13092021 - linh ta linh tinh

Nhân một ngày suy nghĩ linh tinh.
________________________
Thế giới - thế giới quan của chúng ta chuyển động không ngừng, từ cách con người phát triển vi - vĩ mô (cần nhiều người) cho đến cách chúng mình suy nghĩ (không cần nhiều người). Kể cả khi một ai đó thốt lên họ không nghĩ thêm được gì mới hay không có câu trả lời cho câu hỏi hiện tại đi chăng nữa, trên thực tế dòng suy nghĩ của họ vẫn chuyển động (có thể theo hướng vòng tròn, hoặc là vẫn chạy thẳng nhưng chạy theo hướng khác?). Tính luân chuyển của con người gần như có thể nói là không thể nằm trong dạng tĩnh, suy nghĩ chúng ta là một mớ hỗn độn trong bộ não phức tạp. Chúng ta vẫn có quan điểm, nhưng mình nghĩ quan điểm của từng người giống như một cái khung để giới hạn dòng suy nghĩ khỏi việc đẩy nó đi quá xa. Nếu như chỉ "nghe nói" mà không tìm hiểu kĩ, bạn rất dễ ngộ nhận tính đúng đắn của vấn đề mà bạn đang được nghe.

Dòng suy nghĩ của con người không ổn định, vậy nên theo mình, kể cả những triết gia vĩ đại nhất với những chủ nghĩa triết học đối với con người vẫn nên nằm ở tính tham khảo. Thậm chí có vài quan điểm đã không còn phù hợp với xã hội hiện tại, mình sẽ lấy cho các bạn một ví dụ nhé, Platonism chẳng hạn?

Lấy Plato làm ví dụ, cốt lõi triết lý của triết gia Plato cho rằng xã hội chúng ta không hoàn hảo, nhưng nằm dưới xã hội loài người là một tập hợp các quy chuẩn hoàn hảo, các quy chuẩn được tập hợp giống như một "bảng hướng dẫn" nhằm hướng thế giới chúng mình đến tiệm cận hoặc chính điểm hoàn hảo.

Nhưng ở thế giới hiện tại, ai cũng biết không có gì hoàn hảo cả. Thậm chí tình yêu cũng vậy. Ở thời phong kiến, một tình yêu hoàn hảo là một tình yêu có yếu tố địa vị tương thông, dân đen lấy dân đen, vua chúa yêu vua chúa. Ở thời điểm thế giới còn chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc gay gắt, một tình yêu được coi là hợp lý khi chủ lấy chủ (ở thời này việc sinh ra là người da đen ở đất nước da trắng đã là cả một sự không hoàn hảo, nói gì đến yêu đương?). Và theo dòng phát triển, ở thời hiện đại, một tình yêu lý tưởng là hai con người cùng cố gắng phát triển, cùng làm giàu, không tệ nạn, không lệch chuẩn, hơn thế nữa, là cả hai đều phải có tình cảm với đối phương.

Triết lý của Plato là nền móng của khoa học triết lý. Lý tưởng của ngài là một lý tưởng hoàn hảo để con người nghe theo, nhưng càng nhìn sâu, ta lại càng thấy nhiều điểm đáng bàn luận.

Nếu như quan điểm của Plato về cốt lõi là những quy chuẩn hướng con người đến sự hoàn hảo, vậy quy chuẩn đó gồm những gì? Con người chuyển động không ngừng mà, chẳng lẽ những quy chuẩn ấy lại không chuyển động theo sự phát triển của con người?

Tình yêu trong sáng, không dính dáng đến tình dục, đơn giản chỉ là sự trân quý vẻ đẹp tâm hồn. Đây là định nghĩa của tình yêu lý tưởng mà Plato đưa ra. Thậm chí vào thế kỉ 15, học giả Marsilio Ficino đã sử dụng "platonic love" để chỉ một tình yêu mà cả hai người chỉ bị hấp dẫn vì trí thông minh và tâm hồn của người còn lại.

Vậy thì đối với Plato, tình yêu lý tưởng là một tình yêu không có tình dục. (Ở đây mình xét Platonic theo hướng tình yêu, gọi là Platonic love, nếu như xét mối quan hệ tình bạn bình thường thì gọi là Platonic Friendship hoặc Platonic Relationship). Nếu nói Platonic giống tình bạn trong sáng, thì có thể chấp nhận được, nhưng ở thời điểm hiện tại quan điểm tình yêu này đã không còn phù hợp nữa rồi.

Vấn đề nằm ở chữ yêu. "Tình yêu" là một thứ khó định nghĩa, nhưng cái "tình" trong Platonic Love là tình yêu đôi lứa, tình yêu giữa hai con người ở cái mức trên tình bạn. Nó khác với tình bạn thuần khiết, và nếu đưa nó vào thế kỉ 21 thì lại chưa thể gọi là tình yêu.

Tình yêu đôi lứa hiện đại có liên quan đến hai khái niệm: cảm xúc và rung động với đối phương. Dịch ra tiếng Việt có vẻ từ gốc bị bào nghĩa, nhưng mình cũng không biết phải giải thích thế nào. Ở hiện tại, chúng ta xem tình yêu đôi lứa là một quá trình thay vì là một lý tưởng như triết học cổ. Và xem xét các góc độ của tình yêu, có thể thấy rằng tình cảm đôi lứa đúng xảy ra theo một quá trình, một vector bắt đầu tại một điểm và kéo dài về đằng trước. Nó bắt đầu từ những rung động nhỏ, sự yêu quý, nhu cầu muốn làm thân, cho đến cả một đoạn đường dài phía sau.

Con người từng cho rằng tình yêu là một lý tưởng, một tượng đài cuối cùng của một đời người, đây là lý do vì sao thời xưa rất khó để ly dị, và sau khi ly dị thường sẽ bị người đời phán xét (con này một đời chồng rồi, thằng này bỏ vợ,... quen không các bạn?). Nhưng rồi càng về sau, chúng ta càng nhận thấy tình yêu là một quá trình, có đầu có cuối, các mốc thời gian dài ngắn khác nhau giống như các vector cũng có độ dài riêng biệt, có dương vô cực thì cũng có 2cm, 5cm,... Mọi người hoàn toàn có thể tìm cho mình một bến đỗ mới hạnh phúc hơn, phù hợp hơn, yêu người cũng yêu mình, và mình cũng được đối phương trân trọng.

Con người đi từ một tình yêu ngang hàng lý tưởng là tình yêu đôi lứa, cho đến hiện tại thì tình yêu ngang hàng lý tưởng là sự yêu bản thân (yêu bản thân không phải ái kỷ). Kiểu như, đến chính bản thân mình mà bạn còn không để tâm, thì bạn còn mong chờ gì sẽ có người thay bạn yêu thương nó?

Có một điều mà chúng ta vẫn luôn giữ nguyên khi nói về lý tưởng triết học trong tình yêu, đó là tình yêu đôi lứa chỉ nên ở mức đôi lứa, có nghĩa không nên có hơn hai người trong một mối quan hệ yêu đương ngang hàng. Vua chúa ngày xưa có đến hàng trăm phi tần, nhưng đây không phải là quan hệ ngang hàng, chưa kể đến việc vua chúa thời phong kiến có nhiệm vụ phải có người nối dõi, nên việc có nhiều "vợ" hầu như chỉ làm tăng khả năng có người thừa kế, không thực sự liên quan đến tình yêu đôi lứa.

Đó gần như là điểm duy nhất trùng nhau. Ở hiện tại, những chuyện môn đăng hộ đối không hiếm, nhưng đã suy yếu đi nhiều khi con người nhận ra việc yêu đương bao gồm cả việc cả hai người đều cùng nhau phát triển.

Quay lại với Plato, tình yêu đôi lứa lý tưởng đối với ngài và một sự thuần khiết, là sự ngây ngô. Nhưng nhìn lại một chút, Plato sống ở thời điểm triết học là cội nguồn của mọi vấn đề, ngài sống trong thời điểm Hy Lạp được bọc trong những thần thoại về các vị thần, các nàng tiên, và hàng trăm hàng ngàn câu chuyện thần thánh nhằm giải thích những điều mà khoa học thời bấy giờ không giải thích được (ngài sống ở thời mà chế độ quân chủ thắng thế, ở thời mà các triết gia là giữ vai trò tối cao nhất). Còn ở thời hiện đại, vì tình yêu đôi lứa là một quá trình nên Platonic Love chỉ là một giai đoạn trong đó mà thôi. Tình yêu đôi lứa xây dựng từ cảm xúc và rung động, trong khi cảm xúc liên quan đến những gì thuần túy nhất mà Plato đã đề cập, rung động lại là những thứ mà chúng ta vẫn hay chối bỏ - rung động đề cập đến phần tiềm thức. Thiếu đi cảm xúc, tình yêu đôi lứa chỉ là sự khối thô kệch, thiếu đi rung động, tình yêu đôi lứa dừng ở lời nói đầu môi.

Vì sao Platonic Love chỉ đóng vai trò là một giai đoạn trong diễn biến một cuộc tình? Mình nghĩ rằng vì chúng ta đã trở nên cởi mở hơn trong cách nhìn nhận về vấn đề tình dục và những thứ liên quan. Nói đơn giản hơn thì con người đi từ việc giữ trinh tiết đến đêm tân hôn cho đến việc tình dục trong tình yêu là chuyện bình thường. Đây là cả một bước tiến lớn, nó cho thấy tình yêu lý tưởng của Plato cũng không thực sự lý tưởng, hay nói cách khác, việc đưa ra một tình yêu lý tưởng hay bất cứ thứ gì lý tưởng chỉ nên nằm ở ý kiến cá nhân và tham khảo.

Như mình đã nói, có thể quan điểm này phù hợp với chế độ đa thê ở thời xưa, nhưng thực sự là bây giờ không còn ai ủng hộ lối suy nghĩ này nữa. Lại có một điểm khá buồn cười, người nguyên thủy sống theo bầy ở trong các hang động, nguồn thức ăn có được từ săn bắn và hái lượm, nên mô hình phân chia bao gồm nam giới bảo đảm nguồn thức ăn, nữ giới tích trữ, canh gác hang động. Điều này ban đầu dẫn đến việc theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ giữ vai trò quan trọng nhất trong bầy đàn. Nếu áp theo chế độ đa phu đa thê, phải chăng loài người sẽ có mô hình tổ chức xã hội tương đương với loài ong? Sau đó, con người chuyển mình đi theo chế độ phụ hệ, nam giới đóng vai trò quan trọng, phụ nữ bị xem thường, chế độ đa thê trở nên phổ biến bởi quan niệm phải có con trai nối dòng nối dõi thành quan niệm bắt buộc. Thế nhưng mỗi người phụ nữ chỉ được phép có một người chồng. Lấy quan điểm hiện đại mà xem xét, có thể chỉ được chủ nghĩa đa thê gần như có liên hệ mật thiết với việc xem nữ giới là những cái máy đẻ. Và ở thời hiện đại, con người xem xét tình yêu đôi lứa như một cánh cửa mở, nam với nam cũng ổn, nữ với nữ cũng đẹp, nam với nữ thì hay, không thuộc giới nào cũng chẳng xấu. Bình đẳng cả mà, ai cũng có quyền tự do yêu đương. Tình yêu đôi lứa ở hiện tại đánh mạnh vào hai chữ đôi lứa, chúng ta vẫn hay trêu nhau với câu "dù đúng hay sai chỉ hai là đủ" còn gì. Nhưng lấy lối suy nghĩ của các thời đại trước mà nhìn nhận, hẳn họ sẽ nghĩ thế gian này loạn lạc muôn phần.

Chỉ có chữ đôi lứa giữ lại chút đồng tình thôi.

__________________
Bài viết này được viết trong lúc mình suy nghĩ, nghĩ tới đâu viết tới đó. Nhưng để có chút kiến thức cho việc suy nghĩ mình cũng tìm đọc vài tài liệu. Nổi bật ở đây là "PLATONIC LOVE, TRANSFERENCE LOVE, AND LOVE IN REAL LIFE" bởi Martin S. Bergmann, bài phân tích rất hay, nếu hứng thú các bạn có thể tìm đọc trên z library nhé.

Một số tài liệu khác:
Everything you need to know about Platonic - Natarsha Button.
Plato on love - Richard Kraut.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #ktothebin