Chương 5: Chim Én bay xa [2]
Hai ngày lặng lẽ trôi, đã trọn hai ngày hoàng đế không thiết triều. Lý Chiêu Hoàng được Thái y viện bẩm báo trúng phải bệnh nặng, bằng chứng là cả tẩm điện Trường Xuân ngạt mùi thuốc thang, canh sâm. Nô tỳ lệnh đến thưa cũng nồng nặc hương thuốc làm các quan dần buông lỏng cảnh giác, toàn tâm chỉ hướng về ngôi rồng cửu thiên mà đã quên mất nhiệm vụ đối phó với họ Trần.
Mà cũng phải, trăm quan đối mặt với cảnh ngai vàng vắng bóng thiên tử khác nào rắn mất đầu, trong lòng ai nấy đều thầm than phải chăng đại họa sắp sửa giáng xuống Đại Việt. Mạng của bọn họ giờ như cá nằm trên thớt, mặc người khác nhìn thấu nỗi sợ hãi.
Điện Thiên An lặng như tờ, đông rét đã sang nhưng ai nấy cũng nóng ruột đến bức bách. Đương lúc hỗn loạn, tiếng Thái hậu vọng ra ra từ rèm châu, vang vọng khắp trần điện.
"Bệ hạ bệnh nặng, hai ngày qua đã khiến các khanh bận lòng. Ta nghĩ đi nghĩ lại, chi bằng theo phong tước của Thượng hoàng, cho phép *Thái úy về triều phụ giúp quốc sự, làm tròn chức trách. Các quan có ý kiến gì không?"
Dứt lời, mọi ánh mắt liền đổ dồn về một hướng duy nhất- nơi Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ đang đứng. Một Chỉ huy sứ đã nắm đủ binh quyền, lại thêm một Thái úy quyền triều khuynh dã. Phúc trạch hai trăm năm sâu dày đến mấy cũng như ngọn đèn trước gió, có níu cũng không níu nổi.
Và tất nhiên là dù có ý kiến nhưng không thể ý kiến.
Thế cục hiện giờ quả rất bất lợi. Bên trong, mọi tước vị quan trọng đều phong cho họ Trần, mà bên ngoài giặc cướp loạn lạc, khéo mấy lần đã đánh đến thành Đại La. Không có người dẹp loạn, e rằng họ chẳng có ngày đứng đây. Nhưng nếu tất cả việc lớn nhỏ rơi vào tay Thái úy xử lý, vậy điều người đi rồi về khác nào đưa hổ về rừng. Chỉ tiếc, luận về tước quan hay sức lực, không ai có đủ tư cách nép vào hàng *Tam Thái. Ngày trước vì cân bằng thế lực trong triều, Thượng hoàng đã tỏ thái độ xa cách với ông, ra chỉ dụ điều đến Quốc Oai giám sát động tĩnh của Nguyễn Nộn, đồng thời chia cắt khả năng nội ứng ngoại hợp của họ Trần, giúp vua trấn áp bọn giặc kia.
Thượng hoàng cảnh giác, nhưng người chưa đa nghi đến mức cực đoan, thế nên mọi kế sách kìm hãm lực lượng các thế tộc chỉ mang tính chất hoà hoãn tạm thời.
Giang sơn chưa định, một nước mà chia năm xẻ bảy, mỗi người nắm giữ chức tước một phương. Chưa kể Thái hậu khi trước thượng triều chỉ là đỡ lời thay vua, giờ đây xem như chính thức có cơ hội nắm chặt thực quyền. Tuy các quan vô cùng bất mãn nhưng vẫn kính cẩn thưa thốt:
"Bẩm, thần không có gan suy đoán tâm tư Thánh mẫu, nhưng việc gì cũng đều cần ấn vàng của hoàng đế bệ hạ mới xét được. Thứ cho thần láo xược, Thánh mẫu tự ý hạ lệnh, lại không có ấn vàng chấp thuận... vậy khác nào muốn đối đầu với bệ hạ?"
Người vừa tâu trên chính là *Hàn lâm học sĩ Lý Khải Thư- cháu của *Lý Kính Tu, một đế sư lẫy lừng dưới thời vua Lý Thần Tông, người chuyên phụ trách việc soạn chiếu thư, từng dạy học cho Lý Cao Tông. *Trải qua một lần bị hãm hại, chịu phải sự bất tín của tiên đế, Lý Kính Tu buộc phải lâm vào cảnh đường cùng, quyết tự vẫn để chứng minh lấy tấm lòng trung trực đối với vua.
Sau khi Lý Kính Tu mất, Lý Khải Thư đã thề với lòng mình không được theo vết xe đổ của cậu. Ý tứ của y xưa nay luôn rõ ràng, được tính là người trung lập nhất trong các quan thần. Các phe trong triều dẫu gièm pha kịch liệt nhưng vẫn phải e dè vì tính minh bạch của y.
Rồi các quan lại lắc đầu. Được người như thế với tình cảnh hiện giờ, xét cũng không phải phúc gì. Trọng thần như thế ngả lòng theo ai cũng cần phải cân nhắc kĩ càng. Mà Đại Việt hiện giờ, xét cũng không phải bình yên gì. Loạn lạc do tiền triều gây nên sóng to gió lớn, không thể khống chế trong ngày một ngày hai. Muốn bình định giặc ngoài không thể dựa vào một nữ hoàng nhỏ con mà cần phải hơn thế.
Lần nữa, mạng của bọn họ lại chênh vênh bên vách núi, tiến thoái lưỡng nan, khó lòng bất tuân.
Trần Phù Dung nghe thấy, vuốt ve tay phượng bào. Lý Khải Thư hẳn là đang nói bà sinh hai lòng. Bà không thể hiện cảm xúc gì nhưng giọng điệu đã trầm hẳn:
"Được, vậy ta có ân chuẩn của Thượng hoàng. Khanh không có gì để nói nữa chứ?"
Điện Thiên An xôn xao. Thượng hoàng? Chẳng phải ông đã xuất gia, nhất quyết phủi áo không màng quốc sự nữa sao?
Lý Khải Thư chau mày suy tư, mà đám quan văn bên hữu cũng im bặt, nín thở chờ đợi câu trả lời của cận thần thiên tử:
"Nếu đúng là thánh chỉ của Thượng hoàng, thần mong đức Thánh mẫu chứng minh được."
Trong chốc đại điện như bị rút cạn sức lực. Lý Khải Thư đã đồng ý, dường như cán cân chợt nghiêng hẳn về bên kia, mãi không thể xoay chuyển tình thế được nữa.
Trần Phù Dung bật cười nho nhỏ, tay tựa ngai vàng, gác cằm, cười mà như không cười:
"Giỏi lắm. Lá gan của Học sĩ ngày càng lớn, dám chất vấn Thánh mẫu đương triều, hoài nghi lời nói của một quốc mẫu."
Cả đại điện chợt tỉnh người, quan phục ướt đẫm mồ hôi trong nháy mắt.
Câu vừa nãy của Lý Khải Thư nghĩa là, nếu Thánh mẫu không có thánh chỉ thì chắc chắn bà đang để ngoại thích chuyên quyền, dùng cái danh "phụ chính" để thâu tóm triều đình.
Đây là tội mưu phản.
Y nói năng không kiêng dè, sức ép đôi bên cứ luân phiên chiếm ưu thế. Đại điện rộng lớn, cứng cỏi bỗng hoá thành dải lụa mềm oặt, trở thành bàn cân quyền lực kéo đi kéo lại, căng thẳng đến mức quên cả thở.
Đúng lúc ấy, một quan nội thị hớt hải chạy vào tâu.
"Bẩm báo Thánh mẫu, Thái phó Phùng Tá Chu đã đến trước thềm Long Trì, thân mang theo thánh chỉ của Thượng hoàng đang chờ để yết kiến bệ hạ."
Nhất thời bên dưới rộn lên, trong nháy mắt ý chí đã bị đánh lùi về mười thước.
Đến rồi.
Trần Phù Dung mỉm cười. Bà thong thả rời khỏi vị trí, dời bước khỏi điện Thiên An. Trước khi đi còn nhẹ giọng dặn:
"Học sĩ không tin thì theo ta đến điện Trường Xuân vậy."
Lý Khải Thư tuân lệnh ngay lập tức, hành lễ rồi đi theo.
Kế sách kìm kẹp trong ngoài như thế, chuẩn bị kín đáo cẩn mật như thế còn ai phản kháng được gì nữa. Cứ như một ván bài đã định sẵn, phen này dù họ có cố gắng thì cũng chỉ như dã tràng xe cát mà thôi.
"..."
Dời bước đến điện Trường Xuân mịt mù khói thuốc, cửa rèm đóng chặt hai hôm không thấy ánh mặt trời cuối cùng được hé mở chút ít, cảm giác mơ màng bỗng trở nên chân thật hơn vì vẫn còn hơi thở chốn thế tục len lỏi vào đây.
Phù Dung bước vào tẩm điện, sai người mở tất cả cửa sổ đón nắng trời vào. Thái y túc trực ngày đêm thấy bà đến bèn quỳ xuống, bẩm báo bệnh tình hai ngày qua.
"Bẩm Thánh mẫu, bệ hạ sắp tỉnh rồi ạ. Lúc trước quá lo âu nên bệ hạ mới gặp phải ác mộng, khó lòng yên giấc. Tình trạng kéo dài càng khiến Người đau đầu, dẫn đến tinh thần mệt mỏi, dễ ngất xỉu. Thánh mẫu đưa canh yến sang giúp bệ hạ an thần là việc tốt, nhưng..."
Trần Phù Dung cắt ngang lời ông. Thái y lập tức im bặt, nhủ thầm mình đã biết điều không nên biết rồi còn ra oai làm gì...
"Công tử thì sao?"
"Bẩm, công tử tỉnh giấc từ hôm qua rồi ạ."
"Trần Cảnh bái kiến Thánh mẫu."
Trần Cảnh vòng người khỏi rèm sen, hành lễ với bà. Hai hôm tối tăm tĩnh mịch khiến sự linh hoạt của hắn bỗng nhạt đi, thay vào đó là sự điềm tĩnh lạ kỳ.
Một Trần Phù Dung trải qua nửa đời nơi cung cấm sao lại không nhìn ra biểu hiện khác lạ của cháu trai. Hai ngày. Chỉ hai ngày mà trời đất đổi thay, bóng tối che kín vầng dương, sự đời ngoài cung đã diễn ra như thế nào, hắn hoàn toàn không biết.
Giọng bà bất giác nhẹ đi:
"Tỉnh rồi sao không đi tìm Chỉ huy sứ?"
"Bẩm Thánh mẫu, con ở đây chăm sóc bệ hạ. Vả lại con nghĩ không cần báo cho Chỉ huy sứ thì người cũng đã rõ nội tình rồi ạ."
Hắn nói rồi nhìn sang Thái y, ánh mắt sáng ngời thấu cả tâm tư người đối diện. Bắt gặp ánh nhìn như thế, Thái y đành hành lễ rồi lui xuống.
Trần Phù Dung thở dài trong lòng.
Quả là thông minh. Đứa cháu này của bà hẳn đã đoán ra được tình hình rồi, nhỉ?
__________
Chú thích:
1. Phong tước Thái úy của Trần Thừa:
"Năm Quý Mùi, Kiến Gia thứ 13 (1223), sau khi Trần Tự Khánh mất, ông được Lý Huệ Tông phong làm Thái úy Phụ chính." - theo ĐVSKTT.
2. Tam công: dùng để chỉ ba chức quan cao cấp nhất trong triều đình phong kiến. Chức vị chi tiết từng bộ ba này thay đổi theo từng thời đại mà không cố định.
Vào thời Lý gọi Tam công là Tam thái, gồm: Thái sư, Thái phó, Thái bảo. - theo VSL.
3. Hàn lâm học sĩ: chức quan văn uyên thâm Nho học, văn hay chữ tốt, chuyên trách việc soạn thảo văn kiện triều đình như chiếu, chỉ, sắc, dụ, chế.
Hàn lâm học sĩ Lý Khải Thư là một nhân vật hư cấu, vui lòng không tham khảo.
4. Lý Kính Tu: một đại thần nhà Lý.
"Năm 1182, sau khi Thái úy Tô Hiến Thành mất, Đỗ Kính Tu được giữ chức Đế sư (thầy dạy học cho vua nhỏ Lý Cao Tông). Sau giữ chức Quốc sư phụ chính thời Lý Cao Tông." theo ĐVSKTT.
Câu chuyện tự vẫn:
"Trong triều có người vì việc đó tấu rằng Lý Kính Tu mưu phản, Lý Huệ Tông cho người xét tội. Lý Kính Tu uất ức, bèn trầm mình ở bãi Quân Thần (thuộc Từ Liêm) tự vẫn." - Theo ĐVSKTT.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top