''Bàn tay Tử Thần'' Perimeter - Bí ẩn về hệ thống vũ khí răn đe tối hậu của Nga
Vào những năm 1980, thế giới đang đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu. Giả thuyết cho một tình huống khủng khiếp, các quốc gia trong khối quân sự NATO quyết định kết liễu Nhà nước Xô viết và giáng một đòn tấn công hạt nhân phủ đầu quy mô lớn nhắm vào toàn bộ lãnh thổ Liên bang Xô viết. Tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân được phóng lên từ các giếng phóng, tàu ngầm, tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân phóng đi từ các máy bay ném bom chiến lược.
Hàng nghìn đầu đạn hạt nhân mang đương lượng nổ từ hàng trăm đến hàng triệu kiloton đồng loạt tấn công vào toàn bộ các thành phố, các trung tâm chỉ huy chiến lược chiến dịch, trung tâm kinh tế công nghiệp, hải cảng, căn cứ quân sự và các đơn vị chiến đấu của Quân đội Liên Xô.
Khi bộ máy lãnh đạo Nhà nước Xô viết đang trong tình trạng sốc và hỗn loạn cố gắng tìm hiểu, chuyện gì đang diễn ra, sai lầm nào đã xảy ra, tìm mọi cách liên lạc để sửa chữa tình huống thì đã quá muộn.
Tất cả các trung tâm chính trị quân sự, kinh tế, công nghiệp quốc phòng, các trung tâm chỉ huy điều hành tác chiến và các căn cứ quân sự sẽ bị san phẳng và hủy diệt dưới sức nổ hàng trăm megaton trong một đòn tấn công duy nhất. Sức mạnh to lớn của tiềm lực hạt nhân Liên Xô sẽ không có thời gian để phát huy. Không có mệnh lệnh nào được đưa ra và thực thi, các đơn vị hạt nhân chiến lược bất động và bị vô hiệu hóa khi không còn trung tâm chỉ huy, điều hành tác chiến.
Vào cuối nửa đầu của thập kỷ 80 cho đến nay, Mỹ và khối NATO với tiềm lực vũ khí hạt nhân và công nghệ quân sự hàng đầu thế giới có thể làm được điều đó, các tướng lĩnh ''Diều hâu'' cũng đã lên kế hoạch cho cuộc tấn công phủ đầu như vậy.
Thế nhưng, ngày tận thế đã không xảy đến với Liên bang Xô viết. Vì sao?
Giả thiết thảm họa đó xảy ra. Nhưng ngay khi các tướng lĩnh của khối quân sự Bắc Đại Tây dương chưa kịp ăn mừng chiến thắng trước sự thành công của đòn tấn công hủy diệt Liên bang Xô viết, thì kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Liên Xô, tưởng chừng như đã bị tê liệt hoàn toàn sau cuộc tấn công hủy diệt, đột nhiên hồi phục.
Hàng nghìn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình của Liên bang Xô viết xuất kích từ các hầm phóng, tàu ngầm hạt nhân, bệ phóng di động trên mặt đất, trên các đoàn tàu hỏa sẽ chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của phương Tây, lao đến những mục tiêu định trước và phá hủy hoàn toàn các thành phố lớn, các trung tâm chỉ huy điều hành tác chiến chiến lược - chiến dịch, các căn cứ quân sự, các hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược, kho tàng quân sự trên khắp châu Âu và nước Mỹ. Thế giới sẽ rơi vào thảm họa hạt nhân và không ai chiến thắng.
Tình huống tiếp theo sẽ diễn ra khi hệ thống chỉ huy điều hành chiến lược phản kích hạt nhân ''Perimeter'' (tiếng Nga: "Периметер"), được báo chí phương Tây khiếp đảm gọi là ''Bàn tay Tử Thần (Dead Hand)'', đối số cuối cùng của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay, được kích hoạt.
Mặc dù các nhà khoa học giả tưởng đã vẽ ra vô số những bài viết và luận chứng khoa học về ''Thiết bị ngày tận thế (Doomsday Machines)'', bảo đảm sẽ bảo vệ an toàn cho các nhóm người thượng tầng kiến trúc của siêu cường và giáng trả đòn phản công bất kỳ đối thủ và đảm bảo tiêu diệt kẻ thù, chỉ duy nhất có hệ thống ''Perimeter'' là đang thực sự tồn tại.
''Perimeter'' là hệ thống chỉ huy điều hành tác chiến tự động được giữ bí mật tuyệt đối. Người ta có thể tin tưởng về sự tồn tại của hệ thống nhưng không thể biết hệ thống đang ở đâu? Cấu trúc thành phần, chức năng nhiệm vụ, công tác quản lý điều hành như thế nào? Hầu như không có thông tin nào có được hiện nay có đủ độ tin cậy để khẳng định hoặc bác bỏ sự tồn tại của hệ thống này cũng như tình trạng của hệ thống.
Nguyên tắc chung hoạt động của hệ thống ''Perimeter'' là tự động tiến hành đòn tấn công hạt nhân quy mô lớn. Hệ thống tự động chỉ huy, điều hành khởi động hệ thống phóng tên lửa đạn đạo và hành trình mang đầu đạn hạt nhân từ hầm phóng, tàu ngầm, các hệ thống phóng cơ động tự động (tàu hỏa mang tên lửa hạt nhân), các hệ thống phóng tên lửa hành trình trên không và trên biển, kích hoạt các đầu đạn hạt nhân trong tình huống kẻ thù đã hủy diệt tất cả các trung tâm chỉ huy điều hành tác chiến cấp chiến lược, chiến dịch, có thể ra mệnh lệnh giáng đòn phản kích hạt nhân của Quân đội Liên Xô trước đây và Quân đội Nga ngày nay.
Hệ thống ''Perimeter'' hoàn toàn không phụ thuộc vào các hệ thống chỉ huy điều hành tác chiến và các trang thiết bị thông tin liên lạc, thậm chí không phụ thuộc cả vào chiếc cặp hạt nhân ''Kazbek'' (tiếng Nga: "Казбек") luôn đi cùng Tổng thống Nga.
Hệ thống ''Perimeter'' được đưa vào trực sẵn sàng chiến đấu năm 1985. Năm năm sau hệ thống được nâng cấp và hiện đại hóa, mang mật danh là ''Perimeter-RC'' (tiếng Nga: "Периметер-РЦ") và tiếp tục phục vụ trong 5 năm tiếp theo. Theo Hiệp định START-1, hệ thống được dừng trực chiến. Từ đó ''Perimeter'' rơi vào bí mật, tình trạng hiện nay của hệ thống hoàn toàn không rõ ràng.
Theo một số thông tin, hệ thống đã được ''tái kích hoạt'' và đưa trở lại trạng thái sẵn sàng chiến đấu sau khi hết thời hạn hiệu lực của START-1 (tháng 12/2009), một số thông tin khác cho rằng hệ thống đã được nâng cấp và hiện đại hóa ít nhất 2 lần, hiện đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống như sau: ''Perimeter'' là một hệ thống trang thiết bị được số hóa hoàn toàn và liên tục trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tương tự như trung tâm cảnh báo sớm, chỉ huy điều hành tác chiến hiện nay ở Moskva và các sở chỉ huy của lực lượng tên lửa chiến lược, ''Perimeter'' tiếp nhận thông tin từ hệ thống theo dõi các vụ phóng tên lửa trên toàn thế giới, trong đó có thông tin từ hệ thống radar cảnh báo sớm tầm xa về một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.
Chính xác hơn là hệ thống có các sở chỉ huy điều hành tác chiến độc lập, có nội hàm và chức năng nhiệm vụ tương tự như các sở chỉ huy điều hành tác chiến của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Liên Xô trước đây và Nga ngày nay.
Theo các thông tin không chính thức, có tất cả 4 sở chỉ huy như vậy, nằm trên những khoảng cách rất xa nhau và hoạt động đồng bộ, trùng lặp các chức năng của sở chỉ huy. Hệ thống truyền thông cũng hoàn toàn độc lập, không liên quan đến bất cứ hệ thống truyền thông nào của nhà nước và Quân đội Nga.
Trong các sở chỉ huy đó có tổ hợp các hệ thống thành phần siêu bí mật của hệ thống ''Perimeter'', tổ hợp hệ thống chỉ huy, kiểm soát và điều hành tác chiến tự động. Đây là một tổ hợp máy tính điện tử được lập trình vô cùng phức tạp, thiết kế và phát triển trên cơ sở trí tuệ nhân tạo (AI).
Tiếp nhận thông tin từ các cuộc đàm thoại trong không gian điện từ, thông tin từ về trường phóng xạ và các nguồn bức xạ khác tại các điểm kiểm soát, thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm về các vụ phóng tên lửa, dữ liệu địa chấn. Bộ não điện tử của hệ thống có khả năng đưa ra kết luận về tình huống một vụ tấn công hạt nhân quy mô lớn.
Nếu tình huống gia tăng căng thẳng đến cấp độ ''báo động đỏ'' hệ thống ''Perimeter'' tự động đưa tất cả các thành phần của hệ thống chỉ huy tên lửa chiến lược tự động vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Đến lúc này, hệ thống chỉ còn đợi một thông tin ''then chốt'' cuối cùng, không có tín hiệu thường xuyên từ các trung tâm chỉ huy, điều hành tác chiến của Lực lượng tên lửa chiến lược. Nếu tín hiệu không đến ''Perimeter'' trong một khoảng thời gian định trước, nó sẽ khởi động ''Ngày tận thế''.
Theo tạp chí Wired năm 2009, hệ thống ''Perimeter'' vẫn còn đang hoạt động và sẵn sàng triển khai đòn trả đũa hạt nhân bất cứ khi nào.
Tháng 12/2011, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược, Trung tướng Sergey Karakayev cho biết: Hệ thống ''Perimeter'' thực sự tồn tại và đang trực sẵn sàng chiến đấu.
*Hệ thống ''Bàn tay Tử Thần'' ra đòn phản kích hạt nhân như thế nào?
Hệ thống ''Bàn tay Tử Thần'' không dễ dàng khởi động các loại vũ khí hạt nhân tự động, cần hội tụ đủ 4 yếu tố mới khiến sở chỉ huy trí tuệ nhân tạo phát động đòn tấn công giáng trả hạt nhân. Nhưng chính hệ thống vũ khí siêu việt này là công cụ răn đe hữu hiệu mọi cái đầu ''nóng'' của các tướng lĩnh phe Diều hâu.
Khi hệ thống ''Perimeter'' khởi động ''Ngày tận thế'', từ hầm phóng đặc biệt sẽ phóng lên các tên lửa chỉ huy 15А11. Những tên lửa chỉ huy được chế tạo dựa trên cơ sở tên lửa đạn đạo liên lục địa UR -100UTTKh (tiếng Nga: "УР-100УТТХ", NATO định danh là SS−17 "Spanker", có tải trọng tối đa khi phóng là 71 tấn, tầm bắn 11.000 km, hai tầng động cơ tên lửa chạy bằng nhiên liệu lỏng).
Tên lửa chỉ huy hoàn toàn không trang bị đầu đạn hạt nhân, mà nó được lắp đặt một hệ thống truyền tải thông tin vô tuyến, được phát triển bởi Trường Đại học Bách khoa St. Petersburg. Những tên lửa đó sẽ bay lên thượng tầng khí quyển, dọc theo suốt chiều dài lãnh thổ đất nước và truyền tải mật mã phóng các loại vũ khí hạt nhân đến cho các bệ phóng được phân bố rải rác trên toàn lãnh thổ liên bang.
Hệ thống truyền tải thông tin vô tuyến hoạt động hoàn toàn tự động. Tình huống có thể mường tượng như sau: Một chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo liên lục địa, đang đậu trên một hải cảng quân sự, toàn bộ thủy thủ đoàn đã thiệt mạng sau vụ nổ hạt nhân gây ra bởi , chỉ còn lại những thủy thủ trực chiến đang hoang mang, rối loạn trong chiếc tàu ngầm.
Đột nhiên con tàu ''sống lại''. Không cần bất cứ một sự can thiệp nào từ bên ngoài, các bộ khí tài bí mật nhận được tín hiệu khai hỏa, hệ thống phóng và tên lửa đạn đạo được kích hoạt và bắt đầu hoạt động. Tình huống này cũng sẽ diễn ra trong các hầm phóng, trên các xe phóng tên lửa và thậm chí cả trên các máy bay ném bom chiến lược, đang hoạt động trên bầu trời nước Nga.
Đòn đáp trả sẽ là toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay và hoàn toàn không cách nào tránh khỏi được kết cục bị hủy diệt. Hệ thống ''Perimeter'' được thiết kế theo một cấu trúc điện tử hoàn toàn độc lập không có một mẫu nào tương đương, không thể can thiệp bằng tác chiến điện tử hoặc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sát thương phá hoại của vụ nổ hạt nhân, công trình cũng xây dựng đạt mức độ bí mật cấp cao nhất và chịu được sóng xung kích, phá hoại của vụ nổ hạt nhân đượng lượng nổ lớn. Để tìm ra và vô hiệu hóa Perimeter là điều không thể.
Như vậy, hiện có tồn tại hệ thống hoàn toàn tự động, có khả năng hủy diệt trên quy mô toàn cầu? Hệ thống này còn đáng sợ hơn cả Skynet trong bộ phim Terminator, hoặc thậm chí vô lý như bộ phim ''Cỗ máy Ngày Tận Thế'', vinh danh Tiến sĩ Strangelove. Người ta gọi nó là ''X-Files'' theo phong cách Liên Xô hoặc hệ thống đang hoạt động? Tất cả đều hoàn toàn nằm trong màn bí ẩn.
Tiến sĩ khoa học Pyotr Belov nhận xét: ''Trong giai đoạn tồn tại của Liên Xô, đã phát triển một hệ thống mà phương Tây gọi là ''Bàn tay Tử Thần''. Điều đó có nghĩa là nếu tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn tiêu diệt toàn bộ hệ thống chỉ huy, điều hành tác chiến của Liên Xô dẫn đến Bộ Tổng Tư lệnh tối cao và các bộ tư lệnh lực lượng chiến lược bị hủy diệt hoàn toàn, Bộ Tư lệnh Điện tử tự động hóa gửi các tín hiệu radio, sẽ kích hoạt các hệ thống vũ khí chiến lược đáp trả''.
"Một hệ thống tự động hóa có thể được kích hoạt ngay sau khi bị giáng đòn tấn công đầu tiên thực sự rất cần thiết. Sự tồn tại của hệ thống khiến kẻ thù hiểu rõ, ngay cả trong trường hợp hủy diệt hoàn toàn các trung tâm chỉ huy, điều hành tác chiến – một điều thực sự vô cùng khó ngay cả khi đã hoàn thiện ''đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu'' và triển khai với quy mô lớn, thì nước Nga vẫn có khả năng tự động giáng trả kẻ thù" - Giám đốc Cục Hợp tác Quân sự quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Nga, Đại tướng Leonid Ivashov khẳng định.
Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ cũng có một phương án dự phòng, được đặt tên là ''Tấm gương (Mirror)''. Các phi hành đoàn của hệ thống chỉ huy trên không thường xuyên liên tục trực chiến kiểm soát bầu trời trong một khoảng thời gian gần 30 năm. Phi hành đoàn sẽ triển khai đòn tấn công đáp trả trong tình huống các căn cứ quân sự, trung tâm chỉ huy, điều hành tác chiến của Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ bị tiêu diệt bởi một đòn tấn công hạt nhân bất ngờ.
Điểm khác biệt giữa ''Perimeter'' và ''Mirror'' là hệ thống ''Mirror'' dựa hoàn toàn vào con người trong hệ thống trinh sát, tình báo, cảnh báo sớm, chỉ huy và kiểm soát, còn ''Perimeter'' dựa vào máy tính và tự động hóa. Sau Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đóng cửa hệ thống này, còn của Nga thì rơi vào bí mật. Những người được cho là có thể biết hoàn toàn không nói chuyện về chủ đề này.
Từ những thông tin thu thập được từ nhiều nguồn cho biết, hệ thống ''Perimeter'' được hoàn thiện các giải pháp thiết kế trong những năm 1970. Năm 1979, bắt đầu thử nghiệm phóng và hoạt động của tên lửa chỉ huy 15А11. Liên Xô đã thiết kế hai giếng phóng tên lửa đặt biệt cho mục đích này. Các nhà khoa học Xô viết cũng thiết kế và chế tạo một sở chỉ huy đặc biệt, tự động hóa hoàn toàn. Sở chỉ huy điện tử được lắp đặt các thiết bị hoàn toàn khác hẳn các thiết bị điện tử thông thường, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và phóng tên lửa từ xa.
Những đợt phóng thử nghiệm đường bay của tên lửa được tiến hành dưới sự giám sát của Ủy ban Thử nghiệm cấp Nhà nước, Giám đốc Ủy ban là Trung tướng Vladimir Korobushin, Phó Tham mưu trưởng Lực lượng Tên lửa Chiến lược Liên Xô. Các vụ phóng tên lửa mang đài phát sóng vô tuyến thực hiện thành công ngày 26/12/1979. Trong quá trình thử nghiệm đã kiểm tra tất cả các thuật toán phức tạp được phát triển, liên kết phối hợp với tất cả các hệ thống tham gia thử nghiệm, kiểm tra khả năng thực hiện đường bay tên lửa theo quỹ đạo nhất định định trước và hoạt động của đầu đạn mang thiết bị phát tín hiệu vô tuyến, hoạt động trong chế độ tiêu chuẩn. Kết quả của các thử nghiệm khẳng định tính đúng đắn của các giải pháp kỹ thuật được chấp thuận đưa vào sử dụng.
Hệ thống ''Perimeter'' được thử nghiệm trong 10 lần phóng tên lửa chỉ huy liên tiếp. Trong quá trình thử nghiệm đã thực hiện các lần phóng tên lửa đạn đạo các loại theo tín hiệu, được phát đi từ tên lửa chỉ huy 15А11 khi đang bay trên không phận Liên Xô. Để có thể tiến hành phóng từ các giếng phóng và các bệ phóng, trên các bộ khí tài này gắn thêm anten đặc chủng nhằm thu thập các tín hiệu từ đầu đạn tên lửa chỉ huy. Những anten đầu thu sau này được lắp đặt bí mật trên tất cả các bệ phóng tên lửa của các phương tiện mang, bao gồm cả bộ phận phóng đạn trên tàu ngầm.
Trong quá trình thử nghiệm cấp nhà nước đã tiến hành 6 lần phóng thành công tên lửa đạn đạo chiến đấu, 1 lần thành công được một phần. Thành công ngoài sự mong đợi đã khiến Ủy ban Thử nghiệm cấp Nhà nước chấp nhận chỉ thử 7 lần chứ không phải là 10 như kế hoạch ban đầu.
Thử nghiệm cũng minh chứng hiệu quả của thiết bị trong tình huống trực tiếp tiếp xúc với các yếu tố sát thương – phá hoại của vụ nổ hạt nhân, vượt quá các điều kiện đặt ra của Bộ Quốc phòng Liên Xô. Ngoài ra, trong quá trình thử nghiệm, Nhà nước Liên bang Xô viết giao nhiệm vụ mở rộng các chức năng của hệ thống, mệnh lệnh phóng đạn đánh trả không giới hạn trong các lực lượng tên lửa chiến lược phóng từ giếng phòng, mà còn truyền mệnh lệnh phóng tên lửa cho cả các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, lực lượng không quân chiến lược và lực lượng chiến hạm mặt nước mang tên lửa chiến lược.
Hệ thống cũng kết nối với tất cả các sở chỉ huy kiểm soát lực lượng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Lực lượng Tên lửa Chiến lược, Không quân và Hải quân Liên Xô. Các thử nghiệm tên lửa chỉ huy cấp quốc gia hoàn thành vào tháng 3/1982. Tháng 1/1985, hệ thống ''Perimeter'' được đưa vào trạng thái trực sẵn sàng chiến đấu.
Trong một lần kiểm tra trạng thái sẵn sàng chiến đấu vào tháng 11/1984, sau khi phóng tên lửa chỉ huy theo tiêu chuẩn báo động chiến đấu, tín hiệu từ đầu đạn tên lửa chỉ huy 15A11 truyền tín hiệu chiến đấu, khởi động tên lửa đạn đạo liên lục địa R-36M Voevoda (15A14) (tiếng Nga: "Р-36М Боевода", NATO định danh là SS-18 ''Satan'', đạt tầm bắn 16.000 km, có thể mang một lúc 10 đầu đạn hạt nhân đa đầu phân hướng (MIRV, viết tắt của "Multiple Independently target-able Reentry Vehicle") từ Baikonur, thuộc nước CHXHCN Xô viết Kazakhstan. Tên lửa R-36M được phóng lên không gian, đầu đạn huấn luyện tách ra và đánh trúng mục tiêu trên Thao trường Kura ở vùng Kamchatka, thuộc vùng Siberia, miền Đông nước Nga.
Hệ thống ''Perimeter'' được phương Tây gọi là ''Dead Hand'' đối với Mỹ không phải là bí mật, người Mỹ bằng mọi kênh tình báo đã theo dõi rất sát mọi quá trình hoạt động của Lực lượng Tên lửa chiến lược Liên Xô.
Nhưng hai mươi năm trước đây, người Mỹ không biết nhiều về hệ thống kiểm soát và điều hành ''Perimeter''. Những chi tiết cụ thể hơn về hệ thống ''Perimeter'' chỉ được biết đến đầu những năm 1990, một trong số các nhà phát triển của hệ thống đã sang phương Tây sinh sống và cung cấp một số thông tin hạn chế về hệ thống. Ngày 08/10/1993 tờ New York Times đăng tải một bài viết của nhà bình luận Bruce Blair về ''Cỗ máy Ngày Tận Thế của Nga'', chứa đựng các thông tin về hệ thống kiểm soát, chỉ huy điều hành tác chiến của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Liên Xô (sau đó là Nga). Đây cũng là lần đầu tiên tên gọi chính thức của hệ thống, ''Perimeter'' , được biết đến với truyền thông đại chúng.
Những năm đầu của thế kỷ 21, người ta không còn nắm chắc được liệu ''Perimeter'' có còn hoạt động hay không và nó hoạt động thế nào. Từ góc độ quân sự, không ai có thể từ chối hoặc đóng băng một hệ thống răn đe ngăn chặn hiệu quả như vậy, do đó, có nhiều khả năng ''Perimeter'' sẽ được nâng cấp, hiện đại hóa ở mực độ rất hiện đại và đang trong chế độ ''ngủ đông'' ở đâu đó trên lãnh thổ rộng lớn với diện tích hơn 17 triệu km2 của Nga.
Điều kiện tiên quyết để ''Perimeter'' khởi động đòn giáng trả hạt nhân là: Xác nhận vụ tấn công hạt nhân quy mô lớn; Có hay không đường truyền thông kết nối giữa Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga. Nếu có, hệ thống tự động tắt, nếu không ''Perimeter'' sẽ liên kết với hệ thống ''Kazbek''.
Nếu hệ thống ''Kazbek'' không trả lời, ''Perimeter'' trao quyền quyết định cho sĩ quan trực sẵn sàng chiến đấu trong Sở Chỉ huy tự động hóa của ''Perimeter'', chỉ khi ngay cả viên sĩ quan này cũng đã "đoàn tụ ông bà", ''Perimeter'' bắt đầu khởi động quá trình phóng tên lửa.
Hệ thống ''Kazbek'' còn được gọi là ''Vali hạt nhân'' – thiết bị chứa mã kích hoạt kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga.
Hệ thống cho phép người đứng đầu Nhà nước nhận được thông tin về 1 cuộc tấn công tên lửa của kẻ thù, ra lệnh cho một cuộc tấn công hạt nhân đáp trả, dù nhà lãnh đạo đó có đang ở bất cứ nơi nào trên Trái Đất với sự giúp đỡ của chiếc vali hạt nhân (thiết bị đầu cuối hệ thống truyền thông điện tử, được gọi là ''Cheget'' (tiếng Nga: "Чегет")). Sử dụng thuật toán nhận dạng mã phóng của Tổng thống, tín hiệu đã mã hóa được chuyển đến trung tâm chỉ huy, điều hành tác chiến thuộc Bộ Tổng Tham mưu và tiếp tục chuyển đến các sở chỉ huy của Lực lượng Tên lửa Chiến lược trên đất liền và các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân chiến lược.
Cho đến nay, hệ thống ''Perimeter'' vẫn thường xuyên được Nga nâng cấp và hiện đại hóa nhằm đảm bảo năng lực trả đũa hạt nhân của mình. Lần công khai xác nhận sự hiện diện của ''Perimeter'' gần đây nhất là vào năm 2015, khi đó Đại tướng Andrey Burbin, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Lực lượng Tên lửa Chiến lược Liên bang Nga, khẳng định: "Nếu chúng tôi bị tấn công hạt nhân, dù hoàn toàn bất ngờ, trong bất cứ điều kiện nào, chúng tôi đều có thể đảm bảo thực hiện đòn phản công".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top