Ẩm Thực Của Nắng Và Gió
Trên chuyến bay đến thủ đô Bồ Đào Nha ngồi buồn không có gì làm, tôi đọc ấn phẩm của Hãng hàng không TAP Portugal, trong đó có một bài viết về Lisbon mở đầu bằng câu nói nổi tiếng của Saint-Exupéry. Chỉ nhớ đại loại ông ngạc nhiên về việc trông Lisbon lúc nào cũng vui vẻ hạnh phúc, cả cảnh và người.
Đến khi đặt chân đến Lisbon và sau những ngày rong ruổi khám phá, tôi tự nghiệm ra vì sao người Lisbon luôn vui vẻ và hồ hởi như vậy. Bởi món ăn ở đây quá tuyệt vời, vừa rẻ vừa ngon đậm đà hương vị Địa Trung Hải với hải sản tươi rói, rượu port lừng danh thế giới, súp đủ loại nóng bỏng và tráng miệng bằng các loại bánh ngọt ngào hoặc kem béo ngậy tê lưỡi.
Chỗ tôi tá túc trong mấy ngày ở đây nằm tại Alfama, khu phố cổ với nhiều nhà xưa đậm vết thời gian và đường hẻm hẹp quanh co lên dốc xuống đèo, khó có xe hơi vào được. Xe buýt thả tôi xuống quảng trường Praca do Comercio. Bị lạc vào ma trận ở đây đi lòng vòng vã mồ hôi không tìm ra chỗ ở, tôi quyết định ghé vào quán ăn vặt bên đường, ăn một cái bánh croquete làm bằng thịt gà chiên bột. Bồ Đào Nha có nhiều quán ăn vặt kiểu này hơn bất cứ nước châu Âu nào khác tôi từng đến. Gần như vài bước lại thấy một quán treo biển tasca, snack bar hay petiscos với quầy bày những loại bánh mặn làm từ cá, thịt nạc hoặc tôm, bọc bột chiên vàng rộm. Có cả bánh ngọt mới nướng rắc đường trắng li ti trông thật ngon mắt. Quán kê bàn ghế đơn giản và trên vách có những bức tranh lớn từ cách đây vài chục đến vài trăm năm được khảm trực tiếp lên tường gạch men. Lớn hơn một chút là casa de pasto, những quán ăn dành cho dân địa phương sống cùng khu phố, thường chỉ phục vụ buổi trưa với giá rất bình dân.
Kiếm ra nhà nghỉ và quẳng ba lô vào phòng, tôi đi bộ kiếm chỗ ăn trưa và dừng lại ở một quán kiểu này, ăn món súp caldo verde to bằng tô phở lớn, nấu bằng bắp cải với khoai tây và đậu bùi bùi, thêm dĩa xà lách với những khoanh cà chua tươi rói được cắt ra từ những trái cà to chín mọng chỉ nhìn đã muốn cắn ngập răng.
No bụng, tôi lang thang khám phá Lisbon lúc trời đã dần ngả về chiều. Bồ Đào Nha khí hậu ấm áp hơn hẳn Anh nhưng tôi đến đây vào tháng Mười Một nên trời bắt đầu chớm lạnh với những cơn gió từ biển thổi vào. Trên những phố đông người luôn có vài xe bán hạt dẻ rang, làn khói trắng bay nhẹ trong chiều và không gian tràn ngập mùi khen khét thơm thơm đặc trưng. Thật thú vị khi đi chơi về dừng lại ở một xe bán rong, mua một túi để ủ hai tay và áp lên má cho nóng ran lên, rồi nhấm nháp từng hạt dẻ nóng no tròn bằng hai ngón cái, được rang nứt tách đôi để lộ lớp cơm màu nâu bên trong.
Ngày hôm sau, tôi đến một quán ăn tên A Gaiola gần nơi ở, một trong những quán cervejaria (dịch nôm na là "nhà bia") có mặt trên khắp nẻo đường Quận Alfama, để thưởng thức thực đơn ementa turistica. Đây không phải thực đơn dành cho khách du lịch như tôi thoạt nghĩ mà là set menu của ngày, giá chỉ từ bảy đến tám euro mỗi phần, bao gồm một ly rượu vang, bánh mì, súp, một món chính thịt hoặc cá và một tách cà phê.
Quả thật Lisbon không hổ danh là thủ đô rẻ nhất Tây Âu. Một phần ăn như vậy ở những nước láng giềng ít nhất phải 25 euro. Sau món súp rau nóng bỏng là ba con cá trích lớn tràn cả dĩa, được nướng than cháy xém lớp vỏ bên ngoài, nhưng lớp thịt bên trong trắng nuột nà thơm thoảng mùi khói, ăn khoai tây luộc. Đặc biệt, rượu vang trắng ở đây ngon không thể tả, thơm lừng và để lại vị ngòn ngọt trong miệng thật dễ chịu, đến nỗi tôi chỉ dám nhấm nháp từng chút một rồi đặt ly xuống vì sợ không kìm lòng được sẽ làm một hơi hết nguyên ly.
Vừa ăn cá nướng vừa nhấm nháp ly rượu Bồ Đào Nha nồng nàn để lại cảm giác ấm áp trong bụng, lòng tôi vui phơi phới thấy cuộc đời quả thật tươi đẹp, bảo sao dân ở đây trông lúc nào cũng hớn ha hớn hở. Bữa ăn ngon và rẻ quá làm tôi hào phóng hẳn lên. Lúc người phục vụ mang tách cà phê đậm đặc bé xíu ra, tôi chỉ vào tủ trước mặt gọi thêm chiếc bánh dài, với một lớp xôm xốp vàng óng, một lớp trắng muốt mịn màng, bọc ngoài là những hạt cốm nâu li ti. Đến khi xắn muỗng đầu tiên, tôi mới biết đây không phải bánh mà là kem bánh (không phải bánh kem) - đặc sản ở đây. Bên ngoài phớt một lớp thạch mỏng dẻo quánh ngọt ngào, những hạt đậu rang lẫn cốm giòn tan hoà với kem quyện bánh lạnh và non mướt, kích thích vị giác tới mức tối đa. Cứ vài muỗng kem bánh, tôi lại hớp ít cà phê nóng thơm phức đăng đắng để dung hoà vị ngọt. Bữa trưa ngon mỹ mãn làm tôi "khí thế" hẳn lên, dư sức leo lên lâu đài Castelo de São Jorge tít trên đồi cao rồi vòng xuống nhà thờ lớn được xây từ năm 1150 ở Quận Baixa mà không cần đến xe điện hay xe buýt.
Bồ Đào Nha có truyền thống đánh cá và được thiên nhiên ưu đãi với nắng gió Đại Tây Dương nên lúc nào cũng đầy hải sản: cá, cua, tôm, mực, sò, nghêu... tươi ngon và giá cả rất phải chăng, nên thực đơn hầu hết nhà hàng từ sang trọng đến bình dân đều có ít nhất vài loại cá. Trong đó món ăn truyền thống của người bản xứ là bacalhau – cá tuyết phơi khô muối. Nghe tên không được hấp dẫn lắm nhưng bạn phải thử một lần mới biết được ngon thế nào. Trang web chính thức về du lịch của Lisbon viết nửa đùa nửa thật "Mỗi đất nước đều có hình tượng của riêng mình. Đó là những biểu tượng tồn tại với thời gian, đã mang tên đất nước ấy đến những vùng đất khác. Thông qua chúng, truyền thống thêm mạnh mẽ và được làm mới lại. Ở Bồ Đào Nha cũng vậy, đây là đất nước của Amália Rodrigues và Eusébio - ngôi nhà của nhạc fado và bóng đá. Và của bacaulhau, một trong những kỷ niệm ngon lành nhất về vùng đất của chúng tôi".
Lạ một điều, Bồ Đào Nha không thiếu hải sản địa phương nhưng món bâculhau còn có biệt danh "người bạn trung thành" này lại không phải là loại cá đánh bắt được trong nước mà nhập hàng tấn từ nước ngoài. Lịch sử của bacaulhau bắt nguồn từ thế kỷ thứ IX ở những nước Bắc Âu như Na Uy và Iceland, nhưng chính những thuyền trưởng và thủy thủ Bồ Đào Nha mới là người tiên phong trong việc biến bacaulhau thành đỉnh cao ẩm thực quốc tế.
Cá tuyết được muối rồi phơi trên những tảng đá ngoài trời cho đến khi se mặt lại, ướp trong sớ cá không chỉ là muối mà còn là nắng và gió trời để cá giữ được lâu hơn. Tương truyền ở Bồ Đào Nha có tất cả 365 kiểu nấu bacaulhau khác nhau, nếu ai có ăn bacaulhau mỗi ngày vẫn có thể ăn đúng một năm mà không lặp lại món nào. Ở Lisbon có nhà hàng tên Casa do Bacaulhau nghĩa là "nhà cá tuyết muối khô", ngoại trừ món tráng miệng ra còn tất cả các món ở đây đều được nấu từ bacaulhau: đút lò, băm viên, gỏi sống, nấu súp, nướng than, chiên trứng..., đủ làm hài lòng bất cứ ai là fan trung thành của món cá này, nghĩa là gần như toàn bộ người bản xứ và không ít du khách.
Tôi không có dịp đến nhà hàng ấy nhưng hầu như mọi nẻo đường Lisbon đều có những quán bán bacaulhau. Tôi có được thử hơn một lần bánh cá tuyết bọc bột lẫn với ít cọng ngò xanh. Tách bánh làm đôi, cá tuyết muối sớ thịt mỏng như món chà bông Việt Nam, mằn mặn giòn giòn, ăn xong uống ly cam tươi mới vắt ngọt lịm thật đúng điệu (Tôi đến vào mùa cam nên khắp nơi đâu cũng thấy những cây cam trĩu trái. Vì cam châu Âu chín có màu cam chứ không xanh như ở nhà mình nên nổi bật trên lá xanh rì, nhiều trái rụng cả xuống sân không ai lượm nên tôi tiếc mãi).
Trước khi rời Lisbon, tôi tranh thủ đi mua thức ăn địa phương giàu hương vị mang về. Lúc ấy mới tự giận mình sao không mang vali lớn để tha hồ mua. Trong số những thứ tôi mua được, có món mứt hoa hồng chưa thấy ở đâu trên thế giới, được làm từ những cánh hoa hồng thơm nhè nhẹ ướp với đường và những gia vị không ai đoán ra. Hũ mứt trong suốt như thạch, được người bán tự hào cho biết được làm từ kiểu truyền thống bằng loại hoa hồng nhỏ và thơm chứ không phải hoa hồng công nghiệp "hữu sắc vô hương". Vì quý như vậy nên đến giờ tôi vẫn chưa ăn thử. Ngoài ra còn có một chai rượu mùi amarginha được làm từ hạnh nhân - thức uống đặc trưng Bồ Đào Nha. Mỗi khi uống được rót ra chiếc ly nhỏ xíu vì hàm lượng cồn khá mạnh. Nếu không thích uống kiểu đó có thể pha với nước đá thành thức uống ngọt dễ chịu vào những ngày nắng. Rượu mùi ở đây không nổi tiếng thế giới như rượu port của xứ sở này, và cũng kém xa rượu mùi nước láng giềng Tây Ban Nha về danh tiếng, nhưng không vì thế mà kém ngon và vẫn được những người sành rượu ưa chuộng. Nếu may mắn, bạn có thể mua được tại vườn do nhà làm, hoặc trong những cửa hàng cũng có bán nhiều loại như aguardebte de figo (tôi ngớ ngẩn hỏi có liên quan gì đến cầu thủ bản xứ Luis Figo không nhưng không phải) làm từ một trái giống trái vả, ginginha làm từ trái anh đào và brandymel làm từ mật ong...
Đêm cuối cùng ở thủ đô rộn ràng đầy màu sắc, tôi đòi anh bạn người Bồ Đào Nha dẫn đi Solar do Vinho do Porto. Sách du lịch và Internet tả đây là một trong những quán rượu port nổi tiếng nhất thế giới, nơi bạn có thể ngồi trên những chiếc ghế bành bằng da êm ái trong toà biệt thự từ thế kỷ 18, và chọn từ danh sách hơn ba trăm loại port đã làm nên tên tuổi Bồ Đào Nha (tên tiếng nước này trong tiếng Anh là Portugal, và rượu port cũng xuất thân từ thành phố lớn thứ hai sau Lisbon là Porto). Tuy nhiên, anh bạn tôi nhăn mặt "Không tới mấy chỗ Internet đó, toàn là khách du lịch thôi, để tôi dẫn tới mấy nhà hàng gần đây nhiều nơi hay lắm".
Tôi lấy làm mừng vì đã nghe lời anh đến một nhà hàng nhỏ bên góc đường Quận Rossio. Ở đây không có rượu port nhưng chủ nhà hàng kiêm phục vụ bàn mang ra hai bình rượu thủy tinh nhỏ, một vang đỏ một vang trắng do chính ở nhà làm, vị rượu rất "thật thà" không gắt như rượu đóng chai sản xuất hàng loạt.
Tôi chọn món khai vị sopa à alentejana, đơn giản vì thấy nó có mặt trên hầu hết các thực đơn lớn nhỏ. Đến khi ăn được mang ra một lẩu lớn (tuy giá chỉ 2 euro) đầy ắp súp được nấu bằng bánh mì xé miếng, tỏi băm và các loại rau thơm, trên phủ một trứng gà hấp lòng đào. Giống như mọi món súp khác ở đây, món súp hôm ấy cũng nóng bỏng và rất đầy đặn. Chỉ ăn mỗi súp cũng gần đủ no nếu không ai ăn giúp. Món chính tôi ăn là cá kiếm nướng, nghe tên tưởng ốm nhách xương xẩu như cây kiếm, nhưng miếng cá to bản dày nục nạc này là một trong những loại cá rất đắt, nhất là ở Anh được liệt vào hạng sang hơn cá hồi, cá tuyết nhiều. Vậy mà ở đây chỉ 6 euro miếng cá dày lớn hơn bàn tay lẫn rau củ ăn kèm.
Tôi ăn chầm chậm nhưng mê mải, ngừng nĩa lại nhấp một hớp vang trắng (tôi bị ghiền vang trắng Bồ Đào Nha mất rồi) đến nỗi không nói câu nào, quên cả nói chuyện làm anh bạn đi cùng sốt ruột nhắc: "Nói gì đi chứ!". Hoá ra người Lisbon rất thích nói chuyện khi ăn. Bởi vậy những quán ăn ở đây không thanh cảnh lặng lẽ như những thủ đô châu Âu khác, mà phần lớn ồn ào sôi động không khác Việt Nam hay Thái Lan. Tôi như sực tỉnh từ "giấc mơ ăn uống", nói ngay không suy nghĩ: "Đây là món cá ngon nhất tôi từ khi tôi rời Việt Nam". (Tới thời điểm đi Lisbon tôi đã sống xa nhà gần nửa năm, vì quả thật món cá kiếm ăn hôm ấy ở nhà hàng vắng khách bên đường quá đặc sắc). Anh bạn đắc chí bảo: "Thấy chưa, còn muốn đi mấy chỗ giới thiệu trên Internet nữa không?".
Những cơn gió biển lồng lộng đón chúng tôi khi bước ra khỏi quán. Tôi hít thở không khí đêm Lisbon lần cuối cùng, với mùi bánh nướng, mùi hạt dẻ rang, mùi đại dương mới đây mà tưởng chừng như quen thuộc lắm. Chợt nhớ lại câu nói của Saint-Exupery*, tôi mỉm cười, nghĩ bụng nếu tác giả người Pháp này còn sống và tôi có dịp gặp ông, nhất định sẽ bảo: "Ông biết vì sao người Lisbon luôn vui không? Vì thức ăn của họ rẻ mà ngon quá chừng!".
Harpenden, 12-2007
* Tác giả Những vì sao, Hoàng tử bé...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top