bo luat lao dong
BỘ ĐỀ THI CÔNG DÂN VÀ PHÁP LUẬT 2011
CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ VỚI PHÁP LUẬT
BỘ LUẬT LAO ĐỘNG
Câu 1. Hợp đồng lao động là gì?
A. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
B. Hợp đồng lao động là thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về tiền lương, tiền công trong quan hệ lao động.
C. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về công việc, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và các quyền, nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động.
Đáp án: A (Điều 26 Bộ luật lao động)
Câu 2. Có mấy loại hợp đồng lao động, đó là những loại nào?
A. 2 loại, gồm: hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn.
B. 3 loại, gồm: hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động 1 năm và hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến 3 năm.
C. 3 loại, gồm: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Đáp án: C (Điều 27 Bộ luật lao động)
Câu 3. Thời gian thử việc được quy định như thế nào?
A. Không quá 30 ngày đối với lao động chuyên môn kỹ thuật cao.
B. Không quá 60 ngày đối với lao động chuyên môn kỹ thuật cao.
C. Không quá 90 ngày đối với lao động chuyên môn kỹ thuật cao.
Đáp án: B (Điều 32 Bộ luật lao động)
Câu 4. Những trường hợp được tạm hoãn hợp đồng lao động?
A. Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự hoặc các nghĩa vụ công dân khác do pháp luật quy định.
B. Người lao động bị tạm giữ, tạm giam.
C. Cả A và B
Đáp án: C (Điều 35 Bộ luật lao động)
Câu 5. Trong những trường hợp sau, trường hợp nào là đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động?
A. Người lao động bị kết án tù giam.
B. Người lao động bị tam giữ, tạm giam.
C. Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Đáp án: A (Điều 36 Bộ luật lao động)
Câu 6. Trong trường hợp nào người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?
A. Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.
B. Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở các cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước.
C. Người lao động nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của thầy thuốc.
D. Cả ba trường hợp A, B và C.
Đáp án: D (Điều 37 Bộ luật lao động)
Câu 7. Trong trường hợp nào người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?
A. Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng.
B. Người lao động nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của thầy thuốc.
C. Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.
Đáp án: A (Khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động)
Câu 8. Điều kiện để người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?
A. Trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động phải trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở.
B. Người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước một khoảng thời gian luật định.
C. Cả hai điều kiện A và B
Đáp án: C (Khoản 2, khoản 3 Điều 38 Bộ luật lao động)
Câu 9. Trong trường hợp nào thì người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?
A. Người lao động nữ đang nuôi con từ đủ 12 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi.
B. Người lao động đang nghỉ hàng năm, nghỉ về việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động cho phép.
C. Cả A và B đều đúng.
Đáp án: B (Điều 39 Bộ luật lao động)
Câu 10. Hậu quả pháp lý trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật?
A. Người lao động không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).
B. Bồi thường chi phí đào tạo (nếu có) cho người sử dụng lao động.
C. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước, phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền lương tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
D. Cả A, B và C đều đúng
Đáp án: D (Điều 41 Bộ luật lao động)
Câu 11. Người lao động làm việc vào ban đêm được trả lương như thế nào?
A. Được trả thêm ít nhất bằng 10% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm theo ban ngày.
B. Được trả thêm ít nhất bằng 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm theo ban ngày.
C. Được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm theo ban ngày.
Đáp án: C (khoản 2 Điều 61 Bộ luật lao động)
Câu 12. Người lao động làm việc trong khoảng thời gian nào sau đây thì được coi là làm việc vào ban đêm?
A. Từ 20 giờ đến 5 giờ sáng hoặc từ 21 giờ đến 6 giờ tùy theo vùng khí hậu do Chính phủ quy định.
B. Từ 22 giờ đến 6 giờ hoặc từ 21 giờ đến 5 giờ tùy theo vùng khí hậu do Chính phủ quy định.
C. Từ 21 giờ đến 6 giờ hoặc từ 22 giờ đến 7 giờ tùy theo vùng khí hậu do Chính phủ quy định.
Đáp án: B (Điều 70 Bộ luật lao động)
Câu 13. Người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương thì được trả lương như thế nào?
A. Ít nhất bằng 150% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm.
B. Ít nhất bằng 200% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm.
C. Ít nhất bằng 300% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm.
Đáp án: C (Điều 61 Bộ luật lao động)
Câu 14. Thời giờ làm việc được quy định như thế nào?
A. Không quá 8 giờ trong một ngày hoặc 40 giờ trong một tuần.
B. Không quá 8 giờ trong một ngày hoặc 48 giờ trong một tuần.
C. Không quá 10 giờ trong một ngày hoặc 50 giờ trong một tuần.
Đáp án: B (Điều 68 Bộ luật lao động)
Câu 15. Tổng số giờ làm thêm được quy định như thế nào?
A. Không quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm.
B. Không quá 4 giờ trong một ngày, 300 giờ trong một năm.
C. Trường hợp đặc biệt không quá 6 giờ trong một ngày, 300 giờ trong một năm.
Đáp án: A (Điều 69 Bộ luật lao động)
Câu 16. Hội đồng hòa giải lao động cơ sở phải được thành lập trong doanh nghiệp nào?
A. Doanh nghiệp có sử dụng từ 10 lao động trở lên.
B. Doanh nghiệp có công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời.
C. Tất cả các doanh nghiệp đều phải thành lập Hội đồng hòa giải lao động cơ sở.
Đáp án: B (Điều 162 Bộ luật lao động)
Câu 17. Người lao động làm việc 12 tháng tại một doanh nghiệp trong điều kiện bình thường thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương bao nhiêu ngày?
A. 10 ngày làm việc.
B. 12 ngày làm việc.
C. 14 ngày làm việc.
Đáp án: B (Điều 74 Bộ luật lao động)
Câu 18. Người lao động được nghỉ về việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong trường hợp nào?
A. Kết hôn, nghỉ 3 ngày.
B. Con kết hôn, nghỉ 1 ngày.
C. Bố mẹ (cả hai bên chồng và vợ) chết, vợ hoặc chồng chết, con chết, nghỉ 3 ngày.
D. Cả 3 trường hợp trên.
Đáp án: D (Điều 78 Bộ luật lao động)
Câu 19. Bộ luật lao động quy định những hình thức xử lý kỷ luật lao động nào?
A. Cảnh cáo, kéo dài thời gian nâng lương và sa thải.
B. Khiển trách, hạ bậc lương hoặc chuyển sang làm công việc khác có mức lương thấp hơn và sa thải.
C. Khiển trách; kéo dài thời gian nâng lương không quá sáu tháng hoặc chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa là sáu tháng hoặc cách chức; sa thải.
Đáp án: C (Điều 84 Bộ luật lao động)
Câu 20. Hình thức kỷ luật sa thải được áp dụng trong những trường hợp nào?
A. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp.
B. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
C. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng.
D. Cả 3 trường hợp trên
Đáp án: D (Điều 85 Bộ luật lao động)
Câu 21. Thời hiệu xử lý vi phạm kỷ luật lao động được quy định như thế nào?
A. Tối đa là ba tháng kể từ ngày xảy ra vi phạm, trường hợp đặc biệt không được quá sáu tháng.
B. Tối đa là bốn tháng kể từ ngày xảy ra vi phạm, trường hợp đặc biệt không được quá chín tháng.
C. Tối đa là năm tháng kể từ ngày xảy ra vi phạm, trường hợp đặc biệt không được quá chín tháng.
Đáp án: A (Điều 86 Bộ luật lao động)
Câu 22. Nghĩa vụ chứng minh trong xử lý kỷ luật lao động thuộc về người nào?
A. Người lao động có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi.
B. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ chứng minh lỗi của người lao động.
C. Tổ chức Công đoàn có nghĩa vụ bảo vệ người lao động, chứng minh người lao động không có lỗi.
Đáp án: B (khoản 1 Điều 87 Bộ luật lao động)
Câu 23. Trong trường hợp công việc phù hợp với cả nam và nữ và họ đều có đủ tiêu chuẩn tuyển chọn thì người sử dụng lao động phải ưu tiên tuyển dụng người nào?
A. Người nhiều tuổi hơn.
B. Người lao động nữ.
C. Người lao động nam.
D. Người đưa ra mức lương thấp hơn.
Đáp án: B (khoản 2 Điều 111 Bộ luật lao động)
Câu 24. Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên được quy định như thế nào?
A. Không quá 6 giờ trong một ngày hoặc 40 giờ trong một tuần.
B. Không quá 7 giờ trong một ngày hoặc 42 giờ trong một tuần.
C. Không quá 8 giờ trong một ngày hoặc 48 giờ trong một tuần.
Đáp án: B (khoản 1 Điều 122 Bộ luật lao động)
Câu 25. Độ tuổi để xác định người lao động cao tuổi được quy định như thế nào?
A. Lao động nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi.
B. Lao động nam trên 65 tuổi, nữ trên 60 tuổi.
C. Lao động nam trên 55 tuổi, nữ trên 50 tuổi.
Đáp án: A (Điều 123 Bộ luật lao động)
Câu 26. Cấm sử dụng người tàn tật làm thêm giờ, làm việc ban đêm trong trường hợp nào?
A. Người tàn tật đã bị suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên.
B. Người tàn tật bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
C. Người tàn tật bị suy giảm khả năng lao động từ 71% trở lên.
Đáp án: A (khoản 2 Điều 127 Bộ luật lao động)
Câu 27. Tranh chấp lao động được giải quyết theo những nguyên tắc nào?
A. Thương lượng trực tiếp, tự dàn xếp và tự quyết định của hai bên tranh chấp tại nơi phát sinh tranh chấp.
B. Thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội và tuân theo pháp luật.
C. Giải quyết công khai, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật; có sự tham gia của đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp.
D. Tất cả các nguyên tắc trên.
Đáp án: D (Điều 158 Bộ luật lao động)
Câu 28. Trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, hai bên tranh chấp có quyền gì?
A. Trực tiếp hoặc thông qua người đại diện của mình tham gia quá trình giải quyết tranh chấp
B. Rút đơn hoặc thay đổi nội dung tranh chấp
C. Yêu cầu thay người trực tiếp tiến hành giải quyết tranh chấp, nếu có lý do chính đáng cho rằng người đó không thể bảo đảm tính khách quan, công bằng trong việc giải quyết tranh chấp.
D. Tất cả các quyền trên
Đáp án: D (khoản 1 Điều 160 Bộ luật lao động)
Câu 29. Trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, hai bên tranh chấp có nghĩa vụ gì?
A. Cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp lao động;
B. Nghiêm chỉnh chấp hành các thoả thuận đã đạt được, biên bản hoà giải thành, quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp lao động, bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực của Tòa án nhân dân.
C. Tất cả các nghĩa vụ trên.
Đáp án: C (khoản 2 Điều 160 Bộ luật lao động)
Câu 30. Hội đồng trọng tài lao động do cơ quan nào thành lập?
A. Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập.
B. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập.
C. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành lập.
Đáp án: B (khoản 1 Điều 164 Bộ luật lao động)
Câu 31. Cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân?
A. Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động;
B. Toà án nhân dân.
C. Cả A và B đều đúng.
Đáp án: C (Điều 165 Bộ luật lao động)
Câu 32. Những tranh chấp lao động cá nhân nào do Toà án nhân dân giải quyết mà không bắt buộc phải qua hoà giải tại cơ sở:
A. Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
B. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
C. Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
D. Cả ba trường hợp trên
Đáp án: D (khoản 2 Điều 166 Bộ luật lao động)
Câu 33. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định như thế nào?
A. Sáu tháng, kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm.
B. Một năm, kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm.
C. Ba năm, kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm.
Đáp án: C (khoản 3 Điều 167 Bộ luật lao động)
Câu 34. Cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền?
A. Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động.
B. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
C. Tòa án nhân dân.
D. Cả A, B, C đều đúng
Đáp án: D (Điều 168 Bộ luật lao động)
Câu 35. Cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích?
A. Tòa án nhân dân.
B. Hội đồng trọng tài lao động, hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động.
C. Cả A và B đều đúng.
Đáp án: B (Điều 169 Bộ luật lao động)
Câu 36. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể được quy định như thế nào?
A. Sáu tháng, kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích của mình bị vi phạm.
B. Một năm, kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích của mình bị vi phạm.
C. Hai năm, kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích của mình bị vi phạm.
Đáp án: B (Điều 171a Bộ luật lao động)
Câu 37. Đình công là gì?
A. Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động để giải quyết tranh chấp lao động tập thể.
B. Đình công là việc tập thể người lao động nghỉ làm việc để gây sức ép buộc người sử dụng lao động đáp ứng những yêu cầu mà họ đưa ra.
C. Đình công là hình thức người lao động đấu tranh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Đáp án: A (Điều 172 Bộ luật lao động)
Câu 38. Cuộc đình công như thế nào là bất hợp pháp?
A. Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể.
B. Không do những người lao động cùng làm việc trong một doanh nghiệp tiến hành.
C. Khi vụ tranh chấp lao động tập thể chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức giải quyết theo quy định của pháp luật.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Đáp án: D (Điều 173 Bộ luật lao động)
Câu 39. Người nào sau đây có thẩm quyền quyết định hoãn đình công?
A. Thủ tướng Chính phủ.
B. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
C. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Đáp án: A (Điều 176 Bộ luật lao động)
Câu 40. Cơ quan nào có thẩm quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công?
A. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi diễn ra cuộc đình công.
B. Liên đoàn lao động cấp tỉnh nơi diễn ra cuộc đình công.
C. Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi diễn ra cuộc đình công.
Đáp án: C (Điều 177 Bộ luật lao động)
---------------
LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI
Câu 41. Bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các chế độ nào sau đây?
A. Ốm đau; Thai sản.
B. Ốm đau; Thai sản; Hưu trí.
C. Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hưu trí; Tử tuất.
Đáp án: C (Khoản 1 Điều 4 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 42. Điều kiện để người lao động được hưởng chế độ ốm đau?
A. Bị ốm đau, tai nạn rủi ro phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở y tế.
B. Có con trên bảy tuổi bị ốm đau, phải nghỉ việc để chăm sóc con và có xác nhận của cơ sở y tế.
C. Cả A và B đều đúng.
Đáp án: A (Điều 22 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 43. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường là:
A. 30 ngày/năm nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm.
B. 30 ngày/năm nếu đã đóng BHXH dưới 10 năm.
C. 30 ngày/năm nếu đã đóng BHXH dưới 5 năm.
Đáp án: A (Điểm a, khoản 1, Điều 23 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 44. Người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày thì được nghỉ việc, hưởng chế độ ốm đau tối đa bao nhiêu ngày/01 năm?
A. Tối đa không quá 100 ngày/năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
B. Tối đa không quá 180 ngày/năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
C. Tối đa không quá 150 ngày/năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Đáp án: B (khoản 2, Điều 23 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 45. Thời gian hưởng chế độ trong 1 năm khi con dưới 7 tuổi bị ốm đau, phải nghỉ việc để chăm sóc con được quy định như thế nào?
A. Tối đa là 30 ngày làm việc.
B. Tối đa là 45 ngày làm việc.
C. Được tính theo số ngày chăm sóc con, tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 3 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi.
Đáp án: C (khoản 1, Điều 24 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 46. Mức hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp nghỉ việc để chăm sóc con là bao nhiêu?
A. Bằng 25% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ chăm sóc con.
B. Bằng 50% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ chăm sóc con.
C. Bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ chăm sóc con.
Đáp án: C (khoản 1, Điều 25 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 47. Người lao động sau thời gian hưởng chế độ ốm đau mà sức khoẻ còn yếu thì có được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ hay không?
A. Không được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
B. Được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 5 ngày đến 10 ngày trong một năm.
C. Được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tối đa 20 ngày trong một năm.
Đáp án: B (khoản 1, Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 48. Điều kiện để người lao động được hưởng chế độ thai sản?
A. Lao động nữ mang thai.
B. Người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.
C. Lao động nữ sinh con.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Đáp án: D (khoản 1, Điều 28 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 49. Thời gian hưởng chế độ khi khám thai được quy định như thế nào?
A. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 4 lần, mỗi lần 1 ngày.
B. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày.
C. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 6 lần, mỗi lần 1 ngày.
Đáp án: B (Điều 29 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 50. Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu đối với lao động nữ có thai dưới 01 tháng là:
A. 5 ngày.
B. 7 ngày.
C. 10 ngày.
Đáp án: C (Điều 30 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 51. Điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con?
A. Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
B. Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
C. Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 10 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Đáp án: A (khoản 1, Điều 28 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 52. Thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con của lao động nữ là:
A. 3 tháng, nếu làm nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường.
B. 4 tháng, nếu làm nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường.
C. 5 tháng, nếu làm nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường.
Đáp án: B (điểm a, khoản 1, Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 53. Trợ cấp 1 lần khi sinh con được thực hiện như thế nào?
A. Lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.
B. Lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần bằng 3 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.
C. Lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần bằng 4 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.
Đáp án: A (Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 54. Thời gian hưởng chế độ thai sản khi thực hiện các biện pháp tránh thai?
A. 7 ngày khi đặt vòng tránh thai.
B. 15 ngày khi thực hiện biện pháp triệt sản.
C. Cả A và B đều đúng.
Đáp án: C (Điều 33 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 55. Điều kiện để lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con?
A. Sau khi sinh con từ đủ 60 ngày trở lên.
B. Có xác nhận của cơ sở y tế về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động.
C. Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Đáp án: D (Điều 36 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 56. Điều kiện để người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động?
A. Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc.
B. Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
C. Cả A và B đều đúng.
Đáp án: C (Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 57. Điều kiện để người lao động được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp?
A. Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại.
B. Bị suy giảm khả năng lao động từ 10% trở lên do bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại.
C. Cả A và B đều sai.
Đáp án: A (Điều 40 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 58. Người bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng mức trợ cấp là:
A. Trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung.
B. Trợ cấp một lần bằng 30 tháng lương tối thiểu chung.
C. Cả A và B đều sai.
Đáp án: A (Điều 47 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 59. Người lao động nào dưới đây có giao kết HĐLĐ nhưng không phải là đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp?
A. Người đang hưởng lương hưu; Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động.
B. Người lao động đang làm việc ở cơ sở có dưới 10 lao động.
C. Câu A và B đều đúng.
Đáp án: C (Điều 80, Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 60. Điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường?
A. Nam đủ 60 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
B. Nữ đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
C. Cả A và B đều đúng.
Đáp án: A (Điều 50 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 61. Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được tính bằng mức bình quân tiền lương, tiền công của bao nhiêu tháng liền kề trước khi thất nghiệp?
A. 3 tháng.
B. 6 tháng.
C. 9 tháng.
Đáp án: B (Khoản 1 Điều 82 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 62. Người lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng thì thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp là:
A. 03 tháng.
B. 06 tháng.
C. 09 tháng.
Đáp án: A (Khoản 2 Điều 82 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 63. Người lao động trong thời gian thất nghiệp được hỗ trợ học nghề tối đa bao nhiêu tháng ?
A. 3 tháng.
B. 6 tháng.
C. 9 tháng.
Đáp án: B (Điều 83 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 64. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là:
A. 06 tháng, nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng đến 30 tháng.
B. 06 tháng, nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 20 tháng đến 36 tháng.
C. 06 tháng, nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng.
Đáp án: C (Điểm b, Khoản 2, Điều 82 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 65. Điều kiện hưởng chính sách Bảo hiểm thất nghiệp là:
A. Đã đóng Bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi thất nghiêp.
B. Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội.
C. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp.
D. Bao gồm cả A, B và C.
Đáp án: D (Điều 81 Luật bảo hiểm xã hội)
Câu 66. Ngoài trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được hưởng những quyền lợi gì ?
A. Hỗ trợ học nghề.
B. Hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm.
C. Cả A và B đều đúng.
Đáp án: C (Điều 83, 84 Luật bảo hiểm xã hội)
--------------
LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ
Câu 67. Hành vi nào sau đây bị cấm trong bảo hiểm y tế?
A. Gian lận, giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế.
B. Sử dụng tiền đóng bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm y tế sai mục đích.
C. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chuyên môn, nghiệp vụ để làm trái với quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Đáp án: D (Điều 11 LBHYT)
Câu 68. Đối tượng nào được tham gia bảo hiểm y tế?
A. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động.
B. Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
C. Cả A, B đều đúng.
Đáp án: C (Điều 12 LBHYT)
Câu 69. Mức tiền công, tiền lương tối đa để tính mức đóng bảo hiểm y tế là?
A. 15 lần mức lương tối thiểu.
B. 20 lần mức lương tối thiểu.
C. 25 lần mức lương tối thiểu.
Đáp án: B (Điều 14 LBHYT)
Câu 70 Căn cứ để đóng bảo hiểm y tế đối với người hưởng lương hưu hằng tháng là?
A. Tiền lương hưu hằng tháng.
B. Trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
C. Trợ cấp thất nghiệp hằng tháng.
Đáp án: A (khoản 3, Điều 14 LBHYT)
Câu 71. Căn cứ để đóng bảo hiểm y tế đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định là?
A. Tiền lương tháng theo ngạch bậc, Cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, Phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
B. Trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.
C. Mức lương tối thiểu.
Đáp án: A (khoản 1, Điều 14 LBHYT)
Câu 72. Thẻ bảo hiểm y tế không có giá trị sử dụng trong các trường hợp nào sau đây?
A. Thẻ đã hết thời hạn sử dụng.
B. Thẻ bị sửa chữa, tẩy xóa.
C. Người có tên trong thẻ không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Đáp án: D (khoản 4, Điều 16 LBHYT)
Câu 73. Thời hạn cấp thẻ bảo hiểm y tế là?
A. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định.
B. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định.
C. Trong thời hạn 12 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định.
Đáp án: B (khoản 3, Điều 17 LBHYT)
Câu 74. Thời hạn cấp lại thẻ bảo hiểm y tế là:
A. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại thẻ.
B. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại thẻ.
C. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại thẻ.
Đáp án: B (khoản 3, Điều 18 LBHYT)
Câu 75. Thẻ bảo hiểm y tế được đổi lại trong trường hợp nào?
A. Rách, nát hoặc hỏng.
B. Thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu.
C. Thông tin ghi trong thẻ không đúng.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Đáp án: D (Điều 19 LBHYT)
Câu 76. Thời hạn tổ chức BHYT phải đổi thẻ cho người tham gia bảo hiểm y tế là:
A. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định.
B. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định.
C. Trong thời hạn 12 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định.
Đáp án: A (khoản 3, Điều 19 LBHYT)
Câu 77. Thẻ bảo hiểm y tế bị thu hồi trong trường hợp nào?
A. Gian lận trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế.
B. Người có tên trong thẻ bảo hiểm y tế không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế.
C. Cả A, B đều đúng.
Đáp án: C (khoản 1, Điều 20 LBHYT)
Câu 78. Người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí nào sau đây?
A. Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con.
B. Khám bệnh để sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh.
C. Cả A, B đều đúng.
Đáp án: C (Điều 21 LBHYT)
Câu 79. Trường hợp nào sau đây không được hưởng bảo hiểm y tế?
A. Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt.
B. Khám thai định kỳ.
C. Khám bệnh để chuẩn đoán sớm một số bệnh.
Đáp án: A (Điều 23 LBHYT)
Câu 80. Cơ sở nào sau đây được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế?
A. Trạm y tế xã và tương đương, nhà hộ sinh.
B. Phòng khám đa khoa, chuyên khoa.
C. Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Đáp án: D (khoản 2, Điều 24 LBHYT)
Câu 81. Nguồn hình thành quỹ bảo hiểm y tế là:
A. Tiền đóng bảo hiểm y tế theo quy định.
B. Tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư của quỹ bảo hiểm y tế.
C. Tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, các thu nhập hợp pháp khác.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Đáp án: D (Điều 33 LBHYT)
Câu 82. Người đóng bảo hiểm y tế có quyền gì?
A. Được khám bệnh, chữa bệnh.
B. Tham gia kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về bảo hiểm y tế.
C. Kiểm tra chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Đáp án: A (Điều 36 LBHYT)
Câu 83. Người đóng bảo hiểm y tế có nghĩa vụ gì?
A. Đóng bảo hiểm y tế đầy đủ, đúng thời hạn.
B. Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đúng mục đích, không cho người khác mượn thẻ bảo hiểm y tế.
C. Cả A và B đều đúng.
Đáp án: C (Điều 37 LBHYT)
Câu 84. Tổ chức, cá nhân đóng bảo hiểm y tế có quyền gì?
A. Yêu cầu tổ chức bảo hiểm y tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải thích, cung cấp thông tin về chế độ bảo hiểm y tế.
B. Tham gia kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về bảo hiểm y tế.
C. Không đóng bảo hiểm khi không được giải thích, cung cấp thông tin về chế độ bảo hiểm.
Đáp án: A (Điều 38 LBHYT)
Câu 85. Tổ chức, cá nhân đóng bảo hiểm y tế có trách nhiệm gì?
A. Bảo quản thẻ bảo hiểm y tế theo đúng quy định.
B. Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu có liên quan đến trách nhiệm thực hiện bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động, của đại diện cho người tham gia bảo hiểm y tế khi có yêu cầu của tổ chức bảo hiểm y tế, người lao động hoặc đại diện của người lao động.
C. Khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm y tế.
Đáp án: B (Điều 39 LBHYT)
Câu 86. Tổ chức bảo hiểm y tế có quyền gì?
A. Từ chối thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng quy định của Luật BHYT hoặc không đúng với nội dung hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
B. Yêu cầu người sử dụng lao động, đại diện của người tham gia bảo hiểm y tế và người tham gia bảo hiểm y tế cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu có liên quan đến trách nhiệm của họ về việc thực hiện bảo hiểm y tế.
C. Cả A, B đều đúng.
Đáp án: C (Điều 40 LBHYT)
Câu 87. Trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm y tế là?
A. Cấp thẻ bảo hiểm y tế đúng thời gian.
B. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.
C. Quản lý kinh phí từ quỹ bảo hiểm y tế đúng theo quy định.
Đáp án: B (Điều 41 LBHYT)
Câu 88. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có quyền:
A. Yêu cầu tổ chức bảo hiểm y tế cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin có liên quan đến người tham gia bảo hiểm y tế, kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
B. Được tổ chức bảo hiểm y tế tạm ứng kinh phí và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh đã ký.
C. Cả A,B đều đúng.
Đáp án: C (Điều 42 LBHYT)
Câu 89. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có trách nhiệm:
A. Cấp thẻ bảo hiểm y tế đúng theo quy định.
B. Thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm y tế.
C. Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm chất lượng với thủ tục đơn giản, thuận tiện cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Đáp án: C (Điều 43 LBHYT)
Câu 90. Tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động có quyền:
A. Yêu cầu tổ chức bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến chế độ bảo hiểm y tế của người lao động.
B. Tổ chức thực hiện công tác thống kê, báo cáo về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
C. Lập hồ sơ để người lao động được cấp thẻ đóng và hưởng bảo hiểm y tế.
Đáp án: A (Điều 44 LBHYT)
Câu 91. Tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động có trách nhiệm:
A. Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
B. Tham gia xây dựng, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.
C. Giao thẻ bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Đáp án: B (Điều 45 LBHYT)
Câu 92. Tranh chấp về bảo hiểm y tế được giải quyết:
A. Các bên tranh chấp có trách nhiệm tự hòa giải về nội dung tranh chấp, Trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
B. Các bên tranh chấp yêu cầu UBND cấp huyện giải quyết.
C. Cả A, B đều đúng.
Đáp án: A (Điều 48 LBHYT)
Câu 93. Nguyên tắc bảo hiểm y tế là?
A. Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế.
B. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm y tế và người tham gia bảo hiểm y tế cùng chi trả.
C. Cả A, B đều đúng.
Đáp án: C (Điều 3 LBHYT)
Câu 94. Chính sách của nhà nước về bảo hiểm y tế là:
A. Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế cho người có công với cách mạng và một số nhóm đối tượng xã hội.
B. Nhà nước tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm y tế hoặc đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng.
C. Cả A, B đều đúng.
Đáp án: C (Điều 4 LBHYT)
Câu 95. Bộ Y tế có trách nhiệm gì về bảo hiểm y tế?
A. Ban hành danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế và các quy định chuyên môn kỹ thuật liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
B. Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
C. Theo dõi, đánh giá, tổng kết các hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm y tế.
Đáp án: A (Điều 6 LBHYT)
Câu 96. Bộ Tài chính có trách nhiệm gì về bảo hiểm y tế?
A. Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế.
B. Phối hợp với Bộ Y tế, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng chính sách, pháp luật về tài chính liên quan đến bảo hiểm y tế.
C. Tham gia giám sát việc thi hành pháp luật về bảo hiểm y tế.
Đáp án: B (Điều 7 LBHYT)
Câu 97. UBND các cấp có trách nhiệm gì về bảo hiểm y tế?
A. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.
B. Theo dõi, đánh giá, tổng kết các hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm y tế.
C. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chế độ bảo hiểm y tế.
Đáp án: A (Điều 8 LBHYT)
Câu 98. Thời hạn Kiểm toán quỹ bảo hiểm y tế là:
A. Định kỳ 1 năm, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán quỹ bảo hiểm y tế và báo cáo kết quả với Quốc hội.
B. Định kỳ 2 năm, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán quỹ bảo hiểm y tế và báo cáo kết quả với Quốc hội.
C. Định kỳ 3 năm, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán quỹ bảo hiểm y tế và báo cáo kết quả với Quốc hội.
Đáp án: C (Điều 10 LBHYT)
Câu 99. Nội dung giám định bảo hiểm y tề là?
A. Kiểm tra thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
B. Kiểm tra, đánh giá việc chỉ định điều trị, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế cho người bệnh.
C. Cả A, B đều đúng
Đáp án: C (Điều 29 LBHYT)
Câu 100. Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được thực hiện theo phương thức nào?
A. Thanh toán theo chi phí thực tế khám bệnh.
B. Thanh toán theo giá dịch vụ là thanh toán dựa trên chi phí của thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế được sử dụng cho người bệnh.
C. Cả A, B đều đúng.
Đáp án: B (Điều 30 LBHYT)
-----------------
CÂU HỎI TÌNH HUỐNG
Tình huống 1
Tiến: Chào Dũng, mình vừa nhận được tin nhắn của cậu là sang ngay, có chuyện gì thế?
Dũng: May quá cậu đây rồi, cậu phải giúp mình chuyện này, thằng Hải em trai mình đang bị tạm giam vì nghi ngờ liên quan đến cá độ đá bóng. Tuy nhiên đám bạn của nó nói với mình là nó không tham gia mà chỉ đi theo thôi, Công an đang giữ nó để điều tra. Sau lần này mình sẽ quản lý nó chặt chẽ, không cho nó tụ tập với đám bạn xấu nữa.
Tiến: Đúng rồi, cậu phải quan tâm đến nó nhiều hơn chứ đừng lo kiếm tiền mà bỏ bê nó.
Dũng: Lần này mình phải cho nó một bài học, vừa bị tạm giam lại còn bị mất việc nữa.
Tiến: Cậu nói vậy là sao?
Dũng: Công ty chỗ nó đang làm vừa gọi sang thông báo công ty đã ra quyết định sa thải nó vì hành vi cá độ đá bóng.
Tiến: Công ty nó làm vậy là vi phạm pháp luật đấy vì hình thức kỷ luật sa thải không áp dụng đối với trường hợp bị tam giam.
Hỏi: Anh Tiến nói: “Công ty nó làm vậy là vi phạm pháp luật đấy vì hình thức kỷ luật sa thải không áp dụng đối với trường hợp bị tam giam” là đúng hay sai? Tại sao?
Đáp án: ( đơn vị nghiên cứu đáp án )
Tình huống 2
Nam: Alo, Huy hả, cậu cho mình hỏi một việc được không?
Huy: Có việc gì mà cậu phải điện thoại cho mình gấp thế?
Nam: Mình xin làm việc tại một xưởng gỗ, Giám đốc đã đồng ý nhận mình nhưng yêu cầu là phải ký hợp đồng học nghề 1 tháng và trong thời gian học nghề mình được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày. Sau 1 tháng học nghề sẽ ký hợp đồng lao động 12 tháng. Nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì sẽ bồi thường chi phí học nghề. Theo cậu công ty thỏa thuận như vậy là có đúng luật không?
Huy: Công ty cậu làm vậy là đúng rồi đấy, nghề của cậu đòi hỏi phải được đào tạo nên công ty thỏa thuận ký hợp đồng học nghề là hợp lý. Sau thời gian học nghề nếu cậu không làm việc theo cam kết thì phải bồi thường chi phí dạy nghề cho công ty. Thôi chúc cậu thành công nhé, khi nào lãnh lương thì phải khao đấy.
Hỏi: Huy nói “Công ty cậu làm vậy là đúng rồi đấy, nghề của cậu đòi hỏi phải được đào tạo nên công ty thỏa thuận ký hợp đồng học nghề là hợp lý. Sau thời gian học nghề nếu cậu không làm việc theo cam kết thì phải bồi thường chi phí dạy nghề cho công ty” là đúng hay sai? Tại sao?
Đáp án: Đáp án: ( đơn vị nghiên cứu đáp án )
Tình huống 3.
Mai: Này Nga, sao cậu buồn thiu vậy?
Nga: Hôm nay mình đi khám thai, bác sĩ nói sức khỏe mình yếu mà công việc thì quá nặng nhọc nên trong sổ khám bệnh bác sĩ ghi là yêu cầu mình nghỉ việc thì mới bảo đảm sức khỏe.
Mai: Theo mình thấy nếu bác sĩ đã nói vậy thì cậu nghỉ việc đi, khi nào con lớn thì cậu xin đi làm lại.
Nga: Mình cũng đang định làm đơn xin nghỉ việc nhưng mình ký hợp đồng lao động 12 tháng, đến nay chưa hết thời hạn hợp đồng lao động. Vậy không biết mình phải làm thủ tục gì?
Mai: Cậu chỉ cần báo trước với công ty 30 ngày, do cậu chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn nên cậu phải bồi thường cho công ty nửa tháng tiền lương và phụ cấp nếu có.
Hỏi: Mai nói: “Cậu chỉ cần báo trước với công ty 30 ngày, do cậu chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn nên cậu phải bồi thường cho công ty nửa tháng tiền lương và phụ cấp nếu có” là đúng hay sai? Tại sao?
Đáp án: ( đơn vị nghiên cứu đáp án )
Tình huống 4.
Hùng: Chào Nam, lúc này sao mình ít thấy cậu ở nhà, cậu bận nhiều việc lắm hả?
Nam: Ừ lúc này công ty mình hay tăng ca, làm việc vào ban đêm nên mình ít khi về nhà lắm. Trong năm qua tổng số giờ làm thêm của mình là trên 200 giờ đấy, cậu ít gặp mình là phải.
Hùng: Thế công ty cậu có xin phép và được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc làm thêm giờ từ 200 đến 300 giờ/năm chưa?
Nam: Ồ, công ty mình chưa xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hùng: Công ty cậu làm thêm nhiều thế mà không xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền là vi phạm pháp luật lao động đấy.
Hỏi: Hùng nói: “Công ty cậu làm thêm nhiều thế mà không xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền là vi phạm pháp luật lao động đấy” là đúng hay sai? Tại sao?
Đáp án: ( đơn vị nghiên cứu đáp án )
Tình huống 5
Anh A làm việc tại công ty X theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, điều kiện làm việc bình thường, đã đóng bảo hiểm xã hội được 12 năm. Trong buổi liên hoan cuối năm của công ty, anh A đã uống nhiều bia rượu nên bị ốm phải nghỉ việc 1 tuần. Hỏi anh A có được hưởng chế độ ốm đau trong thời gian nghỉ việc không?
Đáp án: ( đơn vị nghiên cứu đáp án )
Tình huống 6
Chị B làm việc tại công ty Z theo hợp đồng lao động 1 năm, điều kiện làm việc bình thường, đã đóng bảo hiểm xã hội được 4 tháng. Nay chị B mang thai, sức khỏe yếu nên xin nghỉ việc. Hỏi chị B có được hưởng chế độ thai sản không?
Đáp án: ( đơn vị nghiên cứu đáp án )
Tình huống 7
Lao động X làm việc tại Công ty Y từ 01/01/2007 đến nay. Lao động X có tham gia BHXH, BHYT và BHTN theo đúng quy định của pháp luật. Trong giờ làm việc, do được phân công thực hiện nhiệm vụ trên cao, trong lúc leo cao, lao động X đã bị trượt chân và té ngã (tai nạn lao động). Theo kết quả giám định y khoa thì Lao động X đã bị suy giảm khả năng lao động 20%. Hỏi Lao động X có được hưởng chế độ tai nạn lao động hay không? Vì sao?
Đáp án: ( đơn vị nghiên cứu đáp án )
Tình huống 8
Bà Nga: Bà đi đâu vậy bà Tám?
Bà Tám: Tui đang tính lên trạm y tế phường hỏi xem thủ tục mua bảo hiểm y tế cho thằng Tí nhà tôi nhưng không biết trường hợp thằng Tí bị tai nạn lao động, đang được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, có thuộc đối tượng mua bảo hiểm y tế không?
Bà Nga: Tưởng chuyện gì, bà nghe nè ... người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì vẫn được tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.
Hỏi: Bà Nga nói vậy đúng hay sai?
Đáp án: ( đơn vị nghiên cứu đáp án )
Tình huống 9
Mai: Ê bồ! Nghe nói cô Hoa phòng bồ cuối tháng sau là nghỉ hưu à?
Hà: Ừ, mình cũng nghe nói vậy
Mai: Mà cô Hoa nghỉ hưu rồi thì đóng bảo hiểm y tế như thế nào ta? vì những người lớn tuổi hay bị bệnh nên bảo hiểm y tế rất quan trọng, tui đang thắc mắc, mà bà có biết không?
Hà: Theo tôi được biết thì những người hưởng lương hưu thì mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng tối đa bằng 6% mức lương hưu và sẽ do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.
Hỏi: Hà trả lời đúng hay sai?
Đáp án: ( đơn vị nghiên cứu đáp án )
Tình huống 10
Đào: Sao nhìn bà buồn vậy?
Mận: Không buồn sao được, công ty mới cấp thẻ bảo hiểm y tế cho tui, định bụng cuối tuần này đi khám bệnh, ai dè đâu bây giờ tui kiếm hoài không thấy nữa...
Đào: Mà bà đã tìm kỹ chưa?
Mận: Tui tìm kỹ rùi, vẫn không biết để ở đâu hay là làm rớt ở đâu nữa....Vậy là cả năm nay tui đóng bảo hiểm y tế nhưng không được sử dụng thẻ đi khám rồi...
Đào: Trời ơi! Tưởng gì chứ, nếu bà làm mất thẻ bảo hiểm y tế thì bà có thể yêu cầu cấp lại thẻ mà trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn cấp lại thẻ thì bảo hiểm y tế cấp lại thẻ. Hơn nữa, trong thời gian bà chờ cấp lại thẻ thì bà vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế mà.
Hỏi: Đào trả lời như vậy đúng hay sai:
Đáp án: ( đơn vị nghiên cứu đáp án )
HẾT
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top