tiền tệ, làm khuynh đảo thị trường tài chính thế giới và thu về hàng tỷ USD. Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung hôm 11/5, ông cho rằng với đà đi lên mạnh mẽ và có khả năng vượt qua cả Mỹ, Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường kinh tế của thế giới.

"Thời kỳ kinh tế toàn cầu rơi tự do đã kết thúc và sự đổ vỡ của hệ thống tài chính đã được chặn lại", vị tỷ phú gốc Hungary nói. Ông cũng cho rằng, sự hồi phục của kinh tế toàn cầu sẽ bù đắp dần cho tình trạng lao dốc hiện nay, nhưng sau đó sẽ là một thời kỳ kinh tế trì trệ.

"Châu Á sẽ thoát khỏi khủng hoảng đầu tiên, tiếp ngay sau là Mỹ. Và Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của thế giới", Soros nhận định.

Riêng khu vực 16 nước châu Âu sử dụng đồng tiền chung euro, George Soros cho rằng cũng sẽ thoát khỏi khủng hoảng, nhưng phải đối mặt nhiều yếu kém về cơ cấu.

George Soros vốn nổi tiếng với những nhận định gây chấn động về kinh tế thế giới. Chỉ vài tháng trước suy thoái, ông nhận định, hệ thống tài chính đang ở trong tình trạng "siêu bong bong" và chỉ chờ ngày vỡ. Trước đó, 3 cuốn sách của ông cũng đề cập tới nguy cơ đổ vỡ của hệ thống tài chính toàn cầu.

Cách đây chỉ 3 tháng, vị tỷ phú 79 tuổi này còn nhận định, hệ thống tài chính thế giới đang tan rã và ông vẫn chưa thấy giải pháp ngắn hạn nào cho cuộc khủng hoảng. Ông cũng cho rằng, sự phá sản của Lehman Brothers vào tháng 9/2008 đã đánh dấu một bước ngoặt trong sự vận hành của hệ thống tài chính thế giới.

......................

Báo cáo Quốc hội về dự án khai thác dầu tại Venezuela

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết chậm nhất là ngày 19/5, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (PVN) và các đơn vị có liên quan phải báo cáo giải trình trước Quốc hội các dự án đầu tư khai thác dầu khí tại Venezuela.

>Venezuela khẩn cấp đóng cửa các hãng dầu khí nước ngoài

Kết luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/5, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên cho biết các dự án mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (PVN) đầu tư tại Venezuela là dự án trọng điểm mà Quốc hội đã phê duyệt, do vậy cần phải có báo cáo giải trình về hiệu quả.

"Tạm thời phiên họp này chưa đề cập đến các dự án đầu tư tại Venezuela nhưng PVN và các đơn vị có liên quan cần nghiên cứu kỹ để có báo cáo giải trình trước trước ngày 19/5 để kịp báo cáo Quốc hội trong phiên họp khai mạc vào ngày 20/5", ông Kiên nhấn mạnh.

Ông Kiên cho hay ngoài các dự án khai thác dầu của PVN tại Venezuela, một số vấn đề khác liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế, lạm phát, bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu Chính phủ, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân... cũng được nghiên cứu để có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trước ngày 19/5.

Yêu cầu giải trình các dự án khai thác dầu khí được Quốc hội đưa ra ngay sau sự kiện Venezuela tiến hành tịch thu tài sản, quốc hữu hóa 39 công ty dầu mỏ tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài, sau khi thông qua đạo luật cho phép chính phủ kiểm soát toàn bộ ngành công nghiệp vàng đen.

Ngày 28/11/2008, tại thủ đô Caracas, Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đã ký bản ghi nhớ với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) để thành lập công ty liên doanh và hợp đồng khai thác dầu nặng tại lãnh thổ nước này. Hợp đồng liên doanh sẽ có hiệu lực sau khi được Quốc hội Venezuela phê chuẩn.

Dự án này có ý nghĩa quan trọng đối với PVN trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng hoạt động kinh doanh, nhằm tăng sản lượng khai thác dầu khí, tăng nguồn cung, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Dự kiến khi đi vào khai thác, lô Junin 2 thuộc vành đai dầu nặng Orinoco trên lãnh thổ Venezuela sẽ cho phép khai thác khoảng 200.000 thùng dầu mỗi ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu một năm. Dầu thô nặng sẽ được liên doanh xử lý nâng cấp thành dầu nhẹ thương phẩm tại nhà máy nâng cấp dầu do công ty liên doanh xây dựng.

Bản ghi nhớ và hợp đồng đã được ký kết sau một thời gian đàm phán của các bên vì lợi ích chung của hai nước Việt Nam - Venezuela. Cũng trong thời gian này, hợp đồng mua bán dầu FO đã được ký kết giữa Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) thuộc PVN và Tập đoàn Dấu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA)

.......................

Cổ phiếu đầu tiên bị hủy niêm yết

Kể từ ngày 1/7, cổ phiếu BTC của Công ty cổ phần cơ khí Bình Triệu sẽ bị hủy niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, do công ty kiểm toán từ chối cho ý kiến với Báo cáo tài chính năm 2008 của BTC.

Như vậy BTC là cổ phiếu đầu tiên trên sàn TP HCM bị hủy niêm yết.

Theo quyết định của HOSE, BTC đã vi phạm Nghị định 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1 và Quy chế niêm yết chứng khoán tại HOSE: "Tổ chức kiểm toán có ý kiến không chấp nhận hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết".

26/6 sẽ là ngày giao dịch cuối cùng của BTC. Trong khoảng thời gian từ ngày 14/5 đến 26/6, cổ phiếu này chỉ được thực hiện giao dịch khớp lệnh định kỳ vào đợt khớp lệnh đóng cửa mỗi ngày, từ 10h15 đến 10h30. Mã này cũng không được phép giao dịch thỏa thuận.

Ngày 11/4/2005, cổ phiếu BTC bị tạm ngừng giao dịch do kinh doanh thua lỗ hai năm liên tiếp 2003, 2004. Hai ngày sau đó, cổ phiếu được giao dịch trở lại và mang ký hiệu cảnh báo. Dấu hiệu cảnh báo vẫn được duy trì cho đến nay do kết quả kinh doanh 2005, 2006 của công ty tuy có lãi nhưng hoạt động kinh doanh chính vẫn lỗ.

Năm 2007, BTC tuy có lãi nhưng theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, kiểm toán viên đã đưa ra một số ý kiến ngoại trừ. Lợi nhuận sau thuế 2008 chưa kiểm toán, BTC đạt gần 7,2 tỷ đồng.

Đại hội cổ đông 2009 vừa rồi BTC đã thống nhất chuyển sang niêm yết tại sàn Hà Nội do vốn điều lệ chỉ đạt 13,5 tỷ đồng.

....................

Trung Quốc giàu hay nghèo?

Cuộc khủng hoảng là cơ hội cho Trung Quốc thu hút sự chú ý của cả thế giới. Nếu quốc gia này phục hồi sớm hơn quốc tế trong năm nay, giới chuyên gia sẽ phải cân nhắc lại về trật tự kinh tế thế giới mới sau khủng hoảng.

Các báo cáo liên tục được đưa ra, cho thấy nền kinh tế nước này có mức tăng trưởng cao nhất trong số các quốc gia lớn. Trong bối cảnh đó, người ta tự hỏi thế giới nên đối xử với Trung Quốc như là với một nước giàu hay nghèo, xem Trung Quốc là một quốc gia vẫn đang cần giúp đỡ hay một nền kinh tế hùng mạnh phải kiêng dè.

Tất nhiên, người dân Trung Quốc luôn đặt niềm tin to lớn vào đất nước họ. Andy Tsieh khẳng định quốc gia của anh không còn là nước nghèo nữa. "Trung Quốc có giao dịch thương mại lớn nhất thế giới", Andy Tsieh nói, "về tổng sản phẩm quốc dân GDP, Trung Quốc có thể sẽ vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm nay hoặc năm sau".

Tuy nhiên, Andy Tsieh phải thừa nhận: "Đây là một đất nước hoàn toàn khác biệt. Có vẻ thế giới thứ nhất, thế giới thứ hai và thế giới thứ ba đang cùng tồn tại trên lãnh thổ nước này. Cùng một lúc, Trung Quốc mang rất nhiều bộ mặt".

Xung đột giàu nghèo

Tại những thành phố lớn như Thượng Hải, thế giới thứ nhất và thế giới thứ ba không chỉ cùng tồn tại mà còn xung đột lẫn nhau. Từ trên nóc những tòa tháp cao nhất tại Thượng Hải như Trung tâm Tài chính Thế giới, /du khách say mê nhìn quang cảnh hào nhoáng. Mười năm trở lại đây, thành phố này phát triển chóng mặt. Số lượng các tòa nhà cao tầng mọc lên không thua kém Hong Kong, New York, hay Tokyo. Từ trên cao nhìn xuống, Thượng Hải trông có vẻ là một đô thị giàu có, sành điệu, hiện đại.

Tuy nhiên, dưới chân tòa tháp, Thượng Hải mang một bộ mặt khác. Những người ăn xin, phần lớn di cư từ tỉnh khác đến, ngồi chờ đợi sự giúp đỡ từ hành khách qua đường. Tuy nhiên, hầu hết những doanh nhân trong bộ đồ công sở điềm nhiên bước qua.

Một bộ mặt khác của Thượng Hải bên cạnh những tòa nhà cao tầng. Ảnh: dharmdragon

Nhà chức trách Trung Quốc đang đau đầu với câu hỏi làm sao để giải quyết việc làm cho khối lượng lớn người di cư từ những tỉnh nghèo đến Bắc Kinh, Thượng Hải, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính quyền không có đủ kinh phí để giúp đỡ tất cả mọi người.

Li Wei, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered tại Thượng Hải nhận định mặc dù quốc gia này ngày càng giàu lên, vẫn còn có hàng trăm triệu người đang vật lộn với đói khát. Gánh nặng đội quân thất nghiệp đang đè nặng lên vai chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều định chế tài chính lớn, như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thường lờ đi thực tế này, khi yêu cầu Trung Quốc đóng góp thêm tiền vào quỹ. Li Wei nói: "Nhiều người không hiểu tại sao các tổ chức quốc tế còn đòi hỏi Trung Quốc đi giúp đỡ các nước khác, trong khi những vùng miền phía tây và miền trung Trung Quốc vẫn cần hỗ trợ". "Với người dân tại những khu vực nghèo đói, câu hỏi choán hết tâm trí họ là làm sao để kiếm tiền tiền đủ sống qua ngày, chứ không phải là làm thế nào để cứu giúp thế giới", anh nói.

Li Wei, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered: "Nếu bạn sống ở miền tây và trung Trung Quốc, bạn sẽ không thể hiểu tại sao các tổ chức quốc tế còn yêu cầu đất nước chúng tôi giúp đỡ thế giới". Ảnh: BBC.

Theo giáo sư Shen Dingli từ Đại học Phúc Đán, có nhiều lý do để cho rằng Trung Quốc chưa phải là một nước giàu. Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, nhưng cũng đã phải trả nhiều cái giá rất đắt với nhiều thiệt hại về môi trường và sinh thái học. "Sự phát triển của Trung Quốc hiện nay không cân bằng, không bền vững. Nên tôi có thể nói Trung Quốc vẫn đang là một quốc gia nghèo về mặt môi trường, sinh thái học và triết học", ông nói.

Thách thức và cơ hội

Ngân hàng Thế giới (WB) xếp Trung Quốc vào cùng nhóm với những nước có thu nhập trung bình thấp cùng với Bolivia, Ấn Độ và Syria.

Tuy nhiên hiện tại, Trung Quốc ở vị thế thuận lợi hơn nhiều so với các quốc gia phát triển. Đến lượt phương Tây phải e sợ quốc gia châu Á này sẽ dần thâu tóm nhiều tập đoàn lớn, mỏ quặng hay tài sản sản giá trị khác khi các công ty của họ đang khát tiền mặt. Công ty Trung Quốc với tiềm lực vốn lớn, cộng thêm hỗ trợ tài chính từ phía chính phủ, đang trở thành mối đe dọa phải kiêng dè.

Trong một bài phát biểu gần đây, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nói: "Thách thức và cơ hội luôn đi cùng nhau".

..................

Tổn thất của ngân hàng Mỹ có thể lên đến 600 tỷ USD

Báo cáo sức khỏe của chính phủ Mỹ khẳng định hệ thống tài chính nước này vẫn đang trụ vững, mặc dù dễ bị tổn thương. 10 trong số 19 ngân hàng lớn nhất sẽ cần thêm 75 tỷ USD phòng trường hợp suy thoái tồi tệ hơn.

Một khách bộ hành đi qua bảng hiệu bên ngoài Ngân hàng Mỹ Wells Fargo tại California,một trong 10 ngân hàng cần bơm thêm vốn. Ảnh: Getty Images

Sau nhiều ngày chờ đợi, hôm qua, Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố kết quả sát hạch 19 ngân hàng lớn nhất. Trong số đó, 9 ngân hàng được đánh giá hoạt động vững chắc và không cần thêm vốn là JPMorgan Chase, Ngân hàng môi giới Goldman Sachs, nhà bảo hiểm MetLife, Công ty thẻ tín dụng Capital One Financial Corp. và Công ty American Express.

Theo báo cáo, những ngân hàng lớn cần thêm vốn bao gồm Ngân hàng Mỹ (BofA) - cần 33,9 tỷ USD; Ngân hàng Wells Fargo & Co. - 13,7 tỷ USD; Ngân hàng GMAC LLC - 11,5 tỷ USD; Citigroup Inc. - 5,5 tỷ USD và Morgan Stanley - 1,8 tỷ USD. Ngoài ra còn có 5 ngân hàng địa phương khác đang thiếu vốn là Tập đoàn tài chính Regions Financial (Alaska), SunTrust Banks (Atlanta); KeyCorp (Cleveland); Fifth Third Bancorp (Cincinnati); và tập đoàn PNC Financial Services (Pittsburgh).

Mười ngân hàng có hơn 4 tuần để trình kế hoạch huy động vốn. Nếu họ không có phương án nào khả thi, chính phủ Mỹ sẽ phải dùng đến Quỹ cứu trợ.

Ngay sau khi kết quả sát hạch được công bố, Wells Fargo & Co. và Morgan Stanley cho biết họ sẽ phát hành thêm chứng khoán. Citigroup sẽ chuyển đổi một phần nợ thành chứng khoán thông thường.

Cuộc kiểm tra sức khỏe là chương trình then chốt nằm trong kế hoạch củng cố hệ thống tài chính của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Kể từ khủng hoảng tín dụng mùa thu năm ngoái, hệ thống ngân hàng nước này đã dần suy yếu. Giá nhà giảm mạnh và số lượng vụ tịch thu tài sản thế chấp tăng cao đe dọa tài sản thế chấp và chứng khoán bảo đảm bằng tài sản thế chấp của mà các ngân hàng đang nắm giữ.

Cuối năm ngoái, chính phủ Mỹ rót 700 tỷ USD cứu trợ hệ thống ngân hàng và đưa ra hàng loạt hành động khẩn cấp, trong đó có việc kiểm soát người khổng lồ ngành tài chính thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac, cùng nhà bảo hiểm lớn nhất thế giới American International Group Inc (AIG).

Cuộc sát hạch cũng chỉ ra rằng nếu suy thoái kinh tế trở nên tồi tệ hơn, tổn thất của 19 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ trong 2009 và 2010 có thể lên đến 600 tỷ USD. Trong số đó, có 185,5 tỷ USD tổn thất từ tài sản thế chấp, 82,4 tỷ USD từ vay nợ thẻ tín dụng và 53 tỷ USD từ các khoản vay bất động sản thương mại. Các chuyên gia phân tích nhận định khoản vay bất động sản thương mại hiện là khu vực dễ bị tổn thương nhất trong thời điểm hiện nay.

19 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ chiếm hai phần ba tổng tài sản và một nửa tổng số tiền cho vay của toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ.

"Báo cáo đã thành công trong việc khiến người ta cảm thấy hoạt động của hệ thống tài chính không đến nỗi tệ nếu nhìn về toàn cảnh", Kevin Logan, nhà kinh tế tại Viện Dresdner Kleinwort nói. Tuy nhiên, Kevin Logan cho rằng việc huy động một lượng lớn vốn sẽ là thử thách khó khăn đối với các ngân hàng. "Đây quả là tình thế tiến thoái lưỡng nan khi tiềm lực kinh tế của hệ thống ngân hàng không đủ mạnh nhưng họ vẫn phải đảm bảo khả năng thanh toán và cho vay", ông nói.

Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, chính phủ thực hiện và công khai chương trình tổng sát hạch các ngân hàng lớn. Điều này dấy lên câu hỏi trong dư luận về tính xác thực của những kết quả lạc quan. Nhiều nhà phân tích cho rằng mục đích chính của các nhà lãnh đạo là nâng cao niềm tin trong dân chúng. Chính quyền ra sức làm giới đầu tư tin rằng hệ thống tài chính thực ra vẫn đang khỏe mạnh, kể cả khi cần huy động thêm vốn. Thậm chí Chủ tịch FED tuyên bố sẽ không để bất cứ ngân hàng nào sụp đổ.

Nhiều câu hỏi đặt ra về tính nghiêm khắc của cuộc sát hạch. Các chuyên gia từng dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ đạt 10% trong cuối năm nay và còn đi lên vào năm sau, kể cả khi kinh tế không tiếp tục xuống dốc. Trong khi cuộc kiểm tra của FED đặt ngân hàng trong tình huống tưởng tượng cơn suy thoái sẽ trở nên tồi tệ hơn, nhưng dự đoán tỷ lệ thất nghiệp cũng chỉ tăng lên 10,3% trong bối cảnh đó.

Ngoài ra, giới phân tích chỉ trích cuộc sát hạch không nhắm vào vấn đề then chốt của hệ thống ngân hàng là khối tài sản thế chấp đang gặp nguy hiểm chính là nguyên nhân khiến nhà băng khó duy trì khả năng cho vay.

Tuy vậy, báo cáo không làm nhà đầu tư quay lưng với cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu của các ngân hàng lớn và địa phương hầu hết tăng điểm trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm qua. Cổ phiếu của Ngân hàng Mỹ tăng 9,2%, lên 14,75 USD, cổ phiếu của JPMorgan Chase & Co. tăng 1,5% lên 35,77 USD. Nhà đầu tư yên tâm với thông điệp chính phủ đưa ra, rằng chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ hệ thống tài chính dù cái giá phải trả có là bao nhiêu.

....................

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #bao