Bỏ Vợ

Đàn ông họ không bao giờ biết thoả mãn với những gì họ đang có. Khi tiền tài, địa vị đã có trong tay họ lại muốn nhiều hơn thế nữa. Một gia đình hạnh phúc vợ đẹp con ngoan vậy mà thích đèo bồng vợ một vợ hai, để rồi chẳng được vợ nào. Chính lòng tham vô đáy là thứ thuốc độc không màu không mùi không vị giết chết họ một cách ghê gớm nhất. Đó là câu chuyện của thầy ký Bình đây...

Sài Gòn những năm Pháp thuộc. Có gia đình thầy Bảy bóc thuốc Nam chữa bệnh có cô con gái tên Huyền đẹp người đẹp nết, đảm đang khéo léo. Khi cô Huyền vừa tròn đôi mươi được một người bạn của cha là thầy Phán làm mai cho cô một người đàn ông - đó là thầy ký Bình tướng mạo phong lưu, chữ nghĩa đàng hoàng. Cả hai kết tóc se duyên và có một đứa con trai tên Nghiệp. Lúc đứa bé được một vài tuổi thầy ký xuống Mỹ Tho nhận chức biện lý. Cô Huyền vì chữ hiếu mà cùng con trai ở lại Sài Gòn với cha già.

Người ta nói xa mặt cách lòng quả không sai. Là đàn ông khi xa vợ nhà, một mình làm việc nơi xứ lạ không tránh khỏi sự lăng nhăng này nọ. Thầy ký thay lòng đổi dạ, mới xuống Mỹ Tho nhận việc chừng nửa năm thầy đã chấp nối duyên tình, đặng nghĩa vợ chồng, san sẻ yêu thương cùng người đàn bà khác. Trong khi cô Huyền vẫn còn là vợ trên hôn thú.

Mấy tháng đầu, thầy ký Bình còn hay thư từ về cho vợ, nhưng có hơn một tháng không thấy tin tức gì của chồng cô Huyền cảm thấy hơi lo. Cô khăn gối xuống tận Mỹ Tho tìm chồng. Sau một hồi dọ hỏi nhà thầy Cai - nơi chồng mình ở nhờ để làm việc, cô đã tìm đến nhưng ra tiếp cô là một người phụ nữ tuổi chừng cỡ cô không hơn bao nhiêu. Dường như Huyền đã nghe được điều gì về chồng mình và người đàn bà này nên có ý dò xét. Qua phút trao đổi được biết cô ta tên Hương - một người đàn bà goá chồng, có hai mặt con, nhưng nhan sắc vẫn còn mặn mà tươi trẻ. Vậy mà thầy ký lại phải lòng phải dạ người ta. Nhưng nói đúng ra, thầy ký cũng chẳng gian dối điều gì, việc thầy đã có vợ cô Hương cũng biết. Nhưng đã lỡ vương thương nhớ rồi cô cũng đành chấp nhận thân lẻ mọn.

Trước sự thật phũ phàng này, Huyền nuốt sầu nuốt tủi, chẳng khóc lóc van xin hay làm ầm làm ỉ. Dù chứng kiến cảnh chồng mình ở nhà người ta, gọi người ta một tiếng mình hai tiếng mình thân mật. Cô giận đến tím ruột bầm gan cũng không một câu mềm yếu để bị coi thường. Vì một khi thầy ký đã thay đổi không còn yêu thương cô nữa thì có cầu xin thầy trở về trái tim cũng chẳng còn nguyên vẹn. Thà cô chấp nhận cuộc sống cô lẻ chứ là đàn bà con gái ai lại chịu kiếp chồng chung đem ân tình xẻ bảy chia ba cùng người phụ nữ khác.

Nhìn chồng chặt lòng chặt dạ muốn một kiểng hai quê, Huyền còn biết làm gì hơn đành dâng chồng cho người. Nói thì nói vậy, nhưng trong bụng cô cũng muốn cho chồng một cơ hội. Thời gian một tháng cho thầy suy nghĩ, nếu còn thương cô thì phải bỏ người ta trở về còn như thầy không về cô có đi bước nữa với ai khác thì cũng là điều phải. Chỉ ngắn gọn bấy nhiêu thôi, Huyền quay đi bước vội ra ngoài với tâm trạng rối bời lòng đau như cắt. Thầy ký cũng chẳng hơn cô là bao, nhưng biết làm sao được "bỏ thì thương, vương thì tội". Hương nhìn theo cũng ngậm ngùi lo sợ....

Đã hơn một tháng, thầy ký không về, Huyền cũng đã tường cái bụng của thầy. Nghe cha và thầy Phán tính cho cô thêm bước nữa đặng có người đàn ông bên cạnh mà cùng cô lo dạy con cái. Cô Huyền cũng không phản đối gì, cô chấp nhận một phần vì "hận" cái thói đời bội bạc, một phần là muốn cho người ta thấy không có người ta cô cũng sống tốt đó thôi. Thợ máy Cang một người đàn ông hiền lành chân chất đã để ý thương Huyền từ lâu mà không dám tỏ lòng mình, đến lúc cô lên xe hoa cùng người khác mà xin ra uẩn uất. Nay nghe cô lỡ dở tình duyên, bị chồng chối bỏ, anh tình nguyện dang rộng đôi tay ra để bảo bọc mẹ con Huyền hết quãng đời còn lại.

Mới đó mà hai mươi năm trôi qua, dòng đời cứ trôi đi vội vã cô Huyền an phận với ngôi thứ của mình bên anh Cang. Cả hai cùng nhau gầy dựng cơ ngơi, có của ăn của để không thua kém ai. Bé Nghiệp ngày xưa cũng được Cang thương yêu nuôi dạy như con ruột của mình. Sau mấy năm du học bên Tây nay Nghiệp trở về với tấm bằng bác vật cùng cha quản lý xưởng xe của gia đình. Cô Huyền thấy con trai đã lớn định tìm chỗ mối mai chọn vợ cho Nghiệp. Nhưng cậu cứ ậm ừ chưa muốn vì đã lỡ thương Loan - em gái Hùng - người bạn từ lúc còn ở Sài Gòn đến lúc cả hai cùng đi Tây. Biết được tình cảm của Nghiệp nên cô Huyền cũng chẳng thúc ép nữa. Con ưng ai cô cưới đó để con có hạnh phúc trọn vẹn, chứ đừng như cô ngày xưa vì mối mai mà cô lỡ dở duyên đầu rồi chấp nối cùng người khác.

Từ cái lúc cô Huyền và thầy ký Bình dứt nghĩa vợ tình chồng, thầy cùng cô Hương về Cần Thơ nhận chức Hội đồng. Thầy ký càng lúc càng an nhàn trong chức vị, nhưng cô Hương thì ngày một héo hon vì việc trong nhà từ lớn tới bé đều do một tay cô quán xuyến. Hùng - con trai lớn của cô Hương từ khi đi Tây về đã không còn dành cho thầy ký cái thâm tình máu mũ như thuở nhỏ. Nay cô Hương qua đời tất cả sản nghiệp của gia đình cô đều giao lại cho thầy trọn quyền quyết định, Hùng có thành kiến với ông lại càng tỏ ra khó chịu hơn và ghét bỏ ra mặt. Ông phụ bạc vợ nhà đèo bồng cưới mẹ anh chỉ vì cái sự sản mà mẹ anh có, rồi từ đó bước lên những cấp bậc danh vọng được làm ông này ông nọ, người như vậy không đáng để Hùng gọi bằng cha. Nhưng về phần Loan - con gái thứ của cô Hương thì lúc nào cũng quý mến kính trọng thầy ký như cha ruột, dù anh cô hay mọi người có nói gì đi nữa cô vẫn thương ông bằng tấm lòng của đứa con gái. Ông cảm thấy xấu hổ mà chẳng dám ở lại cùng hai đứa con vợ, chấp nhận cảnh sống cô độc ra vào lầm lủi trên mảnh đất vườn vắng vẻ.

Có cảnh tình hôm nay cũng bởi luật nhân quả, bỏ con mình đi nuôi con người để khi nó lớn nó phủi bỏ mọi công sức đó, nhận lại là những lời khinh thường miệt thị thiệt cay nghiệt. Biết trách là tại ai.

Cuộc đời như một vòng dây oan trái, càng né tránh muốn quên tất thảy chuyện đau lòng xưa cũ thì nó lại dội về trong miền nhớ. Đi gần hết đời người, nếm đủ mọi đắng cay mật ngọt, người yên phận ấm êm người khắc khoải đêm đêm vì lương tâm cắn rứt. Sự đời, ai lường được, gặp lại nhau trong cảnh dở khóc dở cười. Muốn bước vội qua nhau mà cũng không tài nào làm được.

Từ ngày đó, cô Huyền không muốn ai nhắc gì về chuyện cũ nhất là chuyện thầy ký là cha ruột Nghiệp. Ai có ngờ, càng né tránh càng che giấu mọi việc càng hiện ra, chỗ Nghiệp muốn kết duyên lại là gia đình của thầy ký, lòng dạ cô bỗng nặng nề rối rắm như cuồn tơ. Bao nhiêu năm qua cô vẫn chưa nguôi nỗi đau bị chồng ruồng bỏ. Dĩ vãng ngày xưa đã in lên trái tim của người phụ nữ này một vết hằn to lớn không thể xoá mờ được.

Nghiệp sau khi xuống nhà Loan gặp mặt nói chuyện cùng thầy ký, nghe những lời nói chất chứa ẩn tình sâu kín cậu bỗng thấy mủi lòng thương cảm. Dường như tình phụ tử thiêng liêng nó cho trái tim cậu một linh cảm khiến cậu buồn bã suy nghĩ miên man. Nhìn con như vậy tâm tư cô Huyền nặng nề không kém. Việc ai làm người đó chịu cớ gì lại liên luỵ cả con trẻ. Người nào buộc dây thì người đó mở. Chuyện ngày xưa nó cứ quay mãi trong đầu cô, nó thôi thúc cô tìm xuống Cần Thơ, muốn Nghiệp cưới Loan, muốn người ta đứng ra gả con ghẻ cho con ruột. Cái chính là muốn xem cái mặt của những con người đã làm cô đau khổ hiện giờ ra sao. Thà chịu tiếng ác với đời còn hơn âm thầm đau khổ.

Người ta nói còn yêu nên mới hận. Ngoài mặt thì nói vậy thôi, chứ bụng dạ cô Huyền rất mềm yếu. Hôm nay tận mặt người xưa, nhìn ông trong dáng vẻ một nông dân tiều tuỵ còn cô như một mệnh phụ phu nhân cao sang quyền quý. Thật không khỏi chạnh lòng cho một kiếp người. Ngày xưa cũng vì tự ái thầy ký tự tay hất bỏ cái hạnh phúc vốn dĩ thuộc về mình. Ngày nay lấy tư cách gì mong muốn người ta tha thứ. Khi hai lần cô Huyền dẹp bỏ cái danh dự tự trọng của người phụ nữ lặn lội tìm ông. Hai mươi năm trước cô cố gắng níu giữ cho ai cơ hội quay đầu, hai mươi năm sau cô cho ai cơ hội đối mặt vậy mà cả hai lần thầy ký đều từ chối làm ngơ. Đã quá nửa cuộc đời vậy mà tính cố chấp ấy vẫn không bỏ, cái tôi của ông quá lớn nên cái đời ông mới khổ, khổ cả hai người phụ nữ đã yêu ông, những đứa con không cha mất mẹ cũng chẳng vui sướng gì.

Ngàyđám cưới Nghiệp ông trở về và lén đứng trước ngõ nhìn con trai mình trong nướcmắt. Ngậm ngùi chua xót cái thiên chức làm cha ông đã vứt đi, còn mong gì đượccon nhìn mặt. Trong tuổi xế chiều lá rụng, ông lặng lẽ bước đi về một nơi yênbình để tự vấn lại lương tâm, gặm nhấm tội lỗi ông đã gây ra. Mặc dù tất cả đãtha thứ cho ông, Hùng - Nghiệp - Loan đã hiểu ra mọi chuyện muốn đền đáp phụngdưỡng ông cả quãng đời còn lại. Nhưng cái chữ "tự ái" nó đè nặng lên người ôngnhư một tảng đá vô hình, bỏ mặt người thân đứng bên đường nhìn ông lặng lẽ vàđau xót, bước đi rồi không thể quay đầu lại. Hết rồi, thật đáng cho một con ngườibội bạc.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top