Chương 5: Báo ứng
Chương 5: Báo ứng.
Bầu trời trong veo không một gợn mây. Tôi nằm tựa vào ngực anh nhìn ra khung cửa sổ. Mùi hương nam tính của anh quện trong không gian. Anh nhè nhẹ vuốt tóc tôi, kéo chăn cao lên để che đi khuôn ngực trần của tôi.
- Cuối tuần này là sinh nhật anh, anh muốn giới thiệu em với bạn bè.
Tôi cười nhẹ, dụi vào lòng anh:
- Ừm! Em có phải chuẩn bị gì không?
Anh hôn lên môi tôi, nụ hôn từ nhẹ nhàng thành mãnh liệt, cho đến khi tôi thở hổn hển anh mới buông ra.
- Em thế nào thì cứ thế mà đến. Chớ có băn khoăn sửa soạn áo quần (*)
Tôi xì một tiếng:
- Người đâu mà nói ra thơ, thở ra văn vậy.
Anh véo mũi tôi:
- Thế mới tán nổi em chứ!
Tôi đưa tay ôm chặt anh. Đây là người đàn ông của tôi. Tôi nguyện đánh đổi mọi thứ để ở bên anh. Ông Trời có lẽ đã cho tôi một cơ hội có được hạnh phúc. Tôi sẽ trân trọng cơ hội này, sống thật tốt để xứng với anh.
Ngày sinh nhật đến thật mau. Tôi lo lắng thấp thỏm bước lên xe. Anh buồn cười nhìn tôi, trêu đùa:
- Em xem, em căng thẳng kìa. Chẳng phải người căng thẳng phải là anh sao, hở ra một cô trẻ và xinh thế này, bị bọn chúng nó bắt mất thì chết.
Tôi phụng phịu đấm vào người anh. Anh càng cười lớn. Bao căng thẳng phút chốc như tiêu tan. Tôi còn có anh bên cạnh mà, sao phải lo lắng điều gì?
Khi chúng tôi đến nơi, bạn bè anh gần như đã đông đủ, chỉ thiếu một vài người. Chờ thêm một lúc, mọi người quyết định bắt đầu. Tiệc sinh nhật được tổ chức trong một nhà hàng sang trọng, ấm cúng, có cả sân khấu nhạc sống. Anh bảo đây là tụi chiến hữu thân thiết nhất của anh. Mỗi năm sẽ chọn ra một người để tổ chức sinh nhật kiểu này, để có cơ hội tụ tập. Năm nay đến lượt anh vì anh có người yêu. Sau màn cắt bánh và giới thiệu, mọi người hùa nhau trêu gọi chúng tôi. Tôi đỏ mặt nhưng cảm thấy vẫn dễ chịu. Anh có những người bạn thật tốt. Được một lúc, anh bỗng đứng lên hướng về phía sân khấu, đề nghị dừng nhạc và cầm lấy micro:
- Hôm nay là một ngày thật vui. Cảm ơn các anh em đã tổ chức cho tôi buổi sinh nhật ấm cúng này. Tôi muốn hôm nay sẽ là ngày đáng nhớ nhất đời tôi.
Anh dừng lại nhìn thẳng vào tôi. Bỗng cánh cửa phòng bỗng bật mở, một người bước vào, cất giọng vui vẻ:
- Xin lỗi, tôi đến muộn. Không bỏ lỡ màn nào hay chứ?
Mọi người ồ lên nhìn người mới đến, ầm ầm đòi phạt rượu. Trong giây phút, tôi như hóa đá. Lần đầu tiên tôi thấm thía luật nhân quả trên thế gian, chỉ không ngờ báo ứng đến nhanh đến vậy. Người mới đến cũng khựng lại khi nhìn thấy tôi. Mọi người lao xao giới thiệu:
- Huy Khánh, cậu chào em dâu một tiếng đi.
Anh ta chăm chú nhìn tôi, đưa tay ra gượng gạo:
- Chào em!
Tôi chết chân ngồi đó, quên cả đưa tay ra bắt. Một người thấy không ổn liền thúc giục:
- Tiếp tục đi Quý Minh.
Trên sân khấu, anh cười rạng rỡ, tiếp tục cất giọng nói trầm ấm:
- Hôm nay, tôi muốn nói với mọi người: Tôi đã tìm được người con gái tôi muốn chung sống cả cuộc đời, muốn cùng cô ấy chia sẻ mọi buồn vui, muốn mỗi buổi tan tầm được gặp cô ấy tại nhà của mình. Nhã Uyên, em có bằng lòng làm vợ anh không?
Nói dứt câu, anh đưa tay lấy ra một hộp nhẫn. Tiếng vỗ tay ầm ầm vang lên. Nhưng thế giới của tôi lại tĩnh lặng kì lạ. Tôi cứ ngồi im tại chỗ, đăm đăm nhìn anh. Có một bàn tay nâng tôi lên, đẩy tôi về phía trước. Bỗng thế giới trong tôi như vỡ vụn, và một loạt âm thanh dâng lên như thủy triều:
- Lên đi! Lên đi! Hôn đi! Hôn đi!
Bước chân tôi như đi trên mây. Tôi bước càng lúc càng gần anh, mà sao tôi lại thấy hình bóng của anh như xa vời, hư ảo, chỉ cần chạm đến là tan biến mất. Tôi đứng đối diện anh trên sân khấu. Anh quỳ xuống, nâng chiếc nhẫn lên, ánh mắt tha thiết nhìn tôi, lấp lánh ý cười. Nhưng tôi lại có cảm giác có đôi mắt phía dưới kia đang nhìn xoáy vào tôi, bóc trần tôi ra không nhân nhượng. Tôi đưa tay ôm đầu và vội vã xoay người chạy ra khỏi sân khấu, hướng về phía cửa, cố thoát khỏi ánh mắt ấy. Hình như tôi nghe thấy tiếng gọi hoảng hốt:
- Nhã Uyên! Nhã Uyên!
Tôi càng sợ hãi, càng chạy nhanh hơn. Tôi vẫy một chiếc taxi. Chiếc xe nhanh chóng lao đi. Đường phố nhạt nhòa trong muôn ngàn ánh đèn. Đâu là đường về của tôi?
(*) Thơ Tar-go.
***
Hai năm sau.
Tôi cố gắng nở một nụ cười tiêu chuẩn, nhẹ nhàng đáp lại lời của người đàn ông đối diện. Đó là đối tác của công ty tôi, một người đàn ông có vẻ ngoài lịch lãm, phong độ. Thi thoảng anh ta lại nhìn sang tôi, ân cần gắp thức ăn và hỏi han vài câu. Đa phần thời gian tôi ngồi gẩy thức ăn trong bát, hết vâng lại dạ, rồi lại mỉm cười đầy chất ngoại giao. Đây là bữa ăn bên đối tác mời, tôi với thân phận thư ký đương nhiên phải đi cùng sếp. Mọi dây thần kinh của tôi căng ra, mệt mỏi cực độ vì phải ngồi làm cảnh trong một thời gian khá dài. Cuối cùng, bữa cơm cũng kết thúc, tôi thở ra nhẹ nhõm, chuẩn bị ra về. Sếp có việc phải đi gấp, tôi đứng trước cửa nhà hàng chờ taxi. Một chiếc xe Camry đỗ trước mặt tôi. Người đàn ông bước xuống xe, nhìn tôi mỉm cười:
- Anh đưa em về được không?
Tôi ngượng ngùng:
- Dạ, em cảm ơn anh. Nhưng bây giờ em phải đi có chút việc ạ.
- Thật tiếc. Vậy hẹn gặp lại em sau!
Anh ta chìa tay ra, tôi run run đưa tay đáp lại. Anh ta khẽ vuốt ve lòng bàn tay tôi. Tôi bỗng thấy rùng mình. Người đàn ông bước lên xe, chẳng mấy chốc chiếc Camry đã hòa vào dòng người hối hả. Chờ cho chiếc xe vừa đi khuất, tôi vội bụm miệng chạy nhanh vào nhà vệ sinh của nhà hàng. Tôi cứ thế nôn thốc nôn tháo, nước mắt nước mũi chảy giàn giụa. Qua không biết bao lâu, tôi chỉnh lại vẻ ngoài rồi bước ra khỏi nhà hàng.
Tôi ngồi trên taxi, đi qua những con phố Sài Gòn đông chặt người vào giờ tan tầm. Cái nắng nóng vẫn chưa dịu bớt. Dù đã sống ở đây hai năm, tôi vẫn không thích ứng được. Dù vẫn khói bụi ấy, vẫn cái oi nóng ấy, vẫn cái bon chen rất thị thành ấy; mà sao lòng tôi vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì đó. Có lẽ là những chiếc xe đạp chở hàng hoa đi bán rong khắp các phố Hà Nội; có lẽ là những quán ăn vặt mang một hương vị rất riêng của đất Bắc; và có lẽ là cái chất âm trầm, cổ kính lắng sâu muôn đời của đất kinh kỳ thấm đượm trên từng hàng cây trăm tuổi, từng con phố xao xác lá bay mà cuộc sống có ồn ào đến mấy vẫn không thể nào mất đi được. Hà Nội không phải là quê gốc của tôi, nhưng không biết từ bao giờ, trong những giấc mơ, tôi lại thấy nhà mình nhìn ra những bờ bãi sông Hồng, có những hàng lau phơ phất, có cầu Long Biên như một tứ thơ đẹp vắt ngang một góc trời. Ngày ấy, tôi đã lựa chọn ra đi, thực ra là chạy trốn, không bao giờ còn muốn quay trở lại nơi ấy nữa. Suốt hai năm sống cô đơn nơi đất khách quê người, tôi đã có công việc ổn định, mua được một căn hộ nhỏ, nhưng chẳng thể có được một ngôi nhà đúng nghĩa. Tôi đã không thể quay trở về được nữa rồi. Thúy Vy vẫn liên lạc với tôi. Nó giờ đã là một bà mẹ hạnh phúc với cô con gái một tuổi. Nghe nó than thở đủ mọi thứ chuyện, từ chồng đến con, đến mẹ chồng, gia đình nhà chồng, tôi lại thấy ngưỡng mộ. Đôi khi người trong cuộc chẳng thể cảm nhận được hạnh phúc bình dị từ những rắc rối rất nhỏ nhặt đời thường ấy. Thúy Vy là người duy nhất, trừ bố mẹ tôi ra, biết được tôi ở đâu và nó cũng cam kết không bao giờ tiết lộ thông tin về tôi cho bất kỳ ai. Đó là phòng vậy thôi chứ tôi biết, chẳng ai tìm kiếm tôi cả. Tôi không may mắn như con thỏ bằng sứ trong câu chuyện của nhà văn Mỹ nọ, chẳng cô chủ nào tìm kiếm và chờ đợi tôi suốt bao nhiêu năm. Nhưng như thế lại hay, sẽ chẳng có ai phải đau khổ, dằn vặt, chẳng còn quá khứ lầm lạc, chỉ còn tôi tự gắm nhấm nỗi cô đơn của mình.
Taxi dừng lại trước một ngõ hẹp. Tôi bước xuống xe và tìm vào phòng khám tâm lý quen thuộc. Đón tiếp tôi là một nữ bác sĩ trẻ tuổi, có khuôn mặt dễ mến. Chị nhìn sắc mặt tái nhợt của tôi, khẽ nhíu mày:
- Em sao vậy, có chuyện gì mà sắc mặt lại khó coi vậy?
Tôi ngập ngừng:
- Em...em không sao. Dạo này vẫn mất ngủ quá, chị kê cho em chút thuốc an thần nhé!
Chị mím môi, nhìn tôi trách cứ:
- Em đâu có thể lạm dụng thuốc như vậy. Chị đã bảo em rồi, tham gia thêm một số hoạt động, giao lưu nhiều hơn, đừng sống khép kín như vậy. Cái căn bệnh kia của em không chữa thì lấy chồng sao đây?
Tôi cúi gằm mặt, lòng đầy mỉa mai, chua xót. Phải, tôi mang bệnh, căn bệnh lạ lùng: sợ sự đụng chạm của người khác giới. Tôi không thể gần gũi được ai, cảm giác rùng mình, buồn nôn luôn xuất hiện khiến tôi bài xích tất cả những tiếp xúc với nam giới. Nửa năm nay, tôi mất ngủ nhiều hơn nên quyết định tìm đến chị. Nhưng tôi lại chẳng chịu làm theo những lời khuyên của chị.
- Em xem, em thế này thì chị phải làm sao bây giờ? Câu lạc bộ khiêu vũ cổ điển chị giới thiệu em đã đến chưa? Ở đó toàn những người văn minh, thanh lịch, em sẽ có cơ hội tiếp xúc, sẽ có lợi cho bệnh của em. Nếu không thì chịu khó đi mua sắm, chuyện trò với bạn bè. Còn em cứ trốn mãi trong cái vỏ kén thế này, làm sao khá lên được. Lạm dụng thuốc không phải là cách lâu dài.
Vẫn như mọi lần, tôi lại ngồi im nghe chị nói. Tôi có thể cảm nhận được sự lo lắng, quan tâm và tận tụy của chị. Nhưng chị còn có gia đình, công việc, chị không thể ở bên tôi nhiều được, tất cả còn phải do tôi. Mà tôi, thì cứ như thế, chẳng thể thoát ra được cái kén đã bọc kín tôi suốt hai năm qua. Cuối cùng, chị vừa thở dài, vừa kê đơn thuốc, vừa nhét vào tay tôi nào sách, nào đĩa nhạc, nào card của các câu lạc bộ. Tôi mỉm cười, hứa với chị sẽ cố gắng rồi rời khỏi phòng khám về nhà.
Đêm đã khuya, tôi với tay lấy thuốc uống rồi đặt cuốn sách lên đầu giường.
Cuốn sách đã cũ, không còn trơn bóng như ngày đầu, vì suốt hai năm nay, nó luôn bị lật giở. Tôi tắt đèn ngủ, ánh sáng dìu dịu dần tắt, hình chú thỏ trên cuốn sách cũng mờ nhòe đi. Trong bóng tối, tôi nhắm mắt, chờ đợi cơn buồn ngủ cuốn tôi đi, thoát khỏi cô đơn, chìm vào giấc mơ hàng đêm về ngôi nhà, về dòng sông đỏ nặng phù sa, về cây cầu nghiêng trong ráng chiều vào một buổi chiều thu hiu hắt, về một quá khứ xa vời không có lối về.
***
Cuối tuần, tôi lại đến đây, đơn giản vì tên quán cà phê này có một chữ "Xanh". Tiếng nhạc dìu dịu vang lên, bóng cây xanh mát, xua bớt đi cái nắng nóng của Sài thành. Tôi nhâm nhi cốc trà sữa, nhìn chăm chú vào cuốn sách trên bàn. Đây là một quán cà phê khá yên tĩnh, tôi mới phát hiện ra gần một năm nay nhân một lần trú mưa dọc đường đi làm về. Thế rồi, từ đó cứ lưu luyến rồi đến đây luôn. Lúc đầu cũng có dăm ba vị khách đến làm bắt chuyện, sau vài lần tôi lịch sự từ chối, họ cũng không còn đến nữa. Đến quán này đa phần là khách quen nên họ không làm phiền tôi nữa. Tôi dần tìm được góc riêng cho mình. Tôi rời mắt khỏi cuốn sách, nhắm mắt lại để cho âm nhạc từ từ lan tỏa trong tâm hồn. Bỗng một giọng nói trầm ấm vang lên:
- Chào em, anh có thể ngồi chung với em được không?
Trái tim tôi như ngừng đập. Tôi từ từ mở mắt ra. Trước mắt tôi là một người đàn ông, anh mặc chiếc áo sơ mi màu xanh da trời, khuôn mặt không qúa đẹp nhưng toát lên nét cương nghị, trầm tĩnh. Chỉ có điều, ánh mắt anh không lấp lánh ý cười như xưa mà ẩn giấu trong đó nét bi thương, mệt mỏi. Giây phút tôi nhìn vào đôi mắt ấy, tôi biết số phận lại quay vòng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top