Bạn Trẻ Và Kỹ Năng Sống
Lời nói đầu Bạn trẻ và kỹ năng sống
Đứng giữa cuộc đời bao la và rộng lớn mới thấy mình nhỏ bé. Đứng giữa một khoảng đất chật hẹp mới thấy mình vĩ đại làm sao. Triết lý từ ngàn đời ấy vẫn còn nguyên giá trị cho đến thời đại này nếu mỗi người có cơ hội "đặt" mình vào những hoàn cảnh và điều kiện khác nhau.
Cuộc sống đầy thách thức của ngày hôm nay cho thấy, hành trang để bước vào đời không thể thiếu những suy nghĩ hay những giá trị thấm đẫm nguyên lý rất đời thường nhưng cực kỳ "con người" như thế.
Không thể phủ nhận rằng nếu chỉ có suy nghĩ hay nhận thức thì khó có thể hướng đến thành công. Sự thành công chỉ thực sự đến với những người biết làm chủ hoàn cảnh và có khả năng chinh phục hoàn cảnh. Điều đó tựu trung ở một thuật ngữ rất quan trọng, đó là kỹ năng. Vì vậy, kỹ năng sống sẽ là hành trang không thể thiếu được của các bạn trẻ khi bước vào đời.
Không thể phủ nhận về những áp lực trong cuộc sống ngày nay, không thể không quan tâm đến những thách thức trong công việc, trong quan hệ cá nhân hay quan hệ xã hội. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bị quay cuồng giữa dòng xoáy ấy và không thể "ghìm" lại hay trụ lại được bằng những kỹ năng đích thực? Chắc chắn đó sẽ là sự thất bại, sự căng thẳng và hơn thế nữa là những hậu quả đáng buồn khác.
Không thể không đề cập đến những hiện tượng vô cảm ở bạn trẻ, trầm cảm ở một số người trưởng thành, stress ở những công nhân - sinh viên hay thậm chí là tự tử và hủy hoại cuộc đời mình ở một số người trong cuộc sống ngày nay. Vì sao lại thế? Một nguyên tắc rất đơn giản là khi con người chưa thực sự có nội lực về mặt tâm lý và chưa có những kỹ năng cần thiết để sống tốt, chắc chắn những người bạn đồng hành không mời mà đến như trên sẽ xuất hiện ngay lập tức.
Bạn trẻ với những kỹ năng sống cần thiết là một vấn đề thu hút sự quan tâm của những người làm công tác hoạch định chiến lược, công tác giáo dục và những công việc có liên quan đến việc hỗ trợ thế hệ trẻ.
Đó sẽ là một thách thức khi chọn lọc những kỹ năng cần thiết để định hướng cho các bạn trẻ, giúp các bạn trẻ vươn lên và vững vàng bước vào cuộc sống, hỗ trợ các bạn trẻ hướng đến sự thành công... nhưng chắc chắn rằng những gì trong cuốn sách đề cập đều là những mối quan tâm của nhà chuyên môn khi tìm hiểu nhu cầu của các bạn trẻ.
Hành trang vào đời của mỗi bạn trẻ có cả những tri thức chuyên môn, những kỹ năng nghề nghiệp nhưng chắc chắn cũng không thể thiếu những kỹ năng làm người và những kỹ năng sống cần thiết.
Biết sống, làm việc, chinh phục và làm chủ cuộc sống sẽ là ước mơ không quá xa vời, sẽ là khát khao cực kỳ chân chính của những bạn trẻ biết trang bị cho mình những kỹ năng sống cần thiết và hữu ích.
Kỹ năng sống - hành trang cần có của thanh niên hiện đại
Có thể nhận thấy kỹ năng sống là một trong những vấn đề được nhiều cá nhân và tổ chức quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Nói một cách phổ quát, nó là hành trang quan trọng giúp các bạn trẻ vào đời. Do vậy, chương trình tập huấn "bạn trẻ và kỹ năng sống" đã tạo được mối quan tâm thực sự của các bạn trẻ.
Những chia sẻ thành tâm, những tâm sự, khao khát, những ước mơ rất mãnh liệt đã bộc bạch cho thấy hành trang vào đời cần phải thực sự vững vàng và chắc chắn.
Tâm sự của những người trong cuộc
Nếu chưa thực sự trải nghiệm những khó khăn trong cuộc sống, con người thường tự cho rằng mình có thể giải quyết tất cả những vấn đề dù chúng có phức tạp - gian nan đến đâu. Nếu chưa bao giờ đối mặt với thất bại, một số cá nhân cho rằng mình luôn luôn vững vàng đến mức khái niệm xung đột hay rối nhiễu sẽ không bao giờ xảy đến với mình, dù chỉ trong tiềm thức...
Thế nhưng, khi tiếp cận với những kỹ năng cụ thể, nhiều bạn trẻ đã tìm được chính mình. Bạn N. T. tâm sự: "Trước đó, tôi cứ tưởng mình rất hiểu về chính mình nhưng sau khi học về nhận thức bản thân, tôi mới cảm thấy đôi lúc tôi chưa hiểu tôi... Bây giờ, tôi mới nhận ra bản thân tôi có nhiều điều cần khám phá... Tôi đã thực sự biết tôi là ai!" Thông điệp tôi là ai, tôi cần gì, tôi muốn gì... tưởng chừng là những câu hỏi rất đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể trả lời một cách chính xác.
Nhiều bạn sinh viên trong khóa huấn luyện đã trải qua nhiều cuộc thử sức của phong trào Đoàn - Hội, có học lực nổi trội nhưng vẫn không giải mã nổi những bí ẩn của cuộc đời mình. Vì thế, các bạn đều rất tích cực tham gia lớp huấn luyện các kỹ năng như: tự nhận thức bản thân, hoạch định mục tiêu cuộc đời, vượt qua khủng hoảng tâm lý... Nhiều bạn đã khẳng định rằng giá như em biết trước em là ai, giá như em biết lập kế hoạch cuộc đời mình thì hay biết mấy...
Không những thế, một trong những tâm sự rất thật của một bạn trẻ có thể làm nhiều người suy ngẫm khi cho rằng, con đường đi tìm hạnh phúc của em đã sai lầm. Trước đó, em luôn muốn bằng mọi giá để có thật nhiều tiền nhưng giờ đây em mới hiểu chìa khóa thật sự để tìm được hạnh phúc và em đã cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Ngay cả một bạn sinh viên vốn có khả năng nhưng luôn tự ám thị rằng mình rất kém cũng đã mạnh dạn và thẳng thắn khi nói rằng, bây giờ em mới biết em rất khá chứ không tệ hại như nhiều người đã nhận định và chính em cũng đã tự "ám thị" mình.
Bạn còn khẳng định: em khát khao sống, khát khao làm việc hơn cũng như quyết tâm sẽ không bao giờ bỏ qua những cơ hội chợt đến với mình... Kết quả cho thấy trong những tiêu chí đánh giá lớp học thì những tiêu chí về tính thực tiễn, tính ứng dụng, tính định hướng cá nhân... được đánh giá ở mức xuất sắc. Điều này phần nào cho thấy sinh viên nói chung và những người học nói riêng đã tìm được hình ảnh của chính mình và sự đồng cảm mang tính giao thoa đích thực.
Tính tương thích đầy triển vọng
Có thể nói, không mục tiêu nào sát sườn bằng việc những cá nhân tham gia khóa học kỹ năng sống vận dụng những điều họ được trang bị hiệu quả trong cuộc sống để có được thành công. Tiêu chí tương thích luôn là tiêu chí hàng đầu của bất kì một chương trình huấn luyện nào. Với chương trình huấn luyện kỹ năng sống, tiêu chí tương thích lại trở thành một trong những tiêu chí rất quan trọng để có thể tìm ra "đường dẫn" của những kỹ năng sống được "cô đặc" trong nội dung khoá học.
Dù chưa thể nói rằng hiệu quả của chương trình huấn luyện rất lớn, nhưng những đề tài tiểu luận của các bạn sinh viên tham dự khóa học cũng đã minh chứng phần nào cho tính tương thích của chương trình. Các bạn sinh viên đến từ những ngành nghề, trường học khác nhau nên sự lựa chọn cũng không thể giống nhau. Nhiều bạn trong khóa học đã nhận ra được sự cần thiết của những kỹ năng được học trong cuộc sống tương lai.
Kinh nghiệm làm việc nhóm của sinh viên Việt Nam và cách làm việc chuyên nghiệp là một trong những cách đặt vấn đề khá lý thú mà một sinh viên rất tâm đắc và chọn lựa làm tiểu luận kết thúc khóa học. Trong tâm sự của mình, bạn khẳng định rằng nếu như những bài toán hợp tác, biết chấp nhận người khác được giải mã thì vấn đề làm việc chuyên nghiệp của cá nhân hay của một nhóm sẽ trở nên vô cùng dễ dàng.
Một sinh viên có mối quan tâm về vấn đề này đã tâm sự: "Điều em tích lũy được và chắc chắn vận dụng được là biết chấp nhận đồng nghiệp. Đây cũng chính là thực tế ở khoa em và cơ quan - nơi em thực tập - không thể thực hiện dù rằng có rất nhiều thầy cô có học vị, học hàm cao... nhưng vẫn luôn không thể chấp nhận nhau vì cái tôi sắc nhọn của mỗi người". Thực tế định hướng của các sinh viên cũng minh chứng thêm về tính tương thích của những kỹ năng này khi chính các bạn định hướng cho bản thân mình trong việc vận dụng những kỹ năng cần có để có thể làm tốt công việc của mình trong tương lai.
Qua những đề tài về yêu cầu của truyền thông, hiệu quả truyền thông của nhân viên y tế, đến mảng đề tài về việc vận dụng kỹ năng hoạch định mục tiêu cuộc đời trong việc lập kế hoạch bản thân, các bạn sinh viên đều thể hiện một khát khao cháy bỏng. Có thể nhận thấy ở đây một điều rất quan trọng là người học đã khát khao được hiểu những gì mình học, được thấy những gì mình học, được thử vận dụng và trải nghiệm những gì mình học. Đó là những tín hiệu rất tích cực.
Thật khó có thể nhận thức về sự thay đổi của người tham gia huấn luyện nhưng mỗi sinh viên đều cảm nhận rằng, dường như trong họ có sự thay đổi. Kết luận này hoàn toàn không mang tính chủ quan và cảm tính mà có những luận cứ - luận chứng nhất định. Thói quen "ngồi ỳ - đồng ý" đã được lược bớt một cách rõ rệt, thay vào đó là nhu cầu tranh luận, nhu cầu khám phá đến tận cùng và kiểm nghiệm những điều đã nghe...
Không cần mất nhiều thời gian để lập nhóm, không cần phải bình bầu nhóm trưởng, không cần phải hướng dẫn theo kiểu cầm tay chỉ việc, không cần phải liên tục động viên mà chính những sinh viên đã thực sự thay đổi bản thân mình, họ tích cực chủ động thực hiện những việc đó một cách linh hoạt.
Nhiều chuyên viên hoặc giảng viên chuyên nghiên cứu và huấn luyện về kỹ năng sống tâm sự: "Chưa thể nói nhiều về những thành công trong tương lai nhưng chính sự thay đổi qua từng buổi học của một số cá nhân cũng như của cả nhóm học viên đã thực sự thu hút người dạy và đặt ra cho chúng tôi những thách thức mới".
Sự tương thích và giá trị "tác động" còn được thể hiện một cách sinh động qua lời tâm sự của M. P - sinh viên ngành kỹ thuật: "Trước đó, em không nghĩ đến chuyện mình phải thay đổi về tính cách vì em vốn là dân kỹ thuật. Em lại rất nóng tính và thẳng tính đến mức hơi vô duyên nhưng giờ đây, em thấy tính tình mình đã được kiềm chế lại khá nhiều qua những bài tập thực nghiệm về ứng xử - kiềm chế cảm xúc, vượt qua áp lực.
Em cảm thấy mình dễ thương hơn và nhiều người cũng nhận ra sự thay đổi này ở em...". Chúng tôi nhận thấy niềm vui của mỗi học viên đã lan tỏa một cách rất tự nhiên cảm xúc tích cực và tạo ra động lực để mỗi sinh viên của khóa huấn luyện đem những gì đã trải nghiệm - học tập đến với cuộc sống thực tế của chính mình cũng như đến với tương lai sau này như một hành trang cực kỳ quý báu và cần thiết.
Thách thức của cuộc sống luôn đòi hỏi mỗi cá nhân phải nỗ lực và quyết tâm nhiều hơn nữa. Con đường vẫn còn ở phía trước và những bạn trẻ tham dự khóa học cũng chỉ mới nhận ra được những kỹ năng cơ bản để có thể vững tin một cách tương đối khi bước vào đời. Không ai chắc rằng mình sẽ không vấp ngã nhưng học được tư thế ngã hợp lý, ít thương tổn cũng là một trong những vấn đề rất có giá trị với chính bạn.
Mỗi người vào đời sẽ chọn cho mình những hành trang khác nhau nhưng chắc chắn rằng những hành trang về kỹ năng sống là những hành trang không thể thiếu được nếu như không muốn nói cực kỳ cần thiết và quý báu. Xây dựng cho mình một hình ảnh trong tương lai không thể thiếu phương hướng và kỹ năng. Vấn đề không phải bạn bắt đầu từ điểm ban đầu thấp hay cao mà quá trình phấn đấu của chính bạn để tự nâng tầm mình lên mới là điều quan trọng.
Hành trang kỹ năng sống sẽ là chiếc chìa khóa cần thiết cho những con người biết khát vọng và có niềm tin.
Tự đánh giá mình - Thước đo đầu tiên của kỹ năng sống
Nhiều bạn trẻ có khát vọng tự khẳng định mình trong cuộc sống. Trong số đó, không ít bạn nghĩ rằng mình đã rất chuyên nghiệp, rất "pro". Thế nhưng thực tế, phải chăng có nhiều bạn trẻ đã đánh giá về khả năng cũng như tính cách của mình một cách chính xác?
Nhiều bạn đánh giá chưa chính xác về bản thân mình nên đã có nhiều chuyện bi hài trong cuộc sống.
Tôi là ai?
Nguyễn Ng., cựu sinh viên kinh tế từng vài lần thành công với các dự án thời sinh viên nên rất tự tin ở khả năng của mình. Ng. mở một công ty quảng cáo khá bề thế ở Quận 1 với một cái tên nước ngoài khá kêu. Sản xuất phim truyền hình, phim quảng cáo và các game show chuyên nghiệp và đẳng cấp... là những gì Ng. tự giới thiệu về mình cũng như công ty mình. Ng. tung tất cả các chiêu đánh bóng bằng cách giới thiệu một game show và đơn phương ký hợp đồng sản xuất trong khi nhà tài trợ chưa làm thỏa thuận ghi nhớ.
Ngặt nỗi, đối tác là một nhãn hàng sữa đầy kinh nghiệm đã nắm rất rõ thực lực của cộng sự qua quy trình điều tra nên họ từ chối vào giây phút cuối. Tất cả những khoản chi của dự án không thể khấu hao... Bấm bụng sản xuất được 26 kỳ, số vốn ít ỏi của Ng. tan theo mây khói. Sau tám tháng làm chủ, Ng. phải trở lại làm thuê để chờ đợi cơ hội mới. Chúng ta không lấy câu chuyện thất bại của Ng. để trách Ng., nhưng phải chi Ng. biết lượng sức mình, phải chi Ng. biết đánh giá về mình một cách nghiêm túc hơn thì mọi chuyện đã có kết cục khác.
Kết quả những nghiên cứu về tự đánh giá bản thân cho thấy tỉ lệ tự đánh giá sai về mình là rất cao. Chỉ có xấp xỉ 20% số người vị thành niên đánh giá về mình khá chính xác. Vì sao ư? Vì một điều rất đơn giản là có quá nhiều người không có thói quen tự nhìn nhận về mình một cách công tâm.
Nhiều bạn trẻ hay có thói quen tưởng rằng mình là "nhân vật trung tâm" nên rất cảm tính khi tự lượng sức mình mà thiếu tính tương tác với các đối tượng khác nhau trong cuộc sống. So sánh với môi trường sinh viên, có thể mình nổi bật. So sánh với những dự án học đường hoặc những dự án có tính chuyên nghiệp không cao, mình rất tự tin chiến thắng, nhưng khi bước chân vào môi trường làm việc thật sự, thì việc tự đánh giá về mình lại mang ý nghĩa tích cực và "thời sự".
Thông điệp tôi là ai - một thông điệp tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại thật sự khó để có thể làm rõ. Làm thế nào để biết mình là ai trong cuộc sống, mình có những gì... đó không phải là điều ai cũng có thể thẩm thấu. Để biết chính xác về mình không thể chỉ thông qua người khác mà trước hết, tự mình hãy "nghe ngóng" nội lực của bản thân. Mỗi ngày, hãy tự soi gương ít nhất ba lần, sự huyễn hoặc về sắc đẹp của bạn sẽ được giảm bớt.
Hãy so sánh mình với những người thật tệ hại và những người thật sự giỏi, bản thân mình sẽ cảm thấy mình là một người rất bình thường chứ không hề phi thường trong cuộc sống.
Kỹ thuật định lượng cá nhân
Muốn giải mã chính xác tôi là ai, tôi như thế nào, tôi có gì..., hãy đặt cái tôi trong nhiều mối quan hệ khác nhau. Tôi là ai so với bạn bè, tôi là ai so với cha mẹ, tôi là ai so với thầy cô, tôi là ai ở cơ quan, tôi là ai trong tập thể... Những thông điệp này được giải mã và làm cho cái tôi được "hoạt hóa" một cách đích thực và chính xác trong từng hoàn cảnh cũng như trong từng mối quan hệ, từ đó chủ thể sẽ biết cách ứng xử sao cho thật sự phù hợp và hiệu quả...
Hãy thường xuyên đặt hình của mình bên cạnh hình của người khác, hãy biết tìm ra một điểm rất lạ, rất đẹp ở người khác, bạn sẽ cảm thấy mình không còn là người quá kiêu ngạo và hung hăng...
Muốn biết được thế mạnh và điểm yếu của mình, hãy chịu khó dùng một chiếc cân "cổ" để chia nhỏ những viên đá hài lòng và không hài lòng thành hai phía. Viên đá hài lòng ở một phía và phía còn lại là những viên đá không hài lòng.
Khi công tâm đánh giá, bạn sẽ cảm thấy mình là người rất bình thường và bạn cũng đã đánh giá được một cách chính xác mình là ai, mình có gì trong cuộc sống. Mọi thách thức sẽ qua đi, chỉ còn mình bạn ở lại, vậy nên hãy tự đánh giá về mình một cách chính xác, bạn sẽ cảm thấy thật hạnh phúc.
Nhận thức đúng tôi là ai sẽ giúp cho bạn đánh giá chính thực lực của mình để phấn đấu nhiều hơn nữa trong cuộc sống. Sự phấn đấu này có kế hoạch và chiến lược chứ không phải là sự liều lĩnh và mạo hiểm quá mức.
Không thể phủ nhận rằng sự mạo hiểm sẽ đem lại những giá trị rất đặc biệt nhưng cơ hội may mắn không thể chia đều cho mỗi người. Chắc chắn rằng khi đánh giá đúng về mình thì ngay cả khi thực hiện những việc mạo hiểm, bạn vẫn có thể cầm chắc kết quả khả quan.
Bơi giữa mục tiêu cuộc đời
Là nhân viên trợ lý cho một công ty nước ngoài, Xuân nổi tiếng xinh xắn và thông minh. Vì là người có triển vọng, Xuân được điều chuyển qua khá nhiều vị trí khác nhau. Ở mỗi vị trí nhất định, Xuân đều hoàn thành từ xuất sắc đến trên mức xuất sắc.
Mục tiêu ảo
Phấn đấu hơn 10 năm với mức lương ngấp nghé ngưỡng 5 con số tròn trĩnh được tính bằng tiền đôla Mỹ, ai cũng bảo Xuân thực sự thành công. Quyết chí phấn đấu hết mình để chuẩn bị cho chức danh Phó tổng giám đốc, Xuân quyết hy sinh tất cả.
Có lần, Xuân tuyên bố chỉ cần công việc không bỏ mình là đủ. Có ai ngờ rằng, hàng đêm đối mặt với bức tường trống vắng, đối diện với những cuộc gọi của mẹ hối thúc lập gia đình, đối diện với lời chia tay chính thức từ phía người yêu khi đã hơn 10 lần khất lễ cưới... Xuân cảm thấy hoang mang.
Do một mình phải quán xuyến quá nhiều việc từ tài chính đến nhân sự, gần đây Xuân đâm ra cáu gắt. Nhân viên nào làm không vừa ý thì lập tức Xuân đùng đùng nổi giận, tóc tai dựng ngược, mặt đỏ như lửa, giọng thì chát chúa hơn cả chuối "non xanh". Từng nhân viên bỏ ra đi, những người thân cũng dần dần ngán ngẩm, nhiều người thân rất mực kiên nhẫn cũng cảm thấy Xuân đã trở thành một người hoàn toàn khác...
Công việc cũng không hẳn tuyệt vời nhưng tâm hồn và đời sống tinh thần của Xuân có vẻ sa sút trầm trọng. Tiến hay lùi, tiếp tục hay tạm dừng đều là những câu hỏi lựa chọn khó có thể khả thi... Những câu hỏi thường trực trong suy nghĩ như: tôi cần gì, đâu là điều tôi muốn, tôi nên làm gì đây... Xuân cũng không thể trả lời.
Không chỉ Xuân mà nhiều bạn trẻ cũng băn khoăn và căng thẳng khi đặt ra mục tiêu cho cuộc đời mình. Chưa bao giờ việc định hướng cuộc sống lại cần thiết như lúc này. Không hẳn vì nhiều người định hướng sai nhưng trước nhiều áp lực và thách thức của cuộc sống, trước nhiều ngã rẽ, trước rất nhiều những cơ hội lựa chọn và đánh đổi thì việc định hướng đúng đắn và hợp lý trở thành một thách thức không nhỏ. Có thể nói, đây là một kỹ năng sống rất cần thiết.
Trường hợp của Nguyên lại là một trường hợp điển hình khác. Cứ 10 ngày Nguyên lại phải vào bệnh viện để điều trị nhưng anh kiên quyết không giao lại công ty cho ai cả. Nguyên tâm sự rằng đó chính là tim óc của mình nên không thể giao khoán hay chuyển tiếp cho người khác. Sơ đồ cuộc đời của Nguyên đã được chính Nguyên vẽ rất hoành tráng. Nguyên phải là một doanh nhân nằm trong top 50 người thành đạt trước tuổi 30, phải nổi tiếng trên lĩnh vực truyền thông, phải có một gia đình thực sự hạnh phúc, phải có vài căn biệt thự thật độc đáo, đem lại cho người thân một cuộc sống tốt, phải... và nhiều phải khác.
Vật lộn với các dự án, "đấu đá" trí não với các đối thủ, giao lưu bằng các chế độ "phết phẩy" với các khách hàng xong, Nguyên vẫn cảm thấy chán nản. Câu hỏi cố gắng vất vả để làm gì chính Nguyên cũng không thể trả lời được. Hai tháng liên tục khó ăn, khó ngủ cộng thêm căng thẳng và thách thức trong công việc, Nguyên lâm bệnh thực sự và bác sĩ chẩn đoán anh bị kiệt sức kèm theo rối loạn ám ảnh.
Trong giấc ngủ chập chờn, Nguyên vẫn bị ám ảnh về các kế hoạch kinh doanh, anh liên tục hỏi rằng kế hoạch này, sự kiện này xong chưa, "link" quảng cáo như thế nào... Sau khi giải quyết xong bề nổi về sức khỏe, Nguyên tìm đến nhà tư vấn để tìm hiểu về chính mình...
Thực ra, những "triệu chứng" như: không thể kiềm chế cảm xúc, không thể vượt qua áp lực công việc cũng như áp lực của mục tiêu, không thể chế ngự tinh thần với những thất bại trong cuộc sống sẽ làm cho tâm lý bạn rơi vào trạng thái bất ổn. Cơ sở và căn nguyên khá quan trọng của tình trạng này là việc đặt ra mục tiêu cuộc đời bạn đang có vấn đề.
Hiện tượng này dẫn đến trạng thái tâm lý "thiếu kiểm soát" thái độ và hành vi. Khi điều này xảy ra, cơ chế tâm lý tự vệ hay cơ chế tâm lý "xung đột thường trực" sẽ rất dễ dàng trở thành "bạn đường" của bạn. Tình hình càng lúc càng trầm trọng nếu chính chủ thể không ý thức được cũng như không có những can thiệp kịp thời bằng các liệu pháp tâm lý.
Không thể trách Nguyên hay Xuân về những khát vọng trong cuộc sống nhưng có lẽ, các bạn ấy đã tự dồn ép mục tiêu sống của chính mình. Hai bạn đã không thể phân biệt đâu là mục tiêu trước mắt và đâu là mục tiêu lâu dài; đâu là mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu trung hạn và mục tiêu dài hạn.
Lẽ đương nhiên, bạn càng không được phép thiếu cân nhắc để định lượng một cách rạch ròi, riêng rẽ đến mức chính xác mục tiêu của chính mình trong cuộc sống. Một mục tiêu sống hợp lý nhất thiết phải là mục tiêu cân bằng dựa trên thực lực của cá nhân, nhu cầu hàng đầu của chính mình, những giá trị thực sự chiếm ưu thế. Mục tiêu quan trọng nhất của con người chắc chắn là hạnh phúc, nhưng điều rất quan trọng là hạnh phúc được hiểu ra sao, như thế nào?
Nguyên tắc đặt mục tiêu cuộc sống
Một nguyên tắc rất đơn giản để có thể đánh giá mục tiêu của chính bạn trong cuộc sống là mục tiêu ấy có cụ thể hay không, mục tiêu ấy có đo được, mục tiêu ấy có thực sự nhận được sự đồng thuận của chính bạn cũng như của những người khác, mục tiêu ấy có mang tính thực tiễn - khả thi và thời hạn hoàn thành mục tiêu đó như thế nào là vừa sức. Không thể cấm cản những khát vọng và ước mơ, cho nên sự tranh cãi về vấn đề mục tiêu mang tính lãng mạn hay mục tiêu vừa sức vẫn đang diễn ra.
Thế nhưng, nếu nói đến lý tưởng và ước mơ thì nhất thiết tính lãng mạn phải thực sự được bừng sáng còn những mục tiêu cuộc đời phải được hoạch định sao cho rõ ràng, chính xác và thật chi tiết. Hoạch định mục tiêu cuộc đời vừa sức là khuynh hướng nhiều người đang ủng hộ. Lẽ đương nhiên, nếu bạn thực sự tích cực và tự tin cũng như bạn có tài năng thực sự, bạn hoàn toàn có quyền đặt ra mục tiêu cao.
Cũng chính những cơ sở ấy cho phép bạn nâng tầm mục tiêu của mình cũng như nhanh chóng làm chủ hoàn cảnh để hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, đừng quá huyễn hoặc kỳ vọng quá mức ở chính mình hay thiết lập những mục tiêu hoang tưởng.
Trước khi hoạch định mục tiêu cuộc đời, hãy nghiêm túc trả lời rằng liệu thiếu điều đó, bạn có thể sống được hay không để không quá tạo áp lực với mình.
Tự tin - chìa khóa cơ bản của thành công
Cho đến thời điểm hiện nay, không thể phủ nhận tầm quan trọng của sự tự tin. Nuôi dưỡng sự tự tin cũng như thể hiện được sự tự tin của mỗi cá nhân là một trong những đòi hỏi khá quan trọng mà mỗi con người cần đáp ứng.
Cái "giá" của sự tự tin
Trong một cuộc tuyển dụng, ứng viên tự tin hơn sẽ là ứng viên chiến thắng. Thế nhưng, không nhất thiết bạn phải tự tin trước người khác mà trước hết bạn phải tự tin với chính mình. Một trong những điểm yếu mà các nhà tuyển dụng thường khai thác để "đánh rớt" bạn là bạn không thể hiện được sự tự tin của mình trong cuộc phỏng vấn đó, bạn để lộ ánh mắt rụt rè và thái độ tự ti.
Nhiều ứng viên là sinh viên mới ra trường tìm việc đã không đủ can đảm nhìn thẳng vào nhà tuyển dụng để trả lời một cách rốt ráo và dứt khoát những câu hỏi như: Bạn có yêu thích công việc này hay không? Bạn có tin chắc rằng bạn đảm nhận được công việc này? Vì sao bạn thích hợp với vị trí này trong công ty chúng tôi?...
Ngay cả một câu hỏi đơn giản để trắc nghiệm về sự tự tin nhưng khá nhiều bạn trẻ vẫn "rụt rè": Bạn đề nghị mức lương bao nhiêu? Chắc chắn rằng chẳng có nhà tuyển dụng nào với một quan điểm hiện đại lại có thể chấp nhận tuyển dụng những nhân viên đáp lí nhí trong miệng với câu nói: "Bao nhiêu cũng được" kèm theo ánh mắt xấu hổ, nhút nhát...
Không có sự tự tin, bạn sẽ rất dễ thất bại trong một cuộc thi tuyển; không có sự tự tin, bạn không nghĩ rằng mình sẽ làm được việc ấy, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã bỏ qua rất nhiều cơ hội... Biết thể hiện sự tự tin, trước hết bạn sẽ chiến thắng được chính mình và sau đó có thể chiến thắng được những áp lực và những thách thức xảy đến.
Nhiều cá nhân đã thành công trong cuộc sống khi phát hiện chính mình cũng có thể làm được việc rất lớn lao mà trước đó tưởng chừng bản thân mình không thể vươn tới được.
Nghệ thuật nuôi dưỡng sự tự tin
Hãy biết nuôi dưỡng sự tự tin một cách thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Hãy bắt đầu bằng những công việc rất giản đơn trong cuộc sống và khi hoàn thành, bạn sẽ cảm thấy mình cũng là người có ích, bạn cũng cảm thấy mình không phải là người bỏ đi... Sự tự tin đã được ươm mầm và lớn dậy... Bạn thấy mình là người chưa tự tin?
Nếu đúng thì hãy thẳng thắn thừa nhận để chúng tôi giúp bạn. Có đến hơn 70% cánh tay đồng loạt đưa lên một cách nhanh chóng và thẳng thắn. Thực nghiệm rất giản đơn mà không ít bạn trẻ và cả những người không tin vào chính mình vẫn mắc phải. Có thể lý giải hết sức giản đơn, nếu bạn thực sự không phải là người tự tin, sao bạn dám thẳng thắn thừa nhận. Ngay cả bạn thực sự gặp khó khăn ở một vài lĩnh vực hoặc rất nhiều lĩnh vực thì chí ít bạn đã rất tự tin với chính mình rằng bạn không tự tin lắm.
Đương nhiên, trong số những người không giơ tay trong thực nghiệm, không ít người rất tự tin ở chính mình nhưng cũng không loại trừ một số người không dám thừa nhận mình không tự tin hoặc rất không tự tin.
Hãy biết thể hiện sự tự tin khi cần thiết. Quá trình thể hiện sự tự tin của bạn có thể làm người khác rất hài lòng nhưng cũng có thể khiến một số người khó chịu. Thậm chí, một số cá nhân còn cho rằng bạn là người tự kiêu. Hãy luôn bình tĩnh và nói với bản thân rằng: tự tin thể hiện mình không phải là tự kiêu mà nếu có tự kiêu cũng không hẳn tự kiêu với người người khác mà chỉ là tự kiêu với bản lĩnh của chính mình để không cảm thấy tự ti.
Một ánh mắt nhìn thẳng, một lời nói rõ ràng, dứt khoát, một tư thế bình tĩnh, điềm đạm, một hành động khiêm nhường nhưng nhanh gọn... chứng minh rằng bạn đang tự tin. Ngay cả khi thất bại, bạn đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, cố gắng giải thích hay vội vàng nhụt chí. Hãy mạnh mẽ nhận trách nhiệm và tìm ra những nguyên nhân cũng như một số biện pháp để giải quyết vấn đề.
Đó chính là những biểu hiện rất chuyên nghiệp của một người biết cách làm việc cũng như có sự tự tin. Can đảm, hành động và chịu trách nhiệm có thể được xem như là công thức của sự tự tin.
Trong mỗi con người chúng ta, có hai thái độ đang tồn tại song song, đó chính là thái độ của sự sợ hãi và thái độ của sự tự tin. Nếu bạn trang điểm cho kiểu thái độ nào nhiều hơn, khéo hơn thì thái độ ấy sẽ thật đẹp đẽ và hoành tráng, rực rỡ và nhiều sắc màu, mạnh mẽ và tích cực hơn...
Hãy nhớ rằng sự tự tin không phải là món quà được thiên nhiên ban tặng, nó là sản phẩm của sự tự rèn luyện.
Những kẻ cắp thời gian
Kết quả phỏng vấn về một thói quen thật "dễ thương" của hơn 150 bạn trẻ cho thấy, gần như đại đa số lựa chọn ở mức thường xuyên hoặc rất thường xuyên không dậy ngay khi chuông báo thức buổi sáng đã kêu thật to.
Hành động diễn tiến đậm chất tâm lý: coi lại giờ hoặc "xin với lòng" thêm vài phút nữa lại rất phổ biến. Cũng không ít bạn thẳng tay tắt chuông để được ngủ tiếp một cách thoải mái hơn... Từ đó có thể kết luận: Bạn chưa quản lý thời gian của mình một cách hiệu quả.
Truy tìm kẻ cắp thời gian
Quản lý thời gian hiệu quả không hề giản đơn nếu bạn chưa thể chỉnh sửa những thói quen rất "đặc trưng" của bạn trong công việc và cuộc sống. Mỗi cá nhân hoàn toàn khác nhau nhưng chính những thói quen gần giống nhau sẽ làm cho bạn mất rất nhiều thời gian. Bí quyết quản lý thời gian tưởng rằng rất phức tạp nhưng thực chất những điều cần làm lại vô cùng đơn giản.
Cái khó nhất là phải sửa thói quen của chính bạn khi những thói quen ấy lại là kẻ cắp thời gian. Nhiều bạn trẻ và kể cả một số người có tuổi vẫn lãng phí thời gian của chính mình. Thói quen tán gẫu trong công sở vẫn là căn bệnh nan y, không cần công việc có cần sử dụng vi tính hay không nhưng cứ phải "ôm máy tính" trước mặt để "ấm lòng"...
Không chỉ có thế, những thói quen khác cũng là bạn đường của kẻ cắp thời gian: mở mail nhiều lần trong ngày, chat trong lúc làm việc, dông dài và tỏ ra quá lịch sự trong giao tiếp, luôn trì hoãn những việc cần làm... Nhiều số liệu nghiên cứu cho thấy, có đến hơn 65% nhân viên trẻ có những thói quen trên trong quá trình làm việc hay tác nghiệp.
Đôi lúc trong cuộc sống và công việc, thời gian là một con số thiếu tính định lượng nếu con người không tỉnh táo. Sau đây là một thực nghiệm rất đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể nhanh chóng thực hiện: Bạn đã sống hết bao nhiêu năm, tháng, ngày, giờ, phút, giây, khắc của chính cuộc đời bạn? Bạn còn lại bao nhiêu thời gian trong cuộc đời của chính mình? Liệu bạn có hối tiếc về những gì đã qua cũng như có kế hoạch như thế nào trong thời gian sắp tới?
Câu trả lời có lẽ sẽ phụ thuộc vào mỗi người nhưng bản thân mỗi người phải đánh đuổi những kẻ cắp thời gian như thế nào mới là điều quan trọng... Thực tế cũng cho thấy, có quá nhiều người lãng phí những gì chúng ta đang có. Nếu tiền bạc bị lãng phí, bạn có thể tìm lại được; nếu cơ hội bị lãng phí, bạn vẫn có thể tìm được những thứ tương xứng nhưng thời gian là thứ lãng phí bạn không thể tìm lại hay đòi lại được.
Điều rất giản đơn là kẻ cắp thời gian rất vô hình nhưng cũng rất hữu hình: đó chính là những thói quen rất xấu của bản thân. Liệu có thể thay đổi những thóiquen đó được không và làm thế nào để quản lý thời gian một cách hiệu quả?
Quản lý thời gian là quản lý cuộc sống
Hãy hình dung rằng đối với một nhân viên chuyên nghiệp, thời gian quý giá như thế nào. Một nguyên tắc rất quan trọng khi quản lý thời gian là hãy sử dụng một cách hợp lý tối đa thời gian của chính bạn. Nếu bạn đã quy ước những khoảng thời gian của bản thân cho từng công việc cụ thể, bạn hãy cố gắng thực hiện những công việc đó một cách xuất sắc và chính xác trong khoảng thời gian dự tính, nhờ đó, bạn có thể sắp xếp cho mình khoảng thời gian thư giãn hay vui chơi hợp lý.
Sẽ thật bất công nếu chúng ta quên rằng có nhiều người quản lý thời gian của mình một cách rất hiệu quả ngay cả lúc họ ốm đau, bệnh tật. Một phụ nữ bị ung thư vẫn day dứt về những gì mình chưa thể làm được: chuyển tên chủ tài khoản cho con mình, những dự án còn đang dang dở, một món ăn ngon vừa học được chuẩn bị nấu cho chồng, mong muốn được một lần về thăm mẹ mình trong ngày sinh nhật... Đến lúc ấy, con người mới cảm thấy thời gian thật quan trọng và việc quản lý thời gian có giá trị như thế nào trong cuộc sống của mỗi cá nhân.
Để trở thành một nhân viên chuyên nghiệp hay một người "biết sống", hãy luôn quản lý thời gian của chính mình, bắt đầu từ những thói quen hay những kế hoạch rất đơn giản như chọn lựa những công việc quan trọng để sắp xếp theo thứ tự ưu tiên vào mỗi tuần, mỗi sáng, biết nhóm những công việc cùng tính chất hoặc gần địa điểm để thực hiện việc di chuyển cho tiện lợi.
Bên cạnh đó, không thể không biết lập cho mình một khung thời gian biểu, chú ý đến nhịp điệu sinh học khi chọn việc, đặt những công cụ nhắc nhở và tuân thủ bằng cách thưởng - phạt, luôn sắp xếp bàn làm việc gọn ghẽ, giao tiếp qua điện thoại ngắn gọn và luôn ước lượng rõ ràng về thời gian - mục tiêu... Những hành động này không chỉ đơn giản là kỹ thuật mà nó còn là những thói quen tốt để mỗi cá nhân biết kiểm soát chính mình cũng như thông qua đó có thể quản lý thời gian một cách hiệu quả.
Cuộc sống luôn có những thách thức. Quản lý thời gian là một trong những yếu tố rất quan trọng để hướng con người đi đến sự hoàn thiện cũng như chuyên nghiệp trong công việc và cuộc sống. Quản lý thời gian của bạn không có nghĩa hành xác mà đó là quá trình giúp bạn có được hạnh phúc vì bạn đang chủ động để làm việc, học tập và vui chơi - giải trí. Luôn dành cho mình một khoảng thời gian cần thiết để kiểm tra công việc, xử lý những chuyện linh tinh... là những yêu cầu không thể thiếu.
Lúc ấy, bạn cảm thấy rằng mình đang làm chủ thời gian, làm chủ cuộc đời của mình chứ không phải chúng ta đang biến mình thành nô lệ của thời gian.
Đối diện với khủng hoảng cuộc đời
Hình ảnh của Tuấn trở nên khác lạ so với trước đó. Chỉ cần nghe bất kì ai phản ứng ý kiến nào của mình, tóc Tuấn liền dựng ngược, mắt nảy lửa và cơ thể nóng bừng bừng đến lạ kì. Ngay cả mẹ Tuấn cũng không tưởng tượng con mình lại như thế.
Chuyện hôm qua thật sự có gì đâu, mẹ Tuấn chỉ hỏi sao bây giờ không thấy Nhân ghé qua hở con thì Tuấn đùng đùng nổi giận. "Kệ con đó, mẹ nói làm gì... Tui không muốn bất kì ai nhắc đến cái tên ấy...!" Cả nhà sửng sốt, mẹ Tuấn buồn và nước mắt lăn trên khuôn mặt già nua...
Không ai hiểu Tuấn đang bị khủng hoảng tâm lý. Áp lực của công việc khi hai hợp đồng buôn tơ bị thua lỗ nặng cùng với mối tình vun vén ba năm trời đã sụp đổ chỉ vì một chút sai lầm... Tuấn quyết định tự tử sau một tuần không ngủ được và không nói bất kì lời nào dù chỉ là lời trăn trối... Lúc này, khi những người xung quanh hiểu ra Tuấn bị khủng hoảng tinh thần thì đã quá muộn.
Cơ chế khủng hoảng
Áp lực của cuộc sống và công việc đã gây nên không ít những áp lực tâm lý hay gánh nặng tinh thần trong cuộc đời của mỗi người. Có những áp lực con người có thể kiểm soát và vượt qua được nhưng cũng có những áp lực con người khó hoặc không thể kiểm soát được vì sức mình có hạn. Khi không thể "chung sống" hay kiểm soát áp lực, con người dễ dàng bị khủng hoảng.
Có những kiểu khủng hoảng xảy ra như một quy luật trong lứa tuổi, nó rơi vào những giai đoạn đặc thù của đời sống con người. Đó là những "cột mốc", những khoảng thời gian mà trong thế giới nội tâm của con người có những biến đổi rất lạ kì nên con người dễ dàng nảy sinh những phản ứng hụt hẫng.
Mặt khác, cũng trong giai đoạn đó, trước những tác động của điều kiện xung quanh, con người dễ có những suy luận, suy diễn nên sự hụt hẫng về mặt tâm lý nảy sinh và khủng hoảng tâm lý xảy ra như một hệ quả tất yếu. Khó có thể quên những giai đoạn khủng hoảng tâm lý ở tuổi lên ba, tuổi dậy thì, người cao tuổi...
Thế nhưng, những khủng hoảng này, xét ở một góc nhìn nào đó không gây ra những tác động tai hại quá nghiêm trọng cho con người. Điều căn bản là những thành viên trong gia đình phải hiểu, thông cảm và chia sẻ.
Những giai đoạn khủng hoảng có thể làm con người ta không kiềm chế được chính mình và đi đến những quyết định dại dột, sai lầm, những hành động này thường thấy ở giai đoạn tuổi vị thành niên đến trung niên. Trước sự phát triển của cái tôi, sự đặt ra hay sự kỳ vọng quá mức của bản thân, trước những thách thức khó có thể chinh phục trong cuộc đời, khủng hoảng tinh thần có thể xuất hiện.
Có những vấn đề rất đơn giản trong cuộc sống như bị cha mẹ la mắng, người quản lý phê bình thẳng thắn... thế là khủng hoảng; có những vấn đề phức tạp hơn như những thất bại trong làm ăn xảy ra liên tục, người yêu nói lời chia tay, phát hiện ra mọi người ít quan tâm, thương yêu mình... cũng dẫn tới khủng hoảng.
Những biểu hiện khủng hoảng thường khá đa dạng và phong phú như: bực bội liên tục, cáu gắt thường xuyên, mất niềm tin vào người khác, cảm thấy năng lượng mất hẳn... Hơn thế nữa, rối loạn về mặt sinh lý cũng như sự thay đổi rất đột ngột trong cung cách ứng xử, hành vi, thói quen là những điều khá nguy hiểm.
Nguyên lý để vượt qua
Ngay cả mức độ khủng hoảng cũng thật đa dạng và phong phú. Có những khủng hoảng tạm thời, có những khủng hoảng kéo dài, có khủng hoảng ở mức nhẹ và con người vẫn có thể tái lập lại trật tự suy nghĩ sau một thời gian nhưng có những khủng hoảng con người không kiểm soát được và dẫn đến những quyết định sai lầm...
Số liệu thống kế trên thế giới đã chứng minh rằng, khủng hoảng tâm lý dường như không chừa một ai cả và những người càng nhạy cảm càng có nguy cơ bị khủng hoảng. Không những thế, những cá nhân càng tham vọng càng dễ bị khủng hoảng tâm lý. Dù bạn là ai, bạn sống như thế nào nhưng nếu cuộc sống của bạn không cân bằng thì chắc chắn bạn sẽ "rước" khủng hoảng vào lòng mình.
Nếu như mỗi cá nhân đều có thói quen chịu đựng áp lực, đủ bản lĩnh để đối đầu với khó khăn và hạn chế một cách tối đa những phản ứng tiêu cực, những hẫng hụt tâm lý phát sinh trong thế giới nội tại thì việc bị khủng hoảng sẽ phần nào được hạn chế. Nhưng làm được điều này liệu có dễ dàng?
Trong những lần tham vấn cho các doanh nhân và những bạn trẻ lập nghiệp, tình yêu và áp lực kinh tế là những điều dễ gây ra khủng hoảng nhất. Những mong muốn chinh phục thương trường, khát khao về doanh số, doanh thu... dễ làm cho các bạn trẻ rơi vào khủng hoảng. Thống kê gần đây ở nhiều nước trên thế giới cho thấy khủng hoảng tâm lý xảy ra ở giai đoạn 25 - 35 tuổi của các doanh nhân không phải ít.
Cũng vì nguyên nhân này, trong năm 2007 ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... không ít vụ tự tử thương tâm đã xảy ra. Những người trong cuộc đã để lại "hậu thư" rằng mình không thể kiểm soát được tình hình hiện tại (nợ nần, thua lỗ, tình phụ...) nên đành phải ra đi. Chính vì không có nguồn động viên, không người chia sẻ và đặc biệt là thiếu niềm tin nên khủng hoảng tâm lý phát sinh và nhiều người đã tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời.
Không thể chối bỏ khủng hoảng và không thể ngăn cấm khủng hoảng hay nói cách khác, khủng hoảng có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Vì vậy, chúng ta phải kiểm soát chính mình ngay từ những công việc và những thói quen nhỏ. Không gây sức ép tinh thần cho mình một cách quá đáng, biết chấp nhận những thất bại, biết xua đi những nỗi lo âu, biết thoát khỏi trạng thái tâm hồn u tối... bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Một trong những thói quen tâm lý rất quan trọng, đó là phải biết đối diện với sự thật và biết sẻ chia. Những nghiên cứu tâm lý cũng khẳng định rằng, nếu bạn càng sống nội tâm hoặc càng cố tình che giấu thì nguy cơ bị khủng hoảng càng cao... Trong quá trình lập nghiệp, mỗi bạn trẻ phải nhận thức rằng cuộc sống luôn có những thách thức và nếu được đối diện với những thách thức thì không có gì phải sợ hãi.
Không ôm cuồng vọng chinh phục thế giới, vậy tại sao bạn phải buồn bã, tại sao phải tiêu cực nhìn cuộc đời bằng những cái nhìn không tỉnh táo?
Hãy tập cho mình một thói quen rất bình dị, bạn sẽ thấy mình rất vui vẻ, lạc quan và giàu nghị lực để sống, làm việc và yêu thương.
Giải tỏa căng thẳng của bạn gái trẻ
Nhu cầu được khẳng định mình, trở thành người thành đạt, muốn mình là "đinh" trong mắt mọi người... đang tồn tại trong cách sống của nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ 8X. Thế nhưng, do đặt ra mục tiêu quá lớn nên nhiều bạn đã bị rơi vào chiếc bẫy stress do chính mình đặt ra.
Từ trường hợp... đến vấn đề chung
Chỉ mới 30 tuổi nhưng Thanh (quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) đã có hơn ba lần mở công ty. Lần thứ nhất là một công ty nho nhỏ chuyên buôn bán linh kiện vi tính. "Máu" làm giàu đã khiến Thanh cho quá nhiều "gia vị" ảo vào sản phẩm của mình. Công ty bị phá sản do một khách hàng phản ánh.
Đến khi mở công ty tư vấn đào tạo cho doanh nghiệp, Thanh lao đao vì trụ sở không ổn định, đối tác lần lượt bỏ rơi nên mọi thứ đều đội nón ra đi. Lần thứ ba, Thanh lập công ty tư vấn tài chính, nhưng tình hình "cá lớn nuốt cá bé" làm Thanh tiếp tục trắng tay... Chiến lược làm giàu bị phá sản, Thanh đến phòng tư vấn sức khỏe trong tâm trạng căng thẳng đến tột độ... Bác sĩ xác định Thanh đã bị stress thật sự khi cô luôn mất ngủ, căng thẳng thần kinh, cáu gắt, không kiềm chế chính mình, xử lý vụng về, chán ngấy chuyện yêu đương...
Thủy - sinh viên năm thứ hai của một trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh - luôn khao khát vươn lên và lo lắng sau khi ra trường phải có việc làm tốt để bằng chúng bạn. Cô học cùng lúc hai trường đại học, đi làm bán thời gian cho hai công ty, buổi tối nhận dạy thêm, rồi còn đi học thêm các lớp kỹ năng giao tiếp. Thu nhập của Thủy đủ trang trải cho cuộc sống sinh viên nhưng cô luôn sống trong tâm trạng lo lắng.
Thủy trở nên lầm lì, ít nói, không dám bộc bạch cùng ai và cũng không có ai để bày tỏ những tâm sự của mình. Một buổi tối, do tắm muộn nên Thủy bị ngất. Gia đình đã phải nhờ chuyên gia tâm lý để giải tỏa những ấm ức trong lòng Thủy.
Điểm tựa để giải quyết vấn đề
Khát vọng vươn lên của các bạn trẻ thế hệ 8X đi cùng với những thách thức về sức khỏe, chưa đủ kinh nghiệm kiểm soát bản thân nên ở lứa tuổi này, stress là căn bệnh phổ biến. Tuy nhiên, nếu những xúc cảm vượt quá ngưỡng không được thoát ra hay quá giới hạn thì chính nó sẽ quay lại áp đảo con người.
Khi các bạn trẻ, nhất là bạn gái trẻ, không chế ngự những cảm xúc của mình, stress càng dễ đến và trở thành người đồng hành hơn bao giờ hết. Đặt cho mình một mục tiêu quá lớn, muốn nhảy cóc hoặc đánh đổi bằng mọi thứ để đạt được mục tiêu sẽ là con đường ngắn nhất dẫn đến stress.
Mục tiêu cuộc đời được xây dựng dựa trên khát vọng của bản thân vẫn chưa đủ, mà còn phải dựa trên thực lực của chính mình cũng như điều kiện và hoàn cảnh thực tế. Không thể không có mục tiêu sống để phấn đấu, nhưng nếu tự gây áp lực để hành xác mình, để gửi thân mình cho stress thì mục đích sống lúc này sẽ trở nên vô nghĩa khi sức khỏe không còn.
Việc loại bỏ stress không khó nếu bạn biết kiềm chế mình ngay lúc đặt ra mục tiêu sống. Trả lời câu hỏi: "Tôi cần gì, tôi có thế mạnh gì, tôi làm điều này sẽ gặp những trở ngại nào, tôi có thể làm được việc này thành công bao nhiêu phần trăm, tôi sẽ mất gì khi thực hiện nó" sẽ giúp bạn ứng phó với stress.
Hãy tranh thủ thời gian rảnh rỗi để thảo luận với chính mình về đề tài "Với tôi, hạnh phúc là gì", bạn sẽ cảm thấy mục tiêu mình đặt ra thật nhẹ nhàng và trong tầm tay với.
Giải mã và làm chủ cảm xúc
Khả năng giải mã và làm chủ cảm xúc là một trong bảy tiêu chí đánh giá chỉ số EQ - chỉ số xúc cảm. Đây là chỉ số quy định sự thành đạt về lối sống trong cuộc đời, là khả năng hòa nhập với gia đình và cộng đồng.
Dân gian có câu "Giận quá mất khôn". Thế nhưng các trạng thái cảm xúc vui, buồn, phẫn nộ trong mỗi chúng ta vẫn diễn ra hàng ngày. Có ai dám quả quyết rằng mình chưa từng nổi giận bao giờ? Quan trọng hơn là làm sao "nhận diện" được bản chất của cơn giận và làm chủ được cảm xúc đó?
Giải mã cảm xúc
Phần lớn những cảm xúc tiêu cực của mỗi người đều bắt nguồn từ cuộc sống thường nhật và đặc biệt là trong mối quan hệ giữa người với người; đó có thể là sự nóng giận của cấp trên khi cấp dưới làm sai việc, hoặc đó là sự ganh tỵ, đố kỵ giữa các đồng nghiệp với nhau... và nếu không biết cách "giải mã" cảm xúc của đối tượng, những mối quan hệ mà chúng ta thiết lập được sẽ trở nên mong manh và dễ đổ vỡ.
Thành công của một cá thể là sự dung hòa các mối quan hệ mà cá nhân đó tạo ra. Có người tuy năng lực bình thường nhưng vẫn thành công vì họ biết quan sát, tìm hiểu và giải mã tâm trạng của đối tượng trong các mối quan hệ, rồi vận dụng những thời điểm thuận lợi để đưa ra những quyết định thích hợp. Thường họ vận dụng hai chiến lược: "biết người biết ta" và "tiến lùi đúng lúc".
Vậy, làm sao ứng dụng các kỹ năng trừu tượng này vào thực tế cuộc sống, khi mà những cung bậc của "hỉ, nộ, ái, ố" vẫn diễn ra hàng ngày? Chúng ta dễ dàng nhận biết những trạng thái cảm xúc đơn giản như khi đói, cơ chế phản xạ theo bản năng và cảm giác đói xuất hiện; hay khi thấy một người khác phái mà mình yêu thích, cảm giác hưng phấn tràn về thúc đẩy việc làm quen, tiếp cận. Nhưng có các trạng thái cảm xúc diễn biến phức tạp khó nhận biết vẫn tạo ra những hành vi tương ứng.
Phạm Minh T., nhân viên trẻ của một công ty marketing, trong thời gian gần đây bỗng trở nên khác thường, anh luôn có cảm giác bất an và không thể tập trung làm việc. Nguyên nhân chính là do mối quan hệ trục trặc giữa T. và sếp. T. tâm sự: "Mình không hiểu làm sao dạo này sếp rất hay nổi nóng với mình và các đồng nghiệp, hễ sai một chút thôi cũng bị chửi cả buổi, cứ như thế thì mình làm sao có tinh thần làm việc được chứ".
Nhưng thực ra, T. đâu biết rằng sở dĩ sếp "bất thường" như thế là do gia đình sếp có những vấn đề nên mới có thái độ cư xử như vậy. Rõ ràng là nếu T. nhạy bén để nắm bắt nguyên nhân thì anh đã không quá lo lắng và căng thẳng như thế.
Có thể nguyên nhân dẫn đến sự bất hòa trong mối quan hệ không nhất thiết bắt nguồn từ chính hai người trong cuộc, nhưng có thể bắt nguồn từ một mối quan hệ khác của một đối tượng, để rồi sự bất hòa "vãng lai" đó tiếp tục "xâm nhập" vào các mối quan hệ khác. Chính vì thế, người trong cuộc luôn phải tỉnh táo, nhạy bén để tìm ra nguyên nhân của nó.
Ngay cả trong tình cảm nam nữ cũng thế, có những anh chàng suốt cả ngày đêm mất ăn mất ngủ vì không biết liệu nàng có "mở cửa lòng" với mình hay chưa? Những phỏng đoán, trăn trở dường như chiếm hết tâm trí anh ta. Tuy nhiên, thật ra, có những khi "người ấy" đã bật đèn xanh lâu lắm rồi mà chàng lại chẳng nhạy bén để nhận ra.
Để nhận biết được các trạng thái cảm xúc, điều cơ bản chúng ta phải quan sát diện mạo, nét mặt, ánh mắt, điệu bộ, tư thế và cách nói năng của đối phương. Bên cạnh việc quan sát, để hiểu được trạng thái cảm xúc cần thông qua cả việc trò chuyện nữa. Trên phương diện quan hệ yêu đương, nếu một cô gái "phải lòng" chàng trai trong bối cảnh cả hai người đang ở giữa đám đông, những biểu hiện cảm xúc của cô gái rất dễ nhận biết, ánh mắt luôn hướng về "đối tượng".
Cô cười nhiều hơn bình thường và luôn có những cử chỉ duyên dáng nhằm tạo sự chú ý. Thái độ bồn chồn thông qua các hành vi nghịch các món trang sức cũng là một biểu hiện đáng yêu. Điều đó "tố cáo" tim cô gái đang loạn nhịp và cô cần giải tỏa theo cách đó. Tín hiệu "đèn xanh" đã bật lên cho đối tượng.
Việc phán đoán cảm xúc trong các mối quan hệ với đối tác làm ăn phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều. Bởi họ là những đối tượng đã có kinh nghiệm và bản lĩnh thương trường. Nhưng không vì thế mà họ không biểu lộ một sơ suất nào. Đôi khi ánh mắt, nét mặt hay nói nôm na là "thần sắc" sẽ nói lên thực tế tâm trạng.
Vì vậy, để giải mã được cảm xúc của một người trong mối quan hệ thì ngoài kiến thức, kinh nghiệm cũng cần có sự quan sát tinh tế và ít nhiều đòi hỏi độ nhạy cảm của người trong cuộc.
Khi cảm xúc vượt khỏi tầm kiểm soát
Cuộc sống hiện đại đầy cạnh tranh, áp lực và thử thách khốc liệt buộc chúng ta phải đối mặt với các chứng bệnh của thời đại là stress, trầm cảm, cáu gắt và dễ nóng giận.
Khi cảm xúc vượt khỏi tầm kiểm soát, bạn không chỉ phá vỡ các mối quan hệ, đánh mất các cơ hội tốt đẹp mà còn gây hại cho sức khỏe. Chính vì lẽ đó, bạn cần phải kiềm chế cảm xúc tiêu cực, nôn nóng của bản thân mình.
Một trong những vấn đề được đa số các bạn trẻ bàn tán rất sôi nổi là "Làm thế nào để làm chủ được cảm xúc?" Thứ nhất, cảm xúc tiêu cực nếu không nhìn nhận đúng bản chất thì không thể tự mất đi. Thứ hai, nếu giấu kín nó trong lòng, đến một lúc nào đó nó sẽ tự bùng cháy. Thứ ba, nếu không biết cách tạm gác lại, cảm xúc tiêu cực sẽ đeo đẳng và hủy hoại chính bản thân mình.
* Truy tìm thủ phạm
Sáng nay, bạn không thể tập trung vào làm việc, nỗi buồn mơ hồ xâm chiếm bạn. Bạn càng cố giấu, càng cố che đậy thì cảm xúc càng ùa về choán hết tâm trí bạn. Như vậy, trốn tránh không phải là cách chế ngự cảm xúc. Bạn giấu đầu này, nó sẽ "lộ" ra đầu khác. Cách tốt nhất để chế ngự cảm xúc là nhìn thẳng vào nó, tìm ra nguyên nhân gây ra nó. Thay vì cứ chìm đắm trong nỗi buồn bạn nên truy tìm thủ phạm xem Ai? chuyện gì? đã khiến cho bạn buồn như thế.
Điều gì xảy ra đối với bạn nếu bạn cứ thể hiện cảm xúc như vậy? Sau khi tự vấn, rất có thể bạn chợt phát hiện ra việc không đạt được học bổng và bị mẹ la nặng lời là nguồn cơn của tâm trạng sáng nay hoặc do bị sếp la mắng ngay đầu giờ đã làm cho bạn mất đi tinh thần làm việc của một ngày mới.
N. T. M., sinh viên một trường đại học tâm sự: "Bạn cũng có thể đối diện với sự bất công, thất bại. Không ít lần bạn phải đối diện với sự bực tức, phẫn nộ trên con đường đi tìm sự công bằng và quyền lợi chính đáng của mình. Nhưng liệu sự phẫn nộ của bạn có hóa giải được vấn đề hay chỉ làm mọi việc tệ thêm?
Muốn vậy, khi đối diện với một tình huống nào đó ngoài ý muốn, bạn cần tìm hiểu và mổ xẻ nó để tìm ra nguyên nhân sâu xa. Và điều đó sẽ giúp bạn bình tĩnh trở lại". Nếu bạn tìm ra được nguyên nhân rồi thì cảm xúc tiêu cực sẽ bị "cắt đuôi" ngay tại đó và không thể tiếp tục đeo bám bạn trong những công việc khác.
* Giải tỏa cảm xúc tiêu cực
Nếu bạn nhỡ ăn phải thức ăn không còn tươi sống thì chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy khó chịu trong bụng phải không? Cũng như vậy, cảm xúc tiêu cực cũng giống như những thức ăn không tiêu hóa được, nếu bạn để càng lâu trong suy nghĩ thì chỉ có hại cho bạn mà thôi, thậm chí bạn còn bị "nhiễm độc" và rất có thể dẫn đến tình trạng rối nhiễu tâm lý. Chính vì thế, nếu cảm thấy cảm xúc dâng tràn thì hãy tìm cách để giải tỏa chúng, điều này sẽ khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm để bắt đầu một công việc mới hay một ngày mới.
* Tìm cách "xả cảm xúc"
Trong cuộc sống, không nhiều thì ít, chúng ta sẽ đối diện với sự mất mát, lạm dụng và tổn thương. Làm sao biến những biến cố thành sức mạnh? Điều này quả thật khó khăn khi chính mình phải đối diện với sự mất mát và sức chịu đựng của con người lại có giới hạn. Vì vậy, hãy chia sẻ cảm xúc mất mát với những người thân yêu, tin cậy của bạn. Nếu không quen nói trực tiếp, bạn có thể dùng điện thoại, mail hoặc viết thư, nhật ký.
Những hình thức ấy sẽ giúp bạn vơi đi gánh nặng trong lòng. Chia sẻ cảm xúc là một cách rất hay để "trút bầu tâm sự" trong lòng, điều này sẽ làm cho bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn vì đã tạo ra một "lối thoát" cho những trăn trở trong tâm trí. Bên cạnh đó, chính sự đồng cảm của bạn bè giúp bạn có niềm tin và cảm thấy bình yên hơn.
Khi gặp một tình huống không mong muốn như thi trượt đại học chẳng hạn, lúc đó bạn sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng, bi quan, âu lo, thậm chí mất phương hướng. Làm sao bạn có thể thoát được trạng thái cảm xúc buồn chán ấy? Nếu không có một cái nhìn mở, một tầm nhìn tích cực và đa chiều thì bạn sẽ rất khó vượt qua được trạng thái tâm lý âm tính đó.
Giả sử nếu bạn thất bại trong kỳ thi đại học, quan trọng nhất là bạn hãy bình tâm để đối diện với sự thật và hãy hiểu rằng thất bại là sự trì hoãn của thành công chứ không có nghĩa là bạn hoàn toàn thua cuộc. Bạn nên nhanh chóng vượt qua trạng thái không tốt, chuẩn bị tinh thần để ôn thi tiếp và nuôi dưỡng hi vọng. Qua những phân tích trên, nếu bạn có một cách nhìn tích cực thì điều này sẽ cải thiện được những ý nghĩ và hành động tiêu cực.
Nhìn chung, trong cuộc sống hiện nay, bạn trẻ không thể nào tránh khỏi những tình huống, hoàn cảnh gây cho chúng ta những cảm xúc âm tính, những bực bội và thậm chí là stress, trầm cảm... Do đó, chỉ có một cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng ấy là bạn phải tìm cách đối diện với những cảm xúc đó. Mỗi người cần phải trang bị và rèn luyện cho chính mình kỹ thuật giải mã và làm chủ cảm xúc bản thân trong cuộc sống để có được thành công thực sự.
Chung sống với stress và thoát khỏi áp lực công việc
Stress không phải là thuật ngữ xa lạ với bất kì cá nhân nào khi họ đã là thành viên của một xã hội hiện đại. Cuộc sống càng phát triển thì stress càng dễ xảy ra với bất kì ai nếu chúng ta luôn đứng trước nguy cơ quá tải trong công việc, học tập cũng như các mối quan hệ xã hội.
Stress xuất hiện một cách tự nhiên trong cuộc sống và chúng ta không thể trốn tránh được. Vấn đề là mỗi cá nhân phải làm gì để giải tỏa stress và không để stress biến thành trở ngại trong cuộc sống của mình.
Nguyên nhân của stress nằm ở đâu?
Cuộc sống của mỗi bạn sinh viên không thể thành công nếu không tự vạch ra cho mình những mục tiêu quan trọng cần đạt được trong từng giai đoạn của cuộc sống. Tuy nhiên cần chú ý rằng, phải làm sao để mục tiêu là những cột mốc định hướng cuộc đời của các bạn chứ không phải là cái gì để áp đảo, làm bạn chao đảo giữa đại dương mênh mông cuộc đời. Những mục tiêu vừa sức, khả thi sẽ giúp bạn định hướng cuộc đời và tăng thêm ý chí, nghị lực cho bạn; còn những mục tiêu quá cao hoặc quá nặng nhọc rất có thể sẽ làm bạn sớm gục ngã trên con đường đi đến thành công.
Nguyễn Văn H. là một sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, nhưng H. đã phải tìm đến các nhà tư vấn khi một ngày, kỹ sư tương lai H. không biết tắt màn hình vi tính. Thì ra, H. không làm chủ được bản thân vì bạn đã tự tạo áp lực quá lớn cho mình, muốn khẳng định sự giỏi giang của mình bằng cách chọn đề tài hóc búa, cũng như không cần đến sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè trong suốt quá trình làm đồ án... H. luôn trong trạng thái lo sợ, thất vọng, căng thẳng, dễ cáu gắt và không thể hoàn thành được đồ án khi hạn nộp bài đến gần.
Khi cuộc sống càng trở nên phức tạp và thách thức, rất nhiều tình huống trong cuộc sống đẩy bạn rơi vào "áp lực", như công việc nhiều, thời gian giải quyết gấp gáp, sức khỏe, tâm lý không tốt lại bị ngoại cảnh (gia đình, bạn bè hoặc các mối quan hệ xã hội) chi phối... Bên cạnh đó, có những người không hiểu rõ khả năng của mình, không biết tiên lượng và từ chối, họ tham công tiếc việc, dồn hết sức để mong hoàn thành công việc nhưng lại không đạt được kết quả mỹ mãn, để rồi đến một thời điểm, họ giống như quả bóng bơm quá căng sẽ bị nổ tung. Lúc bấy giờ, áp lực đã quá tải và vượt quá sức chịu đựng, bạn sẽ trở thành tín đồ của stress hoặc sự căng thẳng tột độ...
Trường hợp của M. Duyên cũng là một ví dụ điển hình. Là nhân viên kinh doanh, nhưng thường ngày cô dành thời gian uống cà phê, tụ tập với bạn bè hoặc mua sắm, làm đẹp nhiều hơn là tập trung vào công việc. Để rồi đến cuối tháng, cô lại bù đầu vào việc gửi báo giá cho khách hàng, thanh toán hóa đơn cho công ty, thu nợ, lên kế hoạch bán hàng cho tháng sau... Bao nhiêu công việc cùng lúc khiến M. Duyên rối tung, chạy tới chạy lui, không có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi.
Chỉ mấy ngày, trông M. Duyên phờ phạc hẳn đi mà tình hình công việc vẫn chưa ổn thỏa. "Rất nhiều người có năng lực đặc biệt, họ có thể giải quyết nhiều việc cùng một lúc, nhưng đa phần chúng ta chỉ có khả năng tập trung giải quyết một việc trong một thời điểm. Bởi vậy, sắp xếp công việc khoa học, hợp lý để đạt năng suất cao nhất là điều rất quan trọng để vừa tránh được áp lực công việc vừa đạt được ý nghĩa cuộc sống". Đó cũng chính là biện pháp quan trọng để vượt qua những áp lực mà chúng ta đang đối mặt.
Thực tế cho thấy những dấu hiệu nhiều bạn trẻ khác đang mắc phải là điển hình cho các biểu hiện của stress. "Khi có các biểu hiện đó, bạn cần được san sẻ, giải tỏa, không để bản thân mình phải lo lắng nhiều thêm. Nếu không giải tỏa được, cần phải trị liệu tâm lý để tránh xảy ra những hành vi tiêu cực khó kiểm soát và dự đoán".
Nếu không kịp thời tìm ra lối thoát, stress có thể dẫn tới hành động tiêu cực là tự tử và sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Điều ấy để lại những nỗi đau khôn nguôi cũng như sự hối tiếc đến tột cùng.
Có nên trốn tránh stress?
Theo những nghiên cứu tâm lý thì trạng thái căng thẳng đôi khi lại có hiệu ứng tích cực trong hành động, nó giúp con người có động lực để hoàn thành công việc trong thời gian ngắn một cách hiệu quả hơn.
Đơn cử như khi một học sinh đi thi, có thể suốt cả tiếng đồng hồ không làm bài được, nhưng 20 phút cuối lại hoàn thành được bài thi. Có vậy mới thấy, stress không phải là điều đáng sợ và thay vì trốn tránh stress, chúng ta nên học cách đối phó và sống chung với nó. Nếu đó là một kiểu stress không gây áp lực quá mức mà lại có giá trị động viên thì tại sao bạn không mạnh mẽ để đối diện với nó?
Khi bị stress, bạn nên bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân để từ đó có hướng giải quyết hợp lý. Nếu bạn cảm thấy cách phân bố thời gian cho công việc của mình chưa hợp lý thì cần phải điều chỉnh lại ngay để tránh rơi vào trường hợp stress cấp. Nếu bạn cảm thấy bị áp lực quá nhiều từ công việc và không còn thời gian thư giãn thì có thể xin nghỉ phép vài ngày để hòa mình vào thiên nhiên, điều này sẽ giúp bạn "tái làm sạch" bộ não và tiếp tục công việc với một sinh lực mới.
Đôi khi, cũng có bạn trẻ rơi vào tình huống không may, thay vì có những suy nghĩ tích cực thì lại cứ "đắm chìm" trong vòng luẩn quẩn để rồi tiêu hao dần tinh lực lúc nào không biết. Có thể đề cập đến những biểu hiện khác thường của V. - một sinh viên có chứng stress. Bình thường, V. rất hiền lành, chăm ngoan và học giỏi. Nhưng gần đây, V. đập vỡ hai cửa kính ở trường rồi đánh một người bị thương khi người đó không may va xe vào V. Tìm hiểu mới biết, bố mẹ V. vừa ly dị. Về nhà, V. thường đóng cửa không chịu giao tiếp với ai. Có lần V. than phiền: "Sao chẳng ai quan tâm đến mình?"...
Trong trường hợp này, V. có thể vượt qua stress bằng cách thay đổi nhận thức bản thân khi tự đặt câu hỏi: Mình có đòi hỏi nhiều quá không? Mình đã quan tâm đến người khác chưa? Liệu mình có ích kỷ quá không?... V. cũng có thể so sánh với những trường hợp tồi tệ hơn để nhận ra: "Chẳng có gì đáng phải thế cả!" Chính sự thức tỉnh với những ý nghĩ lạc quan, tích cực và thực tế hơn sẽ giúp bạn vượt qua được sự căng thẳng nhất thời.
Trong cuộc sống ngày nay, hầu hết các bạn trẻ đều phải quay cuồng với biết bao bài vở hoặc áp lực công việc. Bạn N. M. H. - sinh viên trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Trời ơi, thật là kinh khủng, suốt từ lúc thức dậy là mình phải bắt đầu chạy theo công việc cho đến lúc lên giường, chẳng có lúc nào rảnh để nghỉ ngơi nữa... nhiều lúc thèm và mong đến ngày Chủ nhật để có thể nghỉ ngơi thoải mái".
Thật ra không thể phủ nhận sự tất bật và bận rộn của các bạn, nhưng chúng ta có thể tận dụng những khoảnh khắc trong ngày để xả stress với những hành động rất đơn giản. Bạn có thể tạm dừng công việc, học tập nếu có thể; uống ngụm nước, rửa mặt; soi gương nhìn lại chính mình; giải tỏa cảm xúc trên giấy; im lặng để tìm sự cân bằng...
Bên cạnh đó, các bạn cũng cần trang bị cho chính mình một số kỹ thuật để vượt qua áp lực công việc và hạn chế stress hết mức có thể.
Tự vấn
Bạn hãy tự hỏi xem mình đang thật sự cần gì? Đối với bạn điều gì là quan trọng nhất? Những việc làm hiện nay của bạn có ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu của bạn? Bạn hãy liệt kê câu trả lời của mình lên giấy, càng chi tiết càng tốt.
Xác định quyền ưu tiên cho công việc
Cùng một lúc, bạn không thể giải quyết được tất cả các công việc, vì thế, bạn nên xác định quyền ưu tiên cho các công việc. Có những công việc chính, công việc tập thể, có việc cấp thiết bạn phải giải quyết trước để rồi tiếp tục các công việc khác.
Lập kế hoạch và cân bằng cuộc sống
Dựa vào mô hình công việc, bạn hãy lập kế hoạch thực hiện các công việc hàng ngày, hàng tuần, hàng năm. Ở mỗi bản kế hoạch hãy nhớ đánh dấu mức độ ưu tiên của bạn. Khi gặp phải trở ngại nào khiến bạn không thể thực hiện hết những việc đã đề ra, hãy chọn lựa giải quyết chúng theo thứ tự bạn đã xác định.
Bạn có thể chọn cho mình một hình thức giải trí thích hợp để giải tỏa áp lực công việc.
Luôn lạc quan và nỗ lực ý chí
Người lạc quan là người luôn suy nghĩ tích cực, phấn khích, nhiệt huyết với cuộc sống, luôn biết ơn và không hay phàn nàn, than vãn. Lạc quan để đam mê và phấn đấu trong công việc, lạc quan để vượt qua áp lực, lạc quan để đứng dậy sau thất bại, lạc quan để sáng tạo và mạnh dạn hơn trong công việc.
Khẳng định bản thân theo phương châm:
"Những gì bạn nói có thể, bạn sẽ thực hiện được.
Những gì bạn nói không thể, bạn sẽ không thể thực hiện."
Thật ra ngày nay, stress dường như đã trở thành người bạn đồng hành của nhiều bạn trẻ, do đó, thay vì tìm cách trốn tránh, các bạn nên học cách sống chung với stress. Bên cạnh đó, các bạn cũng cần tổ chức thói quen sinh hoạt hàng ngày một cách logic, khoa học để có thể thư giãn trong những khoảng lặng của cuộc sống.
Bí quyết thuyết trình hiệu quả
Trong xã hội hiện nay, để thành công trong công việc, chúng ta phải có kiến thức sâu rộng, sự tự tin, khả năng làm chủ tình huống... Trong đó, kỹ năng thuyết trình cũng là một trong những hành trang thiết yếu cho các bạn trẻ bước vào đời.
Tuy nhiên, để tự tin hoàn thành được bài thuyết trình cũng như làm chủ được không gian diễn thuyết không phải là chuyện dễ, đó là kết quả của cả một quá trình tập luyện và chuẩn bị chu đáo. Đó không chỉ là một yêu cầu trong công việc mà còn là một trong những bí quyết để thể hiện mình trước đám đông.
Vượt ngưỡng cửa sợ hãi
Hẳn ai trong các bạn cũng phải thừa nhận sự vụng về, lúng túng và thậm chí là sợ hãi khi lần đầu tiên thuyết trình trước đám đông bạn bè hay người lạ. Sự nhút nhát bắt nguồn từ việc sợ sai lầm, sợ bị người khác phê phán và cũng do chưa có kinh nghiệm và sự chuẩn bị chu đáo.
Bên cạnh đó, việc đứng trước nhiều người để trình bày một vấn đề nào đó thường hay làm bạn mất tự nhiên, lời nói trở nên gượng gạo. "Xin chào mọi người, mình là..., hôm nay mình sẽ nói với các bạn về vấn đề...", là cách mở đầu thường thấy của các bạn trẻ khi bắt đầu một cuộc nói chuyện.
Cách mở đầu này cần phải xem xét lại vì có nhiều điều chưa ổn. Thứ nhất, việc dùng từ "mọi người" sẽ làm mất sự thân tình và thiện cảm. Thứ hai, việc lộ ra quá sớm đề tài không hẳn là hiệu quả. Và thứ ba, cách mở đầu đó thiếu hẳn những thủ thuật cần thiết để gây chú ý, lôi cuốn sự tập trung của người nghe khi chúng ta bắt đầu thuyết trình.
Trong một cuộc nói chuyện, bạn phải xác định được đối tượng đang lắng nghe mình: họ bao nhiêu tuổi, là nam hay nữ, trình độ học vấn... để có cách xưng hô thích hợp chứ không thể "chào mọi người" hay xưng "mình" và "các bạn" một cách tùy tiện, điều này sẽ tránh được sự khiếm nhã, thiếu tôn trọng nếu người tham dự lớn tuổi hoặc có chức vụ cao.
Hơn nữa, vì sợ hãi nên một số bạn mất bình tĩnh khi nói trước đám đông, lúc này, mọi ý tưởng trong đầu sẽ trở thành mớ hỗn độn không đâu vào đâu, bạn không thể tỉnh táo để sắp xếp chúng theo mạch logic và thậm chí không thể ý thức mình đang nói gì cũng như sắp nói gì. Điều này sẽ tạo cho buổi nói chuyện những khoảng lặng vô nghĩa và tẻ nhạt, bầu không khí trở nên "đóng băng" trên diễn đàn. Kết quả là bài diễn thuyết sẽ thiếu mạch lạc và trở nên nhàm chán.
Như vậy, vấn đề quan trọng là bạn phải làm sao để cởi bỏ được áp lực tâm lý khi thuyết trình. Bạn hãy hiểu rằng, mình đang giao tiếp với mọi người bằng những lời lẽ mang tính trí tuệ, chia sẻ với mọi người những ý tưởng mà bạn đang ấp ủ trong đầu. Trước mặt bạn là hai người hay 200 người? Đừng để ý đến con số này. Điều quan trọng là để tâm vào bài diễn thuyết, thực hiện đến cùng lời nói của mình và luôn giữ để nó liền mạch. Đó là một yêu cầu rất "cơ bản".
Để cuốn hút người nghe, tạo tiền đề cho một cuộc nói chuyện thành công, ngay từ phần mở đầu, bạn nên đưa ra một sự kiện, trích dẫn một lời nói hay một câu thơ, hoặc có thể lồng vào một vấn đề thời sự đang gây chú ý vào thời điểm đó, để khơi gợi sự tò mò của người nghe. Bài thuyết trình thực sự hấp dẫn nếu người nói biết dẫn những chứng cứ xác thực, số liệu biết nói... cùng cách trình bày chân thật, nhiệt thành, thường xuyên có những câu hỏi hay những lời pha trò để tạo hứng khởi cho người nghe.
Rèn luyện và thích ứng
Công việc chuẩn bị cho một cuộc nói chuyện trước đám đông rất quan trọng. Bạn nên dành thời gian để cô đọng những ý tưởng cần nói, tổng kết những ý tưởng này bằng các gạch đầu dòng, sau đó khai triển mở rộng chúng trong quá trình nói. Nếu bạn thuyết trình lần đầu tiên, bạn nên mang bên cạnh mình những tấm giấy nhỏ ghi đề cương của bài nói chuyện để đề phòng khi bạn đột nhiên "mất trí" hay "lạc trí".
Đề cương cho cuộc nói chuyện chính là kim chỉ nam giúp bạn không đi lệch hướng nhưng bạn phải làm chủ đề cương chứ không thể để đề cương làm chủ mình. Đó thực sự là khung sườn giúp bạn định hình bài nói sao cho đúng hướng đi, có trọng điểm.
Trong kỹ năng thuyết trình, có khá nhiều yêu cầu khác nhau và ngoại hình cũng là một yêu cầu rất quan trọng. Bạn cần chuẩn bị trang phục, cách trang điểm phù hợp, luôn giữ nét mặt tươi tắn, thân thiện, cách đi đứng đúng mực và biết sử dụng micro có hiệu quả. Muốn trở thành người thuyết trình giỏi thì bạn phải chịu khó thực hành. Bạn có thể đứng trước gương để tự chiêm ngưỡng phong thái thuyết trình của mình và chỉnh sửa.
Cũng có thể bạn nên tình nguyện nói chuyện trước một nhóm người (nhóm bạn) vào thời gian rỗi để làm quen với cảm giác thuyết trình. Khi bạn cảm thấy tự tin hơn, bạn có thể nói trước một cuộc họp lớn với sự có mặt của nhiều nhà lãnh đạo. Mục đích của việc này là để bạn tìm ra sai sót của mình trong quá trình thuyết trình và tự sửa chữa chúng.
Nghệ thuật thuyết trình còn đòi hỏi phải có tâm lý vững vàng. Trong cuộc nói chuyện luôn có thể xảy ra những sự cố không mong muốn khiến bạn dễ bị mất điểm. Chẳng hạn, có khán giả đặt câu hỏi khó, ngoài khả năng trả lời của bạn, trước tình huống này, bạn hãy khéo léo từ chối bằng cách ghi nhận vấn đề mà vị khách nêu ra và xin phép được trả lời vào một dịp khác hoặc cũng có thể kéo dài thời gian suy nghĩ bằng cách hỏi xem ai có ý kiến về vấn đề vừa được nêu ra.
Cũng có trường hợp người nghe không tỏ thái độ hợp tác, họ làm việc riêng hoặc gây ồn ào, lúc đó bạn nên xem lại cách nói của mình có hấp dẫn hay không, có thể nhắc nhở nhẹ nhàng bằng câu hỏi gây sự chú ý: "Tôi nói thế các bạn có ủng hộ hay không? Có vẻ như có bạn cần làm việc riêng phải không ạ?". Nếu không có kết quả, bạn nên lờ đi và tiếp tục giữ thái độ hòa nhã, lịch sự để tập trung vào bài nói chuyện của mình bởi trước mặt bạn còn rất nhiều người đang chú ý lắng nghe những gì bạn muốn nói.
Một vấn đề nữa mà các bạn trẻ cần quan tâm trước khi thuyết trình đó là tìm hiểu hứng thú, sự quan tâm và đam mê của người nghe để tác động hợp lý để có những chuẩn bị cần thiết... Bên cạnh đó, cũng nên đến sớm trước giờ thuyết trình 10-15 phút để có thời gian chào hỏi và làm quen với người nghe, tạo sự thân thiện. Bạn cũng nên đi xung quanh hội trường một vòng để có cảm giác quen thuộc một chút, tránh trường hợp bỡ ngỡ khi bước lên khán đài và rơi vào trạng thái "choáng ngợp" khi nhìn xuống.
Chính sự rèn luyện, chuẩn bị chu đáo sẽ giúp cho bạn khắc phục được tính nhút nhát khi thuyết trình, điều này sẽ tạo cho bạn sự an tâm để hạn chế tối đa các sự cố có thể xảy ra. Lúc bấy giờ, bạn không chỉ thuyết trình bằng lời mà bằng cả ngôn ngữ hình thể và sự đam mê cũng như những cảm xúc thật nồng nàn, sâu sắc. Chắc chắn rằng sự thành công sẽ đến với bạn nếu bạn biết nỗ lực và cố gắng hết mình để luyện tập, luyện tập và luyện tập.
Con đường để có quyết định hợp lý
Mỗi sáng khi thức giấc, bạn đều phải tự quyết định một việc nào đó: Đi làm hay ở nhà? Lên lớp hay đi thư viện? Chơi thể thao hay đi khiêu vũ?... Tối đến, bạn phải trăn trở với những suy nghĩ nên đi uống cà phê hay ở nhà học bài, nên tập thể dục thể thao hay ngủ sớm?
Đó là những vấn đề khá bình thường trong cuộc sống và chúng ta dễ dàng đưa ra quyết định. Tuy nhiên, trong thực tế còn có nhiều vấn đề hệ trọng khác đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ, cân nhắc trước khi ra quyết định để không phải hối tiếc với lựa chọn của mình.
Mấu chốt của quyết định là sự cân nhắc
Một quyết định đúng đắn hay sai lầm đều có thể ảnh hưởng đến tương lai và cuộc sống của mỗi chúng ta. Cân nhắc để lựa chọn một trong nhiều phương án trước vấn đề nào đó để không phải lãnh hậu quả đáng buồn thật sự là một điều khó khăn. Anh K., giám đốc một công ty chuyên tổ chức các sự kiện kể lại một tình huống khá trớ trêu. Đó là lần anh tổ chức chương trình hội thảo hai ngày tại Nha Trang.
Khi mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất, anh sắp lên đường thì người yêu bị bệnh rất nặng. Đây quả thực là thời điểm khó khăn: Bỏ dở chương trình quan trọng mà anh tốn công sức một thời gian dài chuẩn bị hay ở lại chăm sóc người yêu trong thời điểm nguy cấp này? Anh tâm sự: "Nhìn bạn gái ngủ vùi trên giường bệnh mà muốn chảy nước mắt, nhưng nếu thiếu tôi, chương trình sẽ phải hoãn lại và bao nhiêu khách mời sẽ ra sao? Uy tín của công ty sẽ như thế nào?
Cuối cùng, tôi đã quyết định đi công tác trước ánh mắt ngỡ ngàng của bạn bè và cả những người thân ở hành lang bệnh viện". Anh K. cho biết, anh quyết định như vậy vì anh nhận ra rằng nếu thiếu anh, người yêu vẫn sẽ được chăm sóc tốt vì còn có bạn bè, gia đình và các bác sĩ. Anh quyết tâm hoàn thành công việc thật tốt và sau chuyến công tác, anh đã dành toàn bộ thời gian ở bên cạnh người yêu. Nhìn sự chăm sóc tận tình của anh bên giường bệnh, mọi người cũng hiểu sự lựa chọn của anh là bất khả kháng.
Cuộc sống cho thấy việc ra quyết định có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc đời. Giữa nhiều giải pháp, bạn chọn điều này chứ không phải điều kia, nghĩa là ra quyết định và bạn phải chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Một quyết định tốt không những giúp bạn đạt được mục đích trong công việc cũng như cuộc sống riêng tư mà còn giúp bạn tránh được những sai lầm hoặc những hậu quả không tốt. Nhận ra được điều này và thực hiện nó một cách nghiêm túc, sáng suốt, bạn sẽ cảm thấy mình trưởng thành và sâu sắc hơn.
Có những vấn đề quá rõ ràng để chúng ta lựa chọn trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, có những vấn đề lại trở nên mơ hồ để có thể đi đến quyết định cuối cùng? Đó có thể là những vấn đề bạn chưa nắm hết được các luồng thông tin, hoặc đó là vấn đề bạn không am hiểu tường tận... Là một nữ sinh viên có nhan sắc nên Th. quyết tâm tìm cho mình một hoàng tử điển trai, giàu sang và có địa vị trong xã hội.
Sau một vài lần gặp gỡ thông qua bạn bè, Th. đã quyết định chấp nhận lời cầu hôn của K. - một giám đốc trẻ đúng như các tiêu chí mà cô đặt ra. Tuy nhiên, với quyết định vội vàng và thiếu thời gian tìm hiểu cũng như quá tin tưởng vào quyết định của mình mà sau này Th. đã hối hận vì cưới một ông chồng độc đoán và ghen tuông.
Nếu Th. không nhìn nhận người chồng thông qua vẻ bề ngoài, thiên về vật chất mà không chú trọng đến vẻ đẹp của nhân cách và yếu tố tinh thần, cũng như không nhìn nhận người đàn ông mình chọn chỉ dưới góc độ là người yêu chứ không phải một người chồng và một người cha sau này thì sự hối tiếc chắc chắn đã không xảy ra.
Do đó, khi nhận định về một vấn đề gì, không thể chỉ nhìn nhận từ một góc độ mà phải tiếp cận vấn đề theo nhiều góc độ để thấy rõ được tất cả những mặt mạnh cũng như mặt yếu, những bất lợi cũng như thuận lợi và trên cơ sở đó đưa ra quyết định cuối cùng. Lúc bấy giờ, quyết định sẽ có cơ sở khoa học và sự vững chãi một cách thật sự.
Nghệ thuật ra quyết định
Trong những trường hợp đó, để tránh đưa ra một quyết định chủ quan, nóng vội và sai lầm, các bạn cần chú ý đến bốn bước sau:
1. Hiểu vấn đề cần quyết định: Bạn phải quyết định điều gì? Vấn đề nào có thể gây ra sự rắc rối thì bạn nên tập trung giải quyết nó.
2. Nhận định các giải pháp: Những lựa chọn của bạn là gì? Bạn chắc chắn mình giải quyết được vấn đề? Bạn có thể tham khảo ý kiến từ người khác như bố mẹ, thầy cô, bạn bè hoặc những người bạn thấy tin tưởng; lắng nghe những ý kiến đó và phân tích trên cơ sở thực tế của bản thân.
3. Đưa ra các lý lẽ tán thành hay phản đối sau khi đã cân nhắc, đánh giá, so sánh, tham khảo ý kiến người khác, đồng thời xác định hậu quả và kết quả có thể đạt được cho mỗi lựa chọn.
4. Quyết định đâu là giải pháp tốt nhất và thực hiện theo giải pháp đó.
Việc tuân theo bốn bước này trước khi đưa ra quyết định sẽ giúp bạn có một cái nhìn toàn diện cũng như thu thập được những thông tin, ý kiến hữu ích giúp ta hiểu ra vấn đề trước khi quyết định.
Thật ra, để đưa ra một quyết định tốt không phải là điều dễ dàng. Khá nhiều học sinh cấp ba băn khoăn trước vấn đề chọn ngành nào, trường đại học nào. Đây là một trong những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến cuộc đời của mỗi con người, nhưng khá nhiều bạn đã chọn lầm để rồi sau đó phải hối tiếc.
Bạn Phương Anh, sinh viên trường đại học Y, đã phải bỏ học giữa chừng khi nhận ra mình không phù hợp với ngành này sau hai năm theo học. Bạn đã quyết định một việc hệ trọng nhưng lại không dựa trên sở thích, năng lực của bản thân mà lại phụ thuộc vào nguyện vọng của cha mẹ. Khi nhận ra mình quyết định sai thì bạn đã lãng phí mất hai năm và tốn khá nhiều tiền của. Nhưng Phương Anh đã quyết tâm bắt đầu lại để làm theo sở thích của mình: Bỏ trường Y để theo đuổi ngành dịch thuật trước sự chống đối rất quyết liệt từ phía gia đình.
Khi ra quyết định, bạn phải lường trước những gì xảy ra sau đó, thậm chí bạn phải chấp nhận cả sự mạo hiểm, rủi ro. Một quyết định tốt nhưng thực hiện tồi hoặc ngược lại sẽ gây hậu quả rất lớn cho bản thân và xã hội. Một quyết định sai chúng ta có thể sửa chữa, nhưng nó để lại rất nhiều hệ lụy, lãng phí và nhiều vấn đề khác nảy sinh.
Trong thực tế, có những tình huống buộc chúng ta phải quyết định "trong chốc lát", lúc này bạn cần có bản lĩnh cũng như năng lực đưa ra quyết định. Né tránh các quyết định dường như lúc nào cũng dễ dàng hơn. Nhưng tự đưa ra quyết định cho riêng mình là cách bạn tự chịu trách nhiệm với cuộc sống và thành công của mình. Đó cũng chính là tính cách cơ bản cần phải có của người trưởng thành. Ra quyết định không chỉ là sự khẳng định mà còn là điều cơ bản để thể hiện trí tuệ, ý chí của chính mình trong cuộc sống.
Mục tiêu cuộc đời luôn ở phía trước, nhưng để đạt được mục tiêu đó, bạn phải có những quyết định sáng suốt ngay thời điểm hiện tại. Do đó, để đưa ra một quyết định đúng đắn và hiệu quả, bạn phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng, tiếp cận vấn đề dưới nhiều góc độ và quan trọng là những quyết định ấy không chỉ đáp ứng cho hiện tại mà còn phải hướng đến tương lai. Một quyết định đúng đắn, hợp lý phải dựa trên sự cân nhắc của cả lý trí và sự khát khao cảm xúc.
Đầu tư cho một quyết định là đầu tư cho cả một tương lai. Cho dù đó là tương lai gần hay tương lai xa thì vẫn là một nhiệm vụ có sức nặng thật tuyệt vời đối với mỗi người chúng ta trong cuộc sống.
15TBlogsach.com http_vtc8 ^^! Nhớ em nhiều
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top