bao 12

'2 dự án bô xít không thuộc diện công trình quan trọng'

Lấy căn cứ tổng vốn 2 dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ chưa đến 20.000 tỷ đồng không nằm trong tiêu chí "công trình quan trọng", Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng lý giải, vì sao dự án đang dành được sự quan tâm đặc biệt này không đưa ra xin ý kiến Quốc hội.

Mở đầu, đại biểu (ĐB) Nguyễn Đăng Trừng chất vấn: "Nghị quyết 66 của Quốc hội ghi rõ quy mô đầu tư dự án từ 20.000 tỷ trở lên phải xin ý kiến Quốc hội. Vậy dự án bô xít tại Tây Nguyên có quy mô cao hơn 20.000 tỷ đồng tại sao không được xin ý kiến Quốc hội thông qua?".

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Ảnh: Hoàng Hà.

Không chút ngập ngừng, người đứng đầu ngành công thương dẫn giải, dự án bô-xít tại Tây Nguyên được Chính phủ phê duyệt gồm nhiều dự án khác nhau, như: dự án về khai thác, chế biến bô xit thành alumine; sản xuất alumine thành nhôm nguyên liệu; dự án đường sắt từ Tây Nguyên xuống biển... "Những dự án này độc lập và không phụ thuộc lẫn nhau".

Ông cho rằng, sẽ có những dự án tổng mức đầu tư vượt con số 20.000 tỷ đồng, nhưng cũng có những dự án không đến. "Tại dự án bô xit Tân Rai và Nhân Cơ, vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, do đó không thuộc diện công trình quan trọng phải đưa ra Quốc hội".

Theo ông, các dự án khác như Đắk Nông 2, Đắk Nông 3... nếu công suất chế biến từ 1,5 triệu đến 2 triệu tấn alumine một năm, vốn đầu tư có khả năng sẽ vượt 20.000 tỷ đồng thì chắc chắn sẽ phải trình với Quốc hội...

Chưa đồng tình, Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng cho rằng, không thể nói các dự án nằm trong một quần thể là độc lập và không có sự gắn kết với nhau. "Nó chỉ độc lập khi Bộ Công thương tách nhỏ ra để khỏi vượt quá 20.000 tỷ", ông nói.

Dẫn ra kết luận của Bộ Chính trị trong đó khẳng định, Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh quốc phòng cả trước mắt lẫn lâu dài, ông cho rằng: "Toàn bộ dự án khai thác Boxit cần phải được trình Quốc hội cho chủ trương đầu tư".

Cương quyết bảo vệ quan điểm, Bộ trưởng Hoàng khẳng định, việc chia thành các dự án không phải là ý kiến của Bộ Công thương. "Chúng tôi cũng không có thẩm quyền để chia nhỏ các dự án". Ông nhấn mạnh, dự án này nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp Bô xit đã được Chính phủ phê duyệt.

"Dự án alumine có thể không có đường sắt vẫn hoạt động được, bởi khi công suất alumine nhỏ thì vận chuyển bằng ô tô. Còn sau này nếu việc sản xuất alumine tiếp tục có hiệu quả thì mới tính phương án đường sắt "phục vụ đa dụng", ông trình bày thêm và: "Sẵn sàng báo cáo trực tiếp với các đại biểu Quốc hội về vấn đề kỹ thuật".

"Tôi không đồng ý với giải trình của Bộ trưởng và cũng không đồng ý tách rời các dự án trong quần thể dự án bô xít tại Tây Nguyên. Vì nếu không có dự án bô xit thì liệu có xây dựng đường tàu hay không. Do vậy việc nói 2 dự án này tách rời nhau là không đúng", ĐB Nguyễn Văn Ba lên tiếng.

Chung mối quan tâm về vấn đề bô xít, ĐB Nguyễn Thị Loan nêu ý kiến, dự án sản xuất alumin, không phải là sản phẩm nhôm thành phẩm. Theo bà, đó là xuất khẩu nguyên liệu khoáng sản dạng thô, chưa phải là sản phẩm chế biến dạng tinh. "Xin hỏi Bộ trưởng, việc sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dạng thô như vậy có đi ngược lại chính sách hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô hay không?", bà Loan chất vấn.

Không nhìn vào bất cứ tài liệu nào, Bộ trưởng Hoàng phản bác, với hàm lượng oxit nhôm Al2O3 là 98,2% thì sản phẩm alumine không thể gọi là quặng thô. "Trong các tài liệu của quốc tế không tài liệu nào nói rằng alumine là nguyên liệu thô. Chúng tôi nghĩ rằng dự án này là một bước đi phù hợp trong điều kiện hiện nay", ông Hoàng nhấn mạnh.

Trong số hơn hàng chục câu hỏi được gửi tới Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chiều nay, ngoài chất vấn liên quan đến dự án bô xít, nhiều đại biểu còn đặc biệt quan tâm tới tình trạng điện thiếu, giá tăng ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Đưa ra các ví dụ về đời sống của những người lao động nghèo phải đi thuê nhà ở, những người đang chịu sức ép về giá, cũng như việc thay đổi cách tính giá điện giờ cao điểm khiến doanh nghiệp khốn đốn, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương nêu câu hỏi: "Khi điều chỉnh giá bán điện, Bộ trưởng nghĩ gì?", " Bộ trưởng đã tính đến hết yếu tố chưa?".

Đồng tình với cách đặt vấn đề của bà Hương, Bộ trưởng công nhận, điện là sản phẩm có liên quan đến mọi thành phần và ngành nghề trong xã hội, do vậy việc điều chỉnh giá bán sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên ông vẫn cho rằng, khi ban hành khung giá là đã tính toán được tất cả các yếu tố gồm chỉ số giá tiêu dùng, tác động đến đời sống dân sinh, hoạt động sản xuất... Lộ trình tăng giá điện lẽ ra được thực hiện từ giữa năm 2008. Tuy nhiên, do lo ngại lạm phát, giá cả tăng cao... nên lộ trình phải lùi lại đến tháng 3/2009.

Ông Hoàng cho biết, tăng giá là không đừng, vì điện đang bán với giá rất thấp so với khu vực nên không khuyến khích được đầu tư và tiết kiệm năng lượng. Các phương án giá cũng được tính toán thận trọng theo hướng hỗ trợ đúng đối tượng nghèo bằng giá điện bậc thang. "Theo tính toán của chúng tôi với giá bán mới, chi phí của các hộ gia đình nghèo tăng thêm khoảng 2.500 đồng một tháng còn các hộ tiêu dùng khác chi phí tăng thêm 18.000 đồng", ông Hoàng nêu con số.

Cảm thông với những bức xúc của người dân liên quan đến vấn đề điện cắt giảm khắp nơi, người đứng đầu ngành công thương khẳng định, mất điện không phải thiếu mà chủ yếu do sự cố đường dây. "Chúng tôi đã yêu cầu EVN báo cáo tình trạng trên và khắc phục các sự cố để đảm bảo việc cung ứng điện được thông suốt", ông Hoàng hứa trước khi kết thúc phiên chất vấn chiều nay.

20 câu hỏi khác, trong đó có việc điều hành xuất khẩu gạo, gian lận thương mại, tính cước taxi gian, giá ôtô... đang chờ người đứng đầu ngành công thương tiếp tục đăng đàn trong sáng mai (12/6).

................

'Cách phân làn giao thông Hà Nội chỉ là tình thế'

"Cách chúng tôi tổ chức là phục vụ số đông, chống ùn tắc, nên lợi ích sẽ không đồng nhất. Toàn bộ kinh phí bỏ ra lần này không bằng tiền hạ ngầm một tuyến cáp", Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội Thạch Như Sĩ trao đổi với VnExpress.net.

> Phân luồng lại giao thông, chỗ thông chỗ tắc

- Những tuyến đường mà Sở Giao thông công chính chọn để phân luồng dựa trên nguyên tắc nào?

- Đây là những tuyến có mật độ giao thông cao, nhiều điểm giao cắt, đặc biệt là các ngã tư hay xung đột, tai nạn giao thông và tín hiệu đèn không phát huy tác dụng. Thậm chí khi nâng chu kỳ tín hiệu đèn lên 90 giây cũng chỉ giải quyết được một lượng rất nhỏ người đi qua nút giao thông đó.

Muốn làm một nút giao thông hiện đại, thuận tiện như nút Kim Liên phải mất hơn 3 năm với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Nguyên tắc thí điểm phân luồng lần này là tận dụng khả năng hiện có của mặt bằng để phân luồng, dùng biện pháp cưỡng bức một số dòng xung đột (đóng giao cắt ngã tư), tạo ra các dòng rẽ trái, phải hợp lý ở một vị trí thích hợp.

Điển hình như nút An Dương, chúng tôi đã tạo ra dòng rẽ trái tận dụng dải phân cách ở giữa cho các phương tiện rẽ trái, kết hợp với điều chỉnh lại tín hiệu giao thông.

Ông Thạch Như Sỹ. Ảnh: Xuân Tùng.

- Phương án phân luồng mới phải đáp ứng những yêu cầu gì, thưa ông?

- Khi dòng giao thông xoắn, 5 -7 chu kỳ đèn mà người tham gia giao thông không đi qua được thì các phương tiện chuyển động xa hơn và tạo ra vòng xoáy sẽ tốt hơn. Qua bấm đồng hồ, thời gian đi qua giao cắt này nhanh hơn trước rất nhiều.

Vì các tuyến phố phân làn là các tuyến chính cho nên chúng tôi cũng cân nhắc khi xén các dải phân cách sẽ không tạo cho người tham gia giao thông bị ức chế khi quay đầu xe. Các ngã tư, ba bị chắn lại nhưng người đi bộ vẫn lưu thông được.

Trên các nút này, đèn tín hiệu vẫn hoạt động nhưng được điều chỉnh cho phù hợp. Dòng phương tiện đi thẳng khoảng 3 phút sau đó dừng lại để các phương tiện giảm tốc độ, tránh lao quá nhanh vào các nút khác gây ùn ứ và đặt đèn đỏ 30-40 giây cho người đi bộ sang đường.

Hiện có 3 tuyến đường chúng tôi đánh giá tương đối thành công, đó là Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Nguyễn Trãi và Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng.

- Tại những tuyến ông cho là thành công, người dân vẫn phàn nàn về việc thiếu điểm sang đường cho người đi bộ, hệ thống tín hiệu đèn giao thông hoạt động không đồng bộ... Ông giải thích thế nào?

- Trong vài ngày đầu, người đi bộ có gặp khó khăn nhưng sau đó chúng tôi đã làm chỗ cho người đi bộ. Thậm chí, đường Láng chúng tôi thiết kế rất nhiều làn đường và cầu vượt. Tuy nhiên, để làm việc này một cách căn cơ cần thời gian và kinh phí. Những việc chúng tôi đang làm chưa được cấp kinh phí. Thanh tra Sở Giao thông vận tải phải ứng tiền để làm các hàng rào mềm.

Đúng là hệ thống tín hiệu đèn không đồng bộ, nên phải điều chỉnh lại. Tuy nhiên theo tôi, ý thức của người tham gia giao thông mới quyết định. Đèn đỏ là để cho người đi bộ, nhưng xe máy, ôtô vẫn ào đi. Cho nên mọi người tham gia giao thông phải chấp hành việc này thì mới có giá trị.

Nút Kim Mã - Ngọc Khánh sau khi được phân làn. Ảnh: Xuân Tùng.

- Nhiều ý kiến cho rằng, việc rào các nút ngã ba, tư cũ chỉ phát huy tác dụng ở những tuyến đường có dải phân cách rộng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Mơ ước của chúng tôi vẫn là các đường khác mức, nút giao cắt khác mức như Kim Liên - Đại Cồ Việt. Còn cách phân làn hiện nay chỉ là giải pháp tình thế. Chúng tôi vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và hoàn thiện các thủ tục nên cũng chưa được như ý muốn.

Ví dụ nút đường Láng mật độ tham gia giao thông cao cần phải làm cầu đi bộ cho người sang đường. Hay như khi xẻ các dải phân cách có chỗ chưa được mỹ quan lắm... tất cả đều cần có thời gian.

- Với cách tổ chức giao thông như hiện nay, trong trường hợp trời mưa hoặc lưu lượng tham gia giao thông tăng đột biến, khả năng ùn tắc sẽ được dự đoán ra sao?

- Bất cứ một giải pháp nào cũng có thời điểm và tính ứng dụng. Chưa có ai dám khẳng định, cách tổ chức giao thông hay thiết kế tòa nhà mang tính chất vĩnh viễn. Cầu Thăng Long ngày xưa ai cũng bảo sao thiết kế to thế, lãng phí hay đường Đại Cồ Việt rộng thênh thang chẳng mấy người đi nhưng bây giờ cũng đang quá nhỏ bé với người tham gia giao thông. Hà Nội ngày xưa 36 phố phường đã quá rộng nhưng bây giờ cả Hà Tây nhập vào vẫn bé. Cho nên mỗi giải pháp đều mang tính thời điểm.

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá thế nào về cách phân luồng giao thông đang áp dụng?

Có hiệu quả

Không hiệu quả

Ý kiến khác

Trong điều kiện tiền ít, chúng tôi mang trí tuệ và công sức để đóng góp. Toàn bộ kinh phí bỏ ra để tổ chức lại các nút giao thông lần này không bằng tiền hạ ngầm một tuyến cáp. Còn để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông một cách căn cơ cần khối lượng tiền nhiều hơn để mở rộng đường vành đai, mặt cắt đường, làm nút giao thông hai ba tầng....

- Việc ùn tắc giao thông từ nhiều năm nay luôn là vấn đề nóng và liên quan đến nhiều người. Khi đưa một sáng kiến mới vào phân làn, Sở đã lường trước những áp lực nào?

- Một cách làm mới, phương pháp mới không phải dễ gì được chấp nhận ngay. Khi lợi ích được đảm bảo thì được ca ngợi và ngược lại.

Người đang tham gia giao thông vào giờ cao điểm tránh được ùn tắc sẽ rất phấn khởi. Nhưng giờ thấp điểm, người ta bảo cách làm đó đi quá lòng vòng... Lợi ích rõ ràng có những lúc không đồng nhất, nhưng cách chúng tôi tổ chức là phục vụ số đông, chống ùn tắc.

Một vườn hoa đang đẹp thế tự dưng xén đi, phải làm một việc như vậy chúng tôi cũng trăn trở lắm. Nếu không thành công sẽ gây lãng phí nhưng nếu thành công thì khác. Đó là những áp lực rất lớn đối với những người thực hiện

..................

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #bao