ban giang tot bung1

Bức tranh xuất nhập khẩu Việt Nam 2010: Có nhiều tín hiệu tích cực

Năm 2010 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 71,6 tỷ USD, góp phần giảm nhập siêu còn 12,3 tỷ USD (so với 13,5 tỷ USD kế hoạch đầu năm giảm 1,2 tỷ USD).

Ngày 30/12/2010 Bộ Công thương đã tiến hành họp giao ban về tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2010 với các Cơ quan, Ban, ngành. Trong buổi giao ban, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên đánh giá, năm 2010 Việt Nam đã đạt được nhiều con số đáng khích lệ về xuất nhập khẩu, nhiều nhóm mặt hàng đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. 

Tuy nhiên, năm 2011 sẽ vẫn là năm khó khăn đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi Chính phủ quyết tâm kiềm chế lạm phát, kế hoạch tăng trưởng tín dụng dưới 23% sẽ gây khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Xu hướng của các doanh nghiệp có vốn FDI năm 2010 có mức tăng trưởng cao, xấp xỉ 40%. Đây là một yếu tố đáng lưu ý của bức tranh xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2010.

Tình hình xuất nhập khẩu năm 2010

Năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 71,6 tỷ USD tăng 25,5% so với năm 2009, về giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 14,5 tỷ USD. Năm 2010 là năm thành công của các doanh nghiệp xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38,8 tỷ USD (tính cả dầu thô) tăng 27,8% so với năm 2009 và chiếm 54,2% tổng kim ngạch của cả nước, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 32,8 tỷ USD tăng 22,7% so với năm 2009.

Nhiều mặt hàng trong năm 2010 tăng mạnh về số lượng xuất khẩu, giúp duy tăng trưởng xuất khẩu và thể hiện được quy mô mở rộng sản xuất. Lượng hàng công nghiệp tăng lên đã góp phần bù đắp cho lượng hàng khoán sản, dầu thô giảm mạnh (dầu thô và than đá giảm 3,8 tỷ USD). Giá xuất khẩu năm 2010 của nhiều mặt hàng cũng tăng mạnh, trong đó nhiều mặt hàng được hưởng lợi từ tăng giá thế giới như gạo, cà phê, cao su, dầu thô, than….một số hàng hóa tăng giá khá do hàm lượng chế biến tăng lên như dệt may, thủy sản, gỗ, dây và cáp điện,…

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có xu hướng tăng ở ngành công nghiệp chế tạo và hàng hóa có hàm lượng chất xám cao. Tỷ trọng hàng hóa ngành công nghiệp chế biến so với 2009 tăng mạnh từ 63,4% lên 67,9%, nhóm khoáng sản giảm từ 15,2% xuống 11,1%,…

Về nhập khẩu năm 2010 của cả nước ước đạt 84 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2009, về giá trị tương đương tăng 14 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 47,5 tỷ USD chiếm 56,6% tổng kim ngạch tăng 8,3% so với năm 2009, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 36,5 tỷ USD chiếm 43,4% tổng kim ngạch và tăng 39,9% so với năm 2009.

Nhập siêu cả nước ước đạt khoảng 12,3 tỷ USD, thấp hơn so với dự báo từ đầu năm 13,5 tỷ USD bằng 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Một số hàng hóa cần nhập khẩu giảm khá mạnh năm qua là clinker giảm 38%, xăng dầu giảm 28,6%, khí đốt hóa lỏng giảm 14%, phân bón giảm 22%, thép các loại giảm 10%, ô tô nguyên chiếc giảm 45%,…chủ yếu do sản xuất trong nước phần nào đáp ứng được nhu cầu.

Kết quả một số ngành

Thủy sản: Trong những tháng cuối năm, sức tiêu thụ thủy sản của các nước phương Tây thường tăng đáng kể để phục vụ Lễ Noel và Tết dương lịch. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2010 đạt 4,93 tỷ USD tăng 16,5% so với 2009. Năm 2011, ngành thủy sản dự kiến sẽ giảm sản lượng xuất khẩu từ 600,000 tấn năm 2010 xuống còn 300.000 – 350.000 tấn.

Gạo: Theo số liệu của Bộ Công thương, xuất khẩu gạo năm 2010 có thể đạt khoảng 6,8 triệu tấn, trị giá xuất khẩu 3,2 tỷ USD. Năm 2011 dự kiến đạt khoảng 5,5 – 6 triệu tấn, hiện lượng gạo tồn kho còn khoảng 800.000 tấn. Giá gạo xuất khẩu ngày càng tăng cao với giá hiện tại khoảng 511 USD/tấn.

Cà phê: Giá cà phê trên thế giới hiện nay đang tăng cao trở lại.. Xuất khẩu cả năm 2010 theo số liệu của Bộ Công thương đạt khoảng 1,76 tỷ USD, sản lượng xuất khẩu khoảng 1,17 triệu tấn.

Cao su: Theo số liệu của Bộ Công thương, khối lượng cao su xuất khẩu năm 2010 có thể đạt khoảng 783 ngàn tấn với kim ngạch đạt hơn 2,37 tỷ USD, tăng gấp 2 lần về trị giá.

Gỗ: Những điều kiện thuận lợi về giá cả, nguồn cung, đơn hàng hàng xuất khẩu, cùng với khoảng thời gian cuối năm, khi xuất khẩu đồ gỗ ngoài trời bước vào mùa vụ, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam có triển vọng tiếp tục tăng cao. Theo ước tính của Hiệp hội Gõ và Lâm sản Việt Nam, xuất khẩu gỗ cả năm 2010 có thể vượt kế hoạch và đạt 3,2 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2009.

Theo ÔngNguyễn TônQuyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗvà Lâm sản Việt Nam, năm 2011 sẽ thay đổi cách làm từ việc bán hàng theo giá FOB sang giá CIF để tăng lợi nhuận, sẽ cho một số doanh nghiệp thí điểm để rồi nhân rộng mô hình

Dệt may: Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 của ngành dệt may sẽ đạt khoảng 11 tỷ USD. Năm 2011 dự báo ngành Dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 13,1 – 13,2 tỷ USD.

Với những thành công đáng khích lệ mà xuất khẩu đã đạt được trong năm qua, phần nào đã làm giảm bớt nhập siêu vốn đang là vấn đề đối với nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, theo đánh giá, năm 2011 sẽ là năm khó khăn hơn đối với xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Kế hoạch xuất khẩu năm 2011 đạt khoảng 78,8 tỷ USD

Trong buổi giao ban, nhiều Hiệp hội cho biết đã bày tỏ khó khăn khi tiếp cận vốn của các doanh nghiệp để phục vụ quá trình sản xuất. Trong khi đó, với chỉ đạo của Chính phủ về nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011 là ổn kịnh kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời đưa ra mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2011 là dưới 23%. Như vậy đồng nghĩa với việc, tín dụng năm 2011 sẽ thắt chặt hơn, đây sẽ là điều khó khăn về vốn hơn nữa cho các doanh nghiệp sản xuất.

Chỉ tiêu mà Quốc hội thông qua và Chính phủ giao cho ngành Công thương về xuất nhập khẩu năm 2011

Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đạt 10% so với thực hiện năm 2010, tương đương kim ngạch đạt 78,8 tỷ USD.

Nhập siêu hàng hóa năm 2011 không vượt quá 18% so với tổng kim ngạch xuất khẩu, tương đương 14,18 tỷ USD.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2011 đạt 10% và kiểm soát được nhập siêu không vượt quá 18%. Bộ Công thương đã kiến nghị tiếp đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, rà soát và đàm phán sâu hơn đối với các thỏa thuận ưu đãi về thuế quan giữa Việt Nam và các nước.

Triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển xuất khẩu, thương mại trong nước, thương mại miền núi,….

Tập trung nâng cao công tác dự báo về sản xuất, thị trường và các điều kiện thương mại làm cơ sở cho việc chỉ đạo sản xuất, xuất khẩu,…

Ngân hàng Nhà nước các giải pháp đồng bộ về tài chính – tiền tệ để giảm lãi suất trong quý 1 năm 2011 xuống mức hợp lý, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Cung cấp vốn lãi suất ưu đãi để thu mua tồn trữ một số hàng nông sản xuất khẩu (café, hạt điều, hạt tiêu) đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, có lượng hàng tồn kho lớn để giữ giá, tránh thiệt hại cho người dân, tránh bị nước ngoài ép giá.

Hỗ trợ thanh khoản và vốn cho tổ chức tín dụng phù hợp với mục tiêu kinh tế và tiền tệ, diễn biến thị trường.

Đề nghị các NHTM nâng hạn mức tín dụng cho xuất khẩu, dành ưu tiên cho các doanh nghiệp vay mua hàng hóa xuất khẩu.

Home  KINH TẾ/HỘI NHẬP  Phạm Quốc Trụ, KINH TẾ VIỆT NAM SAU BA NĂM GIA NHẬP WTO

Phạm Quốc Trụ, KINH TẾ VIỆT NAM SAU BA NĂM GIA NHẬP WTO

Thứ năm, 25 Tháng 3 2010 13:38

Tháng 11/2006, sau hơn 11 năm chuẩn bị và đàm phán, Việt Nam đã được kết nạp là thành viên thứ 151 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và từ tháng 1/2007, Việt Nam bắt đầu thực hiện nghĩa vụ thành viên và các cam kết gia nhập. Đây là một một mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, bởi vì từ thời điểm này Việt Nam mới thực sự tham gia vào một sân chơi lớn có quy mô toàn cầu và qua đó Việt Nam có thể khai thác được nhiều lợi ích và cơ hội cho phát triển, tránh bị gạt ra bên lề dòng chảy tiến bộ chung của nhân loại. Cũng bắt đầu từ đây, nền kinh tế và thị trường ViệtNam thực sự trở thành một bộ gắn bó chặt chẽ với kinh tế và thị trường thế giới. Điều này cũng có nghĩa rằng bên cạnh việc hưởng lợi và những cơ hội tốt cho phát triển, Việt Nam cũng đồng thời chịu nhiều tác động trái chiều và  thách thức phải vượt qua sau khi gia nhập WTO. Bài viết này đề cập những phát triển tích cực nổi bật và những mặt hạn chế, khó khăn chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam trong 3 năm qua kể từ sau khi gia nhập WTO, qua đó có thể phần nào thấy được tác động của việc gia nhập WTO nói riêng và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam tiến hành những năm qua. Sở dĩ như vậy là vì với 3 năm sau gia nhập WTO, một khoảng thời gian còn quá ngắn ngủi để có thể xem xét và đánh giá một cách đầy đủ về tác động của việc gia nhập WTO đối với nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh phần lớn các cam kết thực chất và sâu mà Việt Nam phải thực hiện sẽ diễn ra sau từ 3 đến 5 năm kể từ khi gia nhập. Cho nên những phân tích và nhận xét dưới đây chỉ là bước đầu và còn rất sơ bộ.

Những phát triển tích cực

Tham gia WTO đã mở ra cho nền kinh tế Việt Nam nhiều lợi ích và cơ hội thuận lợi có thể khai thác phục vụ phát triển kinh tế. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tận dụng và khai thác khá thành công các lợi ích và cơ hội, nhờ đó Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, đặc biệt là đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đứng trong số ít nước duy trì được mức tăng trưởng GDP cao nhất thế giới (8,5% năm 2007, 6,2 % năm 2008), thậm chí mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu vừa qua và trong khi phần lớn các nền kinh tế trên thế giới rơi vào suy thoái thì nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng 5,2 %. Dưới đây, xin nêu những mặt sáng nổi bật của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua.

Xuất nhập khẩu tăng mạnh và đóng vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

Thuận lợi hết sức quan trọng là ngay sau khi gia nhập WTO, Việt Nam lập tức được hưởng sự đối xử bình đẳng trong thương mại và mở cửa thị trường của 150 nước thành viên. Các hàng rào thuế quan phi WTO mà hàng hoá Việt Nam bị áp đặt một cách bất lợi bị bãi bỏ, nhờ đó Việt Nam có thể tăng khả năng xuất khẩu hàng hoá của mình sang thị trường các nước thành viên. Mặt khác, với việc thực hiện các cam kết mở cửa thị trường Việt Nam và do yêu cầu đầu vào của nhiều ngành sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam cũng tăng rất mạnh.  Trong hai năm 2007 và 2008, mức tăng xuất nhập khẩu của ViệtNam đạt bình quân khoảng 25 %/ năm. Năm 2009, do khủng hoảng toàn cầu nên tỷ lệ tăng xuất nhập khẩu của Việt Nam bị tụt xuống đáng kể, nhưng vẫn ở mức cao so với nhiều nền kinh tế khác. Điểm tích cực đáng kể nữa là cơ cấu xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam tiếp tục thay đổi theo hướng giảm dần các mặt hàng nguyên liệu thô, nông sản chưa chế biến và tăng dần số lượng cũng như giá trị các mặt hàng hàng chế biến, hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao.  Phát triển mạnh của hoạt động xuất nhập khẩu những năm qua là động lực thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ ăn theo và, do vậy, góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Hiện nay, tỷ lệ giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam trên tổng GDP là trên 170 %. Điều này cho thấy hai điểm quan trọng sau. Một là, nền kinh tế Việt Nam gắn kết và phụ thuộc quan trọng vào nền kinh tế và thị trường thế giới. Hai là, thương mại quốc tế là động lực và yếu tố then chốt của tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.

Đầu tư quốc tế tăng ngoạn mục

Việc nhập WTO mở ra cơ hội thuận lợi để Việt Nam thu hút các luồng vốn đầu tư cả từ trong lẫn ngoài nước dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhờ lợi thế về nguồn nhân công, đất đai, tài nguyên còn rẻ và trong bối cảnh một thị trường Việt Nam đầy tiềm năng khá mở và và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện thông qua những chính sách và biện pháp hấp dẫn, Việt Nam trở thành một điểm sáng đối với các nhà đầu tư. Trong 3 năm qua, Việt Nam đã thu hút được một lượng vốn đầu tư lớn. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cho đến cuối 2005, Việt Nam đã thu hút được tổng số khoảng trên 70 tỷ USD vốn đăng ký. Riêng mấy năm gần đây, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, FDI vào Việt Nam tăng vọt từ 12 tỷ USD năm 2006 lên 21 tỷ USD năm 2007 và 64 tỷ USD năm 2008[*]. Mặc dù năm 2009 có nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm đến quan trọng của FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 21,3 tỷ USD. Như vậy tổng số FDI đăng ký trong 3 năm qua đã vượt 1,3 lần tổng số FDI thu hút được của tất cả các năm trước đó cộng lại. Đóng góp của khu vực FDI vào GDP đạt mức trung bình trên dưới 40% trong khoảng 1 chục năm gần đây. Bên cạnh nguồn FDI, ODA vào Việt Nam cũng liên tục tăng mạnh. Những năm gần đây, chúng ta thu hút bình quân 5-6 tỷ USD từ nguồn này cho các dự án phát triển hạ tầng và quốc kế dân sinh. Riêng năm 2009, tổng số ODA cam kết cho Việt Nam đạt trên 8 tỷ USD. Ngoài ra, thông qua kênh đầu tư gián tiếp của thị trường chứng khoán, nguồn vốn đổ vào Việt Nam cũng không ngừng tăng lên từ 2,1 tỷ USD năm 2006 lên 8,9 tỷ USD năm 2007[†] . Cũng phải kể thêm một nguồn đầu tư quan trọng khác từ kiều hối của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gửi về trong nước thông qua các kênh khác nhau ở mức 6-7 tỷ USD/năm trong mấy năm gần đây. Các số liệu nói trên cho thấy sự tin tưởng của giới đầu tư, chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế vào khả năng phát triển ổn định của nền kinh tế Việt Nam cũng như sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Những nguồn vốn đầu tư quan trọng như vậy đổ vào Việt Nam đã giúp duy trì tăng trưởng cao khá ổn định của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua, đồng thời góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế có tiến bộ

Hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc gia nhập WTO, cũng đồng thời đưa Việt Nam vào một quá trình phân công lao động quốc tế trên cơ sở phát huy các lợi thế của từng nước. Quá trình này tất yếu thúc đẩy việc tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Thực tế cho thấy, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây đã có những chuyển dịch đáng kể theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng và tỷ trọng nông lâm nghiệp giảm dần. Trong những năm đầu của thập niên 2000, tỷ lệ các khu vực công nghiệp, dịch vụ và nông lâm nghiệp trong tổng giá trị nền kinh tế quốc dân còn ở mức lần lượt là 38 %, 39 % và 23 %, thì đến nay (2008-2009) tỷ lệ tương ứng là 40 %, 39,5 % và 20,5 %. Những chuyển dịch này là hệ quả tất yếu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những ngành, lĩnh vực có khả năng tiêu thụ nhiều sản phẩm được phát triển mạnh. Một số ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, dày da, điện tử có xuất khẩu mạnh và tiêu thụ nhiều ở trong nước đã phát triển rất nhanh trong mấy năm gần đây.

Cải thiện kinh tế vĩ mô

Trong những năm gần đây, các mặt quan trọng của kinh tế vĩ mô (tài chính, ngân hàng, tiền tệ) ở Việt Nam phát triển tương đối nhanh và cơ bản được duy trì trong giới hạn ổn định, hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Mặc dù chịu tác động mạnh của thiếu hụt mạnh trong cán cân thương mại và thanh toán quốc tế, của giá cả tăng cao và bội chi ngân sách thường xuyên, song lạm phát đã được kiểm soát và duy trì cơ bản ở mức dưới hai con số, do vậy nhìn chung không gây nhiều tác động tiêu cực lớn cho các hoạt động kinh tế và xã hội.

Yếu kém và thách thức

Bên cạnh những phát triển tích cực cơ bản nói trên, nền kinh tế Việt Nam cũng có những mặt hạn chế/yếu kém và những thách thức cần phải khắc phục, đặc biệt là những điểm chủ yếu sau:

Chất lượng của sự phát triển kinh tế chưa cao và tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định  

Sự phát triển khá nhanh của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua thiên về lượng nhiều hơn là về chất, đặc biệt còn nhiều mất cân đối và không bền vững. Công nghiệp tuy phát triển nhanh, nhưng chủ yếu dưới dạng gia công, chế biến trình độ thấp, giá trị gia tăng hạn chế, sử dụng nhiều lao động, đất đai và tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường nặng, các ngành công nghệ cao và dựa trên tri thức chưa phát triển đáng kể. Đầu tư của Nhà nước vẫn còn dàn trải, kém hiệu quả, thất thoát và lãng phí nhiều. Khu vực doanh nghiệp nhà nước chậm cải cách, tiêu tốn nhiều nguồn lực xã hội và hiệu quả vẫn rất thấp. Các cơ sở hạ tầng tuy được quan tâm đầu tư nhiều hơn, song chưa theo  kịp được tốc độ phát triển của nhu cầu và cơ bản vẫn còn ở tình trạng kém cỏi. Kinh tế đối ngoại tuy có sự phát triển mạnh nhưng cũng còn nhiều vấn đề, đặc biệt là tình trạng nhập siêu cao liên tục trong nhiều năm, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu và đối tác chưa thật sự bảo đảm việc duy trì tăng trưởng ổn định, thậm chí tình trạng phụ thuộc cao của nền kinh tế Việt Nam hiện nay vào kinh tế thế giới và thị trường bên ngoài, nhất là lại tập trung vào một số đối tác thường có vấn đề phức tạp với Việt Nam khiến cho nền kinh tế Việt Nam rất dễ bị tổn thương. Một số mặt của kinh tế vĩ mô tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại. Mất cân đối cán cân thanh toán lớn do hậu quả của thâm hụt thương mại quốc tế và có chiều hướng gia tăng, bội chi ngân sách ở mức cao, nợ nước ngoài tiếp tục lớn hơn và đè nặng lên tương lai. Áp lực lạm phát lớn và đồng tiền Việt Namtiếp tục mất giá hơn. Hệ thống ngân hàng đang phát triển và hoạt động tín dụng khó kiểm soát của của nó tiềm ẩn không ít nguy cơ bất ổn cho nền kinh tế. Nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt nhanh và môi trường  bị phá hoại nặng nề do tình trạng khai thác, phát triển ồ ạt, bừa bãi, quản lý yếu kém. Phát triển khoa học công nghệ tự thân chậm và nguồn nhân lực tuy đông nhưng chất lượng chuyên môn và tính kỷ luật thấp khó đáp ứng được đòi hỏi của phát triển nhanh của nền kinh tế trong những năm tới.  

Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn thấp

Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, song kết quả còn nhiều hạn chế. Thực tế 3 năm gần đây, Việt Nam tiếp tục bị tụt bậc trong bảng xếp hạng cạnh tranh quốc gia của thế giới. Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong những năm tới. Nâng cao năng lực cạnh tranh là công việc không đơn giản và không thể có được kết quả ngay trong một thời gian ngắn. Điều này đòi hỏi Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược lâu dài và nhiều biện pháp tổng thể, đồng bộ, đầu tư nguồn lực thích đáng.

Cấu trúc thị trường Việt Nam không đồng bộ, bị chia cắt và môi trường kinh doanh chưa bình đẳng, thiếu sự minh bạch và khả năng dự đoán trước

Sự phát triển của các thị trường vốn, bảo hiểm, lao động và hàng hoá, dịch vụ còn lệch pha nhau, đặc biệt là các thị trường vốn, bảo hiểm và lao động phát triển chậm, chưa theo kịp sự phát triển của các thị trường khác nên chưa có được sự hỗ trợ đắc lực cần thiết. Đặc biệt, mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể, song môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn những trở ngại không nhỏ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tình trạng đối xử không bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp vấn tồn tại. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn được hưởng những ưu đãi mà khu vực doanh nghiệp tư nhân không có được, kể cả độc quyền dinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Thực trạng cạnh tranh không bình đẳng này tiếp tục làm méo mó thị trường, khiến nó không hoạt động một cách bình thường và gây cản trở, bất lợi cho hoạt động kinh doanh của bộ phận đông đảo các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Thêm vào đó, tình trạng thiếu minh bạch và hay thay đổi của các chính sách có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, các biện pháp kiểm soát hành chính của Nhà nước, thái độ quan liêu, nhũng nhiễu của công chức trong bộ máy công quyền… là những yếu tố làm giảm tính thuận lợi của môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Cần làm gì để tiếp tục hội nhập và phát triển ?

Trong bối cảnh hiện nay, để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không có lựa chọn nào tốt hơn là phải tiếp tục quá trình hội nhập quốc tế một cách toàn diện và ngày càng sâu rộng hơn. Hội nhập kinh tế quốc tế là nội dung then chốt và là nền tảng của quá trình hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam  trong giai đoạn hiện nay. Việt Nam sẽ tiếp tục các tiến trình hội nhập kinh tế ở nhiều tầng cấp khác nhau, từ đơn phương tự do hoá đến liên kết song phương, liên kết tiểu vùng, hội nhập khu vực và toàn cầu. Phạm vi và mức độ liên kết/tự do hoá cũng sẽ ngày càng rộng và cao hơn. Quá trình thực hiện các cam kết hội nhập của Việt Nam cũng ngày càng đi vào thực chất và, do đó, có nhiều tác động mạnh hơn đến nền kinh tế và nhiều mặt của đời sống xã hội ở Việt Nam.

Để tiếp tục thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế một cách hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam, chúng ta cần:

i) Sớm tiến hành tổng kết toàn diện công tác hội nhập những năm qua ở cả cấp trung ương lẫn địa phương, qua đó rà soát lại toàn bộ các chủ trương, biện pháp, các lộ trình hội nhập từ các khuôn khổ đơn phương, song phương, tiểu vùng, khu vực, liên khu vực đến toàn cầu (WTO) và các chương trình hành động, việc thực thi các cam kết, đánh giá đúng những cái được và chưa được, những mặt mạnh và mặt yếu kém, hạn chế, nguyên nhân và rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra những điều chỉnh, bổ sung về chủ trương, phương hướng, biện pháp, lộ trình hội nhập và các cam kết trong tương lai. Điều quan trọng là phải sớm xây dựng được một lộ trình tổng thể bao quát toàn bộ các tiến trình hội nhập hiện nay và trong tương lai đến 2020 của Việt Nam.

ii) Khắc phục các hạn chế và khiếm khuyết hiện nay của công tác hội nhập kinh tế quốc tế, coi đây nhiệm vụ quan trọng cần được quan tâm đúng mức và sớm giải quyết một cách tốt nhất.

iii) Tăng cường phát huy vai trò chủ thể và tính năng động của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh quá trình đổi mới từ tư duy đến phong cách quản lý và đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, giảm chi phí gia nhập thị trường và chi phí đầu vào. Xúc tiến mạnh thương mại và đầu tư, phát triển thị trường mới, sản phẩm mới và thương hiệu mới. Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài và mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài. Cải cách và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế. Thực hiện triệt để và kiên quyết Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ 3 khóa IX về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh việc thay đổi, điều chỉnh nhận thức, tư duy về vai trò của thành phần kinh tế nhà nước, cần kiên quyết giải thể các doanh nghiệp kém hiệu quả. Sớm hấm dứt tình trạng bảo hộ bất hợp lý, bù lỗ, khoanh nợ, giãn nợ. Chấm dứt tình trạng cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào họat động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần được tiến hành công khai, dân chủ, tránh tình trạng biến cổ phần hóa thành việc “chia chác” công sản cho một số người.

iv) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên cơ sở phát huy lợi thế của ta, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Nâng cao chất lượng phát triển, đặc biệt tăng cường nội dung tri thức và tính bền vững của phát triển.

v) Đổi mới công tác xây dựng pháp luật để sớm có được một hệ thống pháp luật tương đối đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu HNKTQT, tạo hành lang pháp lý để thực hiện các cam kết quốc tế. Các bộ/ngành, địa phương cần rà soát lại, sửa đổi bổ sung và ban hành mới các văn bản dưới luật theo thẩm quyền phù hợp với những cam kết quốc tế của Việt Nam trong HNKTQT, đặc biệt là sau khi chúng ta gia nhập WTO và đi vào thực hiện các cam kết gia nhập.

vi) Tăng cường phổ biến tuyên truyền, thông tin về HNKTQT bao gồm cả kiến thức về các quy tắc, luật lệ quốc tế, các cam kết, lộ trình mở cửa của Việt Nam và các thông tin về thị trường tới địa phương và doanh nghiệp.

vii) Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, nhà quản lý doanh nghiệp và thẩm phán, luật sư./

19/4/2011 9:47:00 AM

10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD năm 2010 và dự báo năm 2011

IRV - Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009 trong đó 18 mặt xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD với tổng kim ngạch đạt 54.595 triệu USD, chiếm 76% tổng kim ngạch cả nước. Ngôi thứ kim ngạch cao thay đổi trong các năm, với đà tăng trưởng xuất khẩu sẽ có thêm nhiều mặt hàng vào top 1 tỷ USD (xem bảng và biểu đồ ghi mặt hàng theo số thứ tự trong biểu)

1. Dệt-may xuất khẩu đạt trên 11,172 tỷ USD. Xuất khẩu Dệt may có mức tăng trưởng cao từ gần 2 tỷ USD năm 2001 lên tới hơn 11 tỷ USD năm 2010, dẫn đầu trong 18 mặt hàng xuất khẩu, thay thế vị trí dẫn đầu của dầu khí từ năm 2009. Năm 2011, theo đánh giá của các chuyên gia, làn sóng dịch chuyển đầu tư vào ngành dệt may vẫn tiếp tục, trong đó may thuận lợi hơn, có thêm nhiều cơ sở may xuất khẩu đặt ở nông thôn với nhiều thuận lợi về đất đai, nhân công, hạ tầng giao thông được cải thiện. 

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ luôn chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Dệt may, bằng khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước sang thị trường này. Tiếp đến các thị trường EU chiếm 18%, và Nhật Bản chiếm 11%. Từ năm 2007, Việt Nam vào top 10 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới hàng dệt may nhưng chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng kim ngạch của thế giới; Tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, dệt may Việt Nam đứng thứ 2 trong các nước xuất khẩu mặt hàng này. 

Đáng chú ý số DN nước ngoài đầu tư vào dệt may ngày càng tăng, từ năm 1988 đến 2009 có tới 1109 dự án với gần 7 tỷ USD vốn đăng ký. Hàn Quốc (có tới 450 DN tham gia). Đài Loan, Hông Kông với sự hỗ trợ của công ty mẹ là hai quốc gia đầu tư lớn nhất vào dệt may Việt Nam. Những năm tới các nhà đầu tư nước ngoài chú trọng đầu tư vào cả ngành dệt, phụ liệu, thiết kế,...thách thức với các DN trong nước. Do vậy, những thành tựu về xuất khẩu như thị trường, nguồn nhân lực, xây dựng phát triển doanh nghiệp, thương hiệu,...có thể chuyển dịch sang DN có vốn nước ngoài thông qua các hợp đồng mua bán công ty, góp vốn, tuyển dụng nhân lực... 

2. Giày, dép: Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 1,6 tỷ USD năm 2001 lên tới hơn 5 tỷ USD năm 2010 tiến kịp và vượt kim ngạch xuất khẩu dầu thô. Đó là một “kỳ tích” mặc dù nhóm hàng này luôn bị các thị trường lớn áp thuế chống phá giá. 

Thị phần xuất khẩu chính năm 2010 là EU với 2 tỉ USD, Hoa Kỳ (1,3 tỉ USD), Nhật Bản (115 triệu USD). Từ ngày 31/3/2011, Ủy ban Châu Âu quyết định ngừng áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam tạo cơ hội tốt để tăng kim ngạch xuất khẩu. 

Hiện nay, toàn ngành có 516 DN sản xuất giày dép, 33 DN thuộc da. Số DN ngoài nhà nước chiếm 74,6%, DN có vốn nước ngoài chiếm 23,6%. Nhập khẩu nguyên phụ liệu, thiết bị phụ tùng của Ngành tới 2 tỷ USD đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư bởi trong nước mới chủ động được 40% nguyên liệu. Riêng thuộc da mới 20 DN Việt Nam và 5 DN nước ngoài với công suất còn rất hạn chế. Năm 2011 xuất khẩu nhóm hàng này có nhiều thuận lợi về tỷ giá, thị trường, thu được lợi nhiều hơn nếu như giảm được tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu, hoặc tăng được giá do có những mẫu hàng mới, thêm đối tác, tăng kim ngạch. 

3. Thủy sản: Cá ra trơn, con tôm của ta chịu khá nhiều vất vả từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu để đạt được mức tăng kim ngạch trong 5 năm qua từ 1,8 tỷ USD lên gần 5 tỷ, một cuộc “bứt phá” ngoạn mục nhất để lên hàng thứ 3 trong nhóm chủ lực. Ấn tượng mạnh đó là kim ngạch xuất khẩu cá tra, cá ba sa đã lên tới gần 1,4 tỷ USD, dự kiến năm 2011 đạt 1,55 tỷ USD cùng với vai trò của Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) trong việc bảo vệ người sản xuất trước áp lực, khuyến cáo, kiện tụng ở nước ngoài. 

Năm tới, kỳ vọng xuất khẩu khoảng 5,5 tỷ USD hàng thủy sản với thị trường chính là Mỹ, Nhật, EU (tương đối ổn định) tiếp tục mở sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc,... nhưng các DN đối diện với tình trạng thiếu nguyên liệu? 

4. Dầu thô: Theo số liệu thống kê, lượng dầu thô xuất khẩu đạt mức cao nhất là 20 triệu tấn năm 2004, giảm dần còn gần 8 triệu tấn năm 2010, lý do chính là dầu thô dành cho nhà máy Lọc dầu Dung Quất (5 triệu tấn năm 2010). Tuy nhiên, ngành dầu khi Việt Nam vẫn là đơn vị chủ lực về doanh thu (đạt từ 15 -30% tổng GDP cả nước trong nhiều năm qua). Điểm đáng mừng là đầu tư khai thác và dịch vụ dầu khí ở nước ngoài có bước tiến quan trọng với các dự án ở CHLB Nga, Angieri, Malayxia, Venezuela. Hiện nay Tập đoàn Dầu khí đang khai thác tại 18 mỏ dầu khí (17 mỏ trong nước, 1 mỏ ở CHLB Nga ), đang triển khai thực hiện 57 hợp đồng dầu khí ở trong nước. Năm 2011, giá dầu đã vượt 100 USD/thùng là cơ hội tăng kim ngạch cho Ngành về cả giá và lượng. Ngành dầu khí sẽ lấy lại vị trí cao trong nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. 

5. Điện tử, máy tính và linh kiện: Trong 10 năm (2001- 2010) xuất khẩu nhóm hàng này đạt 17.593,7 triệu USD, năm 2001 mới chỉ đạt trên 700 triệu USD thì năm 2010 đạt 3.558 triệu USD, tăng gấp 5 lần. Tổng thư ký Hiệp hội Điện tử - Tin học Việt Nam, cho biết: “Công nghiệp điện tử ở Việt Nam có thể nói gần như con số không, 95-98% sản phẩm điện tử, tin học xuất đi từ Việt Nam là của các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng trong các sản phẩm điện tử, máy tính xuất đi từ Việt Nam chỉ vài %”. Các sản phẩm chính là máy in, bo mạch, linh kiện, máy tính xách tay. Trong “làng điện tử” ở Việt Nam phải kể đến các DN nước ngoài đăng kí vốn đầu tư lớn (trên 1 tỷ USD) như: Tập đoàn Canon sản xuất máy in, Tập đoàn Intel sản xuất chíp điện tử, Tập đoàn Nidec sản xuất đầu đọc quang học và mô tơ siêu nhỏ, Tập đoàn Foxconn sản xuất linh kiện điện tử; tiếp đến các tập đoàn lớn khác như Samsung, Fujitsu. 

6. Gỗ và sản phẩm gỗ: Năm 2004, xuất khẩu của nhóm đạt 1 tỷ USD, từ đó đến nay mỗi năm tăng bình quân khoảng gần 400 triệu USD (riêng năm 2009 giảm 170 triệu so với năm trước). Thị trường chính gồm 10 quốc gia: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Hàn Quốc, Đức, Canada, Oxtrâylia, Pháp, HàLan, trong đó thị trường Mỹ chiếm đến trên 40% kim ngạch xuất khẩu. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là đồ nội thất gia đình, văn phòng. 

Năm 2011 và các năm tới xuất khẩu mặt hàng này gặp khó khăn từ các hàng rào kỹ thuật như: Đạo luật Lacey của Mỹ có hiệu lực từ ngày 1/4/2010, bắt buộc DN xuất khẩu phải có chứng nhận FSC của Hội đồng quản lý rừng bền vững thế giới. Đến tháng 1/2012, đạo luật FLEGT của EU cũng sẽ có hiệu lực đòi hỏi xuất xứ nguồn nguyên liệu. Thiếu nguyên liệu cùng với khó khăn khi mua ngoại tệ có thể giảm kim ngạch của ngành gỗ năm 2011. 

7. Gạo: Năm 2010, xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất với 6,8 triệu tấn (gấp 1,8 lần về lượng so với năm 2001) đạt 3,2 tỷ USD. Từ năm 2007, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt 1,154 tỷ USD với số lượng 4.580 nghìn tấn, xuất khẩu gạo được lợi về giá, năm 2010 giá xuất khẩu tăng gần gấp đôi năm 2007, cùng với lợi thế về tăng năng suất đã đưa Việt Nam vào nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới (sau Thái Lan), tương lai có thể vượt Thái Lan về nếu tăng được sản lượng và đạt giá bán bằng Thái Lan. 

Trong gần 10 năm qua, diện tích trồng lúa giảm trung bình gần 60.000 ha/năm, hiện, từ 4,47 triệu ha vào năm 2000 xuống còn 4,1 triệu ha năm 2009. Năm 2020, dự kiến diện tích lúa còn 3,6 triệu ha, đến năm 2050 còn 3,5 triệu ha. Mặc dù diện tích giảm nhưng sản lượng vẫn tăng, dự báo các năm 2020 và 2030 đều ở mức trên 40 triệu tấn/năm, bảo đảm an ninh lương thực,xuất khẩu cân đối ngoại tệ tích cực cho nhập khẩu vật tư nông nghiệp. 

Năm 2011, xuất khẩu gạo theo lộ trình thực hiện các cam kết WTO, thị trường lương thực trong nước năm nay sẽ mở cửa tự do cho các DN nước ngoài. Đó là những DN mạnh về vốn, công nghệ đầu tư cho nông dân, mạnh về thị trường, lợi nhuận tăng thêm cho người trồng lúa vẫn có xu hướng nhỏ hơn lợi nhuận của DN xuất khẩu gạo? Doanh nghiệp trong nước bị cạnh tranh bởi các nhà xuất khẩu nước ngoài và nhóm các nước xuất khẩu lớn trước hết là Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc. 

8. Máy, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải, phụ tùng khác: Ở Việt Nam, nhóm hàng hóa này xuất khẩu thấp xa so với nhập khẩu, từ năm 2001 đến 2010 nhập cao hơn xuất từ 3 đến trên 6 lần. Đây chính là khoảng trống cho các DN trong nước phát triển ngành cơ khí chế tạo. Năm 2011, do việc cắt giảm, giãn tiến độ dự án, mức nhập khẩu giảm sâu hơn xuất khẩu trước hết nhóm phương tiện vận tải, nhưng xu hướng tăng đầu tư công nghệ cao, mức nhập khẩu có thể vượt mức 20 tỷ USD của năm 2009. Với con số xuất khẩu năm 2010 đạt hơn 3 tỷ USD có sự đóng góp quan trọng của nhóm hàng máy nông nghiệp, động cơ, và phương tiện vận tải ( nhóm phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1504 triệu USD). 

9. Đá qúy, kim loại quý và sản phẩm: Năm 2010, nhóm sản phẩm này đạt 2.855 triệu USD chiếm gần 4% tổng kim ngạch, không rõ số liệu nhập khẩu. Đây là nhóm sản phẩm nhập khẩu để gia công bán vàng miếng cho nhu cầu trong nước, tạm nhập tái xuất vàng có tỷ lệ lớn trong kim tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nhóm hàng này. 

10. Cao su: Xuất khẩu cao su sau 10 năm tăng hơn 2 lần về lượng, nhưng từ năm 2006 sản lượng giao động ở mức trên 700 ngàn tấn. Năm 2010 năm, diện tích cao su trong nước ở mức 300.000 ha, xuất khẩu đạt 2.376 triệu USD chiếm 3,32% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước là mặt hàng thứ 10 đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD. Diện tích cao su ở trong nước đến năm 2020 tăng đến 520.000 ha, xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn với kim ngạch 4 tỷ USD. Tập đoàn Cao su Việt Nam và một số DN đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, nếu thuận lợi thì tới năm 2020 sẽ có diện tích bằng trong nước, ngành Cao su Việt Nam có cơ hội đứng vào vị trí hàng đầu thế giới (hiện xếp thứ 5 ở Đông Nam Á) 

Các mặt hàng xuất khẩu khác có kim ngạch trên 1 tỷ USD là: Than đá: 1549 USD; Phương tiện vận tải và phụ tùng 1504; Dây điện và cáp điện: 1313; Xăng dầu: 1271; Cà phê: 1163; Hạt điều nhân: 1136; Sản phẩm từ chất dẻo:1051; Sắt thép:1004 USD. Bốn mặt là phẩm hóa chất; túi sách, ví, va li, mũ, ô dù; sắn có khả năng đạt tới 1 tỷ USD vào 3 năm tới, riêng cây sắn nếu tăng diện tích khoảng 1,4 lần cùng với công nghiệp chế biến sâu

Xuất khẩu tăng gần 35%

Thứ Năm, 10 Tháng mười một 2011, 10:11 GMT+7 

Xuất khẩu 10 tháng của Việt Nam tăng gần 35% so với năm trước, nhập siêu đã thấp hơn mức khống chế, 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên... Đây là những tín hiệu tốt cho kết quả cán đích xuất khẩu cuối năm.

Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 10, ước tính xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt khoảng 8,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng 9, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 10 tháng của năm 2011 lên 78,03 tỷ USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài duy trì tốc độ tăng nhanh hơn khu vực 100% vốn trong nước (38,1% so với 30,4%). Nhiều mặt hàng chủ lực có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, trước hết là dệt may đạt 11,7 tỷ USD (tăng 29,4%), dầu thô 6,1 tỷ USD (tăng 53,5%), giày dép đạt 5,1 tỷ USD (tăng 25,8%)...

Ngay cả xuất khẩu cá tra đối mặt với tình trạng khó khăn về nguồn nguyên liệu nhưng cũng vẫn đạt giá trị 1,31 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, đến nay đã có 22 mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên, chia ra 3 nhóm.

Nhóm đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD là dệt may (11,7 tỷ USD). Nhóm từ 5 đến dưới 10 tỷ USD có dầu thô và giày dép các loại. 19 mặt hàng còn lại thuộc nhóm từ 1 tỷ USD đến dưới 5 tỷ USD.

Trong số các thị trường trọng điểm, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với 12,4 tỷ USD, chiếm 17,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp đến là EU, ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong khối thị trường ASEAN, nổi lên là thị trường Campuchia. Chín tháng năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Campuchia đã đạt 2,07 tỷ USD, mức kỷ lục trong những năm gần đây, vượt mục tiêu 2 tỷ USD của hai bên trong cả năm 2011.

Trong số này, Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia đạt 1,731 tỷ USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2010.

Trong khi đó, tháng 10, Việt Nam cũng đã nhập khẩu khoảng 9,1 tỷ USD giá trị hàng hóa, giảm 3,7% so với tháng 9, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng năm 2011 lên 86,42 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2010. Với kết quả này, 10 tháng nhập siêu 8,3 tỷ USD, với tỷ lệ 10,75% (thấp hơn mức khống chế - 16%).

Với đà tăng trưởng này, nhiều khả năng xuất khẩu cả năm 2011 của Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng trên 31%, hoàn thành mục tiêu 95 tỷ USD cho năm 2011.

Tuy nhiên, ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, cho biết, khủng hoảng ở khu vực đồng EUR đang có tác động đối với tình hình xuất khẩu của các nước đang phát triển.

Cuộc suy thoái này sẽ đánh mạnh vào châu Á mới nổi thông qua kênh thương mại, tài chính (đầu tư vào thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu...).

Ông Sanjay Kalra cho rằng, nếu EU bị khủng hoảng trầm trọng hơn, nhiều khả năng các ngân hàng quốc tế ở Việt Nam có thể rút vốn để điều chỉnh đầu tư, dẫn đến giảm nguồn vốn.

Do vậy, các doanh nghiệp cần vốn để tiếp cận thị trường quốc tế sẽ gặp khó khăn hơn. Điều này đã gây thêm trở ngại, khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần vốn đầu tư. 

TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ CỦA VIỆT NAM THÁNG 2 VÀ 2 THÁNG NĂM 2011

Số liệu thống kê Hải quan Việt Nam - 18/03/2011 4:00 PM

I.              Đánh giá chung

Theo qui luật hàng năm, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng Tết âm lịch thường thấp nhất vì thời gian nghỉ lễ kéo dài. Do đó, tháng 2/2011, tổng trị giá hàng hoá xuất nhập khẩu đạt 10,81 tỷ USD, giảm tới 28,2% so với tháng trước (trong đó: xuất khẩu đạt 4,85 tỷ USD, giảm 23% và nhập khẩu là 5,96 tỷ USD, giảm 25,2%).

Khác với diễn biến hoạt động ngoại thương cùng kỳ năm trước (xuất khẩu giảm 1,2% và nhập khẩu tăng 41,2%), tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 2 tháng đầu năm 2011 tăng cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu. Cụ thể, xuất khẩu cả nước đạt gần 12,2 tỷ USD, tăng 38,6% và nhập khẩu là 14,07 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2010.

Thâm hụt cán cân thương mại hàng hoá trong tháng 2 là 1,11 tỷ USD, bằng 26,8% kim ngạch xuất khẩu, nâng mức nhập siêu hàng hoá trong 2 tháng lên 1,88 tỷ USD, bằng 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Biểu đồ 1: Kim ngạch và tốc độ tăng/giảm xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại năm 2002- 2010

Tháng 2/2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4,81 tỷ USD, giảm 29,2% so với tháng trước, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối này đạt gần 2,21 tỷ USD, giảm 36,1% và nhập khẩu là 2,6 tỷ USD, giảm 22,1%.

Tính đến hết tháng 2/2011, tổng trị giá xuất nhập khẩu của khu vực FDI là 11,59 tỷ USD, tăng 33,4% so với năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 5,7 tỷ USD, tăng 36,1% và chiếm 46,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trị giá nhập khẩu của khu vực này là 5,89 tỷ USD, tăng 30,9%, chiếm 41,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

II. Một số mặt hàng xuất khẩu chính

- Hàng dệt may: kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 2/2011 của nước ta đạt 533 triệu USD, giảm tới 57,5% so với tháng trước, nhưng tăng 8,8% so với tháng 2/2010. Nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 2 tháng lên gần 1,8 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,14 tỷ USD, chiếm 63,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.

Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản tiếp tục là 3 đối tác lớn nhất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam với kim ngạch và tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm 2010 lần lượt là 933 triệu USD và 15,7%; 318 triệu USD và 40,9%; 200 triệu USD và 39,6%.  Ngoài ra, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hàn Quốc cũng đạt mức tăng trưởng mạnh với kim ngạch đạt 111 triệu  USD, tăng tới 135% so với 2 tháng/2010. Tính chung, tổng trị giá hàng dệt may xuất sang 4 thị trường này đạt 1,56 tỷ USD, chiếm hơn 87% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

- Hàng giày dép: kim ngạch xuất khẩu trong tháng đạt 310 triệu USD, giảm 44,1% so với tháng trước và tăng 15,5% so với tháng 2/2010. Nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 2 tháng/2011 lên 865 triệu USD, tăng 28,9% so với 2 tháng/2010. Trị giá xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 623 triệu USD, chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước.

Các đối tác thương mại chính nhập khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam là: EU với 356 triệu USD, tăng 10,1%; Hoa Kỳ: 230 triệu USD, tăng 45,3%; Nhật Bản: 54,1 triệu USD, tăng 78,6% và Trung Quốc: 33,7 triệu USD, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2010.

- Gỗ & sản phẩm gỗ: kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong tháng là 148 triệu USD, giảm 57,4% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này 2 tháng/2011 lên 496 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2010.

Trong 2 tháng đầu năm 2011, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhóm hàng này nhiều nhất của Việt Nam với 165 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2010. Thị trường EU nhập khẩu 123 triệu USD, giảm 6,6%; Nhật Bản: 74,8 triệu USD, tăng 20,6%; Trung Quốc: 54,3 triệu USD, tăng 27,9%...so với cùng kỳ năm 2010.

- Thuỷ sản: xuất khẩu trong tháng đạt 256 triệu USD, giảm 41% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam 2 tháng/2011 đạt 692 triệu USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2010.

 Các đối tác chính nhập khẩu hàng thuỷ sản của nước ta trong 2 tháng qua lần lượt là: EU đạt 169 triệu USD, tăng 23,1%; Hoa Kỳ đạt 131 triệu USD, tăng 62,3%; Nhật Bản đạt 106 triệu USD, tăng 20,7%; Hàn Quốc đạt 49,9 triệu USD, tăng 27,5%…so với 2 tháng/2010.

- Dầu thô: lượng xuất khẩu dầu thô trong tháng là 702 nghìn tấn, tăng 13,5%, kim ngạch xuất khẩu đạt 562 triệu USD, tăng 21,1% so với tháng 1/2011. Tính đến hết tháng 2/2011, lượng dầu thô xuất khẩu của nước ta đạt 1,34 triệu tấn, giảm 1,0% và kim ngạch đạt 1,04 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2010.

Hàn Quốc là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu dầu thô của nước ta trong 2 tháng qua với 341 nghìn tấn, chiếm 25,5% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Tiếp theo là Malaysia: 201 nghìn tấn, tăng 155%; sang Ôxtrâylia: 190 nghìn tấn, giảm 58,1%; sang Trung Quốc: 163 nghìn tấn, tăng 5,7%; sang Singapore: 84 nghìn tấn, giảm 74,6%;…

- Gạo: xuất khẩu gạo trong tháng đạt 495 nghìn tấn với trị giá là 241 triệu USD, giảm 8,6% về lượng và giảm 14,5% về trị giá. Tính đến hết tháng 2/2011, lượng gạo xuất khẩu của nước ta đạt 1,04 triệu tấn, tăng 41,6% và kim ngạch đạt 523 triệu USD, tăng 28,1% so với 2 tháng/2010.

Cùng kỳ năm trước, Philippin là đối tác dẫn đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam nhưng kể từ khi thị trường này tạm dừng nhập khẩu gạo (tháng 8/2010), các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có bước chuyển hướng mạnh mẽ sang các thị trường khác. Inđônêxia trở thành thị trường lớn nhất nhập khẩu gạo Việt Nam trong 2 tháng qua với 404 nghìn tấn, chiếm 39% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.Tiếp theo là các thị trường: Bănglađét: 165 nghìn tấn, Senegal: 105 nghìn tấn, Malaysia: 70,6 nghìn tấn, Cuba: 47,8 nghìn tấn,…

- Cao su: lượng xuất khẩu trong tháng đạt 46,8 nghìn tấn với trị giá 214  triệu USD, giảm 38,0% về lượng và giảm 35,7% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết tháng 2/2011, lượng cao su xuất khẩu đạt 123 nghìn tấn, tăng 59,8% và kim ngạch đạt 548 triệu USD, tăng 182,8% so với cùng kỳ năm 2010.

Trung Quốc là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu cao su của Việt Nam trong 2 tháng năm 2011 với 75,9 nghìn tấn, tăng 46,4% so với 2 tháng/2010 và chiếm 61,9% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước. Tiếp theo là Malaixia: 6,6 nghìn tấn, tăng gấp hơn 8 lần;  Hàn Quốc: 5,8 nghìn tấn, tăng 28,2%; Đài Loan: 5,6 nghìn tấn, tăng 71,9%; …

- Sắt thép các loại: trong tháng xuất khẩu đạt 131 nghìn tấn, giảm 21,9% so với tháng trước và kim ngạch đạt 115 triệu USD, giảm 15,4%. Mặc dù vậy, tính chung 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nhóm hàng này đạt 303 nghìn tấn, kim ngạch đạt 255 triệu USD, tăng 58,8% về lượng và tăng 110,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2010.

Các đối tác chính nhập khẩu mặt hàng này của nước ta trong 2 tháng qua là: Campuchia: 64,5 nghìn tấn, tăng 40,9%; Ấn Độ: 52,8 nghìn tấn, tăng 183%; Inđônêxia: 44,7 nghìn tấn, tăng 75%; sang Trung Quốc: 42,6 nghìn tấn, tăng gấp 7 lần…so với 2 tháng/2010.

- Chất dẻo nguyên liệu: xuất khẩu trong tháng đạt 13,8 nghìn tấn về lượng và 20,7 triệu USD về trị giá. Nâng tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này 2 tháng/2011 lên 25,5 nghìn tấn và 39,7 triệu USD, tăng 61,5% về lượng và 68% về trị giá so với cùng kỳ năm 2010.

Tính đến hết tháng 2/2011, chất dẻo nguyên liệu chủ yếu được xuất sang các thị trường: Trung Quốc đạt 4,3 nghìn tấn, tăng 190%; Nhật Bản đạt 3,4 nghìn tấn, giảm 4,2%; Ấn Độ đạt 3,2 nghìn tấn, tăng 24,7%; Inđônêxia đạt 2,3 nghìn tấn, tăng gần 3 lần… so với cùng kỳ năm 2010.

III.           Một số mặt hàng nhập khẩu chính

- Xăng dầu các loại: lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng là 865 nghìn tấn, trị giá là 722 triệu USD, giảm 17,4% về lượng và giảm 12,4% về trị giá so với tháng 1/2011. Tổng lượng nhập khẩu xăng dầu của cả nước là 1,93 triệu tấn với kim ngạch 1,57 tỷ USD, tăng 17,7% về lượng và tăng 58,9% về trị giá.

Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 2 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ: Singapore với811 nghìn tấn, tăng 26,5%; Đài Loan: 272 nghìn tấn, tăng 21,4%; Trung Quốc: 239 nghìn tấn, giảm 8,0%; Hàn Quốc: 229 nghìn tấn, tăng 21,1%;…

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng: trong tháng, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này là 891 triệu USD, giảm 29,5% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu 2 tháng/2011 lên 2,22 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2010.

Nhóm hàng này nhập khẩu chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với 818 triệu USD, tăng 29,1% so với 2 tháng/2010; tiếp đến là Nhật Bản: 357 triệu USD, tăng 14,2%; Hàn Quốc: 183 triệu USD; tăng 57%; Đài Loan: 106 triệu USD, tăng 2,9%;…

- Nhóm hàng nguyên liệu, phụ liệu ngành dệt may, da, giày: Trong tháng nhập khẩu nhóm hàng này đạt 734 triệu USD, giảm 16,4% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu trong 2 tháng/2011 lên hơn 1,6 tỷ USD, tăng 47% so với 2 tháng/2010. Trong đó trị giá nhập khẩu vải là 840 triệu USD, tăng 44,6%; nguyên phụ liệu dệt may da giày 353 triệu USD, tăng 23,9%; xơ sợi dệt là 234 triệu USD, tăng 63,6% và bông 188 triệu USD, tăng 108,4%.

Các thị trường chính cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 2 tháng qua là: Trung Quốc: 485 triệu USD, tăng 53%;  Đài Loan: 277 triệu USD, tăng 38%; Hàn Quốc 276 triệu USD, tăng 39%; Hoa Kỳ: 137 triệu USD, tăng 231 triệu USD; … so với cùng kỳ năm trước.

- Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: nhập khẩu trong tháng là 308 triệu USD, giảm 41,3% so với tháng trước, nâng tổng trị giá nhập khẩu trong 2 tháng/2011 lên 845 triệu USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2010.

Hết 2 tháng/2011, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu về cung cấp nhóm hàng này cho nước ta với250 triệu USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước, tiếp theo là Hàn Quốc: 240 triệu USD, tăng gấp hơn 2 lần; sang Nhật Bản: 136 triệu USD, tăng 9,5%; sang Malaysia: 56,7 triệu USD, tăng 24,9%...

- Sắt thép các loại: lượng nhập khẩu sắt thép trong tháng là 523 nghìn tấn với trị giá 410 triệu USD, giảm 1,9% về lượng và giảm 0,8% về trị giá . Hết 2 tháng/2011, tổng lượng nhập khẩu sắt thép của Việt Nam là 1,06 triệu tấn, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2010 với kim ngạch là 826 triệu USD, tăng 18,5%.

Việt Nam nhập khẩu sắt thép trong 2 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ: Nhật Bản với 303 nghìn tấn, tăng 27,6%; Hàn Quốc: 265 nghìn tấn, tăng 50,5%; Trung Quốc: 127 nghìn tấn, giảm 19,5%; Đài Loan: 109 nghìn tấn, tăng 22,3%; Malaysia: 90,5 nghìn tấn, giảm 21%...

Chất dẻo nguyên liệu: trong tháng nhập khẩu 164 nghìn tấn, giảm 16,2% so với tháng trước và đạt trị giá là gần 300 triệu USD, giảm 13%. Hết 2 tháng/2011, tổng lượng chất dẻo nguyên liệu nhập khẩu của cả nước là 360 nghìn tấn, kim ngạch là 645 triệu USD, tăng 20,3% về lượng và tăng 42,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết tháng 2 năm 2011, chất dẻo nguyên liệu được nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ: Hàn Quốc: 69,3 nghìn tấn, tăng 13%; Ả rập Xê út: 66,4 nghìn tấn, tăng 69,6%; Đài Loan: 48,3 nghìn tấn, tăng 16,1%; Thái Lan: 40,3 nghìn tấn, tăng 21,9%...

- Thức ăn gia súc và nguyên liệu: Trong tháng 2/2011, cả nước nhập khẩu 161 triệu USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 2 tháng/2011 lên 388 triệu USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ là 169 triệu USD, tăng 71,6% so với 2 tháng/2010 và chiếm 44% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Ngoài Ấn Độ, các thị trường chính cung cấp thức ăn gia súc và nguyên liệu cho Việt Nam là: Áchentina với 74 triệu USD, giảm 12%; Hoa Kỳ: 36 triệu USD, giảm 49%, Trung Quốc: 13 triệu USD, giảm 37%;…so với cùng kỳ năm 2010.

Lúa mỳ: Lượng nhập khẩu lúa mỳ trong tháng là 188 nghìn tấn với trị giá gần 62 triệu USD, tăng mạnh 67,8% về lượng và 61,4% về trị giá. Với kết quả này đã nâng tổng lượng nhập khẩu trong 2 tháng/2011 lên gần 300 nghìn tấn, trị giá hơn 100 triệu USD, tăng 12,1% về lượng và 56,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Trong hai tháng qua, Việt Nam nhập khẩu lúa mỳ chủ yếu từ Ôxtrâylia với 291 nghìn tấn, tăng 68,3% so với 2 tháng/2010 và chiếm 97% tổng lượng nhập khẩu lúa mỳ của Việt Nam.

- Phân bón các loại: tháng 2/2011, tổng lượng nhập khẩu phân bón của cả nước là 139 nghìn tấn, giảm mạnh 50,1% so với tháng trước. Hết 2 tháng năm 2011, cả nước nhập khẩu 410 nghìn tấn với trị giá 147 triệu USD, giảm 45,4% về lượng và giảm 36,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2010.

Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp phân bón lớn nhất cho nước ta trong 2 tháng năm 2011 với217 nghìn tấn, giảm 17% và chiếm 52,8% tổng lượng nhập khẩu phân bón của cả nước. Tiếp theo là các thị trường: Canađa: 43,1 nghìn tấn, tăng 148%; Bêlarút: 37 nghìn tấn, tăng rất nhẹ (0,1%); Isaren: 31,4 nghìn tấn, tăng 20,1%;…so với cùng kỳ năm 2010.

- Ô tô nguyên chiếc các loại: Lượng ô tô nhập khẩu trong tháng 2 là hơn 3,7 nghìn chiếc, giảm 38,9% so với tháng trước, nâng tổng lượng ô tô nhập khẩu trong hai tháng đầu năm lên 9,75 nghìn chiếc, trị giá gần 162 triệu USD, tăng 65,5% về lượng và tăng 62,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, lượng nhập khẩu ô tô 9 chỗ trở xuống là hơn 7,2 nghìn chiếc, tăng 79,2% và ô tô tải là 2,13 nghìn chiếc, tăng 42,7%;…

Trong 2 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu ô tô nguyên chiếc chủ yếu từ các thị trường: Hàn Quốc với 4,86 nghìn chiếc, trong đó ô tô dưới 9 chỗ là 3,9 nghìn chiếc, tăng 95%, ô tô tải là 759 chiếc, giảm 21,5%,…; Nhật Bản với 1,24 nghìn chiếc, trong đó ô tô dưới 9 chỗ là 1,17 nghìn chiếc, tăng 70,7%; từ ASEAN với hai nước là Thái Lan và Inđônêxia lần lượt là 687 chiếc và 321 chiếc, trong đó chủ yếu nhập khẩu từ hai thị trường này các dòng xe tải với lượng nhập khẩu tương ứng từ Thái Lan là 555 chiếc và Inđônêxia là 302 chiếc.

Sơ bộ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ ngày 01/11 đến ngày 15/11/2011

25/11/2011 11:00 AM

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11(từ 01/11 đến 15/11) đạt 8,36 tỷ USD, giảm 9,4% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 10/2011.

Với kết quả đạt được trong 15 ngày đầu tháng 11/2011 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2011 đạt 173,69 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, xuất khẩu đạt 82,3 tỷ USD, tăng 34,8% và nhập khẩu là 91,39 tỷ USD, tăng 27%. Cụ thể:

Về xuất khẩu:

Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2011 đạt 3,8 tỷ USD, giảm 15,5% so với 15 ngày cuối tháng 10/2011.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan trong nửa đầu tháng 11/2011, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu đều có kim ngạch giảm so với nửa cuối tháng 10/2011. Một số nhóm hàng có mức giảm kim ngạch nhiều nhất là hàng thủy sản: giảm 97,5 triệu USD, hàng dệt may: giảm 95,5 triệu USD, giày dép: giảm 68,9 triệu USD, dầu thô: giảm 54,8 triệu USD, máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng: giảm 49,1 triệu USD, điện thoại & linh kiện: giảm 41 triệu USD,…Tuy nhiên, một số nhóm hàng lại có mức tăng trưởng dương như cao su tăng 39,5 triệu USD, than đá tăng 17,3 triệu USD, đá quý & kim loại quý tăng 18,2 triệu USD,..

Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất từ ngày

01/01/2011-15/11/2011 và so với cùng kỳ năm 2010

Đơn vị tính: Kim ngạch: Triệu USD, Tốc độ tăng:%

Tên hàng

Kim ngạch từ 01/1-15/11/2011

So với cùng kỳ năm 2010

Kim ngạch tăng

Tốc độ tăng

Tổng kim ngạch

82.303

21.228

34,8

Trong đó: Doanh nghiệp FDI

39.887

10.983

38,0

Hàng dệt, may

12.138

2.611

27,4

Dầu thô

6.289

2.157

52,2

Điện thoại các loại và linh kiện

5.544

3.693

199,5

Giày dép các loại

5.451

1.173

27,4

Hàng thủy sản

5.188

942

22,2

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện

3.517

452

14,7

Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác

3.426

816

31,3

Gỗ và sản phẩm gỗ

3.352

439

15,1

Gạo

3.326

490

17,3

Cao su

2,684

866

47,6

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ này đạt 2,11 tỷ USD, giảm 15,1% so với 15 ngày cuối tháng 10/2011, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của  khối FDI từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2011 lên 39,89 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 48,5% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Về nhập khẩu:

Trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2011 đạt 4,56 tỷ USD, giảm 3,6%  so với 15 ngày cuối tháng 10/2011.

Kim ngạch nhập khẩu 15 ngày đầu tháng 11/2011 giảm 172 triệu USD so với nửa cuối tháng 10/2011. Trong đó, phương tiện vận tải: giảm 116 triệu USD, nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày: giảm 67 triệu USD, hoá chất & sản phẩm hoá chất: giảm 39,3 triệu USD, chất dẻo nguyên liệu giảm: 28,5 triệu USD,…. Một số nhóm hàng có mức tăng cao so với 15 ngày cuối tháng 10/2011 như xăng dầu các loại: tăng 132 triệu USD, thức ăn gia súc & nguyên liệu: tăng 60,3 triệu USD, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng: tăng 33,6 triệu USD, sắt thép các loại: tăng 24,7 triệu USD,…

Bảng 2: Kim ngạch nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất từ ngày

01/01/2011-15/11/2011 và so với cùng kỳ năm 2010

Đơn vị tính: Kim ngạch: Triệu USD, Tốc độ tăng: %

Tên hàng

Kim ngạch từ 01/1-15/11/2011

So với cùng kỳ năm 2010

Kim ngạch tăng

Tốc độ tăng

Tổng kim ngạch

91.392

19.406

27,0

Trong đó: Doanh nghiệp FDI

41.080

9.657

30,7

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác

13.118

1.518

13,1

Xăng dầu các loại:

8.896

3.565

66,9

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện

6.111

1.707

38,7

Vải các loại

5.848

1.277

28,0

Sắt thép các loại:

5.535

187

3,5

Chất dẻo nguyên liệu

4.071

856

26,6

Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày

2.585

322

14,2

Kim loại thường khác:

2.348

164

7,5

Hóa chất

2.303

542

30,8

Đá quý, kim loại quý và sản phẩm

2.183

1.635

298,8

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 2,18 tỷ USD, giảm 4,9% so với 15 ngày cuối tháng 10/2011, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2011 lên 41,08 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 44,9% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

11 tháng ước nhập siêu 8,91 tỷ USD

Thứ Ba, ngày 22/11/2011

Giá trị xuất khẩu 11 tháng tăng 34,7% so với cùng kỳ trong khi mức tăng của nhập khẩu chỉ 26,4%.

Vụ Thống kê TMDV vừa công bố tình hình xuất nhập khẩu tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2011 ước tính.

Riêng tháng 11, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 8,6 tỷ USD nâng lũy kế 11 tháng đạt 87,16 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2010, giá trị kim ngạch xuất khẩu 11 tháng tăng 34,7%.

11 tháng đầu năm 2011, có 19 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Mặt hàng dệt, may đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với giá trị xuất khẩu 11 tháng ước gần 12,83 tỷ USD. Tiếp theo là dầu thô đạt 6,72 tỷ USD và giày dép đạt gần 5,74 tỷ USD, thủy sản hơn 5,54 tỷ USD.

Nhập khẩu tháng 11 đạt 9,3 tỷ USD nâng lũy kế nhập khẩu 11 tháng đạt gần 96,07 tỷ USD. Giá trị nhập khẩu tăng 26,4% so với cùng kỳ.

11 tháng đầu năm 2011, 18 nhóm mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD. Máy móc, thiết bị, dụng cụ vẫn là nhóm có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất, hơn 13,7 tỷ USD. Tiếp theo là mặt hàng xăng dầu hơn 9,22 tỷ USD và điện tử, máy tính, và linh kiện hơn 6,5 tỷ USD.

Như vậy, riêng tháng 11, nước ta nhập siêu khoảng 700 triệu USD nâng lũy kế 11 tháng nhập siêu khoảng 8,91 tỷ USD.

5 mặt hàng xuất, nhập khẩu nhiều nhất 11 tháng (ĐV tính: triệu USD)

Mặt hàng

Giá trị XK 11 tháng

Tăng

Mặt hàng

Giá trị NK 11 tháng

Tăng

Hàng dệt, may

12828.16

27.97%

Máy móc, thiết bị, DC, PT khác

13702.75

12.19%

Dầu thô 

6720.274

50.95%

Xăng dầu

9222.249

67.58%

Giày dép

5735.644

25.79%

Điện tử, máy tính và LK

6506.436

39.52%

Thủy sản

5540.757

23.07%

Vải

6134.996

26.99%

Điện tử, máy tính và LK

3777.569

17.04%

Sắt thép

5741.338

1.83%

Theo TTVN/Vụ thống kê TMDV 

Việt Nam nhập siêu khổng lồ từ Trung Quốc

Tin cho hay năm 2010 Việt Nam nhập tới trên 20 tỷ đôla hàng hóa từ Trung Quốc, khiến cán cân thương mại càng chênh lệch.

Hiện chưa có thống kê đầy đủ, nhưng một số nguồn tin ước tính lượng nhập siêu từ Trung Quốc sang Việt Nam năm vừa qua có thể lên tới 12,6 tỷ đôla.

Báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn Tổng cục Hải quan cho hay kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc năm 2010 là 20,01 tỷ đôla Mỹ.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị (5,47 tỷ đôla), sắt thép (gần 5,12 tỷ), vải may mặc (2,13 tỷ), máy vi tính và sản phẩm điện tử (1,68 tỷ); và xă ng dầu (khoảng 1,06 tỷ đôla).

Cũng theo tờ báo này, Việt Nam nhập nhiều mặt hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng với kim ngạch cao như thủy hải sản, nông sản, quần áo và giày dép…

Trong khi đó, lượng hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc dù đã hết sức cố gắng vẫn chỉ đạt chừng 6,5 tỷ đôla.

Trong số 10 tỉ USD, có tới 9 tỉ USD dành để nhập các sản phẩm: rượu ngoại, thuốc lá, đồ trang sức, điện thoại.

Ảnh minh hoạ: Internet

Thương vụ Việt Nam -   Dù chủ trương hạn chế nhập siêu được triển khai mạnh mẽ trong năm 2010 bằng các biện pháp như hạn chế cấp ngoại tệ để nhập khẩu hàng xa xỉ, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, sử dụng hàng rào kỹ thuật... nhưng đến cuối năm, các mặt hàng xa xỉ, đắt tiền nhập khẩu, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vẫn lên tới 10 tỉ USD.

Trong số 10 tỉ USD, có tới 9 tỉ USD dành để nhập các sản phẩm: rượu ngoại, thuốc lá, đồ trang sức, điện thoại. Theo TS Nguyễn Minh Phong, nếu so sánh với mức nhập siêu 12,6 tỉ USD, thì con số 10 tỉ USD người dân bỏ ra tiêu xài hàng ngoại vô cùng đáng lo ngại. Hàng xa xỉ đang khiến nhập siêu tăng cao và không mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế cũng như làm hao tổn nguồn lực ngoại tệ của đất nước.

Tâm lý sính ngoại

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: