Bài văn đạt điểm tối đa năm 2009 của thí sinh tỉnh Quảng Đông

Bài văn đạt điểm tối đa năm 2009 của thí sinh tỉnh Quảng Đông

Chúng ta sống trong thường thức, thường thức đồng hành với chúng ta. Có khi, thường thức tuy dễ hiểu nhưng khó thực hiện, có khi phải đổi mới thường thức..., mời anh/chị làm bài văn, kể lại sự từng trải về "thường thức" của mình trong sinh hoạt hoặc nhận xét của mình đối với "thường thức". Tự xác định đề bài, tự xác định thể loại, bài làm không được dưới 800 chữ.

Bài văn đạt điểm tối đa của thí sinh tỉnh Quảng Đông

Nhan đề : "Thường thức thế này".

Bài làm:

Sáng sớm, giám đốc vừa bước vào văn phòng, Tiểu Lý đã lẻn ngay vào, tay bưng một cốc nước chè Thiết Quan Âm đang bốc hơi, đưa đến trước mặt giám đốc một cách nịnh khéo, rồi nói khẽ với vẻ huyền bí: "Thưa giám đốc, em xin thương lượng với giám đốc một việc ạ, có thể đổi Từ Khoa trưởng thay ông sư phụ đang dạy nghề cho em không ạ?" Giám đốc không hiểu sự tình, hỏi lại: "Sao? Có phải là Trương sư phụ quá khắt khe với cậu phải không?" "Dạ, không phải ạ, kinh nghiệm của Trương sự phụ rất giàu, kỹ thuật rất thành thạo, sư phụ tốt như vậy nên dành cho Tiểu Vương ạ." "Được, không thành vấn đề."

Thì ra là, Tiểu Lý và Tiểu Vương đều là công nhân mới đến học nghề, nhà máy phân công hai sư phụ đến dạy nghề cho hai người. Ban đầu, nhà máy sắp xếp Trương sư phụ xuất sắc nhất đến dạy nghề cho Tiểu Lý, nhưng không biết nguyên cớ vì sao mà Tiểu Lý lại yêu cầu đổi sư phụ.Khi việc đào tạo dạy nghề bắt đầu. Trương sư phụ quả là người thầy giàu kinh nghiệm, ông yêu cầu Tiểu Vương rất nghiêm khắc, công việc làm chưa tốt liền yêu cầu Tiểu Vương phải làm lại, cho dù chỉ vì răng cưa chưa được nhẵn bóng thôi là ông lại buộc Tiểu Vương làm lại từ đầu; nếu phạm sai lầm thì bị phạt rất nghiêm, phạt không cho ăn cơm là chuyện bình thường; Ngoài ra, ông còn yêu cầu Tiểu Vương phải đọc rất nhiều cuốn sách lý luận, phải nắm bắt thật thấu đáo những lý luận trong sách. Ngày nào Tiểu Vương cũng mệt đến bở hơi tai, hễ đặt lưng xuống giường là ngáy như sấm. Ngược lại, Tiểu Lý lại rất tự do nhàn rỗi, ngày nào Tiểu Lý cũng bám sát Từ Khoa trưởng ra ra vào vào, tiếp đón mời chào khách khứa bạn bè, chẳng học được bao nhiêu kỹ thuật cả, nhưng lại kiếm chác được nhiều cái bở. Tiểu Vương thấy vậy, cảm thấy rất khó hiểu.

Một hôm, Tiểu Vương có dịp đến gần với Tiểu Lý, liền hỏi thẳng ngay: "Tớ với cậu cùng là lính học nghề, cớ sao mà cậu lại nhàn rỗi như vậy?" Tiểu Lý cười hề hề, ghé sát tai Tiểu Vương nói nhỏ rằng: "Cái cậu này, thật chẳng biết cái gì cả. Xã hội ngày nay, coi trọng nhất là các mối quan hệ, chứ đâu phải là kỹ thuật. Họ hàng của Từ Khoa trưởng làm quan to, mấy hôm nay tớ đi theo ông ấy quen biết nhiều nhân vật có tầm cỡ đấy nhé, ông ấy còn bảo rằng, chờ khi nào ông làm giám đốc sẽ đề bạt tớ làm phó giám đốc, quen biết nhiều người, sử lý tốt các mối quan hệ mới có tương lai, đây là thường thức, cậu biết không?" nói xong, Tiểu Lý vỗ vỗ lên vai Tiểu Vương, rồi thong thả bỏ đi.

Tiểu Vương kể lại cho Trương sư phụ nghe, Trương sư phụ hết sức bực dọc nói: "Thường thức? Thường thức cái con khỉ. Chính vì xã hội hiện nay xuất hiện hiện tượng móc nối quan hệ, ai cũng cố́ đi tìm kiếm mối quan hệ, mới nảy sinh ra hàng đống giun dế vô học trống rỗng, mới gây nên hiện tượng những nhân tài thật sự bị chôn vùi. Cháu đừng có nghe Tiểu Lý nhé, Nhà nước rất cần kỹ thuật, cần nhiều nhân tài, chỉ có kỹ thuật điêu luyện rồi mới có được tiền đồ. Cháu cứ học tốt vào nhé." Tiểu Vương gật gật đầu, tiếp tục ngày nào cũng thức khuya dậy sớm học nghề vất vả.

Một năm sau, kết thúc khóa đào tạo học nghề, vừa đúng vào dịp Nhà nước cần đến nhân tài kỹ thuật, vì là nhân vật xuất sắc, cho nên Trương sư phụ được đề bạt làm Giám đốc mới của nhà máy, không bao lâu nhà máy liền dấy lên phong trào "Học kỹ thuật lành nghề, góp phần cho đất nước", Tiểu Vương đã tốt nghiệp thuận lợi với thành tích lý thuyết và kỹ thuật thao tác thành thạo, được thăng cấp Kỹ sư cao cấp, lương tháng những hơn vạn nhân dân tệ. Còn Từ Khoa trưởng, do người họ hàng của ông ấy mắc tội hối lộ đã bị bắt, còn bản thân ông vì không có kỹ thuật thực tế cho nên bị thôi việc. Chiếc bàn tính của Tiểu Lý thế là đánh sai rồi, cậu ta đành phải học nghề lại từ đầu.

Nhà máy lại cử một sư phụ khác đến dạy Tiểu Lý, ngày đầu tiến hành đào tạo, Tiểu Lý lấy làm rất đỗi kinh ngạc vì người đang đi về phía mình lại là Tiểu Vương. Phải chăng? Lúc này, Tiểu Vương ghé tai nói nhỏ với Tiểu Lý rằng: "Không sai đâu, tớ chính là sư phụ của cậu đây. Tớ còn phải cho cậu biết rằng, chỉ học vấn thật tài năng thật mới có tiền đồ, đây là thường thức, biết chưa?"

Tiểu Vương vỗ vỗ vào vai Tiểu Lý, mỉm cười nhìn vẻ ngỡ ngàng của Tiểu Lý.

Lời bình: "Thường thức thế này" là bài văn thuật chuyện hay hiếm có trong mùa thi tuyển năm 2009 của tỉnh Quảng Đông. Bài văn này thông qua câu chuyện hai thanh niên mới bước chân vào nhà máy học nghề theo sư phụ với thái độ khác nhau, đã châm biếm và phê phán hiện tượng coi việc móc nối quan hệ xã hội, nhờ quan hệ này nọ để được phát triển là "thường thức", đã phản ánh nghĩa lý cái gọi là thông minh của một số người nào đó sử sự theo "thường thức " như vậy, cuối cùng rồi cũng chẳng làm nên tích sự gì. Đề bài yêu cầu thí sinh kể lại sự từng trải và nhìn nhận của mình liên quan đến thường thức, bài văn này rất bám sát yêu cầu của đề bài, chủ đề rõ ràng, lập ý sâu sắc, có tính phê phán xã hội tương đối mạnh.

Hình thức trình bày và kỹ xảo của bài văn này cũng đáng khen, trước hết là tự đặt đề bài rất có trình độ, sử dụng hai chữ "thế này" đã tỏ rõ thái độ phê phán và châm biếm. Hai là, cấu tứ của bài văn rất khéo léo, từ cái nhỏ thấy được cái lớn; kết cấu bài làm chặt chẽ, cẩn trọng, có đầu có đuôi; Thí sinh đã thuật lại một cách rõ ràng, xúc tích quá trình từ nguyên nhân, diễn biến, phát triển và kết quả của sự việc. Kết cục của sự việc vừa bất ngờ lại vừa hợp tình hợp lý, có hiệu quả châm biếm mạnh mẽ. Ba là, sự miêu tả về ngôn ngữ, động tác, thái độ của từng nhân vật trong câu chuyện rất sinh động, chính xác và hấp dẫn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top