Q1- Chương 1: Tiễn năm
* Lời tác giả: vì Lý Chiêu Hoàng đã nhường ngôi nên từ nay sẽ đổi xưng hô thành Lý Thiên Hinh.
____________
Từ khi Trần Cảnh nhận thiền vị của Lý Chiêu Hoàng, lên ngôi được dâng tôn hiệu là Khải Thiên Lập Cực Chí Nhân Chương Hiếu hoàng đế, đổi niên hiệu thành Kiến Trung, đến nay đã hơn hai tháng.
Lý Thiên Hinh buộc phải giáng xuống làm Hoàng hậu, chuyển về cung Thúy Hoa. Cung nữ trong cung đều đổi cách xưng hô với nàng, từ cung kính hai chữ "Bệ hạ", giờ lại là "Hoàng hậu". Kể... cũng có chút kì quặc, và vẫn chưa ai có thể thích ứng kịp.
Nhưng từ đó không ai thấy nàng bước khỏi cung nửa bước. Cửa không khóa, nhưng cũng chẳng ai dám lui tới trừ cung nữ thân cận bên nàng.
Cửa phòng mở, An Ly đi vào đưa thức ăn.
An Ly là người của Thái hậu, đây là điều ai cũng biết. Trần Cảnh từng hỏi nàng có muốn đổi cung nhân không, Thiên Hinh đã trả lời là không. Khi nàng cởi bỏ hoàng bào trên thân, trao đi vương quyền vô thượng của Đại Việt thì đã nghĩ đến viễn cảnh cả đời sau này của mình cùng lắm chỉ là quân cờ trong tay họ Trần, mọi sự mặc họ sai khiến đặt để.
Có đổi người hay không, cũng chẳng có gì khác cả. Có điều từ đây trở đi, nàng không muốn giáp mặt trực tiếp với An Ly nữa.
Tuân theo lệnh của nàng, An Ly đặt thức ăn ngoài rèm châu. Để giảm thiểu sự xuất hiện của mình nhất, nàng ta vội vã hành lễ chuẩn bị rời đi.
Hoàng đế có lệnh dặn Ngự thiện phòng làm đồ thanh đạm để nàng dễ ăn, đặc biệt làm thêm đồ ngọt, hy vọng nàng phấn chấn lại tinh thần. Đa số là những món nàng ưa thích. Tuy nhiên giờ nhìn lại, dù là bất kì sơn hào hải vị gì đều nuốt không trôi.
Như mọi hôm, nàng không thèm nhấc đũa, giữ nguyên tư thế bó gối tựa vào thành gỗ, thẫn thờ đưa mắt nhìn khoảng sân trống không, ẩm ướt kết thành lớp sương mỏng. Từng chút từng chút một đóng băng, hệt như lý trí và niềm tin của nàng.
Rồi nàng cất giọng từ xa. Giọng trẻ em xưa nay vốn phải trong vắt như sương mai mà qua bao đêm ướt đẫm nước mắt đã trở nên khản đặc. U buồn ấy đã kéo bước An Ly lại.
Lần đầu tiên trong mươi ngày qua Hoàng hậu mới mở lời với nàng ta:
"Có tin tức gì không?"
An Ly biết Hoàng hậu luôn ngóng trông tin tức, tuy nhiên mọi việc giờ được bảo mật đến bức bách. Thái sư đã thành công đưa con em họ Trần vào cung làm quan, thay trên thay dưới đảm nhiệm hết trọng trách trong ngoài. Đến cả khi làm việc trong cung Quảng Từ, nàng ta cũng không nghe thấy một câu nào nhắc đến Phế đế.
Mọi thứ dường như đi vào ngõ cụt, vì vậy nàng ta không thể không nói dối một phen để nàng yên tâm.
An Ly quỳ rạp người, đầu chạm đất, nhỏ giọng thưa:
"Bẩm lệnh bà, lệnh bà đừng lo. Dẫu sao chúng ta là người của tiền triều, Thái sư dù nắm quyền nhưng cũng không thể tùy ý động đến Thượng hoàng và trưởng công chúa."
"Đây là lời Thái hậu muốn ta nghe hay là ngươi nói ta nghe?"
Nàng hỏi một câu làm An Ly như mất hồn mất vía. Hoàng hậu thật khác so với trước kia. Những ngây ngô thuở xưa phai nhạt dần, trở thành khoảng trống khiến nàng đề phòng tất cả.
"Bẩm lệnh bà..."
"Nàng đừng lo... Đại sư tu tập trong chùa Chân Giáo, bệnh tình đã sắp khỏi rồi."
Thiên Hinh quay về nơi có tiếng nói. Nhịp thở bình tĩnh bỗng trở nên dồn dập, khói lạnh tràn khắp đầu óc nàng. Nàng thần người ra một lúc rồi cùng cung nữ lập tức hành lễ với người trước cửa.
"Bái kiến bệ hạ."
Trần Cảnh rảo bước vào tẩm cung, kịp thời ngăn đôi tay nhỏ sắp hành lễ.
"Không cần đa lễ, hãy như khi trước ta làm hầu nàng. Ta nghe nói..."
Thấy hắn ngập ngừng, nàng mỏi mệt ngước lên nhìn. Đến lượt Trần Cảnh ngỡ ngàng tròn mắt, lòng hẫng đi vài nhịp.
Sắc mặt nàng qua bao ngày đã trở nên nhợt nhạt, dưới đôi mắt hạnh từng sáng rỡ giờ đây chỉ còn quầng thâm cùng lớp da mỏng manh, hiện cả mạch máu xanh xao. Đôi má đỏ ửng là minh chứng cho việc bị nước mắt bào mòn, bỏng rát.
Lúc trước đâu có như vậy, nàng quên buồn rất mau, mà hễ buồn thì lại nhấm nháp chút gì đó cho vơi lòng. Đích thân hắn bưng mâm vào hầu nàng xong bữa, lần nào cũng thấy hết sạch. Vậy mà giờ không thèm động đũa.
"Ta nghe nói nàng không chịu ăn."
Xưng hô thay đổi, Thiên Hinh như tỉnh lại trong cơn mộng mị. Nàng vừa để ý vì sao khắc trước Trần Cảnh lại ngập ngừng? Trong đầu nàng chợt loé lên một ý nghĩ.
Lý Chiêu Hoàng.
Hắn đến để nhắc nhở thân phận của nàng sao?
Vậy thì nhất quyết không được mềm yếu trước mặt hắn.
Nàng đanh giọng, trong lời nói toàn là dò hỏi:
"Bẩm bệ hạ, chẳng hay bệ hạ đến đây vì việc gì?"
"Ta muốn... cùng nàng ăn cơm."
Trần Cảnh vòng tay ra sau, đôi tay đan chặt, tim đập rối bời. Trông hắn đã chững chạc hơn rất nhiều, khoác lên bạch bào tô đậm khí chất con nhà quyền quý bao nhiêu. Không phải là cái dáng tự phụ ngạo mạn, là dáng của một đế vương tương lai, uy quyền đầy triển vọng.
Có thể hoàng triều Trần sẽ chăm sóc muôn dân Đại Việt tốt hơn Phụ hoàng đã từng. Lý Thiên Hinh hiểu rõ điều này, thế nên nàng mới yên phận, không khóc lóc ầm ĩ nữa.
Vả lại dáng vẻ lúng túng của Trần Cảnh, hẳn người đến không phải là có ý xấu.
"Nàng..."
"Bẩm, bệ hạ cứ gọi thần là Thiên Hinh."
Tên húy của nàng là Thiên Hinh, nhưng từ khi đăng cơ đến thoái ngôi, người ta luôn miệng gọi nàng là "Bệ hạ". Đột nhiên nhắc lại, đáy lòng vẫn hơi chua xót sau những chuyện đã qua.
Trần Cảnh mặt đối mặt, gật đầu:
"Được, vậy ta gọi nàng là Thiên Hinh. Nàng cũng hãy gọi ta là Cảnh, nhé?"
Lý Thiên Hinh đang cúi đầu, có thể thấy được long bào đung đưa trước mắt. Vẫn như ngày cũ một màu trắng tinh, thêu khắc đường rồng uốn lượn vô cùng tỉ mỉ.
"Thần làm sao dám..."
Xung quanh yên tĩnh. Nàng bỏ dỡ câu đáp. Mọi sự chú ý đã đổ dồn về bạch bào thêu rồng kia.
Trần Cảnh lặng im, quan sát hành động nhỏ.
Nàng chưa bao giờ nhìn kĩ long bào, cũng chưa từng hiểu cái gì gọi là trọng trách trên vai, lòng hoài thiên hạ. Không ai dạy nàng làm thế nào sống vì dân, minh mẫn như trăm vị liệt thánh. Thứ nàng quyến luyến ở đây là tháng ngày yên bình, nhớ lấy cảm giác long bào được sưởi ấm trong vòng tay của mẹ.
Dường như trong một khắc vì xót thương triều đại đổi chủ nên cả ánh mắt rồng thần trên thân bào cũng bồi hồi nhìn nàng, dậy nên sự não nề trong lòng.
Rồi như bị ai đó sai khiến, bất giác bàn tay nhỏ khẽ chạm vào tay bào, vuốt ve như bảo vật. Từng hơi ấm lưu trên đó làm Trần Cảnh quặn thắt tim gan.
Rõ ràng là gần trong gang tấc nhưng chẳng thể nào giành lại được.
Là hắn có lỗi với nàng. Nhà Lý suy tàn là đúng, vua lẫn thần không giúp được nước, vô năng là sai. Nhưng nàng không sai, càng không có lý do ở đây giằng xé, trách cứ bản thân mình.
Đã xót đã thương, nay càng thêm chua chát trong lòng.
"Hay là mỗi đêm ta đến ở cùng nàng, được không?"
Giống như lúc trước, ở bên hầu hạ nàng.
Tay chực chờ muốn kéo nàng gần hơn nữa. Nhưng Thiên Hinh đã nhanh hơn một bước, lùi về sau né tránh.
"Trần Cảnh, chúng ta không thể làm bạn được đâu."
Giây phút cất lời, lòng hắn như chết lặng. Tựa hồ sự thất vọng ấy đã tràn ly, ào ạt trào ra đến đỗi chẳng thứ gì có thể vãn hồi lại nữa.
Câu này khi trước nàng ngại ngùng tỏ tường, nàng muốn hắn làm bạn, chẳng ngờ bị quyền hành tạt một gáo nước lạnh thấu xương: Chỉ vì một câu nói đã bắt đầu ra hàng vạn sai lầm.
Cả hai rơi vào trầm mặc.
"Ta sẽ làm mọi thứ để bù đắp cho nàng."
Trần Cảnh tiến lên, Thiên Hinh lại lùi về. Tay vua rơi giữa không trung bất lực.
"Bệ hạ có biết hai chữ 'bù đắp' nặng nề cỡ nào không? Long ơn cao tựa núi, thần nghe mà kinh hãi."
Nàng ngẩng đầu, cau mày nhìn Trần Cảnh. Trong ánh mắt ấy không còn bất cứ dao động nào nữa, dường như sắp vĩnh viễn khóa chặt mọi cảm xúc yếu đuối của một đứa trẻ tám tuổi vốn có.
"Nếu bệ hạ không còn việc gì, mời về cho."
Nàng buông một câu rồi xoay người bỏ đi.
Lòng này đã định, thù mất nhà quyết không đội trời chung. Buồn bực đan xen thành một mối tơ vò, mịt mù không biết phải gỡ từ đâu.
Trần Cảnh vẫn chưa chịu thua, lập tức bắt lấy tay nàng, đặt vào đó một miếng bánh đậu xanh. Thiên Hinh trân trân nhìn bánh. Cơn đói cồn cào không hề hấn gì nàng, ngược lại còn đem ký ức ngày trước khi Trần Cảnh vào cung, dáng vẻ thận trọng quan tâm qua từng cử chỉ của hắn dành cho nàng.
Bất giác mũi nhỏ nghẹn lại, nước mắt rơm rớm muốn khóc. Nghĩ mà xem, trước là tên hầu thân cận, giờ là hoàng đế bao xa cách. Thế sự chuyển đổi không ngừng, chớp mắt một cái nàng đã không còn một người thật lòng bên cạnh.
Nhưng chuyện đã qua rồi, nàng cố giấu sự run rẩy trong giọng nói. Bỏ qua ranh giới quân - thần, hiên ngang xưng "ta" với Trần Cảnh:
"Ta chỉ là một con tốt thí, giờ việc đã xong xem như giá trị đã hết. Về sau mạng của Thiên Hinh, muốn giết hay lưu đày, tùy bệ hạ sai khiến."
Trong mắt nàng, hắn đã tồi tệ đến mức này rồi ư? Trần Cảnh không muốn khúc mắt hai người càng đào càng sâu, vội vàng phản bác:
"Ta không bao giờ giết nàng. Sao nàng nghĩ thế?"
Nàng lắc đầu. Lần nữa câu chuyện của Hàn lâm học sĩ văng vẳng bên tai.
Chính họ Trần làm cho nhà Lý khốn đốn đến mức này nhưng nàng không có tư cách hận.
Phải kể khi nhà Lý thất chính từ thời Lý Cao Tông, khắp Đại Việt chìm trong chiến tranh nội loạn. Ở mạn Quốc Oai thì có giặc Man, Hồng Châu có Đoàn thượng chiếm đất Đường Hào, Kinh Bắc thêm một Nguyễn Nộn. Không giải quyết được loạn lạc, một giang sơn nay chia năm xẻ bảy. (*)Thái tử Hạo sảm lên ngôi, nhưng tài cán còn non nớt, thiếu quyết đoán đành giao quyền hành cho Thái phó Đàm Dĩ Mông vô tài vô đức. Triều cương sớm đã mục nát từ nội bộ.
Nếu cuộc chạy loạn về Hải Ấp năm đó không dựa thế lực nhà Trần chống đỡ, e rằng nàng cũng không còn cơ hội tồn tại ở chốn thế tục này.
Thiên Hinh biết thừa, nếu là người bụng dạ "so đo" thì nàng đã sớm bị gắn tội khi quân vì ăn nói ngông cuồng, phụ lòng thánh nhân. Nhưng lòng tự trọng của nàng thực rất cao, chốc thời không nguyện phục quân.
"Thay vì chọn tin bệ hạ, Thiên Hinh thà giữ lại tôn nghiêm của một vị công chúa."
Trần Cảnh hiểu được sự quật cường của nàng. Nhưng nếu không chấp nhận số mệnh, bản tính này một mai không đổi thì cũng sẽ mất mạng nếu cứ xem nhẹ bản thân như thế.
Đặc biệt ở chốn thâm cung này.
Huống hồ nàng còn là người nhà họ Lý.
Trần Cảnh lên giọng, vờ vẻ nghiêm khắc:
"Đại sư và trưởng công chúa còn chờ nàng bảo vệ, nàng quên rồi sao?"
___________
1. Theo ĐVSKTT:
Tân Mùi, [Kiến Gia] năm thứ 1 [1211], (Tống Gia Định năm thứ 4).
Bấy giờ thừa hưởng thái bình đã lâu ngày, giường mối dần bỏ, dân không biết việc binh, giặc cướp nổi lên không ngăn cấm được. Vua mới lên ngôi, đem việc nước giao cho Thái uý Đàm Dĩ Mông. Dĩ Mông là người không có học thức, không có mưu thuật, lại nhu nhược không quyết đoán, chính sự ngày một đổ nát.
2. Biệt tuế: nghĩa là "Tiễn năm", thơ Tô Đông Pha.
Phong tục ở đất Tây Thục quê ông, cuối năm người ta mang rượu và thức ăn tặng nhau thì gọi là "biệt tuế", kể từ đêm trừ tịch cho đến rạng ngày nguyên đán. (hay còn gọi là Tết)
Note nhỏ dễ hiểu: Lý Cao Tông là ông nội của Lý Chiêu Hoàng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top