Bai tho ve hanh phuc

Mười sáu tuổi, tôi theo gia đình vào Suối Nghệ. Mười bảy tuổi, tôi bắt đầu tập tễnh làm thơ. Nhà tôi chỉ có hai anh em và má. Má tôi rất thích thơ. Tôi biết điều đó tại vì hồi nhỏ má thường ru tôi ngủ bằng thơ mà! Chính vì lẽ ấy mà bây giờ tôi không lấy làm ngạc nhiên là tôi cũng biết làm thơ ! Chỉ riêng có anh Lâm là chúa ghét thơ. Bởi vậy cho nên điểm môn văn của anh ấy là toàn gậy với gộc.

Tôi nhớ có một lần anh Bình đưa cho anh Lâm một bài thơ gì đó, gọi là hay lắm! Anh Lâm xem xong, lầm bầm câu gì không rõ rồi đút xuống gầm gường.

Một buổi trưa tôi hì hục moi ra từ cái "khung trời" hỗn độn ấy một mảnh giấy đã úa vàng. Anh Lâm hét lên: "Gái!"

Tôi nhe răng cười: - Em hỗng có lục thư của anh đâu mà sợ!

"Sợ gì!" - Anh Lâm chồm lên, chụp lấy tay tôi, giật mạnh. Mảnh giấy đứt hai, chao mình, rơi xuống đất.

Anh Lâm à lên một tiếng nhẹ nhõm rồi lắc đầu:

- Đồ khùng! ngày đến tối cứ thơ với thẩn, tao méc má cho coi!

Rồi anh lườm tôi: "Bộ mi thích bài thơ đó lắm hả!". Mặt anh lúc đó nghiêng nghiêng về một bên, trông phát ghét! Tôi nổi khùng thật sự. Quai hàm bạnh ra, tôi hét lên trả đũa: - Tui cũng méc má cho anh coi!

Có lẽ tiếng hét của tôi còn to hơn tiếng của anh Lâm nên lúc tiếng coi vừa phóng ra khỏi miệng, giọng tôi đã vỡ, ùa ra thành tiếng khóc: Hu! hu hu!...

- Thôi, thôi, thôi!

Anh Lâm hoảng hốt xua xua hai tay còn hai chân xỏ lẹ vào đôi dép nhựa và phóng lên xe. Đến đầu sân, anh ngoái lại:

- Thôi nín đi mà! Mít ướt!

Và anh cút đi. Tôi nghe trong làn gió:

- Nói má ba giờ anh về.

Buổi chiều, anh Lâm về. Má tôi vừa têm trầu vừa hỏi: "Sao trễ vậy con?". Anh Lâm nhìn sang tôi, cười cười.

- Tụi con ráng giải cho xong bài toán, má à!

Và anh nháy mắt với tôi. Tôi lầm bầm bưng rổ rau ra hiên ngồi rữa. Tôi nghe má "khảo" anh:

- Anh em ở nhà xéo xắt nữa phải không Lâm?

- Dạ đâu có!

- Sao má thấy mặt em Gái ỉu xìu vậy?

- Dạ, con cũng không biết nữa!

Tiếng má thì thầm. Tôi cố căng tai ra, nghiêng đầu... Tôi chỉ nghe loáng thoáng: "... lớn rồi... yêu thương nhau mà sống... học hành ... đừng để... con không cha...".

Tôi nghe tiếng khóc của anh Lâm.

Đêm. Trăng lên. Trăng mười sáu. Trăng mênh mông và mát lạnh. Tôi tựa lưng vào thành giếng, nghĩ tới lời nói má lúc ban chiều.

Ba mất khi tôi tròn ba tháng tuổi. Năm đó anh Lâm cũng vừa lên bốn. Má ẫm hai con trở về Tiên Phước. Bữa sắn, bữa cơm ...

- Gái!

Một cái gì giống như chiếc lá cọ vào gáy tôi, ngọ nguậy. Anh Lâm. Tôi chùi mắt : "khóc nữa hả!". Tôi bỏ đi. Cái lá chạy theo, cọ vào má tôi: - Anh đền cho nè!

Tiếng anh như van lơn. Tôi mềm lòng:

- Đền cái gì?

- Bánh.

- Xạo!

Anh Lâm bật cười dúi vào tay tôi:

- Giỡn chơi, đây nè! Anh năn nỉ gần chết thằng Bình mới chịu chép cho.

Tôi cầm tờ giấy trên tay chạy vội vào nhà:

- Hèn chi hồi chiều! Ồ, anh Lâm tội quá!

Vậy là ngày hôm sau, tôi đã có trong tay hai bài thơ mới: Một của Dương Hương Ly và một của tôi. Tôi chìa bài thơ của tôi cho anh Bình xem, mũi phập phồng... Lúc đó cả anh Bình và anh Lâm đang bàn cãi nhau. Anh Bình bảo:

- Nhà Lan ở đường 23! Tao biết.

Anh Lâm chui mũi:

- Biết cái khỉ khô!

- Sao hông biết! - Anh Bình phùng má lên. Tôi thấy trái cóc trên cổ anh đang trổi lên, tụt xuống. Tôi muốn binh anh qua chừng mà không biết phải làm sao. Mà tôi cũng tức nữa! Mặc kệ nhà cô Lan cô Liếc nào đó! Có vậy mà cũng cãi nhau.

Anh Lâm đưa tay ra:

- Cá nè! Một chầu yaourt! Tao đã đạp xe đến tận nhà.

Anh Bình nhìn sang tôi: "Bao luôn Gái nữa?" Anh Lâm giật đầu. Tôi thấy anh Bình cũng đưa tay ra. Cái ngón trỏ cong lai: Rồi!

Anh Bình hỏi anh Lâm:

- Mày vào nhà luôn?

- Không.

- Thế lúc đó mày làm gì?

- Tao về.

- Trời đất! Ha, ha, ha ... Anh Bình phá lệ cười, hay tay vỗ đồm độp xuống măt. bàn:

- Lầm rồi ông ơi!

Anh Lâm trợn mắt:

- Sao lầm?

- Chứ sao không! Tao hỏi mày nè! Trước nhà nàng có cây gì?

- Cây mít.

- Cây gì nữa?

- Chịu! Lúc đó nàng vào nhà còn tao phải quay xe về thôi. Mấy con chó dữ quá!

Nói xong, anh Lâm ngồi thừ người ra, nghĩ ngợi. Khuôn mặt đỏ bừng. Anh Bình thôi cười, quay sang tôi:

- Thơ của Gái hả đâu, đưa anh xem!

Tôi hí hững: - Đây nè, hay hơn mấy bài trước.

Tôi chăm chú nhìn vào mắt anh Bình. Đôi mắt của anh đang mở to, mở to... Anh ngước lên:

- Ủa! Sao giống.

- Giống gì? - Tôi ngơ ngác.

- Giống bài thơ của Dương Hương Ly anh chép cho Lâm quá vậy!

- Đâu có giống!

Tôi cãi lại, cảm thấy phật ý. Anh Bình nhìn tôi:

- Ừ, thì không giống. Nhưng em chỉ cần sửa lại một chút thôi, ví dụ như...

Tôi mong ngày chủ nhât.. Bởi vì ngày ấy anh Lâm sẽ trở về nhà sau một tuần ở trọ. Rồi chủ nhật cũng tới. Anh Lâm về, có cả anh Bình. Cả hai đều gầy đi trông thấy. Tôi biết cả hai đang mất ngủ cho kỳ thi vào đại học.

Anh Bình lôi trong cái túi da đã sờn ra một bịch ni lông:

- Cóc! Tôi reo lên.

- Không phải cóc. Khế! Anh Bình nheo mắt, cười và đưa tay sờ vào cục u giữa cổ: "Cái này mới là cóc nè!". Tôi ôm bịch cóc phóng ra sau nhà. Cái mặt nóng bừng bừng. Anh Lâm nói với theo: "Ăn chua như quỷ ấy!". "Kệ! Làm quỷ mà được ăn chua... thì quỷ hay ma gì cũng được".

Ngày anh Lâm và anh Bình nhận giấy báo vào đại học, tôi là người vui nhất. Một, tôi vui vì hai anh của tôi đậu vào đại học, đó là lẽ đương nhiên! Hai, ngày hôm đó bài thơ của tôi được anh Bình thưởng cho một quyển sổ màu xanh kèm theo một bịch ổi to tướng, anh Bình bảo: "Cuốn sổ là để Gái chép thơ".

Má anh Bình may cho anh một cái áo mới. Má tôi may cho anh Lâm một cái quần tây, màu nâu sẫm. Anh Lâm đưa bàn tay vuốt vuốt cái áo kẻ ô, nói với anh Bình:

- Cái áo này đi với quần của tao là nhứt!

Anh Bình gật gù:

- Ừm! ừm! Tao bữa, mày bữa.

Tôi biết hồi còn đi học, hai anh đều mặc chung đồ và rất thân với nhau. Một bữa khác, anh Bình bảo tôi đưa cho anh đọc lại bài thơ lần nữa. Bài thơ có tất cả mười bốn câu. Tôi chép trong một tờ giấy học trò. Anh Bình chỉ đọc một loáng là xong. Anh lật qua, lật lại tờ giấy. Lần nữa, lần nữa, rồi nhắm mắt. Tôi tưởng anh ngủ. Bỗng dưng anh mở mắt ra:

- Gái biết hạnh phúc là gì không?

Tôi triết lý:

- Hạnh phúc là... là một khái niệm quá mơ hồ, không hiện hữu. Nó khó tìm, chợt đi, chợt đến...

Tôi cố vặn óc nhớ xem cái câu đó nó ở trong cuốn sách nào nhưng không nhớ nổi. Cái kim đâm vào tay nhức buốt. Trời! Hạnh phúc. Sao mà khó vô cùng.

- Còn anh? Tôi hỏi lại.

Anh Bình cười, bẻ ngón tay kêu rắc rắc:

- Anh thấy Hạnh phúc đâu có khó tìm, đâu có chợt đi, chợt đến...

- Vậy chớ nó ở đâu?

Tôi tò mò nhìn anh Bình. Cây ghi ta trên tay anh khẽ rung lên những âm thanh vui tai, nhảy nhót:

- Ở đây.

Anh nhìn sâu vào mắt tôi, một thoáng. Tôi quay đi:

- Em không giỡn đâu!

Anh Bình cười, chỉ tay vào thùng đàn và treo trên vách:

- Gái không tin sao? Hạnh phúc nó ở quanh đây, chỉ tại em không nhìn thấy.

Và anh bước ra. Tôi nhìn cây ghi ta trên vách. Nó cũng đang nhìn tôi:

- Gái không tin sao? Hạnh phúc...

Một tháng sau, anh Lâm và anh Bình lên đường đi học. Hai anh sẽ đạp xe xuống Bà Rịa rồi từ đó đón xe đi Sài Gòn. Hôm tiễn đưa, có cả cô Lan, cô Hồng, cô Huệ và nhiều người bạn nữa. Các cô đều là bạn chung trường với anh của tôi. Cô Lan có cặp mắt to tròn, vừa cười vừa dúi vào tay anh Lâm một cái gì đó dài dài. Tôi đoán có lẽ một phong Sôcôla. Anh Lâm ghiền sôcôla lắm!

Cô Hồng cứ bẹo má tôi bảo tôi giống em cô ở nhà. Tôi nghĩ hoài không biết em cô Hồng có một cái nuốt ruồi trên mắt như tôi không? Cô Huệ có mái tóc dài thật là dài. Cô ấy là con của ông chủ tiệm vàng Kim Minh chợ Quang Phước. Cô Huệ giành chở dùm cái túi xách cho anh Bình.

Tôi cảm thấy buồn buồn mà không biết buồn vì cái gì. Tôi không đi tiễn. Tôi nhét vào xách anh Lâm hai cục xà bông tôi mua chiều hôm qua bằng tiền để dành... hai tháng trước cùng với một phong chuối ép. Anh Lâm bẹo má tôi:

- Ở nhà đừng nhõng nhẽo với má nhe cô nương! Lớn rồi!

Nói xong anh vỗ vỗ vào cái túi xách. Cái mũi hít hít:

- Á à! Chuối! Chuối! Bình ơi!

Tôi chuồn ra sau vườn, băng qua vườn của cô Thơm. Tôi chạy xuống đồng.

Ba tháng sau anh Lâm về thăm nhà. Anh đem về cho tôi một cái kẹp tóc có hình con bươm bướm. Anh bảo:

- Em kẹp cái kẹp tóc này chắc đep.. Đừng có thả bù xù nữa!

Tôi cầm cái kẹp tóc và nhìn ra ngoài đầu ngõ. Nắng chiều vàng hơn mọi bữa. Cây mít lá cũng vàng hơn mọi bữa. Tôi không hỏi vì sao anh Bình không về.

Sang ngày thứ hai, buổi sáng, anh Lâm đưa tôi một quyển sổ màu tím nhạt:

- "Gái! Thằng Bình nó nhờ em chép giùm cho nó cái bài thơ hôm trước". Tôi nhăn mặt: "-Dể làm chi vậy?"

Anh Lâm lắc đầu, cười:

- Có trời biết! Hắn nói đọc thơ cho đỡ nhớ nhà!

Ngày sau nữa, anh Lâm trở về Sài Gòn. Bài thơ của tôi cũng về thành phố. Tôi chợt mỉm cười khi nghĩ tới lúc anh Bình đọc nó - bài thơ "của tôi":

... Hạnh phúc là gi?

Bao lần em lúng túng

Hỏi anh Lâm hoài, nghĩ mãi cũng không ra!

Chờ đến ngày cất bước đi xa ....

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #asdasdasd