Chương 8: Thực Địa Ngày 13 Tháng 6

Tôi còn nhớ những ngày tháng Sáu vừa dứt mùa thi cử ấy là những nhộn nhịp của đám con gái trong nhóm tôi. Bọn chúng tôi tíu tít đi sắm sửa quần áo hoặc không sắm thì là sắp xếp trước trong đầu những món đồ sẽ mặc, những vật dụng sẽ mang theo. Đêm ngày mười hai ấy, hai đứa bọn tôi, tôi và Nhi lục tung khắp tủ quần áo, chuẩn bị túi tắm và cho hết những vật dụng cần thiết vào đến nỗi bao lớn bao nhỏ rất là buồn cười. Chúng tôi ngoài một cái ba lô thì mỗi đứa còn cầm theo một cái túi bằng nhựa nữa. Phải nói những dịp đi chơi chung cả lớp là lúc mà bọn con gái thi nhau khoe sắc. Hoa nào mà chẳng muốn thơm đâu nhỉ. Sau khi mọi thứ xong xuôi, Nhi nhắc tôi đi ngủ sớm để sáng sớm mai, ngày mười ba lên đường nhưng ngày nào mà tôi không có một thói quen là nhắn tin với Mỵ. Hồi ấy, bọn tôi nhắn tin với nhau suốt, nhắn đến tối muộn còn chưa chịu đi ngủ.

- Mỵ có mang gì nhiều đồ không? - Tôi nhắn tin hỏi Mỵ trên Messenger.

- Vừa xếp đồ cả một cái ba lô to. - Cô nhắn lại.

Đấy, đứa con gái nào mà chẳng như vậy. Là con gái, thì ai cũng như nhau thôi. Cho dù có người cố gắng gồng mình để trở nên mạnh mẽ thì bản chất của họ vẫn là giống cái, vẫn mang những đặc tính của giống cái. Bởi chẳng phải vô nghĩa mà tạo hóa lại sinh ra Adam và Eva. Lúc trước, tôi là một kẻ rất một và hai. Hồi đấy tôi nghĩ không có sự phân chia đàn ông hay đàn bà gì cả, loài người ai cũng giống như nhau và bình đẳng, ai cũng có những bản chất của con người giống nhau và không có gì khác biệt. Nhưng bây giờ tôi nghĩ, đúng là đàn ông và đàn bà nhìn nhận vấn đề khác nhau thật, tất cả nằm ở tạo hóa. Tương tự như chuyện của chúng tôi, làm thế nào mà hai đứa con gái có thể thích nhau được chứ? Cũng giống như chẳng ai hỏi tại sao trời lại mưa hay tại sao lại có núi có sông có biển ấy. Tất cả là vì tạo hóa mà thôi. Những điều mà khoa học đang cố gắng giải thích cũng chỉ là cách để con người tự thỏa mãn mình. Có những thứ mà người ta vẫn chẳng thể lý giải nổi mà.

Đêm dài trôi qua cùng những dòng tin nhắn và giấc ngủ vội cũng đến lúc phải nhường chỗ cho bình minh. Ba lô lớn nhỏ, tôi cùng Nhi đi đến trường nơi các bạn đã tập trung trước cổng. Từ phía xa, tôi đã có thể nhìn thấy hai chiếc xe khách dạng năm mươi chỗ ngồi đã đậu sẵn và các anh con trai thì hăng hái đi bê mấy bình nước 20 lít lên xe. Mỗi nhóm kiểm tra lại đồ nghề và cử hai người lên văn phòng khoa lấy địa bàn và thước dây. Tôi và Nhi đứng về phía nhóm bọn tôi chờ cho đến khi mọi người đến đủ và sẵn sàng để khởi hành. Tôi không biết lớp cấp ba của những người khác thế nào, có đoàn kết không; không phải do lớp của tôi không đoàn kết mà là ba năm cấp ba, tôi đã sống như một kẻ ngoại đạo. Tôi không chơi với ai cũng chẳng giao tiếp với người nào. Trong đầu tôi luôn là những giọng nói của chính tôi, gọi lấy tên tôi, an ủi chính tôi và dẫn lỗi tôi đi trong suốt các quyết định của mình. Lên đại học, tôi mới bắt đầu nói chuyện với những người khác và cũng từ đó, tôi đã hiểu được trong bất kì tập thể nào thì nó cũng là một xã hội thu nhỏ, có đủ các loại người và đầy những câu chuyện thú vị để người ta rỉ tai nhau. Lớp đại học của tôi cũng vậy, người ta chơi với nhau thành từng nhóm. Nhóm này đứng bên này, nhóm kia đứng bên kia, cứ nhìn qua nhau và các thành phần xỉa xói của từng nhóm sẽ bàn tán với nhau về đối tượng của nhóm bên kia mà họ để ý.

Mỵ hôm ấy mặc một chiếc áo khoác màu đỏ đô, cô đội một chiếc nón lưỡi trai màu xanh xen lẫn cam, có lẽ là một tặng phẩm của bia Tiger, vẫn như một chú chim thoăn thoắt như thường ngày. Trước sự có mặt của cả lớp và sự giám sát của Nhung thì bọn tôi chẳng thể nào mà bay đến lại gần nhau được. Lúc ấy, Mỵ với tôi giống như những chú gà bông, chỉ dám đứng đằng xa nhìn nhau mà tim loạn nhịp vậy. Tôi ước gì cái cảm giác ấy một lần nữa lại sống dậy trong chúng tôi nhưng những xa vời của ba năm trước so với bây giờ cứ như hai điểm của một đoạn thẳng, chằng thể nào mà uốn cong lại thành hình giọt nước được, uốn rồi sẽ gãy thôi.

Bánh xe dừng lại mặt đường được chốc lát khởi động đã lại lăn đều cho một chặng đường dài. Những tòa nhà của thành phố, của con đường Lê Văn Sỹ cứ thế băng qua đều đều từ phía khung cửa sổ. Cái thành phố mà tôi vừa yêu vừa ghét. Tôi luôn bị ám ảnh bởi những thứ như là đèn đường thành phố về đêm và những tòa nhà chọc trời. Sức ảnh hưởng ấy truyền vào tôi từ khi tôi còn là một cô bé 17 tuổi, lần đầu tiên mò đến với văn học linglei. 17 tuổi, người ta còn vô tư trong sáng với những niềm vui từ mối tình học sinh, với thầy cô và bạn bè, thì tôi lại tìm đến văn học để thỏa mãn tâm sinh lý của mình. Tôi thích đọc những thứ về sự tối tăm, những thứ phản ảnh thực trạng xã hội và những điều uẩn khúc của thế kỷ. Như tôi đã từng nói, tôi thích văn học Trung Quốc. Tôi cũng đọc những tác phẩm văn học Âu Mỹ, cũng từng trải qua vài cuốn truyện kinh dị Nhật Bản nhưng số lượng ấy so với văn học Trung Quốc trong đời tôi thì chẳng đáng là gì. Lúc đọc Rừng Nauy, tôi ghen tị với nhân vật chính Toru lắm. Tôi ghen tị vì vốn hiểu biết của tác giả về nền văn học và sân khấu của trời Tây. Tôi cảm thấy mình vô dụng vì sự kém hiểu biết của mình. Tôi cố gắng khiến mình trở nên tri thức bằng cách viết lách giống như vậy, nêu tên những tác giả mà thậm chí mình còn chưa từng đọc tác phẩm nào của họ để thấy mình thuộc vào tầng lớp đó. Nhưng vô dụng. Vì tôi chẳng có gì cả. Thế nên, khi viết cuốn sách này, đừng chê trách vì sự kém hiểu biết của tôi, và cũng đừng nói với tôi đam mê văn học Trung Quốc là một điều ghê tởm. Vì đơn giản là tôi thấy thoải mái với điều đó.

Vệ Tuệ là người đã dẫn lối tôi trong từng dòng chữ mà tôi viết. Dù cô chỉ là một tác giả trẻ, sức ảnh hưởng cũng chẳng là bao, nhưng trong mắt của cô gái 17 tuổi năm ấy, thì cô chính là biểu tượng cho cái bản ngã mà cô bé ấy cảm thấy trong thâm tâm mỗi ngày. Những tư duy năm ấy đã khiến cuộc đời của tôi ám một màu sắc hơi bi quan về những định nghĩa của tình yêu và về khao khát vươn lên của một thành phố trong sự phát triển.

Trên hành trình rời khỏi Sài Gòn ấy, tôi ngồi cạnh Diệu, lúc ấy, là bạn thân nhất với tôi. Tôi có thể kể cho cô bạn ấy nghe mọi thứ, về tôi và Mỵ, về những nụ hôn giữa chúng tôi mà không nhận được sự ghê sợ. Và tôi cũng chẳng sợ là cô sẽ kể với ai cả. "Minh nghĩ nó sẽ là người con gái duy nhất mà Minh yêu"- Tôi nói với Diệu. Cô đáp lại.-"Có một lần rồi sẽ có lần thứ hai thôi". Tôi cảm thấy Diệu có thể thấu hiểu tôi bất cứ lúc nào, vì có lẽ cô là con người như vậy, có thể nắm bắt được thứ mà đối phương muốn. Hồi chưa thân với nhau, Diệu luôn hào hứng nghe tôi kể về những bộ phim và những câu chuyện mà tôi đã xem và đã đọc. Hoặc là do nỗi đau đớn còn dai dẳng của một mối tình khiến cô phải tìm đến phim và truyện như thế, và vô hình chung tôi lại là người có thể cung cấp những điều đó cho cô, có lẽ vậy nên bọn tôi mới chơi với nhau. Có phải bạn đang thắc mắc tại sao tôi lại không ngồi với Nhi à?

Như tôi đã từng nói, khi lên lớp, tôi và Nhi đều có những cạ cứng khác. Với Nhi là Mai Ngọc Nhi, và với tôi là Diệu. Diệu và Nhi không hề ưa nhau. Nhiều lúc Diệu nói với tôi về Nhi, về bản chất của cô nàng. Và Nhi cũng vậy. Tôi cứ như là người đứng giữa. Tâm hồn tôi không có những suy nghĩ như vậy, tôi không giỏi nhìn một người và biết được họ thế nào. Tôi chỉ biết nếu họ tốt với tôi thì tôi sẽ thấy vui thôi. Tôi không biết cách nghĩ xấu về người khác. Sự không ưa nhau này giữa hai người có lúc đã vô tình trở thành một trong những nguyên nhân khiến tôi không ở chung với Nhi nữa. Nhưng đó là chuyện của rất lâu sau đó, mà tôi còn cần cả một quãng thời gian dài để kể.

Xe lăn bánh mãi, những thành phần pha trò của lớp tôi mở nhạc quẩy EDM, nhảy múa loạn xạ cho đến khi mệt thì thôi. Ồn ào nhưng sinh viên đứa nào mà không vậy. Tuổi trẻ có bao nhiêu đâu, thầy cô cũng hiểu điều đó mà. Người tóc bạc, người thì mái đầu còn xanh nhưng đã quá ba mươi, nhìn thấy từng lứa sinh viên quậy banh nóc như vậy thì lại thấy thương nhớ một thời tuổi trẻ, đâu tàn nhẫn đến nỗi cấm cản làm gì chứ. Phụ trách xe tôi là thầy Dậu, người thầy Địa mạo mà tôi đã kể ấy. Thầy nói giọng Bắc, đẹp trai kiểu thư sinh và vô cùng hiền hậu. Câu hỏi mà mấy đứa con gái lớp tôi hay kháo nhau là thầy đã có vợ chưa. Cán bộ hướng dẫn của chúng tôi là thầy Văn, thầy Thạch học mà tôi cũng đã kể. Toàn những gương mặt quen thuộc.

Đường xa, nhạc hay để quẩy nên xe đến lộ điểm thứ nhất cũng nhanh như trở bàn tay. Lộ trình buổi sáng hôm ấy của chúng tôi là tuyến thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng Nai với ba lộ điểm là Hồ Long Ẩn thuộc khu du lịch Bửu Long, cầu Đồng Nai và mỏ đá Soklu. Đang được xe chở bon bon thì khi xuống xe bọn tôi phải đi bộ. Lần đầu cái gì chẳng khó khăn, đi bộ ở khu du lịch Bửu Long cũng chẳng là gì so với những lộ điểm khác sau đó mà chúng tôi phải đi. Thầy cô chúng tôi kể ngày xưa đi thực địa toàn bộ là đi bộ, len lỏi vào cả trong rừng rú chứ có phải như chúng tôi bây giờ, có xe đưa rước tận nơi đâu.

Những lộ điểm đi qua tôi đều chẳng được gần Mỵ nhiều hơn là một phút, hoặc cũng chỉ là thấy bóng dáng nhau rồi thôi. Vì đi thực địa chứ không phải đi du lịch nên ai cũng có việc tấp nập để lo. Vừa phải chạy đi kiếm bóng dáng thầy để chép chữ, vừa phải kiếm đá đo thế nằm, vừa phải canh chừng để ý xem cái địa bàn nằm ở đâu. Nhóm tôi đã mấy lần hú vía vì không biết để địa bàn ở đâu rồi vì mất là phải đền mà. Những thứ đồ kỹ thuật này hiếm, đền chắc cũng kha khá tiền của, vậy là nó được quý như vàng vậy. Tôi còn nhớ lúc bọn tôi đang xem mẫu cuội kết ở gần hồ Long Ẩn thì Mỵ cũng đứng đó gần tôi. Tôi lia máy chụp cô nàng một tấm nhưng cô đã vội che mặt lại, thế rồi chỉ trong tích tắc mà cô mất hút. Sau khi đi hết ba lộ điểm của buổi sáng ngày 13 tháng 6, bọn chúng tôi dừng lại ăn trưa tại một nhà ăn ven đường lộ có không gian rất lớn. Vì là đột xuất, có lẽ thầy cô quên chuẩn bị bữa trưa hôm đó, nên nhà ăn này hôm nay tất bật, sở không kịp đến nỗi bọn sinh viên chúng tôi đều tự phục vụ phần ăn cho mình. Khi tôi bước vào nhà bếp, tôi thấy có đứa múc canh, múc rau, lấy đĩa muỗng. Hình ảnh đó khiến tôi thấy vui kì lạ. Tôi bỗng cảm thấy yêu những đứa sinh viên này đến sợ. Tôi không biết những đứa ấy là ai nên chắc chắn là thuộc lớp cao đẳng khóa 07 rồi.

- Lấy giùm cô cái môi với. - Cô chủ gọi với ra với một anh bạn.

Anh bạn lúng túng ngờ nghệch hỏi: - Cái môi là cái gì ạ?

Đứa bạn đứng kế bên nói: - Cái vá ấy.

Tôi không biết gì nhiều về Đồng Nai nhưng tôi đoán người Đồng Nai cũng giống như Vũng Tàu, hầu như là dân Bắc. Tôi cũng là một đứa con gái gốc Bắc, tôi nói giọng Bắc và dùng những từ ngữ của người Bắc dù rằng đã có chút lai tạp. Nhà tôi gọi là cái muôi, chứ không gọi là cái môi. Sau này, có lỡ đi ăn với bạn hay với Mỵ, thì tôi đều gọi cái múc cơm, như vậy cho đỡ phải dùng từ miền nào cả. Mỵ là người miền Tây. Hồi trước, khi tôi còn bé hơn, không hiểu sao mà tôi thấy sợ người miền Tây và những đứa xóm liều lắm. Hình ảnh về người miền Tây trong tôi như là những gì tôi thấy về những đứa xóm liều vậy dù tôi chưa từng gặp ai miền Tây bao giờ. Tôi nghĩ đến người miền Tây như là những kẻ đen nhẻm, nhem nhuốc, nghèo khó và bụi đời. Quá trình mài đít ở đại học đã cho tôi thấy một chân trời mới. Vì đa phần lớp tôi là người miền Tây và đứa nào cũng đẹp trai xinh gái, giỏi giang và nhà giàu cả. Yêu một người miền Tây, dần dần khiến tôi thấy yêu miền Tây, lại cũng là tôi chưa từng đến miền Tây sông nước bao giờ.

Người miền Tây để lại ấn tượng cho người khác là những kẻ nát rượu, uống rượu thay cơm, kiểu như vậy. Trưa hôm ấy, tại quán ăn có một cái TV và có một trận bóng đang được phát sóng. Lúc Mỵ và tất cả mọi người đang tập trung xem thì nhóm bọn tôi lại ngồi ở một góc và nói xấu Nhung.

- Nhung nó có biết gì đâu. Nó thấy người ta coi nó cũng làm bộ coi ấy mà. - Một cô bạn nói.- Đã nhìn thấy Mỵ uống rượu bao giờ chưa? Nó uống ghê lắm ấy. Nó còn hút thuốc nữa.

Tôi không hiểu sao mà người ta rất thích nói những thứ hư về Mỵ cho tôi nghe. Hết chuyện thằng bạn tôi nói Mỵ là đứa đầu đường xó chợ hay đi đánh nhau thì lại đến người này nói với tôi những điều như vậy. Về Mỵ, tôi biết hết chứ. Tôi biết là cô có uống rượu và cũng có hút thuốc. Nhưng với tôi, cô là đứa sẵn sàng thử nghiệm mọi thứ để thể hiện cái gì đó với bản thân cô, chứ chẳng phải là một đứa hư đốn gì. Bỏ ngoài tai những lời nói đó, tôi chỉ biết chăm chú nhìn Mỵ, tôi thấy đôi mắt long lanh hạnh phúc của cô đang ngước nhìn lên màn hình TV và đó là tất cả những gì tôi thấy, không hơn không kém.

Nghỉ trưa được một chút thì bọn tôi lại tiếp tục lên đường đến ba lộ điểm khác là Định Quán, mỏ đá Lộc Châu và Đại Lào. Định Quán là một khu vực rất độc đáo, đặc trưng cho vùng chuyển tiếp về địa mạo từ đồng bằng lên núi cao. Những hòn đá ở đây rất nhẵn và tròn trịa mà trong ngành chúng tôi gọi là bị bóc vỏ hóa tròn do hoạt động ngoại sinh; nghĩa là do các tác nhân bên ngoài như thời tiết, mưa, gió bão làm những tảng đá bị bào mòn. Ở đây có tảng đá ba chồng mà bọn tôi thi nhau chụp hình sống ảo. Tôi có chụp một tấm từ đằng xa với hai ngón tay tôi đặt trên chóp của tảng đá như thể tôi đang cầm nó vậy.

Đến Định Quán vào lúc trưa lai chiều, chắc khoảng 2, 3 giờ, là thời điểm nắng nhất trong ngày nên bọn tôi vừa nóng, vừa mồ hôi đầy mình, dễ gây bực bội. Chắc là như vậy mà khiến cho tâm trạng con người bị kích thích và vô hình chung làm cho xích mích giữa tôi và Nhung bùng lên, khơi mào cho những đấu đá sau này. Chẳng hiểu sao vì chuyện thước dây thôi, hình như là thước dây được dùng chung cho cả lớp tôi mà tôi và Diệu lại giữ nó. Có lẽ vì khi nhóm kia cần mà không có nên mới gây lời ra tiếng vào.

- Hóa ra cái con quỷ ấy nó giấu dây. - Nhung nói bâng quơ với mấy đứa nhóm nó với vẻ xéo xắc thường thấy, nhưng mục đích là để nhắm đến tôi.

Lúc ấy tôi thấy sốc toàn tập. Tôi là kiểu người mà khi ra đường, có lỡ đi xe ngu một chút mà bị người ta chửi là tôi đã về nằm buồn rười rượi, nghĩ về chuyện ấy cả ngày. Thế nên việc công kích thẳng thừng trước mặt ấy khiến tôi thấy sốc và tổn thương tột cùng. Tôi chẳng hề giấu dây và cũng chẳng biết là nhóm nó cần. Lúc ấy Diệu đã đứng lên và bảo vệ tôi, cô nói là cô để trên xe giờ mới lấy xuống.
- Thước dây Diệu giữ. Ai cần thì nói Diệu nhé. - Diệu giơ cuộn thước dây có cái vỏ màu vàng hình tròn ấy lên cao, ra hiệu với cả lớp.
Nhung là một đứa mà một khi đã ghét là ghét ra mặt nhưng nó lại là một người bạn tốt. Chằng qua lúc ấy nó ghét tôi nên mới có thái độ châm chọc vậy thôi. Lúc ấy hai bên đều có phản ứng thù địch với nhau nên nào có nghĩ ngợi phải trái gì được chứ, ai cũng có cái lý của mình. Chuyện đấy đã là mở đầu cho tất cả những kịch tính mà hai đứa tôi gây ra suốt chuyến thực địa. Nếu có nhắc về khởi đầu câu chuyện giữa Mỵ và tôi thì không thể nào không nhắc đến Nhung được.

Hai lộ điểm còn lại là mỏ đá Lộc Châu và Đại Lào thì bọn tôi không có dịp được ghé vì đang trên đường đi thì trời đổ mưa. Tôi đoán là thầy cô cũng đã mệt rồi và chẳng ai muốn dầm mưa đi tham quan cả. Với đám sinh viên bọn tôi, cứ được nghỉ là thích nên chẳng có vấn đề gì. Chiều hôm ấy, bọn tôi ăn tối ở một nhà hàng rất hoành tráng và kết thúc ngày 13 bằng việc dừng chân tại khách sạn Huỳnh Gia Bảo ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top