Bàn về nhà nước
Vladimir Ilyich Lenin
Bàn về nhà nước
Các đồng chí, theo chương trình học tập của các đồng chí đã đưa cho tôi, thì đề tài cuộc nói chuyện hôm nay là vấn đề nhà nước. Tôi không biết các đồng chí đã hiểu biết vấn đề này đến mức độ nào. Nếu tôi không nhầm, thì lớp học của các đồng chí mới bắt đầu, và đây là lần đầu tiên mà các đồng chí đề cập đến vấn đề này một cách có hệ thống. Nếu như vậy thì rất có thể là trong buổi nói chuyện thứ nhất về vấn đề khó đó, bản trình bày của tôi sẽ không được sáng rõ lắm mà cũng không dễ hiểu lắm đối với nhiều thính giả của tôi. Và nếu có như thế thì các đồng chí cũng không nên lo ngại, vì vấn đề nhà nước là một trong những vấn đề phức tạp nhất, khó khăn nhất, có lẽ là vấn đề mà các học giả, các nhà văn và các nhà triết học tư sản đã làm cho rắc rốt nhất. Vì vậy, chúng ta không bao giờ nên hy vọng rằng, trong một bài nói chuyện ngắn, lại có thể làm sáng tỏ hoàn toàn vấn đề đó ngay được. Sau bài nói chuyện thứ nhất về vấn đề này, các đồng chí nên đánh dấu những đoạn khó hiểu hay tối nghĩa, để rồi nghiên cứu lại lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư; để sau này bổ sung và làm sáng tỏ những điểm trước còn khó hiểu, bằng cách tham khảo thêm tài liệu, cũng như bằng cách nghe các bài giảng và dự các buổi nói chuyện. Tôi hy vọng rằng chúng ta lại sẽ có dịp họp lại với nhau và khi đó, chúng ta sẽ có thể trao đổi quan điểm về tất cả các vấn đề mới phát sinh thêm, và làm sáng tỏ điểm nào còn tồi nhất. Tôi cũng hy vọng rằng để bổ sung các bài nói chuyện và các bài giảng, các đồng chí sẽ dành một số thì giờ nhất định để đọc ít nhất là một vài tác phẩm chủ yếu của Mác và Ăng-ghen. Tôi tin chắc rằng trong bản kê các sách nên đọc, và trong các sách mà thư viện của các đồng chí dành cho các học viên ở trường của cán bộ xô-viết và cán bộ đảng - chắc chắn là các đồng chí sẽ tìm thấy các tác phẩm chủ yếu đó; và tuy việc trình bày khó hiểu có thể làm cho một số đồng chí lúc đầu đâm hoảng, nhưng tôi xin nhắc các đồng chí một lần nữa rằng không nên vì thế mà lo ngại, chỗ nào đọc lần đầu còn khó hiểu thì sẽ trở thành dễ hiểu khi đọc đến lần thứ hai hoặc khi về sau các đồng chí đề cập vấn đề theo một khía cạnh khác; tôi xin nhắc lại, vấn đề ấy hết sức phức tạp và đã bị các học giả và tác giả tư sản làm rắc rối nhiều đến nối người nào muốn thật sự nghiên cứu và tự mình hiểu sâu vấn đề ấy thì phải nghiên cứu nhiều lần, luôn luôn trở lại vấn đề ấy và xem xét nó trên nhiều khía cạnh, mới có thể hiểu rõ ràng và chắc chắn được. Và các đồng chí lại càng dễ trở lại vấn đề ấy và xem xét nó trên nhiều khía cạnh, mới có thể hiểu rõ ràng và chắc chắn được. Và các đồng chí lại càng dễ trở lại vấn đề đó vì đấy là một vấn đề rất cơ bản, rất mấu chốt trong toàn bộ chính trị, đến nỗi không những trong thời đại giông tố và cách mạng như thời đại chúng ta, mà ngay cả trong các thời đại yên tĩnh nhất thì hàng ngày trên mọi báo chí, khi bàn đến bất cứ vấn đề kinh tế hay chính trị nào, bao giờ các đồng chí cũng sẽ vấp phải câu hỏi này: nhà nước là gì, bản chất của nó là gì, vai trò của nó là gì, và thái độ của đảng ta, của đảng đang đấu tranh để lật đổ chế độ tư bản, của đảng cộng sản, đối với nhà nước như thế nào; - hàng ngày, vì lý do này hay lý do khác, các đồng chí sẽ gặp lại vấn đề đó. Điều chủ yếu nhất là việc các đồng chí đọc sách, nghe các buổi nói chuyện và nghe giảng về nhà nước sẽ mang lại cho các đồng chí cái kết quả là biết tự mình đề cập đến vấn đề ấy, vì các đồng chí sẽ gặp phải vấn đề ấy trong rất nhiều trường hợp khác nhau, trong từng vấn đề nhỏ một, trong các sự kết hợp bất ngờ nhất, trong các cuộc nói chuyện và tranh luận của các đồng chí với đối phương của mình. Chỉ khi nào các đồng chí biết tự mình tìm ra phương hướng trong vấn đề đó, thì các đồng chí mới có thể coi mình là đã đủ vững vàng trong những niềm tin của mình và bảo vệ những niềm tin đó một cách thắng lợi trước bất cứ người nào và bất cứ lúc nào.
Sau vài nhận xét vắn tắt ấy, tôi nói sang bản thân vấn đề: nhà nước là gì, nó đã xuất hiện như thế nào, và thái độ của đảng cộng sản là đảng của giai cấp công nhân đang đấu tranh để lật đổ hoàn toàn chủ nghĩa tư bản, đối với nhà nước, về căn bản phải như thế nào?
Tôi đã nói rằng chưa chắc là có một vấn đề nào lại bị các đại biểu của khoa học, triết học, luật học, kinh tế chính trị học và báo chí tư sản, vô tình hay cố ý, làm cho rắc rối như vấn đề nhà nước. Cho đến nay, người ta vẫn hay lầm lẫn vấn đề này với các vấn đề tôn giáo; rất nhiều khi, không những tín đồ của các học thuyết tôn giáo (đó là điều hoàn toàn tự nhiên về phần họ), mà ngay cả những người tự do là đã thoát khỏi mọi thành kiến tôn giáo cũng vậy, họ đều lầm lẫn vấn đề riêng biệt về nhà nước với các vấn đề tôn giáo, họ cố sức dựng lên một lý luận - thường thường là phức tạp, dựa trên một quan niệm và một lập luận về mặt tư tưởng và triết học - cho rằng nhà nước là một cái gì thần bí, siêu tự nhiên, là một sức mạnh nào đó đã làm cho nhân loại sống được, một sức mạnh đem lại hay có thể đem lại, mang lại theo nó một cái gì không phải là của con người, mà là cái gì từ ngoài đem vào con người, nghĩa là một sức mạnh do trời sinh ra. Và cần phải nhấn mạnh rằng lý luận ấy gắn liền rất mật thiết với lợi ích của các giai cấp bóc lột, - giai cấp địa chủ và tư bản, - nó phục vụ rất đắc lực cho lợi ích của bọn họ, nó tiềm nhiễm rất sâu vào các tập quán, quan điểm và khoa học của các ngài đại biểu của giai cấp tư sản, đến nỗi các đồng chí luôn luôn thấy những vết tích của nó, thậm chí trong quan niệm của bọn men-sê-vích và bọn xã hội chủ nghĩa - cách mạng về nhà nước, bọn này gạt bỏ một cách căm phẫn ngay cả ý kiến cho rằng bọn chúng bị các thành kiến tôn giáo chi phối, và tin chắc rằng bọn chúng có thể quan niệm vấn đề nhà nước một cách hoàn toàn sáng suốt. Sở dĩ vấn đề này rắc rối và phức tạp đến như thế là vì, hơn tất cả các vấn đề khác, nó đụng chạm đến lợi ích của các giai cấp thống trị (về mặt này, nó chỉ kém các nguyên lý của khoa học kinh tế thôi). Học thuyết về nhà nước là dùng để bào chữa cho những đặc quyền xã hội, bào chữa cho sự bóc lột, bào chữa cho sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản; vì vậy, sẽ sai lầm lớn nếu hy vọng rằng người ta sẽ tỏ ra vô tư trong vấn đề này, nếu cho rằng những người tự cho mình là có tính khoa học thì có thể đem lại cho các đồng chí một quan điểm khoa học thuần tuý về vấn đề này. Trong vấn đề nhà nước, trong học thuyết về nhà nước, trong lý luận về nhà nước, khi các đồng chí đã làm quen với vấn đề ấy và nghiên cứu nó một cách khá sâu, thì bao giờ các đồng chí cũng sẽ thấy cuộc đấu tranh giữa các giai cấp, cuộc đấu tranh được phản ánh hay thể hiện trong cuộc đấu tranh giữa các quan niệm khác nhau về nhà nước, trong các nhận thức khác nhau về vai trò và ý nghĩa của nhà nước.
Muốn đề cập vấn đề này một cách khoa học nhất, ta cần nhìn lại, về mặt lịch sử, nguồn gốc và sự phát triển của nhà nước, dù chỉ là nhìn lướt qua. Trong vấn đề thuộc về khoa học xã hội, phương pháp chắc chắn nhất và cần thiết nhất để thực sự có được thói quen xem xét vấn đề đó một cách đúng đắn và để không lạc hướng trong rất nhiều chi tiết, hoặc trong rất nhiều ý kiến đối lập nhau - điều kiện quan trọng nhất của một sự nghiên cứu khoa học là không nên quên mối liên hệ lịch sử căn bản; là xem xét mỗi vấn đề theo quan điểm sau đây: một hiện tượng nhất định đã xuất hiện trong lịch sử như thế nào, hiện tượng đó đã trải qua những giai đoạn phát triển chủ yếu nào, và đứng trên quan điểm của sự phát triển đó để xem xét hiện nay nó đã trở thành như thế nào.
Tôi mong rằng, về vấn đề nhà nước, các đồng chí sẽ đọc tác phẩm của Ăng-ghen: "Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước". Đó là một trong những tác phẩm chủ yếu của chủ nghĩa xã hội hiện đại, trong đó ta có thể tin vào từng câu, ta có thể chắc chắn rằng mỗi câu đó không phải đã viết một cách thiết suy nghĩ, mà nó căn cứ vào những tài liệu lịch sử và chính trị hết sức dồi dào. Chắc chắn là tất cả các phần của tác phẩm đó không phải đều dễ đọc và dễ hiểu như nhau: một vài phần đòi hỏi người đọc phải có sẵn một số kiến thức về lịch sử và kinh tế. Nhưng tôi xin nhắc lại: các đồng chí không nên lo ngại nếu các đồng chí không hiểu tác phẩm này khi mới đọc lần đầu. Mới đọc lần đầu mà hiểu được, điều đó hầu như không bao giờ có thể có được. Nhưng về sau, khi các đồng chí đọc lại quyền đó, khi các đồng chí đã thấy hứng thú thì cuối cùng các đồng chí sẽ hiểu phần lớn quyền đó, nếu không phải là toàn bộ. Sở dĩ tôi nói đến quyền đó là vì nó chỉ ra cách đề cập vấn đề một cách đúng đắn trên phương diện mà tôi đã nói. Nó bắt đầu bằng cách phác qua lịch sử phát sinh của nhà nước.
Muốn đề cập vấn đề ấy một cách đúng đắn, cũng như mọi vấn đề khác, chẳng hạn như những vấn đề: sự phát sinh của chủ nghĩa tư bản, tình trạng người bóc lột người, chủ nghĩa xã hội, tức là chủ nghĩa xã hội đã phát sinh như thế nào, những điều kiện nào đã đẻ ra chủ nghĩa xã hội, - muốn đề cập mọi vấn đề thuộc loại đó một cách nghiêm chỉnh, chắc chắn, thì trước hết phải nhìn lại toàn bộ sự phát triển lịch sử của nó. Về vấn đề này thì điều cần phải chú ý trước tiên là nhà nước không phải bao giờ cũng có. Đã có một thời kỳ chưa có nhà nước. Nhà nước chỉ xuất hiện ở nơi nào và lúc nào đã xuất hiện sự phân chia xã hội thành giai cấp, đã xuất hiện những kẻ bóc lột và những người bị bóc lột.
Tưrớc khi nảy ra hình thức đầu tiên của tình trạng người bóc lột người, hình thức đầu tiên của sự phân chia thành giai cấp - chủ nô và nô lệ - thì có gia đình gia trưởng, hay đôi khi người ta gọi là gia đình theo chế độ clan (clan nghĩa là thị tộc, gia tộc, khi mà người ta sống thành thị tộc, gia tộc), và những di tích khá rõ của những thời đại cổ xưa đó vẫn còn lại trong phong tục của nhiều dân tộc nguyên thuỷ; và nếu các đồng chí lấy bất cứ quyển sách nào nói về văn hoá nguyên thuỷ, thì các đồng chí sẽ luôn luôn thấy những đoạn miêu tả, những điều chỉ dẫn, những ký ức ít nhiều rõ rệt, chứng tỏ rằng đã có một thời ít nhiều tương tự như chủ nghĩa cộng sản nguyên thuỷ, trong đó không có tình trạng xã hội chia thành chủ nô và nô lệ. Hồi ấy không có nhà nước, không có bộ máy đặc biệt để dùng bạo lực một cách có hệ thống và bắt buộc người ta phục tùng bạo lực. Chính bộ máy dó, người ta gọi là nhà nước.
Trong xã hội nguyên thuỷ, khi người ta sống thành từng thị tộc nhỏ, còn ở vào trình độ phát triển thấp nhất, trong một tình trạng gần như man rợ, một thời kỳ cách nhân loại văn minh hiện nay hàng mấy nghìn năm, thì người ta chưa thấy dấu vết sự tồn tại của nhà nước. Trong xã hội ấy, chúng ta thấy có ưu thế của tập quán, có uy tín, lòng tôn trọng và quyền hành mà các bô lão trong thị tộc được hưởng; chúng ta thấy quyền hành ấy có khi lại ở trong tay phụ nữ, - địa vị người phụ nữ hồi đó không giống như địa vị phụ nữ thời nay, thời mà họ không có quyền gì cả và bị áp bức; nhưng bất cứ ở đâu, người ta cũng chưa thấy có một hạng người đặc biệt tự tách ra để thống trị người khác và sử dụng một cách có hệ thống, thường xuyên, nhằm mục đích thống trị, cái bộ máy cưỡng bách, cái bộ máy bạo lực mà hiện nay, tất cả các đồng chí đều hiểu đó là những đội vũ trang, những nhà tù và những phương tiện khác để bắt buộc, bằng bạo lực, người khác phải phục tùng, - tức là những cái cấu thành bản chất của nhà nước.
Nếu ta không kể tới những học thuyết mệnh danh là học thuyết tôn giáo, những thủ đoạn xảo trá, những hệ thống triết học, tất cả các ý kiến mà bọ học giả tư sản nêu ra, và nếu thực sự đi sâu vào vấn đề thì ta sẽ thấy rằng nhà nước rút cục lại chính là cái bộ máy cai trị đã tự tách ra từ xã hội loài người. Khi nào mà xuất hiện một nhóm người đặc biệt chỉ có nhiệm vụ cai trị như thế, cái nhóm mà muốn thống trị thì cần có một bộ máy cưỡng bức đặc biệt (nhà tù, các đội ngũ đặc biệt, quân đội, v.v.) để bắt buộc, bằng bạo lực, người khác phải phục tùng thì lúc đó nhà nước xuất hiện.
Nhưng đã có một thời không có nhà nước, lúc đó các quan hệ xã hội, bản thân xã hội, kỷ luật, tổ chức lao động đều duy trì được nhờ có sức mạnh của phong tục và tập quán, nhờ có uy tín và lòng tôn trọng mà những bô lão của thị tộc hoặc phụ nữ - địa vị của phụ nữ hồi đó không những chỉ ngang với địa vị của nam giới mà thường khi còn cao hơn nữa - được hưởng, và lúc không có một hạng người riêng biệt, người chuyên môn, để cai trị. Lịch sử chứng minh rằng nhà nước, một bộ máy cưỡng bức đặc biệt, chỉ xuất hiện ở nơi nào và khi nào mà xã hội đã chia thành giai cấp, tức là chia thành các nhóm người mà nhóm người này luôn luôn có thể chiếm đoạt lao động của những nhóm khác, người này bóc lột người khác.
Chúng ta luôn luôn cần phải thấy rõ rằng sự phân chia xã hội thành giai cấp như thế trong quá trình lịch sử là sự kiện căn bản. Sự tiến hoá của tất cả các xã hội loài người qua hàng nghìn năm, ở tất cả các nước, không trừ nước nào cả, đã chỉ cho chúng ta thấy tính quy luật chung, tính chính xác, tính nhất quán của sự tiến hoá đó: bắt đầu là một xã hội không có giai cấp, một xã hội gia trưởng, nguyên thuỷ, không có quý tộc; sau đến là một xã hội dựa trên chế độ nô lệ, một xã hội chiếm hữu nô lệ. Toàn bộ châu âu văn minh hiện nay đều trải qua giai đoạn đó: cách đây hai nghìn năm, chế độ nô lệ thống trị hoàn toàn ở châu âu. Tuyệt đại đa số các dân tộc trên các lục địa khác cũng đều như vậy. Hiện nay, dấu vết của chế độ nô lệ vẫn còn ở các dân tộc chậm phát triển nhất; như ở châu Phi chẳng hạn, các đồng chí sẽ thấy hiện nay cũng vẫn còn các thiết chế thuộc về chế độ nô lệ. Chủ nô và nô lệ, - đó là sự phân chia lớn đầu tiên về giai cấp. Nhóm thứ nhất chẳng những làm chủ tất cả các tư liệu sản xuất: ruộng đất, công cụ dù còn thô sơ và cổ lỗ, mà làm chủ cả người nữa. Nhóm đó gọi là chủ nô; còn những người làm lụng và lao động khó nhọc cho kẻ khác thì gọi là nô lệ.
Tiếp sau hình thức đó, có một hình thức khác trong lụch sử: chế độ nông nô. Trong tuyệt đại đa số các nước, chế độ nô lệ, khi phát triển, đã trở thành chế độ nông nô. Địa chủ - chủ nô và nông nô, - đó là sự phân chia căn bản của xã hội. Hình thức của quan hệ giữ người với người đã thay đổi. Trước kia, chủ nô coi nô lệ như vật sở hữu của mình; phát luật cũng công nhận quan điểm đó và coi người nô lệ là một vật thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của chủ nô. Đối với người nông nô, ách áp bức giai cấp, sự lệ thuộc hãy còn tồn tại, những lãnh chúa thì không được coi là có quyền sỡ hữu nông dân như sở hữu một đồ vật nữa; nó chỉ có quyền chiếm đoạt kết quả lao động của nong dân và cưỡng bức nông dân phải làm tròn một số nghĩa vụ nào đó thôi. Các đồng chí đều biết rằng trong thực tế, chế độ nông nô cũng chẳng khác gì chế độ nô lệ, nhất là ở nước Nga là nơi mà chế độ đó đã được duy trì lâu nhất và đã có những hình thức tàn bạo nhất.
Sau nữa, cùng với sự phát triển của thương mại và sự hình thành của một thị trường toàn thế giới, cùng với sự phát triển của lưu thông tiền tệ, thì một giai cấp mới, giai cấp các nhà tư bản, cũng xuất hiện trong xã hội nông nô. Từ hàng hoá, từ việc trao đổi hàng hoá, từ thế lực của tiền bạc đã sinh ra thế lực của tư bản. Trong thế kỷ XVIII, hay nói cho đúng hơn, từ cuối thế kỷ XVIII, và trong thế kỷ XIX, nhiều cuộc cách mạng đã nổ ra trên toàn thế giới. Chế độ nông nô bị xoá bỏ trong tất cả các nước ở tây âu. nước Nga, chế độ nông nô bị xoá bỏ muộn hơn cả. Nga, năm 1861, cũng đã có một sự biến đổi làm cho hình thức xã hội này được thay thế bằng một sự biến đổi làm cho hình thức xã hội này được thay thế bằng một hình thức xã hội khác - chế độ nông nô nhường chỗ cho chủ nghĩa tư bản, trong đó sự phân chia giai cấp vẫn còn, cũng như vẫn còn những dấu vết và tàn dư của chế độ nông nô, nhưng về căn bản, sự phân chia giai cấp đã có một hình thức khác.
Trong tất cả các nước tư bản, những người làm chủ tư bản, những người làm chủ ruộng đất, những người làm chủ các công xưởng và nhà máy thì trước kia và hiện nay đều là một thiểu số rất nhỏ trong nhân dân, nắm quyền sử dụng toàn bộ lao động của nhân dân và do đó chi phối, áp bức và bóc lột toàn bộ quần chúng lao động mà đa số là những người vô sản, những công nhân làm thuê, tức là những người vô sản, những công nhân làm thuê, tức là những người, trong quá trình sản xuất, chỉ có thể có được tư liệu sinh hoạt bằng cách bán cánh tay lao động, bán sức lao động của mình. Cùng với bước chuyển sang chủ nghĩa tư bản, những nông dân đã bị phân tán và bị áp bức trong thời đại nông nô, thì nay một phần biến thành vô sản (đó là đa số), một phần biến thành những nông dân khá giả (đó là thiểu số), tức là những người cũng lại tự mình thuê công nhân và hợp thành giai cấp tư sản nông thôn.
Các đồng chí không nên bao giờ quên sự thật cơ bản nảy: xã hội chuyển từ các hình thức nguyên thuỷ của chế độ nô lệ sang chế độ nông nô, và sau cùng sang chủ nghĩa tư bản; thật vậy, chỉ khi nào các đồng chí nhớ sự thật cơ bản đó, chỉ khi nào các đồng chí xếp tất cả các học thuyết chính trị vào trong cái khuôn khổ cơ bản đó thì các đồng chí mới có thể đánh giá được các học thuyết ấy một cách đúng đắn và nhận rõ các học thuyết ấy có quan hệ với cái gì, vì trong số những thời kỳ lớn ấy của lịch sử loài người - thời kỳ chiếm hữu nô lệ, thời kỳ nông nô và thời kỳ tư bản - mỗi thời kỳ kéo dài hàng chục và hàng trăm thế kỷ, và có rất nhiều hình thức chính trị, rất nhiều học thuyết, rất nhiều ý kiến, rất nhiều cuộc cách mạng chính trị khác nhau đến nỗi chúng ta không thể nào lần ra được trong tình trạng hết sức phức tạp và cực kỳ nhiều hình nhiều vẻ ấy, - là tình trạng có liên hệ chủ yếu với các lý luận chính trị, triết học và các lý luận khác của những nhà học giả và những nhà chính trị tư sản, - nếu chúng ta không kiên quyết lấy sự phân chia xã hội thành giai cấp như vậy, sự thay đổi các hình thức thống trị của giai cấp, làm sợi dây cơ bản dẫn đường, và nếu ta không đứng trên quan điểm đó để phân tích tất cả các vấn đề xã hội - các vấn đề kinh tế, chính trị, tinh thần, tôn giáo, v.v...
Nếu các đồng chí xét vấn đề nhà nước, xuất phát từ sự phân chia cơ bản đó, các đồng chí sẽ thấy, như tôi đã nói, rằng trước khi xã hội chia thành giai cấp, thì cũng chưa có nhà nước. Nhưng cùng với sự xuất hiện và sự xác lập của tình trạng xã hội phân chia thành giai cấp, cùng với sự phát sinh của xã hội có giai cấp thì nhà nước cũng xuất hiện và được củng cố. Trong quá trình lịch sử của loài người, hàng chục và hàng trăm nước đã và đang còn trải qua chế độ nô lệ, chế độ nông nô và chủ nghĩa tư bản. Trong mỗi nước, mặc dù các cuộc biến đổi lịch sử hết sức to lớn đã xảy ra, mặc dầu có tất cả các biến thiên chính trị và các cuộc cách mạng gắn liền với sự phát triển ấy của loài người, với bước chuyển từ chế độ nô lệ sang chế độ nông nô, rồi sang chế độ tư bản, và sang cuộc đấu tranh toàn thế giới hiện nay chống chủ nghĩa tư bản, - bao giờ các đồng chí cũng thấy nhà nước xuất hiện. Nhà nước bao giờ cũng là một bộ máy nhất định, nó tự tách ra từ xã hội và gồm một nhóm người chỉ chuyên hay chủ yếu chỉ chuyên làm công việc cai trị. Loài người chia thành những người bị trị và thành những kẻ chuyên môn cai trị là những kẻ tự đặt mình lên trên xã hội, những kẻ mà người ta gọi là những người cai trị, những người đại diện của nhà nước. Bộ máy đó, nhóm người cai trị những người khác đó bao giờ cũng nằm trong tay một bộ máy cưỡng bức nhất định, một cơ quan thực lực, dù cho bạo lực ấy được thi hành bằng một cái gậy nguyên thuỷ, hoặc như trong thời đại nô lệ, bằng những vũ khí cải tiến hơn, hoặc bằng các súng ống xuất hiện trong thời trung cổ, hoặc sau cùng, bằng các vũ khí hiện đại mà trong thế kỷ XX đã biến thành kỳ quan thực sự và dựa hoàn toàn vào những thành tựu mới nhất của kỹ thuật hiện đại. Các hình thức thi hành bạo lực đã thay đổi, nhưng bao giờ cũng vậy, trong mỗi xã hội có nhà nước đều có một nhóm người cai trị, chỉ huy, thống trị, và để giữ chính quyền, họ sử dụng một bộ máy cưỡng bức, một bộ máy bạo lực, họ sử dụng thứ vũ khí phù hợp với trình độ kỹ thuật của mỗi thời đại. Và chỉ khi nào chúng ta xét những sự kiện có tính chất chung đó, chỉ khi nào chúng ta tự hỏi tại sao lại không có nhà nước khi không có giai cấp, không có người bóc lột và người bị bóc lột, và tại sao nhà nước lại xuất hiện khi các giai cấp xuất hiện - chỉ khi đó chúng ta mới tìm thấy một câu trả lời dứt khoát cho vấn đề bản chất và ý nghĩa của nhà nước.
Nhà nước là một bộ máy dùng để duy trì sự thống trị của một giai cấp này đối với giai cấp khác. Khi xã hội còn chưa có giai cấp, khi con người, trước thời nô lệ, còn lao động trong các điều kiện nguyên thuỷ có nhiều bình đẳng hơn và năng suất lao động còn hết sức thấp, khi con người nguyên thuỷ đã phải rất khó nhọc mới tìm ra được các tư liệu sinh hoạt hết sức thô sơ và nguyên thuỷ của mình thì khi đó không có và cũng không thể có một nhóm người đặc biệt chuyên trách cai trị và thống trị bộ phận còn lại trong xã hội. Chỉ khi nào xuất hiện hình thức đầu tiên của sự phân chia xã hội thành giai cấp, khi nào xuất hiện chế độ nô lệ, khi nào một giai cấp nhất định gồm những người chuyên môn làm những công việc lao động nông nghiệp dưới những hình thức thô lậu nhất, đã có thể sản xuất ra được một số dư thừa nào đó, và khi nào số dư thừa đó, không phải là tuyệt đối cần thiết cho đời sống hết sức khổ cực của người nô lệ, đã bị người chủ nô chiếm đoạt, và khi do đó, sự tồn tại của giai cấp chủ nô được củng cố, thì lúc đó, để sự tồn tại ấy được củng cố, nhà nước mới phải xuất hiện.
Thế là xuất hiện nhà nước của chế độ nô lệ, một bộ máy đem lại cho chủ nô quyền lực và khả năng cai trị tất cả những người nô lệ. Cả xã hội lẫn nhà nước hồi đó thì nhỏ bé hơn bây giờ nhiều; có những phương tiện liên lực thô sơ hơn bây giờ nhiều: lúc đó chưa có phương tiện giao thông như hiện nay. Hồi đó, núi, sông, biển là những trở ngaị lớn hơn bây giờ nhiều, và nhà nước cũng hình thành trong những biên giới địa lý nhỏ hẹp hơn nhiều. Bộ máy nhà nước, rất kém về mặt kỹ thuật, lúc đó phục vụ cho một quốc gia có biên giới tương đối nhỏ hẹp và có phạm vi hoạt động hạn chế. Song đó vẫn là một bộ máy dùng để duy trì những người nô lệ trong địa vị nô lệ, và cho phép một bộ phận này của xã hội cưỡng bức và đàn áp bộ phận kia. Người ta không thể bắt buộc được đại bộ phận của xã hội làm việc thường xuyên cho bộ phận khác nếu không có một bộ máy cưỡng bức thường trực. Chừng nào chưa có giai cấp thì chưa có bộ máy đó. Khi các giai cấp đã xuất hiện, bao giờ và bất cứ ở đâu mà sự phân chia giai cấp ngày càng rõ rệt và cố định, thì người ta cũng đều thấy xuất hiện một tổ chức đặc biệt là nhà nước. Nhà nước có hết sức nhiều hình thức khác nhau. Trong thời đại nô lệ, ở các nước tiên tiến nhất, khai hoá nhất và văn minh nhất của thời đại ấy, chẳng hạn như Hy-lạp và La-mã thời cổ, là những nước hoàn toàn kiến lập trên chế độ nô lệ, chúng ta đã thấy có nhiều hình thức nhà nước khác nhau. Bấy giờ, người ta đã phân biệt chính thể quân chủ và chính thể cộng hoà, chính thể quý tộc và chính thể dân chủ. Chính thể quân chủ, tức là chính quyền của một người; trong chính thể cộng hoà, thì không một quyền lực nào là không phải do bầu cử mà có; chính thể quý tộc, tức là chính quyền của một thiểu số tương đối nhỏ hẹp; chính thể dân chủ, tức là chính quyền của nhân dân (nền dân chủ, theo nguyên nghĩa trong tiếng Hy-lạp là: chính quyền của nhân dân). Tất cả các sự phân biệt ấy đã xuất hiện trong thời đại chế độ nô lệ. Mặc dù có khác nhau như thế, nhưng nhà nước, trong thời đại chế độ nô lệ, dù là quân chủ hay cộng hoà quý tộc hay cộng hoà dân chủ, đều là nhà nước chủ nô.
Tất cả các sách giáo khoa về lịch sử thời cổ, tất cả các bài giảng nói về vấn đề đó sẽ trình bày cho các đồng chí cuộc đấu tranh giữa các nhà nước quân chủ và cộng hoà; nhưng điều căn bản là người nô lệ lúc ấy không được coi là người; không những không được coi là công dân, mà cũng không được coi là người nữa. Theo quan điểm của luật pháp La-mã, họ là các đồ vật. Không nói đến các luật lệ khác về bảo vệ cá nhân, ngay các luật lệ về tội giết người cũng không áp dụng cho người nô lệ. Luật pháp chỉ bảo vệ chủ nô là những người duy nhất có mọi quyền công dân. Nhưng dù là quân chủ hay cộng hoà, đó vẫn là chính thể quân chủ chủ nô hoặc cộng hoà chủ nô. Tất cả các quyền đều thuộc về chủ nô, còn nô lệ thì chỉ là đồ vật dưới con mắt pháp luật; tất cả mọi thứ bạo lực đều có thể dùng đối với nô lệ, ngay cả giết một người nô lệ cũng không coi là phạm tội. Các cộng hoà chủ nô có khác nhau về tổ chức nộ bộ: có những cộng hoà quý tộc và những cộng hoà dân chủ. Trong một cộng hoà quý tộc, chỉ một số ít người có đặc quyền được tham gia bầu cử; trong một cộng hoà dân chủ thì tất cả mọi người đều được tham gia bầu cử, - nhưng đây cũng lại là tất cả mọi người chủ nô, tất cả mọi người, trừ những người nô lệ. Chúng ta không nên quên trường hợp chủ yếu đó, vì chính nó soi sáng vấn đề nhà nước hơn cả và làm sáng rõ bản chất của nhà nước.
Nhà nước là một bộ máy để cho giai cấp này áp bức giai cấp khác, một bộ máy dùng để duy trì dưới sự thống trị của một giai cấp tất cả các giai cấp bị lệ thuộc khác. Bộ máy đó mang nhiều hình thức khác nhau. Trong nhà nước chủ nô, có chính thể quân chủ, chính thể cộng hoà qúy tộc, hoặc ngay cả chính thể cộng hoà dân chủ nữa. Thực ra, hình thức chính quyền có khác nhau hết sức, nhưng nội dung vẫn không thay đổi: nô lệ không có quyền gì cả và vấn là một giai cấp bị áp bức, họ không được coi là người. Trong nhà nước phong kiến cũng vậy.
Sự thay đổi hình thức bóc lột đã biến nhà nước chủ nô thành nhà nước nông nô. Điều đó có một ý nghĩa to lớn. Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, nô lệ không có quyền gì cả, không được coi là người, trong xã hội nông nô, nông dân bị trói buộc vào ruộng đất. Đặc điểm căn bản của chế độ nông nô là ở chỗ nông dân (nông dân hồi đó chiếm đa số, dân cư thành thị hãy còn rất ít) được coi là bị trói buộc vào ruộng đất; do đó mà có khái niệm chế độ nông nô. Người nông nô có thể lao động một số ngày nhất định cho chính mình, trên miếng đất mà địa chủ giao cho họ; còn những ngày khác, họ làm việc cho chủ họ. Bản chất của xã hội có giai cấp vẫn tồn tại: xã hội dựa trên sự bóc lột giai cấp. Chỉ riêng các địa chủ là có đủ mọi quyền, còn nông dân thì không có quyền gì cả. Trên thực tế, địa vị của nông dân chỉ khác rất ít địa vị của nô lệ trong xã hội chiếm hữu nô lệ. Tuy nhiên, một con đường rộng rãi hơn đã mở ra cho sự giải phóng của họ, cho sự giải phóng của nông dân, vì nông nô không bị coi là vật sở hữu trực tiếp của địa chủ. Họ có thể dùng một phần thì giờ để làm việc trên miếng đất của họ; có thể nói rằng con người họ đã có thể thuộc vvề họ đến một mức độ nào đó; còn chế độ phong kiến đã chứa sẵn những khả năng phát triển lớn hơn cho những sự trao đổi và những quan hệ thương mại, nên nó ngày càng tan rã, và phạm vi của sự giải phóng nông dân cũng ngày càng mở rộng hơn. Xã hội phong kiến bao giờ cũng phức tạp hơn xã hội chiếm hữu nô lệ. Nó có một yếu tố lớn là sự phát triển thương mại và công nghiệp; điều đó, ngay từ thời kỳ ấy đã dẫn đến chủ nghĩa tư bản. Trong thời trung cổ, chế độ nông nô chiếm ưu thế. Cả trong thời ấy nữa, các hình thức nhà nước cũng khác nhau, cả trong thời ấy nữa, cũng có cả chính thể quân chủ lẫn chính thể cộng hoà, tuy nhiên chính thể cộng hoà này biểu hiện ít rõ rệt hơn nhiều; nhưng bao giờ bọn địa chủ phong kiến cũng vẫn được công nhân là giai cấp thống trị duy nhất. Người nông dân nông nô thì hoàn toàn không có quyền chính trị gì cả.
Dưới chế độ nô lệ cũng như dưới chế độ nông nô, việc một thiểu số nhỏ thống trị tuyệt đại đa số thì không thể không dùng đến cưỡng bức. Toàn bộ lịch sử đều đầy dẫy những mưu toan không ngừng của các giai cấp bị áp bức nhằm lật đổ ách áp bức. Trong lịch sử chế độ nô lệ đã có những cuộc chiến tranh kéo dài hàng chục năm nhằm tự giải phóng khỏi ách nô lệ. Tiện thể. Hiện nay những người cộng sản Đức - là đảng duy nhất của nước Đức đang đấu tranh thực sự chống ách áp bức của chủ nghĩa tư bản - lấy tên là Xpác-ta-cút, vì Xpác-ta-cút, gần hai nghìn năm về trước, là một trong những vị anh hùng lỗi lạc nhất của một trong những cuộc khởi nghĩa lớn nhất của nô lệ. Trong nhiều năm ròng, đế quốc La-mã, hoàn toàn kiến lập trên chế độ nô lệ và tưởng chừng như hùng cường nhất, đã bị rung động và lay chuyển bởi một cuộc khởi nghĩa to lớn của những người nô lệ, họ đã tự võ trang và tập hợp thành một đạo quân rất lớn dưới sự chỉ huy của Xpác-ta-cút. Nhưng cuối cùng, họ đã bị bọn chủ nô tàn sát, bắt bớ và tra tấn. Các cuộc nội chiến ấy đã liên tiếp diễn ra trong suốt lịch sử của xã hội có giai cấp. Tôi vừa dẫn ra ví dụ về cuộc nội chiến quan trọng nhất trong thời chế độ nô lệ. Toàn bộ thời đại nông nô cũng đầy dẫy những cuộc khởi nghĩa của nông dân. Ví dụ như ở Đức, cuộc đấu tranh giữa giai cấp phong kiến và giai cấp nông nô, trong thời trung cổ, đã có những quy mô rộng lớn và biến thành một cuộc nội chiến thực sự giữa hai giai cấp: giữa nông dân và bọn phong kiến. Tất cả các đồng chí đều biết nhiều ví dụ về những cuộc khởi nghĩa nông dân như thế chống bọn chúa phong kiến, cả ở Nga nữa.
Để duy trì sự thống trị của nó, để bảo vệ chính quyền của nó, chúa phong kiến phải có một bộ máy tập hợp và thu phục một số rất đông người, bắt họ phải tuân theo những luật pháp và quy chế nhất định; và về căn bản, tất cả các luật pháp đó chung quy chỉ là nhằm một mục đích: duy trì chính quyền của chúa phong kiến dối với nông nô. Đó chính là nhà nước phong kiến, nhà nước này - ở Nga chẳng hạn, hoặc ở các nước rất lạc hậu ở châu á là nơi mà cho đến nay vẫn còn chế độ nông nô - đều có các hình thức khác nhau: hoặc là cộng hoà, hoặc là quân chủ. Khi nhà nước là chế độ quân chủ, thì nghĩa là chính quyền của một người được công nhận; khi nhà nước là chế độ cộng hoà thì sự tham gia ít nhiều rộng rãi của các đại biểu của bọn địa chủ được công nhân; điều đó đã có một số xã hội dựa trên chế độ nông nô. Xã hội phong kiến biểu hiện một sự phân chia giai cấp, trong đó tuyệt đại đa số là nông nô bị lệ thuộc hoàn toàn vào một thiểu số rất nhỏ là bọn chúa phong kiến, những kẻ chiếm hữu ruộng đất.
Sự phát triển của thương mại, sự phát triển của trao đổi hàng hoá làm xuất hiện một giai cấp mới: giai cấp những nhà tư bản. Tư bản xuất hiện vào cuối thời trung cổ, khi mà nền thương mại thế giới, sau khi tìm ra châu Mỹ, đã có một đà phát triển phi thường, khi mà số lượng các kim khí quý đã tăng lên, khi mà vàng và bạc đã trở thành một phương tiện trao đổi, khi mà lưu thông tiền tệ làm cho vô số của cải tích luỹ trong tay riêng một bọn người. Vàng và bạc đã được công nhân là của cải trên toàn thế giới. Lực lượng kinh tế của giai cấp địa chủ bị suy tàn, trong khi đó thì sức mạnh của một giai cấp mới lại lớn lên, đó là giai cấp những đại biểu của tư bản. Sự cải tạo xã hội đã nhằm làm cho tất cả các công dân dường như được bình đẳng, nhằm xoá bỏ sự phân chia cũ thành chủ nô và nô lệ và kiến lập quyền bình đẳng của mọi người trước pháp luật, không kể số tư bản họ có trong tay là bao nhiêu: chủ đất đai hay người cùng khổ chỉ có hai cánh tay để lao động, tất cả đều trở nên bình đẳng trước pháp luật. Pháp luật bảo vệ mọi người như nhau; nó bảo vệ tài sản của những người có của chống lại sự xâm phạm của cái khối lớn những người không có của, không có gì cả ngoài hai cánh tay, và dần dần bị bần cùng hoá, bị phá sản và biến thành vô sản. Đó là xã hội tư bản chủ nghĩa.
Tôi không thể phân tích điểm đó một cách chi tiết hơn nữa. Các đồng chí sẽ trở lại vấn đề này khi các đồng chí nghiên cứu cương lĩnh của đảng: lúc đó, người ta sẽ nói với các đồng chí cái gì là đặc điểm của xã hội tư bản. Xã hội đó đã chống lại chế độ phong kiến, chống lại chế độ cũ, chống lại chế độ nông nô, dưới khẩu hiệu tự do. Nhưng đó là một thứ tự do cho người có của. Và khi chế độ nông nô đã bị xoá bỏ, vào cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIXI - ở nước Nga, muộn hơn các nơi khác, vào năm 1861 - thì nhà nước tư bản thay thế cho nhà nước phong kiến; nó tuyên bố mọi người đều được tự do, nó nói rằng nó là biểu hiện ý chí của tất cả mọi người, nó không nhận nó là một nhà nước giai cấp; thế là giữa những người xã hội chủ nghĩa đấu tranh cho tự do của toàn thể nhân dân và nhà nước tư bản diễn ra một cuộc đấu tranh, nó vừa đưa đến việc thành lập nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa xô-viết và đang lan tràn khắp thế giới.
Muốn hiểu rõ cuộc đấu tranh đã bắt đầu để chống tư bản thế giới, muốn hiểu rõ bản chất của nhà nước tư bản, chúng ta cần nhớ rằng khi nhà nước này chống chế độ phong kiến, thì nó cũng đứng ra chiến đấu dưới khẩu hiệu tự do. Thủ tiêu chế độ nông nô có nghĩa là tự do cho những đại biểu của nhà nước tư bản và có lợi cho họ trong chừng mực chế độ nông nô bị lật đổ, và người nông dân có thể có quyền sở hữu hoàn toàn về mảnh đất mà họ đã có được bằng cách trả tô; điều này không quan hệ gì mấy đối với nhà nước: nhà nước bảo vệ mọi tài sản, không kể nguồn gốc của tài sản đó như thế nào, vì nhà nước dựa trên chế độ tư hữu tài sản. Nông dân đã trở thành những người tư hữu trong tất cả các nước văn minh hiện đại. Nhà nước cũng bảo vệ chế độ tư hữu ở nơi nào mà người chủ đất đã giao lại một phần ruộng đất của mình cho nông dân, nhà nước bồi thường cho chủ đất bằng cách chuộc lại bằng tiền. Nhà nước tựa như tuyên bố sẽ duy trì quyền tư hữu đầy đủ và trọn vẹn, và nhà nước hoàn toàn ủng hộ và bảo vệ quyền tư hữu. Nhà nước lại công nhân quyền sở hữu đó cho mỗi nhà buôn, cho mỗi nhà công nghiệp hoặc chủ công xưởng. Và xã hội đó, kiến lập trên chế độ tư hữu, trên quyền lực của tư bản, trên sự lệ thuộc hoàn toàn của tất cả các công nhân vô sản và quần chúng nông dân lao động, - xã hội ấy lại tuyên bố rằng sự thống trị của nó là dựa trên cơ sở tự do. Khi đấu tranh chống chế độ nông nô, xã hội đó đã tuyên bố mọi quyền sở hữu đều được tự do và nó lại đặc biệt tự hào cho rằng nhà nước không còn là nhà nước giai cấp nữa.
Nhưng nhà nước vẫn là một bộ máy giúp cho bọn tư bản giữ nông dân nghèo khổ và giai cấp công nhân trong vòng lệ thuộc; song bề ngoài, nhà nước đó là tự do. Nó tuyên bố quyền đầu phiếu phổ thông; tuyên bố, qua lời nói của những kẻ ủng hộ nó, của các nhà tuyên truyền, các nhà bác học và các nhà triết học của nó, rằng nó không phải là một nhà nước giai cấp. Ngay cả ngày nay, khi mà các nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa xô-viết bắt đầu đấu tranh chống lại nó, bọn đó vẫn vu cáo chúng ta là vi phạm tự do, là xây dựng lên một nhà nước dựa trên sự cưỡng bức, trên sự đàn áp của những người này đối với những người kia, còn họ thì họ đại biểu cho nhà nước của toàn dân, nhà nước dân chủ. Và hiện nay, khi cách mạng xã hội chủ nghĩa đã bắt đầu trên toàn thế giới, chính vào lúc cách mạng thắng ở một số nước, khi cuộc đấu tranh chống tư bản toàn thế giới đã trở nên đặc biệt quyết liệt thì vấn đề nhà nước đã có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng, có thể nói là đã trở thành vấn đề nóng hổi nhất, trở thành trung tâm của mọi vấn đề chính trị và mọi cuộc tranh luận chính trị trong thời đại hiện nay.
Chúng ta cứ xét bất cứ đảng nào ở Nga hay ở một nước nào văn minh hơn, thì thấy hiện nay, hầu hết mọi cuộc tranh luận chính trị, mọi sự bất đồng ý kiến, mọi chính kiến đều xoay quanh khái niệm nhà nước. Trong một nước tư bản, trong một nước cộng hoà dân chủ, - nhất là ở một nước như Thuỵ Sĩ hoặc Mỹ chẳng hạn, - trong các nước cộng hoà dân chủ tự do nhất, nhà nước là biểu hiện ý chí của nhân dân, là tổng hợp những quyết định của toàn dân, là biểu hiện ý chí của dân tộc, v.v., hay lại là một bộ máy mà bọn tư bản các nước ấy dùng để duy trì quyền lực của họ đối với giai cấp công nhân và nông dân? Đó là vấn đề cơ bản mà hiện nay các cuộc tranh luận chính trị trên toàn thế giới đang bàn tới. Người ta nói gì về chủ nghĩa bôn-sê-vích? Báo chí tư sản đang mạt sát những người bôn-sê-vích. Các đồng chí sẽ không tìm thấy một tờ báo nào mà lại không lặp lại luận điện vu cáo đã trở nên thông thường cho rằng người bôn-sê-vích vi phạm dân chủ. Nếu bọn men-sê-vích và bọn xã hội - cách mạng ở nước ta, trong tâm hồn ngây thơ của họ (nhưng ở đây có lẽ là cái gì khác hẳn sự ngây thơ, hoặc có lẽ là thứ ngây thơ mà người ta bảo là tệ hơn sự thâm hiểm chăng?), nghĩ rằng họ đã phát hiện và phát minh ra được lời vu cáo nói rằng những người bôn-sê-vích đã vi phạm tự do và dân chủ, thì họ đã lầm một cách đáng buồn cười nhất. Hiện nay, không có một tờ báo nào trong số những tờ báo giàu có nhất ở các nước giàu có nhất - những tờ báo tiêu hàng chục triệu đồng vào việc phát hành hàng chục triệu bản để gieo rắc luận điệu tư sản dối trá và ca tụng chính sách đế quốc chủ nghĩa - lại không lặp lại những lý lẽ ấy và những lời buộc tội ghê gớm đó đối với những người bôn-sê-vích, rằng Mỹ, Anh và Thuỵ sĩ đều là những nhà nước tiên tiến, nhân dân có chủ quyền, còn cộng hoà bôn-sê-vích là một nhà nước của bọn ăn cướp, không biết tự do là gì, rằng những người bôn-sê-vích đã vi phạm ngay cả tư tưởng dân quyền và họ thậm chí đã đi đến chỗ giải tán Quốc hội lập hiến. Các lời buộc tội ghê gớm ấy đối với những người bôn-sê-vích được lặp đi lặp lại trên toàn thế giới. Tất cả những lời buộc tội đó đều đưa chúng ta đến vấn đề: nhà nước là gì? Muốn hiểu được những lời buộc tội ấy, và muốn nghiên cứu, muốn phân tích những lời ấy một cách hoàn toàn tự giác, và không chỉ căn cứ vào những lời đồn đạimà để có một nhận định vững chắc, thì ta cần phải hiểu rõ nhà nước là gì. ở đây, chúng ta có đủ các loại nhà nước tư bản và tất cả các lý luận đã được tạo ra trước chiến tranh để biện hộ cho các loại nhà nước ấy. Muốn doanh nghiệp giải quyết đúng đắn vấn đề đó, ta phải xét tất cả các lý luận và quan điểm ấy bằng con mắt phê phán.
Để giúp cho công tác nghiên cứu của các đồng chí, tôi đã giới thiệu với các đồng chí tác phẩm của Ăng-ghen: "Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước". Chính trong tác phẩm này có nói rằng mọi nhà nước, dù dân chủ đến đâu chăng nữa, nếu trong đó còn có quyền tư hữu về ruộng đất và về tư liệu sản xuất, trong đó tư bản còn thống trị, thì đều là một nhà nước tư bản chủ nghĩa, một bộ máy nằm trong tay bọn tư bản để khống chế giai cấp công nhân và nông dân nghèo. Mà quyền đầu phiếu phổ thông, Quốc hội lập hiến, nghị viện đều chỉ là hình thức, chỉ là một thứ hối phiếu, không thay đổi được gì về thực chất cả.
Hình thức thống trị của nhà nước có thể khác nhau: tư bản biểu thị sức mạnh của nó bằng cách này ở nơi có hình thức này, hoặc bằng cách khác ở nơi có hình thức khác; nhưng thực ra thì chính quyền vẫn ở trong tay tư bản, dù là dưới chế độ bầu cử dựa trên thuế suất hay không dựa trên thuế suất, dù là dưới chế độ cộng hoà dân chủ hay không; và thậm chí chế độ cộng hoà càng dân chủ thì sự thống trị của chủ nghĩa tư bản càng tàn bạo, càng vô liêm sỉ. Nước Mỹ là mọt trong những nước cộng hoà dân chủ nhất thế giới, nhưng không ở đâu quyền lực của tư bản, quyền lực của một nhúm bọn tỷ phú đối với toàn thể xã hội lại biểu hiện một cách thô bạo, bằng sự mua chuộc trắng trợn như ở Mỹ (ai đã ở đó sau năm 1905 chắc đều nhận thấy điều này). Một khi đã xuất hiện, thì tư bản thống trị toàn thể xã hội, và không một chế độ cộng hoà dân chủ nào, không một luật bầu cử nào có thể thay đổi được tình trạng đó.
So với chế độ nông nô, thì chế độ cộng hoà dân chủ và chế độ đầu phiếu phổ thông là một bước tiến rất lớn: những cái đó đã làm cho giai cấp vô sản có thể đạt đến trình độ thống nhất, đoàn kết mà hiện nay nó đã có được; làm cho giai cấp vô sản có thể thành lập đội ngũ có kỷ luật và có tổ chức để tiến hành một cuộc đấu tranh có hệ thống chống lại tư bản. Điều đó và ngay cả điều gần như thế, người nông nô đã không có được, chứ đừng nói gì người nô lệ. Chúng ta điều biết nô lệ đã nổi dậy khởi nghĩa, đã làm các cuộc bạo động, đã làm bùng nổ các cuộc nội chiến, nhưng họ không bao giờ có thể hợp thành một đa số tự giác, lập ra các chính đảng có khả năng lãnh đạo cuộc đấu tranh của họ; họ không thể có một ý niệm rõ ràng về mục đích mà họ theo đuổi; và ngay trong các thời kỳ cách mạng nhất của lịch sử, họ vẫn luôn luôn là những quân cờ trong tay các giai cấp thống trị. Chế độ cộng hoà tư sản, nghị viện, đầu phiếu phổ thông, - tất cả những cái đó, xét về phương diện phát triển của xã hội trên toàn thế giới, đều là một bước tiến rất lớn. Nhân loại đã đi tới chủ nghĩa tư bản; và chỉ có chủ nghĩa tư bản, nhờ có nền văn hoá thành thị, mới có thể làm cho giai cấp vô sản bị áp bức giác ngộ về địa vị của mình và tạo nên một phong trào công nhân thế giới, tổ chức hàng triệu công nhân trên toàn thế giới thành những chính đảng - đảng xã hội chủ nghĩa - lãnh đạo cuộc đấu tranh của quần chúng một cách tự giác. Nếu không có chế độ đại nghị, không có nguyên tắc bầu cử, giai cấp công nhân sẽ không thể phát triển như thế được. Đáy là lý do tại sao quảng đại quần chúng rất coi trọng tất cả những cái đó. Đấy là lý do tại sao bước ngoặt lại có vẻ khó khăn đến thế. Không phỉa chỉ có bọn người cố ý giả dối, bọn học giả và bọn giáo sĩ mới kiên trì và bảo vệ luận điệu tư sản dối trá nói rằng nhà nước có tự do và có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của mọi người, mà cả đông đảo những người khác nữa cũng vậy, đó là những người đã thành thực lặp lại những thành kiến cũ rích và không thể hiểu nổi bước chuyển từ xã hội cũ, tư bản chủ nghĩa lên chủ nghĩa xã hội. Không phải chỉ có những người lệ thuộc trực tiếp vào giai cấp tư sản, bị tư bản áp bức hay bị nó mua chuộc (phục vụ tư bản là một đám đông những học giả, nghệ sĩ, giáo sĩ, v.v. thuộc tất cả các loại), mà cả những người chỉ bị ảnh hưởng bởi những thành kiến về tự do tư sản, - tất cả những người đó trên toàn thế giới, đều khai chiến với chủ nghĩa bôn-sê-vích, bởi vì khi mới thành lập, nước Cộng hoà xô-viết đã vứt bỏ luận điệu tư sản dối trá ấy và tuyên bố công khai rằng: các người cho nhà nước của các người có tự do, nhưng thực ra, chừng nào mà chế độ tư hữu còn, thì nhà nước của các người, dù là cộng hoà dân chủ, cũng chỉ là một bộ máy ở trong tay bọn tư bản để đàn áp công nhân, và nhà nước càng ưự do thì điều đó càng lộ ra rõ rệt hơn. Nước Thuỵ Sĩ ở châu âu, nước Hoa kỳ ở châu Mỹ, là một tỷ dụ nói lên điều đó. Không ở đâu sự thống trị của tư bản lại vô liêm sỉ và tàn nhẫn bằng ở các nước đó, và điều này không ở đâu lại rõ rệt bằng ở các nước đó, tuy rằng đó là những cộng hoà dân chủ, mặc dù có nguỵ trang khéo léo, mặc dù có tất cả mọi luận điệu về dân chủ đối với người lao động, về quyền bình đẳng của mọi người công dân. Thật ra, ở Thuỵ Sĩ và ở Mỹ, chính là tư bản thống trị, và hễ khi nào công nhân mưu toàn đòi cải thiện thiết thực đời sống của mình đôi chút thì người ta liền dùng ngay nội chiến để ứng phó lại. Các nước đó là những nước có ít binh lính, ít quân đội thường trực hơn cả: ở Thuỵ Sĩ có các đội dân vệ, và mỗi người Thuỵ sĩ đều có súng trong nhà; cho đến nay, nước Mỹ chưa có quân đội thường trực. Bởi vậy, khi có một cuộc bãi công nổ ra, thì giai cấp tư sản tự võ trang, tuyển mộ binh lính và đàn áp cuộc bãi công, và không ở đâu phong trào công nhân lại bị đàn áp dữ dội như ở thuỵ sĩ và ở Mỹ; không ở đâu ảnh hưởng của tư bản lại tác động mạnh mẽ đến nghị viện như ở hai nước đó. Sức mạnh của tư bản là tất cả, sở giao dịch là tất cả, còn nghị viện, các cuộc bầu cử chỉ là những con rối, những bù nhìn mà thôi... Nhưng thời gian càng trôi qua thì công nhân càng sáng mắt ra, tư tưởng về Chính quyền xô-viết càng lan rộng, nhất là sau cuộc thảm sát đẫm máu mà chúng ta vừa trải qua. Giai cấp công nhân ngày càng thấy rõ là cần phải đấu tranh quyết liệt chống bọn tư bản.
Dù chính thể cộng hoà mang hình thức nào chăng nữa, ngay cả là cộng hoà dân chủ nhất, nhưng nếu đó là một cộng hoà tư sản, nếu quyền tư hữu ruộng đất, quyền tư hữu về nhà máy và công xưởng còn tồn tại trong nước cộng hoà đó, và nếu ở đấy toàn thể xã hội còn bị tư bản tư nhân duy trì trong chế độ nô lệ làm thuê, nói một cách khác, nếu ở đấy người ta không thực hiện những điều mà cương lĩnh của đảng ta và Hiến pháp xô-viết đã công bố, thì nhà nước đó vẫn là một bộ máy để cho những người này áp bức những người khác. Và bộ máy đó, chúng ta sẽ đặt vào trong tay của giai cấp có nhiệm vụ đánh đổ chính quyền của tư bản. Chúng ta sẽ vứt bỏ tất cả những thành kiến cũ kỹ cho rằng nhà nước là sự bình đẳng cho tất cả mọi người. Đó chỉ là một sự lừa bịp: chừng nào còn có bóc lột thì không thể có bình đẳng được. Địa chủ không thể bình đẳng với công nhân, cũng như người đói không thể bình đẳng với người no được. Bộ máy đó, mà người ta gọi là nhà nước, mà mọi người sùng bái một cách mê tín và tin vào các câu chuyện hoang đường cũ rích nói rằng nhà nước là chính quyền của toàn dân, - bộ máy đó, giai cấp vô sản vứt bỏ nó đi và nói: đó là một sự dối trá của tư sản. Bộ máy đó, chúng ta đã tước của bọn tư bản, chúng ta đã nắm lấy nó. Nhờ bộ máy đó hoặc nhờ cái gậy đó, chúng ta sẽ đập tan được mọi sự bóc lột, và khi nào trên quả đất không còn có khả năng bóc lột người khác nữa, không còn có chủ đất, chủ công xưởng, không còn có một bên là những người no kềnh bụng và một bên là những người đói lả nữa, - chỉ khi nào không thể có tình trạng đó nữa, thì chúng ta mới vứt bỏ được bộ máy ấy vào đống sắt vụn. Khi ấy, sẽ không có nhà nước, không có bóc lột. Đó là quan điểm của đảng cộng sản chúng ta. Tôi mong rằng chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong các buổi nói chuyện sau, và trở lại nhiều lần.
--------------------
Chú thích
[1] Bài giảng đọc tại trường đại học xvéc-đlốp (ngày 11 tháng bảy 1919). Đăng lần đầu tiên trên báo "Sự thật", số 15, ngày 18 tháng Giêng 1929.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top