Bánh trôi nước
Tan học, tôi uể oải lê từng bước trên vỉa hè gần trường, hướng thẳng đến bến xe buýt, không một chút do dự. Nhanh thật, mới mấy ngày trước trời còn nắng, mà giờ đã gần sang đến mùa đông. Những đám mây xám xầm xì phủ kín trời, khiến lòng tôi nặng nề theo; nhưng nghĩ đến cái nắng chói chang của vài ngày trước, tôi lại thở phào, thầm thấy những cơn gió mát lành này thật quý giá biết nhường nào.
Bên vỉa hè bỗng vang vang tiếng một người bán rong nào đó chào mời:
"Ăn bánh trôi không cháu ơi?"
Tôi đứng khựng lại. Chẳng biết vì sao nữa. Lời chào mời vốn chẳng có gì đặc biệt, nhưng hai chữ "bánh trôi" lại cứ thế vọng trong đầu tôi, như mập mờ nhắc nhở về một điều gì đó. Giờ hãy còn sớm, thư thả cũng không sao. Mà sau đó tôi cũng chẳng phải đi đâu. Và thế là, trước sự hấp dẫn của một món ăn tôi ưa thích và nỗi tò mò chưa lời giải đáp kia, tôi bước lại gần đôi quang gánh, ngồi lên một chiếc ghế nhựa.
Cô bán hàng đưa tôi đĩa bánh trôi chỉ trong một tích tắc. Kéo một viên bánh lên; tôi nhìn ngắm thứ bột nếp trắng tinh dài ra thành những dải mảnh mà cảm thấy chút gì vương vấn. Những chiếc bánh cũng gọi là ngon, khá dẻo, ngọt vừa vị - nhưng lại không khiến tôi cảm thấy gì đặc biệt. Và với đầu óc cùng trái tim không chút rung động ấy, tôi bỗng thành ra khó ở khác lạ, vừa ăn vừa xét nét từng khiếm khuyết dù là vặt vãnh nhất trên đĩa bánh này. Bánh để ngoài trời mát lâu nên lạnh, mặt ngoài se lại, ăn dính răng thật khó chịu làm sao. Nhân bánh đã chảy thành nước gần hết. Vừng còn sống, chẳng thơm. Làm sao mà so được với...
Và thế là, như thể chúng đã luôn chực chờ trong tôi, chỉ đợi một dịp nào được trở thành chuẩn mực cho những sự so sánh, hình ảnh những đĩa bánh trôi làm ra bởi bàn tay bà ngoại tôi bỗng nảy lên trong óc tôi rõ mồn một, in một bức hình sắc nét lên nền trời trắng xóa. Thứ bánh trôi tuyệt hảo, không một hàng quán nào sánh kịp. Từng chiếc bánh tròn ủm như những viên ngọc trai lớn, xếp san sát cạnh nhau, kín mặt đĩa, đều chằn chặn. Đám ngọc trai bao viên như một ấy trên mặt vẫn còn vương chút nước, lại càng thêm tròn đều, bóng nhẫy lên dưới những tia sáng rọi vào. Mấy hạt vừng khẽ đậu lên mặt bột sáng bóng, điểm xuyết mấy chấm vàng ruộm li ti, tỏa hương thơm nhè nhẹ như những bông hoa trên nền tuyết trắng tinh khôi. Cái giản dị từ trong bản chất của từng chiếc bánh, qua bàn tay khéo léo của người làm bánh đầy kinh nghiệm lại hóa ra một vẻ đầy đặn, sang trọng bất ngờ chào mời người ta thưởng thức. Và cái cốt yếu, cũng là cái hấp dẫn người ta nhất của một món ăn tinh tế không gì khác ngoài hương vị. Vị bột thanh thanh thơm mùi nếp tương hợp với màu trắng tinh khôi kia, chẳng quá dính răng, cũng chẳng cứng hay vón cục làm khoang miệng ta mệt mỏi. Miếng đường phên nhỏ xíu gói ghém trong lớp bột vỡ ra thành từng mảnh, làm lan tỏa trên mặt lưỡi cái ấm áp của nước đường, vị ngọt hơi sắc điểm chút mùi thơm nồng hơi giống mùi gừng. Và những hạt vừng lại càng được dịp tỏa hương đầy khéo léo, góp chút vị giòn giòn, ngai ngái, bùi bùi là lạ chỉ thấy được nếu vị giác thật tinh.
Tuyệt phẩm ấy làm lòng tôi như vỡ òa. Ùa về bên tôi là hình ảnh của người bà cặm cụi trong bếp những ngày tết Hàn thực cùng mấy đứa cháu quây quần xung quanh, giúp bà thì ít mà quẩn chân thì nhiều. Ấy vậy mà bà vẫn luôn nở nụ cười ấm áp, và hai bàn tay thoăn thoắt kia mãi không ngừng nghỉ, một bước lại một bước, nhất nhất làm theo công thức với không một chút sai sót nào dù là nhỏ nhất. Cái công thức với những công đoạn mà bao nhiêu lần quan sát, tôi cũng đã thuộc nằm lòng, và chẳng có gì khó khăn khi kể ra tuần tự từng bước một.
Thật bất ngờ, mà lại chẳng có gì là đáng ngạc nhiên, món ăn giản dị mà cũng lắm công phu ấy lại thành hình từ những nguyên liệu vô cùng quen thuộc và dễ kiếm tìm. Một chút bột gạo tẻ cùng thật nhiều bột gạo nếp trắng ngần mịn màng, li ti từng hạt. Thứ bột được bà tôi tin tưởng nhất dĩ nhiên là bột xay từ gạo dưới quê, họa hoằn lắm bà mới chịu dùng bột đóng gói sẵn bán trong siêu thị. Đường phên, những khối đường vuông vuông nho nhỏ màu nâu cánh gián thơm lừng và ngọt sắc, cũng chỉ được mua ở những hàng quen. Mỗi đĩa bánh chỉ cần chút ít vừng rang thôi, nhưng cũng phải chín vàng đúng độ mới dậy mùi thơm mà không cháy. Và tất nhiên, không thể thiếu nước: nước ấm dùng khi trộn bột, luộc bánh bằng nước đun sôi, và ngâm bánh sau khi luộc bằng nước lạnh.
Đầu tiên, hỗn hợp bột tẻ, bột nếp được trải đều ra trên một chiếc mâm thật sạch. Nước được đổ vào giữa mâm - nước không nên lạnh, nhưng cũng chẳng cần quá ấm, chỉ cần đủ để tay ta thấy thoải mái ngay khi chạm vào. Bàn tay bà tôi hết vun bột vào thành một khối, lại đảo bột sao cho thấm nước, chốc chốc lại với tay ra rót thêm chút nước từ cái bình để ngoài mâm. Mấy phút ban đầu, mâm bột quả là một mớ hỗn độn đúng nghĩa. Những vũng nước nhỏ hòa chút bột màu trắng đục xen lẫn với những đám bột còn khô nguyên, nhìn như những hồ nước giữa những triền đồi tuyết trắng. Đâu đây lại điểm xuyết những chỗ lầy nho nhỏ mà bột và nước đã hòa vào nhau, nhưng chưa tan đều mà vẫn còn vón cục.
Mấy đứa trẻ con chúng tôi - em gái tôi, đứa em con cậu con dì, và cả tôi ngày xưa lẫn tôi bây giờ nữa - đều thích ngắm bà làm bánh. Và tất nhiên, giúp bà những việc gì có thể, dù chẳng đáng là bao. Không phải chỉ mình tôi, mà từ người trẻ đến người già, ai cũng nói công đoạn nhào bột này là khó nhất. Người lớn và thiếu niên tầm tuổi tôi đều hiểu bột bánh là thứ quan trọng nhất của món ăn này, nên bột không được quá khô, và quá nhão lại càng là điều cấm kị. Bột phải vừa đủ mịn, không được dính tay, nhưng cũng không vón cục - có thế, bánh mới thành hình tròn trịa, ngon lành. Nên thêm từng chút bột, rót từng chút nước đều là việc đáng để nghĩ lên nghĩ xuống. Còn lũ trẻ, mới chỉ nghe giải thích rằng cần phải hóa ra một khối dẻo mịn, trắng ngần từ một mâm bột to lộn xộn trước mắt thôi, mà bao nhiêu hứng thú, tò mò đầy trẻ thơ nơi chúng đều trốn đi đâu mất, chỉ để lại những ánh mắt long lanh ngao ngán nhìn bà và những nụ cười ngây ngô. Thế nên, ba chị em tôi ngày xưa chỉ dám và chỉ muốn nhìn mâm bột ấy như một thế giới tuyết trắng đầy ảo diệu. Chúng tôi cứ sờ tay vào bột, đảo qua đảo lại như chơi với tuyết, đôi lúc lại cầm bột lên ném nhau, tạo những cơn bão tuyết bé xinh làm bà tôi khẽ chau mày. Và rồi, bàn tay chúng tôi lấm đầy những bột gạo vừa ướt vừa khô, trông như bàn tay của người tuyết trong những câu chuyện cổ tích.
Ngày ngày trôi qua, tôi lớn lên về cả thể chất lẫn tâm hồn, và dần lánh xa khỏi trò vui trẻ con ấy. Giúp bà là tốt, nhưng để yên cho bà mới thực sự là việc nên làm, bởi chúng tôi đâu hiểu cụ thể và chắc chắn bằng bà rằng bột bánh trôi hoàn hảo là phải ra sao - tôi nghĩ vậy. Thay vào đó, tôi cứ lặng lẽ ngồi bên đám em nghịch ngợm và ngắm khối bột kì diệu ấy hình thành. Bột dính lên bàn tay bà tôi, bàn tay đã nhăn lại vì tuổi già và chai sần sau mấy chục năm gánh vác một gia đình; sắc trắng tinh làm những vết chai, vết xước và nếp nhăn lại càng hiện rõ. Những dấu vết ấy như kể thêm lần nữa câu chuyện bà đã kể chẳng biết bao lần. Bà tần tảo từ những ngày còn ở quê, còn đi học; hồi ấy sáng nào bà cũng dậy thật sớm, cùng cụ tôi làm biết bao nhiêu loại bánh đem bán: bánh rán, bánh khoai, bánh tẻ, bánh nếp, và tất nhiên không thể thiếu bánh trôi. Ấy cũng là lý do, đã mấy chục năm trôi qua kể từ những ngày nghèo khó ấy, thêm mấy mươi năm quên hạnh phúc riêng mà ở vậy gánh vác gia đình từ khi ông tôi mất vì di chứng chiến tranh, mà những công thức làm bánh, những ký ức tuổi thơ vẫn in mãi trong bà. Và khối bột bánh trôi trên mâm kia chẳng mấy chốc đã không còn dính tay, mịn đều, tròn vành vạnh như một vầng trăng, dù mắt bà đã mờ, tay bà không còn nhanh nhẹn như thời còn trẻ...
Từ sau công đoạn này, mấy chị em tôi mới bắt đầu thực sự làm bánh cùng bà. Sau khoảng nửa tiếng nghỉ tay cho bột ủ, khối bột dẻo mịn, mát rượi như nước suối trong ấy lại tiếp tục được chia thành những phần nhỏ hơn, mỗi phần gần bằng hai nắm tay. Mỗi khối bột nhỏ lại được lăn đều trên mâm, cho đến khi biến thành những dải dài tựa như hình con rắn, bề rộng bằng cây mía nhỏ. Và mỗi "con rắn" mềm oặt ấy lại được ngắt thành những khúc xinh xinh to cỡ một chiếc bánh trôi. Nghe giản đơn là thế, nhưng công đoạn này rất cần quen tay, hoặc chí ít cũng là sự tập trung và cảm giác tinh tường. Cho dù bột nhào có chuẩn đến đâu đi chăng nữa, nếu ngắt bột chẳng đều tay, bánh làm ra sẽ chiếc to chiếc nhỏ, chẳng chín đều và cũng chẳng đẹp lung linh. Viên bột nếu quá nhỏ sẽ chẳng bọc kín lấy nhân đường; nếu quá to thì vỏ bánh dày, ăn dễ sượng, dễ ngán.
Phần bột bánh như thế là đã hoàn thành. Ngay sau đó liền đến công đoạn mà mấy chị em tôi đều cho là thú vị nhất: nặn bánh.
Ngày còn bé, nặn bánh trôi cùng bà, tôi cứ nghĩ mình là một cô tiên. Cứ mỗi lần dàn mỏng bột bánh trên tay, đặt miếng đường phên vào giữa, tôi lại cảm tưởng như mình vừa tự tay tạo ra một bông hoa cánh trắng nhị vàng. Rồi, lúc túm miếng bột lại thành viên, tôi lại nghĩ chỉ với một cử động đơn giản của bàn tay mình, tôi đã đảo ngược thành công cái quá trình diệu kì của tự nhiên khiến cho muôn hoa đua nở. Xoa xoa viên bột trong lòng bàn tay thêm vài vòng, đoá hoa chớm nở kia đã biến thành một nụ hoa xinh xắn trắng ngần. Từ hoa thành nụ, chỉ trong tích tắc.
Cái trí tưởng tượng của trẻ em quả thực là kỳ diệu. Chẳng biết mấy đứa em tôi, trong những lúc thế này, có đứa nào đã từng để đầu óc mình bay xa đến thế, hay xa hơn cả thế hay không?
Cái hay của việc nặn bánh trôi nằm ở chỗ, nó là một quá trình lặp đi lặp lại những hành động tương tự nhau, nên sự kiên trì và khéo tay là một yêu cầu tất yếu. Nhưng đồng thời, nói rằng công việc này không dành cho những ai dễ nản chí hay vụng về cũng không hẳn đúng. Mỗi chiếc bánh tưởng chừng y hệt nhưng hoá ra lại rất khác nhau. Rất nhiều sai sót có thể xảy ra, và một chút lỗi dù là nhỏ nhất cũng có thể khiến chiếc bánh không thành hình hoàn hảo. Thế nhưng, may mắn thay, bánh trôi là một thứ bánh tuy nghiêm khắc nhưng cũng rất bao dung. Hiểu được mình đã mắc lỗi ở đâu là việc hết sức dễ dàng, và sửa chữa lỗi sai cũng dễ dàng không kém. Chỉ cần tìm miếng đường phên trong viên bột, lấy nó ra, và nặn lại từ đầu. Vì thế bất kì ai, dù là những người vụng về bậc nhất, cũng có thể thành thục công đoạn này chỉ sau vài lần làm ra những chiếc bánh không như ý.
Không chỉ với bánh trôi, mà với bất kỳ loại bánh nào nặn bằng tay có dạng vỏ bột sống bọc quanh nhân cũng vậy; nếu muốn bánh có vỏ dày đều nhau, bột vỏ cần được vo lại thành viên, rồi dàn ra thành hình tròn trước khi đặt nhân vào. Cũng giống như bột, mỗi viên bánh cần một mẩu đường phên không quá to mà cũng không quá nhỏ. Lần đầu nặn bánh, mấy đứa em tôi cứ hay thắc mắc tại sao vỏ bánh chúng nó nặn chỗ dày chỗ mỏng, chiếc bánh trông chẳng tròn trịa chút nào, hay thỉnh thoảng chúng nó lại sờ thấy góc cạnh của nhân đường trên mặt bánh. Lý do hết sức đơn giản thôi; hai đứa bé nhìn hàng chục những viên bột không nhân như đàn lợn con nhung nhúc trên mâm mà mất kiên nhẫn, chỉ muốn nhanh có bánh ăn, bèn vội vội vàng vàng ấn viên đường vào giữa miếng bột hình trụ vừa ngắt ra rồi vo viên lại. Dục tốc, thì bất đạt.
Thêm một lý do khiến nặn bánh trôi trở thành một công việc đầy lý thú, chính là cái cách viên bánh trôi nhẹ nhàng tác động vào xúc giác người nặn bánh. Thử hỏi có ai mà không vui thích trước cảm giác có một thứ gì nhỏ nhắn, trắng ngần, mềm mại, mát rười rượi lại thoang thoảng hương thơm nằm giữa hai bàn tay để ta lăn qua lăn lại? Và càng nặn, chiếc bánh càng tròn đều, càng đẹp nữa. Nhưng thật đáng tiếc, mân mê mãi một chiếc bánh trong tay cũng lại là một lỗi lầm. Dưới sức ép của lòng bàn tay, dần dần viên bột ấy lại càng dão ra, vỏ bánh càng mỏng, khoảng trống bao quanh viên đường trong nhân càng rộng. Khi ấy, luộc bánh xong, vớt ra khỏi nồi và cho lên đĩa, chiếc bánh cũng chẳng đủ sức để giữ nổi hình tròn hoàn hảo nữa rồi! Hãy cứ để lát nữa, làn nước sôi trong nồi sẽ làm công việc vuốt ve viên ngọc thô thành một viên ngọc quý. Việc gì cũng vậy, đạt được sự hoàn hảo tuyệt đối vốn dĩ là không thể.
Chỉ đơn giản là một chiếc bánh nhỏ xíu, ấy vậy mà lại gói ghém bên trong biết bao điều.
Trong khi chúng tôi vẫn đang nặn nốt những chiếc bánh cuối cùng, nồi nước bà bắc lên bếp cũng gần sôi. Và rồi, chỉ cần nồi nước ấy sôi bùng lên, mâm bánh đã vội vã được bê ra bên cạnh bếp, và mấy đứa trẻ chúng tôi lũ lượt thi nhau thả những viên bánh xinh xinh vào. Có những khi, hơi nóng tỏa ra từ bên trong nồi làm lũ trẻ con e sợ; lúc ấy chúng tôi bèn thả viên bánh xuống từ thật cao. Nhưng làm thế chỉ khiến nước sôi bắn tóe lên, và càng làm cho nhau giật mình hơn nữa. Chẳng thiếu những lần chúng tôi bị nước bắn vào tay, bỏng đến đỏ ửng cả da. Và sau đó tất nhiên là một trận mắng từ người lớn khi chúng tôi ngâm cánh tay trong một chậu nước lạnh cóng cả người. Dần dần, chúng tôi mới khôn ra, và làm theo cách mẹ và bà vẫn bảo: dùng muôi đưa nhiều chiếc bánh vào nồi cùng lúc, hay dũng cảm lên, không ngại nóng đưa tay lại sát mặt nước trong nồi. Một việc rất nhỏ thôi, nhưng cũng là bài học lớn đối với lũ trẻ con chúng tôi hồi ấy.
Rồi chúng tôi lại thích thú ngắm nhìn nồi nước chuyển dần sang màu bột nếp trắng đục. Những viên bánh nhỏ mờ mờ ảo ảo, nảy lên nảy xuống trong nồi như múa trong mây và nước. Ai ai cũng biết, bánh trôi nổi lên trong nồi nước sôi nghĩa là đã chín. Trong những phút chưa chiếc bánh nào chịu nổi và sáu con mắt của chúng tôi đều đang hau háu nhìn nồi bánh ấy, chúng tôi hay cá với nhau viên bánh nào nổi lên trước, hay chiếc bánh đang lơ lửng kia đã chín hay chưa. Kết quả thì lúc nào cũng lẫn lộn giữa những nụ cười đắc chí và những tiếng thở dài. Nhưng sau một hồi như thế, hết chiếc bánh này đến chiếc kia nổi lên lũ lượt, khiến cả ba đứa chúng tôi thi nhau dùng muôi vớt lên cũng không xuể.
Khi tôi đã đủ lớn để không sợ hãi cái nóng của bếp lửa, thỉnh thoảng lại đến phiên tôi được trông nồi bánh trôi một mình. Chẳng có việc gì làm ngoài đợi bánh, tôi vừa đứng yên tại chỗ nhìn những viên bánh nảy lên nảy xuống liên hồi, vừa để đầu óc vơ vẩn nơi nào đó xa xa. Có thể là nhớ về những lần trông bánh cùng lũ em vui nhộn ngày xưa. Mà cũng có thể là những điều khác... Hồ Xuân Hương có mấy câu thơ huyền thoại về bánh trôi: "Thân em vừa trắng lại vừa tròn/Bảy nổi ba chìm với nước non...". Cái số phận của những người phụ nữ ngày xưa khổ sở thế nào, có lẽ tôi cũng không cần nói đến làm gì. Vậy còn những người phụ nữ ngày nay? Những người phụ nữ mà tôi đang sống cùng, đang nhìn thấy xung quanh mình? Thời nay, ai cũng có thêm biết bao nhiêu cơ hội để thể hiện bản thân. Những người phụ nữ lại càng được đón chào hơn bao giờ hết, nên càng dễ dàng khoe ra trọn vẹn vẻ "trắng", vẻ "tròn" rạng rỡ. Họ tiếp xúc với những con người mới, công việc mới, không còn là những cái bóng quanh quẩn bên xó bếp của những ngày xưa rất xa. Nhưng những gian nan thì vẫn luôn trường cửu. Nếu ngày xưa những dáng hình liễu yếu đào tơ phải chống chọi lại biết bao nhiêu định kiến của cả một chế độ hà khắc, thì ngày nay, họ san sẻ, đôi khi lại chính là người gánh vác những chuyện cơm, áo, gạo, tiền, những khó khăn chung của toàn thế giới, mà vẫn chưa thể hoàn toàn thoát khỏi những "tiêu chuẩn kép", những định kiến xa xưa. Mỗi người, mỗi thời đều có một nỗi khổ riêng. Cho nên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng... Và tôi nghĩ đến cả những người chị, người bạn gái, em gái tôi nữa, những người rồi đều sẽ trở thành phụ nữ. Chúng tôi có thể làm gì, và sẽ thay đổi được những gì?...
Chầm chậm, chầm chậm, những viên bánh lũ lượt nổi lên trên mặt nước. Tôi vội vội vàng vàng vớt chúng lên, rồi nhúng ngay chúng vào một âu nước lạnh. Những chiếc bánh này, nếu không vớt ra nhanh, sẽ càng nở to ra trong cái nóng của nồi rồi chẳng còn là gì ngoài một mớ hỗn độn. Công sức hàng mấy tiếng đồng hồ làm lụng, không thể chỉ vì một phút lơ là mà tan thành mây khói như thế! Những viên bánh được đảo qua thêm một lần trong làn nước lạnh cho săn lại và khỏi dính, rồi vớt ra, đợi cho ráo nước và nhẹ nhàng trải đều lên đĩa. Cuối cùng, chỉ cần rắc thêm một chút vừng rang, không quá ít để đĩa bánh bớt trông nhợt nhạt, cũng chẳng quá nhiều mà che mất màu bánh trắng tinh khôi. Và thế là đã hoàn thành. Những chiếc bánh vẫn còn âm ấm trong nhân khi ấy đã sẵn sàng để đi vào lòng người, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Còn đĩa bánh trôi trước mặt tôi thì đã hết được một lúc lâu. Trời thoảng qua một cơn gió hơi lành lạnh, vậy mà nhờ một sức mạnh diệu kì nào, lòng tôi vẫn ấm... Cũng là cội nguồn dạt dào ấm áp ấy khiến chân tay tôi không còn rệu rã, khiến tôi sẵn sàng bước tiếp trên con đường trước mặt mà mình sẽ đi. Tôi, được tiếp thêm nguồn năng lượng ấy, đứng dậy. Nắng le lói xuyên qua những tầng mây một màu vàng nhạt hơi ửng hồng, rọi lên những ô cửa kính biếc xanh của tòa tháp biểu tượng trường Ams vẫn còn trong tầm mắt. Ngọn tháp ấy, và ánh nắng ấy, đối với tôi, giờ như đang chung đường.
Ôi, chỉ một món ăn đơn giản mà ấm lòng ấy thôi đã đủ khiến tâm trạng của tôi và cách tôi nhất thời nhìn ra thế giới này thay đổi một trời một vực. Tôi hiểu, một món ăn, nếu đơn thuần chỉ để ăn thôi, sẽ không bao giờ có sức ảnh hưởng tới lòng người rõ ràng đến thế. Một món ăn, hay bất cứ sự vật nào trên thế giới này, được ta yêu, ta quý, vì nó gắn liền với những kỉ niệm, với những tháng ngày đẹp của đời ta. Đều là những thứ gần gũi trong tâm khảm, đưa ta đi thêm một lần cuộc hành trình ngược về quá khứ, để ta sống lại những ký ức ấy y hệt lần đầu.
Nhưng, thức ăn vẫn thường là thứ gợi lên một ấn tượng đậm sâu, bởi nó tác động đến ta theo những cách vô cùng đặc biệt. Miếng ăn trong đời người là thiết yếu, là nhu cầu cơ bản. Con người ăn để sống, nhưng cũng sống để mà ăn. Những miếng ăn của ta trong suốt những năm đầu đời đều được làm nên bởi bàn tay bà, tay mẹ, những con người ta yêu thương, trân trọng nhất. Cảm giác ăn ngon, là cảm giác sung sướng và ấm lòng từ tận bên trong theo nhiều nghĩa; cái ấm áp ấy từ hệ tiêu hóa được truyền tới toàn cơ thể, làm con người ta rung động khôn nguôi. Miếng ăn đã nuốt trôi, dư vị vẫn còn thoang thoảng bên cánh mũi, bên đầu lưỡi, làm ta nhớ mãi...
Ăn uống là chuyện hàng ngày; những ý niệm về thức ăn trong đầu ta vì thế mà hình thành từ lúc nào chẳng ai hay một cách diệu kì, tạo thành phong vị. Mỗi người lại có một quan niệm về nấu ngon, ăn ngon; cùng một món ăn, hai người làm, thành quả không bao giờ là y hệt. Vì thế, mỗi con người, dù sống chung một chốn, một nhà, đều quen và ưa thích một phong vị đặc trưng riêng. Có những khi, ta quen quá mà hóa nhờn miệng, vô tâm với phong vị ban đầu ấy, tới mức tưởng chừng như chuyện hương vị ấy dành cho ta là tất lẽ dĩ ngẫu. Chỉ đến lúc mất đi, hay quên đi rồi một lần sực nhớ, ta mới thấy nuối tiếc những gì mà ta đã có. Và khi ta muốn tìm lại sự độc nhất vô nhị ấy, thì nó lại ở cách xa ngàn dặm, hoặc ta không bao giờ thấy được nữa rồi... Những gì ta tiếc nuối luôn là những gì đẹp nhất trong tâm trí mà ta không thể nào chạm tới, là vì lẽ ấy...
Hiện tại tồn tại là để ta nắm giữ. Để sau này nhìn lại, ta không nuối tiếc vì đã để vuột mất biết bao điều. Nhưng nắm giữ hiện tại là điều có mấy ai làm được?...
Tất cả những điều tôi đã nghĩ, hóa ra đều là những tấm gương lớn để tôi tự mình soi chiếu, tự mình noi theo mà sống. Tuổi đời tôi còn trẻ, và tôi còn nhiều điều phải học. Còn gần một ngàn lần nữa tôi được nhìn thấy ánh nắng chiếu trên ô cửa kính biếc xanh. Hàng chục, hàng trăm lần nữa, tôi sẽ lại đi qua hàng bánh trôi này, lại nghe tiếng chào hàng và, có lẽ, sẽ không ít lần chỉ vì lòng rung động mà lại ghé vào. Nhưng nghĩ đến một tương lai mà tôi sẽ tới một chân trời cách dải đất này nửa vòng trái đất như tôi dự định và mơ ước, tôi nhẩm đếm, chỉ còn vài ba nồi bánh trôi nữa mà tôi còn được luộc cùng bà...
Thời gian - thứ mà ta tưởng cứ lề mề trôi - lại là thứ vụt qua ta như một cơn gió từ lúc nào mà ta không hay biết. Bài học quan trọng nhất, và khó khăn nhất của tôi lúc này, vẫn là trân trọng từng phút giây của hiện tại mà thôi.
Hà Nội, 19/10/2018 - 24/10/2018 - 26/11/2018
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top